Tình Mẫu Đơn

Chương 19

Đã ba năm ròng tôi sợ gặp Nhân. Nhưng khi gần đến lễ Thất Tịch năm nay, tôi hay nghĩ về Ngưu Lang Chức Nữ và câu chuyện toàn bộ chim ác là ở trần gian dựng nên một cây cầu để họ gặp gỡ trong đêm đặc biệt này. Liệu Nhân và tôi cũng có thể có một đêm đoàn tụ không? Giờ tôi đã học được nhiều điều; tôi sẽ không làm tổn hại chàng.

Vì thế hai hôm trước ngày Thất Tịch, và cũng là kỷ niệm tròn mười hai năm ngày tôi và Nhân lần đầu gặp gỡ, tôi rời Cô Đảo và lên núi Vu Sơn đến nhà chàng. Tôi chờ bên ngoài cánh cổng tới khi chàng rời trang viên. Với tôi chàng vẫn như xưa, vẫn vô cùng anh tuấn. Tôi thưởng thức mùi hương, giọng nói và cả sự hiện diện của chàng.

Tôi dán mình vào vai chàng để được kéo theo khi chàng tới một hiệu sách rồi trò chuyện với một đám đàn ông. Sau đó, chàng cứ thao thức không yên. Chàng uống rượu và đánh bạc suốt đêm. Tôi bám theo khi chàng về nhà. Không ai động đến phòng ngủ từ khi Trắc mất. Chiếc đàn tranh của nó vẫn nằm trên giá trong góc phòng.

Nước hoa, bút lông và đồ trang điểm tóc bám đầy bụi và tơ nhện trên bàn phấn của nó. Chàng dậy muộn, lôi những cuốn sách của nó trên giá xuống, mở ra. Chàng đang nghĩ về nó, về tôi hay cả hai? Nhân ngủ đến quá bữa trưa, thức dậy và lặp lại đúng những hoạt động ngày hôm trước.

Rồi vào ngày Thất Tịch, ngày lẽ ra là sinh nhật lần thứ hai mươi tám của tôi, Nhân dành buổi chiều ở bên mẹ chàng. Bà đọc thơ cho chàng nghe, rót trà cho chàng. Bà vỗ nhẹ vào gương mặt ủ rũ của chàng. Đến bây giờ tôi chắc chắn rằng chàng đang nhớ tôi. Sau khi mẹ chàng đi nghỉ, Nhân lại xem qua những cuốn sách của Trắc.

Tôi trở về vị trí cũ của mình trên xà nhà, những cảm giác ăn năn hối tiếc về Nhân, Trắc và về cuộc sống và cái chết của bản thân lớp lớp tràn qua. Tôi đã thất bại ở rất nhiều phương diện và giờ lại thấy chàng thi nhân của mình cứ mở hết cuốn sách nọ đến cuốn sách kia, tâm trí chìm sâu vào quá khứ như thế này lòng tôi đau đớn quá đỗi.

Tôi nhắm mắt lại để khỏi phải khổ tâm vì những điều đang thấy. Tôi lấy tay bịt đôi tai chưa bao giờ thích ứng với tiếng động trần gian lại, nhưng vẫn nghe thấy tiếng những trang giấy lật giở, mỗi trang là một gợi nhắc về điều tôi và Nhân đã để mất. Khi chàng kêu lên đau đớn phía bên dưới, âm thanh xẻ dọc người tôi.

Tôi mở mắt và nhìn xuống. Nhân ngồi trên mép giường, tay cầm hai trang giấy rời, bên cạnh chàng là cuốn sách để mở, chúng đã được lấy từ đó ra. Tôi trượt thẳng xuống và đến bên chàng. Chàng cầm hai trang giấy thuật lại bản bình chú đã được viết ra như thế nào, hai trang mà Trắc đã tàn nhẫn xé khỏi bản Mẫu Đơn Đình chung của chúng tôi.

Đây là bằng chứng Nhân cần để biết rằng Trắc và tôi đã cùng làm việc. Tôi mừng rỡ, nhưng trông Nhân không có vẻ vui sướng hay thanh thản gì cả. Chàng gập các trang giấy lại, nhét vào áo dài rồi đi vào màn đêm có tôi bám trên vai. Chàng chen lấn qua các con phố tới khi đến một ngôi nhà mà tôi không biết.

Người ta cho chàng vào và dẫn tới một căn phòng đầy đàn ông, họ đang đợi vợ mình hoàn tất các nghi lễ và các cuộc thi tài trong dịp Thất Tịch để có thể ngồi dự tiệc. Không khí mù mịt đầy hương khói và thoạt tiên Nhân không nhận ra ai cả. Rồi Hồng Thăng, người có mặt tại nhà cháu gái của Nhân trong ngày tôi lần đầu du ngoạn, đứng lên và tiến lại.

Nhận thấy Nhân không đến đó để tham gia hội hè đình đám, Hồng Thăng một tay xách đèn dầu, tay kia cầm hai cái ly và bầu rượu, rồi hai người đàn ông bước ra một chiếc đình trong vườn và ngồi xuống. “Tiên sinh đã dùng bữa chưa?” Hồng Thăng hỏi. Nhân lịch thiệp nghiêng người rồi mở lời, “Tôi đến...” “Cha ơi!” Một bé gái còn nhỏ đến mức chưa được bó chân chạy tới trèo vào lòng Hồng Thăng.

Tôi nhớ là đã thấy vợ anh ta đang mang bầu đứa trẻ này. “Con không phải ở cùng mẹ và những người khác sao?” Hồng Thăng hỏi. Đứa trẻ tỏ ra ngượng nghịu vì sự dửng dưng của mình với những trò thi thố của đàn bà con gái. Nó vươn người lên bá cổ cha và vùi mặt vào vai anh ta.

