Thiên Kim Làm Vợ Kế

Chương 45

Đối với yêu cầu Tiết Đinh đưa ra, Thẩm Mộ Yên lập tức đồng ý chẳng cần nghĩ ngợi gì. Ngay từ đầu thị đã không tán thành chuyện để Tiết Đinh ăn cơm của học viện,  thị ta vẫn còn biết được rằng người xưa có câu "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã". Nếu cùng ngồi ăn chung trong một tiệm, khách thô tục ở lầu một vĩnh viễn không biết đến những vị tao nhã ở lầu hai, chẳng phải là hơn nhau một bậc đó sao. Thế nhưng nếu đưa cơm trưa từ nhà đến học viện, cần phải có tiền có của, thứ ấy lấy đâu ra bây giờ?

Thẩm Mộ Yên suy nghĩ một lát rồi đứng bật dậy chỉnh trang lại xiêm y, cất tiếng bảo: "Đinh nhi về phòng trước đi, ngày mai di nương sẽ sai người đưa cơm đến cho con." Nói đoạn, Thẩm Mộ Yên đi về phía gian phòng của Nhược Thủy.

"Muội nói muội không muốn để Đinh nhi ăn cơm của học viện mà nhà ta phải đưa đến sao?" Nhược Thủy giật mình nhìn Thẩm Mộ Yên.

Thẩm Mộ Yên gật đầu: "Đinh nhi nói ăn không đủ no, nó cũng không thích cơm do học viện làm nên không nuốt trôi, khuôn mặt bầu bĩnh cũng gầy đi không ít."

Nhược Thủy cau mày nói: "Đinh nhi quá kén chọn đó thôi, nuôi con trai không thể nuông chiều như thế được, mới ăn uống kham khổ một chút đã than thở rồi. Hạo nhi và Uyên nhi ăn được thì nó cũng ăn được. Không thể nào có cái lệ nhà ba đứa con trai mà chỉ đưa cơm cho một mình Đinh nhi. Hơn nữa học viện làm như thế là có lý do cả, sau này bọn chúng lên kinh ứng thí sẽ phải thi liên tục ba đợt, mỗi đợt ba ngày. Hàng năm nhiều thiếu gia công tử cũng vì không chịu được kham khổ mà rớt tuyển đấy."

Thẩm Mộ Yên nói ra suy nghĩ của mình: "Nhị nãi nãi nói phải, muội cũng biết tỷ làm thế là vì bọn nhỏ. Thế nhưng Đinh nhi còn bé quá, cũng có những thứ không thích ăn mà chẳng thể sửa đổi ngay. Vừa mới đến trường đã chán nản, lại ăn không ngon, chỉ nhìn thôi cũng thấy đau lòng. Như tỷ tỷ đã nói, chúng ta không thể làm lỡ tiền đồ của Hạo nhi và Uyên nhi, theo muội thì tiền cơm hàng tháng của Đinh nhi không cần nộp cho học viên mà giao cho phòng bếp bên muội làm cơm và thức ăn, không phiền gì đến người khác. Trong viện của muội cũng sẽ có hai người đưa cơm đến cho Đinh nhi, thế là được phải không?"

Nhược Thủy nhìn Thẩm Mộ Yên, nói vậy khác nào đã suy nghĩ thông suốt, dù nàng có lên tiếng can ngăn cũng chẳng nghĩa lý gì. Dù sao Tiết Đinh cũng là con trai ruột của Thẩm Mộ Yên, làm kế mẫu người ta khi di nương ruột còn sống là vậy đấy, có những chuyện muốn nhưng không thể làm được. Còn chuyện người khác hiểu thế nào, có chấp nhận hay không, đó không phải chuyện bản thân có thể kiểm soát. Nhược Thủy gật đầu nói: "Muội đã nghĩ thông thôi thì cứ vậy đi. Tiền ăn và tiền tiêu vặt hàng tháng ta sẽ sai người đưa sang cho muội. Không còn việc gì nữa thì muội về nghỉ đi."

Mục tiêu giai đoạn một của Thẩm Mộ Yên đã hoàn thành, thế nhưng tiền cơm mỗi tháng chỉ có tám lượng. Ái chà, mình cũng được người nhà đưa cơm đến, thức ăn không thể quá sơ sài. Trong hộp của người ta có cá có thịt, trái lại của mình toàn rau xanh thì nào có dễ chịu gì. Với số bạc tiêu chuẩn mỗi tháng như thế này thì không đủ, số còn lại đào đâu ra nhỉ?

