Ái Đệ vốn đang trong tình trạng sẵn sàng quay đầu bỏ chạy ra đường, bị Khánh
Đệ kéo đột ngột, suýt nữa thì ngã, chưa kịp lên tiếng trách chị, trong nhà vọng
ra tiếng gầm rung trời, ngay sau đó là giọng bố hét lên chửi mắng, kèm theo
những lời khuyên can lí nhí của mẹ.
Ái Đệ không biết nên vào hay nên đi, chỉ nhìn chị. Khánh Đệ cắn chặt răng,
bước lên hai bậc cầu thang, móc chìa khóa ra chuẩn bị mở cửa. Thấy chị làm thế,
Ái Đệ cũng lo sợ, nấp sau lưng chị. Không ngờ vừa tra chìa vào ổ khóa, cửa đã bị
mở từ bên trong.
"Mẹ cái lũ ăn hại..." Cùng với tiếng quát như sấm của bố là một cái môi múc
canh bay tới. Khánh Đệ còn chưa kịp thắc mắc một người chưa bao giờ xuống bếp
như bố thì lấy đâu ra môi nồi mà ném, đã nhìn thấy mẹ ở phía sau đang ôm chặt bố
để cản lại, vừa khóc vừa cầu xin: "Ông Thẩm, ông Thẩm, đừng đánh các con".
Khánh Đệ và Ái Đệ cùng ngồi thụp xuống để tránh một cú đá quét qua, nhà hàng
xóm đối diện mở hé cửa nhìn trộm một cái rồi vội vàng khép chặt cửa lại. Bên này
Ái Đệ ôm chặt chân bố bị ông đá hất một cái văng ra cách đó mấy bước, Khánh Đệ
lao lên định cướp lấy cái môi múc canh trong tay bố cũng bị ông dùng khuỷu tay
huých một cái. Thấy chồng sắp giáng chiếc môi trong tay xuống đầu Khánh Đệ, mẹ
cô chỉ kịp hét lên gọi tên Khánh Đệ rồi lao tới ôm chặt lấy đầu con, để mặc
chiếc môi giáng sượt qua cằm vào vai mình, chỉ lo sờ soạng khắp mặt Khánh Đệ,
miệng lẩm nhẩm nói: "Không bị thương ở đâu là tốt rồi, tốt rồi".
"Mẹ, mẹ chảy máu rồi." Khánh Đệ sờ cằm mẹ.
"Mẹ kiếp..." Bố Khánh Đệ chửi bằng tiếng địa phương, đẩy vợ ra, một tay nắm
tóc Khánh Đệ một tay túm gáy Ái Đệ, kéo ra phía cửa: "Mau đi nhận tội với bác
gái chúng mày đi!".
Ái Đệ vừa lê chân dưới đất để giãy ra vừa đá vào bắp chân bố: "Là anh họ đánh
chị con trước! Không liên quan gì tới bọn con...".
Bố cô ném Khánh Đệ ra, tát thẳng vào mặt Ái Đệ: "Mày còn cãi nữa".
Ái Đệ bị tát một cái mặt lệch hẳn sang một bên, nước mắt trào ra, cũng chẳng
nghĩ ngợi nhiều, túm lấy tay bố cắn một cái. Bố bị cắn tức điên lên, Ái Đệ nhân
lúc ông nới lỏng tay, đứng bật dậy chạy thẳng ra cửa: "Thẩm Nhị Phong! Ông cút
đi, tôi không bao giờ quay về nữa. Để tên khốn như ông chết không có người đưa
ma".
Nói xong chạy như bay xuống tầng chẳng khác gì một cơn gió.
Khánh Đệ hét lên gọi em, định chạy đuổi theo, thì thấy ông đang tức tối tới
mức nhảy chồm chồm hét: "Cút, đúng là lũ ăn hại!", rồi quay sang nhìn mẹ cô:
"Mày nuôi hai con nghiệt chủng!", nói xong bàn tay to như hộ pháp phóng thẳng
tới.