“Thôi được rồi,” Hồng Thăng bảo, “con có thể ở đây nhưng phải trật tự và khi mẹ tới thì con phải trở vào với mẹ. Không mè nheo. Không khóc lóc.” Đã bao nhiêu lần tôi tìm nơi ẩn náu ở chỗ cha? Liệu bé gái này có nhầm lẫn về cha mình như tôi không? “Tiên sinh có nhớ vài năm trước khi chúng ta tới nhà cháu tôi không?” Nhân hỏi.

“Thẩm và những người khác đã đọc bản bình chú Mẫu Đơn Đình.” “Tôi cũng đã đọc. Tôi đã rất ấn tượng trước tác phẩm của tiên sinh. Đến giờ vẫn thế.” “Hôm đó tôi đã nói với mọi người rằng không phải tôi viết nó.” “Tiên sinh vẫn khiêm tốn. Đó là một đức tính tốt.” Nhân lấy hai tờ giấy ra đưa cho bạn.

Hồng Thăng nghiêng giấy trước ánh đèn mà đọc. Khi đọc xong, anh ta nhìn lên hỏi, “Có thật không?” “Đó luôn là sự thật nhưng không ai chịu nghe cả.” Nhân gục đầu. “Giờ tôi muốn nói điều đó với mọi người.” “Giờ tiên sinh thay đổi câu chuyện thì ích gì chứ?” Hồng Thăng hỏi.

“Trong trường hợp tốt đẹp nhất, tiên sinh sẽ trở thành một kẻ ngu ngốc, còn tệ nhất thì sẽ thành một kẻ cố ngợi ca tiếng tăm của đám đàn bà.” Hồng Thăng nói đúng. Điều tôi cho là một phát hiện tuyệt vời càng giam hãm Nhân sâu hơn trong đau buồn và tuyệt vọng. Chàng cầm bầu rượu rót cho mình một ly uống cạn.

Khi chàng chộp lấy bầu rượu lần nữa, Hồng Thăng giật khỏi tay chàng. “Bạn tôi ơi,” ông nói, “tiên sinh cần trở lại với tác phẩm của chính mình, cần quên đi nỗi đau của tiên sinh, và bi kịch của cô gái đó cũng như của vợ tiên sinh.” Nếu Nhân quên thì chuyện gì sẽ xảy đến với tôi? Nhưng giữ chúng tôi trong lòng là một sự dày vò đối với chàng.

Tôi đã thấy điều này trong nỗi cô đơn của chàng, khi chàng uống rượu và trong cách chàng âu yếm cầm những cuốn sách của Trắc. Nhân phải vượt qua nỗi buồn và quên chúng tôi đi. Tôi rời khỏi đình, lòng tự khỏi không biết tôi còn gặp lại chàng nữa không? Một mảnh trăng treo trên bầu trời đêm.

Không khí ẩm thấp và ấm áp. Tôi bước đi, bước đi mãi, tin rằng mỗi bước chân sẽ đem tôi dấn sâu hơn vào chốn lưu đày. Cả đêm tôi quan sát bầu trời song chẳng hề thấy Chức Nữ và Ngưu Lang gặp gỡ. Và tôi không biết Nhân làm gì với hai trang giấy đó. Chỉ một tuần sau đó là đến lễ Vu Lan.

Sau rất nhiều năm, tôi đã biết mình là ai và cần làm gì. Tôi chen lấn. Tôi xô đẩy. Tôi tọng vào miệng bất cứ cái gì chộp được. Tôi đi từ nhà này tới nhà khác. Và như thường lệ, tôi thấy mình lại ở trước trang viên nhà họ Trần. Tôi đang vục mặt vào một bát vỏ dưa để lâu đến nỗi đã mềm nhớt thì nghe ai đó gọi tên mình.

Tôi làu bàu, nhìn xung quanh và đối mặt với mẹ tôi. Má bà đánh phấn trắng và bà mặc trên người rất nhiều lớp áo làm bằng thứ lụa đẹp nhất. Bà bước giật lùi khi thấy đúng là tôi. Nỗi kinh hoàng tràn ngập mắt bà. Bà ném tiền vàng vào tôi và lùi lại mấy bước, vấp phải đuôi áo dài lê thê của mình ngã lăn ra.

“Mẹ ơi!” tôi hối hả tới bên và giúp bà đứng lên. Làm thế nào mà bà thấy tôi được? Một điều kỳ diệu đã xảy ra ư? “Tránh ra!” bà ném thêm tiền vào tôi, những kẻ ở âm ty bò tới chộp lấy thèm thuồng. “Mẹ ơi, mẹ ơi...” Bà lại bắt đầu từ từ dịch ra xa, nhưng tôi ở bên bà.

Lưng bà chạm vào tường của tòa trang viên phía bên kia phố. Bà nhìn hết bên này đến bên kia, hy vọng tìm ra một lối thoát. Nhưng bà bị những kẻ muốn có thêm tiền vây kín. “Cho họ thứ họ muốn đi mẹ,” tôi bảo. “Ta không còn nữa.” “Thế thì cho họ thấy đi.” Mẹ chìa đôi bàn tay không ra rồi thò vào trong y phục để chỉ cho họ thấy bà không giấu giếm gì ngoài một cặp khóa hình con cá.

Những hồn ma và sinh linh khác, bị cái đói thúc đẩy, quay đi và nhốn nháo trở lại bàn thờ. Tôi vươn tay chạm vào má bà. Nó mềm và lạnh lẽo. Bà nhắm mắt lại. Cả người run lên vì hoảng sợ. “Mẹ, sao mẹ lại ở đây?” Bà mở mắt ra và nhìn tôi hoang mang. “Mẹ đi với con nào,” tôi bảo.

Tôi đỡ khuỷu tay bà dẫn tới góc trang viên nhà chúng tôi. Tôi nhìn xuống. Cả hai chúng tôi đều không hắt bóng nhưng tôi không chịu nhận thức điều đó. Tôi vòng rộng ra ngoài để tìm góc vườn ở ven hồ. Khi thấy bàn chân cả hai chúng tôi không để lại dấu trên bùn nhão và váy không bị vấy bẩn, tôi khép tim mình lại trước điều đang ở ngay trước mắt.