Hỏi xin Tiết Minh Viễn? Không chừng Nhị nãi nãi kia đã tỉ tê bên gối mất rồi, không có khả năng. Dựa vào nhà mẹ? Từ sau dạo phải trả lại ngân lượng, Thẩm lão nương và Thẩm tẩu tử không bước vào cửa nhà họ Tiết lấy một lần, vậy cũng không sơ múi được gì. Số tiền lúc trước Thẩm Mộ Yên dành dụm cho Tiết Đinh lên kinh ứng thí, nhất định không thể động đến.

Không còn cách nào khác, Thẩm Mộ Yên đành cắt giảm chi tiêu hằng ngày của mình, nhín ra chút đỉnh đắp thêm vào cho bữa ăn của Tiết Đinh. Đây chính là kiểu phùng má giả mập mà người ta vẫn thường nhắc đến. Nhược Thủy nghe xong chỉ biết lắc đầu, đúng là quan điểm mỗi người mỗi khác. Nhược Thủy hỏi ý Tiết Hạo và Tiết Uyên, hai đứa trẻ đều muốn ăn như vậy với bạn thân nên việc này coi như bỏ qua.

Thoáng chốc đã qua nửa năm, Tiết Minh Viễn thấy lợi nhuận năm nay cũng không tồi, hệt như suy nghĩ của y vậy. Nếu bản thân không biết y thuật thì phải kiếm tiền nhờ ăn chênh lệch giá, ví dụ như hoàng liên giá năm tiền một cân, trong tiệm nhập hàng rồi bán lại với giá tám tiền. Người ta thường đến bốc thuốc theo đơn, nhưng nếu bản thân có phương thuốc không truyền ra ngoài thì không cần phải là bí phương tổ truyền, chỉ cần bán ra thôi cũng đã một vốn bốn lời.

Xem qua hoạt động của những người trong tiệm năm nay, có lẽ lợi nhuận cuối năm cũng xấp xỉ hai vạn lượng. Bản tính thương nhân trong người khiến Tiết Minh Viễn luôn suy nghĩ về những cách thức mở rộng việc buôn bán, mấy hôm nay Tiết Minh Viễn cũng đang ráo riết tìm kiếm những cơ hội làm ăn mới. Khi rảnh rỗi y thường ra ngoài đi dạo, thường hỏi thăm mọi người xung quanh nên nắm được một tin có thể dùng được.

Loại cây cao lương du nhập từ phía Bắc xuống phía Nam, nơi sinh sống phong phú, đa công dụng, ví dụ như dùng để ăn, dùng trong chăn nuôi, làm đường, pha chế rượu hay làm đồ thủ công mỹ nghệ. Những loại rượu danh tiếng như rượu Mao Đài, rượu Phần, ... nguyên liệu chính chính là cây cao lương. Bây giờ đã là cuối hạ, cây cao lương trồng một năm cũng đã lớn cao, hoa nở to, rất tươi tốt.

Tiết Minh Viễn có một người bạn nghĩ rằng nếu thu mua trước cao lương của các hộ nông tự túc sẽ kiếm được một khoản không nhỏ. Ruộng đất sở hữu cũng chia làm không ít loại, nhà đại địa chủ đương nhiên có nhiều hơn, và đều bán thẳng cho mấy tay lái buôn. Chỉ có một bộ phận nhỏ là hộ nông tự túc, mỗi nhà chỉ có vài mẫu, sản xuất được một ít lương thực, phần để dùng phần thì bán đi. Bởi vì số lượng nhỏ nên giá thu mua cũng không cao.

Năm nay có thể sẽ bội thu, đây vừa là tin tốt vừa là tin xấu với nhà nông, năm nào bội thu thì giá lương thực rẻ mạt, năm tai ương lại đắt, đây vốn là định luật từ xưa đến nay. Hơn nữa nếu bội thu lớn thì rất có khả năng sẽ bán không được. Nhà nông vất vả một năm ròng cốt là chờ đến ngày xuất lương thu lại ít tiền trang trải, cho nên dù là năm được mùa bọn họ cũng rất lo lắng.

