Thư Tình - Iwai Shunji

Chương 13

Kitagawa Eriko ( người viết kịch bản phim)

Thân gửi anh Iwai Shunji,

Anh có khỏe không?

Đây là lần đầu tiên tôi đọc tiểu thuyết của anh Iwai.

Từ trước tới nay tôi chỉ xem phim. À… Hình như tôi đã từng đọc tản văn rồi thì phải. Tôi đã mặc nhiên cho rằng những người giỏi về phim ảnh thì không thể nào giỏi cả về văn chương, nhưng tiểu thuyết Thư tình lại cực kỳ thú vị, không thua kém gì phim.

Tôi đã nhận ra anh Iwai trong rất nhiều câu miêu tả.

Trong truyện, cảnh Itsuki trượt trên mặt băng thật ấn tượng, ồ, mình biết cái này… vừa nghĩ thế thì thấy cảnh ấn tượng đó đã lên cả phim. Tôi cũng không quên được cái rèm cửa trong thư viện.

Tuy nhiên, anh Iwai à. Tôi có câu hỏi dành cho anh về Thư tình.

Đây là câu chuyện thương tâm kể về một cô gái đáng thương – người không thể quên được người yêu đã mất – biết lí do người yêu mình thích mình là bởi vì mình giống mối tình đầu của anh ấy phải không?

Là câu chuyện tình yêu thương tâm kể rằng cô gái ấy liên tục nhận được những lá thư vô duyên (tôi xin lỗi!) viết rằng “Cậu ấy đã thích tôi như thế đấy” từ cô gái là mối tình đầu đó phải không?

Anh sẽ thở dài bảo rằng “Ồ, người chỉ có thể cảm nhận như thế thì khỏi cần xem bộ phim này, khỏi cần đọc câu chuyện” phải không?

Không phải là tôi chỉ có thể cảm nhận được như thế, nhưng thực sự sau khi đọc truyện xong thì cảm giác ấy cứ đọng lại, dù rất mơ hồ, nên tôi muốn trao đổi với anh phải làm sao với nó. Nhắm mắt lại ư? Có lẽ vấn đề được giải quyết bằng chi tiết Nakayama Miho một mình đóng hai vai chăng.

Phụ nữ ít nhiều thực tế lắm, mà không, là tôi thực tế mới phải. Mong anh thứ lỗi.

Tôi lạc đề một chút, trong truyện Hiroko nói rằng cô được Fujii yêu từ cái nhìn đầu tiên nhưng cách nói ấy ta nghe nghe thấy nhan nhản, khiến tôi nghĩ rằng có lẽ cứ ba người đàn ông hẹn hò với cô ấy lại có một người yêu cô ấy từ cái nhìn đầu tiên. Điều tưởng chừng như bình thường này lại khá xa lạ với một người chưa từng được yêu từ cái nhìn đầu tiên như tôi.

Lần đầu tiên xem Thư tình ở rạp, tôi nhớ mình đã choáng váng.

Bởi những chi tiết như bãi để xe đạp, thư viện nhiều gấp đôi những thứ mà tôi viết và được anh lột tả rất thành công. Dù có nghĩ bãi để xe tôi cũng không nghĩ ra được cảnh vừa quay pê đan vừa xem bài kiểm tra! Tôi thấy thật xấu hổ.

Thế nhưng, từ đó đến nay đã ba năm, giờ đây khi đã biết một người tên là Iwai Shunji rồi, tôi bèn xem lại một lần nữa, và nghĩ ồ, thì ra thời bấy giờ, thời học sinh ấy vẫn còn đậm nét trong anh Iwai nhỉ.

Tôi vẫn còn nhớ. Tôi đã không có can đảm đứng chờ người mình thích ở bãi để xe đạp… nhưng viết đến đây thì tôi nhớ ra. Có một lần duy nhất, tôi đã chờ… Sao tôi lại chờ nhỉ… Hình như là dịp Valentine… Nhưng cũng giống như Itsuki, tôi không quên được những ánh mắt tò mò của người khác trong lúc đứng chờ ở bãi để xe đạp.

Tôi lúc nào cũng ước giá tình cờ gặp được người mình thích ở bãi để xe đạp buổi sáng.

Và cố lắm cũng chỉ nói được mỗi câu “Xin chào”, nhưng chỉ cần “Xin chào” thôi thì việc được nói với nhau cũng khiến tôi thấy hạnh phúc cả ngày rồi. Lên cấp III vẫn thế nên tôi là đứa phát triển khá chậm. (Giờ thì khác hoàn toàn…)

Thế nên tôi cũng rất hiểu cảm giác của cô ấy khi không thể nói ra câu: Trả bài kiểm tra cho tớ. Chồng tôi khi xem cùng đã bảo rằng: “Nói với giáo viên là được mà” nhưng ngày ấy chính việc nói gì đó với giáo viên mới là khó, có lẽ Itsuki đã nghĩ rằng chắc có thể nói chuyện được với cậu ấy về bài kiểm tra này ở đâu đó.