Chỉ khi nhận ra mẹ không thể bước hơn mười bước mà không lắc lư thì tôi mới chấp nhận sự thật. Mẹ tôi đã chết và đang lang thang, chỉ có bà là không biết điều đó. Chúng tôi đến Vọng Nguyệt Đình. Tôi giúp bà lên rồi bước đến bên cạnh. “Ta nhớ nơi này, hồi trước ta vẫn thường tới đây với cha con,” mẹ bảo.

“Nhưng con không được ở đây còn ta nên quay lại. Ta cần phải chuẩn bị đồ cúng tết Nguyên Đán.” Vẻ bối rối lại hiện trên nét mặt bà. “Nhưng đó là dành cho các vị tổ tiên, còn con...” “Một con ma đói, con biết thưa mẹ. Và bây giờ không phải là tết Nguyên Đán.” Chắc là mẹ tôi mới mất, vì bà vẫn rất bối rối và nhầm lẫn hoàn toàn.

“Sao có thể thế được? Con có bài vị. Cha con đã sai làm một cái mặc dù điều đó ngược với truyền thống.” Bài vị của tôi... Bà nội bảo tôi không thể làm gì để nó được điểm lên, nhưng có lẽ tôi có thể nhờ mẹ giúp. “Lần cuối mẹ thấy nó là khi nào ạ?” tôi hỏi, cố giữ giọng bình thường.

“Cha con mang nó tới kinh thành cùng ông ấy. Ông ấy không chịu nổi bị chia lìa với con.” Tôi sắp sẵn trong đầu những lời lẽ để kể với bà điều gì đã thực sự xảy ra, nhưng cố gắng mấy thì những lời ấy cũng không bật khỏi miệng được. Một cảm giác bất lực khủng khiếp tràn qua tôi.

Tôi có thể làm nhiều việc nhưng không phải việc này. “Con vẫn hệt như hồi trước,” mẹ nói sau một hồi lâu, “nhưng ta thấy nhiều điều trong mắt con. Con đã trưởng thành. Con đã thay đổi.” Tôi cũng thấy nhiều điều trong mắt bà: nỗi buồn phiền, sự cam chịu và hối lỗi. Chúng tôi ơ Vọng Nguyệt Đình ba ngày.

Mẹ không nói nhiều và tôi cũng vậy. Lòng bà cần lắng dịu để hiểu rằng mình đã chết. Dần dần, bà nhớ ra mình đang chuẩn bị làm lễ cho lũ ma đói thì sụp xuống sàn bếp. Bà dần nhận thấy hai phần hồn khác của mình, một phần chờ được chôn cất, một phần đang tới thế giới bên kia.

Phần hồn thứ ba ở cùng tôi được tự do lang thang, nhưng mẹ do dự không muốn rời khỏi Vọng Nguyệt Đình. “Ta không ra ngoài đâu,” mẹ bảo vào đêm thứ ba khi những bóng hoa rung rinh quanh chúng tôi, “và con cũng không nên ra. Con thuộc về ngôi nhà, ở đó con sẽ an toàn.” “Mẹ ơi, đến giờ con đã lang thang một thời gian dài rồi ạ.

Chưa có gì...” tôi thận trọng cân nhắc lời lẽ, “chưa có gì tồi tệ xảy ra với con cả.” Mẹ chằm chằm nhìn tôi. Bà vẫn đẹp: mảnh dẻ, tao nhã, thanh thoát nhưng bị phiền muộn thấm sâu, tạo nên vẻ duyên dáng và nghiêm trang. Sao lúc còn sống tôi lại không nhận ra điều này chứ? “Con đã tới làng Cổ Đương thăm những ruộng dâu của chúng ta,” tôi nói.

“Con đã đi du ngoạn. Con thậm chí còn tham gia một thi xã. Mẹ đã nghe nói đến Tiêu Viên Ngũ Tử chưa ạ? Chúng con đi thuyền trên hồ. Con đã giúp họ sáng tác.” Tôi có thể kể với bà về công trình của mình, tôi đã mất nhiều công sức thế nào, và chồng tôi đã đạt được danh tiếng nhờ nó ra sao.

Nhưng bà không biết về nó khi tôi sống và khi chết tôi đã theo đuổi nó quyết liệt đến nỗi khiến Trắc mất mạng. Mẹ sẽ không tự hào về tôi; bà sẽ phẫn nộ và hổ thẹn. Nhưng cứ như thể bà đã không nghe tôi nói chút nào khi bà nói, “Ta chưa bao giờ muốn con ra ngoài. Ta đã cố gắng bảo vệ con.

Có rất nhiều thứ ta không muốn con biết. Cha con và ta không muốn ai biết cả.” Bà thò tay vào trong y phục và lần mò những chiếc khóa giấu kín của mình. Các thím tôi hẳn đã đặt chúng vào đó khi sửa soạn an táng. “Ngay từ trước khi con ra đời, ta đã mơ về con, mơ về con khi trưởng thành...” bà nói tiếp.

“Khi con lên bảy, con làm bài thơ đầu tiên và nó thật tuyệt vời. Ta muốn tài năng của con vút bay như chim trời nhưng khi điều đó xảy ra ta lại hoảng sợ. Ta lo lắng chuyện gì sẽ xảy đến với con. Ta thấy những cảm xúc của con gần đến mức chạm tới được và ta biết con sẽ không mấy hạnh phúc trong đời.

Đây là lúc ta nhận ra bài học thực sự của câu chuyện Ngưu Lang Chức Nữ. Sự thông minh tài hoa và tài năng dệt cửi của Chức Nữ đã không làm nàng hết phiền muộn, nó tạo ra phiền muộn. Nếu nàng không giỏi dệt vải cho các vị thần tiên đến thế thì nàng đã được sống mãi với Ngưu Lang dưới trần gian rồi.” “Con luôn nghĩ rằng mẹ kể câu chuyện đó vì nó lãng mạn.