Ái Đệ ở dưới tầng nghe thấy mấy tiếng hét, vội vàng đứng phắt lại. Nếu không
phải vì mẹ và chị gái, thì cái nhà này có gì đáng để người ta lưu luyến? Nó quệt
những giọt nước mắt thi nhau chảy xuống má, đi thẳng không buồn quay đầu nhìn
lại.
Ra đến cổng khu tập thể, trong làn nước mắt mờ ảo nó thoáng nhìn thấy bóng
một người rất quen. Ái Đệ lùi lại phía sau mấy bước, sau khi nhận rõ là ai, đột
nhiên cảm giác oán, hận, ghét trào dâng lên trong tim, nó chỉ thẳng vào mặt
người đó hét: "Chị đến nhà tôi làm gì? Chị còn tới tìm chị tôi nữa? Chị đã hại
chết bao nhiêu người chị tự tính đi! Còn thấy chưa đủ sao?".
Những lời cay nghiệt và ngón tay đang chỉ thẳng vào Nhạn Lam giống như lưỡi
dao cắt từng thớ thịt trên người cô ấy, Diêu Nhạn Lam hít một hơi thật sâu, nuốt
nỗi oan uổng đang phập phồng trong lồng ngực xuống, cố nở một nụ cười gọi: "Ái
Đệ...".
"Đừng gọi tôi như thế tôi không chịu được." Thẩm Ái Đệ thu ngón tay về, vẻ
mặt tỏ ra chán ghét: "Tôi và chị không quen biết nhau, tôi cũng chẳng dám gây sự
với chị. Tôi lại chẳng có kim cương bảo vệ, sao dám kinh động ngôi sao chổi là
chị chứ".
Thân hình Diêu Nhạn Lam liêu xiêu không vững, khuôn mặt vốn đã trắng bệch
càng thêm xơ xác hơn. Giống như chiếc lá vàng úa héo tàn chuẩn bị lìa cành, vật
lộn trước cơn gió xào xạc, Nhạn Lam muốn phân bua cho mình mấy câu, nhưng lại
chỉ phát ra những tiếng thở yếu ớt từ cổ họng.
"Chị xem, những người có liên quan tới chị chẳng ai có kết cục tốt đẹp cả.
Cảnh Trình chẳng phải vì muốn kiếm tiền trang trải học phí cho chị mà chết trẻ
sao? Anh Khương chẳng phải vì muốn cứu em trai chị, nên giờ mới phải ngồi tù ư?
Chị tôi nếu không phải vì chị và anh Khương, thì có đến nỗi bị anh họ và bố đánh
không?" Dưới ánh trăng vằng vặc, trước mắt Ái Đệ lại như tái hiện hình ảnh cái
tát như trời giáng của bố nó. Không biết bao nhiêu lần, nó chỉ biết quỳ mọp trên
đất, ngước lên nhìn thân hình cao lớn của bố, nỗi tủi nhục run rẩy tràn cả lên
tim. Đột nhiên ánh mắt nó hằn lên vẻ căm hận. "Thẩm Ái Đệ tôi cầu xin chị đấy,
đừng đến gây họa cho chị tôi nữa. Chị hãy sống tốt cuộc sống của chị đi, chị gái
tôi không phải là Bồ tát cứu nạn của chị, bao cay đắng chị tìm chị ấy trút, thì
chị ấy biết trút chúng cho ai?"
Diêu Nhạn Lam nghe thấy thế sững người hồi lâu, sắc trời đêm như làn voan
mỏng, bao trùm lên khuôn mặt xinh đẹp của cô ấy, lại có mây bay tới che mất
trăng, khiến bóng tối âm u phủ tới. Sau đó, cô ấy cười rất tươi, nói: "Chị biết
rồi, em đừng giận nữa. Sau này chị sẽ không tự tiện tới phiền chị em đâu".
