Tình Chị Duyên Em

Chương 34

Khi tôi về đến nhà mới biết bà cả đi sang nhà quan viên từ sớm đến chiều mới về. Tôi với cậu Bảo đi vào trong cũng vừa hay gặp cái Hương đang đi ra ngoài cổng, nó đội chiếc nón mê cũ thấy chúng tôi thì cười hỏi:

– Hai người đi đâu về vậy?

Tôi nhìn nó, một cảm giác tởm lợm trào lên. Con Yến thảo mai nhưng ít nhất nó còn khiến cho tôi biết mà cảnh giác, còn cái Hương đến hiện tại vẫn chưa dám tin rằng nó ác độc thâm hiểm đến vậy. Thế nhưng tôi vẫn nhìn nó cố gắng cười cười đáp lại:

– Ừ đi ngắm cảnh buổi sáng. Cô đi đâu thế.

– Tôi ra chợ mua ít đồ trưa về nấu.

– Sao không để gia nô đi cho.

– Không sao, tôi thích đi để còn lựa đồ ăn.

Nói xong nó kéo chiếc nón mê cao hơn rồi bước ra ngoài. Tôi cũng chạy thẳng vào trong nhà, uống mấy cốc nước để bình tĩnh hơn. Sau khi người đã hết run tôi mới suy ngẫm lại. Chiếc ngọc bội con Hương tặng tôi từ khi tôi thành thân có nghĩa cách đây đã rất lâu rồi. Vì tôi thường mặc áo cao cổ nên có khả năng nó không biết tôi đeo hay không. Nếu giả sử ma hoàng cũng do nó làm, nghĩ kỹ hơn một chút thì rõ ràng ma hoàng cũng mới gần đây, còn miếng ngọc bội thì khá lâu rồi, chứng tỏ người nó nhắm vào đầu tiên tất nhiên là tôi chứ không phải bà cả. Thế nhưng rốt cuộc vì lý do gì mà nó lại kéo theo bà cả vào vụ này. Rốt cuộc là thù hằn xuất phát từ đâu? Nhưng có xuất phát từ đâu thì tôi cũng phải tìm hiểu kỹ về nó, biết người biết ta trước đã. Tôi nhìn cậu Bảo hỏi:

– Cậu biết về gia thế nhà cái Hương không?

– Biết. Ông ngoại Hương làm quan viên nhưng mất lâu rồi. Thầy bu cũng chỉ là người làm ăn bình thường như thầy tôi

– Nhà nó liệu có hiềm khích, thù hằn gì với nhà mình không?

Cậu Bảo nhìn tôi lắc đầu đáp:

– Không! Cái này tôi chắc chắn, thù hằn thì sao mà lấy cô ta về làm dâu được? Hai bên gia đình rất bình thường với nhau, em không thấy hồi lấy cô ta về bu còn nói tốt cho gia thế nhà cô ta à? Thầy bu cô ta là những người hiểu đạo lý, ông ngoại cô ta trước làm quan viên cùng ông ngoại tôi, mối quan hệ cũng được coi là tương đối tốt đẹp. Sau này ông ý bị bạo bệnh mà mất, mối quan hệ cũng vì thế mà không còn được thân thiết như trước vì đời sau rồi. Nhưng không có thù hằn gì hết.

Phải rồi, chỉ những mối quan hệ thân thiết hoặc ít nhất cũng là trên xã giao người ta mới có thể gả con đi làm dâu. Đột nhiên tự dưng tôi lại nghĩ ra, nhà tôi nghèo, việc tôi bị ép gả có thể được coi là bình thường. Thế nhưng việc nhà cái Hương có điều kiện, thậm chí so với nhà ông Lý nhà nó gia thế còn hiển hách hơn đôi chút. Nếu nó đã có người trong lòng thì tại sao không lấy người đó, nó có thể từ chối kia mà? Chẳng lẽ một nhà có điều kiện lại ép con mình đi lấy người không thương, hy sinh hạnh phúc của nó để được gì? Tôi nghĩ một lúc rồi quay sang nói với cậu Bảo:

– Cậu biết nhà cái Hương có mấy anh chị em không?

