Thiên Kim Làm Vợ Kế

Chương 34

Chu phu nhân quan tâm hỏi han Nhược Thủy từng chuyện nhỏ nhặt nhất, đồng thời bảo rằng nếu có chuyện gì Nhược Thủy đều có thể đến tìm mình, nếu trong khả năng sẽ tận lực giúp đỡ. Bà cũng tiết lộ khéo rằng tháng tám này Chu đại nhân phải vào kinh thuật chức, có lẽ cả nhà sẽ phải dọn đến nơi khác.

Nhược Thủy suy nghĩ một lát, thấy mình không có chuyện gì đặc biệt cần Chu phu nhân phải nhúng tay, bèn cất tiếng bảo: "Trong nhà hết thảy đều tốt cả, đã phiền phu nhân mong mỏi rồi. Ba đứa trẻ trong nhà đều đã lớn, nay muốn vào học đường. Sang năm đứa lớn nhất nhà con sẽ vào học đường, người cũng biết chế độ nhập học của viện thư Bạch Mã rồi đấy, chẳng hay có thể phiền Chu đại nhân viết phong thư tiến cử giúp với viện thư Bạch Mã được không?"

Chu phu nhân nói ngay chẳng nghĩ ngợi: "Nhiều chuyện có khó vạn lần chuyện con vừa nói, không thành vấn đề, người đứng đầu viện thư Bạch Mã là bạn tốt của đại nhân. Sang năm cũng để hai đứa bé hơn cùng nhập học đi, bọn chúng học chung một chỗ cũng có người bầu bạn. Dù sao kém một tuổi cũng không sai biệt lắm."

Nhược Thủy mỉm cười tạ ơn: "Nếu được như thế thì tốt quá, đa tạ phu nhân."

Chu phu nhân cười nói: "Lời này khách khí quá rồi, chúng ta cũng sẽ gửi gắm với tri phủ nhận chức tiếp theo, yên tâm đi."

Nhược Thủy trò chuyện thân thiết với Chu phu nhân, Tiết Minh Viễn ở bên kia cũng như cá gặp nước. Có Chu đại nhân dẫn dắt, mọi người cũng chú ý kết thân với Tiết Minh Viễn hơn. Đây là lần đầu tiên Tiết Minh Viễn nhận được đãi ngộ nhường này, ngoài mặt cũng vui vẻ hẳn. Nhưng có một số chuyện cũng từ nét mặt mà ra, Tiết Minh Viễn hiểu được. Song đã là thương nhân thì khả năng khống chế biểu cảm đã ăn sâu vào máu thịt.

Sau khi mấy người Tiết gia về đến nhà, Nhược Thủy bèn kể lại việc nhập học của bọn nhỏ một lần. Tiết Minh Viễn đang vui lại nghe được tin tức tốt lành này, càng cảm thấy như đang có song hỷ lâm môn. Viện thư Bạch Mã là đại học viện danh tiếng nhất ở Đài Châu, hơn cả mấy viện quán khác. Các viện quán đều lấy thành tích làm điều kiện nhập học, tài hoa văn học là điều kiện hàng đầu.

Thế nhưng bao năm qua, số người thi đậu từ viện thư Bạch Mã ngày càng nàng, nguyên nhân không ngoài gì khác chính là viện thư Bạch Mã phần lớn tuyển nhận con nhà thế gia tài hoa. Có thân phận thế gia, đến khi vào kinh ứng thí, học viên của viện thư Bạch Mã ai nấy đều quan biết người không lớn thì nhỏ, càng ngày càng giúp viện khuếch trương danh tiếng.

Điều này cốt là để các quan chủ khảo và mấy vị tai to mặt lớn biết đến viện, bằng không sao cứ mỗi kỳ ứng thí, các học viên đều khởi hành vào kinh trước mấy tháng, trong kinh thành ăn ở đắt đỏ, ôn tập ở nhà chẳng phải tốt hơn sao? Nguyên nhân chính là hy vọng trong thời gian lăn lộn ở kinh thành có thể thu được chú tiếng tăm, tăng thêm phần ăn chắc cho kết quả thi của mình. Hầu như đã là học viên của Bạch Mã, thì đều phải có khoản này.

