Nguyên Tứ Nhàn rơi vào trầm tư.
Với giao tình nhạt như nước giữa Lục Thời Khanh và Thiều Hòa, thực không lý nào để nàng ấy biết chuyện riêng tư này, như vậy, chẳng lẽ kiếp trước, chuyện y không thể sinh dục đã truyền khắp đại giang nam bắc sao?
Trước mắt Nguyên Tứ Nhàn như hiện lên gương mặt chế giễu của nam nữ già trẻ thành Trường An, mỗi người bọn họ ai nấy đều chỉ chỉ chỏ chỏ Lục Thời Khanh, lén lút bàn tán nói xấu sau lưng y. Không biết kiếp trước vị thê tử trên danh nghĩa của y là ai, nhưng bất luận thế nào, kiếp này người đó là nàng.
Nghĩ tới đây, nàng bỗng che miệng, thần sắc trên mặt biến đổi: thương xót, đau buồn, đầy mờ mịt và hoảng sợ với tương lai.
Sắc mặt Lục Thời Khanh đã trở nên u ám.
Không thể s… không thể sinh dục cái rắm! Y có thể, y rất có thể, có thể theo kiểu nuốt cả sơn hà, thế như chẻ tre, sấm vang chớp giật, đất rung núi chuyển ấy!
Tay trái sau lưng y ra sức đè tay phải xuống, kiềm chế xúc động muốn bước tới búng trán Nguyên Tứ Nhàn, cố bình tĩnh không tức giận nói:
– Không tới mức đó, chỉ là vết thương nhỏ, không đáng ngại.
Sao không đáng ngại được, “việc nhỏ mà nhẫn thì việc lớn ắt hỏng” (1) đấy! Nghe ý của Thiều Hòa thì e là Lục Thời Khanh vì xem nhẹ nên mới để lại mầm bệnh, cuối cùng làm đứt hương hỏa của Lục gia.
(1) Chế câu của Khổng Tử: “việc nhỏ mà không nhẫn được thì việc lớn ắt hỏng” (tiểu bất nhẫn tắc loạn đại mưu).Vẻ mặt nàng nghiêm túc nói:
– Chàng đừng xem nhẹ! Chàng nói mau, rốt cuộc là bị thương như nào, bây giờ thương thế ra sao? Ta…
Nàng chân thành nhìn y:
– Ta có thể giúp chàng làm gì không?
– …
Chuyện nàng có thể làm đúng là rất nhiều đấy.
Lục Thời Khanh lăn yết hầu, hít sâu một hơi, ôm lấy vai nàng đẩy nàng ra ngoài:
– Năm ngày sau lại nói, mấy ngày này nàng phải quy củ chút, đừng tới tìm ta nữa.
Đừng tới tìm để y bị lộ.
Ngày thành thân thực sự quá vội, năm ngày này hai nhà Lục – Nguyên bận vắt giò lên cổ. Lục gia chuẩn bị lễ nạp trưng và trang trí phủ đệ để mọi thứ trong ngày đón dâu thuận lợi. Còn Nguyên gia thì nghĩ chủ yếu ba chuyện – làm sao để tăng thể diện, tăng thể diện và tăng thể diện cho hôn lễ của Nguyên Tứ Nhàn.
Vợ chồng Điền Nam vương không ở Trường An, có chắp cánh cũng bay không kịp, lại không thể làm trái hoàng mệnh, đành giao hết cho Nguyên Ngọc làm thay.
Nguyên Ngọc vừa nghe năm ngày sau là mình phải thành người cô đơn sống một mình thì liệt người ngồi trên ghế cả ngày mới xốc lại tinh thần, sau đó bắt đầu liều mạng thêm đồ cưới cho Nguyên Tứ Nhàn. Một đêm trôi qua, hắn gần như dọn sạch cả Nguyên phủ, chỉ thiếu mỗi đưa luôn Tiểu Hắc đi, cuối cùng bị Nguyên Tứ Nhàn cản lại, nói sợ hắn cô đơn không ai chăm sóc.
