Thương Hải

Chương 60.1

Thấy dáng Lục Tiệm thẫn thờ đi như người mất hồn, lòng Cốc Chẩn càng thêm quặn thắt, gã càng thấy ân hận thêm.

Mọi người nản chí, lẳng lặng cất bước rời khỏi Phong Huyệt. Về đến nhà, thấy Ôn Đại đang bận dìu Tiên Thái Nô chập chững bước ra ngoài cửa. Hai hố mắt Tiên Thái Nô trống huếch hoác, không thể phục hồi thần thông, ông từ giờ trở đi thành người tàn phế, nhưng ánh mắt Ôn Đại nhìn ông vẫn chứa chan dịu dàng, thương nến. Người trở về, tâm tư nặng trĩu, thấy quang cảnh đó, đều có được chút cảm giác ấm áp trong lòng.

Trông thấy đoàn người, Ôn Đại hỏi:

- Tình hình sao rồi? Thái Nô vừa nghe tin có biến, đòi ra đấy xem sao, bất ngờ hai ta vừa ra khỏi cửa đã gặp được các người đây!

Cốc Chẩn lắc đầu, buồn bã, gã đem toàn thể sự việc thuật lại. Nghe nói Hoa Kính Viên hợp táng cùng Phong Liên một mộ huyệt, mọi người đều ngạc nhiên, rồi lại được biết "Hắc Thiên thư" do chính tay Lương Tư Cầm đem về Tây Thành, lưu truyền cái độc hại đó đến đời sau, ai nấy đều thấy sự việc ra ngoài óc tưởng tượng, cùng nhau bàn tán râm ran.

Tiên Thái Nô bỗng bảo:

- Tổ sư gia lưu truyền bộ sách đó, đúng là gây họa, nhưng trong một ngàn cái suy nghĩ hành sự, thể nào cũng có một lần lầm lỡ. Người đời chẳng phải ai cũng là ông thánh, làm sao tránh khỏi va vấp!

Bản thân làm kiếp nô, khi ông phát biểu như vậy, mọi người đều thấy lòng bớt ưu tư, cùng gật đầu tán thành.

Tiên Thái Nô lại gọi:

- Cốc Chẩn...

Cốc Chẩn thưa:

- Tiền bối có điều muốn chỉ giáo?

Tiên Thái Nô chậm rãi nói:

- Vạn Quy Tàng tuyệt đại kiêu hùng, lão là người đầy trí mưu, tham vọng, dĩ nhiên cũng hiểu biết như người bình thường cái đạo lý "Muốn chế ngự người ta, trước hết, tự mình đừng nề hà, đừng tự kiềm chế mình!" Đánh cuộc với lão, chuyện đó đã rất khó chiếm thượng phong, chưa kể không phải lúc nào mình cũng thuận chèo mát mái. Cậu là người thông tuệ hiếm thấy, ắt hiểu biết cái đạo lý, trong cái rủi có cái may, gặp may thể nào cũng có lúc rủi. Vạn Quy Tàng lấy thịt đè người, chưa hẳn đã là chuyện dở. Cái khẩn yếu đệ nhất bây giờ, là đừng để cảm tình người thân làm rối loạn tâm trí, thua một keo, chưa phải là thua toàn bộ, nếu để tâm trí rối loạn, khó kiếm đủ sức đối địch nơi bước kế tiếp.

Những lời khuyên đó thật sáng suốt, làm Cốc Chẩn nhanh chóng tỉnh ngộ, gã chắp tay, thưa:

- Vừa rồi vãn bối vừa rối ren, vừa bực tức, đã hồ đồ một lúc. Thật hết sức cảm ơn tiền bối đã dạy bảo cho.

Tiên Thái Nô vui vẻ hỏi:

- Vậy bây giờ, cậu có đã đối sách gì chưa?

Cốc Chẩn đáp:

- Vạn Quy Tàng đoạt được đầu mối đó, thể nào cũng chẳng chần chừ, sẽ đi thẳng đến chỗ chỉ dẫn của bước kế tiếp. Hiện thời, số đệ tử Đông đảo đang ở trên đại lục cũng khá nhiều người, vãn bối lập tức cho phi cáp truyền thư, sắp đặt bọn chúng âm thầm canh chừng các vùng ven biển, xem Vạn Quy Tàng sẽ đi về hướng nào?

Tiên Thái Nô không vui, nói:

- Cách thức đó, cậu nghĩ ra, ắt Vạn Quy Tàng cũng phải có cùng dự kiến.

Cốc Chẩn đáp:

- Theo tình hình trước mắt, vẫn bối không có biện pháp nào khác, mà khổ vì thương thế Diêu Tình lại không cho phép mình chần chừ, nếu chẳng may Vạn Quy Tàng gặp thuận lợi, và mình không tìm được manh mối kế tiếp, cái đó mới cực kỳ tệ hại!

Ngu Chiếu cau mày, bảo:

- Lão đệ, đệ nói câu đó nghe sao thấy nản quá!

Cốc Chẩn đáp:

- Ngu huynh yên tâm, trừ phi Cốc mỗ chết đi, đệ không khi nào chịu thua lão tặc!