Kém một vạn bước, sau cùng không thi đậu, nhưng đồng môn luôn đỗ đạt hiển vinh, ấy chính là sức mạnh của giao thiệp. Đến khi ấy, cùng trường, cùng khóa, cùng năm, tình nghĩa đồng môn cũng không như bình thường, ai nấy đều dựa dẫm lẫn nhau. Cho nên các gia đình lớn ở Đài Châu đều làm hết khả năng để đưa con mình vào viện thư Bạch Mã. Nếu viện thư này chỉ cần tiền là có thể vào thì chẳng khác gì những viện thư khác. Vì muốn đảm bảo danh tiếng cho mình, Bạch Mã đã lập ra chế độ đề cử. Đây là nguyên nhân Nhược Thủy muốn xin thư tiến cử của Chu đại nhân.

Tiết Minh Hiên đưa con trai mình vào hiển nhiên không có vấn đề gì, thế nhưng Tiết Minh Viễn có đến ba người con trai, đưa tất cả vào có phần quá sức. Nếu như chỉ được vào một, Nhược Thủy hẳn là kỳ vọng vào Tiết Hạo, thế nhưng đến khi ấy phải giải thích với Tiết Uyên thế nào, hơn nữa Thẩm Mộ Yên nhất định sẽ liều mạng náo loạn vì Tiết Đinh, cho nên đưa cả ba đứa vào là hơn.

Tiết Minh Viễn vừa cười vừa nói: "Khoan hẵng nói với bọn nhỏ đã, trẻ con hay ra ngoài huyên thuyên, đến lúc ấy xem ra chúng ta có phần lỗ mãng. Đợi đến trước khi nhập học hẵng cho chúng hay." Nhược Thủy gật đầu nghe theo.

Chớp mắt đã đến ngày hội Nguyên Tiêu, Tiết Minh Viễn thực hiện lời hứa đưa ba đứa nhỏ và Nhược Thủy đi xem đèn lồng. Dọc đường phố tấp nập những quầy những sạp vô cùng náo nhiệt, Nhược Thủy theo sau Tiết Minh Viễn, dẫn theo đám nhỏ vui vẻ dạo chơi một hồi. Ba đứa nhỏ mỗi đứa cầm hai cái đèn lồng trong tay, vui vẻ trở về nhà.

Ngay lúc đoán câu đố đèn, trùng hợp lại gặp Chu tú tài - thầy dạy của Tiết Hạo và Tiết Uyên. Chu tú tài và mấy người bằng hữu cùng đi dạo, vừa thấy Tiết Minh Viễn đã khách khí cất tiếng chào hỏi, sau đó nhìn thấy hình bóng Nhược Thủy lập tức ngẩn ra. Ngay lúc này, mọi người đang đứng trước mặt một mỹ nhân lồng đèn, đèn hoa cũng được làmrất công phu, thu hút nhiều người đến xem.

Chu tú tài muốn thể hiện một chút trước mặt Nhược Thủy, y nhìn thoáng qua câu đố đèn rồi liều mạng đoán. Mấy đứa trẻ con cũng rất thích số lồng đèn tinh xảo này, cũng xung phong đoán thử, đương nhiên là khác xa với đáp án chính xác. Nhược Thủy nhìn lướt qua rồi thì thầm đáp án bên tai Tiết Minh Viễn. Tiết Minh Viễn chẳng mảy may nghi ngờ, lập tức thuật lại, mọi người ban đầu đều sửng sốt sau đó quay sang hỏi đèn lồng, nháy mắt đã xôn xao những tiếng trầm trồ khen ngợi.

Tiết Minh Viễn chắp tay tạ lễ, rồi đến chỗ chủ tiệm nhận lấy đèn lồng, đặt vào tay Nhược Thủy và bảo: "Đều là mỹ nhân cả, nàng cầm lấy đi." Nhược Thủy tròn mắt nhìn Tiết Minh Viễn, hài lòng nhận lấy quà tặng.

