Thiên Kim Làm Vợ Kế

Chương 42

Khi Chu tú tài đưa ra quyết định sẽ nghỉ dạy học thì khóa học của bọn trẻ cũng sắp kết thúc. Cuối cùng cũng đến buổi học cuối, theo quy tắc thì vợ chồng gia chủ sẽ ngồi ghế lớn phía sau, nghe thầy dạy giảng bài nhằm bày tỏ sự kính trọng với thầy. Đại khái là thầy giáo giảng bài, gia chủ biểu hiện lòng biết ơn, khen ngợi về bài giảng.

Biết rằng khi nghe thầy giảng mình cũng thu được không ít kiến thức, bọn nhỏ cũng luyến tiếc khi thầy ra đi, nhưng người ở kẻ đi là chuyện không thể tránh, cũng chỉ biết chúc thầy tiền đồ rực rỡ. Cuối cùng buổi học cũng kết thúc trong bầu không khí hòa hảo giữa đôi bên, quan hệ mấy năm giữa gia chủ và thầy dạy, dù sau này có công thành danh toại thì chúng ta cũng đã từng quen.

Tiết Minh Viễn cũng theo quy tắc, dẫn Nhược Thủy đến thư phòng nghe bài giảng cuối cùng của Chu tú tài. Bài này Chu tú tài giảng về tôn sư trọng đạo, nêu lên tầm quan trọng của việc chăm chỉ đọc sách và thi khoa cử. Đề tài này rất hay, dùng làm đề tài cuối trước khi giã từ là thích hợp nhất. Tiết Minh Viễn và Nhược Thủy mỉm cười lắng nghe.

Chu tú tài cầm một quyển sách đứng trước mặt hai cậu học trò nhỏ, y dõng dạc nói: "Triều ta dùng chế độ khoa cử để các hàn sĩ có cơ hội xuất thế, cùng các thế gia vọng tộc nắm giữ cục diện triều chính. Cổ nhân có viết: Triều vi điền xá lang, mộ đăng thiên tử đường. Tương tương bản vô chủng, nam nhi đương tự cường. Bước vào triều đường chính là mục tiêu của sinh đồ chúng ta. Dốc sức vì nước, hiến kế dâng quân. Canh ba canh năm vẫn chong đèn, ấy là thời gian nam nhi đọc sách. Từ nay về sau, khi các con thực sự bước vào học đường, càng phải chăm chỉ đọc sách, không được lười biếng. Có thế mới không uổng công vi sư đã dạy dỗ các con." 

Chu tú tài ân cần dặn dò, bọn nhỏ cúi đầu nghiêm trang lắng nghe. Nhược Thủy và Tiết Minh Viễn rất hài lòng, bất kể là làm gì chỉ cần cố gắng, không trộm cắp là tốt rồi.

Chu tú tài nói xong, Nhược Thủy nghĩ là đã kết thúc nên định cất tiếng cảm ơn. Ấy thế nhưng Chu tú tài lại quay sang nói tiếp vấn đề khác, "Từ cổ chí kim, người xưa có câu đồng non không tốt, chẳng đáng ngoảnh nhìn. Có thể thấy việc kinh thương không được người đời coi trọng. Vì sinh kế bức bách phải tạm thời làm, nhưng không thể coi là chính đạo. Đọc sách ứng thí mới là chính đạo, các con phải nhớ kỹ lấy."

Nhược Thủy chau mày nhìn Chu tú tài, bản thân nàng cũng từng thắc mắc, Chu tú tài cũng có thể nói là dốc lòng dạy dỗ bọn trẻ, cũng không phải loại thùng rỗng kêu to, giảng bài lại rõ ràng dễ hiểu, tài hoa không cần bàn cãi, thế nhưng vì sao không được xem xét việc làm thầy dạy trong Quốc Tử Giám? Như thế hẳn đã không cần sầu khổ vì chuyện tiền bạc, khiến trễ nải thời gian. Nguyên nhân này gọi là không có tầm nhìn xa trông rộng!