Con đã không hiểu.” Tiếp sau đó là một hồi lâu im lặng. Cách bà hiểu câu chuyện thật u ám và tiêu cực. Có quá nhiều điều tôi không biết về bà. “Mẹ ơi, mẹ kể đi. Chuyện gì đã xảy ra với mẹ thế?” Bà ngoảnh đi. “Giờ chúng ta rất an toàn,” tôi nói và khoát tay ra xung quanh.

“Chúng ta ở Vọng Nguyệt Đình của nhà mình. Lũ dế đang gáy còn mặt hồ trải ra mát mẻ và yên bình trước mặt. Chẳng điều gì xấu xảy ra cho bất cứ ai trong chúng ta ở đây cả.” Nghe thế mẹ mỉm cười, rồi bà ngập ngừng bắt đầu. Bà hồi tưởng lại khi mình được gả vào Trần gia và những chuyến du ngoạn cùng mẹ chồng, chuyện viết lách và ý nghĩa của nó đối với bà, về việc sưu tập tác phẩm của các nữ thi sĩ bị lãng quên, những người đã viết trong một khoảng thời gian lâu gần bằng tuổi của đất nước.

Tôi nhìn thấy và cảm thấy mọi thứ khi mẹ kể. “Đừng bao giờ để họ nói với con rằng phụ nữ không sáng tác. Phụ nữ có làm điều đó,” bà nói. Con có thể trở lại hơn hai ngàn năm trước, tới Kinh Thi và thấy nhiều bài thơ trong đó là do phụ nữ viết ra. Chúng ta có nên cho rằng họ làm những bài thơ đó chỉ bằng cách mở miệng và tuôn ra ngôn từ một cách thiếu suy xét? Dĩ nhiên là không.

Đàn ông tìm kiếm danh tiếng với những gì họ viết ra, các bài diễn thuyết, chép sử, dạy bảo ta phải sống thế nào, nhưng chúng ta là những người giữ cảm xúc, những người thu nhặt các mảnh vụn còn lại của những ngày có vẻ như vô nghĩa, những người chạm tới vòng quay cuộc sống và nhớ chuyện đã xảy ra trong gia đình.

Ta hỏi con, Mẫu Đơn, thế có quan trọng hơn là viết bát cồ văn cho nhà vua không?” Bà không chờ câu trả lời. Và tôi nghĩ thậm chí bà không cần một câu trả lời. Bà kể về những ngày trước Đại biến và chuyện xảy ra khi nó đến, và tất cả đều khớp với những gì bà nội đã kể cho tôi.

Mẹ dừng lại ở đoạn họ tới vọng đình cho các thiếu nữ nhìn ra ngoài và bà thu lại tất cả vàng bạc nữ trang của những người khác. “Chúng ta vui sướng khi ở bên ngoài,” mẹ nói, “nhưng chúng ta không hiểu rằng có một khác biệt lớn giữa tự ý rời khu nhà trong của mình với bị buộc phải ra ngoài.

Chúng ta được dạy bảo phải cư xử thế nào và phải làm gì: phải sinh con trai, phải hy sinh bản thân cho chồng và con trai, rằng chết còn tốt hơn là mang lại hổ thẹn cho gia đình. Ta tin tất cả những điều đó. Ta vẫn còn tin.” Mẹ dường như thanh thản hơn vì rốt cuộc cũng có thể nói điều này.

Nhưng bà vẫn chưa tiết lộ điều tôi muốn biết. “Chuyện gì đã xảy ra sau khi mẹ rời khỏi vọng đình ấy?” tôi nhẹ nhàng hỏi. Tôi cầm tay bà siết chặt. “Dù mẹ có nói hoặc làm bất cứ điều gì, con sẽ vẫn yêu mẹ. Mẹ là mẹ con. Con sẽ luôn yêu mẹ.” Mẹ chăm chú nhìn ra ngoài qua hồ nước tới khoảng hồ tan biến trong sương mù và bóng tối.

“Con chưa từng kết hôn,” cuối cùng bà nói, “vì thế con không hiểu chuyện mây mưa. Nó rất tuyệt vời với cha con, ông ấy tạo ra mây và mưa rơi xuống, như thế chúng ta gắn với nhau như một linh hồn chứ không phải hai.” Tôi biết về chuyện mây mưa nhiều hơn những gì tôi kể với mẹ, nhưng tôi không hiểu cho lắm bà đang nói về cái gì.

“Điều bọn lính làm với ta không phải là mây mưa,” bà nói. “Nó cục súc, vô vị, không thỏa mãn ngay cả đối với chúng. Con có biết rằng khi ấy ta đang mang bầu không? Con không thể biết. Ta chưa kể với ai trừ cha con. Ta đang ở tháng thứ năm. Đứa trẻ không lộ ra dưới lớp áo dài và váy ta mặc.

Cha con và ta nghĩ chúng ta sẽ đi chuyến cuối cùng trước khi ta ở cữ. Vào đêm cuối cùng ở Dương Châu chúng ta sẽ báo cho ông nội con biết. Chuyện đó đã không bao giờ xảy ra.” “Bởi vì bọn Mãn Châu đến.” “Bọn chúng muốn phá hủy mọi thứ quý giá của ta. Khi chúng bắt cha và ông nội con, ta biết bổn phận của mình là gì.” “Bổn phận ấy ạ? Mẹ nợ gì họ chứ?” tôi hỏi và nhớ lại nỗi cay đắng của bà nội.

Bà nhìn tôi ngạc nhiên. “Ta yêu họ.” Tâm trí tôi khuấy động theo bà. Bà vểnh cằm lên một cách tự nhiên. “Bọn lính thu lấy đồ nữ trang rồi bắt ta. Ta bị rất nhiều tên hãm hiếp nhiều lần nhưng thế vẫn chưa đủ với chúng. Chúng đánh ta bằng má gươm tới khi da ta nứt ra.

