Lần thứ sáu.
"Schopenhauer (1) tin rằng, cuộc sống chính là sự bất hạnh. Cái gọi là hạnh phúc và hưởng thụ suy cho cùng chỉ là điểm dừng tạm thời của ham muốn. Cốt lõi của cuộc sống là đau đớn, trống rỗng và nhàm chán..."
Ấn nút trên điều khiển từ xa, màn hình chiếu ra trích đoạn tương ứng.
"Trong quyển "Thế giới như là ý chí và biểu tượng" viết..."
Lần thứ bảy.
"...Khát vọng và đấu tranh là toàn bộ bản chất của con người."
Liếc mắt qua, người nọ vẫn đang nhìn điện thoại.
Nội trong mười phút, cậu ta đã nhìn điện thoại đến bảy lần. Suốt hai lần, cứ hễ vừa bỏ điện thoại lên bàn là lại rung lên, dù không có âm thanh lớn nhưng cũng đủ để phân tán sự chú ý của tôi.
Ngay lúc cậu ta định cầm điện thoại thêm lần nữa, vì không thể nhịn nổi, tôi ngưng bài giảng, điều khiển xe lăn điện (*) đi đến mép giảng đài, nghiêm mặt nhìn về chỗ đối phương.
"Cậu..."
Tôi giơ bút laser lên, rọi thẳng tới cái bàn gần hành lang ở dãy thứ ba ngoài rìa bên phải. Đốm đỏ từ từ dời xuống, cuối cùng dừng lại trước ngực người ngồi sau bàn.
Chỉ cần là người có thần kinh bình thường thì khi bị một tia laser nặc danh rọi vào tất nhiên sẽ vô thức ngẩng đầu lên tìm kiếm nguồn gốc của nó, và người nọ cũng không ngoại lệ.
Cậu trai mặc áo thun trắng form rộng nhíu mày ngẩng đầu lên, trên mặt viết rõ mấy chữ: "Tôi đang không vui, đừng chọc vào." Bị cặp mắt đen láy sâu hun hút nhìn đến nỗi tôi có ảo giác như bị một loài thú hung mãnh nhìn chằm chặp.
Bây giờ có lẽ con thú ấy không đói lắm, không cần đi săn, nhưng nếu bạn cứ tiếp tục la lối om sòm trước mặt nó thì nó sẽ không ngại xé bạn thành từng mảnh rồi kéo về điểm tô thêm cho sào huyệt của mình đâu.
Tôi khẽ mím môi, bấm tắt bút laser, cất giọng lạnh lùng nói: "Nếu cậu có việc gấp thì đi xử lý, lớp học của tôi không cho phép dùng di động."
Giọng nói rõ ràng truyền tới xuyên qua màng nhĩ, đối phương nhướng mày lên, mặt đối mặt với tôi trong giây lát rồi nhét điện thoại vào túi quần, tiếp đó đi thẳng ra cửa. Nhanh gọn lẹ, không một lời giải thích để biện hộ cho mình.
Hai người ngồi bên cạnh chắc là bạn của cậu ta, thấy cậu ta đi bèn nhìn nhau, rồi cũng cầm sách đuổi theo.
Cửa phòng học đóng lại, tôi nhìn đăm đăm bóng ba kẻ vừa rời đi, bất giác siết chặt bút laser trong tay.
Cả căn phòng chìm vào yên lặng, lúng túng đến đáng sợ, mọi người đều căng thẳng nhìn tôi, hô hấp nhẹ bẫng đi. Có lẽ họ còn sốc hơn cả tôi, không ngờ cũng có kẻ dám khiêu khích quyền lực của tôi trong lớp như thế.
Nhưng mà quả thật, đã lâu rồi chưa có "dũng sĩ" nào làm được vậy.
Thu tầm mắt lại, tôi nói với trợ giảng đang ngồi ở dãy cuối: "Ghi tên mấy đứa vừa cúp tiết vào."
Trong nhóm người ngồi dãy sau cùng phòng học giơ lên một cánh tay trắng nõn, Dư Hỉ Hỉ lớn giọng đáp: "Rõ!"
Tôi quay về chính giữa giảng đài, chỉnh micro (*), bấm điều khiển tiếp tục giảng nội dung trước đó, rất nhanh đã bỏ chuyện vừa nãy ra sau đầu.
Tiết học kết thúc, quần chúng giải tán, tôi ôm giáo trình bảo Dư Hỉ Hỉ đẩy xe đến văn phòng.
