Thiên Tướng Tận Trung

Chương 7

(1) Suy đồi: Hư hỏng, tồi tệ.

_____________________________________

Giận quá mất khôn, Từ Phong dùng tay đập mạnh lên bàn.

“Ầm.”

“Mấy lão già chết tiệt, chỉ biết ăn nói linh tinh, cậy già lên mạnh hả, đồ cổ lỗ sĩ?” – Hắn quát mắng.

Bỗng nhiên bị mắng, bốn vị lão nhân sững sờ, rồi trở nên giận dữ.

“Nó nói cái gì? A? Chúng ta cổ lỗ sĩ? Là chúng ta cổ lỗ sĩ hay là lớp trẻ chúng mày quên mất thuần phong mĩ tục của Thiên triều? A, có phải chúng ta đã già hay là lớp trẻ chúng mày đã đánh mất đi tính nhân văn của xã hội?”

“Hừ, lão tứ, ngươi nhiều lời với loại người đó làm gì? Ngươi còn không biết sao? Cái lớp trẻ bây giờ còn có bao nhiêu người nhớ? Chúng nó chỉ biết ăn chơi đú đỡn, sống hưởng thụ qua ngày. Thử hỏi những tháng ngày khi xưa tươi đẹp biết bao nhiêu, còn bây giờ thì sao? Chúng nó đánh nhau, cướp giật, hiếp, giết để thể hiện, để thỏa mãn thú tính; chúng nó thì có biết cái gì là đạo đức đâu?”

“Ngươi nhắc ta mới nhớ. Không rõ đầu óc chúng nó chứa cái gì ở trong đó? Hỗn hào với ông bà, cha mẹ; mắng chửi sư phụ; thậm chí có đứa còn đuổi cha mẹ ra khỏi nhà, nhiều đứa khác thì rượt chém sư phụ.”

“Đâu chỉ vậy, chúng nó còn dắt díu hoang dâm vô độ, chẳng biết xấu hổ là gì. Giữa ban ngày ban mặt thì hôn hít, sờ soạng; trong cửa điếm thì kiếm cái góc âm u mà thỏa mãn dục vọng. Chẳng còn cái thể thống gì.”

“Có gì lạ đâu khi thành Kim Hoa vừa thả trôi sông hơn một nghìn đứa con gái chưa chồng chửa hoang. Chuyện này cũng chỉ là chuyện bình thường mỗi năm mà thôi.”

“Hừ, nếu chỉ như thế thì ta cũng chẳng cần phải nổi giận. Chúng nó sai mà còn ngụy biện. A, để ta nhớ xem. Chúng nó nói cái gì là đó là nhu cầu bình thường, cái gì là xã hội càng phát triển, lối sống cũng phải thay đổi theo cho phù hợp. Chưa kể lắm đứa mặt dày lớn lối nói rằng lối sống Thiên triều của chúng ta đã suy đồi(1), chúng ta phải dung nhập theo văn hóa của Thiên triều bên cạnh; đã vậy thì thôi, chúng nó còn dẫn chứng theo lời của Hoàng Vương Hoàng Quốc: “Chúng ta phải tiếp thu tinh túy từ văn hóa nước khác”. Đắng chát làm sao.”

Từ Phong nhẹ nhàng ngồi xuống, cúi gục đầu chờ đợi thức ăn và rượu. Hắn rất xấu hổ vì hành động bồng bột vừa rồi.

Bốn vị lão nhân vẫn còn đàm luận về lớp trẻ. Lúc này, một chú nhóc chạy vào, lớn tiếng rao bán:

“Tạp san mới nhất đây, tạp san mới nhất đây. Một vị thủ tịch Thần đạo gian dâm với một thiếu phụ, sự việc vừa mới bị phơi bày, trưởng lão Thần điện vẫn chưa có câu trả lời thuyết phục. Ngoài ra, tại kinh đô, quân đội chúng ta vừa thua bốn – hai.”

“Cái gì?”

“Cái gì?”

“Cái gì?”

Liên tục những âm thanh kinh nghi bất định vang lên.

“Nhỏ, bán ta một tờ tạp san.”

“Qua đây một tờ.”

“Qua đây một tờ.”

“Đây một tờ.”

“Mẹ nó. Tao mua trước. Đừng tranh giành.”

Cả tửu điếm trở nên hỗn loạn. Mọi người tranh nhau mua tạp san. Từ Phong giật mình ngẩng mặt nhìn sang.

“Khách quan. Rượu và thức ăn của ngài đây ạ.” – Tiểu nhị đặt rượu và thịt bò xuống bàn, đồng thời mở miệng nói.

“Cảm ơn.” – Từ Phong mỉm cười.

“Không có gì. Nếu ngài có bất cứ nhu cầu nào nữa thì cứ gọi tiểu nhân.” – Tiểu nhị cúi chào.

