Tiếu Ngạo Trung Hoa

Chương 11

Cứ ba năm một lần, Triều Lê đất An Nam phải tiến cống một số phương vật căn bản như:

Hai người bằng vàng.

Một lư hương bằng bạc.

Một đôi bình hoa lạc.

Mười bốn đôi ngà voi.

Mười hai bình hương trầm.

Hai vạn nén hương luyến.

Hai mươi bốn cây hương trầm lớn.

Các khoản đều có thể thay đổi bằng vật lạ khác, riêng hai hình nhân bằng vàng là cố định. Tên của hai người bằng vàng là Đái Thân Kim Nhân (Người vàng thế mạng) tượng trưng cho hai Đại tướng Minh triều là Liễu Thăng và Lương Minh, bị quân Lê Lợi giết trong trận Chi Lăng!

Hôm nay quán vắng khách, vài bàn là có người, song chỉ bốn võ quan vào ngồi hẳn, còn quân sĩ An Nam thì chia nhau luân phiên ăn uống, không dám bỏ mặc đoàn cống phẩm.

Nam cung Giao ngắm nghía những gương mặc cương nghị, rắn rỏi kia với ánh mắt thích thú và trìu mến.

Chàng chợt lấy làm lạ khi họ lại đi đường này để đến Bắc Kinh? Vì theo lệ thường, và thuận tiện nhất là đường quan đạo Bắc Nam, qua Quảng Tây, Hồ Nam, Hồ Bắc đến Trịnh Châu rồi vượt Hoàng Hà. Sau đó, họ sẽ ghé qua những địa phương sầm uất như An Sương, Thạch gia trang, Bảo Định và đến đế đô.

Đường trục chính này vừa rộng rãi rừa an toàn, sao họ không đi? Hay là lần này họ phải ghé vào Nam Kinh trước?

Chính vị võ tướng râu ba chòm đen nhánh đã vô tình giải thích.

Nam Cung Giao hiểu.

Lão nói bằng tiếng An Nam và không ngờ có người nghe được:

- Này tam vị hiền đệ! Năm ngoái, cống phẩm của nước ta bị cướp ở bờ Bắc sông Hoàng Hà, quan quân áp tải chết không còn một mống, thế là Triều Minh giả như không biết, gởi thư trách móc.

Lần này, nếu chúng ta không đến được Bắc Kinh thì e rằng họ sẽ mượn cớ mà gây hấn. Nghe nói đoạn đường đến Tế Nam có địa hình phức tạp, chúng ta phải cố vượt qua thật nhanh, đi cả ngày lẫn đêm.

Ba người kia gật đầu tán thành, và võ quan tuổi tam tuần anh tuấn thở dài bảo:

- Nguyễn huynh! Tiểu đệ chỉ thắc mắc một điểm là Sứ thần năm ngoái vì sao lại không thoát thân được? Quan Hành khiển Phạm Văn Tường võ nghệ tuyệt luân, sức khoẻ như thần, chạy nhanh hơn vó ngựa, lẽ nào lại không giữ được mạng sống mà đến Bắc Kinh tố cáo? Chỉ cần đem được biểu tấu của vua ta và điệp Thông quan ra trình là Triều Minh phải dốc sức điều tra, xem như đã nhận cống vật!

Người họ Nguyễn tuổi độ năm mươi, vầng trán cao rộng, mắt sáng tinh anh, biểu hiện một trí tuệ sâu sắc. Ông nghiêm giọng:

- Trần hiền đệ! Trung Hoa đất rộng người đông, nhân tài võ học nhiều như lá mùa thu! Phạm tướng quân dù tài giỏi nhưng biết đâu phe cường đạo lại có cao thủ lợi hại hơn?

Nay chúng ta bản lãnh không bằng họ Phạm nên mới phải đi dường này để tránh cường. Nếu chẳng may lại bị chặn đường, bọn ta sẽ liều chết đoạn hậu để hiền đệ thoát thân, đến Bắc Kinh! Thất vương gia Chu Nghiêm ở Kim Lăng đã xác nhận số lượng cống phẩm vào Thông quan điệp, dù có bị cướp sạch cũng chẳng sao!

Họ Trần chua xót:

- Không ngờ Trần Dũng tôi lại phải làm trò bất nghĩa, bỏ mặc bào huynh mà đào tẩu! Thật nhục nhã cho giòng dõi Tướng quốc!

Nam Cung Giao thầm đoán Trần Dũng là con cháu của Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn, đại công thần của nhà Lê, song đã bị Thái Tổ Lê Lợi chém đầu.

Chàng thường đàm đạo với Mã thượng thư và các quan Nam Kinh nên biết khá rõ về triều đình An Nam.

Ví dụ như hai chữ Thiệu Bình trên ngọn đại kỳ kia là niên hiệu của vua Lê Thánh Tông. Ông này lên nối ngôi Lê Lợi đã được bốn năm.

Nam Cung Giao cau mày suy nghĩ, tự hỏi bang hội nào đã dám làm chuyện tày trời, cướp cống phẩm?

Thủ đoạn giết sạch không chừa nhân chứng kia phải chăng là của Hồ bang?

Trong địa phận ấy đâu còn tổ chức nào hùng mạnh hơn họ? Nếu Hồ Ly song tiên xuất hiện thì khó có cao thủ An Nam nào địch lại!

Đoàn sứ thần An Nam rời quán, đốc thủ hạ lên đường.

Nam Cung Giao cũng bảo quán tính tiền, đi theo họ, vì đò đã cặp bờ!

Hàng hóa nặng nề nên đám người An Nam đi khá chậm.