Chúng đá vào bụng ta nhưng không làm xây xước mặt mày.” Khi mẹ nói, sương mù tụ trên hồ chuyển thành mưa bụi và cuối cùng trời đổ mưa to. Hẳn bà nội đang lắng nghe trên Vọng Hương Đài. “Tưởng chừng như cả ngàn con quỷ đang dẫn ta tới chỗ chết nhưng ta đã nuốt nỗi đau khổ vào và giấu nước mắt đi.

Khi ta bắt đầu chảy máu trong, bọn chúng bước lùi lại và quan sát ta bò quềnh quàng khỏi chỗ chúng vào đám cỏ. Sau đó chúng bỏ ta lại. Khi con trai ta lọt lòng, ba trong số những tên đã cưỡng đoạt ta tiến đến. Một tên cắt dây rốn rồi đem con ta đi. Một tên nâng thân thể ta đang trong cơn co bóp đẩy nhau thai ra.

Và tên cuối cùng cầm tay ta lẩm bẩm bằng thứ phương ngữ mọi rợ của hắn. Tại sao chúng không giết ta luôn đi? Chúng đã giết rất nhiều rồi, thêm một người đàn bà nữa có là gì đâu?” Tất cả những chuyện này xảy ra vào đêm cuối cùng của cuộc Đại biến, khi lũ đàn ông đột nhiên nhớ ra mình là ai.

Bọn lính đốt vải bông cùng với xương người và dùng tro ấy để trị thương cho mẹ tôi. Rồi chúng mặc cho bà một tấm áo dài lụa thô sạch sẽ và tìm trong đống của cải cướp được một ít vải nhét vào giữa hai chân bà. Nhưng chúng đâu có lòng dạ tử tế gì cho cam. “Ta đã nghĩ là chúng nhớ tới mẹ, chị em gái, vợ và con gái chúng.

Nhưng không, chúng đang nghĩ về ta như một phần thưởng.” Những chiếc khóa bên trong y phục mẹ kêu lách cách khi mẹ lo lắng mó vào chúng. “Chúng bàn cãi xem ai trong số chúng sẽ sở hữu ta. Một tên muốn bán ta vào lầu xanh. Một tên muốn giữ ta làm nô tỳ. Tên cuối cùng muốn ta làm thiếp.

‘Cô ta không tệ đâu,’ tên muốn bán ta bảo. ‘Tao sẽ trả hai mươi lạng bạc nếu mày để tao giữ cô ta.’ ‘Ta sẽ không để cô ta đi nếu ít hơn ba mươi lạng,’ tên muốn ta làm nô tỳ quát tháo. ‘Cô ta trông như sinh ra để ca hát nhảy múa chứ không phải để dệt cửi quay tơ,’ tên đầu tiên lý sự.

Và sự việc cứ thế tiếp diễn. Ta mới chỉ mười chín tuổi và sau mọi chuyện đã xảy ra và mọi chuyện sẽ còn xảy ra thì đây là khoảnh khắc u ám nhất. Việc bán ta làm cô dâu cho cả vạn người đàn ông thật khác xa những vụ buôn bán phụ nữ để làm vợ, tỳ thiếp hay người hầu bình thường khác.

Bán hay đổi chác ta có khác gì buôn bán muối không? Phải, vì là phụ nữ nên ta còn chẳng giá trị bằng muối.” Sáng hôm sau, một viên tướng Mãn Châu cấp cao mặc áo đỏ với thanh trường kiếm dắt lưng đến cùng một mụ đàn bà Mãn Châu chân to, tóc thắt thành bím phía sau và cài hoa trên thái dương.

Hai tên này là quân do thám của một hoàng tử Mãn Châu. Họ mang mẹ khỏi tay bọn lính và đem trở về trang viên mẹ đã bị bắt về đêm hôm trước cùng với bà nội, đám tỳ thiếp và những người phụ nữ đã bị chia lìa khỏi gia đình mình. “Sau bốn ngày mưa gió và giết chóc,” mẹ nhớ lại, “mặt trời hiện ra nung nóng tòa thành.

Mùi tử thi hôi thối khiến người ta choáng váng nhưng phía trên chúng ta bầu trời mờ xanh bất tận. Ta chờ đến lượt mình bị khám xét, xung quanh ta, đám phụ nữ kêu khóc rên rỉ. Tại sao chúng ta không tự vẫn? Vì chúng ta không có dây thừng, không có dao, không có vách đá. Rồi ta được mang ra trước mụ đàn bà Mãn Châu hôm trước.

Mụ xem xét tóc, cánh tay, lòng bàn tay và ngón tay ta. Mụ sờ vào ngực ta qua lớp y phục và chọc vào cái bụng sưng phồng lên. Mụ kéo váy ta lên để nhìn đôi gót sen, thứ nói lên tất cả về ta, với tư cách một người đàn bà. ‘Ta thấy tài năng của ngươi ở đâu,’ mụ nói vẻ khinh khỉnh.

‘Thôi cô xong rồi.’ Sao một người đàn bà có thể làm vậy với một người đàn bà khác? Ta lại bị dẫn đi và bỏ một mình trong phòng.” Mẹ nghĩ rằng đây có thể là cơ hội để tự vẫn nhưng bà không tìm thấy vật gì để cứa họng. Bà đang ở tầng một nên không thể gieo mình qua cửa sổ.

Dây thừng thì chắc không tìm được, nhưng có áo dài. Bà ngồi xuống xé viền áo. Bà làm được mấy dải vải dài rồi buộc lại với nhau. “Cuối cùng ta đã sẵn sàng, nhưng còn một việc ta cần làm. Ta tìm thấy một mẩu than củi bên lò sưởi, bèn nhặt lên và thử trên bức tường rồi bắt đầu viết.” Khi mẹ bắt đầu đọc những gì bà đã viết, tôi bị xuyên thấu đến tim.

