Tiệm Trà Vong Xuyên

Chương 11

Tháng mười trời thu se lạnh, đèn lồng trên mái hiên bát giác giống như châu hoa từng đóa từng đóa chợt nở rộ giữa không trung. Hồ sen xanh bắt đầu tàn. Gió lạnh thổi phất qua vạt áo sa la của thị nữ, giống như cá chép đỏ trong ao quẫy động mặt nước. Tứ Hoàng tử Tần Kỳ ở lại vườn ngự uyển sau hồ sen, đó là cung điện của mẫu Phi đã tạ thế của hắn.

Diệp Kiêu mặc một bộ đồ đen đi tới có vẻ không ăn nhập. Cảnh trí nên thơ phong nhã bị hơi thở giết chóc của nàng phá tan. Hương nguyệt quế thơm ngát trong không khí cũng đều trở nên lạnh lẽo. Tần Kỳ dựa lên giường êm trong đình ăn nho, lúc thấy nàng kích động đến nhảy lên.

"Cô chính là Diệp Kiêu? Ta đã nghe kể về cô, cô rất lợi hại."

Sắc mặt nàng lạnh lùng, ném một thanh kiếm sắt qua, đập vào khiến hắn lảo đảo một cái: "Cầm kiếm, đánh với ta."

Tần Kỳ khó tin nhìn nàng: "Cứ như vậy đánh sao? Ta không biết gì cả, cô phải dạy ta chiêu thức."

Nàng vận chặt ống tay áo, dùng mũ bạch ngọc buộc mái tóc dài như vẩy mực lên thật cao, khiến sắc mặt lạnh lùng thêm nổi bật. Giống như giữa trời băng đất tuyết mọc lên một gốc mai trắng bướng bỉnh. Quanh năm luyện binh làm tiếng nói nàng mất đi sự dịu dàng, lộ ra vẻ khàn khàn.

"Chiêu thức không phải để dạy, khi người vì mạng sống dùng hết thủ đoạn tìm đường sống dưới kiếm của kẻ địch tự nhiên sẽ biết làm sao để sử dụng kiếm."

Lời còn chưa dứt nàng đã như mãnh hổ xuống núi nhào tới, dọa Tần Kỳ hét lên một tiếng cuống quýt lui lại, làm đổ án kỷ bên trong đình. Chẳng mấy chốc tiếng kêu rên vang liên hồi.

Lúc Tần Đế tới, Tần Kỳ đã bị đánh thành đầu heo, thấy phụ hoàng nước mắt lã chã bổ nhào tới. Liên Phi là phi tử Tần Đế sủng ái nhất, đáng tiếc bạc mệnh qua đời vì bệnh, để lại đứa bé mà Tần Đế quả thực xem như tâm can. Lúc này thấy tâm can của mình bị đánh thành heo, trái tim của hắn rất đau.

Người gây ra mọi chuyện lại mang vẻ như không liên quan đến mình ngồi trên lan can đình ăn nho.

Là bản thân yêu cầu nàng ở lại dạy Tần Kỳ nên lúc này cũng không tiện nói gì, chỉ có thể nói bóng gió: "Diệp khanh, Kỳ nhi mới mười lăm tuổi, cách thức ngươi từng luyện binh trước kia có thể không thích hợp với nó cho lắm."

Tần Kỳ liên tục gật đầu.

Nàng xoay người nhảy xuống: "Lúc ta mười lăm tuổi đã ra trận giết địch."

Ai dám so với ngươi chứ! Ngươi là Diêm Vương Diệp Nhân Đồ, chỉ cần nói tên của ngươi là có thể dọa trẻ con khắp kinh thành phải khóc. Tâm can bảo bối của ta tới học võ để bảo toàn tánh mạng, bây giờ võ còn chưa học được đã bị ngươi đánh chết rồi.

Tần Đế bỗng chốc hối hận không thôi. Ngày hôm sau, một đạo thánh chỉ truyền tới Tống phủ, cho mời Tống Lan Đình vào cung. Nói rõ tứ Hoàng tử không thể chỉ tập võ mà không học văn, lệnh hắn cùng với Diệp Kiêu cùng nhau dạy dỗ tứ Hoàng Tử đạo văn thơ.

Tống Lan Đình kéo thân thể suýt chút nữa bị Diệp Kiêu đánh tàn phế tiến cung, tất cả mọi người vì hắn rơi hàng nước mắt đồng cảm. Tần Đế nghĩ, ta để Tống Lan Đình bên cạnh ngươi, ngươi đánh hắn đi, tha cho con ta.