Nhạn Lam khách sáo như thế, lửa giận trong lòng Ái Đệ bỗng như lụi tắt, nhất
thời không biết nên trả lời thế nào. Mở miệng định nói: "Thôi bỏ đi, chị cũng
đừng để ý, do tôi nóng giận thôi", thì Diêu Nhạn Lam đã mỉm cười với nó rồi quay
người bỏ đi.
Bóng dáng người ấy liêu xiêu đi trên đường giữa dòng người như một linh hồn,
lúc đi lúc dừng, không biết làm gì, không biết đi đâu. Ái Đệ nhìn mãi nhìn mãi,
đột nhiên thoáng hiện lên suy nghĩ, Diêu Nhạn Lam giờ gầy quá. Trái tim nó bỗng
nhói đau, như có thứ gì đó sắc nhọn đâm vào nơi mềm nhất. Nó muốn gọi chị ta
lại, muốn nói với Nhạn Lam rằng nó không nghĩ như thế, muốn xin lỗi vì những lời
hồ đồ thiếu suy nghĩ của mình. Nhưng từ phía sau vang lên tiếng động cơ xe máy
quen thuộc, Ái Đệ vội lùi lại nấp phía sau cây, định thần lại nhìn rõ là bố
mình, thầm thở phào: "Nguy hiểm quá".
Đợi chiếc xe máy đó đi xa, Ái Đệ nhìn về hướng Diêu Nhạn Lam tìm kiếm, nhưng
không còn thấy bóng dáng đâu nữa.
Vì sự cố ngoài ý muốn đó, nỗi giận dữ trong lòng cũng dần tiêu tan. Ái Đệ vốn
định đến cửa hàng ngủ tạm một tối, thấy bố đã đi, đoán chắc lại đi đánh mạt
chược. Nó lo lắng cho mẹ và chị còn ở trên nhà, nên quay đầu đi vào trong khu
tập thể.
Đi được nửa đường thì gặp Khánh Đệ đang chạy ra tìm mình, Ái Đệ định kể cho
chị nghe chuyện Nhạn Lam tới tìm, nhưng rồi lại thôi. Khánh Đệ nhìn em từ đầu
tới chân, thấy không bị thương ở đâu, lúc này mới yên tâm. Còn về biểu hiện bối
rối khác lạ và ánh mắt né tránh của Ái Đệ, Khánh Đệ không thể đoán được nguyên
nhân do đâu, chỉ cảnh cáo: "Những lời như thế sau này đừng bao giờ nói nữa".
Ái Đệ như bị ai dùng kim châm vào mông một cái, nhảy dựng lên giải thích: "Em
không cố ý nói vậy, vừa rồi là do tức giận…".
"Chị biết. Nhưng những lời như thế rất khó nghe. Gì mà chết gì mà tiễn đưa,
để hàng xóm nghe thấy họ sẽ nghĩ gì?"
Ái Đệ nghệch mặt ra, rồi lập tức thở phào: "Sau này em sẽ không nói nữa".
Về tới nhà, mẹ lại bắt đầu màn oán trách và an ủi. "Ngoan, ngày mai hai đứa
đến nhà bác gái xin lỗi là xong. Anh chị em họ cãi vã xích mích không phải
chuyện hiếm gặp, đều là con cái trong nhà, nói một câu cháu sai cháu xin lỗi là
mọi chuyện lại đâu vào đấy thôi. Hơn nữa, bố con là do một tay bác gái nuôi lớn,
vì tình cảm này mà cúi đầu thì có sao đâu?"
Chị em Khánh Đệ im lặng không nói, mẹ định khuyên tiếp, nhưng Ái Đệ đã chậm
rãi lên tiếng, nói: "Chị, chị đừng đi, để em đi thôi".
