Thiên Kim Làm Vợ Kế

Chương 58

Chớp mắt đã lại đến cuối năm, Tiết Tuấn nhỏ bé nay đã lớn, vừa trắng trẻo lại vừa bụ bẫm. Cuối năm cũng là lúc Tiết Minh Viễn tổng kết sổ sách, nhờ tung ra phương thuốc pha chế sẵn, có thể nói năm nay Tiết Minh Viễn làm ăn rất phát đạt, hơn nữa còn có thêm một cậu con trai, rồi Tiết Minh Hiên thăng chức, y cảm thấy năm nay đúng là thời vận của Tiết gia.

Vì lẽ ấy, đêm giao thừa ở Tiết gia vô cùng náo nhiệt, Nhược Thủy tay ôm Tiết Tuấn, mắt dõi chừng Tiết Hạo và Tiết Uyên chơi pháo hoa ngoài sân, Tiết Đinh ngồi uống trà ngay ngắn bên cạnh nàng chứ không vui đùa với đám Tiết Hạo, xem chừng cậu chàng đang cố ra vẻ như mình đã là người lớn. Quả thật là Tiết Đinh đã lớn rồi, năm nay cả ba đứa đều đã đủ tuổi tham dự kì thi sinh đồ, nếu đạt kết quả tốt có thể được hưởng bổng lộc nhà quan.

Từ ngay ba đứa bọn chúng nhập học thì đã trở thành những cậu học trò nhỏ, kế đó bọn chúng sẽ tham gia kì thi của huyện, của phủ, của viện - ba kì cả thảy; đỗ kì thi huyện sẽ là sinh đồ, nếu như tham gia cả ba thì là tú tài, tức có đủ tư cách tham gia khoa thi ba năm một lần chọn ra người tài, quang tông diệu tổ. Ba kì thi này gọi chung là đồng thí, kì thi huyện đơn giản nhất, về cơ bản chỉ cần chăm học vài năm là có thể thi đỗ.

Vẫn theo tập tục cũ, mùng một đầu năm phải đến nhà chính chúc tết, Tiết Nhị thúc ôn tồn chào hỏi, lợi nhuận của nhà chính vẫn chia như mọi năm, mỗi người mấy trăm lượng. Tiết Minh Viễn sai hạ nhân mang tiền về, chẳng buồn nhìn xem dưới lớp vải kia là bao nhiêu, thôi thì đem về cho Nhược Thủy mua ít đồ dùng.

Một năm mới đã bắt đầu, Tiết Minh Viễn làm chuyện mà mọi thương nhân phải làm, lợi nhuận trên sổ sách tuy nhiều nhưng chưa ổn định, y cảm giác rằng kế hoạch này của y có thể áp dụng. Nếu muốn thành công, muốn có danh tiếng, muốn mở rộng ảnh hưởng,   muốn kiếm món lớn thì nhất định phải mở rộng tiệm từ Đài Châu ra bên ngoài, vì thế y dự định sẽ khai trương một tiệm mới ở Hàng Châu. Tiết Minh Viễn ngồi đó suy đi tính lại, lát hồi mới quay sang hỏi Nhược Thủy: "Nương tử, nàng chưa đến Hàng Châu nhỉ, mùa hè này chúng ta đưa Tuấn nhi đến đấy chơi được không? Nhân tiện đi thăm Tứ thúc và Tứ thẩm luôn."

Nhược Thủy nghe vậy nàng vừa cười vừa bảo: "Chàng đã quên năm nay đám Đinh nhi phải thi huyện rồi sao? Sao chúng ta có thể đi chơi vào lúc ấy chứ."

Tiết Minh Viễn "à" lên một tiếng, đúng là y đã quên bẵng đi việc này, ngẫm nghĩ một lại y lại tiếp: "Vậy đợi bọn nhỏ thi xong là chúng ta có thể đi rồi, dù gì chúng cũng không dự kì thi viện. Nếu như đỗ kì thi huyện, cả nhà chúng ta cùng đi chơi một chuyến, để đám nhỏ thư giãn một chút cũng tốt." Nhược Thủy cảm thấy đề nghị này không tồi, đám nhỏ học hành rất vất vả, ra ngoài du ngoạn một chuyến cũng coi như phần thưởng cho bọn chúng.

Tháng hai là khoảng thời gian diễn ra kì thi huyện, với năm đợt thi liên tục do Tri huyện chủ trì. Năm nay ba đứa trẻ nhà họ Tiết đi thi cả ba, không khí trong nhà cũng rộn ràng hẳn lên, tuy Nhược Thủy biết kì thi không làm khó bọn chúng, thế nhưng lúc này đây nàng cũng sốt ruột theo. Nhược Thủy cố tình dặn người chuẩn bị xiêm y dày ấm, trước kì thi một ngày nàng còn tìm hiểu xem bọn trẻ sẽ thi môn gì rồi cẩn thận dặn dò bọn chúng.

