Lúc tôi gặp Thận Vi trong ngục, anh đã hoàn toàn thay đổi. Trước đây anh nhẹ nhàng phong độ, nho nhã tuấn tú là vậy, nhưng nằm trong ngục một tuần, lại như thành một người khác. Anh quần áo tả tơi, hai tay trật khớp, vết máu loang lổ, cả người không chỗ da nào lành lặn.
Trước đây cha không cho tôi gặp anh. Thậm chí ông không cho tôi tới trường, giam lỏng tôi ở nhà. Tôi khuyên cha thả anh ra, nói thế nào nhà họ Dương cũng có ân tình với chúng tôi; nhưng cha tôi kiên quyết từ chối: "Đây là lệnh từ bên trên, không ai được phép phản kháng! Cha mặc kệ con với Dương Thận Vi thân nhau ra sao, chỉ riêng tội kích động quần chúng đã phải trả giá rồi!"
Tôi nói: "Vậy bắt cả con vào cùng anh ấy đi! Tờ báo ấy con cũng giúp một tay!"
Cha tôi giận tới mức mặt tái xanh, trách mắng tôi: "Lý Bách Nghi! Con nghĩ cha sẽ để con tùy ý làm bậy như vậy nữa à? Cha đã nói với bộ trưởng Phương rồi, con sẽ lấy cậu ta!"
Tôi hét lên chói tai: "Không! Không! Con không thích anh ấy!"
"Chuyện hôn nhân đại sự há có thể cho con làm chủ!" Giọng cha tôi rất kiên quyết, chẳng hề có chút xao động nào. "Giờ đang thời loạn, nước nhà lúc nào cũng có thể mất. Cha không thể bảo vệ con cả đời, con chỉ là một đứa con gái, có thể làm được gì? Con phải lấy người có năng lực bảo vệ mình, Dương Thận Vi chẳng qua cũng chỉ là một vật tế trong thời loạn này mà thôi."
Tôi hét lên: "Ngài nói nghe hay lắm đấy! Tôi thà chết theo anh ấy còn hơn!"
Cha đẩy cửa bước ra.
Mặc dù không ra khỏi nhà nhưng tôi vẫn thông qua nhiều con đường biết được số phận của các sinh viên bị tù đày: chính phủ cưỡng ép các sinh viên thú nhận để được khoan hồng, ép họ nói ra người chỉ đạo ở sau màn vốn không tồn tại, ai dám không tuân lệnh chắc chắn sẽ bị đánh đập tra khảo, nghe nói còn cả cực hình. Mỗi đêm tôi đều mơ thấy anh, tôi biết Thận Vi cao ngạo ra sao, anh đâu chịu khuất phục dưới sức ép cường quyền? Mỗi lần bừng tỉnh từ trong cơn ác mộng, tôi đều khóc tới khàn cả giọng.
Cuối cùng vẫn là anh cả thương tôi, lén lút dẫn tôi với gặp anh.
Căn ngục chìm trong màn đen không điểm cuối, âm trầm lạnh lẽo chẳng khác nào địa ngục. Chúng tôi gặp nhau qua lớp rào ngăn. Anh đeo còng tay, xích chân nặng trình trịch, lại chẳng chịu quan tâm đến bản thân mình, lúc thấy tôi, ánh mắt anh hơi lóe lên ánh sáng yếu ớt, vẫn cố cười nói với tôi: "Bách Nghi à, sao em lại tới đây? Anh vẫn khỏe, chỉ có điều mấy hôm rồi chưa được thấy ánh sáng thôi." Giọng điệu vẫn thoải mái như lúc thường, cứ như đang nói về thời tiết chứ chẳng phải về bản thân mình.
Tôi nhìn đôi tay không còn chút sức lực nào của anh, không lên tiếng, lúc về quỳ trước cửa phòng cha suốt một đêm. Tối hôm đó, trời đổ trận tuyết lớn đầu tiên của mùa đông, sáng ngày thứ hai, tôi đã hoàn toàn đông cứng.
Cha tôi bước khỏi phòng, nói: "Cha có thể nghĩ cách thả nó ra, nhưng cả đời này con không được gặp lại nó."
Tôi rơi lệ gật đầu.