Ngu Chiếu cười, nói:

- Nói vậy... cũng không khác gì lắm!

Cốc Chẩn cáo biệt mọi người, vào nhà thay áo khác, rồi hỏi thăm đường hướng Lục Tiệm, cùng Thi Diệu Diệu đi tìm gặp gã.

Đi một quãng, ra đến bờ biển, từ xa, thoáng thấy Lục Tiệm đang choàng vai Diêu Tình, hai người cùng trông ra khơi, đứng bất động tựa hai pho tượng đá. Nhìn hai người, Thi Diệu Diệu chợt thấy cay cay nơi mắt. Hiểu tâm tình nàng, Cốc Chẩn đưa tay nắm chặt vào tay nàng, tay trái nhẹ vuốt mái tóc mây, gã dịu dàng bảo:

- Diệu Diệu à, đừng lo rầu quá, thể nào cũng có cách chữa trị khỏi bệnh thôi!

Thi Diệu Diệu gục đầu vào ngực gã, nghẹn ngào:

- Huynh.... Huynh chỉ nói toàn hứa hẹn, coi họ kìa... họ đứng im lìm như thế, thiệt đúng là khổ quá đi!

Nói xong, nước mắt đã lã chã tuôn rơi!

Cốc Chẩn nắm chặt tay nàng, nhưng gã không biết làm sao an ủi dỗ dành, bất chợt từ đuôi mắt, gã thấy xa xa, trong đống loạn thạch, thấp thoáng một bóng người. Cốc Chẩn chú tâm, nhận ra đấy là Ninh Ngưng. Nhưng khi cô vừa lọt vào tầm mắt Cốc Chẩn, Ninh Ngưng cũng có cảm giác đã bị nhìn thấy, cô uốn mình, nhanh chóng bỏ đi, đã mất dạng.

Cốc Chẩn than thầm:

- Đại ca cùng Diêu Tình tâm đầu ý hiệp, sống chết có nhau! Lúc này họ đang trong cơn khó khăn, đang vất vả, khổ sở đương đầu biết bao nhiêu khốn đốn cực lớn. Nỗi niềm đau khổ đó không nói ra được thành lời, họ không muốn gặp bất cứ ai khác, ôi, làm sao nghĩ được cách giải quyết mối tình si của Ninh cô nương cho vẹn toàn!

Trầm ngâm hồi lâu, gã đưa tay gạt nước mắt cho Thi Diệu Diệu, cười, bảo nàng:

- Xọa Ngư nhi, sao mà cứ khóc lóc hoài, thiệt chẳng giống muội hồi trước chút nào!

Nghe gã nói vậy, Thi Diệu Diệu chợt nhận ra rằng từ khi tái hội cùng gã, nàng trở thành mềm yếu quá đỗi, bất cứ chuyện gì không vừa ý, là nàng nổi cơn buồn rầu ỉ ôi, muốn trông vào người trong mộng cuả mình đoái hoài tới. Nàng bỗng vừa bực tức, vừa xấu hổ đến mặt mày đỏ ửng, bèn đưa tay đấm nhẹ một quyền vào ngực Cốc Chẩn.

Cốc Chẩn cười hì hì, kéo nàng đến trước gành đá, gọi nhỏ:

- Lục Tiệm.

Lục Tiệm quay lại. Cốc Chẩn leo lên gành đá, đem những lời của Tiên Thái Nô thuật một hồi, rồi nói:

- Lúc này, không phải lúc thất chí. Truy đuổi Vạn Quy Tàng mới là cái chính.

Lục Tiệm còn do dự chưa quyết, Diêu Tình đã nhoẻn miệng cười, bảo:

- Xú hồ li, đó là những câu nói ta rất thích thú được nghe! Lục Tiệm, ngươi nghĩ sao?

Hỏi xong, đôi mắt đẹp của nàng ngời sáng lạ thường.

Lục Tiệm suy nghĩ một chút, rồi chậm chạp đáp:

- A Tình, cô hãy yên tâm, tôi quyết không chịu thua lão tặc Vạn Quy Tàng đó đâu!

Diêu Tình mặt hoa sáng rỡ, nói:

- Câu đó mới có khí thế làm người!

Họ đã đồng lòng, đồng ý, Lục Tiệm lập tức cho sửa soạn thuyền bè, ngay hôm đó lên đường về Trung thổ.

Thi Diệu Diệu tiễn chân đến bến tàu, bịn rịn không rời nổi, tay níu vào áo Cốc Chẩn, nàng gắng kềm giữ nước mắt:

- Muội thèm được như Diêu cô nương, cùng Lục đại ca một trận sinh tử bên nhau. Cái gã khốn nhà huynh đây, sao không dẫn muội theo?

Cốc Chẩn vừa đưa tay áo lau mắt nàng, vừa vui vẻ bảo:

- Phải đem Diêu Tình theo, là chuyện bất đắc dĩ! Muội vẫn khoẻ mạnh, bình thường, muội đi theo quấy nhộn làm chi? Nam là ở ngoài, nữ làm chủ, lo nội trợ trong nhà, đó là thiên kinh địa nghĩa mà!

