Chuyển ngữ: Trà HươngBeta: Kentu“Tôi không biết gì hết.”Trần niệm cúi đầu suy nghĩ, dáng vẻ thiếu tinh thần.
Cô được trùm trong chiếc áo sơ mi cảnh sát màu lam, thân thể gầy gò, giống hệt que kem còn sót lại trong túi kem.
Đối diện là hai cảnh sát nam – Trịnh Dịch, Lão Dương và một nữ cảnh sát họ Diêu.
“Tức là không có ấn tượng đúng không?” Cảnh sát Tiểu Diêu khẽ hỏi, dù sao trước mặt là một cô bé còn chưa thoát khỏi nỗi kinh sợ.
Dường như Trần Niệm ngơ ngác hồi lâu, cô cúi đầu, thò đôi tay trắng ra ngoài ống tay áo rộng thùng thình, dụi mắt như đứa bé tủi thân, nhìn mọi người bằng đôi mắt đỏ au, hỏi: “Tôi… đã nhầm rồi sao?”
“Ý chúng tôi không phải như vậy”, Tiểu Diêu lập tức nói, cô nhìn sang Lão Dương ngồi bên cạnh, nói tiếp, “Chúng tôi cho rằng, kẻ bị tình nghi này có thói quen theo dõi người bị hại.”
Cô bé hơi thõng vai, ngẩn ngơ trong chốc lát, dường như sau khi trải qua một kiếp nạn, phản ứng của cô chậm chạp đi rất nhiều, hồi lâu mới mở miệng hỏi: “Tại… sao?”
Tiểu Diêu nhất thời không nói tiếp. Dựa theo phân tích của Lão Dương, tên mặc áo mưa là người khá kín đáo cẩn thận, liên tiếp thuận lợi thành công, tên đó có chút hiểu biết về mục tiêu. Mà phương pháp tìm hiểu đơn giản nhất chính là theo dõi. Nhưng đây không phải điều mà cô bé nên biết.
“Đây là manh mối của chúng tôi.” Tiểu Diêu nói, “Chắc hẳn cậu ta từng theo dõi em, nên chúng tôi mới hỏi xem có ấn tượng với cậu ta không.”
Trần Niệm khẽ lắc đầu.
“Em có thể thuật lại những sự việc đã xảy ra lần nữa được không?” Giọng nói của Tiểu Diêu hết sức hòa nhã, “Đừng sợ, chúng tôi đã bắt được tên đó. Tên đó sẽ phải chịu sự trừng phạt xứng đáng từ pháp luật.”
Trần Niệm lại ngẩn ngơ một giây rồi mới từ từ gật đầu.
Trịnh Dịch quan sát từ đầu đến cuối, lúc này, anh mới mở miệng: “Cứ nói từ từ, đừng lo lắng.”
Trần Niệm nhìn anh, ánh mắt anh vẫn sâu thẳm như mọi khi, không thể nhìn thấu suy nghĩ bên trong. Cô kể lại sự việc lần nữa, lúc cô đang trên đường về nhà, đột nhiên bị túm lên xe máy, miệng bị bịt kín, đưa đến khu xưởng hoang, Bắc Dã ném cô lên giường, xé quần áo của cô, sau đó thì cảnh sát tới.
Lão Dương và Tiểu Diêu không còn gì muốn hỏi thêm nữa, Trịnh Dịch nói: “Em không có ấn tượng gì về cậu ta ư?”
Trần Niệm lắc đầu.
“Chưa từng chạm mặt?”
Trần Niệm vẫn lắc đầu.
“Vậy em có ấn tượng gì về số điện thoại này không?” Trịnh Dịch đẩy một tờ giấy đến trước mắt cô, là số điện thoại của Bắc Dã.
Trần Niệm nhìn hai giây, dường như đang hồi tưởng nhưng cuối cùng lại lắc đầu.
“Số điện thoại này từng nhắn tin cho em, em cũng từng gọi cho số này.” Trịnh Dịch nói, đồng thời quan sát cô.
