Thời Gian Trôi Mãi

Chương 13

Sau khi ăn tết xong, Nhâm Nhiễm bắt đầu thử nghiệm phục hồi lại hoàn toàn cuộc sống bình thường. Cô bắt đầu lên mạng Internet, để ý đến những thông tin tuyển dụng, sau khi ăn tết xong gửi hồ sơ đến mấy công ty nhỏ. Tuy nhiên sau khi đến phỏng vấn ở một công ty, về đến nhà cô càng băn khoăn hơn.

Hòm thư của cô chứa đầy các lá thư chưa đọc. Cô không có ý định mở ra xem, dĩ nhiên là càng không nói đến chuyện reply. Nhưng khi đọc lá thư mới nhất thông báo chuyện phỏng vấn, đúng lúc có tiếng nhắc báo hiệu có thư mới, cô liền mở ra xem, lá thư này là của một người tên là Thái Hồng Khai, hẹn cô đến dịch cho anh ta một bài viết liên quan đến lĩnh vực tài chính.

Thái Hồng Khai là một trong những người bạn của Trương Chí Minh - người bạn trai cũ giao thiệp rất rộng của Nhâm Nhiễm, anh mở một công ty dịch thuật nhỏ, lúc đó đang tìm gấp người để dịch một bản báo cáo phân tích liên quan đến lĩnh vực ngân hàng sang tiếng Anh, nhưng bản báo cáo này lại đề cập đến rất nhiều từ chuyên ngành liên quan đến lĩnh vực tài chính mới xuất hiện ở trong nước không lâu, mấy nhân viên phiên dịch trong công ty đều chỉ biết gãi đầu, anh liền đi cầu cứu khắp nơi. Trương Chí Minh liền giới thiệu anh với Nhâm Nhiễm mới quen không lâu: "Renee học ngành tài chính ở nước ngoài, tiếng Anh rất chắc, lại làm việc ở ngân hàng, chắc là sẽ giúp được".

Nhâm Nhiễm đã bỏ ra hai ngày để dịch bản báo cáo dài 7.000 chữ đó sang tiếng Anh rồi gửi email cho Thái Hồng Khai. Sau đó không lâu, qua Trương Chí Minh, Thái Hồng Khai đã mời cô đi ăn, khen cô dịch chuẩn và nhanh, không kém gì người dịch chuyên nghiệp, "Bọn mình làm trong ngành đều biết, dịch tiếng Anh sang tiếng Trung thì dễ, còn dịch tiếng Trung sang tiếng Anh lại rất khó. Vừa không được mang văn phong tiếng Anh kiểu Trung Quốc, đồng thời lại phải quan tâm đến tính chuyên ngành, Renee, anh đã xem kỹ bản dịch của em, thực sự là không thể chê được điểm nào".

Trong lúc nói chuyện, anh đã dúi cho cô một chiếc phong bì nói là tiền thù lao. Số tiền không nhiều, Nhâm Nhiễm không từ chối được, Trương Chí Minh cũng khuyên cô nhận, cô vẫn cảm thấy dở khóc dở cười, nghĩ chỉ là giúp bạn mà thôi, việc gì đến mức phải tính đến chuyện tiền bạc.

Kể từ đó trở đi, mỗi khi có những bản dịch liên quan đến vấn đề tài chính, ngân hàng thậm chí là chứng khoán, Thái Hồng Khai đều gửi thẳng cho cô nhờ dịch. Lương của cô ở ngân hàng khá cao nên không để ý lắm đến khoản thu nhập một chăng hai chớ này, chỉ coi là nâng cao trình độ tiếng Anh trong những lúc rỗi rãi, giữ vốn kiến thức chuyên ngành cho mình. Cả hai người đều rất bận rộn, không gặp gỡ gì nhiều, chỉ trao đổi với nhau qua email, sau khi dịch xong Thái Hồng Khai liền gửi nhuận bút dịch vào tài khoản cho cô.

Cho dù cô đã sang Hồng Kông làm việc và sau này đã cắt đứt liên hệ với Trương Chí Minh, sự hợp tác này vẫn không đứt đoạn. Nhiều lúc cô thầm nghĩ, mối quan hệ giữa Trương Chí Minh và cô hư ảo mông lung tựa như bóng trăng dưới mặt nước, còn không bền vững bằng mối quan hệ thuần túy liên quan đến công việc này, bất giác lại thấy buồn buồn, nhưng cũng thấy hơi buồn cười.

