Chương 2:
Thượng đế không cho ai quá nhiều
Viên đá tuy không đẹp nhưng có thể vĩnh viễn ngàn năm. Hoa tươi không gì đẹp bằng nhưng cũng chỉ ngát hương một mùa. Thượng đế không bao giờ tạo ra con người và vạn vật hoàn mỹ, không khiếm khuyết. Cuộc sống cũng chẳng để việc gì viên mãn một trăm phần trăm. Chẳng ai có thể giành được tất cả hạnh phúc, trong cuộc sống luôn luôn có cảm giác khiếm khuyết như thế.
Con người luôn có ly hợp, vui buồn. Giống như trăng có lúc tròn, khuyết, mờ, tỏ.
Love 1:
Biệt thự nhà họ Minh.
Sau vườn hoa ngát hương và rợp bóng cây có một hồ bơi lộ thiên hình elip. Bốn phía quanh hồ đều trồng hoa cỏ nhiệt đới, đặc biệt là trồng nhiều hoa dâm bụt cảnh. Loại cây này tán rộng, dáng cây đẹp, cành lá sum suê, hoa nở bốn mùa, vừa tươi màu vừa thơm. Phong cảnh cả khu vườn và hồ nước trong xanh đều đượm vẻ đặc trưng của Hawaii.
Mỗi buổi chiều sau khi tan học, Minh Nhật Lãng đều đến hồ bơi ngâm mình khoảng nửa tiếng. Cậu cứ để thân mình từ từ chìm vào trong nước giống như chìm vào một bể tình yêu. Sau đó tự do ngoi lên, lặn xuống, thoải mái vẫy vùng. Hồ nước xanh này là vùng trời nơi cậu tự do, tự tại không có gì ràng buộc nhất.
Xa xa là bà Minh đang đứng nhìn cậu con trai từ ban công lộ thiên trên tầng hai. Minh Nhật Lãng không bơi mà cứ để cả người nổi trên mặt nước. Thỉnh thoảng khẽ khua nhẹ tay, điệu bộ có vẻ lười biếng và thờ ơ. Điều này cũng không có gì lạ, bơi lội từ trước đến giờ cũng không phải môn tập luyện của cậu.
Nhưng bà Minh thấy có điều khác lạ, là một người mẹ quan tâm, chăm sóc con trai từng ly từng tý nên bà thoáng nhìn là đoán ra ngay cậu có chuyện gì đó không vui trong lòng.
Để cơ thể bồng bềnh trên mặt nước một hồi lâu, đột nhiên Minh Nhật Lãng trở mình lặn xuống nước. Ánh tịch dương chênh chếch phía tây chiếu xuống mặt hồ thành từng vệt màu cam đỏ. Xuyên qua làn nước trong xanh chiếu rõ hình ảnh cậu đang lặn dưới đáy hồ. Mái tóc đen nổi dập dềnh trên mặt nước như bụi cỏ, thân hình thiếu niên mới lớn vô cùng mảnh dẻ. Chân tay cậu dang rộng thoải mái dưới nước, dường như cậu là con của thủy thần vậy.
Sau một hồi ngụp lặn, Minh Nhật Lãng trồi lên, vừa hay đáp vào bờ hồ bên kia. Cậu vuốt hết nước trên mặt đi rồi nhìn về phía bờ bên kia, sau đó bơi ngược lại với tốc độ rất nhanh.
Trên tầng hai bà Minh vẫn dõi theo con và cảm thấy vô cùng sửng sốt. Chưa bao giờ cậu bơi nhanh đến thế. Từ trước đến giờ, với cậu bơi lội không phải là một môn thể thao mà chỉ đơn giản là cách khiến bản thân thanh thản và thoải mái hơn. Có thể giải phóng sức mạnh bị kìm kẹp trong thời gian dài. Nhưng bây giờ cậu đang bơi trong nước nhanh như cá, thật khiến người ta kinh ngạc. Bao năm nay cậu và nước luôn gần gũi, có thể nói đã hợp thành một thể. Khi người và nước có thể hòa hợp, cho dù cậu không vận dụng nhiều kỹ năng bơi lội thì dưới nước tốc độ bơi vẫn rất nhanh và linh hoạt như một chú cá.