– Cái này tôi cũng không rõ lắm.

– Vậy cậu cho lính đi điều tra giúp em đi. Điều tra kỹ một chút nha cậu, về cả thầy bu nó nữa

– Được!

Đợi cậu Bảo ra ngoài tôi lại uống thêm mấy ngụm nước nữa. Nếu nhà cái Hương đông anh chị em, gia đình phức tạp, vợ lẽ vợ chẵn có cả thì bị ép gả có thể hiểu được. Nhưng nếu nhà nó cũng có mối quan hệ như nhà tôi cộng thêm những gì cậu Bảo kể thì khả năng bị ép gả khá là thấp. Vì ít nhất, nhà tôi tuy nghèo, nhưng chị Hạnh vẫn được lấy người mình thương, thầy bu tôi không đến mức ép buộc phải lấy người thầy bu tôi ưng. Còn tôi trường hợp bất khả kháng thì không nói. Tôi ngồi ngẫm nghĩ tại sao cái Hương lại phải móc họng tại sao lại phải lao lực làm việc? Rốt cuộc là vì muốn thể hiện cho người ngoài thấy nó là đứa chăm chỉ, còn tôi thì béo tốt, lại lười biếng hay còn lý do gì sâu xa nữa? Hôm trước nó còn thồ cả thóc đi xát, vốn dĩ việc này của gia nô, tại sao nó phải làm. Nó có thể cho thuỷ ngân vào ngọc bội… liệu có thể…? Tôi nghĩ vậy liền bật dậy chạy ra ngoài đi tìm thằng Sửu. Vừa hay thằng Sửu cũng ở sau vườn đi vào, tôi gọi nó vào nhà rồi hỏi:

– Này, mợ hỏi chúng mày. Sao hôm trước chúng mày lại để cho mợ Hương đi xát thóc thế. Việc xát thóc là của chúng mà mà, thiếu người thì về gọi thêm người chứ?

Thằng Sửu gãi đầu gãi tai đáp:

– Bọn con có để đâu? Đấy là mợ ấy lấy thóc đó mang đi chỗ khác xát ý chứ.

– Mang đi chỗ khác xát? Không phải xát bên chỗ ông Tình à?

– Không, bọn con xát bên chỗ ông Tình còn mợ ấy mang đi chỗ khác. Hôm nào cũng vậy mà, mợ ấy mỗi lần xát thóc đều trích ra một ít để mang đi cho cái đám trẻ con nghèo dưới xóm dưới mợ ạ.

– Thế sao không xát bên chỗ ông Tình rồi mang sang đó?

– Mợ ấy bảo là sợ chờ lâu nên mang về gần nhà xát rồi tiện mang đi luôn.

– Hôm nào cũng vậy?

– Dạ cả tuần nay thì hôm nào cũng vậy.

Tôi nghe xong, nỗi nghi hoặc càng cao. Lúc này tôi không còn nghĩ ngợi gì liền chạy xuống bếp lấy gạo cho vào túi nhỏ, để chắc ăn tôi còn múc thêm một chai nước bể riêng của dinh bà cả cầm theo rồi chạy ra chỗ ông lang Bùi. Nếu thích mang gạo cho đám trẻ em nghèo nó cứ việc lấy gạo ở nhà mà cho, chứ việc gì phải mất công mất sức đẩy xe đi chỗ khác? Càng ngày càng có quá nhiều điểm mà tôi cần phải tìm hiểu. Khi tôi đến chỗ ông lang Bùi, mặt trời cũng lên cao. Vừa vào đến nơi tôi đưa đống gạo với chai nước cho ông nhờ ông kiểm tra xem có độc hay không? Ông lang Bùi gật đầu ngồi kiểm tra. Một lúc sau quay sang tôi nói:

– Không có độc, cả nước và gạo đều bình thường.

– Bình thường?

– Vâng, không hề có độc tố.

