Có lẽ Tuyên thị không nhớ, bát nước ô mai ấy y vốn tiện tay thưởng cho Triệu Thuật, là bà ép y bóp mũi uống hết đấy chứ.
Y uống nó như uống thuốc độc, có thể không hăng sao?
Lục Thời Khanh toan giải thích thì thấy Nguyên Tứ Nhàn quăng cho y ánh mắt đắc ý, tựa như vênh váo vì y sa vào mỹ sắc của nàng sớm đến vậy.
Y chợt không quá nhẫn tâm cho nàng biết sự thật, bèn nuốt lời giải thích đã đến bên môi vào, sau đó lẳng lặng cầm đũa, gian nan gắp măng đầy mùi chua.
Lục Thời Khanh đã chuẩn bị sẵn tâm lý sẽ chiến đấu trường kỳ với giấm và ô mai, nhưng đến bữa tối thì các món trên bàn ăn đều được đổi hết, không có món nào chua nữa, và trước mặt y là đĩa thịt dê xào sợi.
Y không quá đặt nặng chuyện ăn uống, chỉ cần không phải món kiêng, còn lại đối với y đều như nhau. Nhưng y biết, có một người tưởng lầm là y rất thích ăn thịt dê.
Trước đây y dùng thân phận lão sư đến Nguyên phủ dự tiệc, vì đeo mặt nạ nên không tiện ăn miếng to, bèn gắp mãi món sợi thịt dê trên bàn. Lúc đó Nguyên Tứ Nhàn đặc biệt chuyển dĩa món đó đến trước mặt y để tiện cho y ăn.
Không ngờ nàng vẫn nhớ.
Biết món ăn tối nay do Nguyên Tứ Nhàn sai người đổi, đáy lòng y thoáng chốc mềm nhũn, tối đặc biệt dời đến phòng ngủ chong đèn làm việc, muốn ở bên nàng nhiều hơn.
Cát Chính nói đây là thai song sinh nên mang thai rất vất vả, sinh ra càng vất vả, tuy Nguyên Tứ Nhàn từ nhỏ chạy chơi khắp núi đồi nên khỏe mạnh hơn nữ tử yếu đuối thông thường, nhưng dẫu sao cũng là thai đầu, đến lúc đó e phải chịu không ít khổ cực. Do đó phải chú ý ngay từ bây giờ, nuôi cơ thể càng khỏe mạnh, đồng thời duy trì tâm thái bình thản, ít ưu phiền.
Y không dám lơ là, chỉ cần là chuyện khiến nàng vui thì y đều làm cả. Mấy ngày trước nàng chê y hễ vào thư phòng là ngồi cả buổi, phải để nàng xuất kỹ xảo toàn thân mới dụ được y về, thế nên bây giờ y dính vào nàng làm việc.
Lục Thời Khanh đặt chiếc bàn nhỏ bên giường, lật xem xấp tin báo trong tay, vừa xem vừa nghe tiếng mặc y phục sột soạt từ trong phòng truyền tới, nghĩ chắc Nguyên Tứ Nhàn tắm rửa xong, y không khỏi thở dài.
Y là lúc úng úng đến chết lúc hạn hạn đến chết, cày xong vạn mẫu ruộng trong một đêm, nhưng sáng hôm sau lại đột nhiên bị hủy không thuê nữa.
Bây giờ nghe âm thanh quyến rũ ấy, y thật không kìm được mà giơ cái cuốc nhỏ… không, là cái cuốc bự của mình lên.
Nguyên Tứ Nhàn buộc xong y phục bước ra, toan ngồi xuống cạnh Lục Thời Khanh như thường lệ thì bị y đưa tay ngăn lại:
– Lên giường kìa, dưới đất dễ bị lạnh.
Tháng cuối hạ chưa qua hết, lạnh ở đâu ra chứ. Nàng theo bản năng muốn làm ngược lời y nhưng chợt nghĩ nay đã khác xưa, bèn “ừm” một tiếng, ngoan ngoãn leo lên giường, nằm xuống đắp kín chăn rồi quay đầu nhìn y, vất vả liếc mắt nhìn thư tín trong tay y.
Lục Thời Khanh hiện nay không còn bí mật gì với nàng nữa, cảm nhận được ánh mắt nhìn trộm phía sau, y nghĩ nàng coi chừng trẹo mắt đấy, bèn chủ động giải thích:
– Tin từ Nam Chiếu tới, Thiều Hòa mang thai rồi.
Nguyên Tứ Nhàn nghe vậy hơi kinh ngạc:
– Nhanh thế à?
Hỏi xong, đầu óc nàng xoay chuyển, tự hiểu. Tình hình trong nước Nam Chiếu bất ổn, Tế Cư cần một đứa con mang huyết thống Đại Chu để ổn định tình thế, được phái thân Chu tin tưởng và ủng hộ, nên chắc chắn sốt ruột mong con, tính ngày thì đúng là cũng không xê xích mấy.