Các vị cho rằng làm quan chỉ cần học thức là đủ sao, hoàn toàn sai. Tục ngữ nói không sai, không sợ dốt, chẳng sợ lười, chỉ sợ không biết nhìn xa. Chu tú tài chính là điển hình cụ thể cho vế không có mắt, không biết nhìn xa ấy! Cứ thế nhập kinh, dù cho kiếm được một chức quan, có lẽ chưa được vài ngày đã bị người ta đạp xuống, hoặc bị điều đến nơi không ai muốn. Những thứ như tài văn chương không phải lúc nào cũng là yếu tố quyết định, tài trí hơn người thì sao chứ, dù là cao thủ bậc nhất hoàng thượng cũng đã gặp qua.

Người như ngươi thì còn xếp sau cả người bán rong, ở đâu đến phiên ngươi mạnh miệng phê phán việc kinh thương không tốt, rõ ràng là muốn khiến không khí trở nên ngột ngạt. Nhược Thủy thầm liếc sang Tiết Minh Viễn, sắc mặt Tiết Minh Viễn vẫn bình thản. Từ khi còn nhỏ y đã ra đời buôn bán làm ăn, giọng điệu móc mỉa thế này đâu mấy khi nghe đến. Nhược Thủy lặng lẽ thở dài.

Cuối cùng, Chu tú tài lấy một câu danh ngôn kết lại bài giảng, "Thương nhân coi trọng tiền tài xem nhẹ biệt ly, tháng trước khởi hành thu mua trà, đến cửa sông thuyền vẫn trống, trăng sáng nước sông lạnh ôm trọn chiếc thuyền con." Sau đó y hướng ánh mắt về phía Nhược Thủy, như muốn nói rằng ta hiểu lòng nàng... Nhược Thủy tiếp nhận ánh mắt mà Chu tú tài tự huyễn hoặc là đầy thâm tình kia, nàng chỉ thấy buồn nôn.

Tiết Minh Viễn dù căm ghét thi từ nhưng cũng biết lai lịch của câu này. Y nhìn về phía Chu tú tài, ánh mắt y chùng xuống, dùng thân mình che chắn phía trước Nhược Thủy, môi mỉm cười nhìn Chu tú tài. Sau khi kết thúc, gia chủ còn phải từ giã thầy dạy. Song, Nhược Thủy tuyệt nhiên không muốn nhìn thấy cặp mắt của Chu tú tài nữa. Tiết Minh Viễn mỉm cười, khách sáo vài câu rồi bảo: "Tại hạ mong Chu tiên sinh tiền đồ xán lạn, sớm đề tên bảng vàng, ôm mỹ kiều nương áo gấm hồi hương."

Chu tú tài thấy Nhược Thủy né tránh ánh mắt của mình, y vẫn tiếp tục nói, chưa cam lòng từ bỏ ý định: "Cuộc sống chính là mong tài tử giai nhân cùng ngâm thơ tâm sự, ngắm hoa thưởng trăng. Lục y bổng nghiễn thôi đề quyển, hồng tụ thiêm hương bạn độc thư. Ấy cũng là vui thú cuộc đời, đáng tiếc học trò vô phúc, không được mỹ nhân ưu ái. Sau này khi học trò đỗ đạt, chỉ e cũng là lúc mỹ nhân thấy hối hận."

"Tiên sinh đường đường là đấng tu mi, nhất định sẽ tìm được mỹ nhân hằng ngưỡng mộ." Tiết Minh Viễn cười lấy lòng.

Chu tú tài thấy Nhược Thủy không phản ứng gì, trong lòng như bị tổn thương, y cười khổ nói: "Đáng tiếc hôm nay ai kia lại không mến thanh âm, chỉ thích tà âm. Thôi thôi, lòng người khó dời, một cô gái không màng đến gia thế, chỉ coi trọng nhân phẩm quả thật rất hiếm."

Tiết Minh Viễn mỉm cười thoải mái, Chu tú tài lại thấy như Tiết Minh Viễn đang cười nhạo mình, càng hậm hực thêm.