Tôi nhìn đống gạo và nước bên dưới cũng cảm thấy thở phào nhẹ nhõm một chút. Thế nhưng nghĩ đi nghĩ lại vẫn không hiểu, cái Hương mang gạo đi xát riêng, nếu như nó không trộn độc tố vào gạo rốt cuộc nó làm gì? Chẳng lẽ lý do thật sự như lời thằng Sửu nói? Nó chỉ nhằm vào tôi, muốn tôi chết đi? Vậy còn ma hoàng… có phải là do nó làm hay không? Hay lại có một bí ẩn khác mà tôi không hay biết? Mục đích cái Hương muốn hại tôi là gì? Tôi và nó không thù không oán, gia đình thì cũng chẳng quen biết nhau. Rốt cuộc là vì sao?

Tôi lững thững đi ra ngoài, hàng ngàn hàng vạn câu hỏi không một lời giải đáp hiện lên. Khi tôi đến nhà cái Hương đã đi chợ về còn đang ngồ. Tôi bước vào buồng, cũng thấy cậu Bảo đang ngồi trong ấy liền lao đến hỏi:

– Cậu đã điều tra được gì chưa?

– Em muốn hỏi gì?

– Thầy cái Hương có mấy bà vợ?

– Duy nhất bu cô ta thôi.

– Nhà nó có mấy anh chị em?

– Có cô ta và một cậu em trai đang học trên huyện, hình như bằng tuổi thằng Tý.

– Đúng thực là không có thù hằn gì với nhà cậu đúng không?

– Đúng luôn, tôi còn cẩn thận sang hỏi ông ngoại nữa. Nhà cô ta với nhà tôi chẳng có thù có oán gì hết.

Không thù không oán, vậy việc nó hại tôi chỉ có thể là lý do cá nhân của nó. Đã vậy nhà nó có mỗi hai chị em, gia cảnh cũng rất đơn giản chứ không phức tạp. Nhưng là lý do gì nhỉ? Tôi làm gì khiến nó ghét hay ngứa mắt à? Mà có ghét hay ngứa mắt cũng có cần ra tay thâm độc đến vậy không? Như cái Yến còn có lý do là nó thích cậu Bảo nên hại tôi, còn nó chẳng phải trong lòng nó có người khác sao? Không vì tình lại không có thù hằn gì từ gia đình chẳng lẽ nó thích thì hại?

Nhưng… nhắc lại mới nhớ, người trong lòng của nó tôi mới chỉ nghe chưa từng biết. Tôi lén nhìn cậu Bảo, hay là…?

Khi còn chưa kịp nghĩ hết thì cậu Bảo đã cất tiếng:

– Thầy lang Nguyễn có đánh thư mời hai vợ chồng mình lên huyện một chuyến. Hình như thầy ấy đã tìm được cái gì đó, lẽ ra thầy ấy định xuống dưới này rồi nhưng mà có việc nên không xuống nữa.

Tôi nhìn cậu Bảo vội vàng đáp:

– Vậy giờ mình đi thôi.

– Được, xe ngựa tôi đã chuẩn bị sẵn bên ngoài rồi. Đi sớm xem có manh mối gì không?

Tôi gật đầu cùng cậu Bảo đi ra cổng, trên đường lên huyện lòng dạ tôi cũng sốt xình xịch cứ liên tục giục tên phu xe đi nhanh hơn. Nếu như vụ ma hoàng có manh mối, lại cộng thêm miếng ngọc bội chứa thuỷ ngân thì tôi có thể sẽ trả lời được vài câu hỏi đang rối ren trong lòng. Tên phu xe có lẽ cũng biết thế quất hết sức vào con ngựa. Khi lên đến huyện, tôi với cậu Bảo liền chạy ra cổng chợ, thầy lang Nguyễn đã chờ sẵn ở đó. Vừa nhìn thấy tôi với cậu Bảo ông liền nói:

– Tôi đã tìm ra được một hiệu thuốc mà mấy tháng trước kê một lượng ma hoàng lớn.

– Dạ… hiệu thuốc nào vậy thầy?

– Đi theo tôi.

Không hiểu sao tự dưng tôi lại thấy run run, thầy lang Nguyễn đưa chúng tôi vào một hiệu thuốc khá lớn rồi nói:

– Đây là ông Bính, chủ hiệu thuốc cũng là bạn của tôi. Tôi đã xem lịch và phát hiện thời gian mua thuốc chỉ sau một tuần ngày tôi kê đơn cho bà nhà.