Nam Cung Giao cứ lẽo đẽo đằng sau họ, không chịu vượt qua.

Trịnh Mãng cười hỏi:

- Chẳng lẽ công tử định đánh cướp số cống vật này?

Chàng nghiêm nghị đáp:

- Năm ngoái họ đã bị cướp sạch, nên năm nay mới lén đi đường này! Ta sợ rằng họ sẽ khó mà thoát được, nên vì thể diện của người Trung Hoa mà giúp họ một tay! Kẻo không họ lại tưởng rằng nước ta chốn nào cũng có đạo tặc!

Trịnh Tháo cười hăng hắc:

- Biết sau họ sẽ tri ân mà tặng vàng bạc cho chúng ta?

Do đã liên hệ trước với người phụ trách bến đò nên đoàn sứ thần An Nam được ưu tiên sang sông, bằng mười chiếc đò lớn đáy phẳng. Thế mà cũng phải mất hai lượt họ mới qua hết.

Nam Cung Giao sang được bờ sông, thúc ngựa phi mau để bắt kịp những đứa con của quê mẹ!

Thấy chàng và hai thủ hạ lại cứ bám theo sau. các sứ thần An Nam rất lo ngại, thỉnh thoảng ngoái lại nhìn. Nhưng họ không thể nói gì vì đây là lãnh thổ Trung Hoa, chứ chẳng phải đất An Nam!

Bị âm hồn phía sau ám ảnh tâm lý các sứ thần An Nam đến nỗi chàng võ quan trẻ tuổi Trần Dũng không còn chịu nổi sự căng thẳng, bất ngờ quay ngựa lại.

Gã chặn đường bọn Nam Cung Giao, trợn mắt quát:

- Các ngươi âm mưu gì mà cứ bám theo bọn ta?

Cả đoàn xe đã phải dừng lại và ba sứ giả kia vội đến hỗ trợ Trần Dũng.

Họ cũng muốn giải quyết cho xong mối đe dọa sau lưng!

Ba gã đội nón rộng vành kia quả là đáng ngờ, khiến lòng họ luôn nơm nớp lo sợ!

Tuy nhiên, người họ Nguyễn cẩn trọng nhắc nhở Trần Dũng:

- Trần hiền đệ chớ nên quá lỗ mãng, biết đâu họ đi theo vì tò mò chứ không hề có ác ý!

Tràn Dũng hậm hực đáp:

- Mả mẹ chúng! Tiểu đệ chịu hết nổi rồi.

Cả hai đều nói tiếng An Nam, tưởng đối phương không hiểu.

Quả thực là anh em họ Trịnh thì như vịt nghe sấm, song Nam Cung Giao sa sầm nét mặt, khi bị chưởi động đến mẫu thân.

Chàng quyết định dạy cho gã thô lỗ kia một bài học.

Nam Cung Giao ngửa cổ cười dài, lạnh lùng nói:

- Kẻ đảm đương đại nhiệm thì lúc nào cũng. phải trầm tĩnh như núi Thái, cẩn trọng trong hành động và ngôn từ! Nay các hạ tính tình nóng nảy, bồng bột, lại khiếp nhược nên đa nghi, chằng xứng mặt sứ thần. Không lẽ nước An Nam hết người rồi sao?

Tất nhiên chàng nó bằng tiếng Quảng Đông, thứ ngôn ngữ mà rất nhiều người thông thạo huống hồ gì các sứ giả!

Người họ Nguyễn nghe lời chính khí, kinh hãi chắp tay nói:

- Lời vàng ngọc của tráng sĩ khiến Nguyễn Đào này vô cùng kinh ngạc, dám hỏi tráng sĩ là cao nhân phương nào!

Trần Dũng nóng nảy cướp lời:

- Nguyễn huynh quả là nhẹ dạ nên mới qua vài câu đã bị lung lạc! Tiểu đệ chỉ nhìn mặt họ là biết ngay phường đạo tặc!

Lão nhân râu ba chòm cao niên vội ngắt lời Trần Dũng:

- Ngươi chớ hồ đồ! Để Nguyễn hiền đệ đối phó! Dường như đối phương hiểu tiếng Việt!

Nam Cung Giao cười mát:

- Tại hạ không biết nhiều song những câu chưởi mả thì hiểu hết! Lão trượng bảo gã họ Trần kia tạ lỗi thì tại hạ sẽ bỏ qua chuyện này.

Lão nhân nghiêm nghị đáp:

- Lão phu là Lê Khải, Chánh sứ thần An Nam! Mong tráng sĩ xưng danh tính và nói rõ lý do vì sao lại bám theo đoàn xe cống phẩm. Sau đó. lão phu sẽ bắt Trần Tham tướng phải tạ lỗi!

Nam Cung Giao kính lão, vòng tay điềm đạm đáp:

- Tại hạ là Nam Cung Giao. Lúc ở bến đò Đại Vận Hà, tại hạ tình cờ nghe được việc cống phẩm năm ngoái bị cướp, nên đi theo để giúp đỡ chư vị một tay!

Trần Dũng bị chàng chê bai nên rất hận, buột miệng nói:

- Võ nghệ được bao nhiêu mà đòi giúp người?

Nãy giờ hai phe đối thoại đều bằng tiếng Quảng nên anh em họ Trịnh hiểu được. Giờ nghe Trần Dũng khinh thường chủ nhân, Trịnh Mãng nổi giận quát:

- Này tên tiểu tử ngu xuẩn kia! Ngươi đui mù nên mới không thấy được núi Thái Sơn! Nếu còn mở miệng chó ra sủa lần nữa thì đừng tránh lão gia đấy!