Nguyên Ngọc bi ai than vãn. Có Tiểu Hắc thì hắn vẫn không ai chăm sóc mà?
Trước ngày đưa dâu, theo tập tục “phô mẫu cẩn đồng” (2) trong hôn lễ Đại Chu, Nguyên Ngọc mời một phụ nhân Trần gia lớn giọng nổi tiếng kinh thành đến Lục phủ phô phòng, khoe khoang đồ cưới của Nguyên gia, tránh cho muội muội gả đi bị Lục gia bắt nạt.
(2) Phô mẫu cẩn đồng: một tập tục trong hôn lễ thời Đường. Trước ngày đưa dâu, nhà gái phái một phụ nữ lớn tuổi đến nhà trai “phô phòng”, tức bày ra hết của hồi môn bên nhà gái, thể hiện thực lực bên nhà gái.Nguyên Tứ Nhàn sau khi biết thì dở khóc dở cười.
Từ khi Lục Thời Khanh để ý nàng, không chỉ nàng mà ngay cả a huynh cũng không còn nể nang gì y nữa, vật đổi sao dời, dù vô cớ gây sự cũng không sợ khiến tòa núi dựa ấy tức giận.
Nàng cảm thấy chuyện tăng thể diện đó không hề cần thiết. Dù sao cấp bậc thân phận của nàng vốn đã cao, nhân khẩu Lục gia cũng đơn giản, mẹ chồng Tuyên thị lại xem con dâu như con gái, thà bắt nạt Lục Thời Khanh chứ không bắt nạt nàng.
Trong năm ngày này, Nguyên Tứ Nhàn bị đủ loại người thao túng như con rối, nào là quy trình nghi thức đưa dâu đón dâu, nào là những điều kiêng cữ trong hôn lễ, nào là mặc thử giá y.
Giá y này mặc thử vào lại không hề có góc nào không vừa người.
Nghĩ tới đây, nàng lại hơi suy sụp. Giá y này do Lục Thời Khanh lặng lẽ phái người chuẩn bị từ tháng giêng, cả quá trình chưa từng hỏi nàng một chữ một câu, thế mà lại may đo thỏa đáng như vậy, chẳng phải là hiểu rõ nàng ráo trọi sao?
Mỹ sắc của nàng chẳng có chút thần bí nào cả.
Nguyên Tứ Nhàn bận xây xẩm mặt mày mấy ngày liền như đánh giặc, tối vừa chạm gối là ngủ say, hoàn toàn không giống các tiểu nương tử chờ gả thông thường, gần như không có thời gian đa sầu đa cảm, mãi đến ngày đưa dâu, nàng ở nhà làm lễ tế tổ tiên xong, được cả đám tỳ nữ khắp phòng hầu hạ mặc giá y và trang điểm, lúc đó nàng mới có cảm giác chân thực khi xuất giá.
Tuy gả cho Lục Thời Khanh là mong muốn của nàng, nhưng nghĩ tới cả cha và mẹ đều không thể tiễn nàng về nhà chồng, nàng vẫn bất giác buồn man mác, cảm thấy hôn lễ ép buộc này đúng là quá hấp tấp.
Trong phòng có mấy tỳ nữ được Huy Ninh Đế phái đến giúp đỡ, dẻo mồm dẻo miệng, thấy nàng nhìn gương thẫn thờ liền vội bước tới an ủi, khen nàng trang điểm đẹp, khen giá y của nàng tinh xảo đến mức ngay cả giá y của Thiều Hòa công chúa cũng không sánh bằng.
Giá y của Thiều Hòa là do người trong cung gom góp vật liệu cũ chắp vá may vội, tuy quy chế cao hơn nàng nhưng xác thực khó tránh hơi cẩu thả, định trước tiên dùng tạm đỡ, sau khi đến Nam Chiếu sẽ thay bộ mới.