– Sau một tuần sao thầy? Vậy có ghi là ai mua không ạ?

Thầy lang Nguyễn nhìn ông Bính, ông ta vừa giở sổ ghi chép vừa nói:

– Chỗ chúng tôi chỉ ghi số lượng thuốc bán đi chứ không ghi tên người đến mua.

Tôi nghe xong tự dưng lại có chút thất vọng. Manh mối này thì sao mà điều tra nữa đây. Ông Bính thấy mặt tôi ỉu xìu thì nói tiếp:

– Nhưng tôi lại nhớ được người mua ma hoàng hôm ấy.

– Ông chủ, ông nhớ sao? Vậy ông có nhớ người đó trông thế nào? Là nam hay nữ, chừng bao nhiêu tuổi.

– Là nam.

Nam? Tôi nghe xong lại càng hoang mang, vậy là không phải cái Hương sao? Nam thì người đó là ai. Tôi bấu tay đến bật cả máu hỏi lại:

– Nam chừng bao nhiêu tuổi hả ông chủ?

– Cậu ta còn rất trẻ, chừng độ mười hai đến mười bốn tuổi gì đó thôi. Sở dĩ tôi nhớ cậu ta vì ít ai mua ma hoàng mà mua tận sáu mươi thang nên đã hỏi lại sao lại mua nhiều như vậy. Cậu ta chỉ đáp là mua cho hai người, tôi cũng dặn cậu ta không nên cho bệnh nhân uống quá liều, chỉ nên uống mười đến mười lăm thang. Cậu ta bảo mua về để dành đấy, bao giờ ốm thì uống. Thực ra cũng có nhiều người hay mua để dành, nhưng mua sáu mươi thang để dành quả thực là tôi rất ngạc nhiên. Ma hoàng cũng tương đối đắt, và nhìn cậu ta cũng giống một người có tiền.

Nam giới, còn trẻ lại có tiền thì nhà ông Lý đâu có ai, cậu Thành cậu Bảo cũng mười tám đôi mươi hết rồi. Chẳng lẽ kẻ đó không phải kẻ mua ma hoàng hại bà cả, chỉ là một sự trùng hợp thôi sao? Vậy kẻ chủ mưu kia mua ma hoàng ở đâu, hay lại lên kinh thành đi mua? Ông Bính nhìn tôi nói tiếp:

– Đó có phải người quen cô cần tìm không.

Tôi không biết phải nói thế nào, thực lòng chẳng quen một người nào như vậy. Nếu không phải cái Hương thì là ai cơ chứ? Ngẫm một lúc tôi liền đáp:

– Dạ không cảm ơn ông.

Ông Bính gật gù:

– Tiếc quá không giúp gì được cho cô.

Ông vừa nói xong một tên gia nô đứng cạnh chen vào:

– Ông đang nhắc đến cái cậu công tử mua ma hoàng hả? Cậu ấy đẹp trai thật, sáng láng, mỗi tội có một vết sẹo trên thái dương hơi dài, mà hình như nửa tháng trước trước còn đến mua chu sa nữa. Chu sa đắt như vậy mà cậu ta chi tiền mua hẳn một lượng lớn ông nhỉ.

– Ừ, thông tin này chẳng biết giúp ích gì được cho mọi người không nhưng thực ra tôi ấn tượng với cậu ta vì đợt mua chu sa này hơn trước mua ma hoàng. Không hiểu sao cậu ta lại mua nhiều như vậy.

Thầy lang Nguyễn nghe xong liền chau mày nói:

– Chu sa? Ông bán chu sa cho người ta có dặn dò cẩn thận là không được uống lâu dài, không được uống với liều cao, không được dùng với nhiệt độ không đấy? Chu sa này sử dụng không cẩn thận hại nhiều hơn lợi cơ mà, sao lại bán liều như vậy?

– Cậu ta bảo không mua về làm thuốc mà mua về để nghiên cứu gì đó thôi nên tôi mới bán đó chứ.