Nhưng Nhật Lãng bơi chưa được nửa hồ tốc độ đã chậm lại. Xét cho cùng vẫn là do thể lực, cơ thể cậu vốn yếu ớt bẩm sinh nên không có sức để bơi tiếp. Nhưng Minh Nhật Lãng không chịu thua trận ở đây, cậu vẫn tiếp tục bơi.
Bà Minh thấy vậy không yên tâm chút nào, bà nghiêng mình ra ngoài ban công và gọi lớn: “A Lãng, đừng cố nữa, không bơi được nữa thì nghỉ ngơi đi con”.
Không rõ là Minh Nhật Lãng không nghe thấy hay là do tuổi trẻ cứng đầu không chấp nhận thua cuộc mà hai tay vẫn cố gắng rẽ nước. Nhưng chẳng bơi được bao xa cả người cậu đã chìm xuống nước, dưới làn nước trong suốt là hình ảnh cậu đang giằng co, giãy giụa.
Bà Minh giật mình liền chạy ngay xuống dưới, vừa chạy vừa hốt hoảng la lên: “Mau, mau cho người xuống hồ, A Lãng chết đuối rồi”.
Quản gia Vương Thái đang chỉ đạo người hầu chuẩn bị bữa tối, ông Minh Hạo Thiên cũng vừa đi làm về, vừa bước vào nhà, và đang cởi áo khoác. Nghe tiếng bà Minh hét lên như thế, tất cả sững lại không biết làm thế nào, chỉ có ông Minh Hạo Thiên phản ứng nhanh liền quăng áo khoác và chạy vội ra vườn. Nhanh đến mức mọi người phải sững sờ. Chẳng ai tin đó là tổng giám đốc Minh đạo mạo, điềm tĩnh trong giới tài chính. Mấy người hầu biết bơi cũng vội chạy theo ông ra vườn.
Ông Minh lao ngay xuống hồ và nhanh chóng đưa Minh Nhật Lãng lên trên mặt nước. Đám người hầu cùng xúm lại đưa cậu lên bờ. Bà Minh và các cô hầu đứng bên bờ, gương mặt bà Minh trắng bệch, bà ôm chặt cậu vào lòng và thút thít: “A Lãng, A Lãng, con có sao không?”.
“Mẹ… con không sao… chỉ là chân… bị chuột rút”. Minh Nhật Lãng đau đớn chau mày lại.
Đang bơi thì chân bị chuột rút, cậu nhanh chóng nín thở để bắp chân được thả lỏng trong nước, nhưng không hóa giải được, cơ thể lúc đó cứ ngoi lên mặt nước để thở, càng khiến chân bị rút mạnh hơn. Ngay sau khi bị chìm xuống lần nữa thì cơ thể đã không còn sức để nổi lên mặt nước nữa. Cũng may ông Minh Hạo Thiên đến kịp.
“Chuột rút ở chỗ nào? Để bố xoa cho con”.
Toàn thân ông Minh ướt nhẹp, vừa lóp ngóp từ dưới hồ lên đã vội vàng hỏi han con trai. Ông để cậu nằm trên đất, từ từ duỗi chân ra, từ từ kéo thẳng, rồi nhẹ nhàng xoa bóp phần bắp chân mấy phút, cơn chuột rút đã dần dần tan đi.
“A Lãng, con ngâm mình trong nước bao lâu thế? Không phải bố đã nói với con không được ngâm mình quá lâu sao, ngâm lâu sẽ bị chuột rút”.
Bà Minh ngồi cạnh nói thêm: “Không hẳn là do ngâm quá lâu, ban nãy con nó bơi quá nhanh, không bơi được nữa cũng không chịu ngừng, kết quả mới xảy ra chuyện đấy”.
“A Lãng, khi mệt mỏi không được tiếp tục bơi nữa, như thế rất dễ bị chuột rút”.
“Bố, sau này con không thế nữa”.
“A Lãng, đang bình thường sao tự nhiên con lại bơi nhanh như thi thố với ai đó thế? Vừa giày vò bản thân vừa giày vò bố mẹ, thực sự khiến mẹ sợ hãi”.