"Ngày mai ta và phụ thân sẽ đưa các con đến trường thi và đợi ở bên ngoài, cho nên các con không cần vội vàng. Vạn nhất trong lúc thi có xảy ra chuyện gì cũng đừng hoảng sợ, cứ trình bày rõ ràng với giám khảo, sau đó rời khỏi trường thi ngay chứ đừng tranh cãi nhé. Sau khi về nhà chúng ta sẽ cùng nhau nghĩ cách giải quyết."

Ba đứa trẻ ngồi ngay ngắn một bên đồng loạt gật đầu, Tiết Hạo nói: "Mẫu thân yên tâm, thầy cũng đã dặn dò chúng con về cách thi rồi, học viện cũng dựa vào đề thi những lần trước cho chúng con làm văn, chúng con biết phải làm thế nào mà."

Sáng sớm hôm sau, Tiết Minh Viễn và Nhược Thủy cùng đưa đám trẻ đi dự kì thi huyện, đôi phu phụ tiễn con đến cửa trường thi rồi ngồi đợi trong xe ngựa, nói chuyện phiếm. Tiết Minh Viễn cài chặt áo choàng cho Nhược Thủy, y nắm tay nàng dịu dàng hỏi: "Nàng có lạnh không? Hay là dặn lão Vương ở lại đây đón bọn tr3, cón chúng ta về nhà đợi. Bây giờ mới tháng hai thôi, tiết trời còn giá lắm."

Nhược Thủy đáp lại với vẻ chẳng màng: "Trời lạnh thế này bọn nhỏ còn ở trong kia cầm bút viết chữ được, hai chúng ta ngồi xưa ngựa mà lạnh lẽo gì. Hơn nữa nếu có người thân đợi bên ngoài bọn chúng sẽ thấy an tâm hơn, chàng không thấy nhiều nhà khác cũng đang chờ giống chúng ta đó sao." Tiết Minh Viễn nói không lại Nhược Thủy, ở mặt này, tình thương của cha và tình thương của mẹ thể hiện rõ sự khác biệt. Y rụt cổ, yên lặng ngồi đợi cùng Nhược Thủy.

Năm kì thi, năm ngày liên tiếp, bọn trẻ đều hoàn thành thuận lợi, chỉ còn chờ ngày công bố bảng vàng, chỉ riêng Tiết Đinh bị cảm lạnh nên cần nghỉ ngơi vài ngày. Hôm nay cả nhà Tiết Minh Viễn đều cùng ngồi đợi danh sách được dám lên, Nhược Thủy có tìm một đề tài nào đó để phân tán sự chú ý của bọn trẻ: "Lần tuế khảo này nếu các con không qua thì sao?" Nàng mỉm cười hỏi. Có câu tú tài dễ làm tuế khảo khó, công danh của tú tài cũng chẳng phái thứ vĩnh hằng, nên phải định kì tham gia khoa thi để kiểm tra năng lực.

Tuế khảo và khoa khảo đều là ba năm một lần, chỉ có tú tài mới được tham gia. Khoa khảo là thi để lấy công danh, tuế khảo nhằm sát hạch tư cách ứng thí của tú tài, tiến hành định hàng, thứ hạng cao tức đủ tiêu chuẩn vào học ở Quốc Tử Giám - học phủ tốt nhất, trái lại nếu không đỗ thì không được xem là tú tài. Tiết Hạo ngẫm nghĩ một lát rồi lắc đầu đáp: "Các thầy gò chúng con học rất chặt, lần này mọi người đều sẽ đỗ thôi ạ."

Nhược Thủy gật đầu, nàng hỏi tiếp: "Vậy trong học viện lần này có mấy người được đến học ở Quốc Tử Giám?"

Lần này người trả lời là Tiết Đinh, cậu bé nhướng mày đáp: "Có bốn người được đến Quốc Tử Giám, thế nhưng chỉ có một người là lẫm sinh (*những người được hưởng học bổng), ba người còn lại thì không ạ. Trong lớp cũng có một bạn đứng đầu nhưng không được đi, đúng là không công bằng." Tiết Đinh từng kể chuyện này với Thẩm Mộ Yên, Thẩm Mộ Yên còn tỏ thái độ rằng đấy chính là lý do mà thị muốn cậu bé chơi với con cái nhà họ Lý, nếu chỉ có thành tích tốt thôi thì chưa đủ, Tiết Đinh cảm thấy uất ức, việc không hay này không phải điều quân tử nên làm.