Tôi khẽ thở dài nghĩ đi nghĩ lại làm gì có tên gia nô nào giàu và rảnh như vậy chứ. Thầy lang Nguyễn nói thêm mấy câu nữa rồi cùng chúng tôi đi ra ngoài. Một buổi sáng lại công cốc… thế nhưng khi đi ra ngoài mấy bước đột nhiên tôi bỗng sực nhớ ra. Sáng nay cậu Bảo có nói cái Hương có em trai đang học trên huyện và tầm tuổi thằng Tý sao? Mười hai đến mười bốn tuổi… Phải rồi sao tôi lại không nghĩ ra điều này, nếu cái Hương không tự đi, nó có thể nhờ người mà. Mà một người cẩn thận như cái Hương, không mua ma hoàng dưới làng mua tận trên đây cũng không có gì là lạ. Tôi khẽ quay sang cậu Bảo thảng thốt nói:

– Cậu… em trai… em trai cái Hương học ở trường huyện đúng không?

– Đúng vậy.

– Cậu có biết tên tuổi nó không?

– Biết tên vì hôm nay em bảo điều tra kỹ mà.

– Vậy cậu thử sang bên trường học hỏi thử xem, nếu được có thể hoạ lại rồi mang bức tranh đó đến đây thử hỏi ông Bính xem có phải là nó không?

Cậu Bảo dù sao cũng là mệnh quan triều đình, tuy chưa nhậm chức nhưng việc đến trường hỏi về em cái Hương thì cũng không có gì là khó khăn. Cậu Bảo nghe xong gật đầu cùng một tên lính chạy sang. Tôi với thầy lang Nguyễn thì ngồi ở quán nước chờ. Trong lúc chờ tôi vẫn chưa nghĩ ra được gì, bí quá đành ngồi uống một cốc nước rồi quay sang thầy lang Nguyễn hỏi vu vơ:

– Con thầy đã khỏi ốm chưa ạ?

– Cháu cũng đỡ rồi, nhưng vẫn hơi sốt.

– Vâng… mà nãy thấy ông Bính có nhắc đến chu sa. Chu sa là gì thế thầy?

– Chu sa là cái khoáng vật ở Trung Quốc mà đông y cũng có thể dùng làm thuốc chữa bệnh được, bột của nó màu đỏ. Có điều loại này dùng phải cẩn thận vì nếu gặp nhiệt độ cao thì sẽ sinh ra thuỷ ngân rất độc, mà uống lâu dài cũng độc, nói chung là dùng với lượng vừa phải theo đúng chỉ dẫn thì là bài thuốc quý, dùng mà không đúng thì độc tố phát huy, lợi chẳng thấy chỉ thấy hại.

Thuỷ ngân, mới nghe đến đây tự dưng người tôi cũng run lẩy bẩy. Hai từ thuỷ ngân gắn với miếng ngọc bội, gắn với cái Hương nên nhắc là tôi đã thấy khiếp đảm. Nếu như cậu công tử kia thực sự là em cái Hương thì mua chu sa với số lượng lớn về làm gì nhỉ? Giả dụ cái Hương mua chu sa về trộn vào nước với gạo sau đó nấu lên sẽ gây hại… thì cũng không đúng. Vì bột chu sa màu đỏ, trộn vào gạo hay nước phát hiện đâu có khó? Khi còn đang suy nghĩ thì cậu Bảo đã về, cậu không cầm bức hoạ nào hết tay không đi vào rồi nói:

– Dung!

– Cậu không tìm được cậu ta à? Hay không vẽ?

Cậu Bảo lắc đầu đáp:

– Không phải, tôi đã tìm được…

– Vậy sao không… không vẽ cậu ta sao?

– Không cần, vì cậu ta đúng là người đi mua ma hoàng. Nhớ lúc nãy gia nô của ông Bính có nói cậu ta có một vết sẹo dài trên thái dương. Tôi đến hỏi thì nhà trường có nói người có vết sẹo dài trên thái dương chỉ có một người duy nhất là cậu ta. Hôm nay cậu ta đi về nhà nên không thể vẽ được, nhưng với những gì ông chủ tiệm thuốc nói thì trùng khớp hoàn toàn. Cậu ta mười bốn tuổi, nhà có điều kiện, lại có một vết sẹo trên thái dương, nếu muốn chắc ăn hơn có thể hỏi ông chủ tiệm thuốc xem có phải cậu ta còn có một nốt ruồi ở khoé mắt không.