Minh Nhật Lãng cúi đầu biết lỗi: “Bố, mẹ, con xin lỗi”.
“A Lãng, lần sau không được thế nữa, nhất định phải chú ý đó. Được rồi, bây giờ con về phòng thay quần áo đi”.
Chuyện kinh động này cũng may không nguy hiểm, mọi người cũng tản đi làm việc của mình. Minh Nhật Lãng về phòng thay quần áo và chuẩn bị xuống dùng bữa tối, khi đi qua ban công tầng hai cậu giật mình dừng lại. Cậu nhìn xuống hồ nước xanh bên dưới trong đầu tưởng tượng ra một hình ảnh khác đang bơi nhanh như rồng lượn dưới nước. Trong lòng bất chợt cảm thấy vô cùng buồn bã…
Trong kho sách cũ của thư viện có quá nhiều sách đã cũ và rách nát. Một đống cao bằng tường xếp trong góc phòng, trên chiếc bàn dài có rất nhiều băng dính, keo dán, giấy bóng. Cô giáo phụ trách sau khi giảng giải cách làm cho các học sinh được cử đến từ nhiều lớp đã rời khỏi để các bạn tự làm.
Đây là một công việc thực sự rất vô vị và nhạt nhẽo, ngồi gỡ từng trang sách rách, bong ra rồi dán lại, nó đòi hỏi sự kiên nhẫn. Làm được vài ngày học sinh các lớp đều tìm cớ thoái thác, cuối cùng chỉ còn lại mỗi mình Lâm Nguyệt Loan. Cô vẫn chăm chỉ, cần mẫn làm công việc mà người khác cảm thấy vô vị và nhạt nhẽo này.
Buổi chiều thứ sáu có hai tiết tự học. Cũng chẳng có việc gì nên Lâm Nguyệt Loan đã xin phép thầy Châu cho cô đến thư viện sửa sách. Nhân tiện thầy Châu liền hỏi cả lớp: “Có bạn nào muốn đi làm giúp Lâm Nguyệt Loan không?”.
Cả lớp cười nghiêng ngả rồi hỏi lại:
“Thầy ơi dán một cuốn sách được bao nhiêu tiền ạ?”.
“Tính tiền theo ngày hay tính theo tuần ạ?”.
“Hôm nay em không mang cơm, hay là em đi dán sách thì nhà trường mời em một bữa nhé!”.
…..
Thầy Châu vừa tức vừa buồn cười: “Các em đúng là tiểu nhân chỉ nghĩ đến cái lợi trước mắt”.
Các học sinh bên dưới càng ồn ào hơn:
“Đúng thế mà thầy, chúng em là tiểu nhân, bởi vì chúng em chưa trưởng thành mà”.
“Thầy ơi, bây giờ không nói chữ lợi thì nói cái gì chứ? Nói tình cảm chắc?”.
“Thầy ơi, em muốn nói chuyện tình cảm với trường, thầy bảo nhà trường đừng thu học phí của em đi”.
Đủ mọi âm thanh hỗn loạn vang lên, đột nhiên Minh Nhật Lãng lên tiếng: “Thưa thầy, nếu còn thiếu người thì em xin đi ạ!”.
Giọng của cậu tuy không lớn nhưng đủ khiến cho tất cả im bặt. Sau giây phút im lặng lại rào rào lên:
“Thầy ơi, em cũng đi”.
“Em nữa, em cũng đi”.
Cả lớp tranh nhau xin đi, mà phần lớn là con gái, đương nhiên là vì Minh Nhật Lãng. Đúng là say vì người chứ không vì rượu. Có người thở dài nói: “Vươn mình một cái, mây xanh kéo đến, đúng là sức hút của hoàng tử”.
Tiêu Tinh Dã lừ mắt nhìn Minh Nhật Lãng, tuy không nói gì nhưng cậu lại bĩu môi.