“Thế à? Em không… thấy ấn tượng, ” Cô hỏi, “Chuyện này xảy ra… lúc nào vậy?”
“Trước khi Nguỵ Lai mất tích một ngày.”
Trần Niệm nhíu mày, dường như suy nghĩ hồi lâu, chân mày mới giãn ra, cô nói: “Là cậu ta nhắn tin… cho em trước, nói, đã muộn rồi. Thấy số lạ, em liền gọi lại hỏi nhưng không ai nhấc máy. Thế là em, không quan tâm nữa.”
“Tại sao cậu ta lại biết số điện thoại của em, rồi nhắn tin đến?”
“Em không biết”, Trần Niệm khó hiểu, “Chẳng phải… nên hỏi cậu ta chuyện này sao?”
Không đúng, nhiều ngày trước, điện thoại của Trần Niệm từng gọi cho dãy số kia một lần. Người gọi đi đầu tiên là Trần Niệm.
Trịnh Dịch nhìn cô chằm chằm, tựa như sắp vạch trần lời nói dối của cô, cô lại nghĩ đến điều gì đó, nói: “Hình như… em có chút ấn tượng về cậu ta.”
“Như thế nào?”
“Có lần, ở ven đường, cậu ta mượn điện thoại di động của em… để gọi. Hình như là vậy thôi. Em không chắc lắm, có phải cậu ta hay không.”
Điều này tương đối phù hợp với những gì Trịnh Dịch tra được.
Điện thoại giữa Bắc Dã và Trần Niệm, chỉ một tin nhắn và hai cuộc gọi nhỡ, ngoài ra không còn gì nữa. Lời giải thích của Trần Niệm rất hợp lý.
Ngẫm lại đều thấy không có khả năng, một nữ sinh trung học thành tích xuất sắc, tương lai xán lạn; một kẻ lấc cấc học trường nghề, cầm tấm bằng tốt nghiệp xong liền chuẩn bị đi làm công. Sao có thể có quen nhau?
Trần Niệm lại hơi thẫn thờ, văng vẳng lời cậu nói bên tai “Em nhất định phải kiên trì.”
Tiểu Diêu đưa bản ghi chép và bút cho Trần Niệm, để cô ký tên. Cô nhìn chiếc sợi dây màu đỏ buộc trên cổ tay mình. Trần Niệm cầm bút, viết xuống cuối trang tên mình – Trần, tấm lòng này. Cô nhìn ba chữ “tấm lòng này” do chính mình viết ra, nét lên nét xuống dúm dụm, càng nhìn càng không giống chữ Niệm, cũng không giống chữ Hán nào.
Bước ra từ phòng cách ly, bước chân Trịnh Dịch thoáng dừng lại, Lão Dương quay đầu hỏi: “Đứng ngây ra đó làm gì vậy?”
“Không có việc gì.” Trịnh Dịch nhếch miệng, nói, “Tôi vốn nghi ngờ sau núi là nơi vụ án xảy ra, còn tưởng rằng vài ngày tới sẽ tìm được chứng cứ quan trọng, khi giết người, lúc hung thủ ra tay chắc hẳn sẽ sót lại vụn quần áo hoặc tóc, vân vân.”
“Nhưng Ngụy Lai đã chết gần một tháng rồi.” Lão Dương nói.
“Vết chân phía sau núi rất ít, có lẽ tạm thời vẫn còn nguyên cũng nên.” Trịnh Dịch nói, “Có điều, không ngờ tôi lại đi nhầm đường. Cuối cùng bản phác họa tội phạm của anh thắng.”
“Cậu nhiều cảm xúc quá đấy, nhanh chân vào đi thôi.”
Phía Bắc Dã bên kia, sự việc cũng tiến triển thuận lợi y như vậy. Cảnh sát tìm được vật chứng quan trọng tại đống rác gần nhà Bắc Dã: Chiếc áo mưa bị thiêu hủy nhưng chưa đốt sạch, áo sơ mi nam sinh có dính vết máu của Ngụy Lai; nhưng lại không tìm được con dao làm hung khí. Mà Bắc Dã không hề giấu giếm những tội lỗi mình đã gây ra.