Từng động tác, từng cử chỉ đều không lọt khỏi con mắt Chu tú tài, Chu tú tài hậm hực nhủ thầm: "Đường đường là đại trượng phu mà lại dựa vào đàn bà con gái, đúng là lòng người đổi thay, lòng người đổi thay mà!" Nhìn theo bóng lưng Nhược Thủy dần xa, lòng y vừa lưu luyến lại vừa oán giận, tâm trạng rối bời. Một cô gái như thế vì sao hết lần này đến lần khác sánh đôi với hạng người thô thiển bất kham kia chứ, đúng là phí của trời!

Từ sau ngày hội Nguyên Tiêu, Nhược Thủy đến đất Đài Châu đã một năm. Khảo hạch nhiệm kỳ của Chu đại nhân cũng đã xong, tất cả đều tốt, vốn là đợi hồi kinh chuyển giao công tác rồi chuyển nơi khác nhậm chức là được. Thế nhưng lúc này đây, Chu đại nhân còn phải hoàn thành nốt nhiệm vụ lớn lao cuối cùng dưới cương vị tri phủ Đài Châu, nghênh đón đoàn tướng lĩnh vừa thắng trận trở về.

Cuộc viễn chinh lần này, chủ soái mưu dũng chính là Trương Thụy Dương, tuổi đời chưa đến ba mươi nhưng vừa xuất chinh đã giành được thắng lợi, chính thức sát nhập quốc đảo Lữ Tống ở phía tây vào bản đồ Đại Ung. Trương Thụy Dương tập hợp tám mươi vạn hải quân thành một hạm đội vô địch, qua ba năm đã thâu tóm được Lữ Tống, lần này thắng lợi trở về, ngoài số vàng bạc châu báu thu về, còn bắt được quốc vương của Lữ Tống, à không, không thể nói là bắt, phải nói là mời, mời được quốc vương bên ấy đến làm khách, lên triều diện kiến hoàng thượng.

Về lý, quân của Trương gia phải đổ bộ ở nơi gần Lữ Tống là Tuyền Châu mới phải, thế nhưng Trương Thụy Dương kiên quyết phải neo ở Đài Châu. Người lập được công lao to lớn như vậy, đừng nói là muốn đổ bộ ở Đài Châu, dù có phải xới tung Đài Châu lên xây thành hải cảng, dám chừng hoàng đế cũng chấp thuận. Vì nguyên cớ ấy, hoàng đế liên tục hạ chỉ xuống Đài Châu, toàn bộ các quan đứng đầu Đài Châu đều khẩn trương chuẩn bị nghênh tiếp quân của Trương gia. Hoàng đế chẳng những lo liệu trước mà còn cố ý phái thái tử thay mặt quân vương không ngại đường xa đến nghênh đón.

Trương Thụy Dương thư thái ngồi trên chiến thuyền, nhìn lá thư trong tay mà rằng: "Chỉ là một Lữ Tống cỏn con, đã để các ngươi đắc ý quá rồi, bây giờ ta quát ba tiếng, xem các ngươi còn dám làm loạn nữa hay không!" Những người xung quanh đã quen với kiểu cách của đại soái xuất thân danh môn này, ai nấy đều im lặng không lên tiếng.

Trương Thụy Dương xem lá thư tiếp theo, thì thở dài một hơi: "Một đại mỹ nhân như thế, không gả cho thái tử thì gả cho ta cũng được mà. Lần này ta phải xem kẻ tên gọi Tiết Minh Viễn kia có xứng với muội muội tốt của ta không!"

Không sai, Trương Thụy Dương quyết đổ bộ ở Đài Châu không vì lý do nào khác ngoài việc muốn đến thăm Nhược Thủy - người cùng y lớn lên lên từ nhỏ, vị muội muội y cho là tất cả những phẩm đức ưu tú của một cô gái đều hội tụ trên người.
Bình Luận (0)
Comment