Thi Diệu Diệu chu mỏ, đáp:

- Nói hết sức vớ vẩn! Muội muốn ra ngoài làm chủ! Nói như huynh, Tiên Bích tỉ tỉ cũng khoẻ mạnh bình thường, sao lại được đi cùng?

Cốc Chẩn nhướng mày, nghiêm giọng đáp:

- Diệu Diệu, đừng làm trò trẻ con! Ta đã không giải thích rồi sao? Hiện thời, trong ngũ tôn Đông Đảo, chỉ còn có hai người! Hiệp Phạm đã phải lo áp giải Địch Hy về đảo trại giam rồi! Nếu muội khăng khăng đi theo, toàn Đông Đảo không ai làm chủ, sẽ không hay! Muội hãy ngoan ngoãn ở nhà, chờ bọn ta trở về!

Thi Diệu Diệu muốn nói, nhưng nàng dằn lại, nước mắt tuôn ra như suối.

Cốc Chẩn quay nhìn xung quanh, thấy Cốc Bình Nhi đang cúi gằm, đôi mắt đẹp của cô cũng đang đỏ ửng, gã bèn nói:

- Bình Nhi nè, Diệu Diệu lòng dạ mềm yếu, khó làm chủ quần hùng, em hãy giúp tỉ ấy, ta trông cậy nơi em lắm đấy!

Cốc Bình Nhi gật gật đầu, nghẹn ngào nói:

- Ca ca, em sẽ hết sức giúp Diệu Diệu tỉ, ca ca nhất định phải trở về đấy!

Cốc Chẩn trong lòng chua xót, trên mặt gã lại đưa ra vẻ ít quan tâm, gã cười nụ, đáp:

- Cái đó, lẽ đương nhiên! Ta không những sẽ trở về, mà còn muốn trở về trên lưng con Tiềm Long nữa kia!

Cốc Bình Nhi muốn cười, nhưng cô không sao mỉm miệng được!

Thi Diệu Diệu ngẫm nghĩ một lúc, bỗng lấy từ trong bọc ra một tấm khăn tay, nàng dùng một vẩy Thiên Lân cắt nơi đầu ngón tay, đem máu bôi vào tấm khăn, mầu đỏ tươi của máu trông đến phát sợ. Hoảng hốt, Cốc Chẩn chụp vào cánh tay nàng, giọng đầy hối hận, gã hỏi:

- Xọa Ngư nhi, muội sao lại làm thế?

Thi Diệu Diệu tha thiết dõi trông Cốc Chẩn, đáp:

- Máu chảy từ tim, dấu máu này xuất phát từ tâm ý của muội, khi huynh nhìn thấy nó, dù nơi chân trời góc biển nào, là huynh đang thấy con tim muội vĩnh viễn ở sát cạnh bên huynh!

Cốc Chẩn nhận tấm khăn, ánh mắt tập trung lên nó một hồi lâu, rồi gã cũng lấy từ trong người ra một cái khăn vuông, cũng trích máu nơi đầu ngón tay cho thấm ướt khăn, gã đặt vào trong tay Thi Diệu Diệu, miệng thì thầm đôi câu vào tai nàng.

Thi Diệu Diệu cười qua làn nước mắt, nàng hầm hừ đấm cho gã một đấm đích đáng, mắng:

- Xấu xa gì đâu! Lúc này nào phải lúc nói chuyện thiếu đứng đắn!

Cốc Bình Nhi thắc mắc:

- Ca ca, huynh thầm thì cái gì thế?

Cốc Chẩn cười:

- Muội cứ hỏi Diệu Diệu tỉ thì biết!

Gã cười ầm, xếp kỹ tấm khăn tay lại, cất đi, rồi rảo bước lên thuyền.

Buồm bọc gió, thuyền rời bến, đi xa dần. Đột nhiên, Thi Diệu Diệu cùng Cốc Bình Nhi sóng đôi chạy vù vù xuống làn nước biển, mắt hướng về chiếc thuyền, tay hối hả vẫy chào từ biệt.

Thuyền đã xa bờ lắm rồi, những vẫn còn thấy hình ảnh hai cô gái, trong tiếng gió ù ù, tưởng chừng nghe tiếng khóc bất tận... Cốc Chẩn đứng nơi đầu thuyền, dõi mắt nhìn hòn đảo đang nhạt nhoà mỗi lúc một xa, trong lòng gã trống vắng, pha lẫn bùi ngùi, mất mát. Cùng lúc ấy, Ngu Chiếu đến bên, cười ha hả, bảo:

- Đứng đấy nhìn ngó cái gì? Còn chưa chịu đi uống rượu chơi?

Hai người vào khoang trong, rượu được ba tuần, thấy Cốc Chẩn rầu rầu không vui, không mấy hứng thú với nhậu nhẹt, Ngu Chiếu vỗ mạnh mặt bàn, nói:

- Lão đệ, chẳng phải vi huynh muốn lên lớp đệ! Bữa nay, hình dạng của đệ thiệt làm cho người ta coi mà hết sức thất vọng! Đối phó mấy ả, đệ phải lòng dạ cứng rắn, đệ xử nhũn với họ, họ sẽ bám theo khóc lóc, nhì nhằng... Hãy làm hung lên, cho họ thấy ngán, hết còn đeo theo mà mè nheo!