Trời tháng mười mưa nhỏ rơi xuống, gõ vào trên mặt dù thuần sắc trắng, mặt Tống Lan Đình còn vết thương, khóe môi vẫn trước sau như một cười nhẹ, áo xanh lay đông trong màn mưa mịt mù, giống như một khối ngọc lưu ly óng ánh. Còn Diệp Kiêu mặc một bộ đồ đen uy nghiêm đáng sợ, mưa phùn ướt nhẹp tóc mai nàng, lại càng lộ vẻ khí thế sắc bén. Hai người đứng đối lập nhau, một người như thần linh trên trời, một người như Tu La chốn địa ngục.

Tần Kỳ đứng ở giữa bọn họ, sắp khóc đến nơi.

"Cầm lấy kiếm của người, qua đây đánh với ta."

"Hôm nay người muốn học Tứ thư hay là Ngũ kinh trước, Thuyết văn lần trước còn nhớ hay không?"

"Nếu còn không chạm được vào nửa góc áo của ta thì đứng tấn hai canh giờ."

"Nếu vẫn không thuộc bài văn hôm qua, buổi tối không được ăn cơm."

Gió mát vén màn che màu trắng lên, những đóa phù dung ẩn mình trong lá xanh dưới mưa, cá chép đỏ nghịch nước nhảy ra thoáng cái lại bơi vào bên dưới lá sen kế bên, hương lạnh lồng vào trong cảnh trời đất đầy ý thơ mà bay bay.

Đột nhiên có người gân cổ hô to: "Cứu với, tứ Hoàng tử nhảy xuống hồ rồi."

Tần Đế trông đứa con trai nhiễm phong hàn rên rỉ ở trên giường, hối hận đến đấm ngực giậm chân vì sao phải chủ động trêu chọc cái tai hoạ này. Còn Diệp Kiêu giống như người không làm gì cả, xin cáo lui rời khỏi.

Tống Lan Đình đuổi theo gọi Diệp Kiêu lại.

Nàng quay người lại, một cành dâm bụt theo vai thò đầu ra, ngọn đèn hoa nhuận sắc nở bên tai bên tóc mai nàng, trong đêm đen thấy không rõ đôi mắt xưa nay lạnh thấu xương, lúc này ngay cả đường nét gương mặt nét đều trở nên mềm mại, tóc đen áo đen tan vào trong bóng đêm, chiếu vào trong tròng mắt hắn.

"Có việc gì?" Tiếng nói nàng lộ ra vẻ sốt ruột, nhưng so với trước kia đã coi là ôn hòa nhã nhặn.

Tống Lan Đình chắp tay đến gần: "Hôm nay mẹ ta hỏi cô, bà ấy nhớ mong cô, ngày mai cô rỗi rãi thì tới Tống phủ một chuyến."

Diệp Kiêu nghiêng đầu, nhớ tới người phu nhân dịu dàng trong trí nhớ kia. Năm đó nàng ở biên cương ăn nhầm Hỏa độc quả bị thương tâm mạch, bệnh nặng khó chữa được. Sau khi hồi kinh ngự y giúp nàng giải độc, nhưng thân thể bị hao tổn hết sức yếu ớt, cũng may Tống phu nhân sinh ra ở Dược cốc có một suối thuốc trong vườn phủ. Sau khi nghe nói việc này chủ động tiếp đón nàng vào Tống phủ, lấy suối thuốc tới dưỡng thân thể nàng, rốt cục khôi phục như lúc ban đầu.

Diệp Kiêu sinh ra ở quan ải, lớn lên ở biên quan gió tuyết tàn sát, lần đầu cảm nhận được sự dịu dàng của kinh thành. Thì ra con gái có thể như thơ như hoạ, như sen nở hoa. Nhưng từ nhỏ phụ mẫu đã dạy mình, dù thân là thân con gái nhưng tuyệt không thể để thua khí khái đàn ông, cho nên hết thảy từ hình dung về nữ tử đẹp đẽ đều không có quan hệ gì với nàng, nàng chỉ cần lớn mạnh.

Khi đó, Tống Lan Đình luôn vây quanh bên người nàng, dùng giọng điệu ông cụ non mà nói: "Ngươi quả thực quá kỳ quái. Toàn thân trên dưới ngoại trừ tóc dài, không tìm được nửa phần đặc trưng của con gái."

Nàng kéo thân thể bệnh nặng mới khỏi đánh hắn gần chết, sau đó giẫm hắn ở dưới chân: "Ngươi quả thực quá yếu."

