Tuy lời cam kết ấy cực kỳ có sức hấp dẫn nhưng Giang Nhược vẫn khắc chế để không được đằng chân lân đằng đầu, đưa ra những yêu cầu quá quắt.
Cậu chỉ mong Tịch Dữ Phong có thể nhân dịp cả hai hiếm khi trùng ngày nghỉ mà về quê với cậu một chuyến.
Trước kia nghe nói Tịch Dữ Phong quyên tiền cho viện phúc lợi ở quê, mỗi năm Giang Nhược đều nhờ anh góp hộ phần mình, đồng thời vẫn luôn muốn đến đó thăm bọn trẻ con.
Thành phố nhỏ không có chuyến bay thẳng, hai người bay từ Hong Kong đến Phong Thành rồi chuyển máy bay.
Giữa chừng trống hơn một tiếng, Tịch Dữ Phong họp video với cấp dưới trong phòng chờ máy bay, Giang Nhược rỗi rãi không có việc gì làm bèn đến khu hàng quán giết thời gian.
Giang Nhược đi dạo tới một hiệu sách, tạp chí thời trang mà cậu lên trang bìa nằm chính giữa giá bày tạp chí trước cửa trông vô cùng bắt mắt.
Giang Nhược đã xem bộ ảnh gốc, tạp chí mẫu hình như cũng được gửi tới phòng làm việc, chỉ là cậu không có ý định giở ra.
Gần đây Giang Nhược lại bắt đầu đọc thơ. Cậu lượn một vòng ở giá sách đằng sau và lấy một tập thơ văn xuôi [1], đang định ra quầy thu ngân thanh toán thì nhác thấy bóng người đứng trước giá tạp chí.
[1] Thơ văn xuôi là một hình thức cơ bản của thơ được viết bằng văn xuôi. Thơ văn xuôi khác thơ tự do ở chỗ không phân dòng, không dùng hình thức dòng thơ làm đơn vị nhịp điệu, không có vần. Đó là một người phụ nữ mặc váy liền, vai rộng, tư thế đứng thẳng tắp, vừa nhìn đã biết có học múa.
Người phụ nữ nhìn tạp chí của Giang Nhược chăm chú, lát sau ngoảnh sang va phải ánh mắt cậu thì ngẩn người, đoạn quay mặt đi đầy rối rắm.
Dường như người phụ nữ ấy muốn giả vờ không nhìn thấy, giữ chặt túi xách trên vai rồi xoay người toan rời đi nhưng bị người phía sau gọi lại.
"Chị Tống." Giang Nhược lên tiếng gọi cô: "Chị không có gì muốn nói với tôi sao?"
Nửa tiếng sau, Giang Nhược về phòng chờ máy bay đúng lúc Tịch Dữ Phong kết thúc cuộc họp video.
Anh hỏi cậu đi đâu, cậu đáp: "Em vào hiệu sách."
Tịch Dữ Phong thấy hai tay cậu trống trơn: "Không mua sách sao em?"
Giang Nhược ngớ người, bấy giờ mới nhớ ra mình quên béng tập thơ văn xuôi.
Cậu ngẫm nghĩ, nói đoạn: "Về Phong Thành rồi mua vậy, vali nhiều đồ quá mang thêm lại lích kích."
Máy bay cất cánh đúng giờ và hạ cánh vào giữa trưa.
Đổi xe xuống huyện còn mất gần hai tiếng, Tịch Dữ Phong đã dặn người chuẩn bị xe từ trước, tài xế lạ mặt lái xe chở cả hai đi thẳng về hướng Bắc, đường cái rộng thênh thang dần thu hẹp, các tòa nhà cao tầng san sát cũng bị bỏ lại phía sau.
Viện phúc lợi nằm cạnh khu công nghiệp của huyện, cách thị trấn chưa đầy mười cây số. Hai người vừa xuống xe đã thấy một bác gái trung niên đeo kính bước lên đón, tự giới thiệu mình là viện trưởng viện phúc lợi.
Vì Giang Nhược và Tịch Dữ Phong đã thông báo trước khi đến nên không xảy ra tình cảnh lúng túng như xếp hàng đón tiếp. Bác viện trưởng dẫn hai người vào trong, vừa đi vừa giới thiệu đây là ký túc xá, kia là nhà ăn, sau nhà ăn có sân thể dục mới khánh thành, đám trẻ đều thích chơi ở đấy.