“Những hàng cây lá cành trơ trụi Ngỗng trời kêu tức tưởi phía xa xa Giá huyết lệ ta nhuộm đỏ được mai hoa Chẳng bao giờ ta khiến cây ra chồi...” Tôi cùng đọc hai câu cuối cùng: “Lòng trống trải và đời vô nghĩa rồi. Mỗi khoảnh khắc lệ rơi ngàn hàng.” Bà nội đã bảo tôi rằng mẹ là một thi sĩ tài năng.

Nhưng tôi không biết mẹ lại là nhà thơ nữ nổi tiếng nhất trong tất cả, người đã để lại bài thơ bi thảm này trên tường. Tôi nhìn mẹ băn khoăn. Bài thơ của mẹ đã mở đường tới danh tiếng bất hủ mà Hiểu Khánh, Thang Hiền Tổ và những đại thi hào khác đã đạt được. Không có gì ngạc nhiên khi cha cho phép mẹ lấy bài vị của tôi.

Bà là một phụ nữ hết sức lỗi lạc và tôi lẽ ra đã có may mắn, vinh dự, được bà điểm bài vị cho. Thật quá nhiều lầm lỗi, thật quá nhiều sự hiểu lầm. “Khi viết những câu đó đó ta không biết rằng mình sẽ sống hay sẽ có những người khác, mà hầu hết là đàn ông, sẽ tình cờ bắt gặp, chép lại, xuất bản, phân phát chúng,” mẹ nói.

“Ta chưa bao giờ muốn được biết đến nhờ chúng; ta chưa bao giờ muốn bị coi là háo danh. Ôi Mẫu Đơn ơi, khi nghe con ngâm bài thơ ở Liên Khai Đường, ta hầu như không thở được. Con là giọt máu bé nhỏ duy nhất của ta trong đời, đứa con duy nhất của ta, và ta nghĩ con biết, vì con và ta, là mẹ và con gái, được ràng buộc rất gần gũi.

Ta nghĩ con xấu hổ vì ta.” “Con sẽ không đời nào ngâm bài thơ đó nếu con biết điều ấy. Con sẽ không đời nào làm tổn thương mẹ theo cách đó.” “Nhưng ta rất sợ, ta đã nhốt con trong buồng. Ta đã sống trong ân hận kể từ lúc đó.” Tôi không giúp được gì. Nhưng tôi trách cha và ông nội tôi về những gì xảy ra ở Dương Châu.

Họ là đàn ông. Họ phải làm gì đó chứ. “Làm thế nào mà mẹ có thể trở về với cha sau khi cứu ông ấy và sau khi ông nội dùng bà nội để cứu cả hai bọn họ?” Trán mẹ tôi nhăn lại. “Ta không trở về với cha con; ông ấy đến tìm ta. Ông ấy là lý do cho ta sống và là cách để ta trở thành mẹ con.

Ta làm xong bài thơ. Thắt sợi dây thừng tự làm qua xà nhà và buộc nó quanh cổ, nhưng rồi mụ đàn bà Mãn Châu đó đến đón ta. Mụ rất điên rồ và mạnh tay đánh ta. Nhưng điều đó không lay chuyển được ta từ bỏ kế hoạch của mình. Ta biết nếu không phải lúc đó thì vẫn sẽ có cơ hội về sau.

Nếu chúng giữ ta cho mấy hoàng tử Mãn Châu, ta sẽ được cung cấp y phục, nhà cửa, đồ ăn. Ta sẽ luôn có thể tạo ra vũ khí.” Mụ chủ nhà chứa Mãn Châu dẫn mẹ tôi trở lại sảnh chính. Viên tướng ngồi tại bàn. Cha tôi đang quỳ, trán dập trên sàn chờ đợi. “Thoạt tiên ta nghĩ chúng đã bắt được cha con và sắp sửa xử trảm ông,” mẹ nói tiếp.

“Mọi việc ta đã làm và mọi chuyện ta đã trải qua chẳng để làm gì. Nhưng ông ấy đến để chuộc ta. Khi những ngày kinh hoàng và tàn sát đã qua, bọn Mãn Châu đang chứng tỏ chúng văn minh thế nào. Rồi chúng hy vọng tạo ra trật tự từ hỗn loạn. Ta nghe họ mặc cả. Ta tê liệt vì đau đớn và khổ sở đến nỗi một hồi lâu mới lấy lại được giọng nói.

‘Phu quân ơi,’ ta bảo, ‘chàng không thể mang em trở về được. Em đã bị hủy hoại.’ Cha con hiểu ý ta nói gì nhưng ông ấy không nao núng. ‘Và em để mất con mình rồi,’ ta thú nhận. Nước mắt lăn xuống má cha con. ‘Ta không quan tâm đến chuyện đó đâu,’ ông ấy bảo. ‘Ta không muốn nàng chết và ta không muốn mất nàng.’ Con thấy đấy, MẫuĐơn, ông ấy giữ lại ta sau những chuyện đã xảy ra.

Ta đã quá tàn tạ, ông ấy có thể đã bán ta hoặc đổi chác ta giống như những kẻ đã cưỡng đoạt ta muốn làm, hoặc ông ấy có thể bỏ mặc ta.” Liệu bà nội có đang nghe điều này không? Bà đã ngăn không cho gia đình có con trai để trừng phạt ông nội và cha tôi. Giờ bà có thấy rằng mình đã lầm không? “Làm sao bà nội con và ta có thể đổ lỗi cho những người đàn ông khi chúng ta làm theo lựa chọn của mình?” mẹ hỏi như thể đang theo suy nghĩ của tôi.

“Cha con đã cứu ta khỏi một số phận khủng khiếp lẽ ra sẽ chấm dứt bằng tự sát.” “Nhưng cha đã phụng sự người Mãn Châu. Làm sao cha có thể làm vậy được? Chẳng lẽ cha đã quên chuyện xảy ra với mẹ và bà nội rồi ư?” “Làm sao mà ông ấy quên được?” mẹ rộng lượng mỉm cười với tôi.