“Cậu có ấn tượng gì với cô gái đầu tiên mình xâm hại?”
“Không có ấn tượng, hình như ngực khá to.” Bắc Dã trầm lặng, hễ hỏi thì đáp, “Lần đầu tiên làm chuyện này, tôi vô cùng căng thẳng, cô gái kia rất sợ hãi, không hề phản kháng. Còn cầu xin tôi đừng đánh cô ta.”
Điều này thống nhất với tình huống mà Lão Dương và Trịnh Dịch đã biết từ phía hai người bị hại, những miêu tả mà Bắc Dã đưa ra cũng phù hợp. Ngoại trừ những vụ trên, cậu ta thậm chí còn khai ra một người bị hại mà đến nay cảnh sát chưa biết.
Chắc chắn, cơ bản có thể xác định Bắc Dã chính là người mặc áo mưa kia.
“Vì sao khi hành hung lại mặc áo mưa?”
“Không phải vì trời mưa.”
“Vậy tại sao?”
“Khó lưu lại chứng cớ.” Bắc Dã nói, “Tôi lo lúc họ giãy giụa có thể lấy thứ gì đó từ quần áo mình.”
Rất cẩn thận.
Lại nói đến Ngụy Lai,
“Tại sao cậu lại chú ý tới Ngụy Lai?” Vì sao những nạn nhân trước thuộc kiểu trong sáng còn Ngụy Lai hoàn toàn ngược lại.
“Tóm lại là gặp trên đường, cô ta ăn mặc như người lớn, từ đó tôi dần dần thấy hứng thú, cảm thấy có thể đổi loại khác.”
“Ngày cô ấy mất tích, cậu đi theo cô ấy sao?”
“Đúng.”
“Tình huống cụ thể như thế nào?” Vì sao thời gian vụ án xảy ra đổi từ ban đêm thành ban ngày.
Bắc Dã rũ mắt, lại ngước lên, không rõ tinh thần tốt hay xấu: “Ngay từ đầu chỉ muốn theo dõi cô ta, sau khi biết rõ hành tung của cô ta thì tiếp tục dự định tối nào đó hành động. Nhưng buổi tối cô ta thường đi cùng bạn bè, hiếm khi đi một mình. Sáng ngày hôm đó, tôi đi theo cô ta đến ngọn núi sau trường Trung Học Số 1. Trên núi rất ít người, bèn cho rằng đây là thời cơ thích hợp.”
Trịnh Dịch đứng xem, câu trả lời của Bắc Dã rất chặt chẽ.
“Nơi vụ án xảy ra là phía sau núi?”
“Đúng vậy.”
“… Tiếp tục.”
“Tôi nghe thấy cô ta gọi điện thoại cho một người bạn, rủ người đó ra ngoài. Lúc ấy tôi đã chuẩn bị đi rồi, vì thấy thời cơ không tốt. Nhưng sau đó, nghe cách cô ta nói chuyện, có vẻ cô bạn kia không chịu đến. Thời cơ lại tới lần nữa.”
Giờ phút này, những điều cậu nói đều là những thông tin quan trọng nhất. Tất cả đều là những tin tức người bên ngoài không thể nắm rõ.
Lão Dương: “Cậu thử nói qua nội dung cuộc điện thoại kia xem nào.”
Bắc Dã kể lại một cách sơ lược, không khác gì so với những thông tin họ nắm giữ.
“Vì sao lại giết cô ấy?” Những lần trước đều không giết người, hành vi lần này của cậu ta rất bất thường.
“Tôi vốn không định giết cô ta. Ngày đó, tôi đeo khẩu trang, nhưng cô ta giật khẩu trang xuống, thấy rõ mặt tôi, còn nói sẽ báo cảnh sát. Nhất thời tôi cũng không nghĩ ngợi gì bèn ra tay.”
Kẽ móng tay người chết có sợi vải của khẩu trang.