Sau đó bác kể hai năm nay huyện phát triển rất tốt, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài về xây dựng nhà máy, giải quyết vấn đề việc làm cho dân địa phương, góp phần thúc đẩy kinh tế, gần đây người đến hỗ trợ vật tư và làm t1nh nguyện cũng nhiều hơn.
Nhắc đến làm t1nh nguyện, Giang Nhược không khỏi lo lắng những tên ôm tâm tư xấu xa như Triệu Dũng Cương lại xuất hiện.
Cậu đặt nghi vấn một cách uyển chuyển, bác viện trưởng giải đáp: "Sau sự việc lần trước chúng tôi đã quy định lại điều kiện nhận tình nguyện viên, tăng cường phê duyệt danh tính người ứng tuyển, camera lắp khắp nơi cũng hoạt động 24/24 để đảm bảo an toàn cho lũ trẻ."
Giang Nhược gật đầu tỏ vẻ yên tâm.
Vì là lịch trình kín, hai người không gióng trống khua chiêng giao lưu trực tiếp với bọn trẻ mà chỉ vào văn phòng của bác viện trưởng xem tình hình phân bổ tiền quyên góp mấy năm nay, sau đó chào tạm biệt ra về.
Ra đến cửa, Giang Nhược nghe thấy sau lưng có tiếng nhốn nháo bèn ngoái lại nhìn, bắt gặp vài nhóc con đang thập thò sau cột đá dưới hiên, vô cùng tò mò với khách tới thăm, dù đứa thì điếc bẩm sinh, đứa thì suy giảm thị lực, còn có đứa khiếm khuyết chân phải chống nạng.
Hầu hết những đứa trẻ bị bỏ rơi đều có sức khoẻ yếu, từ khi sinh ra đã thiếu thốn hơn trẻ con bình thường.
Lên xe, Tịch Dữ Phong lấy ra một bản kế hoạch quyên tặng mới, chủ yếu đầu tư vốn vào bảo hiểm y tế giúp lũ trẻ trong viện phúc lợi có thể cải thiện thông qua điều trị sau này.
Giang Nhược chăm chú đọc hết, đoạn thở phào nhẹ nhõm.
Anh hỏi cậu sao thế, cậu cười nói: "Bây giờ không cần em nói anh cũng biết em muốn làm gì rồi. Làm sao đây, em thật sự không giữ được tí tẹo bí mật nào trước anh cả."
Tịch Dữ Phong chẳng tỏ vẻ gì: "Em xem có cần bổ sung gì không."
"Không cần." Giang Nhược gấp bản kế hoạch để sang một bên rồi kéo tay Tịch Dữ Phong: "Em thay mặt lũ trẻ cảm ơn Tổng giám đốc Tịch trước."
Trước đây Giang Nhược gọi "Tổng giám đốc Tịch" hầu như đều pha chút bông đùa trêu chọc, song lần này cậu cực kỳ chân thành, nắm tay Tịch Dữ Phong đến tận cổng trường tiểu học trong trung tâm thị trấn cũng không buông.
Cuối tuần trường không có lớp, bác bảo vệ ở trạm giác sắp thay ca, nghe bọn cậu xưng là học sinh cũ muốn vào đi dạo thì ghi số chứng minh thư rồi thả cho vào ngay.
Con đường rợp bóng cây trong khuôn viên trường có sự yên bình riêng biệt, Giang Nhược đi dưới hàng cây mà nhớ ra rất nhiều chuyện lặt vặt từ xa xưa.
Cậu vừa đi vừa líu ríu với Tịch Dữ Phong, nào là cái chòi nghỉ mát này phong thuỷ tốt lắm, lũ học sinh tan học đều tranh nhau nô nghịch, con trai chơi bài, con gái nhảy dây; nào là cái cây đằng kia cành lá sum suê, bốn mùa xanh ngắt, đủ che cho mười mấy người trú mưa; còn dãy phòng sau nhà đa năng từng có một phòng múa, có điều chỉ mở vào ban sáng, buổi chiều bị học sinh học vẽ chiếm mất.
Cậu không kể về câu lạc bộ múa. Câu lạc bộ bắt đầu từ cậu rồi cũng sa sút vì cậu, nó không đáng nhắc đến hệt như quá khứ tồi tệ của cậu vậy.