- Xem ngươi hung hăng với ai đây cho biết - Hắn đang cười ha hả, chợt nghe tiếng Tiên Bích vọng tới, "Uống cạn hai chung miêu niệu ( nước đái mèo) rồi, lớn tiếng hung hăng kìa!"

Ngu Chiếu biến sắc, lập tức biến thành một cái bầu hồ lô chưa khui nắp, gã lẳng lặng cúi gằm mặt, uống cạn chén sầu!

Cốc Chẩn chẳng nín được cười, gã nhủ thầm: "Rõ ràng là vật nào cũng có khắc chế hết! Ngu huynh bình thường cứng cỏi, đụng vô Tiên Bích cô nương, hệt như chuột đụng phải mèo một nước!"

Gã còn đang ngẫm nghĩ, đã thấy Tiên Bích vào đến nơi, nàng dòm dòm Ngu Chiếu, thần sắc hết sức bực bội, bảo:

- Lúc này là lúc nào, mà còn có hứng ở đó nhậu?

Ngu Chiếu hắng giọng:

- Uống dăm ba chén đâu có làm chết người đâu? Cho dù uống mà bị chết, người chết là ta đây, ăn nhặp gì tới cô?

Tiên Bích chắm chăm ngó vào gã, khoé mắt đã thấy rưng rưng, bỗng nàng ngồi phịch xuống, rót cho mình một chén đầy, uống một hơi cạn sạch, rồi rót thêm chén khác, nàng nhìn nhìn vào cái bóng phản chiếu của mình trên mặt rượu trong chén, nước mắt bỗng chảy tong tỏng, rơi xuống chén rượu!

Ngu Chiếu cảm giác tim đập một trận loạn lạc, gã nhướng mày, nói:

- Cô sao đã nổi cơn điên rồi? Uống rượu là chuyện hào hứng, cô đến khóc một chặp, làm người ta cụt hứng!

Tiên Bích đặt chén rượu xuống, đôi mắt đỏ au, hỏi:

- Tên họ Ngu kia, ngươi quen biết ta như vậy được bao lâu rồi?

Ngu Chiếu đáp:

- Hai mươi chín, ba mươi năm.. đâu đó!

Tiên Bích nghiến răng, bảo:

- Hai mươi chín năm, bẩy tháng lẻ bốn ngày!

Ngu Chiếu "ủa" một tiếng, hỏi lại:

- Sao cô tính sít soát hay vậy?

Tiên Bích đáp:

- Ba mươi năm rồi! Râu ria ngươi mọc rậm khắp, ta... ta cũng sớm già đến nơi rồi!

Ngu Chiếu ngơ ngác, liếc nàng một cái, gã cãi lại:

- Hết chuyện nói tầm xàm rồi! Cô chưa có lấy nột nếp nhăn, già đâu mà già?

Tiên Bích đưa tay chống cằm, u uẩn thở dài.

Cốc Chẩn giữ ý, gã biết giữa hai người họ có chuyện riêng tư cần thổ lộ, gã bèn cười cười, uống cạn chỗ rượu trong chén của gã, vui vẻ bảo:

- Đệ lên trên sàn tàu ngắm phong cảnh một lúc!

Nói xong, gã đi ra ngoài, bỏ mặc Ngu Chiếu ngồi ì ra đấy, tay chân thừa thãi, mặt mày ỉu xìu, hắn ngồi mấp mé nơi cạnh bàn, tựa hồ một pho tượng thổ địa bằng đất!

Lên đến chỗ cuối tàu, bỗng Cốc Chẩn thấy Ninh Ngưng đang một mình ngồi trên be thuyền, gã cười, nói:

- Ninh cô nương, cô coi chừng... Thuyền lắc mạnh, cô sẽ bị bắn ra bên ngoài, rơi tõm xuống nước đấy!

Ninh Ngưng nhạt giọng trả lời:

- Rơi xuống nước thì sẽ chết đuối thôi? Càng tốt!

Cốc Chẩn bị sựng sờ, gã chẳng vui gì, nói:

- Ninh cô nương, cô hà tất phải tự mình dằn vặt mình...

Ninh Ngưng ngắt lời gã:

- Ngươi đừng có khuyên răn ta! Ta không có ý tự vẫn đâu! Nói về sự khóc lóc, người sống ở đời, cái nhọc nhằn tất phải chịu nhiều, mấy lúc sau này, ta cũng đã quen rồi!

Cốc Chẩn không sao đáp trả, gã đành đứng nơi sau cô, nhìn quanh quất trên biển, thấy hơi sóng nước càng lúc càng dầy đặc, mặt trời đang xuống dần nơi phương tây, sau lưng gã, tít cao trên nền cột buồm, một bóng hình trăng trắng như tuyết đang vật vờ trong gió, mường tượng một cánh chim hải âu cô đơn lạc loài!

Sáng sớm hôm sau, Cốc Chẩn nhận được truyền thư, báo tin Vạn Quy Tàng rời thuyền lên bộ ở Định Hải, nấn ná ở đấy độ nửa thời thần, rồi mất tung tích. Đọc tin, lòng Cốc Chẩn khẩn trương, gã truyền lệnh cho thuyền tăng tốc độ tối đa.

