Thiên Hạ Kiêu Hùng

Chương 334

Từ năm Đại Nghiệp thứ hai, từ sau khi kênh Thông Tế được tu sửa lại, con sông huyết mạch nối liền Nam Bắc này liền trở thành tiêu điểm của Vương triều Tùy. Nó đảm nhận việc cung ứng toàn bộ vật phẩm ở kinh thành. Sau khi vào thu, toàn bộ các thuyền bè từ các tổ chức của các quận huyện phía Nam vận chuyển lương thực, vải vóc, muối, dầu, củi, trà, tơ lụa, đồ sứ,…tới miền Bắc đông đúc dân cư.

Việc xây dựng xong kênh Thông Tế không chỉ giúp cho hàng hóa được lưu thông, đồng thời cũng giúp một số lượng lớn những người dân ở phương Bắc có cơ hội kiếm tiền. Do lúc tu sửa kênh Thông Tế làm tử vong số lượng lớn các nông phu, vì thế mà lao công ven kênh Thông Tế cực kỳ thiếu thốn. Mỗi năm sau mùa thu, có tới hàng chục nghìn nông dân từ phía Bắc tới các bến tàu ở kênh Thông Tế làm khuân vác, lái tàu, kiếm những đồng tiền vất vả bạc bẽo. Họ chỉ hy vọng tới lúc sang năm mới có thể mang về nhà mấy trăm tiền.

Những nông phu phía Bắc này đa số đều đồng hương tụ tập lại, khoảng vài trăm người của một huyện hoặc một xã tập trung lại, họ đề cử một người có uy vọng nhất lên làm thủ lĩnh. Một mặt có thể giúp đỡ nhau, mặt khác có thể đoàn kết lại, phòng ngừa những người bản xứ hoặc ông chủ ức hiếp.

Bến tàu huyện Kỳ quận Bành Thành là địa điểm trung chuyển quan trọng của kênh Thông Tế. Bến tàu cách thị trấn khoảng năm sáu dặm, bên cạnh xây dựng những kho hàng rộng tới trăm mẫu đất, hàng trăm kho hàng lớn đứng sừng sững, chủ yếu là kho đựng lương thực và vải vóc.

Bến tàu huyện Kỳ có hơn một ngàn lao công, chủ yếu là người đến từ hai nơi, một là huyện Khương Khâu quận Tề, một là huyện Bác Thành quận Lỗ. Hơn một ngàn lao công đều tập trung ở mấy cái thôn quanh khu kho hàng. Thu đến đông đi, đã hai năm liên tiếp rồi họ bình an vô sự không có chuyện gì với người bản xứ.

Buổi tối hôm nay, một đội thuyền do mười mấy chiếc thuyền đáy bằng lén lút từ một khúc sông nhỏ len vào kênh Thông Tế. Bề ngoài của loại thuyền đáy bằng và thuyền buồm giống nhau, nếu như để cùng một chỗ với thuyền buồm thì không có chút gì khác biệt cả. Tuy nhiên đội thuyền này rõ ràng là có vấn đề, những đội thuyền buồm thường đều có tầm trên trăm chiếc thuyền đi cùng nhau, nếu như là thuyền quan thì nhất định sẽ có cờ hiệu của các quận. Nếu là thuyền tư thì cũng sẽ có cờ hiệu của thuyền tư nhân.

Nhưng ở kênh Thông Tế chỉ có hai đội tàu tư nhân, một là hãng thuyền Vạn Ký, một là hãng thuyền Thiên Tế. Hai nhà thuyền này mỗi nhà đều có mấy ngàn thuyền vận chuyển, lũng đoạn thủy vận tư nhân ở kênh Thông Tế, tất cả các thương nhân muốn vận chuyển hàng đều phải tìm bọn họ, chịu mức phí cắt cổ. Nếu như dám tìm tới nhà thuyền nào khác để chở hàng, một khi bị hai nhà thuyền này phát hiện thì số hàng kia nhất định sẽ gặp điều xấu.

Mặc dù hai nhà thuyền này vô cùng hống hách nhưng vẫn có những đội thuyền nhỏ dám mạo hiểm nhận vận chuyển hàng hóa, tiến hành vận chuyển đoạn đường ngắn. Lúc này, trên khúc sông ở huyện Kỳ xuất hiện mười mấy chiếc thuyền nhỏ, lại là một đội thuyền màu đen, bốc xếp và vận chuyển mấy trăm gánh dầu. Chủ số hàng này họ Triệu, hơn ba mươi tuổi, là một tiểu thương đến từ Chương Khâu quận Tề, đang chuẩn bị vận chuyển dầu tới quận Tề để buôn bán trước dịp tết.