Tuy nhiên khi đi qua bức tường danh dự dưới nhà đa năng, Giang Nhược bất ngờ nhìn thấy ảnh và tên mình.
Có lẽ để tăng tính chân thực, nhà trường sử dụng ảnh thẻ nền xanh từ thời tiểu học, bé trai trong ảnh mặc đồng phục đeo khăn quàng đỏ, nhìn máy ảnh mỉm cười tươi rói. Giang Nhược nhớ mang máng khi ấy là một buổi chiều thu năm lớp ba, giáo viên nói bức ảnh này sẽ được dán lên thẻ học sinh dùng hết những năm tháng cấp một.
Bây giờ Giang Nhược nhìn ảnh chỉ cảm thấy nụ cười của mình hơi ngáo ngơ, cộng thêm đôi má trẻ con phúng phính nên thực sự nom chẳng lanh lợi gì cho cam. Cậu cuống quýt lấy tay che nhưng không kịp, Tịch Dữ Phong cười khẽ, coi bộ đã thấy rất rõ hình ảnh cậu của hơn chục năm trước.
Giang Nhược hậm hực bỏ tay xuống, miệng làu bàu: "Anh cười cái gì?"
Tịch Dữ Phong nói: "Đáng yêu."
Giang Nhược nghi ngờ anh nói "đáng yêu" là để trả đũa mình: "Không đáng yêu bằng cái bạn biết leo nóc nhà."
Tịch Dữ Phong lấy điện thoại chụp tấm ảnh thẻ trên bức tường danh dự, Giang Nhược không cản kịp nên dứt khoát làm trao đổi với anh: "Em cũng muốn xem ảnh hồi tiểu học của anh."
"Không có đâu." Tịch Dữ Phong nói.
"Sao thế được?" Giang Nhược giục: "Anh mau lấy ra đây đi!"
"Không có thật. Anh không thích chụp ảnh."
"Thế ảnh hồi cấp hai thì sao, ảnh thẻ tốt nghiệp gì gì đó cũng phải có chứ?"
Có vẻ hôm nay không đưa ra cái gì là không xong với cậu, Tịch Dữ Phong hết cách, đành mở trình duyệt web trên điện thoại, đăng nhập web trường tìm kiếm bài viết theo năm, sau đó tìm được một bức ảnh thẻ cũng có nền xanh trên một trang thông báo khen thưởng vào hơn mười năm trước.
Giang Nhược nhanh nhảu cướp điện thoại của Tịch Dữ Phong, bấm giữ lưu ảnh về máy rồi lại mở Wechat gửi sang cho mình.
Xong xuôi, Giang Nhược lôi điện thoại của mình ra, vừa mở ảnh vừa nói: "Trang web trường anh ổn định nhỉ, ảnh mười mấy năm trước cũng..."
Nói đoạn giọng cậu dần nhỏ đi.
Cùng là đồng phục trắng tinh tươm và kiểu tóc húi cua thống nhất của học sinh toàn trường, bất ngờ là nhờ vẻ ngoài xuất chúng cùng đường nét gương mặt hoàn hảo, Tịch Dữ Phong vẫn nổi bần bật giữa đám học sinh chỉ với phong cách rất bình thường, ai không biết còn tưởng đây là ảnh đã qua chỉnh sửa của ngôi sao nam nào đó.
Giang Nhược lẳng lặng nhìn bức ảnh chăm chú, cất giọng hỏi: "Lúc đấy anh phải mười sáu mười bảy tuổi rồi nhỉ?"
"Mười sáu." Tịch Dữ Phong đáp.
Giang Nhược thở dài: "Thảo nào có bạn viết thư tình cho anh."
Trông anh đâu chỉ đẹp trai bình thường, nói là vô đối ở trường cũng chẳng ngoa.
Giang Nhược giơ điện thoại đặt cạnh ảnh của mình, gắng gượng cứu vãn danh dự: "Lúc đấy em vẫn còn trẻ con, anh xem bây giờ em..."
Cậu vô thức so sánh bản thân hồi xưa với Tịch Dữ Phong trong quá khứ, mong muốn có thể đi tới kết luận bọn cậu "đẹp đôi". Nguyên nhân sâu xa có chăng cũng chỉ bắt nguồn từ lòng tự trọng, cậu không muốn sau này cả hai công khai quan hệ lại có người đàm tiếu sau lưng rằng cậu không xứng.