Trong khi bộ giá y này của Nguyên Tứ Nhàn lại được làm rất kỳ công. Từng đường kim mũi chỉ trên tay áo rộng màu xanh sẫm của điền thoa lễ y (3) đều rất tỉ mỉ, ngay cả y phục bên trong cũng không có bất kỳ sợi tơ nào bị xù lên, mặc vào vừa thoải mái vừa chỉnh tề. Phía trên y phục được thêu hoa văn phức tạp tinh xảo với nhiều hoa văn đặc trưng của Điền Nam, thế nhưng nó lại nhẹ hơn các bộ giá y khác, không khiến nàng mệt đến mức không thẳng nổi eo.
(3) Điền thoa lễ y: một loại lễ phục của mệnh phụ thời Đường, gồm trang phục và trang sức trên đầu.Lúc mới mặc vào, nàng thực sự kinh ngạc bởi dụng tâm của Lục Thời Khanh. Nếu nói có gì không hài lòng thì chỉ duy có màu sắc của vạt váy bên dưới và giày. Đại Chu quy định, nếu phu quân là quan chức thì vạt váy và giày của tân nương phải theo trang phục phẩm cấp của phu quân. Trang phục phẩm cấp của Lục Thời Khanh là màu đỏ, thế nên Nguyên Tứ Nhàn phải mặc bộ y phục xanh xanh đỏ đỏ.
Có điều các tỳ nữ đã nói, huyện chúa trời sinh quyến rũ, dù vẩy mực lên người cũng đẹp đến kinh diễm.
Nguyên Tứ Nhàn không tin mấy lời nhảm nhí đó, nghe họ nói đến Thiều Hòa, nàng liền dời sự chú ý, hỏi họ dạo này nàng ấy thế nào. Các tỳ nữ đều nói là thấy nàng ấy rất tốt, dường như không có gì lưu luyến cả.
Nàng nghe vậy thở dài. Bạc bẽo nhất là nhà đế vương, làm một người có tình trong nhà đế vương thực quá khổ, nếu thật có thể bạc tình không mảy may lưu luyến thì mới là chuyện tốt.
Nguyên Tứ Nhàn thở dài xong, vừa dâng lên chút cảm giác bi thương thì Thập Thúy và Giản Chi vội vã chạy vào phòng, nói là đội ngũ đón dâu sắp đến rồi.
Nàng không có thời gian nghĩ ngợi lung tung, vội dặn hai nàng ấy nói a huynh đừng quá làm khó Lục Thời Khanh, chỉ đòi chút tiền mừng và thơ giục trang điểm (4) cho có là được, tuyệt đối đừng bắt chước nhà khác chơi xiếc gậy trúc. Người thích náo nhiệt tưng bừng như Nguyên Ngọc không chê phiền phức, hôm nay đã gọi hết ngay cả những nhà thân thuộc xa tít tắp của Nguyên gia ở thành Trường An tới để tăng thể diện cho nàng, nàng thật sợ Lục Thời Khanh bị bắt nạt thê thảm sẽ giận dỗi quay đầu bỏ đi không cưới nữa.
(4) Giục trang điểm (thôi trang): một tập tục hôn lễ phổ biến thời Đường. Vào ngày hôn lễ, tân lang làm thơ, sai người truyền vào phòng trang điểm của tân nương, giục nhà gái mau mở cửa đưa tân nương lên kiệu.Khoảng nửa canh giờ sau, Nguyên Tứ Nhàn dặm lại lớp trang điểm, nghe tiếng ồn ã rộn rã bên ngoài càng lúc càng gần, cuối cùng nàng mới thở phào nhẹ nhõm, nghĩ tốt xấu gì Lục Thời Khanh cũng quá quan trảm tướng tới rồi.
Nàng nghe bên ngoài có phù rể hét to giúp y, giục nàng đừng trốn nữa, mau mau ra ngoài thôi, hình như có mấy người là quan viên tam phẩm trong triều. Thập Thúy nói nhỏ vào tai nàng, nói Lục Thời Khanh thật lợi hại, quan lớn như thế cũng mời được.