Tục ngữ nói 'Ở nhà dựa vào cha mẹ, bên ngoài dựa vào đồng hương'. Triệu thương nhân nhờ sự trợ giúp của đồng hương huyện Kỳ mà tìm được đội tàu tư nhân này giúp y vận chuyển dầu. Mặc dù mạng lưới sông ngòi ở Trung Nguyên dày đặc nhưng vận chuyển hàng hóa nhất định phải đi qua Đại Vận hà. Một khi bị quan phủ bắt được thì chỉ có nước vào ngục, hơn nữa năm ngoái đại hạn, đến nay vẫn chưa hoàn toàn khôi phục, ngoài Đại Vận hàra thì tất cả những con sông nhỏ khác thuyền đều không thể qua được.

Người chèo thuyền họ Đổng, là người bản địa huyện Kỳ, trong bóng đêm ông vừa cảnh giác nhìn tứ phía vừa cùng Triệu thương gia nói chuyện:

-Ông chủ Triệu, lần này nể mặt Đỗ lão đại chúng tôi mới mạo hiểm giúp ngài chuyến hàng này. Thông thường từ khoảng thời gian này tới trước năm mới, hai nhà thuyền kia đều kiểm tra rất nghiêm ngặt. Ngay cả quan phủ cũng làm mạnh tay, một khi bị bắt rồi thì hậu quả thật khó lường.

Triệu thương nhân nơm nớp lo sợ nói:

-Hai nhà thuyền này rốt cuộc thế nào? Sao ngay cả quan phủ cũng bị bọn họ nắm thóp vậy.

-Nghe nói họ đều là quan lớn ở kinh thành, các lĩnh vực mà bọn họ nắm rất nhiều. Không chỉ có thủy vận mà ngay cả hàng loạt các loại hàng hóa nhập vào kinh thành họ đều ôm hết. Những thương nhân khác hoặc là phải đi đường bộ, hoặc là mua hàng của bọn họ. Giống như dầu của ngài vậy, chắc chắn là không vào nổi thành đâu.

Triệu thương nhân thở dài:

-Vốn là kinh doanh nhỏ, số dầu này của ta vận chuyển được tới quận Tề thì cũng đã không kiếm được bao tiền rồi. Nếu như dùng thuyền vận chuyển của bọn họ, với giá vận chuyển cao cắt cổ đó thì chỉ có lỗ vốn. Cho nên chỉ có thể nhờ các anh mà thôi.

Bác lái đò lại thở dài một tiếng:

-Haiz! Cùng lắm thì tôi cũng chỉ có thể giúp ngài vận chuyển tới huyện Vĩnh Thành mà thôi. Tới đó rồi ngài nghĩ cách tiếp vậy.

Ông vừa dứt lời thì nghe thấy những tiếng vó ngựa ầm ầm từ bên bờ sông vọng tới, bác lái đò tái mặt:

-Hỏng rồi, bị bọn họ phát hiện rồi!

Triệu thương nhân sợ tới mức mất hồn mất vía:

-Bác lái đò, làm sao bây giờ?

Bác lái đò cười khổ một tiếng:

-Có lẽ số hàng này không thể giữ được rồi, coi như của đi thay người.

Triệu thương nhân ngây người, đây là tiền vốn mười mấy năm của y mà.

-Dừng thuyền!

Tiếng quát mắng lớn từ trên bờ vọng tới:

-Lập tức cập bờ!

Tiếng quát mắng vô cùng hung ác, ánh mắt bác lái đò nhạy bén, ông phát hiện trên bờ xuất hiện bóng dáng nha dịch thì biết không còn cách nào nữa rồi. Ông đành cười khổ một tiếng, từ từ cho thuyền cập bờ. Thuyền vừa gần tới bờ một chút, trên bờ liền liền quăng ra mấy chiếc gậy dài giữ chặt lấy thuyền.

Hơn mười đại hán thân hình cường tráng xông lên thuyền. Người cầm đầu một quyền đánh bác lái đò, rồi vung tay nói:

-Tịch thu tất cả hàng hóa, làm chìm con thuyền này.

Triệu thương nhân quỳ xuống trước mặt gã cầu xin:

-Xin tha cho số hàng hóa của ta! Tôi sẽ trả tiền phí vận chuyển cho các anh để các anh vận chuyển.

-Muộn rồi!