Dường như biết tỏng cậu đang nghĩ gì, Tịch Dữ Phong nắm lấy cổ tay giơ cao của cậu và nhìn cậu nói: "Bây giờ cũng đáng yêu."
Đương độ giao mùa cuối xuân đầu hạ, ánh mặt trời trải khắp thị trấn nhỏ vùng duyên hải miền Đông dần gay gắt hơn.
Ban đầu hai người định lượn một vòng rồi đi, song gần đến dãy nhà phía sau thì thấy căn phòng từng là phòng múa không đóng cửa, Giang Nhược không nhịn được thò đầu vào ngó thử, sau đó vẫy Tịch Dữ Phong: "Không có ai, anh mau lại đây đi!"
Tịch Dữ Phong theo Giang Nhược vào căn phòng trống huơ trống hoác mới nhận ra bây giờ hai người rất giống... học sinh trốn tiết.
Hiển nhiên Giang Nhược không ý thức được điều ấy, việc đầu tiên làm sau khi vào cửa là sờ hàng tay vịn lắp cạnh tường rồi ngồi xuống chọc ngón tay nghiên cứu sàn nhà: "Sàn chống trượt đó, vẫn mới tinh."
Hồi cậu học ở trường, phòng học này buổi sáng là phòng múa, sang chiều là phòng vẽ, sáng nào tới cũng phải quét dọn trước.
Giờ thì khoẻ rồi, nó đã trở thành phòng múa chuyên dụng, không cần thu dọn giấy vẽ vứt ngổn ngang khắp nơi hộ học sinh mỹ thuật nữa.
Giang Nhược thầm nhủ, nếu hồi mình còn ở trường mà có điều kiện thế này thì bảo mình múa hai mươi tư tiếng một ngày cũng chẳng thấy mệt.
Nghĩ vậy, cậu đi ra giữa phòng, ưỡn thẳng lưng và nhón chân, bắt đầu xoay cổ chân theo quán tính.
Đây là động tác làm nóng người trước khi múa.
Khung cảnh như đã từng quen dễ dàng khiến người ta nảy sinh lầm tưởng năm tháng quay trở lại.
Giang Nhược ngoảnh đầu trông ra cửa sổ, qua ô cửa kính, tia nắng nhuộm thành màu vàng nhạt như được gắn bộ lọc tuyên bố những biến chuyển của thời gian. Tịch Dữ Phong đút hai tay túi quần đứng ở nơi đó, đôi mắt sâu thẳm nhìn cậu, lặng lẽ thể hiện sự quan tâm.
Sau phút lơ đãng thoáng chốc, Giang Nhược nhoẻn miệng cười: "Có muốn xem em múa không?"
Trên thực tế kiến thức về múa của Tịch Dữ Phong rất ít, anh không hiểu phân loại độ khó giữa các động tác, cũng không nắm được nghệ thuật biểu đạt thông qua cơ thể, anh chỉ cảm thấy Giang Nhược khi múa đẹp đến mức khiến người ta muốn đưa tay ra nhưng lại không nỡ chạm vào.
Dường như cậu đang trải qua bốn mùa, hay chăng là đỉnh cao và đáy dốc của đời người.
Khi nóng nực, cậu giãn nở, tan chảy, vật chất chuyển từ đặc đến thưa dưới nền nhiệt cao như trải qua một vụ nổ vũ trụ lớn; sang đông, tốc độ di chuyển của cậu chậm dần, cậu từ từ dừng lại như dòng nước đóng băng, thu mình bước vào giấc ngủ đông chẳng biết lúc nào sẽ tỉnh.
Rồi mùa xuân đến, khi tia sáng bình minh chiếu xuống, cậu lại là một hạt giống chờ ngày vỡ đất nảy mầm, vùng vẫy, giãy giụa, liều mình để vươn dài, muốn lớn thành một cái cây cao vút chẳng nề hà gió mưa.
Tịch Dữ Phong nhớ ra, ngay từ lần đầu xem Giang Nhược múa đã có thể thấy được hai thái cực lụi tàn và tái sinh vừa mâu thuẫn vừa thống nhất trên người cậu.
Cậu yên tĩnh quá đỗi, có thể khép mình trong xó xỉnh chật hẹp tối tăm nhất nhắm mắt mơ về những thứ rực rỡ sắc màu, im lặng chờ sau cơn mưa trời lại nắng.