Tất cả học sinh nữ trong lớp đều theo Minh Nhật Lãng tới thư viện. Cảnh tượng này cũng phải khiến mấy thầy cô phụ trách nhìn mà phát sợ. Đống sách cao bằng tường làm cả tuần chưa vơi được một phần tư thế mà Minh Nhật Lãng dẫn dầu các bạn nữ chỉ làm một lúc đã vơi đi một nửa, thầy chủ nhiệm thư viện cười vô cùng sung sướng.
Hôm sau là thứ bảy, là ngày nghỉ. Lâm Nguyệt Loan vẫn đến thư viện như thường, cô đã mượn chìa khóa của giáo viên phụ trách. Đằng nào thì ở nhà cũng không có việc gì làm nên cô muốn đến thư viện làm cho xong chỗ sách còn lại.
Cô giáo Khương thấy thế liền khen Nguyệt Loan hết lời: “Bây giờ học sinh vừa có trách nhiệm lại không ham chơi như em hiếm lắm, thực sự lâu lắm rồi cô không thấy ai như em cả”.
Lâm Nguyệt Loan nhờ bác bảo vệ mở cửa thư viện trước rồi mới lên phòng sách cũ trên tầng bốn. Một mình cô ngồi giữa đống sách ngổn ngang. Sau khi dán xong một đống sách thì bất chợt có người mở cửa vào. Cô giật mình quay lại nhìn thấy Minh Nhật Lãng đang đứng ngoài cửa. Gương mặt cậu cũng vô cùng ngạc nhiên khi nhìn thấy cô. Hai cả đồng thanh kêu lên:
“Lâm Nguyệt Loan, sao cậu lại ở đây?”.
“Minh Nhật Lãng, sao cậu lại ở đây?”.
Minh Nhật Lãng mượn chìa khóa của thầy phụ trách thư viện. Lúc đưa chìa khóa cho cậu, thầy còn hỏi: “Ngày nghỉ mà em cũng đến trường, không đi đâu chơi sao?”.
Cậu chỉ cười và đáp: “Em không muốn đi, đến trường xếp sách cũng được rồi, trước đây em dán nhiều sách lắm, tay nghề em khá lắm đấy!”.
Sở dĩ Minh Nhật Lãng muốn đến trường, thứ nhất là vì cậu không muốn ở nhà, thứ hai là phòng sửa sách đã chạm vào ký ức xa xôi mà cậu đã chôn chặt tận đáy lòng. Bất giác cậu nghĩ lại ngày xưa và muốn một mình đến nơi đây. Không ngờ Lâm Nguyệt Loan cũng có mặt.
“Cậu cũng có chìa khóa à? Cậu mượn của ai thế?”. Lâm Nguyệt Loan thắc mắc khi thấy chùm chìa khóa trong tay cậu.
“Tớ mượn của thầy phụ trách thư viện”.
“Tớ thì mượn của cô Khương”. Ngập ngừng một hồi cô mới cười và nói tiếp: “Không ngờ ngày nghỉ mà cậu cũng đến trường dán sách, không đi đâu chơi à?”.
Không hẹn mà gặp, câu hỏi của Nguyệt Loan không khác câu hỏi của thầy phụ trách là mấy. Xem ra, trong ấn tượng của mọi người thì có lẽ cậu có nhiều nơi để vui chơi thật. Minh Nhật Lãng cười trừ, có ai biết rằng các hoạt động cậu có thể tham gia vô cùng ít ỏi.
Cậu miễn cưỡng đáp: “Thực ra… tớ không có nhiều nơi để đi chơi đâu”.
Giọng nói của Minh Nhật Lãng có chút gì đó trầm buồn khiến Lâm Nguyệt Loan vừa nghe đã sững người. Cô ngạc nhiên nhìn Minh Nhật Lãng. Hôm nay cậu không mặc đồng phục mà mặc một bộ quần áo ở nhà màu trắng được may rất tinh tế, nhìn kiểu dáng cũng toát lên vẻ quý phái, sang trọng mà không phô trương. Gia thế xuất sắc, dung mạo khí chất như hoàng tử, nhìn kiểu gì cậu ấy cũng rất có phong cách. Nhưng… cậu ấy luôn rầu rĩ, tại sao thế? Xem ra đằng sau sự giàu có, cơm ngon áo đẹp còn có những điều thầm kín mà người ngoài không thể biết. Đúng là nhà nào cũng có những điều khó nói!