Lục Thời Khanh không tiếp lời, chỉ nói:
– Nàng an tâm dưỡng thai của mình là được.
– Chàng chê thiếp lo chuyện bao đồng?
Y không muốn động tĩnh phía Nam Chiếu khiến nàng ưu tư nên mới nói cứng, nhưng nghe giọng nàng không quá vui thì vội quay đầu:
– Không phải.
Nhìn y căng thẳng, tâm trạng Nguyên Tứ Nhàn thật tốt, nàng đưa tay bóp mũi y rồi véo, cười nói:
– Chàng sợ gì chứ, thiếp có phải cọp cái đâu.
Động tác của nàng y hệt dỗ trẻ con, Lục Thời Khanh có bao giờ bị đối xử khinh suất vậy đâu, y giơ tay muốn đánh tay nàng ra nhưng đến lúc mấu chốt thì thắng gấp.
Không được, phải dịu dàng.
Tay y dừng giữa không trung, mày cau lại, cụp mi nhìn bàn tay trắng trẻo nhỏ xinh của nàng nói:
– Nguyên Tứ Nhàn, vừa vừa phải phải thôi.
Nàng vốn đã định buông tay nhưng giờ trở nên chất vấn y:
– Chàng gọi thiếp là gì?
Lục Thời Khanh ý thức được nàng không muốn y gọi đầy đủ cả họ tên nàng, bèn nhanh chóng sửa lời:
– Tứ Nhàn.
– Cũng không đúng.
Nàng bĩu môi với y:
– Trước khi chàng “hư ha hư ha” với thiếp, chàng gọi thiếp thế nào, không nhớ à?
– …
Ai “hư ha hư ha” với nàng chứ…
Y bỗng vừa giận vừa buồn cười:
– Vậy lúc nàng “ai da ai da” thì gọi ta thế nào? Nói nghe xem.
Nguyên Tứ Nhàn nghẹn, nói đến chuyện này vẻ mặt hơi xấu hổ, nàng buông tay thả y ra, lẩm bẩm không thừa nhận:
– Thiếp đâu có!
Nhìn nàng nóng mặt, Lục Thời Khanh cũng toàn thân bùng cháy, không còn tâm tư làm việc nữa, dứt khoát đẩy đống thư báo sang một bên, tắt nến lên giường, hờ hững nói:
– Không có thì không có, ngủ thôi.
Để cẩn thận, Lục Thời Khanh ngủ cách nàng một cái chăn.
Chờ y nằm xuống bên cạnh, Nguyên Tứ Nhàn “ừm” một tiếng nhắm mắt lại, nhưng cuối cùng lòng vẫn ngứa ngáy, qua một lát bèn lén lút thò tay vào chăn khẽ chọt xương sườn y.
Lục Thời Khanh ngứa ngáy đến mức toàn thân co rụt lại, cắn răng trong bóng tối:
– Nguyên Tứ Nhàn, nàng đừng nghịch!
– Tại sao lại gọi cả họ tên thiếp thế, chàng mất trí nhớ à!
Nàng dữ dằn làm khí thế của y yếu đi. Vì y mới nghe một từ là “thai khí”, đó là thứ tuyệt đối không thể động.
Lục Thời Khanh ôm nàng cách lớp chăn, giọng dịu đi:
– Không phải, dạo này bị nàng ồn ào làm trí nhớ không tốt, bây giờ nhớ rồi.
– Nhớ gì?
Y khẽ nói:
– Nhớ lúc “hư ha hư ha”, ta gọi nàng thế nào.
– Vậy gọi nghe thử xem.
Lục Thời Khanh cứng miệng, chỉ khi tình nồng ý đậm mới không kìm được gọi nhũ danh của nàng, bây giờ bị nàng hành hết cách, đành cúi đầu nói khẽ bên tai nàng:
– Yểu Yểu.
Nguyên Tứ Nhàn thoải mái, lần sờ mặt y rồi hôn “chụt” một tiếng thật kêu:
– Thưởng cho chàng, ngủ thôi.
Một tay Lục Thời Khanh vòng qua ôm nàng, một tay sờ lên má, khóe môi cong cong, cười như gã ngốc 23 tuổi.
Hôm sau, lúc Nguyên Tứ Nhàn thức giấc đã qua giờ mão, thấy chăn đệm bên cạnh trống không là biết Lục Thời Khanh đã dậy sớm đến Đại Minh cung. Không biết do nàng ngủ quá say hay do y quá khẽ khàng, nàng không mảy may hay biết y dậy từ khi nào.
Nguyên Tứ Nhàn vẫn hơi mệt mỏi, nhưng ngủ tiếp sẽ lỡ giờ ăn sáng, bèn mau chóng dậy mặc y phục xong đến phòng chính cùng Tuyên thị và Lục Sương Dư ăn cháo, rảnh rỗi tán gẫu với họ về tên của đứa bé trong bụng.