Sau khi xảy ra tai nạn, Nhâm Nhiễm cắt đứt liên hệ với tất cả mọi người, đương nhiên là không tiếp quản công việc này nữa, không ngờ sau một thời gian dài không biết được tín tức gì về cô, Thái Hồng Khai lại gửi email đến hỏi thăm, đồng thời hỏi cô có thể kiêm thêm nghề biên dịch hay không.

Cô liền trả lời thư ngay nói rằng đồng ý, đồng thời nói với Thái Hồng Khai rằng hiện tại cô không đi làm, có khá nhiều thời gian, muốn nhận nhiều tài liệu hơn để dịch, có thể không chỉ bó hẹp trong việc dịch các tài liệu liên quan đến lĩnh vực tài chính như trước đây.

Nhâm Nhiễm nói với bác sĩ Bạch Thụy Lễ rằng, "Kiêm thêm nghề biên dịch không ổn định lắm, thù lao cũng không nhiều, nhưng ít nhiều cũng là bắt đầu làm việc trở lại".

"Hiện tại em không hâm mộ môi trường làm việc chính quy ở văn phòng 9 giờ đến, 5 giờ về à?"

"Không phải vì công ty nhỏ đó lương thấp. Mọi người rất tò mò vì em có bằng tốt nghiệp ở nước ngoài và kinh nghiệm làm việc trong ngân hàng có vốn đầu tư nước ngoài, nhưng lại xin tuyển dụng vào vị trí thư ký lương thấp, em rất khó giải thích".

"Đây không phải là lý do duy nhất chứ?"

"Đúng, thực ra lý do quan trọng hơn là, trước đây những chuyện đối với em là quan trọng như lên chức, tăng lương, dường như không còn sức hút đối với em nữa, vừa nghĩ đến việc bắt đầu công việc mới là phải đặt mình trong các mối quan hệ với mọi người, cố gắng thể hiện, chẳng qua là muốn để mình giống người bình thường trong mắt người khác em, đã cảm thấy thực sự không đáng. Bác sĩ coi đó, em đích thực là một người vô tích sự rồi, vậy mà cũng đã quen với cảnh đó".

"Đừng kết luận về mình như vậy". Bác sĩ Bạch Thụy Lễ khuyên cô, "Việc hòa mình với xã hội đòi hỏi một quá trình thích nghi, em có thể bắt đầu từ những việc tương đối đơn giản trong các mối quan hệ với mọi người".

Bác sĩ Bạch Thụy Lễ là thành viên của một tổ chức tình nguyện viên, mặc dù công việc bận rộn, hàng tuần vẫn dành ra hai tiếng đồng hồ đến đến các viện dưỡng lão, viện phúc lợi để tiến hành tư vấn tâm lý miễn phí. Ông giới thiệu cho Nhâm Nhiễm đến làm nhân viên tình nguyện ở một làng frẻ em SOS tại ngoại ô Bắc Kinh, việc cô cần làm là cùng các em trước độ tuổi đi học cắt dán thủ công, chơi trò chơi, đọc truyện cho các em.

Nhâm Nhiễm đã làm theo lời gợi ý của ông, nhưng công việc nhìn thì có vẻ đơn giản này đã có sự khởi đầu không thuận lợi.

Trong làng trẻ em SOS đều là những em bé bị bỏ rơi được cơ quan dân chính đưa về, hầu hết là những em có khiếm khuyết về mặt sức khỏe, trí tuệ ở nhiều mức độ khác nhau. Lần đầu tiên nhìn thấy nhiều trẻ tàn tật như vậy trong một lớp, Nhâm Nhiễm bị sốc khá mạnh.

Bản thân cô cũng đang gặp những khó khăn khi chuyện trò, giao lưu với người khác nên sự tương tác giữa cô và những em bé này không hề dễ dàng. Hầu hết các em đều tỏ ra rụt rè, lặng lẽ, cô rất khó tiếp cận với chúng, đương nhiên là càng không thể tích cực, lạc quan hướng dẫn chúng cắt dán thủ công, chơi trò chơi như các nhân viên tình nguyện khác.

Cô xin sang làm các công việc như cho bú bình, thay bỉm cho những em bé mấy tháng tuổi, nhân viên của làng SOS liền nhìn cô với vẻ do dự: "Em còn trẻ quá, thông thường những cô gái chưa chồng không làm được việc này đâu".

"Cứ để em thử xem sao".