Em gái tự dưng nghe lời như thế khiến cả mẹ và cô đều cảm thấy rất ngạc
nhiên. Ái Đệ vặn tay, đăm chiêu nói tiếp: "Quan hệ giữa em và anh họ cũng tốt
hơn, để em đi xin lỗi. Cho dù anh ta nói thật hay đùa thì cửa hàng đối với em
vẫn rất quan trọng. Hơn nữa, nói gì thì nói, giờ không có tiền, vẫn nên nhẫn
nhịn đợi sau này...". Ánh mắt hai chị em nhìn nhau như thấu hiểu suy nghĩ của
đối phương, Ái Đệ cười với cô, lại nói: "Hy vọng xin lỗi rồi, anh ta sẽ bớt
giận, không làm khó người không liên quan nữa", nói xong liền trầm mặc, cúi đầu
nhìn chằm chằm vào mũi giày thầm tự an ủi chính mình: Làm thế có lẽ Diêu Nhạn
Lam sẽ sống vui vẻ hơn một chút.
Khánh Đệ đương nhiên không thể hiểu những suy nghĩ lúc này trong đầu em, thở
dài nói: "Ngày mai hai chị em mình cùng đi".
Sáng sớm hôm sau gọi điện thoại cho bác gái trước, giải thích một lượt chuyện
xảy ra vào hôm kia. "Cháu xin lỗi bác" mấy tiếng đó Khánh Đệ đang mấp máy nói,
thì nghe thấy một hồi chuông điện thoại vang lên, ngay sau đó bác gái nói:
"Khánh Đệ cháu đợi chút, bác nghe điện đã".
Ái Đệ ngồi bên cạnh bĩu môi, Khánh Đệ biết em gái rất thích điện thoại di
động của bác gái, tiện tay giơ lên cốc vào trán nó một cái. Ái Đệ còn đang định
trả đũa, thì nghe thấy một tiếng kêu thất thanh như tiếng lợn kêu vọng ra từ ống
nghe Khánh Đệ đang cầm trên tay, hai chị em vội áp sát vào, đoán là tiếng kêu
của bác gái.
Khánh Đệ và em gái quay sang nhìn nhau, không biết chuyện gì đã xảy ra, cùng
nhớ tới khuôn mặt nung núc đầy thịt của bác gái mỗi khi có chuyện nguy cấp, đôi
lông mày của bác như dựng ngược, một người thì cười người kia lè Iưỡi.
Tiếp theo đó thấy bác gái nhấc ống nghe lên: "Tạm thời không nói tới chuyện
này, Hoài Nguyên đang có chuyện. Trời ơi, kẻ xúi quẩy đấy chết đâu không chết
lại chết trong nhà tôi là sao?", nói một câu không đầu không đuôi xong, bác gái
vội cúp máy.
Khánh Đệ tay vẫn cầm điện thoại đang phát ra những tiếng tút tút liên tục, sự
ngỡ ngàng qua đi, bàn chân bỗng thấy một cảm giác lạnh buốt bò dần lên trên. Cô
hoảng hốt quay sang nhìn em gái, trong ánh mắt đờ đẫn của Ái Đệ, cô cũng đọc
được nỗi sợ hãi hiện ra trong đó.
Cơn ác mộng xảy ra hai năm trước, vẫn còn dây dưa kéo dài cho tới tận tháng
Tám năm nay. Suốt cả tháng Tám, Khánh Đệ gần như sống trong hoảng loạn. Trái tim
cô muốn tìm đến một nơi thật sự an toàn, nhưng những bụi gai trên thế gian này
giăng khắp nơi, trong khó khăn khổ ải vẫn bảo toàn được sự bình thản thì còn gì
bằng?
Khi ngủ cô lúc tỉnh lúc mê, trong giấc mơ đều thấy bóng người đi đi lại lại.
Thỉnh thoảng Diêu Nhạn Lam còn ở lại một vài giây, giống như vượt qua kiếp nạn
giữa sự sống và cái chết, cả hai lẳng lặng nhìn nhau, đồng thời cùng nhỏ một
hàng nước mắt hoặc buồn hoặc vui. Thỉnh thoảng bóng Nhạn Lam lại lơ lửng, giống
như một cái quay đầu lại khi đang ngao du sông nước, nụ cười sung sướng vì thoát
được sự đau khổ của trần gian.