Nguyên Tứ Nhàn thầm nghĩ như thế có là gì, sau này y còn làm trung thư lệnh nữa kìa, mấy người này đều làm trợ thủ cho y hết.
Các tỳ nữ dỏng tai nghe tiếng các phù rể bên ngoài sắp khàn mới đội khăn voan lên cho Nguyên Tứ Nhàn, dìu nàng ra khỏi cửa.
Nguyên Tứ Nhàn bức thiết muốn nhìn thử Lục Thời Khanh có bị đánh thê thảm không, nhưng vừa dợm bước tìm y giữa đám đông thì xuyên qua lớp khăn voan mờ mờ, nàng thấy một bóng người đang chắp tay đứng đó, hình như đang cười với nàng.
Chính Nguyên Tứ Nhàn cũng cảm thấy lạ, rõ ràng chỉ có thể thấy bóng dáng, nhưng trực giác mách bảo nàng y chắc chắn đang cười.
Lục Thời Khanh quả thực không thể không cười. Ai bảo nàng không có chút e lệ hàm súc nào cả chứ, vừa ra khỏi cửa là vội vội vàng vàng tìm y.
Các phù rể phía trước ai nấy đều giỏi ăn nói, thấy tân nương cuối cùng cũng ra trong muôn vàn tiếng hò reo thì vội ba hoa khen lấy khen để, các bằng hữu thân thích của nhà gái cũng miệng như bôi mỡ góp vào khen phụ họa, càng nói càng hăng, thực ví hai người như thần tiên quyến lữ trên trời.
Chờ họ khen đã, hai người mới một trước một sau vào sảnh lớn làm lễ tọa an (5) và lễ điện nhạn (6), khi một loạt các nghi thức phức tạp mệt mỏi kết thúc, Nguyên Ngọc thay cha dặn dò Nguyên Tứ Nhàn vài câu rồi tiễn nàng xuất phủ, đưa vào trong xe có màn che.
(5) Lễ tọa an (lễ khoa an): một tập tục hôn lễ thịnh hành thời Đường, tân nương trước khi xuất giá sẽ ngồi lên yên ngựa một cách tượng trưng, ngụ ý bình an (do chữ ‘an’ trong ‘yên ngựa’ (鞍) đồng âm với chữ ‘an’ trong ‘bình an’ (安)).(6) Lễ điện nhạn: một tập tục hôn lễ cổ đại, tân lang đến nhà gái rước dâu sẽ dâng nhạn cho nhà gái làm lễ cúng.Nguyên Ngọc rõ ràng đã lải nhải càm ràm suốt năm ngày trời mà vẫn như chưa đủ, thấy nàng lên xe rồi mà hắn cứ cảm giác như còn gì đó chưa nói, hô với bóng lưng nàng xa xa:
– Đừng quên thường xuyên về nhà, nếu Lục Tử Chú không cho, a huynh sẽ đánh tới cửa!
Không biết tại sao, Nguyên Tứ Nhàn nghe câu này mà sống mũi cay cay, suýt lệ rơi lã chã, vừa không nhịn được vén rèm xe quay đầu nhìn a huynh thì thấy Lục Thời Khanh đã lên ngựa làm lễ lượn quanh xe ba vòng, nhân lúc ở gần nàng, y hỏi nhỏ:
– Nếu huynh ấy lại lấy roi đánh ta, nàng có ngăn không?
Nguyên Tứ Nhàn biết y muốn dời sự chú ý của nàng, không muốn nàng khóc lóc sướt mướt, nàng hừ lạnh một tiếng, cách tấm khăn voan nói:
– Không ngăn, nhưng thiếp sẽ xin a huynh thưởng cho chàng hai roi đối xứng.
Lục Thời Khanh cười không lên tiếng, đợi vòng quanh xe ba vòng xong, y tiến lên phía trước, chuẩn bị xuất phát.