Từ Phong gắp một miếng thịt bò cho vào trong miệng, chậm rãi thưởng thức. Sau đó, hắn rót rượu vào chén, tay phải khẽ chạm và hớp một ngụm.

“Thật là quá đáng.” – Bên bàn bên trái, một vị lão nhân vỗ bàn đứng dậy thét lên.

“Lão nhị bình tĩnh. Bình tĩnh đi nào.”

“Đại ca, huynh bảo đệ làm sao bình tĩnh nổi? Thần đạo, Thần đạo, a, thật nực cười. Đầu năm thì một vị Thần đạo bị bắt gặp tay trong tay với một thiếu nữ. Còn giờ đây? Một vị thủ tịch tại một tòa Thần miếu lại gian dâm với một vị thiếu phụ, đã vậy còn bị bắt tại trận, chứng cứ rõ ràng. Huynh nói, cả Thiên triều chúng ta phụng thờ Thần thánh, Thần đạo là nơi câu thông giữa chúng ta và các vị thần; ấy vậy mà Thần đạo đã mục ruỗng như thế này.”

“Đệ cho rằng nhị ca nói đúng. Có thể nào bình tĩnh được? Chứng cớ mười phần, thế mà mười ngày trôi qua mấy lão già trưởng lão ở Thần điện vẫn chưa xét xử. Hừ, chắc lại bao che cho nhau, lại khiển trách với cảnh cáo, cùng lắm thì đuổi ra, rồi ba - năm năm sau khi mọi chuyện đã bị lãng quên lại kêu về. Hừ, đúng là thối nát, thật chẳng ra làm sao.”

“Nhị ca, tam ca, sự kiện quan trọng là quân đội của chúng ta mới đúng. Thật là nhục nhã. Mùa thu, chúng ta xuất ra ba đội thi đấu tại Đại Khổng Thiên triều thì hai thắng một bại. Nhận được tin, dân chúng hoan hô ca ngợi, ai cũng trông mong chiến thắng tiếp theo tại kinh đô chúng ta. Kết quả thì sao? Kết quả thế nào? Cử ra sáu đội, tại kinh đô đất nước mà hai thắng bốn thua. Vô lý hết sức. Mất mặt, thật là mất mặt.”

“Lão tứ nói đúng. Các ngươi nghĩ mà xem. Hàng thủ quân đội chúng ta như ăn phải thuốc chuột, yếu kém không thể tả. Ai mà tin được? Có mà tư thông với quân địch.”

“Đại ca nói phải. Kinh hoàng hàng thủ, vô lực hàng công. Xem lại diễn tả mà xem, quân đội chính quy tranh đấu với quân đội bạn mà cứ như dân nghiệp dư chưa bao giờ cầm kiếm. Ha ha, buồn cười cho bốn chữ “quân đội quốc gia”, bọn họ có nghĩ cho quốc thể không? Bộ mặt quốc gia cũng bị họ vứt đi rồi.”

“Đâu chỉ như thế, bọn tạp san còn nói cái gì là “Đừng bỏ rơi quân đội quốc gia”, “Thi đấu thì phải có thắng có thua”. Chẳng biết mấy lão soạn ra cái này có nghĩ trước khi viết không? Có lẽ là mấy lão ấy còn chẳng xem diễn biến trận đấu ấy chứ. Cứ phán như là thánh ấy.”

“Riêng đệ thì cảm thấy điều này mới mắc cười. Thi đấu thất bại thì quân đội quốc gia mở mồm xin lỗi, trong khi đó chẳng ai nhận trách nhiệm. Họ cho chúng ta là trẻ ranh mới mặc quần chắc? Đóng kịch thì phải đóng đạt một tí, quá kém rồi.”

“Ta chỉ thương cho mỗi lão chỉ huy. Suốt trận đấu cứ nhìn cái khuôn mặt thẫn thờ đầy ngạc nhiên và không hiểu của lão ấy là ta lại thấy đau lòng. Danh dự của một con người tận tâm lại bị vấy bẩn bởi những kẻ đáng chết.” – Vị đại ca thở dài đầy não ruột.

“Đáng hận.” – Lão tứ gầm lên.

“Thôi bỏ đi lão tứ. Chúng ta có gào rách cổ thì cũng chẳng làm được gì. Đó như số phận đã được định sẵn. Quân đội có thua, thì tội nhân của quân đội sẽ vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật. Nếu có kẻ bị bắt thì chẳng qua chỉ là con tốt thí. Nói gì thì nói, người bình thường rất khó khăn tư thông với quân địch trước trận đấu, các đệ hiểu chứ? Giờ mà còn bàn luận nữa là đi quá xa, không ổn đâu.” – Vị đại ca khuyên nhủ.