“Mấy nhát?”
“Một nhát.”
“Ở chỗ nào?”
“Hình như là ở đây…” Bắc Dã chỉ vào một chỗ trên lồng ngực, là vị trí của lá gan.
Tất cả đều phù hợp.
Cậu nói, sau khi giết người, bản thân cảm thấy rất hoang mang, sợ có người phát hiện liền toi, cho nên nhân lúc trời tối mưa to, liền chạy chếch về thượng du cầu Tam Thuỷ, chôn thi thể cô ta.
Trịnh Dịch đột nhiên hỏi: “Vì sao cậu lại lột hết quần áo của cô ấy?”
Bắc Dã quay đầu nhìn anh, nói: “Tôi cho rằng còn lâu lắm cô ta mới bị phát hiện, ví như một năm, hai năm. Mặc quần áo dễ dàng để lộ cô ta chết vào mùa nào. Dù sao, mất tích cũng có có thể là do người ta bắt cóc, hoặc là giam lỏng.”
Những lời này gần như khiến cả Lão Dương và Tiểu Diêu phải “nhìn cậu với cặp mắt khác xưa”, ngay cả chi tiết nhỏ nhặt thế này mà cậu ta cũng có thể nghĩ đến.
Trịnh Dịch muốn phán đoán điều gì đó từ ánh mắt cậu, nhưng cậu thiếu niên ngồi trước mặt này không hề có biểu cảm nào, không bình tĩnh cũng không nôn nóng, không lạnh lùng cũng tuyệt không ôn hòa. Cậu ta không toát ra hơi thở hoặc thông tin nào để người khác nghiên cứu và phán đoán, ngoại trừ lời khai từ miệng cậu.
“Cậu ném quần áo của cô ấy đi đâu rồi?”
“Đốt rồi.”
“Đốt ở đâu?”
“Bờ sông, đổ xăng xe máy lên, ném tro xuống dưới sông.”
Không thể nào kiểm tra được rồi.
“Hung khí đâu?”
“Cũng ném xuống dưới sông.”
“Vị trí cụ thể ở đâu?”
“Khu tàu Hạ Đoạn cũ phía Nam thành phố.”
Tiểu Diêu ghi vào hồ sơ, đến lúc đó sẽ có người đi vớt thử. Trịnh Dịch lại bảo cậu miêu tả qua về chất liệu và hình dạng của hung khí, kết quả ăn khớp với vết thương trong báo cáo xét nghiệm tử thi.
Trịnh Dịch ngẫm nghĩ điều gì đó, bất chợt hỏi: “Vì sao cậu lại chôn cô ấy dưới lớp bùn ở thượng du sông Tam Thuỷ?”
“Chọn bừa thôi, chỗ đó một năm rưỡi cũng chẳng có ai đi qua.” Bắc Dã thở một hơi, “Tôi còn tưởng cả đời sẽ không bị phát hiện chứ.”
Trịnh Dịch không nói nữa, nặng trĩu tâm sự. Thời tiết nắng nóng, Nguỵ Lai đã chết hơn hai mươi ngày nhưng ngược lại là thi thể được giữ gìn toàn vẹn, chứng cứ trên thân thể hoàn toàn không bị phá hỏng, bởi nước bùn lầy trong môi trường giàu tính axit. Trong mắt nhân viên pháp y, nơi đó quả thực là khu bảo địa. Chỉ là trùng hợp thôi sao?
Thấm vấn xong vụ án cái chết của Nguỵ Lai, lại đến một vụ khác.
Trịnh Dịch hỏi: “Vì sao cậu lại chú ý tới Trần Niệm?”
“Cô ta là đồ nói lắp.” Bắc Dã nói.
“Hả?”
“Có lần ở ven đường, nghe thấy cô ta nói chuyện lắp bắp, cảm thấy hay ho nên mới quay lại nhìn, dáng vẻ được phết.” Nói dứt lời, Bắc Dã nở nụ cười nửa miệng, lại mang theo chút du côn, như tên tội phạm Bắc Dã khốn kiếp mà họ thấy đây.