Lúc dùng cơm tối, Nhược Thủy ngồi trên bàn, tức khí thở hổn hển, nàng phải uốn nắn lại suy nghĩ của hai đứa nhỏ: "Các con nên nhớ làm người phải hiểu mình là ai, điều khó nhất không phải là biết được mình muốn làm gì, mà là hiểu được mình có thể làm gì, có thể làm tốt cái gì. Đường đường là nam tử hán đại trượng phu, đã trưởng thành mà còn khiến phụ mẫu phiền lòng nuôi nấng, đổ hết gia sản hòng thỏa mãn lòng hư vinh được vào kinh ứng thí của bản thân. Sau này nếu các con trở thành người như thế, tức là muốn ta sớm rời xa các con."

Hai đứa nhỏ bụm miệng cười, Tiết Minh Viễn ngồi bên cạnh bèn xoa dịu: "Đâu phải chúng ta không có tiền, không thể cho đám nhỏ đọc sách. Nói chung học hành cũng là chuyện tốt, không thể chỉ chăm chăm giúp chúng kiếm tiền."

Nhược Thủy trừng mắt nói: "Biết bao người cứ lầm lỡ mãi, rồi kết cục trở thành kẻ vô tích sự. Thiếp chẳng mong bọn trẻ làm đến chư hầu, nhưng tuyệt đối không thể hổ thẹn với đất trời. Dù thế nào cũng phải ra dáng đấng nam nhi, đủ sức chăm lo cho vợ con chứ. Hai con cũng đừng vội mừng, nếu thực sự có ngày ấy, ta sẽ cầm chổi quét hai đứa ra khỏi cửa!"

Bọn nhỏ vừa cười vừa rời khỏi phòng, Nhược Thủy quay sang oán giận Chu tú tài với Tiết Minh Viễn: "Đúng là hạng học trò điêu ngoa, ăn không được lại bảo nho còn xanh! Không có năng lực lại còn nhiều lời." Nhược Thủy nhíu mày, hậm hực nói.

Tiết Minh Viễn thấy vậy thì vui lắm, y lên tiếng: "Dù gì Chu tú tài cũng đã dạy dỗ con chúng ta, hắn muốn vào kinh ứng thí thì ta tặng chút lễ vật cũng phải đạo."

Nhược Thủy thấy Tiết Minh Viễn nghiêm nghị bèn khẽ khàng hỏi: "Chàng tặng hắn thứ gì?"

Tiết Minh Viễn thản nhiên đáp: "Hắn muốn thứ gì thì ta cho cái ấy, chẳng phải hắn muốn hồng tụ thiêm hương sao, ta liền tặng một bóng hồng cho hắn." Nhược Thủy sững người: "Chàng cũng học theo Viên đại gia tặng gái lầu xanh cho người ta!"

Tiết Minh Viễn vội vàng giải thích: "Không phải kỹ nữ, là thanh nữ, người ta chỉ bán nghệ chứ không bán thân. Ta đã chuộc một thanh nữ vừa xinh đẹp lại biết làm thơ tặng cho Chu tú tài. Ta không giống người nhà họ Viên đâu! Mặc dù là được người ta gợi ý. Nhưng nếu Chu tú tài vẫn không thành thân, cũng không thể trách ta phá hỏng nhân duyên. Thứ nữa ta cũng không nói là tặng thiếp, đưa đến cho hắn một thanh nữ làm nha hoàn cũng được vậy.

Nếu y là người hiếu thuận, có chí khí nhất định sẽ để thanh nữ kia ở nhà hầu hạ phụ mẫu, một mình vào kinh ứng thí. Song nếu ta thấy hắn đưa theo thanh nữ kia cùng vào kinh thì đây không phải lỗi của ta. Hơn nữa Chu tú tài cũng đã tự nói, khóc thương, áo xanh, lụa trắng, phẫn nộ vì hồng nhan, ấy chắc phải là nói đến danh kỹ Tần Hoài sao, xưa kia danh kỹ nọ cũng có vướng mắc với văn nhân."