Nhược Thủy suy nghĩ một chút rồi mỉm cười bảo: "Chuyện này rất công bằng, Quốc Tử Giám nào có quy định rằng sinh đồ học tập tại trường phải là người đứng ba hạng đầu kì thi tuế khảo. Họ chỉ yêu cầu thành tích tuế khảo ưu tú, còn phải là người có nhân phẩm, có cá tính, khi vào Quốc Tử Giám có thể học tập thật tốt cùng các thầy hay không, những yếu tố đó cũng rất quan trọng. Cho nên mẫu thân vẫn luôn dặn các con rằng không phải chỉ cần học tốt thi thư mà còn phải biết đối nhất xử thế."

Nhược Thủy mong muốn Tiết Đinh thấy được những ưu điểm khác của bản thân, thế nhưng đầu óc cậu bé đã bị Thẩm Mộ Yên nhuộm đầy những tư tưởng rằng ngoài học tập thì gia thế mới là thứ giúp bọn họ có tiếng nói, trong lòng luôn ganh ghét những sinh đồ được tiên sinh trong viện tiến củ, luôn cho rằng việc bọn họ làm không quang minh lỗi lạc. Mọi người đang trò chuyện thì hạ nhân đã đến báo tin vui, cả ba đứa đều thuận lợi vượt qua kì thi huyện, không còn là đồng sinh (*học trò chưa thi hoặc chưa đỗ kì thi tú tài) nữa mà đã trở thành sinh đồ.

Tiết Minh Viễn nghe xong bật cười ha hả, bản thân không có duyên với sách vở nhưng trò hơn thầy, con hơn cha đúng là phúc lớn. Y phất tay quyết định, mùa hè này cả nhà cùng đến thăm thú Hàng Châu! Tháng năm vừa sang, vừa vào đầu hạ, Tiết Minh Viễn đưa cả nhà xuất phát đến Hàng Châu. Đường họ đi là đường thủy nối thẳng đến bên ấy, Nhược Thủy ngồi bên cửa sổ, thưởng thức cảnh sắc hai bên bờ. Cùng là ngắm cảnh trên thuyền, nhưng tâm trạng nàng lúc này đã không còn giống như trước, cảnh vật xung quanh cũng đẹp hơn rất nhiều.

Sau khi đến Hàng Châu, Tiết Minh Viễn đưa nhà mình đến thăm Tứ thúc nhà họ Tiết. Tứ thúc y ở Hàng Châu kinh doanh mấy cửa hàng, mua được cả một căn nhà ba gian làm nơi trú ngụ. Tiết Minh Viễn thân thiết với vị Tứ thúc này của y nhất, khi cả nhà Nhược Thủy ngồi xe ngựa đến, Tứ thúc và Tứ thẩm đã ra cửa nghênh đón từ xa. Tiết Minh Viễn vừa thấy người bèn lập tức nhảy xuống khỏi xe ngựa, tay bắt mặt mừng.

Tứ thẩm cười cười quở trách: "Đã lớn cả rồi vẫn cứ còn động tay động chân. Còn không mau đỡ nương tử và đám trẻ xuống ngựa." Tiết Minh Viễn cười hì hì rồi xoay người lại đỡ đám Nhược Thủy. Tứ thúc và Tứ thẩm đều là người thẳng thắn, Tứ thẩm kéo tay Nhược Thủy huyên thuyên đủ điều, thế nhưng Nhược Thủy lại rất thích nghe, nàng đáp lời từng câu từng câu một. Hôm nay khi đến nơi đây, Nhược Thủy mới tìm thấy được sự quan tâm mà trưởng bối dành cho vãn bối, là khi nàng được hỏi rằng cuộc sống có tốt không, liệu kinh nghiệm sống của nàng có giúp ích gì tại nơi ở mới hay không.

Thật không giống với nhà chính kia, lấy danh nghĩa quan tâm để thăm dò cuộc sống của người khác hòng đánh đòn tâm lý, khi biết người chẳng được như ý thì nét mặt họ thay đổi chẳng khác kẻ đang diễn tuồng, ra vẻ như quả nhiên các người sống không yên ổn. Đến tối, Tứ thẩm sai phòng bếp làm nhiều những món ăn nổi tiếng của Hàng Châu, thân thiện chào hỏi người trong nhà. Qua ba tuần rượu, Tứ thúc mới cười bảo: "Lần này đến đây thôi thì ở chơi vài ngày, ta nghe Minh Viễn nói cháu dâu chưa từng đến Hàng Châu, vậy phải đi thăm thú một vòng đấy nhé. Hàng Châu có nhiều nơi để thưởng ngoạn lắm."