“Thế huynh bảo đệ phải làm thế nào? Chẳng lẽ cứ mỗi ngày đọc được tin tức tệ hại trên những tập san là chúng ta phải nuốt tức giận vào lồng ngực mãi như thế sao?” – Lão tứ vẫn chưa từ bỏ.

“Biết làm thế nào được, chúng ta chỉ là dân đen thấp cổ bé họng. Với những kẻ bề trên, chúng ta chẳng đáng giá một đồng, nếu họ muốn dìm chết chúng ta thì chỉ cần một lời nói mà thôi. Tứ đệ, bỏ đi, tai vách mạch rừng.” – Vị đại ca tiếp tục khuyên bảo.

Tâm tình trầm trọng, bốn vị lão nhân buồn thiu ngồi đó. Có ai biết được, khi xưa họ cũng là những người có niềm tin và luôn cổ vũ cho quân đội quốc gia mỗi lần tranh đấu. Họ còn hơn cả những người dân hâm mộ trung thành nhất. Nhưng mà trời phụ lòng người hay là “số phận đã được sắp đặt”, bi kịch vẫn luôn tiếp diễn.

Từ khi họ còn nhỏ đến nay họ đã già, họ chưa bao giờ chứng kiến cái huy hoàng của quân đội. Mỗi khi quân đội thất bại, họ luôn cổ vũ, an ủi, luôn tìm mọi lý do quy chụp những thất bại đó là hiển nhiên, là bình thường; mỗi lần quân đội thất bại, họ tự khích lệ lòng mình, họ càng thêm vững tin.

Thời gian trôi đi, từ những đứa bé âm thầm cầu nguyện rồi những chàng trai trẻ đầy nhiệt huyết gào thét cổ vũ, và cho đến nay là những vị lão nhân lẳng lặng ngóng nhìn, trông mong; niềm tin của họ bị cái gọi là quân đội quốc gia mài mòn. Đã có nhiều người từ bỏ, đã có nhiều người quay lưng, nhưng họ vẫn một lòng trung trinh. Mãi cho đến hôm nay, trái tim yêu mến vỡ vụn, niềm tin cũng trôi theo cơn gió. Họ chợt nhận ra rằng mình đã già, họ cũng nhận ra rằng mình đã đặt niềm tin vào sai chỗ. Họ thật sự đã đặt niềm tin vào nơi không đáng tin.

Dần dần, hai mắt họ đỏ bừng, rồi họ gục xuống bàn ăn, lặng thinh cất tiếng khóc. Họ - những người hâm mộ, từ đây đã chết.

Tiếng xì xào bàn luận vẫn xôn xao trong tửu điếm. Đột nhiên quân binh xuất hiện.

Tên dẫn đầu mang theo vẻ dữ tợn hò hét:

“Bắt, bắt tất cả cho ta. Bắt hết lại, không được để tên nào trốn thoát.”

Toàn bộ tửu điếm im lặng trong chốc lát, rồi như ong vỡ tỗ. Vốn đang bị thiêu đốt trong sự thất bại của quân đội quốc gia, họ giận dữ rống giận:

“Khốn khiếp, chúng ta làm gì nên tội mà bắt chúng ta?”

“Mẹ kiếp, bọn quân đội các người chẳng làm nên cái trò trống gì, chỉ biết bắt nạt dân đen.”

“Chó chết, sao quân đội các ngươi không đi chết hết đi.”

“Biến đi lũ quân đội vô dụng.”

“Biến đi lũ bất tài vô năng.”

“Bắt, bắt con mẹ các ngươi.”

Cũng có nhiều người lạnh giọng:

“Thua nước khác rồi trút giận lên chúng tôi sao? Các người định bắt chúng tôi vì tội gì?”

“Phải, chúng tôi làm gì có tội?”

“Nói, nói đi. Chúng tôi làm gì nên tội?”

Tên đội trưởng cười gằn hét to:

“Câm miệng lại lũ tôm tép. Tội sao? Các ngươi dám đàm tiếu về quân đội quốc gia, các ngươi dám bàn luận về Thần đạo, đó chính là tội.”

Sau đó hắn nhìn về những tên lính đứng sau, quát lên:

“Các ngươi bị điếc à? Lên bắt tất cả cho ta.”

Có vài tên lính không cam lòng, cũng có vài tên lính đầy xót xa. Nhưng họ không dám làm trái, họ rút ra vũ khí, cầm chặt trong tay và bắt đầu công việc tồi tệ này. Rất nhanh tất cả mọi người ở tửu điếm, kể cả chưởng quầy và tiểu nhị đều bị bắt, Từ Phong cũng đành cam chịu tai bay vạ gió.

Dưới sự dẫn dắt của tên đội trưởng, quân lính áp giải tất cả về nha môn.
Bình Luận (0)
Comment