Đơn giản thôi, không cần phức tạp làm gì. Minh Nhật Lãng khác với Tiêu Tinh Dã, cậu là một người đến từ thế giới khác. Cậu và cô không có nhiều điểm tương đồng. Lâm Nguyệt Loan chỉ cười nhẹ nhàng và nói: “Tớ cũng chẳng có nơi nào đi chơi cả nên đến trường dán sách. Nào, chúng ta cùng làm việc đi, để xem hôm nay có dán hết chỗ sách này không?”.
Ánh nắng mặt trời chiếu xuyên qua ô cửa kính, rọi sáng cả căn phòng. Hai đôi tay thoăn thoắt dán keo không nghỉ.
Đôi tay Lâm Nguyệt Loan nhanh nhẹn như chú bướm đang tung cánh bay lượn. Minh Nhật Lãng cứ nhìn đôi tay ấy nhanh nhẹn dán keo, sửa lại từng trang sách. Bất giác, cậu nhớ lại hình ảnh cây hòe non được cô “nối xương”. Đôi tay này tuy nhỏ nhắn nhưng lại có một sức mạnh nâng giữ vô cùng ấm áp. Theo đôi tay nhìn ngược lên phía trên là chiếc váy liền thân màu hồng nhạt, hai bím tóc được buộc bằng dây thun màu hồng cứ lúc lắc trước ngực. Đôi mắt đẹp, vẻ đẹp nhẹ nhàng nhưng cuốn hút, cô giống như một bông sen mới nở trong những ngày hè oi ả.
Ánh mắt Minh Nhật Lãng khẽ dừng lại khi thấy sợi dây buộc tóc màu hồng. Sợi dây thun hồng ở hai đầu có hai quả cầu thủy tinh nho nhỏ. Sợi dây thun vòng qua bím tóc, hai quả cầu thủy tinh cùng chụm lại một chỗ. Vừa đáng yêu vừa tinh tế. Chỉ cần nhìn một cái là Minh Nhật Lãng nhận ra sợi dây màu hồng này và sợi dây màu xanh lần trước là cùng một kiểu.
Minh Nhật Lãng để ý đến cô mà không biết cô cũng đang thầm nhìn cậu. Hôm qua đông người nên cô không để ý thấy Minh Nhật Lãng dán sách lại thuần thục đến thế. Nhìn từng chồng sách chất cao như núi đang ngày càng thấp dần, cô không kiềm chế được liền thốt lên: “Minh Nhật Lãng, cậu dán sách giỏi thật. Cuốn nào cuốn nấy khiến người ta không nhận ra là đã được dán. Trước đây cậu dán sách bao giờ chưa?”.
Minh Nhật Lãng do dự một hồi rồi hạ giọng nói: “Tớ đã từng xé nát hết sách trên giá của mình sau đó dán lại từng cuốn một”.
Đó là câu chuyện khi cậu mười hai tuổi.
Từ một đứa trẻ vô tư cậu bé đã bước vào lứa tuổi thiếu niên. Dần dần Minh Nhật Lãng hiểu ra rằng tình hình sức khỏe của mình khác với những bạn bè cùng trang lứa khác. Từ đó cậu bé không còn vui vẻ nữa. Nụ cười càng ngày càng hiếm hoi, càng ngày càng trở nên dễ cáu giận.
Một hôm, đứa con trai của bác Hồng đi xe đạp đến nhà Minh Nhật Lãng tìm bác ấy có việc. Nhìn thấy cậu bạn cùng tuổi vui vẻ đi xe đạp, cậu nhớ lại chiếc xe đạp nhỏ yêu thích nhất ngày bé. Đột nhiên có một thứ xung động không thể kiềm chế được, cậu liền muốn đi chiếc xe đạp đó.
Con trai bác Hồng rất hào phóng nhường cho Minh Nhật Lãng đi, nhưng chưa kịp sờ vào chiếc xe thì Minh Nhật Lãng đã bị bác Hồng bế lại. Bác Hồng đã làm việc ở nhà cậu mười mấy năm nên hiểu rất rõ bệnh tình và sức khỏe của cậu, bác lo lắng nói: “Cậu chủ, cậu không được đi xe, bị ngã là không xong đâu”.