Và cậu cũng vô cùng kiên cường, dường như bên trong cơ thể gầy gò chứa đựng nguồn năng lượng khổng lồ đủ để cậu đứng dậy hết lần này đến lần khác, đủ để cậu liều chết tới cùng, xô đổ số phận.
Động tác kết bài cuối cùng, Tịch Dữ Phong vô thức duỗi tay ôm Giang Nhược vào lòng.
Giang Nhược ướt rượt mồ hôi, thở hổn hển không ngừng. Cậu nói lâu quá không múa bài này, tập mấy tháng cũng chỉ tạm hài lòng.
Hơn nữa ngày trước cậu có thể thực hiện động tác chống lộn liên tục nhiều lần, giờ một lần cũng tốn sức, thực sự là không thể không thừa nhận mình già.
Tịch Dữ Phong nghe mà bật cười: "Em già thì chẳng phải anh sắp xuống lỗ à?"
Giang Nhược vội bịt miệng anh: "Phỉ phui cái miệng, không cho anh nói mấy câu không tốt lành!"
Hai người ngồi bệt xuống cạnh cửa sổ, Giang Nhược tựa vào vai Tịch Dữ Phong, tay trái thảnh thơi gảy lắc chân, líu lo câu được câu chăng về những chuyện vặt vãnh xảy ra hồi học múa.
Cậu kể về cú lộn đầu ngã trong phòng tập, kể về lần đầu tiên lên sân khấu căng thẳng đến mức nôn mửa, kể về quầy xiên rán ven đường mà cậu thích ăn nhất sau giờ tập, kể cả việc ăn nhiều béo ú lại muốn gầy như trước khó khăn nhường nào.
Giang Nhược nói: "Em từng ngỡ rời khỏi đây đến Học viện Múa Phong Thành là giờ phút hạnh phúc nhất cuộc đời em."
Cậu cho rằng hơn mười năm đầu đời bị cười nhạo, không được cảm thông, hoảng loạn bất an mặc người xâu xé đã là khổ lắm rồi. Vậy nên cậu cực kỳ thương những đứa trẻ ở viện phúc lợi, bởi vì thông qua bọn trẻ cậu có thể trông thấy chính mình ở cái thuở chẳng đủ sức chống lại số phận.
"Thật ra em không cao thượng gì đâu, em từng oán trách, từng đố kị, cũng từng hỏi ông trời dựa vào đâu mà người ta có thể bình yên lớn lên, trong khi cứ bắt em năm lần bảy lượt gặp phải những chuyện này?"
Cảm nhận được cánh tay ôm eo mình siết chặt hơn, Giang Nhược thở hắt ra và nói: "Nhưng kể từ sau khi gặp anh, em mới nhận ra biết đâu giờ phút hạnh phúc nhất trong đời vẫn chưa tới."
Không ai hay rằng suốt quãng thời gian xa Tịch Dữ Phong, đã có lần Giang Nhược suy sụp trong cảm xúc cuồng loạn.
Lần ấy quay cảnh chia tay trong
Vỏ bọc. Dưới tình thế chính trị ép buộc, vị "khách làng chơi" đầu tiên của tiểu thiếu gia là Thích Minh An phải rời Thượng Hải, hắn muốn dẫn tiểu thiếu gia đi cùng, tiểu thiếu gia hỏi hắn: "Nếu em theo ngài thì liệu sau này còn có thể sống trong căn nhà kiểu Tây nữa không?"
Thích Minh An đáp: "Nơi đó không có nhà kiểu Tây."
"Bánh mì và sữa bò thì sao?"
"Có bánh bao và sữa đậu nành."
Tiểu thiếu gia lắc đầu: "Vậy em không đi đâu."
Y nói xong bèn khoác áo ngoài lên người, sực nhớ cái áo là của Thích Minh An mua thì lại chậm chạp cởi ra.
Đi đến ngưỡng cửa, Thích Minh An đuổi theo chặn y lại: "Em không thể vì tôi sao?"
Tiểu thiếu gia vẫn lắc đầu, đi vòng qua người Thích Minh An. Ra đến cửa, y quay đầu nhìn hoa c4m trong lọ, cất giọng nhắc nhở: "Nên thay nước rồi."