Lão tức giận mắng lớn một tiếng, một cước đá văng Triệu thương gia ra:

-Chuyển hàng hóa lên bờ!

-Báo cáo, tất cả đều là dầu. Có tới mấy trăm gánh, chúng ta không mang lên được!

-Vậy thì ném hết xuống sông.

Lão thét lớn ra lệnh, mười mấy người cùng nhau bắt tay vào ném số dầu này xuống sông. Triệu thương nhân thấy tâm huyết mười mấy năm nay của mình đều bị hủy hoại hết không khỏi khóc lớn. Bỗng nhiên y nổi điên lên ôm lấy chân của tên cầm đầu kia cắn một cái. Tên cầm đầu đau điếng hét thảm một tiếng, lão ra sức kéo tóc Triệu thương nhân nhưng Triệu thương nhân vẫn không nhả ra. Lão điên lên rút đao ra hung hăng chém một đao, đầu của Triệu thương nhân đứt lìa rơi xuống đất.

Bác lái đò sợ hãi, thừa lúc mọi người không chú ý liền nhảy xuống sông tháo chạy. Mấy tên nha dịch trên bờ mắng xuống:

-Trần Thuận Nhi, sao ngươi lại giết người. Xảy ra án mạng rồi biết nói sao đây.

-Sợ cái chó gì, có gan thì để chúng ta tới tìm nhà thuyền họ Vạn.

Gã cầm đầu hùng hùng hổ hổ đá thi thể của Triệu thương gia xuống sông, lại ra lệnh cho thủ hạ làm chìm toàn bộ con thuyền này, đuổi tất cả thuyền viên đi. Lúc này gã mới lên bờ rồi cưỡi ngựa chạy về hướng thị trấn.

Lát sau, bác lái đò xuất hiện trong đám cỏ trên bờ, ông nhìn ra sông khóc lóc mấy tiếng rồi xoay người chạy về hướng tây.

……

Một lúc lâu sau, bác lái đò được mấy lao công ở bến tàu dẫn tới một tiểu viện:

-Đỗ đại ca! Hình như là xảy ra chuyện gì rồi!

Trong viện, lò lửa cháy rừng rực, một đoạn sắt hình cây kiếm được nung đỏ rực. Một nam tử tráng kiện ước chừng hơn ba mươi tuổi đang nện từng nhát búa xuống cây sắt. Dáng người y cao to lạ thường, hai đôi mắt y sáng ngời giống như mắt báo. Một nam tử trẻ tuổi chừng hơn hai mươi đứng bên cạnh trợ giúp y. Chịu trách nhiệm kéo ống thổi là một thiếu niên tầm mười một mười hai tuổi, cậu bé này có dáng người khá giống với nam tử tráng kiện kia, chắc hẳn bọn họ là hai phụ tử.

Người nam tử tráng kiện tên là Đỗ Thịnh, người huyện Chương Khâu quận Tề. Y biết làm ruộng, biết rèn sắt, lại có võ nghệ cao cường, can đảm nghĩa hiệp. Y cũng là người cầm đầu của các lao công ở bến tàu.

Y nhìn thoáng qua bác lái đò, không khỏi ngẩn người ra:

-Sao lại là ông, ông chủ Triệu đâu?

Bác lái đò quỳ rạp xuống đất, bác không nhịn được mà khóc lớn:

-Chúng tôi bị người của nhà thuyền Vạn Ký phát hiện, ông chủ Triệu bị bọn họ giết mất rồi!

-Cái gì?

Đỗ Thịnh giận dữ nói:

-Bọn chúng dựa vào cái gì mà dám giết người chứ?

-Ông chủ Triệu cầu xin bọn chúng cho qua số hàng đó nhưng bọn chúng lại ném toàn bộ số hàng đó xuống sông. Ông chủ Triệu tức giận tới cực điểm, ông ôm chân tên cầm đầu rồi cắn một cái. Tên cầm đầu ác ôn đó liền chặt luôn đầu ông chủ Triệu xuống.

Đỗ Thịnh nắm tay chặt tới mức đầu ngón tay trắng bệch ra. Ông chủ Triệu đối nhân xử thế rất tốt, thường xuyên giúp những người phải ra ngoài mưu sinh như bọn họ. Lần này ông còn chủ động giúp mọi người gửi thư nhà nữa. Bây giờ ông chủ Triệu xảy ra chuyện, Đỗ Thịnh không thể không lo được!

-Bọn chúng là nhà thuyền Vạn Ký ở trong huyện sao?