“Ông ấy sẽ không bao giờ quên. Ông ấy cạo trán, bện tóc và mặc y phục Mãn Châu. Cái đó chẳng là gì ngoài một sự trá hình, một bộ trang phục. Ông ấy đã chứng tỏ với ta ông ấy là ai, một người đàn ông trung thành với gia đình mình trên hết thảy.” “Nhưng cha đã tới kinh thành sau khi con chết.

Cha đã bỏ lại mẹ đơn độc. Cha...” Thấy hình như mình đã trở lại quá gần đề tài chiếc bài vị của mình, tôi bỏ lơ lửng câu nói. “Kế hoạch đó đã được đặt ra từ lâu.” Mẹ quay lại thời điểm trước cái chết của tôi. “Con đã được gả đi. Cha rất yêu con. Ông ấy không thể chịu được việc mất con, vì thế ông ấy quyết định nhận một chức quan ở kinh thành.

Sau khi con mất, nỗi mong muốn tránh xa những kỷ niệm về con ở ông ấy thậm chí còn lớn hơn.” Trong một thời gian dài, tôi đã tin rằng cha không phải là một người chính trực. Tôi đã nhầm, ngoài ra tôi còn nhầm lẫn về rất nhiều chuyện khác nữa. Mẹ thở dài và một lần nữa bà đột ngột thay đổi đề tài.

“Ta chỉ không biết điều gì sẽ xảy ra với gia đình ta khi Bảo không sớm sinh con trai.” “Bà nội sẽ không cho đâu ạ.” Mẹ gật đầu. “Ta yêu quý bà nội con nhưng có thể bà đã quá thù hằn. Tuy nhiên, trong trường hợp này thì bà đã nhầm. Bà mất ở Dương Châu và không thấy điều gì đã xảy ra với ta, và bà không ở trên trần gian khi con còn sống.

Cha con yêu thương con. Con là viên ngọc trong tay ông, nhưng ông cần con trai để chăm lo cho tổ tiên. Bà nội con nghĩ điều gì sẽ xảy ra cho mình và các vị tổ tiên nhà họ Trần nếu chúng ta không có con trai, cháu chắt trai để lễ bái? Chỉ có con trai mới làm được việc này. Bà nội con biết thế.” “Cha đã nhận nuôi gã Bảo đó,” tôi nói, chẳng làm gì mấy để che đậy nỗi thất vọng tôi vẫn cảm thấy khi cha đã rất dễ dàng thay thế tôi trong lòng ông.

“Cậu ta phải mất một thời gian để học gia phong, nhưng Bảo tốt với chúng ta. Nhìn xem cậu ta đã chăm lo cho ta như thế nào. Ta được trang bị để đến bất cứ nhà lao vĩnh cửu nào. Ta được cúng đồ ăn. Và ta được cung cấp rất nhiều tiền vàng cho hành trình của mình...” “Cậu ta đã tìm thấy các bài thơ của con,” tôi ngắt lời.

“Và cậu ta đã đến nhà Nhân để bán chúng.” “Giọng con nghe có vẻ giống một bà chị ghen tị,” mẹ bảo. “Đừng cảm nhận theo cách đó.” Bà vuốt nhẹ lên má tôi. Đã rất lâu rồi kể từ ngày tôi nhận được một cử chỉ âu yếm. “Ta đã tình cờ tìm thấy các bài thơ của con khi sắp xếp lại các giá sách của cha con.

Sau khi đọc, ta sai Bảo đem chúng cho chồng con. Ta đã dặn Bảo phải đòi Nhân trả tiền. Ta muốn nhắc nó về giá trị của con.” Bà choàng tay quanh người tôi. “Bọn Mãn Châu đến vùng chúng ta bởi vì nơi đây là vùng giàu có nhất nước, và chúng ta có nhiều thứ dễ bị tấn công phá hủy,” bà nói.

“Chúng biết rằng phá hủy chúng ta sẽ là tấm gương răn đe tốt nhất nhưng đồng thời cũng biết chúng ta có những nguồn lực tốt nhất để phục hồi. Chúng đã đúng ở nhiều phương diện, nhưng làm sao chúng ta có thể khôi phục những gì đã mất mát trong gia đình? Ta trở về nhà và khép cửa lại.

Giờ khi ta nhìn con, ta biết rằng dù người mẹ có cố gắng bao nhiêu cũng không có cách gì bảo vệ con gái. Ta đã giam giữ con từ lúc sinh ra nhưng điều đó không ngăn con được chết yểu. Và giờ, nhìn xem, con đã lên các du thuyền, con đã du hành...” “Và con đã gây hại,” tôi thú nhận.

Sau mọi chuyện bà đã kể với tôi, chẳng lẽ tôi không nợ bà sự thật về việc tôi đã làm với Đàm Trắc sao? “Người chị em chung chồng của con đã chết vì con.” “Ta lại nghe kể khác,” mẹ bảo. “Mẹ Đàm Trắc trách con gái mình không thực hiện bổn phận làm vợ. Nó là kiểu người khiến chồng phải khóc, có đúng không?” Khi tôi gật đầu, bà nói tiếp.

“Con không thể trách cứ bản thân về chuyện Trắc tuyệt thực. Bi kịch này cổ xưa như giới nữ. Không gì quyết liệt và nghiệt ngã bằng việc một người đàn bà bắt chồng chứng kiến mình chết.” Bà ôm lấy mặt tôi trong tay mình rồi nhìn vào mắt tôi. “Con là con gái yêu của ta, bất kể con nghĩ mình đã làm gì.” Nhưng mẹ không biết mọi chuyện.