Về sau phân cảnh này được cắt ra chia sẻ rộng rãi, giới mộ điệu phim ảnh phân tích hàm ý sâu xa đằng sau đoạn đối thoại ấy: Chung quy Thích Minh An đã có gia đình, tạm bợ nhất thời thì chẳng hề gì, sợ là sợ tạm bợ cả một đời.
Sau đó họ cảm thán đây là lựa chọn tỉnh táo duy nhất trong cuộc đời tiểu thiếu gia, dẫu cho lựa chọn này khiến nửa đời sau y phải sống kiếp lang bạt khắp nơi, qua tay biết bao người.
Mà bên ngoài ống kính, nghe thấy đạo diễn tuyên bố cảnh quay đạt, Giang Nhược đứng ngoài cửa thình lình tuột sức, chầm chậm nhấc tay che đôi mắt đỏ hoe.
Nước mắt cậu cũng tuôn rơi ngay khoảnh khắc ấy, lông mi ướt đẫm đâm vào lòng bàn tay. Thoạt đầu là tiếng nức nở khe khẽ, sau đó dần vỡ oà, cậu khóc đến mức váng đầu thở không ra hơi, dọa đồng nghiệp trong đoàn phim sợ phát khiếp.
Lúc đưa nước cho cậu, tiểu Thẩm nghe thấy một giọng nói thều thào, đến gần mới rõ Giang Nhược vừa nghẹn ngào vừa bật thốt "có thể chứ", "em ở lại mà", "em nhớ anh lắm".
Đâu chỉ là đồng cảm với nhân vật.
Đó là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất cậu cảm thấy hối hận về lựa chọn của mình.
Dù đang làm việc bản thân yêu thích, cũng bảo vệ được danh dự, thế nhưng cậu đã đánh mất quá nhiều.
Trái tim cậu như bị khoét thủng một lỗ, chỉ cần lỗ hổng ấy còn tồn tại thì sẽ chẳng có cái gì là giờ phút hạnh phúc nhất, cậu cũng mãi mãi không được viên mãn.
Giọng Giang Nhược rất khẽ, mang sự bình tĩnh của một người đang hạnh phúc nhớ lại dĩ vãng đã từng.
Nhưng điều đó lại khiến người đang ôm cậu siết chặt tay hơn, bày ra tư thế bảo vệ cậu kín kẽ.
Giang Nhược vỗ mu bàn tay Tịch Dữ Phong, nói sang chuyện khác: "Vừa nãy em múa thế nào?"
Dường như Tịch Dữ Phong vẫn chưa hoàn hồn, im lặng giây lát rồi mới đáp: "Rất đẹp."
Giang Nhược không mấy hài lòng: "Sao mà giống khen cấp dưới quá..."
Mặc dù như vậy nhưng Giang Nhược vẫn làm theo kế hoạch ban đầu: "Bài múa này tặng anh đấy."
Tịch Dữ Phong ngẩn người, như thể không hiểu ý nghĩa của từ "tặng".
"Trước đây em đã hứa sẽ tặng anh làm quà sinh nhật." Giang Nhược nói: "Không thể gọi là
Vô danh được nữa, anh đặt cho nó một cái tên mới đi."
Tịch Dữ Phong không vội đặt tên mà hỏi: "Em nghĩ kỹ chưa?"
Vừa rồi xem Giang Nhược biểu diễn bài múa đó, trong lòng anh cực kỳ rung động.
Anh những tưởng cả đời này Giang Nhược sẽ không múa bài ấy nữa.
Giang Nhược lại nói: "Còn cần nghĩ sao?"
Tuy ở nơi đây Giang Nhược có quá khứ đầy rẫy vết thương, ý nghĩa của bài múa đối với cậu cũng không hoàn toàn tươi sáng, thế nhưng...
"Năm đó rời khỏi đây em đã thề sẽ không bao giờ quay lại. Nhưng hiện tại có anh rồi, sau này về quê hay múa bài múa ấy, người đầu tiên em nghĩ đến là anh."
"Anh không giống Thích Minh An." Giang Nhược ngước lên hôn cằm Tịch Dữ Phong, sự quyến luyến đơn thuần tràn đầy đôi mắt: "Anh thay đổi quá khứ thảm thương bằng trải nghiệm đẹp đẽ, bù đắp những thiếu sót đáng tiếc cho em."
"Tịch Dữ Phong, em rất rất yêu anh."
***