Cô có kinh nghiệm vì đã từng giúp chăm sóc Kỳ Bác Ngạn - con trai của Kỳ Gia Tuấn, làm những công việc này rất nhanh gọn, chỉ khi cho hai em bé bị hở hàm ếch bẩm sinh bú bình mới phải cần đến nhân viên chuyên trách hướng dẫn. Ngoài ra cô còn phát hiện có một việc nữa cô có thể làm được là đọc sách cho các em. Cô tự bỏ tiền ra mua rất nhiều sách thiếu nhi tặng cho làng trẻ em SOS, hàng tuần bỏ ra hai buổi chiều đến đọc sách cho các em. Cô có đủ kiên nhẫn, cho dù đó là những đứa trẻ có khiếm khuyết về mặt trí tuệ, không phản ứng gì trước lời đọc của cô, cô cũng vẫn có thể kiên trì đọc tiếp, không hề cảm thấy bực mình. Đứng trước những đứa trẻ này, cô cảm thấy bình tĩnh hơn rất nhiều, dần dần trên môi đã nở ra nụ cười xuất phát tự đáy lòng, không còn tránh tiếp xúc với người khác nữa.

"Điều này làm cho em nhớ lại cảnh ngày trước mẹ em đọc sách cho em nghe". Nhâm Nhiễm nói với bác sĩ Bạch Thụy Lễ như vậy.

"Về mẹ em, em còn nhớ được điều gì nữa không?"

"Mọi chuyện. Tin hay không là tùy bác sĩ, thậm chí em còn nhớ khi em còn rất nhỏ, mẹ em bế em, vòng tay của bà rất mềm mại, nhưng sợi dây chuyền bằng pha lê bà đeo trên cổ rất cứng và lạnh, em cắn vào một miếng, suýt thì gãy cả răng. Nhớ như in vậy, em cũng không biết đó có phải là ảo giác hay không".

"Chưa chắc, trí nhớ của con người là một hệ thống kỳ diệu, không có gì là lạ nếu người ta nhớ được rất nhiều tình tiết nhỏ nhất".

"Em còn nhớ những câu chuyện thiếu nhi mà bà đọc cho em nghe. Có một thời gian em thích nhất là truyện Những bông hoa của bé Ida, bà chỉ ngón tay vào từng chữ, đọc đi đọc lại cho em nghe. Sau đó em đã biết được rất nhiều mặt chữ thông qua cách đọc truyện như vậy, ở trường mầm non em đọc truyện cho các bạn nghe, cô giáo còn tưởng em là thần đồng cơ".

"Đúng là rất giỏi".

"Còn có chuyện giỏi hơn là mẹ em đã dạy em tiếng Anh từ khi em còn rất nhỏ, em thường đánh bại những anh chị hơn em mấy lớp trong các cuộc thi tiếng Anh và đạt giải nữa".

"Ngoài việc đọc sách ra còn chuyện gì nữa không?"

"Tính tình của mẹ em hòa nhã, độ lượng, bà không bao giờ nổi cáu. Bà là nhân viên làm việc có trách nhiệm nhất trong thư viện, biết được vị trí của tất cả các cuốn sách, đồng nghiệp của mẹ em nói bà là một kho dữ liệu sống. Mẹ em đan áo len rất đẹp, biết dùng ấm đun cà phê để đun cà phê rất thơm, biết nấu những món ăn mà em và em em thích".

"Em thử nghĩ xem mẹ em có sở thích riêng nào không?"

"Dĩ nhiên là có chứ, bà rất thích đọc sách, bà bảo ngồi dưới gốc cây long não trong sân, pha một ấm trà, cầm một cuốn sách hay để đọc mấy tiếng đồng hồ là sự tận hưởng tuyệt vời nhất".

"Xem ra bà là một người mẹ rất tuyệt".

"Đúng là như vậy. Điều duy nhất không hoàn hảo trong cuộc đời bà là cuộc hôn nhân của bà".

"Cuộc sống của mỗi người đều có những điều đáng tiếc, em không cần thiết phải canh cánh điều đó trong lòng lâu như vậy".

"Em chỉ nghĩ rằng vì em mà mẹ em mới lựa chọn cho phép chồng mình có bồ. Em phải có trách nhiệm với sự đau khổ của bà".

"Trước khi biết ba em có người tình ở ngoài, em cho rằng cuộc sống của mẹ em không hạnh phúc hay sao?"

"Không, hồi đó ngoài bệnh tình của bà, em không phát hiện ra được điều gì, mẹ em giấu rất kín".

"Em xem, hôn nhân là chuyện tự mình biết là ngọt ngào hay cay đắng, mẹ em có mối quan hệ vợ chồng với ba em trước, sau đó mới có mối quan hệ mẹ con với em, sau khi cuộc hôn nhân gặp trục trặc, bà đã đưa ra sự lựa chọn, em không thể vì kết quả mà gạt đổ động cơ của bà, quy kết nguyên nhân cho mình".