Lúc gã giận thì vẻ hung ác hiện rõ mồm một khiến các Sứ thần An Nam chột dạ. Dung mạo chàng trai trẻ họ Nam Cung đường chính, hiền lành, song thủ hạ của chàng thì thật đáng sợ!

Trần Dũng là cừu non hiếu thắng, bị chửi là chó, lập tức rút kiếm ra ngay.

Lê Khả đưa tay ngăn cản:

- Trần Tham tướng! Nếu ngươi không mau chóng tạ lỗi người ta rồi lên đường thì lão phu sẽ chiếu quân pháp trừng trị ngay! Hành trình bị trì trệ cũng chỉ vì tính nông nổi của ngươi!

Trần Dũng ỷ vào vai trò quan trọng của mình trong chuyến đi này nên không sợ bị chém, ngoan cố đáp:

- Ty chức thà chịu trừng phạt chứ không chịu nhục trước kẻ ngoại bang!

Lê chánh sứ biến sắc không biết phải xử trí thế nào!

Nam Cung Giao nghiêm giọng:

- Kẻ nhận mệnh vua đi sứ nước ngoài phải đem văn tài võ lược ra làm rạng rỡ thanh danh nước nhà, đấy mới gọi là không chịu nhục trước ngoại bang Nay ngươi như ngựa non háu đá, như gà tơ tranh tiếng gáy, không nhận nổi chút việc vặt dọc đường, liệu khi đứng trước cảnh uy nghiêm của triều đình nhà Minh, có bảo toàn được quốc thể hay không? Để ta mài dủa bớt lòng kiêu ngạo kia thì may ra ngươi mới nên người!

Chàng quay sang nói với Lê Khải:

- Lê chánh sứ đừng sợ trễ! Nếu đi đêm là trúng kế dĩ dật dãi lao của cường đạo. Tốt nhất chư vị hãy nghỉ ngơi trong trấn Tam Tuyền phía trước, chờ sáng rõ hãy khởi hành! Còn trận so tài này, tại hạ hứa sẽ không giết họ Trần!

Lê Khả vòng tay cảm khái đáp:

- Không ngờ giữa đường lại hội ngộ bậc quân tử! Nghe lời giáo huấn, bọn lão phu như kẻ đi trong đêm tối thấy được ánh dương quang. Mong tráng sĩ nhẹ tay cho!

Trần Dũng ê mặt, tung mình rời ngựa, tấn công gã trẻ tuổi có miệng lưỡi sắc bén kia. Thân pháp họ Trần vô cùng nhanh nhẹn, chứng tỏ đã dầy công luyện tập. Có lẽ vì vậy mà gã được giao nhiệm vụ mang Tấu chương và Thông quan điệp đào tẩu!

Nam Cung Giao rút kiếm nhanh như chớp, dẫu ngồi trên lưng ngựa mà giải phá chiêu kiếm của họ Trần.

Chạm phải màn kiếm quang kín đáo và mãnh liệt của Nam Cung Giao.

Trần Dũng nghe cổ tay tê chồn, và bị đánh bạt ra xa, rơi xuống đất. Gã chỉ kịp than thở, tự trách mình hồ đồ chọc đúng vào tổ ong vò vẽ, thì đã bị đối phương nhảy xuống ngựa đánh cho tối tăm mặt mũi.

Họ Trần cắn răng nắm chặt chuôi kiếm, đem hết tài nghệ ra chống đỡ. Gã vẫn tự hào rằng mình là kiếm thủ xuất sắc nhất nước Nam. Sau khi Phạm Văn Tường đi sứ bỏ mình. Song giờ đây, gã chua xót nhận ra mình chỉ là một đứa trẻ con trước chàng kiếm sĩ áo lam kia.

Nhớ lại lời hứa không giết của đối thủ, Trần Dũng liều lĩnh tấn công ráo riết, không thèm phòng thủ. Vì một lý do nào đó mà gã thà chết chứ không chịu thua.

Nam Cung Giao bình thản đẩy lùi những đợt tập kích điên cuồng, chân vẫn không hề rời chỗ. Mũi kiếm của chàng nhẹ nhàng đâm thủng hàng chục lỗ trên áo họ Trần mà không hề làm tổn thương da thịt.

Hơn thua đã rõ, Lê chánh sứ quát lên:

- Trần Tham Tướng hãy dừng tay, ngươi không phải là địch thủ của Nam Cung tráng sĩ!

Và lúc này, vị võ quan thứ tư mới lên tiếng. Chàng ta có thân hình thỏ bé, râu mép râu càm rậm rì, che gần hết gương mặt trắng trẻo. Đôi mắt đen tròn kia giờ đây đầy vẻ lo lắng sợ hãi.

Chàng bật thốt:

- Trần đại ca đừng đánh nữa!

Giọng nói thánh thót, thanh tao kia là của nữ nhân, hoàn toàn tương phản với bộ râu dữ tợn! Thì ra gã là gái giả trai!

Nhưng đúng lúc ấy, Nam Cung Giao đã nổi tính khôi hài, chặt đứt dây thắt lưng của Trần Dũng.

Cả hai giải rút quần cũng chẳng toàn vẹn!

Quần dài, quần cụt nhất tề rơi xuống, khiến Trần Dũng vướng chân, ngã lăn ra đất. Vạt áo sau lệch đi nên mông gã chìa cả ra ngoài trắng hếu.

Trịnh Tháo cười hô hố:

- Ối chà! Gã này ở bẩn nên bị lác ghê quá, mông toàn những đốm đồng tiền!