Hắn giương nanh múa vuốt mắng to: "Quân tử động khẩu không động thủ! Người Man! Thổ phỉ!"

Rồi bị nàng một cước đá ngất đi.

Tống phu nhân đau lòng đã lâu, Diệp Kiêu có hơi áy náy, chuẩn bị đi xin lỗi, ở ngoài cửa nghe Tống phu nhân nói với Tống Lan Đình: "Tiêu nhi tuy đã đánh con nhưng con nhất thiết không thể tức giận. Nếu không có Diệp gia trấn thủ biên quan, con cũng không thể ở chốn kinh thành phồn hoa này an ổn sống qua ngày."

Tống Lan Đình có chút không phục: "Nhưng con bé không phải, nó còn nhỏ hơn con!"

Diệp Kiêu nghe Tống phu nhân thở dài: "Tiêu nhi về sau sẽ trở thành người giống như cha mẹ con bé, hao phí thanh xuân cả đời trấn thủ quốc gia, con gái Diệp gia đều sẽ trở thành anh hùng." Khi đó, nàng vẫn là tên là Diệp Tiêu.

Sau đó ánh mắt Tống Lan Đình nhìn nàng hơi thay đổi, đoán là bị từ ngữ anh hùng thần thánh này hù dọa. Đám công tử kinh thành không biết thân phận của Diệp Kiêu, thấy Tống Lan Đình thường dẫn nàng trên đường phố, dần dần truyền tin Tống gia nuôi một cô vợ nhỏ.

Lúc đầu Tống Lan Đình còn giải thích, sau đó cũng mặc cho bọn họ nói. Ngược lại Diệp Kiêu không thèm để ý, nàng thường thích ngồi dưới cây bông trong đình viện lau chùi trường thương trong tay. Đèn hoa yên chi chiếu lên da thịt trắng như tuyết, tựa như có ánh tuyết bay lung linh.

Tống Lan Đình thật ra không thích vẻ mặt tẻ nhạt của nàng, lúc nào cũng cố ý trêu chọc nàng.

"Ngươi vốn đã xấu xí, còn không thích cười. Tiếp tục như vậy về sau sẽ không ai thèm đâu."

Nàng quả nhiên bị chọc giận, giống như một con báo hung mãnh nhào tới, trực tiếp ấn hắn vào trong suối thuốc, túm lấy cổ áo hắn uy hiếp: "Ngươi còn dám nói nữa không?"

Hắn vẫn không sợ chết rống lên: "Đồ dã man, không ai thèm!"

Kết quả suýt chút nữa bị ngạt chết dưới nước.

Diệp Kiêu vốn cho là thời gian mình ở kinh thành dưỡng bệnh sẽ cực kỳ buồn chán, không ngờ lại có tên chế thuốc Tống Lan Đình này. Hiếm có ai như hắn cho dù bị bắt nạt thảm thương nhiều lần, vẫn không biết mệt trêu chọc nàng.

Nhưng nàng cuối cùng cũng phải trở lại Nhạn Môn quan.

Hôm rời đi Tống Lan Đình đóng cửa không ra, chỉ có gã sai vặt của hắn cầm một chuỗi pháo chạy tới, ấp úng nói: "Ta hỏi thiếu gia có muốn tới tiễn không, ngài ấy liền sai tôi dùng pháo tiễn người."

Nàng rời đi trong tiếng pháo, mang theo phiền muộn khó hiểu.

Diệp Kiêu cho rằng cả đời này cũng sẽ không có bất kỳ cơ hội gặp lại Tống Lan Đình nữa, nhưng sau một tháng trở lại Nhạn Môn quan liền nhận được thư của hắn, câu nói đầu tiên là: "Con bồ câu đưa tin này ta tốn rất nhiều công sức để nuôi, sau này việc truyền tin giữa chúng ta tất cả phải nhờ nó rồi, ngươi ngàn vạn lần chớ nướng nó lên ăn đấy!"

Nàng bỗng nhiên bật cười.

Năm mười lăm tuổi, nàng nhận được lễ vật cập kê Tống Lan Đình gửi tới, một chiếc(*) vòng ngọc Lam Điền. Bởi vì không thể đeo đồ trang sức, nên nàng lấy tóc đen xuyên vòng ngọc lại đeo trước ngực.

(*) là một chiếc trong đôi vòng.

Sau đó thì sao?