“Vì sao lại đưa cô ấy về nhà?” Trước kia cậu đều hành hung bên ngoài, vì sao lần này lại thay đổi.
“Không đủ kích thích, thì không thú vị. Tôi muốn bắt cô ta giữa ban ngày ban mặt, dẫn tới địa bàn của mình rồi giấu kín. Trông cô ta có vẻ ngoan ngoãn, dễ bảo, rất thích hợp bắt mang về nhà.”
Đúng vậy, cậu vốn nghĩ rằng cô rất ngốc, là một học sinh yếu kém lại nhu nhược, thật xứng đôi với cậu. Sau này mới phát hiện, cô cực kỳ thông minh, còn rất cứng đầu, vì thế càng xứng đôi với cậu hơn.
Trịnh Dịch liếc nhìn Lão Dương, Lão Dương cho rằng sự thay đổi tâm lý của Bắc Dã hoàn toàn hợp lý, là một quá trình dần dần thăng cấp và háu chiến.
Trịnh Dịch tiếp tục hỏi: “Cậu có định giết cố ấy không?”
“Còn phải xem tình hình thế nào đã.”
“Xem tình hình như thế nào?”
“Vui thì giữ lại.”
Trịnh Dịch đột nhiên hỏi: “Nhưng cô ấy cũng nhìn thấy mặt cậu.” Vì sao giết Ngụy Lai mà không giết cô ấy?
Bắc Dã chững một giây, rồi nhìn thẳng Trịnh Dịch, nói: “Cô ta sẽ không báo cảnh sát.”
“Vì sao?”
“Tôi nghe thấy nội dung cuộc điện thoại giữa Ngụy Lai và bạn cô ta, vừa hay đang nhắc tới cô ta. Cô ta bị bắt nạt quen rồi, sẽ không báo cảnh sát đâu; dù sao cũng không ai bảo vệ được cô ta.”
Nửa câu sau của Bắc Dã dần chậm lại; Trịnh Dịch cảm thấy tựa như từng loạt đạn đại liên bắn thẳng vào lòng anh, như thể cậu cố ý nói những lời này cho anh nghe. Sao có thể như vậy? Họ không quen biết, là anh chột dạ nghĩ nhiều chăng.
Nhưng suy nghĩ của anh vẫn rõ ràng: “Lúc Ngụy Lai gọi điện thoại, ngoại trừ nhắc tới chuyện bắt nạt Trần Niệm, có nói đến chuyện khác không?”
“Không.”
“Có nhắc tới chuyện có người khác đến gặp cô ấy không?”
Bắc Dã nhìn anh: “Không.”
Trịnh Dịch chuyển đề tài, hỏi: “Cậu có biết số điện thoại của Trần Niệm không?”
“Có.”
“Cậu có được nó bằng cách nào?”
Bắc Dã nhớ tới ngày đó, trước khi đưa Trần Niệm đến trường, cậu cố tình cướp lấy di động của cô, lưu số điện thoại của mình vào, rồi bảo cô, có chuyện gì thì gọi điện thoại ngay cho cậu. Nhưng sau lần ấy, cậu lại trộm xoá số di động của mình trong máy Trần Niệm đi, khi đó, cậu thấy cô lưu số của mình là “Anh Tiểu Bắc”.
Giờ phút này, ngồi trong phòng thẩm vấn, hắn nhớ rõ cảm giác lâng lâng khi ấy.
Cậu nói: “Tôi chặn cô ấy ở ven đường, nói dối là không mang di động, mượn gọi một cú điện thoại.”
“Gọi cho ai?”
“Đương nhiên là cho chính tôi rồi.” Cậu nhướng mày, “Nếu không làm sao tôi có số điện thoại của cô ấy.”
“Tin nhắn gửi cho cô ấy có nội dung gì?”
“Chẳng có ý nghĩa gì, đùa chút thôi.”
“Cô ấy gọi lại cho cậu sao?”
“Phải.”
“Vì sao không nghe máy?”