Gió thổi qua, vàng bạc châu ngọc treo trên xe kêu ting ting tang tang, đoàn rước dâu từ từ uốn lượn hướng về phía phường Vĩnh Hưng trong sắc hoàng hôn bàng bạc.
Tiếng ca hát nhạc trống âm vang, Nguyên Tứ Nhàn ngồi nghiêm chỉnh trong xe, xuyên qua tấm khăn voan nhìn con đường thấp thoáng phía trước.
Con đường này nàng đã đi rất nhiều lần, nhưng lần này, nàng không về nữa.
Từ nay trở đi, nàng thật sự hoàn toàn trao trọn phúc và họa cho người ấy.
Chàng nói thế gian chỉ có một Lục Thời Khanh, chỉ đủ nhọc tâm với một Nguyên Tứ Nhàn. Nàng tin.
Đội ngũ rước dâu rầm rộ vào phường Vĩnh Hưng, đến trước cổng Lục phủ, Nguyên Tứ Nhàn được tỳ nữ dìu xuống xe, bước lên lớp vải đã trải sẵn đi vào bên trong, đến thanh lư (7) mới dựng.
(7) Thanh lư: từ thời Đông Hán đến thời Đường, người ta dựng lều bằng vải xanh làm nơi tổ chức hôn lễ nên gọi là thanh lư, các thời sau thì từ “thanh lư” để ví với việc kết hôn.Thanh lư còn có tên bách tử trướng, theo tập tục người Hồ, hai người giao bái theo lễ chế ở bên trong xong mới di chuyển sang phòng ngủ. Kế đó, Nguyên Tứ Nhàn gỡ khăn voan, đổi sang dùng quạt che mặt.
Phòng ngủ này là nơi ở ban đầu của Lục Thời Khanh, mới được vội vã tân trang bày trí lại trong mấy ngày nay, thay một chiếc giường mới. Hỉ phòng lúc này đầy người, Nguyên Tứ Nhàn và Lục Thời Khanh bị cả đám khách khứa vây lấy, hai người ngồi một trái một phải bên giường, người chủ sự bên cạnh bắt đầu nói những lời chúc mừng, kế đó có người rắc hoa quả lên giường.
Để mừng việc vui, người rắc cứ rắc liên tu bất tận, tới khi sắp ngập luôn hai người mới thôi. Xong, có người mời Lục Thời Khanh làm thơ bỏ quạt, ca ngợi nhan sắc tân nương để nàng bỏ quạt cho mọi người nhìn đã mắt.
Đối với thám hoa lang, làm một bài thơ bỏ quạt hiển nhiên là chuyện nhỏ, dù sao ba bài thơ giục trang điểm lúc nãy y làm ở Nguyên phủ đều rất đặc sắc, nhưng vấn đề là, y không muốn mọi người nhìn đã mắt.
Mọi người đầy mong đợi nhìn y, nhưng y chỉ cười nhạt, lên tiếng:
– E khiến chư vị mất hứng rồi, Lục mỗ văn tài đã cạn, không làm thơ được nữa.
Nguyên Tứ Nhàn nghẹn, cầm quạt len lén nhìn y. Chắc là y cảm thấy nàng đẹp đến mức không thể cho người khác nhìn chứ gì.
Mọi người ồn ào một trận, nhiều lần thúc giục nhưng vẫn không giục được Lục Thời Khanh mở miệng vàng, đành vừa lui ra vừa nhao nhao bảo y hẹp hòi.
Đợi mọi người đi hết, Lục Thời Khanh mới đưa tay lấy quạt của Nguyên Tứ Nhàn, nhưng nàng trốn không cho y lấy, vừa trốn vừa nói:
– Không được, thiếp muốn nghe thơ bỏ quạt, chàng không khen thiếp, thiếp sẽ không uống rượu hợp cẩn với chàng.
Nàng muốn nghe y khen nàng xinh đẹp chứ gì? Lục Thời Khanh nói:
– Ta không dùng thơ mà dùng cách khác khen nàng.
– Cách gì?
– Nàng lấy quạt xuống đi.