Ba người thảo luận sôi nổi một lúc thì Nguyên Tứ Nhàn tò mò hỏi:
– Mẹ, tên của Thời Khanh làm sao mà có ạ?
Tuyên thị thích đôi vợ chồng son xưng hô thân thiết, nên Nguyên Tứ Nhàn luôn gọi Lục Thời Khanh như vậy trước mặt bà, không sợ bà thấy con dâu không quy củ.
Tuyên thị nghe vậy quả thực rất vui, nhớ lại:
– Tên của Thời Khanh do mẹ đặt đấy. Năm xưa mẹ và cha Thời Khanh gặp nhau dưới mưa…
Mưa to tầm tã, ông ôm một chồng sách, người ướt như chuột lột, bà bèn tốt bụng cho ông mượn ô. Sau đó, bà nảy sinh tình ý với ông, đến nhà ông đòi ô, tới tới lui lui rồi theo đuổi được ông về. Hai người thành thân, có con, bà đặt tên con là “Thời Khanh” với ý “mưa rơi gặp được chàng”.
Nguyên Tứ Nhàn hơi hâm mộ nói:
– Con hiểu tại sao tên tự của Thời Khanh là Tử Chú rồi. Chữ “Chú” nghĩa là “mưa đúng lúc”, cha muốn nói với mẹ rằng mẹ là cơn mưa đúng lúc của cha.
Tuyên thị cười không ngậm được mồm, nói với Lục Sương Dư:
– Tẩu tẩu con khéo ăn nói thế, hèn gì khiến a huynh con ngoan ngoãn nghe lời.
Lục Thời Khanh đang nghị sự với mấy tể phụ ở Đại Minh cung đột nhiên hắt xì.
Suốt mấy ngày liên tục y đều rất bận rộn. Trịnh Tế rơi đài, cây đổ bầy khỉ tan, bè đảng ban đầu của nhị hoàng tử trong triều loạn cào cào, Huy Ninh Đế giao hết mớ hỗn độn ấy cho y “cố vấn”, tới nỗi bây giờ số người y phải xử lý nhiều đến mức có thể xếp hàng từ cổng Xuân Minh đến cổng Diên Hưng.
Y muốn ở nhà với Nguyên Tứ Nhàn và đứa con chưa ra đời của họ nhưng không có thuật phân thân, thấy đã hết buổi sáng, khó khăn lắm y mới ra khỏi cửa cung thì bị một ông lão mặc quan bào màu xanh chặn lại.
Y biết ông lão ấy là trợ giảng của Quốc Tử Giám, quan tòng lục phẩm. Tuy chức vị không cao nhưng học thức uyên bác, rất có danh vọng trong lục quán (1).
(1) Lục quán: gọi chung các học quán, ở thời Đường gồm sáu học quán của Quốc Tử Giám: Thái học, Tứ môn quán, Quảng văn quán, Luật học, Thư học, Toán học.Đương nhiên, điều quan trọng hơn là: ông họ Đậu, là tổ phụ của thư sinh Đậu A Chương cứ quấn lấy Lục Sương Dư không tha.
Sau vài lần liên tiếp bị hạ nhân Lục phủ từ chối, Đậu A Chương bắt đầu đi đường vòng, cả tháng nay ngày nào cũng hô muốn bái Lục Thời Khanh làm sư phụ, học tập kinh điển thánh hiền.
Lục Thời Khanh đương nhiên biết hắn muốn nhân cơ hội vào Lục phủ để tìm “Hồng Cúc” nên kiên quyết không nhận loại học trò ý đồ bất lương này, sa sầm mặt từ chối nhiều lần. Bây giờ tổ phụ của người ta cũng tới xin rồi.
Đậu Đức Phương nói thẳng mình tới vì chuyện của tôn tử. Nhưng hiển nhiên ông không biết mục đích thật sự của tôn tử, chỉ cho rằng hắn hiếu học.
Lục Thời Khanh vội về phủ dùng cơm trưa với Nguyên Tứ Nhàn, nào thảnh thơi phí lời với ông, thấy Đậu gia cố chấp như vậy, y đồng ý luôn, định hôm khác sẽ đi gặp Đậu A Chương.
Đậu Đức Phương cảm tạ không ngớt, tránh sang bên dõi mắt nhìn y rời đi.
Lục Thời Khanh lên xe ngựa về thẳng phường Vĩnh Hưng, đến cổng phủ thì nghe một người lấy giọng gào ngoài tường:
– Hồng Cúc cô nương, Hồng Cúc cô nương!
Y cau mày, vén rèm bước xuống, toan lên tiếng thì thấy một nữ tử mặc trang phục vải thô bước ra khỏi cổng phủ nhà mình, dáng người to khoảng gấp ba Lục Sương Dư, dùng giọng khẩu âm miền Nam nói với Đậu A Chương gào bên ngoài tường:
– Ai gọi tôi đấy?