Nhâm Nhiễm im lặng một hồi lâu.

Từ khi trời bước vào hạ, nhiệt độ ở Bắc Kinh tăng lên rất nhanh, tổ chức tình nguyện viên chuẩn bị thực hiện một buổi biểu diễn từ thiện để quyên góp cho làng trẻ em SOS, số tiền thu được sẽ dùng để ủng hộ một số em nhỏ tiến hành các cuộc phẫu thuật cần thiết. Sau khi biết được thông tin này, Nhâm Nhiễm đã mua hai tấm vé, nhưng cô không có ý định tham gia, chuẩn bị tặng lại vé cho người khác.

Hai ngày sau, một nhân viên phụ trách của làng trẻ SOS đã ngăn cô lại, "Mấy ngày qua chị đều tìm em, điện thoại của em lại không mở máy".

Về cơ bản Nhâm Nhiễm không mở di động, cô cũng không giải thích, chỉ hỏi với vẻ biết lỗi: "Có chuyện gì vậy chị?"

"Hiện mọi người đều đang dồn sức chuẩn bị cho buổi biểu diễn từ thiện, nhân lực không đủ, rất nhiều người đã phải gạt công việc sang một bên để tham gia vào".

Đương nhiên là Nhâm Nhiễm hiểu được ẩn ý của câu nói này. Mặc dù hàng tuần cô vẫn đến làng trẻ, nhưng không tham gia vào các hoạt động khác của tổ chức tình nguyện viên đó, nhưng cô lái chiếc xe Land Rover, rõ ràng là không có công việc cố định, cho dù thế nào cũng không thể thoát khỏi sự quan tâm của những người hay tò mò nói này nói nọ.

"Được ạ, em có thời gian, có cần em làm gì không chị?"

Công việc giao cho cô là hàng ngày đưa đón mấy giáo viên đến làng trẻ em SOS để luyện các tiết mục cho các em. Cô thở phào một tiếng, dù sao chuyện này cũng khá đơn giản. Cô sắp xếp lại thời gian dành cho việc dịch tài liệu, bắt đầu làm lái xe công ích.

Mấy giáo viên đó ít nhiều đều tỏ ra tò mò trước Nhâm Nhiễm, nhưng cô không thể hiện gì nhiều, không mặn mà trả lời những câu hỏi mang tính chất dò la nghe ngóng, họ cũng biết ý nên không hỏi gì nữa.

Hôm nay, Nhâm Nhiễm từ làng trẻ SOS đi ra, vừa lên xe cắm chìa khóa vào ổ, điện thoại di động liền đổ chuông. Cô cầm lên ngó, là số điện thoại lạ.

"A lô, ai đó ạ?"

"Tiểu Nhiễm, chào em, chị là Gia Ngọc đây".

Người gọi điện thoại là Kỳ Gia Ngọc - chị gái của Kỳ Gia Tuấn, bàn tay Nhâm Nhiễm dừng lại trên nút khởi động điều hòa.

"Chị đến Bắc Kinh công tác, tìm được chú Nhâm và xin được số điện thoại của em, em có thời gian đi ăn cùng chị không?"

Cô cầm điện thoại, ngồi thẫn thờ một hồi lâu không thể trả lời, Kỳ Gia Ngọc liền gọi: "Tiểu Nhiễm, Tiểu Nhiễm, em không sao chứ".

Cô nói một cách chật vật: "Chị Gia Ngọc, em... xin lỗi".

Cô không thể nói tiếp được nữa, đột nhiên cắt điện thoại, sau đó tắt máy, gục đầu xuống vô lăng, ngồi im không nhúc nhích.

Bắc Kinh trong những ngày nóng nực, mặt trời đã nung nóng chiếc xe từ lâu, chẳng mấy chốc mà cô đã đầm đìa mồ hôi. Một lái xe của làng trẻ chuẩn bị lái xe đi mua đồ, nhìn thấy tình trạng đó liền đến gõ cửa xe cô, ân cần hỏi cô làm sao vậy.

Cô miễn cưỡng ngẩng đầu lên cười: "Không sao ạ, em đi ngay đây".

Cô bật điều hòa lên như một cái máy, thắt dây an toàn, lái xe ra khỏi làng trẻ, chạy về phía bệnh viện bác sĩ Bạch Thụy Lễ làm việc.
Bình Luận (0)
Comment