Từ Dương và Từ Tế vậy mà chiếm tổng cộng mười tám vạn mẫu đất! Có thể chiếm đất nhiều nhất ở triều đình là phiên vương, Từ Dương và Từ Tế so với phiên vương còn tham lam hơn!
Lục Mân ở Hàn lâm viện quan chính, hàng ngày thay Hoàng đế khởi thảo chiếu thư. Hoàng đế đã hạ chỉ lệnh Đô sát viện tra rõ chuyện này, nếu như tội danh được chứng thực thì không chỉ bản thân Từ Dương, Từ Tế xong đời, mà Từ thủ phụ cũng khó thoát tội.
Lục Vân càng xem càng sợ, đôi môi trắng bệch:
- Từ gia, gặp nạn rồi.
A Trì ngược lại bình tĩnh hơn nhiều. Người làm quan trong tay có quyền, quyền lực dẫn tới hủ bại, tham ô, nhận hối lộ, cưỡng đoạt, không ngừng muốn gia tăng tài phú trong tay. Đất đai là tài sản trung thành nhất, thế là không ngừng muốn mua đất, không ngừng gia tăng điền sản, kết quả đến mức làm người ta phẫn nộ.
Triều đình hiện tại là xã hội nông nghiệp, đất đai là tài nguyên trụ cột nhất, một khi có sự thôn tính đất đai quy mô lớn, nhất định sẽ kéo theo xã hội rung chuyển, tai họa và hỗn loạn cùng phát sinh. Nói khó nghe chút, Nghiêm Khánh kia tuy vơ vét của cải, xa hoa cực độ, cũng không chiếm nhiều đất như vậy! Từ Dương, Từ Tế so với Nghiêm Khánh thối danh rõ ràng kia còn ác hơn, hung hăng chiếm đoạt đất đai, đơn thuần là không nhẫn nại được.
A Trì an ủi Lục Vân:
- Tội danh được chứng thực, bất quá là trả lại đất thôi. Dù nhị thúc tam thúc bị hoạch tội, cũng không liên lụy đến người khác. Tổ phụ không có chuyện gì, phụ thân lại càng không liên quan.
Lục Vân kinh sợ hồi lâu, cười khổ nói:
- Thỉnh thoảng nhìn A Bảo, mẹ lại đối với tổ phụ con thật muốn kính nhi viễn chi. Nhưng nếu Từ gia xảy ra chuyện, mẹ lại cảm thấy mình hẳn là cùng hội cùng thuyền, nên đồng tâm hiệp lực.
A Trì nhíu đôi mi thanh tú:
- Nhị thúc là nhị thúc, tam thúc là tam thúc, họ và phụ thân sớm đã phân gia, ai sống cuộc sống người nấy. Tiền tài mà nhị thúc và tam thúc chiếm, phụ thân chưa từng dùng một xu một cắc nào, mẫu thân, nhà chúng ta rất sạch sẽ, đừng dính vào vũng nước đục này.
Lục Vân khẽ thở dài:
- Mẹ cũng chỉ quan tâm thôi, dù trong lòng sốt ruột cũng có thể nghĩ ra biện pháp gì chứ? Đổi thành cha con cũng giống vậy.
A Trì an ủi bà:
- Còn tổ phụ mà. Tổ phụ có thể làm được vị trí thủ phụ, không biết đã trải qua bao nhiêu sóng gió, xử lý qua bao nhiêu chuyện khó khăn, chỉ là chiếm đất mà thôi, không cần mạng đâu.
Lục Vân lặng lẽ gật đầu.
A Trì ở trước mặt Lục Vân tuy nói như thế nhưng sau đó lại mời sư công chia ra gửi thư cho Từ Dương, Từ Tế, trong thư viết những chữ to “Đừng vươn tay, vươn tay ắt bị bắt! Đất đai đã chiếm, đem trả lại từng cái một, có lẽ được bình an vô sự”.
Nghe hay không nghe thì xem bọn họ đi. A Trì đặt tay lên ngực tự hỏi, chuyện nên làm đều đã làm rồi, cho dù mình không phải xuyên qua mà là bản thân Từ Tố Hoa thì những chuyện có thể làm vì Từ Dương, Từ Tế cũng chỉ có nhiêu đó thôi.
Quan trọng vẫn là tương lai sau này do mình chọn.
Mùa xuân năm sau, Ngự sử được Đô sát viện phái đến Vân Gian tra án hồi báo: đất đai dưới tên Từ Dương, Từ Tế quả thật có mười tám vạn mẫu, hoặc là mua được, hoặc là điền chủ dâng biếu, hoặc là bạn bè tặng.