Ngày thứ hai Thận Vi đã được thả, tôi lại bị giam trong nhà, không được tận mắt thấy cảnh anh ra khỏi ngục. Anh cả về nhà trong cảnh cực kỳ bận rộn, kể với tôi: Thận Vi được một bạn học chăm sóc rồi.
Tôi biết mình không nên thấy anh, nhưng vẫn không nhịn được. Tôi chuẩn bị thật tốt thuốc trị thương và thức ăn, lặng lẽ đưa tới nhà bạn học của anh, cũng không định nuốt lời với cha, nhưng, khi thấy một mình anh cô độc ngồi ngồi dưới gốc đa trong tứ hợp viện, từ từ nhắm mắt lại; cuối cùng tôi vẫn đi tới chỗ anh. Hai má anh gầy rạc, sắc mặt tái nhợt như tờ giấy, trông như chỉ không cẩn thận sẽ vĩnh viễn say ngủ. Đúng vậy, tự chủ là năng lực không phải ai cũng có được, trên thế giới này, người có nó luôn chỉ là số ít.
Tôi há miệng muon gọi tên anh, lại phát hiện chẳng chút âm thanh nào ra khỏi cổ họng.
Thế nhưng anh lại nghe được. Anh mở mắt, ngẩng đầu lên nhìn tôi, hai chân tôi như nhũn ra, khụy xuống trước ghế anh, anh vươn tay ra, dùng sức lực khó tưởng tượng nổi ôm chầm lấy tôi, nói: "Tiểu Nghi, Tiểu Nghi..."
Khi đó anh đã dốc gần như toàn bộ sức lực.
Ba tuần tuần tù ngục đã đày nát thân thể anh. Anh không ăn nổi thứ gì, tôi đem thuốc nấu thành cháo, lại đun một bát canh, cứ mỗi giờ lại đút từng miếng từng miếng một cho anh ăn. Cha tôi phải tạm thời ra ngoài có việc, anh cả lại nhắm một mắt mở một mắt, thế nên cả ngày hôm đó tôi ở bên anh. Một tháng đó, tôi gần như không chạm vào giường. Nghĩ lại cũng lạ, nếu là giờ, tôi cũng vẫn còn trẻ, nhưng chắc chắn không có tinh thần và nghị lực như vậy, cho dù cha mẹ tôi bệnh nặng, sợ là tôi cũng chẳng thể chăm sóc tới mức đầu không chạm giường như thế.
Tôi thì thào tự nói: "Thận Vi, anh phải sống, anh phải sống, anh chết em biết làm sao đây?"
Thân Vi nửa tỉnh nửa mê, trả lời tôi: "Kiếp sau, kiếp sau anh sẽ đền bù cho em."
Có lúc, khi anh ngủ, tôi đọc sách cho anh: "Thiên tương hàng đại nhâm vu tư nhân dã, tất tiên khổ kỳ tâm chí, lao kỳ cân cốt—— "
(Một đoạn trong sách Mạnh Tử Cáo Tử Hạ, dịch nghĩa: Trời xanh giao trọng trách cho ai, trước tiên ắt phải khiến tâm trí dày vò , gân cốt đày dọa..."
Có lúc tôi đọc được phân nửa, anh đột nhiên tỉnh lại, sau đó đọc tiếp những câu sau: "Ngạ kỳ thể phu, không phạp kỳ thân, hành phất loạn kỳ sở vi, sở dĩ động tâm nhẫn tính, tăng ích kỳ sở bất năng."
(Bụng dạ đói khát, thân thể nghèo khó, làm việc gì cũng chẳng thành công, có vậy mới trui rèn được ý chí, nhân phẩn, nâng cao năng lực của người đó.)
Sau đó chúng tôi quay sang nhìn nhau, cùng mỉm cười.
Một tháng sau, thân thể anh cuối cùng cũng từ từ khôi phục, có thể đứng vững trong sân dưới ánh mặt trời ngày đông. Đã gần Tết, trong sân cũng đã được dán câu đối treo đèn lồng. Anh đứng ở phía Bắc, dưới ánh mặt trời sáng sủa —— gió nhẹ thổi qua, từng phiến hoa tuyết trên cây rũ xuống, rơi xuống đầu vai anh, ánh mặt trời rực rỡ biến chúng thành chất lỏng, róc rách chảy trên người anh, như một bản nhạc do những âm tiết của thời gian tạo thành.