Nhạn Lam đã treo cổ tự vẫn trong căn hộ của Ngụy Hoài Nguyên.
Lúc biết tin, ngoài cảm giác đau đớn Khánh Đệ còn trào dâng một sự khoan
khoái đầy mãnh liệt. Cô nghĩ đến vẻ mặt của Ngụy Hoài Nguyên lúc ấy, chính là
kết cục của Diêu Nhạn Lam. Cô ấy yếu ớt, không nơi nương tựa, nhưng Nhạn Lam vẫn
còn tính mạng, cô ấy lựa chọn nó để làm đòn chí mạng cuối cùng của mình.
Trước khi quyết định ra đi, cô ấy đã quay về khu tập thế đường sắt, quay lại
căn nhà trước kia ngồi lặng đi một lúc, khiến khu tập thể rộ lên tin đồn có một
người con gái mặc bộ đồ trắng lang thang khắp nơi. Cô ấy nhét hai lá thư qua khe
cửa nhà họ Khương, một bức tuyệt mệnh, một bức nhờ cô Khương chuyển cho Khánh
Đệ.
Trên di thư cô ấy đã viết rất rõ lý do, tại nhà bố vợ, Ngụy Hoài Nguyên đã
thề thốt hứa hẹn là chia tay với cô ấy, sau đó nói rằng Nhiếp Nhị vẫn còn tơ
tưởng tới cô ấy, khuyên Nhạn Lam nên nghĩ đến chi phí phải trả cho mẹ cô đang
nằm viện điều dưỡng, chi bằng đi theo Nhiếp Nhị, dù gì lấy ai chẳng thế.
Mọi việc không trôi đi dễ dàng như vậy, qua hai năm, khi tất cả bọn họ ai
cũng đã chấp nhận số phận, khi họ chờ đợi mọi thứ thay đổi, thì Nhiếp Nhị đã để
lộ âm ưu độc ác mình chuẩn bị từ lâu.
Có bức di thư này, ông chú đã lâu không lộ diện của Nhạn Lam đột nhiên xuất
hiện, danh chính ngôn thuận tiếp nhận việc ấy từ tay cô Khương, tức giận đòi nhà
Ngụy Hoài Nguyên bồi thường một món tiền, rồi dấm dúi lén lút, chỉ chia một nửa
cho mẹ Diêu Nhạn Lam làm chi phí chữa trị và tiền dưỡng lão.
Còn Nhạn Lam, được chôn cạnh mộ của em trai.
Cuối tháng Tám, Khánh Đệ thu dọn hành lý. Lần này, cô khẳng định mình sẽ rất
lâu nữa mới quay lại Vấn Sơn. Từng cọng cỏ ngọn cây, làn gió ấm áp, đám mây trôi
ở Vấn Sơn, tất cả đều khiến cô thấy chán ghét vô cùng. Khánh Đệ có cảm giác chỉ
cần lưu lại thêm dù chỉ một giây thôi, sớm muộn gì cô cũng bị cơn ác mộng này
quấn lấy, kéo xuống vũng bùn. Cho dù thế giới ngoài kia cũng đầy rẫy gai góc cạm
bẫy, đầy rẫy nguy hiểm, nhưng chỉ cần có làn không khí mới, cô tin mình sẽ có
sức mạnh để đối phó, lãng quên chúng.
Thu dọn đồ đạc xong, cô nhét lá thư còn chưa bóc vào trong túi, đột nhiên
nghĩ đến hình ảnh Diêu Nhạn Lam dưới ánh đèn ngày hôm ấy, trái tim cô như thắt
lại, xót xa.
"Chị." Khánh Đệ đứng dựa lưng vào cửa, rụt rè gọi cô.