Sau đó ấy à, gần như cả nhà Diệp gia ở Nhạn Môn quan đều chết trận, nàng nhận nhiệm vụ lúc lâm nguy, thu hồi tất cả tâm tư của nữ nhi, kiên cường chấn chỉnh Diệp gia quân, đổi tên thành Diệp Kiêu, thề phải trở thành người giống như cú đêm (*) vậy.

(*) hán việt là dạ kiêu, chữ Kiêu trong Diệp Kiêu. Cú đêm trong truyền thuyết của Trung quốc là loài chim mang điềm dữ, người xưa quan sát nó và thấy rằng loài chim này thường nuốt cả con mồi, đợi tiêu hóa xong thì nhổ thứ khó tiêu ra, sau đó có truyền thuyết loài cú đêm ăn thịt cả cha mẹ và nhổ ra hài cốt, thế nên gọi là loài chim bất hiếu. Diệp Kiêu lấy tên này để nhắc nhở mình phải mạnh mẽ nuốt trọn con mồi như cú đêm, còn người đời lại coi nàng là người máu lạnh bất hiếu.

Không bao lâu sau, thân binh tới báo nói ở ngoài thành bắt được một người lén lút mờ ám, tự xưng là người từ kinh thành đến. Lúc áp giải người lên, nàng thấy Tống Lan Đình đầu tóc rối bù mấy năm không gặp.

Diệp Kiêu trong nháy mắt thất thần.

Sau khi nhận được tin tức của Diệp gia, hắn liền đi suốt đêm đến đây, trên đường không biết ngậm bao nhiêu đắng, lúc này thấy nàng bình yên vô sự đứng trước mặt mình thì nở một nụ cười còn khó coi hơn cả khóc.

Mắt nàng giận dữ: "Thật là càn quấy! Trần phó tướng, ngươi dẫn theo ba trăm nhân mã đưa hắn hồi kinh, phải thấy hắn vào Tống phủ mới được rời khỏi!"

Tống Lan Đình nhìn nàng, cầm tay nàng hơi run run: "A Diệp, cô nhất định đã rất khổ cực."

Gia môn bất hạnh, nàng một giọt nước mắt cũng không rơi. Lúc này đôi tay ấm áp của hắn nắm lấy, thành lũy kiên cố chực đổ. Nhưng nàng là Diệp Kiêu, nàng sao có thể mềm yếu, làm sao dám khóc.

Tống Lan Đình ở Nhạn Môn quan với nàng ba ngày đã bị nàng sai người trói đưa đi. Trước khi đi hắn nói với nàng, A Diệp, cô còn có nhà, mẫu thân rất mong nhớ cô.

Diệp Kiêu đứng trên cổng thành cao lớn, gió tuyết lướt trên mái tóc dài như mực của nàng, sống lưng nàng thẳng tắp, bóng lưng gầy guộc lẻ loi như vậy, nhưng sau này phải ghánh trọng trách người khác không tưởng tượng nổi.

Sau đó nàng không thấy thư của Tống Lan Đình nữa. Tướng lĩnh truyền tin trở về nói, Tống Lan Đình và con gái của khanh tướng Bùi Trọng là Bùi Yên đã định thân. Nàng nắm chặt bản đồ trong tay, thoáng cái lại buông ra, tiếp tục nghiên cứu quân tình.

Như vậy cũng tốt.

Ba năm sau đó, tin tức Bùi Trọng thông đồng với địch truyền đến, nàng nhớ tới người thân chiến đấu đến chết, nhớ tới những tướng sĩ bị Tây Nhung tàn sát, lửa giận lan tràn nghìn dặm. Giơ thương lao tới kinh thành, tự tay chém giết Bùi Trọng.

Không ngờ Tống Lan Đình lại cầu xin cho Bùi Yên.

Nàng ấy là vị hôn thê của hắn, cho dù không thể lấy nàng ấy nữa, vẫn muốn đảm bảo nàng ấy bình an. Nói cái gì mà Bùi Yên vô tội, người thân của nàng không vô tội hay sao?

Mặc kệ là kháng thánh chỉ, nàng cũng sẽ không buông tha bất cứ người nào của Bùi gia. Nàng đuổi theo đoàn người đi lưu đày, tự tay giết Bùi Yên, máu tươi theo trường thương chảy xuống lòng bàn tay, như muốn phát bỏng.

Hôm rời khỏi, Tống Lan Đình như bị điên xông tới tát nàng một cái. Lần này nàng không đánh trả chỉ lạnh lùng nhìn hắn một cái, nhảy luôn lên ngựa, từ đó như người dưng nước lã.
Bình Luận (0)
Comment