Nguyên Tứ Nhàn bán tín bán nghi lấy quạt ra, chưa kịp chuẩn bị gì thì thấy Lục Thời Khanh sáp tới, cúi đầu hôn lên môi nàng.
Nàng sớm nên nghĩ tới là cái cách lưu manh này mà!
Nguyên Tứ Nhàn tức giận, thò tay véo eo y, đẩy y ra:
– Chàng ăn son của thiếp hết rồi thì thiếp đẹp sao được!
Lục Thời Khanh đang định nói thì nghe bên ngoài truyền đến tiếng gõ cửa, tỳ nữ hỏi có phải y và tân nương chuẩn bị thay y phục không, nhắc nhở y mau mau ra tiếp khách.
Hai người đành tạm thời không dỗi nữa, nhanh chóng uống xong rượu hợp cẩn rồi mời người tới thay y phục cho họ, sau đó chiếu theo tập tục hôn lễ của Đại Chu, mỗi người cắt một lọn tóc tết vào nhau giữ lại làm tín vật.
Lục Thời Khanh bị giục đến mức không có thời gian nán lại lâu, làm xong những chuyện này liền vội vã rời đi. Nguyên Tứ Nhàn vẫn chưa hết giận, tức tối bảo y mau mau đuổi những người kia về rồi tính sổ tiếp.
Y cười thở dài xem như đồng ý, trước khi ra cửa, y dừng bước, chợt quay đầu gọi nàng:
– Nguyên Tứ Nhàn.
Nguyên Tứ Nhàn ngồi ở mạn giường ngẩng đầu khó hiểu nhìn y, thấy y nhẹ nhàng chớp mắt, dặn dò:
– Ngồi yên đừng nhúc nhích, đợi ta về.
Nàng nghĩ chắc chắn phải đợi y về rồi, nhưng sao phải ngồi yên đừng nhúc nhích? Như vậy mệt lắm.
Nguyên Tứ Nhàn đồng ý, khoát tay giục y đi mau, nàng không nhúc nhích đợi suốt nửa canh giờ vẫn chưa thấy y về, cuối cùng nghi ngờ câu của y trước khi đi là cố ý chơi xỏ nàng, nàng bèn không kìm được đứng dậy hoạt động gân cốt, đi qua đi lại trong phòng.
Lục Thời Khanh cho hạ nhân lui hết, nên không ai cản nàng đi qua đi lại.
Nàng dạo bước ra gian ngoài, đang rảnh rỗi nhưng không tiện sai người đi giục Lục Thời Khanh khiến y mất thể diện trước mặt khách khứa, thế là nàng lục lọi đống sách trên bàn y, nghịch mấy cây bút của y, trong lúc vô tình ngước mắt, nàng thấy trên bức tường được ánh đèn chiếu rọi có một chỗ điêu khắc hình thù kỳ lạ.
Nàng cau mày, tò mò đứng dậy qua xem, cảm thấy hình này hơi quen quen, lập tức quay đầu nhìn đồ gác bút ở trên bàn thì không khỏi sững sờ.
Đồ gác bút này hình như có thể khảm vừa khít vào chỗ điêu khắc kia trên tường.
Trực giác nhạy bén với cơ quan mật đạo khiến nàng hơi hưng phấn.
Nàng phát hiện mật thất trong phòng ngủ của Lục Thời Khanh, không biết bên trong giấu gì nhỉ, bây giờ nàng là nữ chủ nhân của nó, xem một tí chắc không phạm quy chứ?
Nàng chạy đến bên cửa, lặng lẽ nhìn ra ngoài qua khe cửa, thấy xung quanh không có ai, nàng vội quay lại nhét đồ gác bút vào rãnh chỗ bức tường.
Một tiếng “két” vang nhẹ, cánh cửa ngầm chậm rãi mở ra dưới chân nàng, nhìn xuống thấy vài bậc thềm đá ẩm ướt, bên trong nữa dường như là mật đạo sâu hun hút.