-Đúng vậy, người cầm đầu tôi đã từng gặp rồi. Hắn tên Trần Thuận Nhi, chính là thủ lĩnh hộ viện của nhà thuyền Vạn Ký.

Đỗ Thịnh quay đầu lại nói với đồ đệ chừng hơn hai mươi tuổi của mình;

-Phụ Công, tìm tất cả các thủ lĩnh các gia tộc tới đây, cứ nói là ta tìm họ tới bàn chuyện!

Phụ Công Thạch dạ một tiếng rồi chạy ra khỏi cửa viện, chạy vào trong thôn.

-Cha!

Người thiếu niên vẻ mặt tràn đầy hưng phấn nhảy dựng lên, y rút cây kiếm ra múa hai chiêu:

-Nếu như đánh nhau, con sẽ cùng đi theo cha!

-Phục Uy!

Thê tử Đỗ Thịnh từ trong phòng đi ra, bà trừng mắt nhìn đứa con một cái;

-Không được nói bậy!

Con trai Đỗ Thịnh tên Đỗ Phục Uy, năm nay mới có mười một tuổi. Từ nhỏ y đã theo cha luyện võ nên có bản lĩnh võ nghệ hơn người. Y cũng là một người to gan lớn mật, không biết cái gì gọi là sợ hãi cả. Tuy nhiên y lại sợ nhất là mẫu thân, mẫu thân mắng một tiếng là y không dám hé răng nửa lời nữa.

Lúc này, Phụ Công Thạch trở về.

-Sư phụ, tất cả mọi người đã tập trung ở nghị sự đường, mời người qua đó!

Đỗ Thịnh xoay người định đi thì thê tử y bỗng lo lắng bước lên hỏi:

-Đỗ lang, nhất định phải đi sao?

Đỗ Thịnh gật gật đầu. Y cầm cây đao lên nhanh bước đi ra ngoài cửa. Đỗ Phục Uy thì nhân lúc mẫu thân không để ý trèo tường ra ngoài.

…….

Huyện Kỳ là huyện nằm ở giữa, trong thành có khoảng hơn hai nghìn hộ gia đình sinh sống. Thành trì không lớn, chu vi không quá mười mấy dặm, có hai cửa thành phía đông và phía tây. Trên một con đường cách cổng thành phía đông không xa có một cửa hàng lớn. Đây chính là chi nhánh ở huyện Kỳ của nhà thuyền Vạn Ký. Thực ra nơi đây chỉ là chỗ ở của mấy tay bảo vệ của nhà thuyền mà thôi. Nếu muốn vận chuyển hàng hóa thì không bàn ở đây được, nhất định phải tới nhà thuyền được ủy thác ở Giang Đô mới được.

Lúc này, ở cửa thành bỗng nhiên xuất hiện năm sáu lao công ở bến tàu tay cầm ngọn đuốc và côn bổng xông vào trong thành. Họ hùng hổ tiến thẳng tới chỗ nhà thuyền Vạn Ký.

Đỗ Thịnh đi đầu tiên, phía sau y là đồ đệ Phụ Công Thạch. Đứa con trai Đỗ Phục Uy cũng lặng lẽ cầm một cây kiếm đi theo sau đoàn, không để cho phụ thân phát hiện ra mình.

Đám lao công trong cơn phẫn nộ lao nhanh tới bao vây nhà thuyền Vạn Ký. Bọn họ muốn tới nói lý cho đồng hương mình, nghiêm trị kẻ ác, bồi thường hàng hóa. Sớm đã có mấy chục hậu sinh xông lên phá thông cánh cửa chính rồi. Cửa hàng không lớn, chỉ có ba bốn gian phòng, tất cả đều là phòng ngủ, bên trong trống rỗng chẳng có gì, một người cũng không có.

Lúc này, một gã hàng xóng nói với Đỗ Thịnh:

-Các người tới chậm rồi. Đám tiểu tặc này vừa mới trốn vào huyện nha rồi, chắc là Huyện thái gia sẽ che chở cho bọn họ.

Đỗ Thịnh quay đầu lại cao giọng nói với đám lao công:

-Giết người đền mạng, thiếu nợ trả tiền. Đây là chân lý bất di bất dịch, cho dù là có quan phủ che chở thì chúng ta cũng không sợ! Tới tìm bọn họ đòi người!

-Đòi người!

Năm sáu trăm người gầm lên giận dữ, họ chậm rãi đi về hướng huyện nha ở bắc thành.
Bình Luận (0)
Comment