Từ khi Ái Đệ không chịu nổi sự cắn rứt của lương tâm, thẳng thắn kể lại cho
cô nghe chuyện Diêu Nhạn Lam tới tìm nó vào đúng hôm cô ấy tự sát, quan hệ giữa
hai chị em họ căng như dây đàn. Thỉnh thoảng Khánh Đệ vẫn hối hận, nghĩ mình
không nên tát em gái, từ nhỏ tới lớn hai chị em cô không ngày nào là không sống
trong cái bóng của sự bạo hành, cô không nên dùng phương thức mà cả hai đều ghét
để xả giận trong lòng mình. Có lúc cô lại nghĩ nếu hôm ấy cô gặp được Diêu Nhạn
Lam, sau khi được cô khuyên giải liệu Nhạn Lam có quyết định kết thúc cuộc đời
mình nữa không, thế gian này liệu có tươi sáng hơn không?
Khánh Đệ cầm túi lên, đi đến định đưa tay vuốt tóc em gái, khi vừa đưa tay ra
thấy Ái Đệ bất giác co người lại. Cô bối rối lại áy náy mỉm cười nhìn Ái Đệ, nói
với em: "Hãy chăm sóc cho mẹ và chính mình, chăm chỉ lo việc ở cửa hàng
nhé".
Ái Đệ gật đầu, buồn bã hỏi: "Bao giờ chị lại về? Quốc khánh hay Tết?".
"Xem tình hình thế nào đã."
"Vậy em, khi em đến Nguyên Châu lấy hàng có thể tới tìm chị không?"
Khánh Đệ gật đầu.
Mẹ Khánh Đệ vẫn luôn thấp thỏm lo lắng trước sự khách sáo xa lạ của hai chị
em bao ngày nay, nháy mắt với đứa con gái nhỏ, ý bảo cầm lấy túi hành lý cho cô,
dặn dò thêm vài câu, rồi tiễn hai chị em xuống dưới.
Khánh Đệ đứng dưới tầng quay lại nhìn về phía ban công nhà mình, nghĩ đến
việc cuối cùng cũng có thể rời khỏi cái nơi mà cô luôn mong muốn chạy trốn này,
nghĩ đến việc cô vẫn còn có thể tiếp tục đi học đi làm, cô vẫn còn một quãng
đường rất dài trước mắt nữa phải đi, con đường phía trước chưa chắc đã bằng
phẳng, nhưng ít ra vẫn sẽ có ánh mặt trời xuyên qua sương mù chiếu tới, đột
nhiên cô cảm thấy vô cùng vui sướng nhưng cũng rất đỗi buồn bã.
Đến ga tàu, trên bảng điện tử lớn ở sân ga không ngừng lưu chuyển thông tin
về giờ tàu chạy và ga đến, Khánh Đệ vừa ngẩng đẩu lên, hai chữ Dã Nam thật nhức
nhối đập vào mắt cô. Liệu ở đằng sau bức tường cao và dày kia, anh có biết tất
cả những chuyện này không? Anh sẽ đau đớn tới mức nào? Đời người nghiệt ngã,
ngoài việc thẫn thờ chờ đợi ra, bạn còn có thể làm cách nào để chống lại sự sắp
xếp của số mệnh nữa?
"Chị, phải vào ga rồi."
Con tàu xinh xịch, xinh xịch rời khỏi ga chạy về hướng Nguyên Châu, sau khi
sắp xếp xong hành lý, Khách Đệ đứng ở chỗ nối giữa hai toa tàu, phóng tầm mắt
nhìn Vấn Sơn đang lùi dần lại phía sau. Rất lâu sau đó, cô móc trong túi áo ra
lá thư đã bị cô gấp nhăn nhúm, cẩn thận xé phong bì.
Khánh Đệ:
Chào em!