Trần Dũng tá hỏa tam tinh, luống cuống kéo quần lên, đứng giữ lấy chẳng dám buông. Mặt gã tái xanh như tầu lá vì thẹn và nhục nhã.

Cô nàng râu rậm kia vội chạy đến, lúi húi mở bọc hành lý, dịu dàng nói:

- Đại ca hãy vào xe thay y phục!

Trần Dũng thẹn quá hóa khùng:

- Sao nàng dám cười khi thấy ta bị hạ nhục!

Quả thực là lúc nãy các sứ thần đều mỉm cười trước cảnh tượng hoạt kê kia.

Cười là một hành vi bản năng rất khó kiểm soát. Khi đôi mắt chụp bắt được hình ảnh vui nhộn thì lập tức nụ cười hiện ra, trước khi ý thức được rằng nên hay không nên!

Do vậy, khi Trần Dũng ngã chổng mông trắng hếu ra thì ai cũng phải cười, dù nạn nhân là người thân cũng vậy!

Mỹ nhân râu rậm biết lỗi, cúi đầu ấp úng:

- Tiểu muội quả là bất nhã mong Trần đại ca lượng thứ!

Song Trịnh Mãng đã đổ dầu vào lửa, gã cười khanh khách chế giễu:

- Nàng ta cười là phải! Ai đời một gã đẹp trai như ngươi mà người đầy ghẻ lác, trông thật gớm ghiếc!

Thực ra thì hầu hết những người cỡi ngựa đường dài đều bị tổn thương phần da ở mông và đùi, do cọ xát tiếp xúc với yên ngựa. Nếu không giữ gìn vệ sinh, vùng da ấy dễ lở loét và ngứa.

Anh em họ Trịnh cũng có nhưng vì chán ghét Trần Dũng nên cứ làm như chỉ mình đối phương là bị lác!

Trịnh Tháo mau miệng bồi thêm một đòn:

- Nếu cô nương có ý định lấy gã thì hãy bỏ đi! Bệnh Kim Tiền Tiễn này lây ghê lắm, và cực kỳ nguy hiểm với nữ nhân! Sau này, làn da trắng

như ngọc của cô nương sẽ toàn là những đốm đỏ ghê tởm!

Gã nói rất nghiêm trọng khiến cô gái ngây thơ kia sợ hãi, buột miệng hỏi lại:

- Thực thế sao?

Anh em họ Trịnh phá lên cười vang, càng khiến Trần Dũng điên tiết.

Nam Cung Giao thấy ánh mắt gã đổ lửa, vội nạt hai thủ hạ rồi bước đến vòng tay nói:

- Tại hạ lỡ tay khiến túc hạ phải rơi vào cảnh khó coi, lòng này rất áy náy! Xin túc hạ nhận một lễ này tha thứ cho!

Dứt lời, chàng cúi mình vái rất sâu!

Lê chánh sứ cũng nói:

- Nam Cung tráng sĩ đã ngỏ lời tạ rồi, Trần hiền đệ cũng nên tỏ ra rộng lượng! Vả lại ngươi là người gây sự trước mà!

Trần Dũng trợn mắt quát vào mặt Nam Cung Giao:

- Đừng giả nhân giả nghĩa! Ngươi đã hạ nhục ta trước mặt vị hôn thê! Thù này ta quyết chẳng quên! Hãy cút đi!

Nam Cung Giao lộ vẻ ăn năn:

- Vì tại hạ không biết trong đoàn có nữ nhân nên mới đùa giỡn một chút. Nay các hạ đã không lượng giải, tại hạ đành phải cáo từ với niềm hối hận!

Chàng vòng tay chào chung rồi lên ngựa phi mau!

Nguyễn Đào thở dài tiếc nuối:

- Kiếm pháp của người này đã đạt đến mức thượng thừa, tâm địa lại rộng rãi, quân tử lẫm lẫm. Biết bao giờ Đại Việt ta mới sản sinh được một nhân tài như vậy? Nếu Trần hiền đệ đừng quá hồ đồ thì chúng ta có được một trợ thủ lợi hại!

Bị trách móc, Trần Dũng bực tức nói:

- Biết đâu gã ta lại chính là đạo tặc đến đây để dò la!

Nữ nhân rậm râu cãi ngay:

- Tiểu muội cho rằng không phải! Tướng mạo y hiền lành, nhân hậu chẳng thể nào làm cường đạo được!

Trần Dũng cười lạnh:

- Phải chăng nàng đã phải lòng gã nên mới hết lời bênh vực?

Thiếu nữ sững người rồi bật khóc:

- Tiểu muội không ngờ đại ca lại là người thiển cận, hẹp hòi như vậy! Chỉ vì thói ghen tuông của đại ca mà đường đường một Sứ thần như tiểu muội phải mang râu giả trai, da mặt ngứa ngáy, lở loét! Đại ca đã nặng lời sỉ nhục thì tiểu muội cũng chẳng thèm chịu lép nữa. Từ nay chúng ta sẽ đối xử với nhau bằng tình đồng liêu!

Dứt lời, nàng giật bỏ râu ra để lộ gương mặt trái xoan kiều diễm!

Xế chiều, đoàn xa mã đến trấn Tam Tuyền, dừng chân nơi mảnh đất trống ngoài cửa trấn, cho người vào tìm chỗ trọ.

Nguyễn Đào lãnh nhiệm vụ này, lát sau trở lại với vẻ thất vọng:

- Bẩm Lê tôn huynh! Nhà trọ trong trấn đều nhỏ bé, không nơi nào đủ chỗ chứa đoàn xe và lực lượng người ngựa của chúng ta!