Đến giữa trưa, lại được truyền thư mới, báo tin thấy bầu đoàn Vạn Quy Tàng xuất hiện ở thành Nam Kinh. Thọat đầu, được biết tung tích cuả địch thủ, Cốc Chẩn mừng rỡ, nhưng nghĩ lão đến Nam Kinh, sẽ có thể gây chuyện không hay cho mẫu thân, khiến gã càng thêm lo lắng, bèn cho giương hết các cánh buồm đến mức tối đa, gấp rút hành trình.

Chiều tối, thuyền cập bến, có đệ tử Đông Đảo đến nghênh đón. Cốc Chẩn hỏi tin, mới hay Vạn Quy Tàng lại thất tung, gã lập tức phát nghi ngờ, gã đã không đoán được ý địch thủ, không hiểu lão tặc nhiễu loạn, khi ẩn khi hiện, rốt cục gây tình hình mù mờ. Gã bàn với mọi người:

- Tình hình trước mắt lù mù, tạm thời hãy về trú tại Đắc Nhất sơn trang, dò xét diễn biến, rồi sẽ tính bước kế tiếp.

Mọi người nặng trĩu ưu tư, buộc lòng phải miễn cưỡng chấp thuận ý đó.

Về đến Đắc Nhất sơn trang, Thương Thanh Ảnh thấy hai con vô sự, lại hay tin Cốc Bình Nhi lành bệnh và đã trở về ở tại Đông Đảo, bà mừng rỡ khôn xiết. Nhưng bà không dè Cốc Chẩn đã nói ngay:

- Mẹ à, lần này tụi con không ở lâu đâu, mẹ đừng làm ồn ào quá.

Thương Thanh Ảnh nghe giọng gã, thấy thần sắc mọi người, lại nhìn Diêu Tình thoi thóp sắp chết, bà hiểu đã xảy ra biến cố lớn, và bà cũng biết khó lòng hỏi hết sự thật nơi Cốc Chẩn. Bà bèn kéo Lục Tiệm sang một bên, kín đáo tra vấn cặn kẽ. Lục Tiệm không dám giấu giếm gì, đã thuật lại sự việc từ đầu chí cuối. Nghe xong, bà Thương Thanh Ảnh sắc mặt tái mét, bà bủn rủn, không ngồi vững trên ghế, thần thái vô hồn. Vừa định khuyên bà, Lục Tiệm chợt nghe Yến Vị Quy đến gọi, bảo Cốc Chẩn đang muốn gặp gã nơi sảnh đường. Lục Tiệm đành kiếu từ mẫu thân, đi vội ra trước, thấy trong khách sảnh có thêm một người. Lục Tiệm nhận ra đấy là người đã đem "Thiên Tôn cẩm" trưng bày hôm trước, chính là thương gia ở Đồng Thành, tên Triệu Thủ Chân. Gã lập tức chắp tay chào.

Cốc Chẩn vui vẻ nói:

- Đại ca, Triệu huynh đã đem nhân sâm đến rồi đấy!

Lục Tiệm ngoảnh trông, thấy trên mặt bàn có bày dàn hàng độ chục cái hộp dài. Triệu Thủ Chân lần lượt mở nắp từng hộp, thấy các chi nhân sâm trong hộp màu sắc hồng hào, bốc mùi thơm thoang thoảng, trong số có nhiều chi lớn cỡ bắp tay, hình dạng tựa đứa trẻ.

Triệu Thủ Chân tươi cười nói:

- Tôi được tin Lục gia cần nhân sâm tốt, mấy bữa rồi, tôi khua động khắp chốn, tìm được bây nhiêu đó. Những nhân sâm này, ít ra cũng từ hai trăm tuổi trở lên, chỉ tiếc thời gian cập rập, những sâm trên tám trăm năm, loại sâm vương, rất khó tìm, chỉ được có ba chi, sâm ngàn năm chỉ được có nửa chi, tất cả đều xuất xứ từ phủ đệ của Ninh Vương.

Lục Tiệm vừa ngạc nhiên, vừa mững rỡ, lòng cảm kích, gã chắp tay vái một vái thật dài, thưa:

- Đại ân đại đức của Triệu tiên sinh, Lục Tiệm vĩnh viễn ghi nhớ.

Triệu Thủ Chân vội vàng đáp lễ, nói:

- Lục gia đã quá lời rồi.

Cốc Chẩn hoan hỉ nói:

- Hai người chớ khá khách khí như thế! Nầy ông Triệu Thủ Chân, ta muốn hỏi ông về tình hình lương thực tại các tỉnh giờ ra sao?

Triệu Thủ Chân cười, đáp:

- Sáu ngày sau khi điều hai thương thuyền đến vùng Chiết, giá thóc giảm mạnh, mười ngày sau, giá cả ổn định. Hiện thời giá lương thực thấp, dễ mua, các nạn dân lần lượt kéo nhau hồi hương. Chỉ có bọn đại gian thương đầu cơ tích trữ thóc gạo là đang khóc ròng. Nhà tù thành Nam Kinh đang giam giữ hơn trăm tên gian thương, tội mượn tiền đầu cơ gạo, giờ vỡ nợ. Trong số có một tên họ Trầm, không hiểu do đâu đã biết Cốc gia là nguyên nhân gạo thóc giảm giá, ở trong tù, hắn rủa xả, đổ thừa mọi chuyện lộng quỷ hí thần, chẳng ai khác hơn là Cốc gia.