Tôi nghe đến đây, liền chạy một mạch vào trong hỏi lại ông Bính. Nghe tôi miêu tả ông ta liền gật đầu đáp:

– Đúng vậy. Cậu ta có nốt ruồi đen ngay khoé mắt trái.

Tôi gật đầu cảm ơn ông chủ tiệm thuốc rồi đi ra ngoài. Ma hoàng thực sự là cái Hương làm rồi. Tôi run rẩy lảo đảo bám vào tay cậu Bảo. Vậy còn chu sa mua nửa tháng trước. Tôi tin không dưng lại đi mua chu sa với lượng lớn như vậy. Ắt hẳn con Hương này lại có mục đích gì rồi. Nhưng chu sa không tìm thấy ở những thứ tôi nghi vấn vậy nó nằm ở đâu cơ chứ? Thầy lang Nguyễn nhìn tôi khẽ nói:

– Nếu đã tìm được thứ cần tìm tôi xin phép đi về trước. Hy vọng cô cậu sớm tìm ra kẻ chủ mưu hại bà cả.

Tôi gật đầu gượng cười chào ông. Trong đầu vẫn chưa hết rối rắm. Chu sa… chu sa rốt cuộc có đang bị con Hương dùng để tiếp tục hãm hại tôi và bà cả không. Nhưng nó ở đâu? Tôi cố day trán, con Hương có thể cho thuỷ ngân vào ngọc bội… đột nhiên tôi bỗng oà lên chạy ra chỗ ông lang Nguyễn hỏi:

– Thầy ơi, ban nãy thầy có nói chu sa gặp sức nóng sẽ sinh ra thuỷ ngân đúng không ạ?

– Đúng vậy, nên lúc dùng chu sa làm thuốc cũng phải dùng nước sôi để nguội. Sao vậy?

Tôi kinh hãi, run run đáp lại:

– Dạ không, cảm ơn thầy ạ. Nếu được, sáng mai thầy có thể xuống làng Vân một buổi được không?

– Được. Mai tôi cũng có bệnh nhân dưới đó

Tôi gật đầu chào thầy Lang Nguyễn rồi đi về phía cậu Bảo. Hôm trước bà cả có nói con Hương tặng một bộ bát đũa. Ở nhà ông Lý luôn có một cái bát vàng để ăn riêng, bộ bát kia tặng thì chỉ có tôi bà cả cậu Bảo và cái Mít vú Bảy ăn cùng nhau. Vì bát tặng phải đi theo bộ, nên nó tặng cả chục cái để cả nhà cùng ăn, nếu tôi nhớ không nhầm hôm tặng bát cũng là hôm con Hương ra móc họng để nôn. Nghe nói con Hương mua bộ bát đó cho cả dinh của nó, thực sự bộ bát đó có chứa bột chu sa? Chẳng phải ông lang Nguyễn nói rồi sao, dưới sức nóng chu sa sẽ sinh ra thuỷ ngân, mà nhà này có một thói quen trước khi ăn đều tráng bát bằng nước sôi, cơm cũng phải ăn nóng, canh cũng phải ăn nóng. Trời lúc này cũng đã đổ quá nửa chiều. Chiều nay bà cả sẽ từ bên quan viên về, tầm chỉ hơn một canh giờ nữa là bữa cơm chiều rồi. Tôi không còn nghĩ được gì, nắm tay cậu Bảo run rẩy nói:

– Cậu Bảo, cậu Bảo, về nhà thôi cậu. Nhanh lên.

– Có chuyện gì vậy.

– Đi, về rồi em sẽ nói, nhưng phải về trước đã. Nhanh lên cậu ơi.

Trời mỗi lúc một xế bóng, ruột gan cũng nóng như lửa đốt, liệu rằng có kịp về tới nhà không đây?

***
Bình Luận (0)
Comment