Lê Khả vuốt râu nhìn quanh rồi nói:

- Lão phu cho rằng chỉ còn cách dựng lều hạ trại tại chốn này mà qua đêm! Lương thực thì có thể vào trấn mua!

Cô gái Sứ thần nhăn mặt:

- Nhưng ở đây làm gì có chỗ tắm gội! Tiểu muội ngứa ngáy lắm rồi!

Lê Khả mỉm cười:

- Tội nghiệp cho Cầm Vệ Úy thân gái dặm trường. Thôi thì hiền muội cứ vào trấn tìm chỗ nghỉ ngơi, sáng mai nhớ ra sớm!

Thiếu nữ họ Cầm này tuy tuổi mới đôi mươi nhưng được Hoàng thái hậu đặc biệt yêu mến, phong hàm Nhị Phẩm, quản lý toàn bộ lực lượng cấm quân canh gác Hoàng cung.

Có hai lý do khiến Cầm Đạm Thủy được Hoàng gia ưu ái.

Thứ nhất, nàng là cháu nội của Cầm Quí, Tri phủ Ngạc Ma (thuộc đất Nghệ An). Họ Cầm đã phản lại quân Minh, theo phò Lê Thái Tổ cho đến ngày đại thắng.

Thứ hai, Cầm Đạm Thủy tinh thông những bí phương của dân tộc Mường, giúp Hoàng Thái Hậu luôn giữ được làn da mịn màng, trắng trẻo, dù tuổi đã cao.

Lần này, Cầm Đạm Thủy đi sứ Trung Hoa với trách nhiệm cải thiện làn da nhăn nheo của Hoàng Thái hậu Minh Triều. Nếu tranh thủ được tình cản của bà ta, việc bang giao giữa hai nước sẽ vô cùng thuận lợi!

Cầm Đạm Thủy đang hí hửng định vào trấn thì nghe Trần Dũng dấm dẳng nói:

- Gã Nam Cung Giao chắc đang nóng lòng gặp nàng đấy! Hãy nhanh chân lên!

Cầm Đạm Thủy đỏ mặt, vừa thẹn vừa giận lối ghen hờn bóng gió của tình lang.

Nàng cười nhạt:

- Này Trần tham tướng! Bổn chức cấm ông không được xen vào việc riêng của ta! Nếu còn phạm thượng, đừng trách bổn chức chiếu trừng qui mà xử phạt!

Trần Dũng chỉ mới là quan Tam phẩm xét ra là cấp dưới của Cầm Đạm Thủy. Gã thấy nàng quyết liệt như vậy cũng không dám nói thêm, hậm hực quay đi!

Nhìn vẻ mặt cau có, khắc bạc của gã Đạm Thủy đau lòng dậm chân than khổ:

- Không ngờ ta lại yêu lầm một kẻ tiểu nhân, tâm địa nhỏ nhen, cố chấp!

Rồi nàng sa lệ bõ về xe ngựa của mình, không vào trấn nữa.

Lê Khải và Nguyễn Đào nhìn nhau lắc đầu, ngụ ý chê bai Trần Dũng.

Lão vừa định ra lệnh cho sĩ tốt dựng trại thì có một lão già áo gấm đen phương phi, bệ vệ phóng ngựa đến. Theo sau lão là bốn gã tuần đinh cầm gậy.

Lão nhân xuống ngựa vòng tay kính cẩn nói:

- Lão phu là Vương Nghị, Chánh tổng của trấn Tam Tuyền, hân hạnh được bái kiến chư vị sứ thần. Tệ xá tuy nghèo nàn nhưng rất rộng rãi, kính thỉnh chư vị hạ cố giá lâm!

Sự nhiệt tình này khá lạ lùng vì các hương chức đều ngại tiếp xúc với người ngoại bang. Và họ hoàn toàn không có trách nhiệm đón tiếp, giúp đỡ các sứ giả An Nam!

Lê Khải vòng tay đáp lễ, thận trọng nói:

- Lão phu là Lê Khả, Chánh sứ thần An Nam quốc, vô cùng cảm kích trước thịnh tình của Vương túc hạ! Nhưng dám hỏi vì sao túc hạ lại biết bọn lão phu đang cần chỗ tá túc?

Vương Nghỉ mỉm cười, bước đến kề tai họ Lê mà thì thầm:

- Nam Cung công tử đã ra lệnh cho lão phu phải hết lòng tiếp đãi chư vị! Xin Sứ thần cứ yên tâm!

Lê Khả mừng rỡ hỏi ngay:

- Lão phu rất ngưỡng mộ nhân phẩm của Nam Cung công tử, song thú thực là chưa được biết, lai lịch của bậc quí nhân ấy!

Vương Chính Cung đắc ý, vẻ bí mật hạ giọng đáp:

- Mong Lê chánh sứ giữ kín giùm cho! Nam Cung công tử là người của Đô Sát viện đấy!

Đô Sát viện là thanh tra cao cấp nhất triều đình nhà Minh. Cơ quan này độc lập với lục bộ, gồm toàn những vị quan trẻ tuổi, chức thấp nhưng có đức tính liêm chính!

Đô Sát viện có quyền hạch sách bá quan, biện minh oan uổng, tuần hành trong nước, để vỗ về lê thứ cũng như quân sĩ. Mỗi năm, họ đi thanh tra khắp nước, xem xét việc cai trị và xử kiện, kiểm soát các trường học, kho lúa nhận báo cáo của các quan, lắng nghe lời kêu ca của bách tính.