"Anh Bắc, anh có biết hiện giờ người ta gọi anh là... "Bắc Triết Vương" không?" Cô nàng này tính tình hoạt bát, không ưa ngột ngạt, có thể là nhờ kinh nghiệm đảm nhiệm chức đội trưởng đội văn nghệ trước đây nên là chỉ đi có mấy trăm mét ngắn ngủi cũng phải khuấy động bầu không khí cho bằng được.
Tôi luôn cảm thấy cô ấy làm trợ giảng thật quá tiếc, đáng lẽ cô phải làm phóng viên giải trí, như thế thì có thể vừa làm việc vừa lướt web, một công đôi việc.
"Có nghĩa là gì?"
Bóng cây chập chờn trên nền đất, rõ là có gió nhưng lại không hề thấy lạnh. Cũng phải tháng mười rồi, sao vẫn nóng như thế? Giờ này năm ngoái là đã bắt đầu mặc áo dài tay rồi.
"Nam Luật Tăng, Bắc Triết Vương. Giáo sư Vương Nam khoa Luật cùng với giáo sư khoa Triết là anh, đều là hai "ông thần" khó "xơi" nhất của Đại học Thanh Loan này. Nói thẳng ra là ––– Vương Nam, "con lừa hói" khoa Luật và Bắc Giới, "ma vương" khoa Triết."
"..." Tôi còn tưởng chuyện thầy Vương đội tóc giả không ai hay, hóa ra mọi người chỉ vờ không biết nhưng sau lưng thì đã bàn tán sôi nổi rồi nhỉ.
"Hôm qua em còn nghe có người "phổ cập kiến thức" về anh cho sinh viên khoa khác, bảo gì mà "Nếu có thể không chọn lớp của Bắc Triết Vương được thì tốt nhất không chọn, khổ cực kinh khủng, yêu cầu lại khắt khe. Nhưng nếu vào lớp vì nhan sắc của ổng thì coi như tôi chưa nói gì đi". Anh Bắc nè, giá trị sắc đẹp của anh có thể vượt qua hết vòng này đến vòng khác trong cuộc thi bình chọn nhan sắc của cả đám sinh viên luôn đó."
Mấy tin lá cải trên mạng, dù quen hay không quen, trong trường hay ngoài trường, Dư Hỉ Hỉ đều nhét hết vào tai tôi, chẳng cần quan tâm tôi có chịu nghe hay không.
Đầu ngón tay gõ lên tay vịn xe lăn theo từng nhịp, vừa nóng mà vừa phiền.
"Phải rồi, anh Bắc, anh có biết cái cậu bị anh đuổi khỏi lớp hôm nay là con ai không?"
Ngừng động tác lại.
"Hiệu trưởng?" Tôi đoán.
Dư Hỉ Hỉ cười khẽ: "Hiệu trưởng nào mà sinh ra được cậu con trai tuấn tú như vậy, cái mặt già đó mà..."
Tôi quay đầu liếc cô nàng một cái: "Chú ý lời nói của em đi."
Cô như thể vừa nhận ra bọn tôi không phải đang ở nơi thâm sơn cùng cốc mà là giữa trường học đông nghịt người, lập tức khóa miệng lại.
Nhìn trái ngó phải một hồi, Dư Hỉ Hỉ mới thấp giọng nói: "Thằng nhóc đó tên Thương Mục Kiêu, là con của Thương Lộc, ngôi sao điện ảnh vô cùng nổi tiếng khoảng mười mấy năm trước, đóng trong "Ngược chiều gió" đó. Hồi xưa Thương Lộc còn "máu" lắm, mẹ em cũng rất thích ông ấy. Tiếc là sau khi quay "Ngược chiều gió" xong thì ông ấy giải nghệ chuyển sang kinh doanh rồi."
Tim tôi hẫng một nhịp: "Thương Lộc?"
Cái tên đã lâu lắm rồi không nghe đến, bây giờ đột nhiên nghe lại không khỏi khiến người ta có chút ngỡ ngàng.
Mười mấy năm trước, không chỉ mẹ của Dư Hỉ Hỉ, mà tôi cũng thích ông ấy. Hơn nữa, ông ấy còn là người "khai sáng tình dục" cho tôi thuở thiếu thời. Những hôm đêm khuya thanh vắng, tôi còn lôi poster ông ấy ra rồi "suy nghĩ linh tinh".
Thời gian trôi nhanh như nước chảy, chớp mắt cái đến con ông ấy cũng lớn cả rồi.