Tiết Minh Viễn cười nói: "Cháu dẫn theo mấy tên tiểu tử này, còn cả đứa nhỏ còn đang phải ẵm phải bồng, làm sao có thể đi chơi đó đây được chứ!" Tứ thẩm ngồi bên cạnh đon đả nói: "Biết rồi biết rồi, cùng lắm thì mấy ngày này tôi trông bọn trẻ cho đôi vợ chồng son ra ngoài thăm thú là được chứ gì."

Nhược Thủy đỏ mặt, nàng vội vàng nói: "Tứ thẩm, không cần đâu ạ, đã có đám hạ nhân theo giúp rồi, chúng con cũng không thấy phiền gì."

Tứ thẩm kéo tay nàng lại bảo: "Con bé ngốc này. Bảo hai đứa đi thì cứ đi, khách sáo với Tứ thẩm làm gì."

Ba ngày tiếp theo hai người dẫn bọn trẻ đi chơi, sau đó Tiết Minh Viễn kiên quyết bỏ chúng lại nhà, dẫn Nhược Thủy ra ngoài tận hưởng thế giới của đôi phu phụ. Dẫn đám trẻ đi chơi đã có một cảm giác lạ, dẫn theo mẫu thân của con mình đi du ngoạn lại có một cảm nhận hoàn toàn khác. Tiết Minh Viễn kín đáo nắm tay Nhược Thủy, lợi dụng ống tay áo dài rộng che đi sự thật mật, hai người họ cứ thế chạm rãi sóng bước bên nhau.

Hai người trò chuyện với nhau, Tiết Minh Viễn khẽ mở lời: "Ta định mở tiệm ở Hàng Châu, nàng thấy thế nào?"

Nhược Thủy mỉm cười đáp: "Chuyện làm ăn thiếp vốn không rành rọt, nhưng thiếp biết chàng nung nấu ý định này đã lâu, nếu chàng đã muốn thì cứ làm thôi."

Tiết Minh Viễn ngẩng đầu nhìn về phía xa xăm: "Ta vẫn giữ ý định này vì những cửa tiệm thân phụ mở đều ở Hàng Châu, người bảo Tô - Hàng (*Giang Tô và Hàng Châu) có thể coi là chiến trường của thương gia." Tiết Minh Viễn vừa nói vừa tự bật cười.

Nhược Thủy nghe Tiết Minh Viễn nói vậy bèn lướt nhìn xung quanh: "Công công (*bố chồng) nói không sai, đây hẳn là kinh nghiệm tích lũy bao năm, nếu không phải chàng là con trai người chắc cũng chẳng biết đâu!" Tiết Minh Viễn gật gù đồng tình, đột nhiên trong lòng y dâng lên một xúc cảm khó tả, y muốn đưa Nhược Thủy đi xem vài cửa hàng. Nhược Thủy theo Tiết Minh Viễn đến một cửa hàng nọ, mấy tiệm nơi đây sau khi bị Tiết Nhị thúc đoạt lấy đã trở thành tiệm thuốc của nhà chính, vẫn kinh doanh y theo phương thức truyền thống, rất bình thường, người ta ăn ngũ cốc lương thực, hắn thì không rời khỏi các vị thuốc.

Tiết Minh Viễn nhìn cửa hàng, trong lòng y trào dâng nỗi phẫn hận, rõ ràng là nơi thân phụ khổ công gầy dựng, từ thuở y và ca ca còn thơ bé đã bị đoạt lấy làm của chung, khi đó Nhị thúc và bà nội nhỏ mua chuộc được quan phủ làm tay chân, việc ra riêng phân chia không công bằng nhưng thứ tự không sai biệt nên cửa tiệm này không thể thu về tay.

Nhược Thủy nhìn Tiết Minh Viễn, nàng nhẹ nhàng bảo: "Thiếp ở trong kinh có nghe qua một chuyện, năm xưa có hai nọ tranh giành mối làm ăn, đôi bên mở cửa hàng đối diện nhau, đó mới là cách đấu nhau bằng thực lực. Cuối cùng lợi nhuận của một bên bị bóp chẹt nên thất bại. Nếu chàng có lòng tin và không ngại thì cứ thử xem, dù rằng không tốt lắm nhưng cũng như lấy ơn báo oán, cũng là báo đền ân đức thôi đó sao?" Tiết Minh Viễn khẽ mỉm cười: "Nương tử nói phải lắm." Nói đoạn, y kéo tay Nhược Thủy dẫn nàng về nhà.
Bình Luận (0)
Comment