Tôi không nhớ cái rèm cửa ở thư viện nhưng lại nhớ cái lò sưởi. Ở trường cấp III tôi học, thư viện là nơi duy nhất trong trường có lò sưởi, một chiếc lò sưởi rất to, mùa đông nó hoạt động năng suất lắm. Đến giờ ra chơi, học sinh từ các lớp học ùa cả về đó, đứng trước lò sưởi, và tôi cũng tình cờ gặp được cậu bạn khác lớp tại đó.

Tôi thấy ngượng rồi nên sẽ không kể nữa. Có rất nhiều cảnh như thế. Ở nơi mà chúng ta không bao giờ quay lại được nữa.

Dẫu vậy, thi thoảng tôi vẫn nằm mơ. Trong giấc mơ sợ xanh mặt, không biết phải làm sao trước bài kiểm tra toàn câu hỏi không hiểu… Giấc mơ tôi chơi đùa với bạn bè giữa những dãy bàn. Về giọng nói lả lướt của cậu con trai nghe thấy ở đằng xa, v.v… Thỉnh thoảng trong mơ, người quen bây giờ của tôi lại xuất hiện trong vai bạn học.

Tỉnh dậy, tôi thở phào nhẹ nhõm với bài kiểm tra không hiểu và thấy hơi buồn khi nghĩ về giấc mơ đùa nghịch trong lớp học. Đó là khoảng thời gian mà dù có cố gắng thế nào cũng không đến nữa. Nhưng người bạn học tuyệt nhiên không chỉ là người quen.

Tôi không phải một người nổi bật, cũng không phải một người được hâm mộ, chỉ là một người bình thường như bao người khác, sau khi tốt nghiệp cấp III thì được con trai để ý hơn, biết được mình có thể viết lách, cuộc đời tràn ngập ánh hào quang nhưng vẫn không thể quên những ngày tháng xếp bàn ngồi cạnh nhau, tranh nhau mì xào, bánh mì ở căng tin giờ nghỉ trưa.

Thi thoảng, tôi thử đặt những người quen bây giờ, chẳng hạn như anh Iwai hay nhà sản xuất phim cùng làm việc, hay người bạn chung của chúng ta là anh Ishihara ở Đài truyền hình Fuji vào vai bạn học cùng trường cấp III của tôi và tôi lại tưởng tượng ra các anh thời cấp III để rồi bất giác phì cười.

Trong Thư tình có cảnh Itsuki ngất vì sốt cao và được ông cõng chạy đến bệnh viện, giờ xem lại tôi ngạc nhiên với chính mình khi đồng cảm với Han Bunjaku trong vai người mẹ từ lúc nào.

Là tại năm ngoái tôi sinh con gái. Trước đó tôi hoàn toàn không như thế, nếu có đồng cảm thì sẽ đồng cảm với Miho. Ngay cả khi xem phim Dịch vụ chuyết phát phù thủy của chú Miyazaki Hayao tôi cũng bắt chước kiểu cúi chào của nhân vật nữ chính Kiki và bị đứa bạn thân nhắc nhở: “Tuổi này thì giống bà bán bánh hơn là Kiki đấy” khiến tôi giật mình tỉnh ngộ.

Con gái tôi mới được bốn tháng tuổi, còn lâu mới đến tuổi của Miho cơ mà. Nhưng tôi vẫn cứ tưởng tượng,

Về lúc đó.

Điều tôi muốn nói ở đây là, tôi đang suy nghĩ về tương lai của mình.

Tương lại vẫn tiếp tục đi. Quá khức vẫn tiếp tục đến.

Tôi nghĩ quá khứ mang tên cấp II, cấp III không phải là thứ kỷ niệm sáng lấp lánh trong quá khứ mà chúng vẫn tiếp tục đến với tôi của bây giờ. Không cần khởi động lại.

Và tôi nghĩ tương lai cũng sẽ tiếp tục đến.

Tôi nghĩ có lẽ cuộc đời  không phải là những điều như quá khứ là quá khứ, hay ngày mai là ngày hoàn toàn mới. Tôi đón nhận sự thực ấy với tâm trạng ấm áp.

Khi tôi đọc tiểu thuyết này.

Lâu lắm mới viết thư vậy mà tôi chỉ toàn viết về mình.

Tôi đã không gặp lại anh Iwai từ cuối năm kia, gần đây tôi cũng chỉ nhìn thấy anh trên quảng cáo của Panasonic, thành thử tôi thiếu thông tin về anh, xin lỗi anh.

Một tạp chí nào đó đã viết về anh Iwai là “Iwai Shunji là một thiếu nữ”, còn trong một bài phỏng vấn của một tạp chí trước đây, tôi bị gán cho cái tít: “Kitagawa Eriko cứ như một thiếu niên”, buồn cười thật đấy.

Không, cũng không có gì đâu nhưng mà…

Mong một ngày được gặp lại anh.

Mong chờ tác phẩm mới, Câu chuyện tháng Tư của anh.

Mong anh giữ sức khỏe trong thời tiết giá lạnh này.

Mùng 3 tháng Hai năm 1998

À, hôm nay là ngày Setsubun(1) nhỉ.

Kitagawa Eriko

(1). Ngày trước ngày lập xuân, vào ngày này người ta thường thực hiện những nghi lễ truyền thống như rắc hạt đậu để xua đuổi ma quỷ.
Bình Luận (0)
Comment