Chuyện này còn chưa lắng lại, Ngự sử Ngô Bằng tố cáo Từ thủ phụ “dung túng nhi tử làm chuyện hung ác, gây hại đồng hương”, ngay sau đó Cấp sự trung Trương Cơ tố cáo Từ thủ phụ “nham hiểm khéo nịnh, chiếm quyền chiếm lợi, hại nước hại dân”.
Ngô Bằng ở trong triều luôn bất hiện sơn bất lộ thủy, không có tiếng tăm gì. Lần này ông ấy có thể đứng ra tố cáo thủ phụ, thật khiến người ta nhìn với cặp mắt khác xưa. Trương Cơ càng thú vị hơn, ông ấy là môn sinh của Từ thủ phụ, là người do đích thân Từ thủ phụ cất nhắc đi lên! Ông ấy đứng ra tố cáo lần này chính là cho Từ thủ phụ một cái bạt tai nặng nề vang dội.
Từ thủ phụ bị cáo buộc, theo lệ thường phải xin nghỉ hưu. Hoàng đế giữ lại hai lần, làm đủ hình thức, cuối cùng cho phép Từ thủ phụ hồi hương vinh dưỡng.
Thứ phụ Cao Nguyên mới ngoài năm mươi tuổi trở thành tân nhiệm thủ phụ. Tân thủ phụ sau khi nhậm chức, đầu tiên là nhân dịp sinh nhật Thái hậu đại xá thiên hạ, giành được khen ngợi, tiếp đó là đề bạt một nhóm quan lại, bắt đầu ổn định cuộc sống.
Trong nhóm người Cao Nguyên đề bạt có Ngô Bằng, cũng có Trương Cơ. Không ít triều thần suy đoán, việc tố cáo ban đầu của Ngô Bằng và Trương Cơ là do Cao Nguyên sai sử.
Tiền thủ phụ Nghiêm Đông đã lặng lẽ ốm chết ở quê nhà. Cao Nguyên rất quan tâm thăm hỏi hậu nhân Nghiêm gia, biết các tôn tử của Nghiêm Đông đều còn sống, nhân dịp đại xá chuẩn bị về cố hương thì thay Nghiêm gia thổn thức. Bất kể nói thế nào, ông ấy cũng là người từng làm thủ phụ nhưng kết cục lại vô cùng bi thảm khiến người ta nổi lên ý niệm thố tử hồ bi (đồng loại thương xót lẫn nhau).
Từ thủ phụ vốn đang ở đỉnh cao nhất, rất có cảm giác nơi cao lạnh lẽo. Bây giờ nặng nề rơi xuống mặt đất, tuy thất vọng nhưng dù sao cũng là hồi hương vinh dưỡng, không phải bắt buộc trí sĩ, trong lòng xem như có chút an ủi. Nhất là sau đó các quan văn thi nhau thượng tấu, xin giữ ông ở lại, Từ thủ phụ lại càng cảm thấy có thể diện.
“Người ơi thôi hãy về thôi,
Ruộng vườn sắp lụi hoang rồi về đi.
Tâm này đem lụy thân kia,
Sao còn buồn bã sầu chi một mình?
Việc xưa biết chẳng can thành,
Việc sau sắp lại đuổi mình đến nơi.
Đường mê thực chửa xa xôi,
Nhận ra nay đúng, xưa thời là sai.”
*Trích “Quy khứ lai hề từ” (Lời từ biệt khi về) của Đào Tiềm, bản dịch thơ trên internet
Từ thủ phụ ngâm bài “Lời từ biệt khi về” của Đào Tiềm, rất có ý tứ nhàn nhã đạm bạc.
Ân phu nhân hoàn toàn bị đánh cho choáng váng. Cái gì? Hồi hương vinh dưỡng? Bà mới làm thủ phụ phu nhân được mấy ngày, căn bản chưa đủ ghiền đã phải về quê Vân Gian rồi? Bà sinh ra ở kinh thành, lớn lên ở kinh thành, sau khi thành thân sinh con cũng luôn ở kinh thành, bà vẫn luôn tự cho mình là quý phu nhân kinh thành, luôn cảm thấy trừ kinh thành, tất cả nơi khác đều là nông thôn, là nơi khó khăn cho người ở. Nghĩ tới việc phải đến Vân Gian ở, bà liền đau đầu muốn nứt ra, oán khí ngút trời.
Từ nhị phu nhân và Từ tam phu nhân đều không dám nói lời nào, ảo não chán chường. Nếu chỉ vì cáo buộc của Ngự sử và Cấp sự trung, cha chồng cũng không đến nỗi rơi vào bước đường này. Cha chồng từ quan, nguyên nhân chủ yếu là dung túng nhi tử chiếm đoạt đất đai, phá hủy danh dự, phá hủy tín nhiệm của Hoàng đế bệ hạ.