Cẩn thận ngẫm lại, trong dung mạo của tên nhóc đó quả thật có hình bóng của Thương Lộc. Chỉ là Thương Lộc có vẻ đoan trang chín chắn, là dung mạo điển hình của nhân vật chính, dễ khiến người ta nảy sinh hảo cảm. Còn Thương Mục Kiêu, dù có sắc sảo hơn, ngũ quan có thu hút hơn nhưng lại sinh ra cảm giác xa cách... khó nói nên lời, làm cho người khác bất an khi đến gần.
"Nghe nói Thương Lộc giải nghệ do phải chăm sóc cho người vợ đang bệnh. Lúc đó truyền thông còn đưa tin khen là "người đàn ông nặng tình nhất thế gian", chẳng ngờ hai năm sau vợ ông ấy đã qua đời vì bị bệnh."
"Có điều, dù gia đình bất hạnh nhưng ông ấy lại biết hóa đau thương thành sức mạnh, mấy năm lăn lộn trên thương trường thì lên như diều gặp gió, sản nghiệp đầu tư ngày càng sinh lời, nhanh chóng lọt vào top doanh nhân giàu có, còn được đám phóng viên báo lá cải đặt cho biệt danh là "Bàn Tay Vàng" nữa."
Dư Hỉ Hỉ "tám" suốt đường đi đến văn phòng, lúc vào cửa đã "tám" đến đoạn Thương Lộc bỗng nhiên kết thúc cuộc sống góa vợ của mình hai năm trước, cưới một cô minh tinh trạc tuổi con gái lớn của mình, hai người hơn kém nhau hai mấy tuổi, truyền thông lại đưa tin khen ông ấy "già mà vẫn sung sức".
"Nghe nói trong hôn lễ chỉ thấy con gái lớn, không thấy cậu con trai đâu, tất cả đều đoán là do thằng bé không thích thấy ông già nhà mình lấy một người mẹ trẻ như vậy..."
"Được rồi, hôm nay tám đến đây thôi, có cơ hội rồi kể tiếp." Tôi thấy cô nàng không có ý định dừng lại, đành phải mở miệng cắt ngang: "Trước trưa mai gửi cho anh bảng điểm danh từ đầu năm đến giờ, cũng ghi chú lại cho anh giống như mấy lần trước, ai cúp học đủ năm lần thì thông báo hủy bỏ tư cách thi cuối kỳ. Còn cả bài tập của lớp khi nãy, sau khi tổng hợp hết rồi phiền em gửi cho anh luôn, anh cảm ơn trước nhé."
Dư Hỉ Hỉ đẩy tôi đến trước bàn làm việc, nghe xong khẽ rùng mình, nhỏ giọng "chậc chậc" hai tiếng: "Quả nhiên là Đại ma vương."
Mặc dù cô nàng khá là ham chơi, nhưng lại rất được việc, mới một buổi chiều mà đã hoàn thành xong nhiệm vụ tôi giao, thu hết bài tập rồi nén thành file gửi đi.
Lớp tự chọn của tôi không có quá nhiều học sinh, tính tổng cũng chỉ có hơn ba mươi bài tập, điểm số đều được liệt kê trên biểu mẫu, ai nộp ai không nộp gần như nhìn một cái là biết ngay. Ở mấy ô trống chợt xuất hiện tên của Thương Mục Kiêu.
Có lẽ Thương Lộc rất giỏi trong kinh doanh, nhưng trong việc dạy con thì không được như vậy nhỉ.
Uể oải bóp bóp sống mũi, liếc mắt nhìn lên đồng hồ, tôi mới phát hiện đã hơn tám giờ tối rồi.
Điện thoại có đến bốn năm cuộc gọi nhỡ của Thẩm Lạc Vũ, còn thêm bảy tám cái tin nhắn, vừa mở ra đọc đã thấy Thẩm Lạc Vũ hỏi tại sao tôi không nghe điện thoại.
Tắt đèn – đóng cửa sổ – khóa kín cửa lại, vừa điều khiển xe lăn đi đến bãi đỗ xe, tôi vừa gọi lại cho Thẩm Lạc Vũ.
Người nọ bắt máy rất nhanh, giọng thốt ra như thở phào nhẹ nhõm: "Anh làm em sợ chết đi được, còn tưởng anh xảy ra chuyện gì chứ."
"Anh xin lỗi, chiều nay lên lớp nên phải tắt chuông điện thoại xong quên bật lại."
Con bé cũng không có việc gì to tát, chỉ như thường lệ hỏi tôi mấy nay có ổn không, cơ thể thế nào, rồi nói bóng nói gió, cẩn thận từng li từng tí, thăm hỏi tình hình gần đây của tôi với người thân.