Hãy tha thứ cho chị đã làm phiền em hết lần này tới lần khác, nhưng từ lần
đầu tiên gặp nhau trong trường cho tới khi thân thiết, chị đã vô thức coi em là
người tri kỷ trong cuộc đời, thậm chí còn ngưỡng mộ em như một thần tượng. Sự
tỉnh táo của em, sự khoan dung của em, sự bình thản của em, là sức mạnh mà chị
không bao giờ có được khi chị suy sụp, gục gã.
Chị thường nghĩ, một người, phải cần có bao nhiêu can đảm mới có thể chống
lại được sự nghiệt ngã của số phận? Phải cần tỉnh tảo thế nào mới có thể nắm bắt
được một tia hy vọng nơi tâm hồn hoang dã? Còn phải thông minh tài giỏi tới đâu
để tránh được cạm bẫy giăng đầy, bình an đi tới bến bờ chị muốn?
Số phận chẳng qua là một con phù du (1), mà chị, chỉ là một thứ sống ký sinh
trên người nó...
Khánh Đệ từ từ trượt người theo thành tàu ngồi xuống, tay run run nắm chặt lá
thư, khóc không thành tiếng.
Số phận chẳng qua chỉ là một con phù du mà thôi.
(1) Phù du: Một họ côn trùng, ấu trùng sổng trong nước một năm đến sáu
năm, thành trùng có hai cánh, thường bay trên mặt nước, chỉ sống được từ mấy giờ
đến một tuần lễ.
Phòng giam số mười hai khu số ba của trại giam Dã Gia Sơn, mười hai chiếc
giường khung chia làm hai dãy kê sát hai bên tường.
Giường của Khương Thượng Nghiêu là tầng một của chiếc giường đầu tiên nằm
phía bên trái, một vị trí vô cùng đẹp. Còn lý do vì sao anh lại được chuyển tới
chỗ nằm này, đương nhiên bởi không tránh khỏi liên quan tới vụ án mạng xảy ra ở
trại tạm giam. Trên thực tế, từ sau lần đó cho tới khi lên núi, đã không còn ai
dám thử vuốt râu hổ nữa. Cho dù là cán bộ quản giáo cũng cư xử với anh khách khí
mấy phần. Khương Thượng Nghiêu không phải người không biết điều, người khác
kiêng dè với thế lực đứng sau anh, nhưng sự tình thế nào anh là người rõ hơn ai
hết, vì vậy bình thường anh vẫn tuân theo mọi quy tắc trong trại giam, nên rất
được lòng các cán bộ quản giáo. Trong mắt những phạm nhân khác, thái độ hòa nhã
của Thượng Nghiêu càng khiến anh thêm thần bí, nên cư xử với anh hết sức cung
kính. Dù đã giải thích mấy lần, cuối cùng cũng đành cười mặc kệ họ ngộ nhận.
Trải qua hơn một năm cải tạo lao động, da anh đã dần trở nên thô ráp, những
đường nét nơi khuôn cằm cũng góc cạnh hơn. Đôi lúc soi gương cạo râu, anh sẽ
đứng quan sát khuôn mặt xa lạ trong gương một lúc thật lâu, sau đó mỉm cười chế
giễu. Cơ thể mảnh khảnh gầy yếu trước kia giờ đã cường tráng hơn nhiều, nằm
thẳng trên giường rộng chín mươi centimets, gần như chiếm gần hết diện tích
giường.
"Khương Thượng Nghiêu, chưa ngủ à?" Lăng Vạn Cường nằm giường trên hỏi.
Anh gối đầu lên một cánh tay, mắt khép hờ đáp lại một tiếng. Lăng Vạn Cường
thấy anh có vẻ không muốn nói chuyện, lật người, không dám hỏi thêm gì nữa.
Khương Thượng Nghiêu mở mắt ra, nhìn chằm chằm về phía trước một lúc lâu, rồi
lần tay xuống dưới gối lấy ra một lá thư.