Bà Minh cũng nghe phong thanh nên đã chạy đến, một mặt vừa khuyên con trai, một mặt bảo con trai bác Hồng mau đạp xe rời khỏi đó. Cậu giẫy giụa trong lòng bác Hồng một hồi lâu rồi rưng rưng nước mắt nhìn chiếc xe đạp càng lúc càng khuất xa tầm mắt. Cả người cậu xẹp xuống như quả bóng bị xì hơi.
“A Lãng, chúng ta không chơi đi xe nữa, mẹ dẫn con vào phòng đọc sách nhé, được không con?”.
Bà Minh nhẹ nhàng dỗ dành con, từ khi Minh Nhật Lãng không thể chơi đùa, nhảy nhót như những đứa trẻ bình thường khác, ông Minh Hạo Thiên đã sửa phòng vui chơi thành phòng đọc sách, mỗi năm đều mua cho cậu một lượng sách phù hợp với lứa tuổi, phần lớn thời gian cậu đều làm bạn với sách.
Giẫy giụa thoát khỏi tay bác Hồng, Minh Nhật Lãng chạy vụt vào trong phòng, bà Minh mặt mày tái xanh hốt hoảng gọi với theo: “A Lãng, con chạy chậm thôi, đừng chạy nhanh như thế, A Lãng”.
Minh Nhật Lãng chạy một mạch vào phòng đọc sách rồi khóa trái cửa lại. Bà Minh chạy đến trước cửa liền nghe thấy bên trong có những tiếng “roạt roạt”, bà đau đớn gọi cửa: “A Lãng, con làm gì trong đó thế? Mau mở cửa đi con”.
Bà Minh lo lắng, hốt hoảng không biết làm gì khác ngoài việc đập cửa, nhưng cũng chẳng ăn thua gì. Cũng may bác Hồng nhanh trí đi gọi bà quản gia Vương Thái đến để lấy chìa khóa mở cửa. Cửa vừa được mở ra, một cảnh tượng bày ra trước mắt: Khắp phòng đều là những trang sách bị xé nham nhở. Minh Nhật Lãng đang ngồi co ro trong góc phòng, hai tay ôm gối, gương mặt giấu sau hai cánh tay, ngồi yên bất động.
“A Lãng”, bà Minh chạy lại ôm chặt lấy con, hai tay bà ôm trọn đôi vai đang run rẩy của cậu, nghe rõ tiếng nấc nghẹn ngào đầy đau đớn… Bà vốn định đưa con ra ngoài, nhưng thấy cảnh này nước mắt lại như mưa, thế là hai mẹ con ngồi ôm nhau khóc.
Ông Minh Hạo Thiên nhận được tin liền hủy ngay một vụ làm ăn quan trọng để về với con, ông vào phòng nói chuyện rất lâu với cậu. Cuộc nói chuyện diễn ra trong hai tiếng đồng hồ, sau đó Minh Nhật Lãng bước ra ngoài với gương mặt trầm mặc. Cậu đi đến trước đống sách bị mình xé tan đang được bà Vương Thái và hai cô người hầu dọn dẹp, nói:
“Mấy người ra ngoài đi, cứ để cháu tự dọn dẹp”.
Cậu chỉ mất nửa tiếng để phá hoại phòng đọc sách nhưng phải mất nửa tháng để phục hồi nguyên vẹn. Tất cả số sách bị xé đều được dán lại như cũ. Bà Minh đã từng cẩn thận dò hỏi con: “A Lãng, sách rách rồi thì thôi, để mẹ mua cho con sách mới”.
A Lãng lắc đầu: “Không, con muốn những cuốn sách này, chúng đã bên con bao năm rồi”.
“Vậy… để mẹ giúp con nhé?”.
“Không, con xé rách thì tự con dán lại”.
Nhất định phải là tự mình làm, phải học cách chịu trách nhiệm với bản thân. Trong cuộc sống, một số thứ có thể dựa vào người khác, nhưng một số thứ bản thân mình phải tự đảm đương.