Họ có quyền nói thẳng với Thiên tử, không phải kiêng dè ai hết. Ngay cả những chiếu lệnh của vua mà có sai lốt cần xét lại, Đô Sát viện cũng có thể xin vua sửa đổi. Nhưng các nhân viên chỉ được phục vụ vài năm là phải rời Đô Sát viện, lãnh một chức khác!

Thất vương gia Chu Nghiêm là một trong ba vị lãnh đạo tối cao của Đô Sát viện. Ông phụ trách các phủ phía Nam Trường Giang.

Họ Chu thấy Nam Cung Giao nhất quyết không nhận quan tước hay vàng bạc, nên đã tặng chàng một tấm Yên Bài đầy quyền lực của Đô Sát viện. Với Ngân bài này, Nam Cung Giao được quan lại cả nước kính trọng và khiếp sợ!

Lê Khả hân hoan cao giọng đến thúc quân sĩ đánh xe vào trấn, đến nhà của lão Chánh Tổng họ Vương!

Ông chỉ nói nhỏ với Nguyễn Đào về lai lịch của Nam Cung Giao chứ không cho Trần Dũng biết!

Sau bữa tiệc thịnh soạn và một đêm ngon giấc, sáng ra, đoàn người hớn hở lên đường!

Cầm Đạm thủy cũng đã hiểu ai là ân nhân, lòng bâng khuâng nhớ đến gương mặt khả ái của chàng trai rộng lượng và kiêu dũng Nam Cung Giao tài đức đều hơn hẳn Trần Dũng, khiến người xuân nữ thầm chua xót.

Nàng lén liếc về phía sau, thử xem chàng có đi theo nữa không, và chợt thoáng buồn khi chẳng thấy!

Gần trưa, đoàn xe cống phẩm đến cánh rừng chân đồi Đại Thạch. Nơi đây, cây cối um tùm, mọc xen với những tảng đá lớn hình thù quái dị. Địa thế này có thể giấu mấy ngàn quân mai phục!

Lê Khả chột dạ quát vang:

- Dương khiên lên!

Hai trăm chiếc khiên mây lập tức che chắn người kỵ sĩ.

Sự cẩn trọng của họ Lê chẳng hề thừa vì chỉ lát sau, một trận mưa tên từ hai bìa rừng bay ra tới tấp.

Người an toàn nhưng có đến ba chục con tuấn mã thọ thương, rú lên thảm thiết.

Toán quân hộ tống cống phẩm lần này đều là những tay thiện chiến, được lựa chọn kỹ lưỡng nên không hề rối loạn. Họ bình tĩnh nhảy xuống, giương giáo chống đỡ những thanh đao sắc bén của mấy trăm tên cường đạo áo xanh mầu lá! Quân số phục binh đông gấp rưởi, mau chóng giành được thượng phong!

Bốn vị Sứ thần An Nam múa tít trường kiếm chiến đấu kiên cường, giết liền mấy gã Thanh Y. Lợi hại nhất là Trần Dũng, y có thực tài nên mới dám kiêu ngạo, tuy thua Nam Cung Giao nhưng chẳng xem lũ đạo tặc này ra gì cả!

Điều đáng kinh ngạc chính là bản lãnh của Cầm Đạm Thủy.

Mắt phượng tròn xoe, mồi mím chặt, nàng anh dũng tả xung hữu đột, đường kiếm vun vút rưới máu khắp nơi.

Kiếm pháp của nàng chủ ở chữ Khoái và chữ Ảo, hiểm ác tuyệt luân.

Lê Khả và Nguyễn Đào thì trầm ổn, vững vàng, động tác chuẩn xác, như để dành lại cho một cuộc chiến kéo dài.

Nhờ bản lãnh cao cường của bốn vị sứ giả mà thế trận được vãn hồi. Những tiếng kêu rên thảm thiết của đám cường đạo xấu số đã khích lệ tinh thần sĩ tốt An Nam.

Giáo dài hơn đao, khi lập trận phòng thủ thì rất kiến cố, lúc tấn đông thì tầm sát thương khá rộng. Chính vì ưu điểm này mà giáo trở thành vũ khí chính trong quân ngũ.

Nhưng đại cao thủ của phe cường đạo đã xuất hiện, uy hiếp tinh thần đối phương bằng những tràng cười ghê rợn. Từ bìa rừng mé Tây, ba người bịt mặt áo vàng hung hãn lướt ra, một cầm đoản côn, hai cầm trường kiếm.

Cả ba đều để lộ mái tóc hoa râm và đôi mắt sáng quắc của những kẻ có nội công thâm hậu.

Lão nhân cầm côn thép có thân hình cao lớn, lực lưỡng, cánh tay to như cột đình.

Lão xông thắng vào Trần Dũng, chỉ một đường côn đã đẩy lùi đối thủ.

Sức mạnh khủng khiếp của lão ta đã khiến họ Trần rách hổ khẩu, máu chảy đầm đìa, cơ hồ không cầm vững chuôi kiếm.

Trần Dũng khiếp vía, liên tiếp đảo lộn và thoái hậu, không dám va chạm với cây côn sắc nặng như núi kia.

Khi dũng khí đã không còn thì sức lực yếu đi, kiếm pháp rối loạn, lộ nhiều sơ hở. Trong chớp mắt Thiết côn đánh bật trường kiếm của họ Trần và thọc vào ngực gã.

Trần Dũng rú lên thê lương, hồn lìa khỏi xác!

Trước đó, một chàng trai áo đen đã phá vây, nhảy từ cỗ xe này đến cỗ xe khác, cố đến được trận địa của Trần Dũng, song quá muộn!

Hắc y nhân này chính là Nam Cung Giao.