“Ngoài ra con có lựa chọn gì nào? Mẹ và cha đã bỏ rơi con. Ta cảm thấy phải chịu trách nhiệm đặc biệt. Ta muốn con giỏi thêu thùa, vẽ tranh và chơi đàn. Ta muốn con giữ mồm giữ miệng, giữ vẻ mặt tươi cười và học cách vâng lời. Nhưng hãy nhìn xem chuyện gì xảy ra. Con bay ngay ra khỏi trang viên, con tìm thấy tự do ở đây...” bà trỏ vào trái tim tôi, “ở vị trí của ý thức.” Tôi thấy sự thật trong lời bà.

Mẹ đã đảm bảo cho tôi được học hành cẩn thận để tôi trở thành một người vợ hiền, nhưng trong quá trình đó bà đã tạo cảm hứng cho tôi đi chệch khỏi hình mẫu phụ nữ trẻ thông thường trước ngưỡng cửa hôn nhân. “Con có một trái tim rộng lượng tử tế,” mẹ nói tiếp.

“Con không cần phải hổ thẹn về điều gì cả. Thay vào đó hay nghĩ đến những khao khát, kiến thức, và thứ ở đây, ở trong trái tim con. Mạnh Tử đã dạy rất rõ rằng, thiếu lòng thương xót sẽ không phải là con người; thiếu hổ thẹn sẽ không phải là con người; thiếu ý thức tôn kính sẽ không phải là con người; thiếu ý thức về đúng sai sẽ không phải là con người.” “Nhưng con không phải là con người, con là ma đói.” Đó.

Tôi đã nói với mẹ, nhưng mẹ không hỏi xem chuyện ấy xảy ra như thế nào. Với bà nếu biết hết ngay bây giờ có lẽ là quá nhiều, vì bà hỏi, “Nhưng con đã trải qua tất cả những điều đó, phải không? Con đã cảm thấy thương xót, hổ thẹn, ăn năn và buồn bã vì mọi chuyện xảy ra với Trắc, đúng không?” Dĩ nhiên là vậy.

Tôi đã đưa mình vào chốn lưu đày như một sự trừng phạt cho những gì tôi đã làm. “Người ta kiểm tra nhân tính bằng cách nào?” mẹ hỏi. “Bằng cách xem con có hắt bóng hoặc để lại dấu chân trên cát hay không ư? Thang Hiền Tổ đã cho con câu trả lời trong vở kịch mà con rất yêu thích khi ông ấy viết rằng không ai có thể tồn tại mà không có hỉ, nộ, sầu, kinh, ái, hận và vọng.

Vậy là con đã học được từ Kinh Lễ, từ Mẫu Đơn Đình và từ mẹ rằng, Thất tình là thứ khiến chúng ta là người. Con vẫn có chúng trong mình.” “Nhưng làm sao con có thể thay đổi được những sai lầm đã phạm phải?” “Ta không tin con đã phạm sai lầm. Nhưng nếu có, con phải dùng tất cả những thuộc tính của hồn ma để làm việc tốt.

Con cần tìm ra một cô gái khác, một cô gái mà con có thể sửa chữa cuộc đời nó.” Cô gái đó chợt hiện ra trong tâm trí tôi, nhưng tôi cần sự giúp đỡ của mẹ. “Mẹ có thể đi cùng con không ạ?” tôi hỏi. “Đường rất xa...” Nụ cười của bà tỏa rạng, hắt những tia sáng qua mặt nước hồ tăm tối.

“Đó sẽ là một việc tốt. Ý ta là việc đi lang thang.” Bà đứng lên và nhìn quanh Vọng Nguyệt Đình lần cuối. Tôi giúp bà vượt qua lan can xuống bờ hồ. Bà thò tay vào trong những nếp y phục và lôi những chiếc khóa hình cá ra. Bà lần lượt ném từng chiếc xuống hồ, mỗi chiếc đập vào mặt nước với một chớp sáng câm lặng gửi đi những gợn sóng khó thể nhận ra vào vô tận.

Chúng tôi bắt đầu bước đi. Tôi dẫn mẹ qua thành trấn, váy liệm của bà quết trên mặt đất phía sau. Đến sáng, chúng tôi đã tới vùng nông thôn, những cánh đồng trải ra quanh chúng tôi như một mảnh khăn thêu kim tuyến rắc rối. Những cây dâu rậm rạp tán lá. Những người phụ nữ chân không bó đội mũ rơm và mặc quần áo xanh bạc màu trèo lên cành cây để hái lá.

Bên dưới họ, những người khác, da sạm nắng và khỏe khoắn nhờ lao động, xới gốc cây hoặc mang những rổ lá dâu đi. Mẹ không còn e ngại nữa. Gương mặt bà bừng lên vẻ bình yên và hạnh phúc. Trong những ngày quá khứ xa xưa, bà đã nhiều lần đi trên con đường này cùng cha tôi và bà thích thú nhận ra các dấu mốc quen thuộc.

Chúng tôi trao đổi những bí mật, sự thông cảm và tình yêu thương, tất cả những điều mà chỉ mẹ và con gái mới có thể chia sẻ. Đã từ rất lâu, tôi mong có được tình chị em tri kỷ. Khi còn sống, tôi đã không tìm thấy nó ở khu nhà dành cho phụ nữ với các em họ mình vì bọn chúng không quý mến tôi.

Tôi không tìm thấy nó trên Vọng Hương Đài với những nàng thiếu nữ tương tư, vì nỗi tương tư của họ khác với tôi. Tôi đã không tìm thấy nó với Tiêu Viên Ngũ Tử vì họ không biết rằng tôi tồn tại. Nhưng tôi có nó với mẹ và bà nội. Bất chấp sự yếu đuối và những khuyết điểm của chúng tôi, một sợi chỉ độc nhất đã ràng buộc chúng tôi với nhau: bà nội tôi, bị nhầm lẫn như thế; mẹ tôi, bị tàn phá như thế và tôi, một hồn ma đói thảm thương.
Bình Luận (0)
Comment