Ông nói xong, cười ha hả.

- Họ Trầm? - Cốc Chẩn liếc sang Lục Tiệm, hỏi, - Có phải nó tên Tú họ Trầm không?

Triệu Thủ Chân đưa tay vỗ đùi, đáp:

- Đúng! Đúng là tên Trầm Tú. Trong số gian thương, tên này còn trẻ lắm, nhưng thủ đoạn thì rất ngoan độc. Hắn đã cầm cố tất cả điền thổ, mượn nợ đâu hơn bốn mươi vạn lạng bạc, đem thu mua lương thực trữ trong thành. Đâu ngờ, khi tôi tải lương về, giá thóc gạo nội một ngày giảm đi mấy chục lần. Mà cái bất hạnh rủi ro nhất cuả hắn, bữa hôm đó, hắn vắng mặt, hổng biết lạc lõng chốn nao. Lúc hắn về đến nơi, bốn mươi vạn lượng bạc lương thực giờ trị giá không còn tới bốn vạn lạng! Hắn thấy tình thế bất diệu, định cuốn gói bỏ trốn, đâu dè bị chủ nợ chặn cừa thành, trước hết đập cho hắn một trận, rồi thấy hắn không tiền trả nợ, đã đem kiện lên quan phủ, rồi còn lo lót quan phủ, phạt hắn hai trăm trượng côn Thuỷ Hoả. đem giam xuống địa lao. Vậy mà tên Trầm Tú đó hãy còn ương ngạnh, vô tù rồi còn chửi bới Cốc gia suốt. Chửi trọn một đêm, tới sáng hôm sau, thấy im re, bọn gian thương đồng lao lúc tỉnh giấc, nhìn đến hắn, phất giác hắn đã trợn trừng hai mắt mà chết lâu rồi.

Ông đang thích thú lớn giọng kể chuyện, bỗng nghe "xoảng" một tiếng lớn, ba người ngoái trông, thấy bà Thương Thanh Ảnh đang bíu vào khung cửa, mặt trắng bệch thảm hại, dưới đất là các mảnh vụn vỡ tan của bình trà, nước nóng đổ thấm ướt cả váy áo, bà dường như không hay biết, không cảm giác gì!

Lục Tiệm vội vàng chạy đến đỡ bà, đưa bà vào chỗ ngồi. Thương Thanh Ảnh ngơ ngẩn một hồi, nước mắt tuôn trào khoé mắt, bà kêu rên:

- Tú Nhi cuả ta chết rồi à? Sao ta không hay biết gì hết vậy?

Cốc Chẩn đáp:

- Mẹ... Mẹ suốt ngày ở trong trang, làm sao mẹ biết chuyện xảy ra bên ngoài!

Thương Thanh Ảnh chợt nhỏm dậy, dòm vào Cốc Chẩn, nói:

- Ôi.. Trước lúc nó chết, đã ruả xả ngươi, vậy chẳng phải ngươi hại nó chết sao? Ta biết mà, ngươi oán hận ta bao nhiêu năm đó đã chăm sóc nó tốt, hững hờ, lạnh nhạt với ngươi, trong lòng ngươi mang hận, khăng khăng tìm cách hại chết nó! Ngươi cũng là con ta, sao mang tâm địa ác độc, đành lòng giết chết Tú Nhi cuả ta?

Trầm Tú dẫu chẳng trực tiếp do Cốc Chẩn giết, nhưng phế võ công hắn, phá nát tan tài sản của hắn, đều một tay Cốc Chẩn tác thành, soi về nguồn cội, cái chết đó đúng là chết trong tay gã. Nhưng gã bị Thương Thanh Ảnh nhiếc móc, Cốc Chẩn không biết phải trả lời bà như thế nào, mặt gã tối xầm, hừ lạnh một tiếng, rồi im lặng, ngồi xuống.

Triệu Thủ Chân là tay lão luyện, ông hiểu rõ tình hình, bèn góp lời khuyên:

- Lão phu nhân đừng hiểu lầm! Cái chết của Trầm Tú đó, đầu tiên là bị chủ nợ đánh cho một chặp, rồi bị quan phủ phạt trượng, bị hai thương thế đó phát ra mà chết, Cốc gia hoàn toàn vô can!

Chẳng dè, Thương Thanh Ảnh trừng mắt lườm ông, bảo:

- Ông là ai? Ông biết gì mà nói? Ta mà không hiểu chính con cuả ta hay sao? Mấy chủ nợ đó là do nó kêu tới, quan phủ cũng là do nó lo lót. Nó... nếu nó không oán hận Tú Nhi, rõ ràng nó oán hận ta! - Bà dòm Cốc Chẩn, sụt sùi: - Ngươi làm vậy rõ ràng vì oán hận ta, sao chẳng một đao giết phứt ta đi cho rồi, lại đi hành hạ làm khốn khổ Tú Nhi như thế?