Nhược Thủy thấy Tiết Minh Viễn làm như mình chẳng liên quan, lại tự cho rằng Chu tú tài là một người đứng đắn, chỉ là tặng một nha hoàn mà thôi. Nếu có vấn đề gì cũng không phải lỗi của Tiết Minh Viễn, Nhược Thủy liếc nhìn Tiết Minh Viễn, tự rót cho mình một ly trà, không tiếp tục bàn đề tài này nữa.

Tiết Minh Viễn lại đổi chuyện khác: "Thực ra Chu tú tài cũng nói một câu rất đúng, cuộc sống tài tử giai nhân tâm sự ngâm thơ, ngắm hoa thưởng trăng đúng là tuyệt mỹ. Sau này đôi ta cũng có thể tâm sự ngâm thơ dưới trăng nhỉ."

Câu nói này như hòn đá lửa thắp lên vầng sáng soi rọi tâm trí Nhược Thủy, khiến nàng như đã tìm ra được đáp án. Nhược Thủy dò hỏi: "Chàng đọc thơ cổ chỉ để trò chuyện với thiếp sao?"

Tiết Minh Viễn "á" một tiếng, vội vàng chữa lại: "Cũng không phải chỉ vì nàng, ta thấy sau này ra ngoài đàm luận thơ văn với người ta cũng tốt. Hơn nữa... Những chuyện nàng thường làm ta cũng có thể tham gia. Nhất cử lưỡng tiện."

Nhược Thủy biết ắt hẳn là vì nàng, nếu như y muốn học thì đã học từ lâu, hà tất đến bây giờ mới nhọc công, mà mỗi lần đều rất khổ sở. Nhược Thủy cẩn thận ngẫm lại xem rốt cuộc là vì đâu nhỉ? Là khi nàng và Thụy Dương đối thơ, hay là khi nàng đáp trả bài thơ của Chu tú tài, hay là ngay từ lần đầu tiên nàng làm thơ Tiết Minh Viễn đã thấy tự ti?

Nhược Thủy thật lòng nói: "Thiếp ghét nhất hạng người như Chu tú tài, nói năm câu thì hết ba câu xúc xiểm. Khoe khoang gì chứ, hắn ta tinh thông lắm sao. Trò chuyện với nhau bình thường, dễ hiểu không được sao, cái gì mà chi, hồ, giả, dã (*trợ từ dùng trong văn ngôn) loạn cả lên. Thơ từ cũng chỉ là một hình thức ngôn ngữ mà thôi, ai lại so cao thấp với người khác chứ."

Tiết Minh Viễn chớp mắt, nhỏ nhẹ nói: "Nhưng hôm ấy nàng và nguyên soái lại nói chuyện vui vẻ như thế."

Nhược Thủy lập tức đáp lại: "Tại thiếp uống nhiều thôi!"

Tiết Minh Viễn còn định thế nhưng, song Nhược Thủy đã bồi thêm: "Thiếp đã nói thiếp uống nhiều mà, những thứ kia không cần đâu, chàng không học cũng được." Tiết Minh Viễn thấy Nhược Thủy không nói lý, ngang ngược khác hẳn ngày thường, thật khiến người ta càng yêu mến.

Giữa vợ chồng có rất nhiều chuyện, nhiều những đạo lý cần giảng giải cùng nhau nhưng tuyệt nhiên không phải như xét xử chốn công đường. Từ xưa đến nay, phòng ngủ nào có phân rõ phải trái, có những chuyện qua đã lâu nhưng chưa thể giải thích rõ ràng. Giống như lúc này đây, nếu tự nàng nhủ rằng sau này không nên làm thơ, quên đi chuyện bản thân phải làm thơ, giữ lại chút tự tôn của nam nhân cho Tiết Minh Viễn, thì có khác gì Tiết Minh Viễn suốt một tháng trời mỗi tối đều chịu cực đọc thơ từ, còn khiến mực chưa khô hằn rõ trên mông.
Bình Luận (0)
Comment