Những lúc như vậy sẽ có vài thương gia đặt trước tất cả hàng hóa, tức là vụ thu trồng trọt ra thứ gì trên miếng đất này đều thuộc về người ta. Giá cả đương nhiên là ép đến mức thấp nhất, thương nhân kiếm lời được một khoản. Song, đối với hộ nông mà nói, lương thực bán được mà sản lượng hàng năm lớn thì cũng kiếm được chút đỉnh. Cho nên cách làm này dù là người buôn bán hay người làm nông cũng đều ủng hộ, và đã được lưu truyền từ lâu.

Tiết Minh Viễn nghe bạn mình nói xong trong lòng cũng rục rịch, y cố tình đánh xe đi một vòng quanh thôn, quả thật đúng là cây cao lương cao lớn hoa nở to vô cùng. Y nói chuyện với vị trưởng thôn, ông ta ra một giá, toàn bộ sản lượng thu hoạch được trong thôn tính giá năm ngàn lượng. Đương nhiên không thể thiếu mấy trăm lượng lót tay cho trưởng thôn.

Mấy hôm nay Tiết Minh Viễn vẫn đang suy nghĩ về chuyện này, y cảm thấy đây là một cơ hội kiếm tiền lớn. Thế nhưng lợi nhuận luôn sóng đôi với mạo hiểm. Tiết Minh Viễn suy tính trong thư phòng rất lâu, cố gắng tìm cách giảm thiểu rủi ro xuống thấp nhất. Khoảng thời gian này y vừa bận lại vừa mệt, thân hình trắng mập trước kia nãy đã thành vừa đen vừa gầy. Nhược Thủy có hơi xót xa, ừm, béo tròn một chút vẫn dễ nhìn hơn. Trên phương diện làm ăn Nhược Thủy không sành sỏi, nhưng nàng có thể giúp Tiết Minh Viễn chăm sóc sức khỏe thật tốt.

Tối hôm ấy, đã gần đến giờ Tý mà Tiết Minh Viễn còn chưa ngủ, Nhược Thủy cho Tố Tâm đi nghỉ sớm, đích thân nàng bưng một chén cháo nóng đến thư phòng cho Tiết Minh Viễn. Tiết Minh Viễn đang xem xét điều kiện mà mấy tửu phường lớn đưa ra, bàn tính bấm lên bấm xuống kêu lách cách.

Nhược Thủy gõ cửa bước vào, nàng vừa cười vừa nói: "Chàng nghỉ tay một lát ăn miếng cháo cho ấm bụng. Bụng đói lại thức khuya chỉ hại thân."

Tiết Minh Viễn thả thứ đang cầm xuống, xoa xoa hai bàn tay rồi cười ha hả đón lấy chén cháo nóng: "Thời gian gấp rút, ngã giá với trưởng thôn càng sớm thì càng ép được thấp, chúng ta kiếm được càng nhiều lợi nhuận. Ai nấy đều bảo nếu là tình hình này của năm ngoái, ít nhất cũng kiếm được gấp đôi. Thu mua cả một thôn là năm ngàn lượng, một trấn có hơn năm mươi thôn, Đài Châu có sáu trấn cả thảy. Ái chà chà, đúng là hấp dẫn, nếu ta có đủ tiền nhất định sẽ thu mua hết! Bây giờ ta đang tính xem nên đổ vào bao nhiêu tiền, cơ hội tăng cao lợi nhuận thế này quả không nhiều."

Nhược Thủy mỉm cười nói: "Những chuyện này thiếp đều mù mờ, cứ theo ý chàng là được rồi. Dù gì chúng ta cũng còn trẻ, chưa trải nghiệm nhiều. Bất ngờ chi tiêu một khoản lớn thế này không phải chuyện nhỏ, chi bằng chàng hỏi ý đại chưởng quỹ xem sao."

"Nàng nói phải lắm, trong nhà chúng ta còn mấy vạn, tiền luân chuyển trong tiệm cũng cỡ hai vạn. Cửa hàng bán ra cũng được thêm mấy vạn nữa, để ta bàn bạc với đại chưởng quỹ xem có thể dùng được bao nhiêu." Tiết Minh Viễn húp vội chén cháo, vừa húp vừa cà lăm chẳng rõ từng câu.

"Nương tử, nàng ngủ trước đi, ta làm xong sẽ ngủ ngay." Tiết Minh Viễn đuổi khéo Nhược Thủy về phòng rồi lại cúi đầu tính toán.