"Ba mẹ anh đều khỏe, Tiểu Nham cũng rất khỏe, tháng rồi anh vừa mới ăn cơm với gia đình, họ còn nhắc đến em, thắc mắc sao em lớn rồi mà mãi vẫn chưa kết hôn nữa."
Thẩm Lạc Vũ nghe đến đó liền hít vào một hơi: "Anh lừa ai hả? Cậu mợ làm gì quan tâm đến hôn sự của em? Anh không muốn em hỏi nhiều nên cố tình nói câu này để chặn miệng em chứ gì."
Tôi không nhịn được khẽ cong môi lên: "Em biết thì tốt."
Thẩm Lạc Vũ uất ức kể khổ: "Anh nghĩ em muốn à, còn không phải do mẹ bắt em hả? Cậu mợ tìm mẹ hỏi chuyện của anh, mẹ em bèn hỏi em, thì em còn cách nào ngoài hỏi anh đâu? Sao người một nhà mấy anh lạ vậy, cứ phải đánh một cái bùng binh lớn thế, hỏi thẳng anh không phải được rồi ư?"
Xe lăn dừng trước bãi đỗ xe, nụ cười vừa nhếch lên vì Thẩm Lạc Vũ thoáng chốc lại tan đi cũng vì con bé.
Trên đường lác đác vài người, ai ai cũng vội vã bước tiếp, chỉ có đèn đường vẫn sắt son, tựa như "mẹ già" soi sáng cho con đường tăm tối phía trước của tôi.
Tôi ngẩng đầu lên, nhìn về "mẹ già" của mình thở dài, nói: "Phải đó, tại sao lại không hỏi thẳng anh chứ? Anh cũng muốn biết lắm."
Đầu kia điện thoại chợt lặng đi, Thẩm Lạc Vũ nhận ra mình vừa nói lời không phải, bắt đầu cuống lên định sửa sai.
"Không đâu không đâu, chắc là cậu mợ sợ phiền anh làm việc đó, anh bận rộn cả ngày như vậy mà..."
Từ khi tôi bị liệt hai chân vì tai nạn giao thông, rồi đến Bắc Nham chào đời, tuy chẳng xảy ra cãi vã nào nhưng quan hệ của tôi và ba mẹ bất giác trở nên xa cách hơn. Mười hai năm trôi qua, xa mặt cách lòng, bây giờ đến cả ngồi cùng nhau ăn một bữa cơm cũng lúng túng không tìm được đề tài để nói. Bình thường nếu không có gì tôi cũng chẳng liên lạc với họ, họ muốn biết tình hình gần đây của tôi cũng chẳng chủ động hỏi tôi mà phải đi một vòng, nhờ Thẩm Lạc Vũ nghe ngóng giúp.
Sợ phiền tôi làm việc? Thẩm Lạc Vũ nói ra câu đó không biết chính nó có tin không.
Bọn họ không phải sợ phiền tôi làm việc, mà chỉ là sợ tôi. Sợ tôi làm họ nhớ tới đứa con trai TỪNG làm cho họ hãnh diện, sợ ngày nào đó chợt bừng tỉnh phát hiện tôi đã trở thành một PHẾ VẬT mà họ khó lòng chấp nhận được, đồng thời cũng sợ tôi đột nhiên hỏi bọn họ chuyện liên quan đến Bắc Nham.
Ba năm sau khi tôi bị tai nạn, mẹ tôi sinh ra một đứa em trai kém tôi hai mươi hai tuổi. Như thể điều cấm kỵ trong thí nghiệm của Schrödinger (*) – chỉ cần không "khám phá" đến cùng thì mọi người đều sẽ tự cho rằng đây chỉ vô tình là một "sự cố ngoài ý muốn" mà ai cũng muốn.
Nó cũng giống như việc mọi người đều biết giáo sư Vương đội tóc giả, nhưng không ai nói ra.
(*) Schrödinger có một thí nghiệm giả định về con mèo "nửa sống nửa chết", sơ lược là bắt một con mèo vào một cái hộp kín và đặt 1 thiết bị phóng xạ, mèo sẽ có 50% sống 50% chết, nhưng chúng ta bên ngoài không biết nó sống hay chết, mà khi chúng ta mở hộp con mèo sẽ chết ngay, kết luận của thí nghiệm giả định là chấp nhận những điểm mờ, rằng con mèo nửa sống nửa chết, chiếu theo hoàn cảnh của thầy là đừng cố chấp tìm hiểu xem đứa em ra đời "by accident" thật hay cố tình, sẽ tốt hơn cho tất cả."Thôi, anh phải lái xe rồi, không còn việc gì thì anh cúp máy nhé."