Dưới ánh sáng của chiếc bật lửa, anh cẩn thận đọc kỹ lại một lượt, mặc dù mỗi
chữ trong lá thư này anh nhớ rất rõ, nhưng khi đọc thầm lại một lần nữa, vẫn
không ngăn được sự bi thương đang cuồn cuộn trào dâng trong tim và khao khát
mong muốn nhanh chóng được biết chân tướng sự việc.
Người viết lá thư này cho anh ra sức bắt chước nét chữ tròn tròn rất trẻ con
của Nhạn Lam, nhưng trong những nét phẩy, nét mác (2) vẫn vô tình để lộ ra nét
bút sắc nhọn của mình.
(2) Nét phẩy, nét mác: Các nét viết của chữ Hán.
Lá thư này không phải do Nhạn Lam viết, nhưng người viết nó lại dùng giọng
điệu thường thấy của Nhạn Lam.
Nhạn Lam gọi anh là "Anh", sau đó giải thích lý do tại sao lâu như vậy không
gửi thư tới, kể với anh chuyện học lại vất vả như thế nào, sự mệt mỏi khi chăm
sóc mẹ ra sao, cả sự hoang mang của việc lần đầu tiên phải đến sống ở một nơi xa
lạ khi thi đỗ vào trường Đại học Sư phạm Nguyên Châu, còn cả áp lực khi phải căn
đo thời gian để đi tìm việc làm thêm khắp nơi. Sau đó, Nhạn Lam nói, cô ấy rất
nhớ anh.
Đọc lần đầu tiên, anh gần như đã tin đó là thật.
Nhưng từ hơn một năm trước khi bị chuyển đến Dã Gia Sơn, anh đã âm thầm nghi
ngờ. Sự lo lắng cố gắng giấu dưới vẻ bề ngoài thoải mái của mẹ, sự biệt vô âm
tín của Nhạn Lam khiến anh âm thầm dự đoán, chắc chắn đã có điều gì đó xảy ra
rồi. Nhưng giờ anh bị giam trong này, ngăn cách hàng ngàn hàng vạn dặm với thế
giới tự do bên ngoài, chỉ còn cách để mặc cho nỗi đau đớn khó hiểu giày vò tâm
can không ngừng nghỉ.
Hơn một tháng sau, khi Khương Thượng Nghiêu nhận được lá thư thứ hai, khuôn
mặt anh thoáng hiện sự phẫn nộ vì bị lừa dối, anh nhét đại lá thư xuống dưới
gối. Đến cuối năm, thư vẫn được gửi tới liên tiếp, đối phương như đã tích lũy
rất nhiều điều muốn nói, việc này khiến Khương Thượng Nghiêu thấy lúng túng.
Trước Tết Nguyên Đán, anh lấy xấp thư dưới gối ra, được một tập khá dày. Anh
tìm lá thư được gửi tới gần đây nhất, bóc ra đọc, quả nhiên đúng như dự đoán,
đối phương đã dùng kiểu nói chuyện mà Nhạn Lam thường viết, lấy cớ kỳ nghỉ đông
phải đi làm thêm, ấp a ấp úng giải thích không thể đến thăm anh vào dịp Tết.
Lý do này rất khớp với những lời giải thích của mẹ anh, anh thậm chí còn nghi
ngờ hai người bọn họ trước khi hành động đã có sự bàn bạc, không, là ngấm ngầm
thông đồng, hoặc những lá thư này do chính tay mẹ anh tạo ra cũng nên. Khương
Thượng Nghiêu bất giác phì cười vì suy nghĩ đó của mình, chưa cười xong khóe
miệng đã nhếch lên cay đắng. Ra sức che giấu như thế, là vì cái gì thì không cần
nói cũng rõ. Anh úp mặt vào lòng bàn tay, gần như tự ngược đãi bản thân để bắt
mình phải cảm nhận trái tim đang co thắt đau đớn, nhưng hai mắt lại khô khốc,
không nhỏ ra được giọt lệ nào.