Ngày hôm sau, trước tiên Tiết Minh Viễn tìm mấy người bạn, có một số việc ngay đến đại gia có tiền cũng không tính chính xác được, y hỏi người ta xem nên bỏ ra bao nhiêu tiền. Sau đó y đến tiệm bàn với đại chưởng quỹ về việc này, đại chưởng quỹ nghe xong đã nhíu mày, hỏi han vài câu rồi nói: "Đông gia à, loại lương thực này chúng ta chưa từng bán, lại không biết rõ về nó. Nếu có tiền dư thì hẵng bỏ ra, còn những món khác không nên động đến."

Tiết Minh Viễn vốn ôm hy vọng đại chưởng quỹ sẽ tán thành kế hoạch của mình, tiếp đó cùng nhau bàn luận xem nên làm thế nào để kiếm nhiều lợi nhuận một chút, ai mà ngờ lại bị người ta tạt cho một gáo nước lạnh. Tiết Minh Viễn nói với vẻ không vui: "Thương trường cũng như chiến trường, đôi khi đánh thắng cũng nhờ đánh bất ngờ. Năm xưa đâu mấy ai coi trọng con đường tơ lụa, ngày này thì sao, người đi qua có ai không phải là hào phú một phương?"

Bất luận Tiết Minh Viễn có nói thế nào, đại trưởng quỹ vẫn không đổi ý, Tiết Minh Viễn ôm bộ mặt rầu rĩ về nhà. Nhược Thủy hỏi nguyên nhân rồi khuyên giải: "Lão nhân gia chỉ mong bình ổn, hơn nữa nỗi lo của chưởng quỹ không phải không có lý."

Tiết Minh Viễn nghe Nhược Thủy cũng bàn lùi khiến y hơi nản lòng, chuyện mình thấy tốt thì lại chẳng ai ủng hộ. Nhược Thủy bèn dịu giọng nói: "Việc này do chàng làm chủ mà, thiếp nào có hiểu gì. Nhưng dù chàng có muốn làm gì thì thiếp cũng đều ủng hộ, thiếp biết chàng cầu tiến cũng vì muốn thiếp và bọn trẻ được sống sung túc hơn. Thế nên chàng cứ an tâm lo chuyện lớn, người xưa có câu lấy chồng theo chồng gả chó theo chó, nếu một ngày kia chàng phải đi xin cơm thì thiếp cũng sẽ làm một lão bà xin cơm cùng chàng."

Tiết Minh Viễn vui mừng nói: "Sẽ không, sẽ không đâu. Nương tử à, vi phu nhất định sẽ không khiến nàng thất vọng." Tiết Minh Viễn có được lòng tin của Nhược Thủy, qua ngày hôm sau y bàn lại việc này với đại chưởng quỹ lần thứ hai, Tiết Minh Viễn quyết định xuất toàn bộ tiền trong nhà ra, thế chấp mấy cửa tiệm, tiền luân chuyển cũng chỉ giữ lại một vạn. Sau cùng, đại chưởng quỹ vẫn kiên quyết rằng dù có thế nào thì cũng không được động vào tiệm chính ở Đài Châu, tiệm con ở đây cũng phải giữ lại hai cái. Lão chưởng quỹ là người do phụ thân Tiết Minh Viễn giữ lại, Tiết Minh Viễn cũng luôn tôn trọng ông nên lập tức đồng ý.

Tiết Minh Viễn gom góp được mười hai vạn lượng, thu mua cao lương của hai mươi thôn. Y cũng bàn chuyện cung ứng với bên tửu phường, thuê một số người trông coi ở các thôn, đợi đến vụ thu sẽ kiếm một khoản lớn.

Những tia nắng cuối thu cuối cùng cũng đến, cứ hai, ba ngày Tiết Minh Viễn lại đi thăm ruộng cao lương một lần, trong lòng hồ hởi. Sáng sớm hôm nay lại truyền đến tin dữ, một tên sai vặt ra sức gõ cửa lớn nhà họ Tiết, hớt hải chạy đến trước mặt Tiết Minh Viễn, lo lắng nói: "Đông gia! Đông gia! Không xong rồi, ruộng đồng... Ruộng đồng gặp thiên tai!"
Bình Luận (0)
Comment