Thẩm Lạc Vũ ngừng nói, chỉ thở dài một hơi bất đắc dĩ.
"Mấy ngày nữa em sẽ đến thăm, anh nhớ giữ gìn sức khỏe đó."
Cúp máy xong, tôi mở cửa xe, hạ thiết bị hỗ trợ bên cạnh ghế lái xuống, tôi dùng tay chuyển người ngồi lên nó. Chờ cho xe lăn được đưa lên sau xe, tôi lại nâng thiết bị hỗ trợ lên, rồi tiếp tục xoay người ngồi vào ghế lái. (3)
Tôi làm mấy việc thế này mãi cũng quen, tốn khoảng chừng hai ba phút, còn phần lớn thời gian là chờ xe lăn được đưa lên.
Vì chiếc xe này chuyên dùng cho những người bị liệt hai chân như tôi nên phanh, chân ga đều điều khiển bằng tay. Thông thường tôi sẽ chẳng bao giờ lái xe quá nhanh, dù cho phía trước không có xe thì tốc độ trung bình cũng không dám vượt quá 25km/h.
Đường quanh trường vô cùng chật hẹp, hai bên đường đều bị bãi đỗ xe chiếm chỗ, chỉ có đủ cho một chiếc đi qua.
Có lẽ do hôm nay là thứ sáu nên quán ăn cửa tiệm người bu kín mít, bãi đỗ xe đã eo hẹp, cộng thêm xe đạp lộn xộn, làm cho việc lưu thông qua lại càng khó khăn hơn.
Thần kinh tôi căng như dây đàn, cẩn thận nhích lên từng chút một, không dám lơ là cảnh giác, đến nỗi tốc độ tuột xuống tận hàng đơn vị.
Đuôi xe đột nhiên truyền đến tiếng "brmm brmm" của động cơ, tôi nhìn qua kính chiếu hậu thì thấy một chiếc moto màu xanh trắng. Người lái mặc áo khoác da đen, trông có vẻ là đàn ông, gương mặt bị giấu sau lớp mũ lờ mờ không rõ.
Chắc người nọ ý bảo tôi chậm quá, cứ liên tục lên ga phát ra tiếng "brmm" vang dội, mặc dù không thẳng thắn bóp còi nhưng vẫn khiến người ta cảm thấy khó chịu.
Vì căng thẳng quá nên hai mươi mét còn lại tôi không tiếp tục hãm phanh nữa mà tăng tốc lao đi.
Tuy nhiên, số phận thỉnh thoảng lại chẳng buồn nói lý, cứ thích nhắm ngay lúc bạn buông lỏng cảnh giác là tung một đòn phủ đầu.
Bỗng dưng bên đường có một con mèo tam thể nhảy ra, thân hình bị đèn xe rọi trúng hoảng hốt đến lạ. Tôi sửng sốt, vô thức phanh gấp, con mèo nhỏ phi nhanh đến đối diện đường, bình an vô sự, còn đuôi xe tôi thì vang lên một tiếng "uỳnh" rõ to.
Đầu óc thoáng chốc trở nên trống rỗng, tôi nín thở, dùng ngón tay giữ chặt vô lăng, qua một hồi sau tôi mới hoàn hồn lại.
Cảm thấy hình như có va chạm sau xe, tôi hạ cửa sổ xuống định xem xét tình hình, nhưng vì tầm nhìn có hạn nên cũng không thấy được gì.
Không gian bên ngoài cũng chẳng đủ chỗ cho xe lăn, mà không có xe lăn thì tôi khó thể di chuyển được. Những lúc thế này tôi mới nhận ra khuyết tật có đôi khi là việc khiến người khác thấy thật khó chịu.
Ngay tại thời điểm tôi đang bó tay hết cách, cửa xe chợt vang lên tiếng "cốc cốc", người lái chiếc moto xanh trắng ban nãy tìm tới.
Tôi hạ cửa kính xuống, đối phương cũng tháo chiếc mũ bảo hiểm. Đợi khi nhìn rõ mặt nhau, cả hai đều khẽ giật mình.
"Là thầy à." Tôi còn chưa kịp phản ứng, tên lái xe cao to kia đã mở miệng trước.
Trùng hợp thật đấy, người đụng phải tôi lại là Thương Mục Kiêu.