- Chính con của bà à? - Cốc Chẩn bỗng đập bàn, đứng dậy, lớn tiếng sừng sộ - Ta cũng là con bà? Trầm Tú đã là con bà rồi, ta với bà còn quan hệ gì nữa? Mẹ của nó à, Trầm Tú là do ta giết, hai trăm trượng hãy còn là ít, đáng lẽ phải đánh một ngàn trượng, đánh cho thịt nát xương tan đi kìa!

Nói rồi, chẳng chờ Thương Thanh Ảnh trả lời, gã phất tay áo rộng, chạy ào ào, mất tích ra ngoài!

Thương Thanh Ảnh bị mấy câu đó làm bà nghẹn họng, mắt trợn trắng, bà run rẩy, rồi ngất xỉu!

Lục Tiệm dang tay ôm lấy bà, không biết phải làm gì! Triệu Thủ Chân sượng sùng, xin lỗi, cáo từ.

Lục Tiệm dìu Thương Thanh Ảnh về phòng trong, gã truyền một chút nội lực, Thương Thanh Ảnh tỉnh dậy, níu vào tay áo gã, bà thổn thức:

- Tiệm Nhi, suốt cuộc đời này, ta chỉ còn mỗi mình con là con... Chẩn Nhi... Chẩn Nhi, ta không nhận nó làm con nữa!

Lục Tiệm lại nghĩ thầm: "Cái chết của Trầm Tú, là kết quả do chính hắn gây ra, sao mẹ lại vì vậy mà gây gổ với Cốc Chẩn, thật khổ quá!"

Gã không tiện nói ra miệng, chỉ đành ậm ừ cùng bà, rồi đi ra khách sảnh. Gã đi được chừng chục bước, đã gặp Cốc Chẩn đứng chắn đường, mắt toé lưả, giống như đang muốn sát nhân! Gã bèn cất tiếng khuyên răn đôi câu, Cốc Chẩn ngắt lời gã, bảo:

- Những câu nói của bà đó với huynh, ta đều nghe hết. Muốn huynh đi thu thập xác chết, nhưng huynh là anh em với ta, không được đi làm chuyện đó. Cái tên khốn kiếp vô loại ấy, chỉ đáng đem ném cho chó ăn, ta vừa nhờ Triệu Thủ Chân đi lo liệu rồi!

Lục Tiệm ngơ ngác, đớ lưỡi hỏi:

- Sao lại làm vậy?

Cốc Chẩn nghiến răng kèn kẹt, lạnh lùng nói:

- Sao không được? Bà ấy không nhìn ta làm con, phì... ta cũng không coi bà là mẹ nữa! Ta là không có mẹ, quá khứ không, tương lai cũng không luôn. Lão tử là do đá trên núi nứt ra!

Gã nói đến đấy, mắt đỏ quạch, quày quả bỏ đi.

Lục Tiệm đuổi theo, hỏi:

- Ngươi đi đâu?

Cốc Chẩn cũng không nói gì, nhanh như gió, gã ra ngoài trang, đi thẳng lên đỉnh núi sau nhà, đến bên dưới một gốc đại thụ. Cốc Chẩn phủ phục xuống, đào từ dưới đất lên một cái hộp gỗ nam cẩn ngọc, gã tha thiết ôm chặt vào lòng, nước mắt chan hoà như mưa, đọng đẫm ướt mặt hộp.

- Đây là?- Lục Tiệm thấp giọng hỏi.

Cốc Chẩn đưa tay gạt lệ, sụt sịt đáp:

- Cốt hôi của bố ta!

- Là tro xương của Cốc Đảo vương?

Lục Tiệm hết sức kinh hoàng, vội vàng quỳ cúi rạp xuống, hướng chiếc hộp cung kính lạy ba lạy. Rồi gã đứng lên, hỏi:

- Cốc Chẩn, sao ngươi lại đem chôn cốt hôi nơi đây?

Cốc Chẩn tâm tình dần dần bình ổn, gã thở dài, đáp:

- Huynh hãy nhìn về phía dưới núi!

Lục Tiệm đưa mắt nhìn, toàn bộ Đắc Nhất sơn trang hiện ra trong tầm mắt.

Chỉ nghe Cốc Chẩn rầu rầu nói:

- Nguyên, ta vốn muốn đem tro tàn của người về an táng tại Đông Đảo, nhưng sau ta nghĩ, có khi chôn ông nơi đây, ông lại thấy có phần thích thú hơn! Từ chỗ này, có thể nhìn bao quát toàn sơn trang, ông có thể nhìn thấy nữ nhân của ông. Để ông dưới chốn ấy, nếu hay biết điều đó, ông sẽ ngày ngày trông bà, dang tay ôm lấy bà, ông sẽ không bao giờ muốn rời bước nữa!

Không khỏi bị cảm khái trong lòng, Lục Tiệm thở dài:

- Vậy sao ngươi lại trở về đây làm kinh động Đảo vương?

Cốc Chẩn hằn học đáp:

- Bà không nhận ta nữa, vậy ta để bố ở lại đây làm gì?

Lục Tiệm đáp:

- Hệt những câu tức bực mà mẹ đã nói vừa rồi!