“Để im lặng rồi.”
“Tại sao sau đó cậu không gọi lại?” Nếu cảm thấy hứng thú, vì sao không tiếp tục?
“Đúng lúc mẹ tôi đến tìm, tâm trạng khó chịu, cảm thấy mọi chuyện chẳng có gì hay ho nên không gọi lại.”
Cậu đáp xong, Trịnh Dịch lại im lặng vài giây không tiếp tục đặt câu hỏi. Tính chân thực của những lời khai này rất dễ chứng minh, đến lúc đó họ sẽ hỏi qua mẹ cậu.
Nhắc tới mẹ, Lão Dương liền đặt câu hỏi: “Cậu hiểu biết chuyện của mẹ mình không?”
Bắc Dã hơi cúi đầu rồi lại ngước mắt nhìn ông, trên mí mắt là một nếp nhăn sâu, cậu như cười như không: “Cả thành phố này đều biết, tại sao tôi lại không biết? Tôi là người chứng kiến, những chuyện bà ấy làm, các anh chỉ nghe nói, còn tôi đã từng xem.”
Phòng thẩm vấn im phăng phắc, hoặc ít hoặc nhiều có phần không đành lòng, hoặc lúng túng.
Lão Dương từng tiếp xúc với nhiều vụ án lớn hơn vụ của Bắc Dã, lòng thầm cảm thán, trẻ con đều là kết tinh của cha mẹ.
“Cậu có oán hận phụ nữ không?”
“Cứ cho là vậy đi.”
“Khi cưỡng bức người bị hại, cậu suy nghĩ điều gì?”
“Không nghĩ gì hết, chỉ muốn làm vậy.”
“Cậu có bị ảnh hưởng bởi mẹ mình không?”
“Làm sao tôi biết được?”
“Cậu có ý kiến gì với mẹ mình không?”
“Hy vọng bà ta chết quách đi.”
Lão Dương im lặng trong chốc lát, lại hỏi: “Vậy còn ba thì sao?”
“Ông ta cũng nên chết đi.”
“Cậu chưa từng gặp mặt ông ấy.”
“Nhưng ông ta sinh ra tôi.”
Căn phòng lại chìm trong im lặng, Lão Dương dịu giọng hỏi: “Cậu có căm ghét cuộc sống của mình không?”
“Quả thực không có ý nghĩa gì hết.”
Có một người cha là tội phạm hiếp dâm và một người mẹ làm gái gọi, càng lớn càng hư hỏng là điều dễ hiểu.
“Còn những người xung quanh cậu thì sao?”
“Không liên quan đến tôi.”
“Vậy những người từng bắt nạt cậu, cười nhạo cậu thì sao?”
“Đều chết quách đi cho xong.”
Lại một lát sau, thân thế, nhà tình thương, cha mẹ, thái độ của bạn cùng trang lứa, cái nhìn đối với xã hội, đều hỏi xong một loạt vấn đề. Tựa như lột một lớp da. Chứng cớ vô cùng xác thực.
Lão Dương tuy thường thấy loại bi kịch này, nhưng vẫn không khỏi tiếc nuối cho số phận của cậu thiếu niên này.
Sau cùng: “Cậu thừa nhận cậu là người áo mưa, thừa nhận cậu đã cưỡng hiếp X và XX, thừa nhận cưỡng hiếp giết chết Ngụy Lai cũng như chưa cưỡng hiếp được Trần Niệm sao?”
“Đúng.” Bắc Dã trả lời.
Tiểu Diêu sửa lại lời khai, để cậu đọc lại rồi ký tên nhận tội.
Bắc Dã cầm bút, không hề nghĩ ngợi nhanh chóng ký tên mình cuối tờ giấy. Kết thúc vụ án.
Trịnh Dịch nhìn, lòng ngổn ngang trăm mối, chợt hỏi: “Cậu hối hận không?”
Ban đầu Bắc Dã không đáp, lát sau hỏi ngược lại: “Hối hận có thể giảm nhẹ tội không?”