Cầm Đạm Thủy nghe tiếng thét lìa đời của tình lang, kinh hãi lao vút đến, điên cuồng tấn công kẻ sát nhân.

Nam Cung Giao đã được Đinh Tử Phượng tiết lộ lai lịch của lão nhân cầm côn kia, biết lão là Quỷ Côn Đường Cổ Ngữ, Phó bang chủ Hồ bang!

Họ Đường chịu ơn cứu mạng của Hồ Ly song tiên nên khuất thân làm nô bộc, được lệnh theo phò Sài Tốn và Đinh Tử Phượng chính là Bang chủ phu nhân Hồ bang, ái thê của họ Sài.

Quỷ Côn tuổi đã bẩy mươi hai, tu vi thâm hậu, thần lực kinh người, nên chắc chắn Cầm Đạm Thủy sẽ phải bỏ mạng!

Quả không sai, trường kiếm của nàng nữ kiệt phương Nam vừa chạm vào lưỡi côn, lập tức văng khỏi tay nàng. Đồng thời, Đạm Thủy kinh hoàng nhận ra thần chết đang ập đến qua bẩy đốm mũi côn chập chờn trước mặt!

Đúng lúc ngàn cân treo sợi tóc ấy, một bàn tay của ai đó đã kịp xô nàng sang một bên, và trường kiếm của người ấy chặn đứng thế côn bão táp.

Quỷ Côn và Đạm Thủy đều nhận ra kẻ mới đến là Nam Cung Giao, người thì hoan hỉ, người thì kinh ngạc.

Đường lão phần nộ vì bị phá đám, lại nghĩ đến mối hận hôm nào, liền vung côn tới tấp, quyết giết cho được tên tiểu tử đáng ghét kia!

Tuy Thanh Lạc Điểu kiếm cực kỳ cứng rắn nhưng cũng khó mà chịu nổi những cú đập như trời giáng của côn sắt!

Nam Cung Giao nghe cổ tay tê dại, chẳng dám sinh cường, thay đổi đấu pháp. Mũi kiếm của chàng thọt nhanh như chớp, uy hiếp cổ tay cầm côn của đối phương. Nếu có va chạm thì lực đạo ở đoạn côn gần bàn tay Đường lão cũng không mạnh mẽ bằng phần mũi.

Thuật khoái kiếm siêu việt của chàng đã khiến Quỷ Côn lúng túng như gà mắc tóc. Lão giận dữ vũ lộng Thiết Côn liên tiếp tung ra những đòn mãnh liệt, côn ảnh bay loang loáng dưới ánh tà dương, chấp nhận đổi mạng.

Song Nam Cung Giao có thân pháp nhanh nhẹn như chim cắt, tiến thoái hợp ý, tránh né xong là phản kích ngay, chẳng chịu nhường đối phương một bước nào cả.

Chàng không làm gì được Quỷ Côn, song lão cũng vậy.

Cuộc chiến dằng dai nầy đã khiến lão điên tiết gầm vang.

Hai thủ hạ của Nam Cung Giao là anh em họ Trịnh đã sớm hợp lực với Lê Khả và Nguyễn Đào chống cự hai lão già áo vàng sử dụng kiếm.

Loại kiếm hơi ngắn này đã tố cáo lai lịch của anh em họ Mạc đất Hàm Đan.

Nhị lão Mạc Đắc Khoa đã chết dưới tay Nam Cung Giao, giờ chỉ còn lại Đại lão Mạc Vi Sầu và Tam lão Mạc Quan Tung.

Kiếm thuật của họ hơn hẳn hai cao thủ Giao Châu, nhưng vì có Trịnh Tháo và Trịnh Mãng nên thế trận lại nghiêng về phía số đông.

Tuyệt Mệnh đao pháp của giòng họ Trình đất Yên cực kỳ bá đạo, chiêu xuất như lôi, mạnh bạo phi thường, lối đánh cương mãnh, dồn dập của Trịnh Tháo và Trịnh Mãng đã khiến hai tay kiếm đất Triệu phải đem hết sở học ra chống đỡ. Nếu không nhờ tu vi thâm hậu, kiếm pháp cao siêu, anh em họ Mạc khó mà cầm cự nổi đến giờ này.

Cầm Đạm Thủy đã nhặt kiếm lên, phòng thủ phía sau lưng Nam Cung Giao, không để bọn Thanh y đánh lén chàng. Nhờ vậy Nam Cung Giao có thể toàn tâm đối phó với Quỷ Côn, bằng yếu quyết Phiên Dực Tung Phi kỳ lạ!

Thỉnh thoảng Nam Cung Giao lại bị đẩy lùi, lưng chạm lưng với Đạm Thủy, dù chỉ là những giây phút tiếp xúc ngắn ngủi nhưng cũng đã khiến nàng thiếu nữ Giao Châu xao xuyến.

Đạm Thủy hổ thẹn, tự trách mình đã sớm quên đi cái chết của hôn phu là Trần Dũng. Song nàng cũng hiểu rằng từ trước đến giờ mình không hề yêu họ Trần. Chẳng qua, Trần Dũng dựa thế nghĩa phụ là Đại Tư Đồ Lê Sát, nhờ Hoàng thái hậu se duyên cho nàng và gã. Do còn đang chịu tang cha nên hôn ước vẫn chỉ là lời hứa cửa miệng chứ chưa qua nghi lễ.

Hôm qua, Đạm Thủy đã thấy rõ bản chất tiểu nhân của Trần Dũng, và bị nhân phẩm xuất chúng của Nam Cung Giao thu hút! Tuy chỉ sơ ngộ nhưng lòng nàng đã rung động mãnh liệt bởi một tình yêu đích thực!