Cốc Chẩn khoé mắt ửng đỏ, hỏi:

- Nếu bà ấy cũng nói với huynh cùng câu đó, huynh có buồn lòng không?

Lục Tiệm chẳng khỏi ngớ người, gã vốn không giỏi mồm mép, bây giờ đụng vào tình cảnh này, gã thấy khó quá, thật không biết phải nói năng ra sao, phải làm sao ứng đối cho đẹp. Đúng lúc đó, từ nơi xa xa trên con đường, thấy một cỗ ngựa đang hối hả chạy vào trang. Cốc Chẩn buột miệng kêu "ồ" một tiếng, gã đứng dậy, cất cao giọng bảo:

- Có tin tức của Vạn Quy Tàng kia rồi!

Gã lập tức đè nén nỗi đau thương trong lòng, vội vàng cất bước chạy xuống núi đón đầu cỗ ngựa.

Lục Tiệm cũng chạy theo sau, không ngờ Cốc Chẩn bỗng dừng bước, gã nhìn vào chiếc hộp trong tay, rồi day nhìn về phía sơn trang, gã thở dài, quày bước về phía gốc cây, chôn cái hộp xuống trở lại.

Lục Tiệm vẫn lặng yên, bất động, đứng quan sát. Cốc Chẩn chôn xong cái hộp, đứng lên, nói:

- Đi lần này, chuyện may rủi còn chưa rõ, để khi ta xong việc, trở lại đây, sẽ mau chóng cải táng. Lục Tiệm, huynh không biết đấy thôi, làm việc này, ta đã cả gan nhận chịu một trách nhiệm quan trọng cực lớn. Bọn đệ tử trên đảo ai nấy đều chất chứa đầy một bụng nghi ngờ, nếu để họ biết, sẽ không hài lòng thấy ta đã táng ông ở đây, không bia, không mộ, cẩu thả như vầy!

Lục Tiệm nói:

- Theo tâm tình của Cốc Đảo vương, ta chỉ e ông lại ưa thích nhất cái chỗ tuyệt diệu này!

- Chắc thế! - Cốc Chẩn cố một nét cười, - Nhưng một ngày nào đó, rồi cũng phải đưa ông trở về đảo, vong linh các vị Đảo Vương đời trước đang đẳng đẵng chờ ông!

Hai người trầm ngâm suy tư trăm ngàn mối hồi lâu, rồi vừa trở về đến sơn trang, gã đệ tử đưa thư đang sốt ruột chờ đợi, hắn đã vội vàng tiến đến đệ trình một phong thư.

Cốc Chẩn mở thư, đọc thoáng qua, gã nhíu mạnh hàng lông mày, truyền lệnh cho mời người Tây Thành đến thương nghị.

Lục Tiệm hỏi:

- Có tin tức gì về Vạn Quy Tàng không?

Cốc Chẩn đáp:

- Có! Có đến ba cơ!

Lục Tiệm hết sức quái lạ, nhưng vừa hay Lan U đến tìm gã, báo tin Diêu Tình mới tỉnh giấc. Lục Tiệm đành tìm cớ thoái thác, trở về phòng.

Vừa tách khỏi Cốc Chẩn, Lục Tiệm cấp tốc cho đòi Yến Vị Quy, sai hắn phải hỏa tốc chạy đến nội thành Nam Kinh, cố gắng đến trước Triệu Thủ Chân một bước, đem thi hài Trầm Tú về, không để lọt vào tay Cốc Chẩn. Rồi sẽ đưa thi hài đó cho Thương Thanh Ảnh lo liệu ma chay.

Lục Tiệm nghiêm giọng bảo:

- Người chết là hết! Bất kể Trầm Tú tội nợ đến đâu, khi nhắm mắt rồi, mọi chuyện đều xoá sạch! Cốc Chẩn việc này làm không đúng, gã quyết chẳng chịu đổi ý, ta cũng không để mặc gã tác hại! Gã có mắng mỏ gì ngươi, ngươi cứ bảo là đã làm mọi chuyện theo lời ta yêu cầu!

Yến Vị Quy nhận lệnh, ba chân bốn cẳng thi triển cước lực chạy đi như gió.

Nhìn bóng hắn đã khuất xa, Lục Tiệm chuyển mình đi về phòng Diêu Tình.

Diêu Tình lúc tỉnh giấc không thấy Lục Tiệm, nàng đang bực bội, vừa thoáng thấy gã bước tới, nàng trong lòng giận hờn pha lẫn mừng vui, khoé mắt ửng đỏ lên, mà rằng:

- Ngươi... Ngươi đi đâu mất vậy? Ta chết đi rồi, chắc ngươi khoan khoái lắm hẳn?

Lục Tiệm tự nhiên bị khoác cho một cái tội, gã kinh ngạc cùng cực, nói:

- Tôi vưà rồi có chút việc phải ra ngoài, sao cô lại nói là tôi mong cô chết đi vậy?

Diêu Tình bảo:

- Ngươi lại còn lý sự nữa! Ngươi bỏ mặc ta một mình ở đây, thây kệ ta lo lắng bồn chồn, ta còn muốn sống làm chi nữa!
Bình Luận (0)
Comment