Đạm Thủy là gái Mường, một bộ tộc lớn ở châu Hoan, tính tình chất phác, thẳng thắn và nồng nhiệt, yêu ghét rạch ròi! Tâm hồn nàng trong sáng, thuần khiết nên hạt giống ái tình đâm chồi nẩy lộc rất nhanh!

Cuộc chiến ngày càng khốc liệt, tiếng rên xiết vang dậy và ưu thế đang thuộc về đội quân áo xanh đông đảo.

Sĩ tốt An Nam thọ thương khá nhiều, được đồng ngũ kéo vào nằm đầy dưới gầm xe cống phẩm.

Đạm Thủy đau lòng thúc giục Nam Cung Giao:

- Công tử mau kết liễu đối thủ, nếu kéo dài chúng ta sẽ nguy mất!

Với nàng, bản lãnh của Nam Cung Giao là vô địch, nên Đạm Thủy đặt trọn niềm tin, không hề ngờ rằng chàng đã phải toát mồ hôi mới cầm chần được Quỷ Côn.

Nam Cung Giao cũng thức ngộ được tình thế bất lợi của phe nhà, nghiến răng xuất một kỳ chiêu, cố đả thương Đường Cổ Ngữ.

Song công lực lão hơn chàng đến mấy bậc, lập tức chặn đứng ngay đợt tập kích.

Nam Cung Giao bị đẩy lùi, chạm phải Đạm Thủy. Phúc chí tâm linh, chàng chợt nghĩ ra diệu kế, liền nói nhỏ:

- Trâm!

Rồi chàng lại dấn lên phản kích, trong thời gian ấy, Đạm Thủy đã kịp hiểu ý, thò tay rút cây trâm bạc trên mái tóc mình.

Khi Nam Cung Giao bị đẩy lùi lần nữa, tay tả đưa về phía sau, thì Đạm Thủy lên nhét trâm vào tay chàng.

Nam Cung Giao phấn khỏi xuất chiêu Thiên Mao Xạ Thủy, mũi kiếm hoá thành ngàn giọt nước long lanh, chụp lấy đối phương!

Đường Cổ Ngữ chẳng chút sợ hãi, múa tít thiết côn, công phá thẳng vào màn mưa trước mặt.

Tiếng sắt thép chan chát ghê người, lưỡi kiếm của Nam Cung Giao bị côn sắt đánh bạt ra.

Đường lão mừng rỡ phóng côn vào ngực đối thủ, nào ngờ lão chợt lảo đảo vì đau gối đau nhói, mũi trâm bạc của Đạm Thủy đã cắm sâu vào huyệt Độc Tỵ chân phải, thuộc Kinh Túc Dương Minh Vị.

Huyệt này rất quan trọng, chỉ cần gõ nhẹ vào cũng đã khiến chân bủn rủn, cho nên giờ đây Quỷ Côn như liệt cả một bên.

Lão loạng choạng chống đỡ những chiêu kiếm thần tốc của Nam Cung Giao và lùi dần. May cho lão là đám bang chúng áo xanh đã kịp liều chết cầm chân gã tiểu tử xảo quyệt kia để bảo vệ Phó bang chủ.

Quỷ Côn rảnh tay nhổ ám khí ra khỏi đầu gối, vận công xoa bóp vết thương. Nhưng chiếc chân phải này không thể hồi phục ngay được khiến lòng Quỷ Côn chán nản. Đường lão căm hận gầm lên ra lệnh:

- Các ngươi hãy bầm thây gã tiểu tặc ấy cho ta!

Thế là bọn bang chúng ùa vào, vây chặt Nam Cung Giao và Cầm Đạm Thủy.

Phần Quỷ Côn khập khiễng đi về phía bìa rừng. Tuy bị đau một chân nhưng lão cũng đủ sức nhảy lên tảng đá cao nửa trượng để quan chiến và tiếp tục chữa thương.

Quỷ Côn đau lòng khôn xiết khi thấy thủ hạ lần lượt gục ngã nước đường kiếm thần sầu quỷ khốc của Nam Cung Giao. Chàng tiến đến đâu thì nơi ấy vang lên tiếng rên la áo não và máu tuôn thành suối.

Nếu để tiểu tử đáng sợ kia đến được trận địa của Hàm Đan song kiếm thì hai người ấy khó sống!

Quỷ Côn biết mình không thể hồi phục kịp, đành cắn răng ra lệnh rút quân!

Bọn Hồ bang vừa đánh vừa lui vào rừng, đào tẩu cả.

Bảo vệ cống phẩm là điều tối quan trọng nên phe Sứ thần An Nam chẳng đuổi theo làm gì!

Lê Khả, Nguyễn Đào vái dài, cảm tạ Nam Cung Giao và anh em họ Trịnh, rồi bước đến chỗ nằm của Trần Dũng.

Cầm Đạm Thủy đang quỳ bên xác gã mà sụt sùi!

Nam Cung Giao và hai thủ hạ biến mất.

Khi thi thể của Trần Dũng được chôn cất xong cạnh bìa rừng thì ba người mới quay lại.

Ngoài Trần Tham Tướng còn có hai mươi quân sĩ An Nam hy sinh. Họ được vùi nông mỗi người một mộ, không bia đá, nhưng theo một thứ tự nhất định trong danh sách. Lượt về, hai mươi ba cái xác thối rữa này sẽ được đoàn sứ giả cải táng, mang trở lại cố hương!

Phe Hồ bang để lại mười sáu tử thi, bị ném cả vào rừng!
Bình Luận (0)
Comment