Ân phu nhân bực tức bệnh cũ tái phát, nằm ở trên giường không dậy nổi. Từ nhị phu nhân và Từ tam phu nhân ủ rũ sai thị nữ thu xếp hành lý, chuẩn bị trở về quê nhà Vân Gian.
Hai tỷ muội Từ Tố Lan, Từ Tố Phương còn tốt, nhà chồng phúc hậu, bất kể Từ thủ phụ đắc thế hay thất thế đều đối với hai nàng luôn khoan dung, từ ái. Từ Tố Mẫn ngược lại xui xẻo, Thanh Dương trưởng công chúa vốn đã không thích nàng, từ khi Từ thủ phụ trí sĩ, lại càng nhìn nàng không vừa mắt, đối với nàng nói xiên nói xỏ, bới móc trăm bề.
Từ Tố Mẫn nghiến răng nghiến lợi:
- Bà ta tính toán gì, ta còn không biết sao? Bà ta chỉ mong ta không chịu đựng được, tự cầu rời đi!
Từ nhị phu nhân kêu:
- Nữ nhi số khổ của ta!
Nước mắt bà như sợi trân châu chảy xuống, nghẹn ngào mà khóc. Mẫn nhi đáng thương, những ngày sau này phải sống ra sao. Nếu chịu đựng chỉ sợ giày vò sinh bệnh, mất đi mạng nhỏ; nếu không chịu đựng thì thân là nữ tử đã gả đi rồi, có thể thế nào đây?
Từ Tố Mẫn có lẽ đã chịu khổ quá nhiều, không thể nào khóc nữa, lạnh lùng nói:
- Con đã có ý hòa li từ lâu nhưng ngại danh tiếng Từ gia nên vẫn chần chừ chưa mở miệng. Nay Từ gia như vậy rồi, các người nếu còn thương con thì để con hòa li đi.
Từ nhị phu nhân lại không muốn hòa li, hàm hồ nói:
- Con phải hiểu rõ. Nếu hòa li, dù tái giá cũng không gả được tốt, người giống như thế tử quốc công phủ là không thể nào.
Từ Tố Mẫn xì một tiếng khinh miệt:
- Thế tử quốc công phủ gì đó ăn được hay uống được? Đi theo hắn, con chịu đựng cả đời cũng không thể ngóc đầu lên!
Hắn căn bản không phải nam nhân, mẹ bảo con theo hắn làm gì.
Từ nhị phu nhân không còn cách nào khác, đành ấp a ấp úng đi nói với Từ nhị gia. Từ nhị gia đang tức giận, chỉ vào mũi bà mắng một trận:
- Hòa li cái gì, cứ sống cho tốt là được, hòa li cái gì? Hòa li dễ nghe lắm sao, trở lại nhà mẹ đẻ, chúng ta nuôi nó cả đời, tốt lắm sao?
Từ nhị phu nhân khóc nói:
- Ông tưởng tôi thích à, nó không phải là thật sự sống không nổi sao? Chúng ta làm phụ mẫu, chẳng lẽ trơ mắt nhìn con sống một ngày như một năm, cũng không quản không hỏi?
Từ nhị gia cay nghiệt nói:
- Sống không nổi thì ráng chịu, cố chịu. Có khuê nữ nhà ai xuất giá mà thuận buồm xuôi gió cả đâu, hơi tí không vừa ý là muốn hòa li thì thiên hạ này chẳng phải loạn à.
Ráng chịu, cố chịu? Từ nhị phu nhân rùng mình, thấp giọng nói:
- Nhị gia, Mẫn nhi là nữ nhi ruột thịt của ông, ông lại muốn nó chịu đựng đau khổ, ông, ông thật nhẫn tâm mà………
Từ nhị gia cười lạnh, nhoài người đến trước mặt bà, âm u nói:
- Lúc gia đích thân nhìn người ta nấu độc dược cho Tố Tâm, sao ngươi không oán trách gia nhẫn tâm?
Từ nhị phu nhân bị vẻ mặt âm trầm cay độc của Từ nhị gia dọa sợ, ngơ ngác không nói nên lời. Từ nhị gia nhíu mày, hừ một tiếng, phẩy tay áo bỏ đi.
Hôm sau, Từ Tố Mẫn đến nhận câu trả lời, Từ nhị phu nhân gạt lệ nói:
- Cha con nói, ai mà không gặp khó khăn, chịu đựng là được.
Từ Tố Mẫn cũng lười nói nhảm với bà, trong ngực giấu một con dao găm sắc bén, đi đến thư phòng Từ thủ phụ.
- Tổ phụ, hoặc là cho phép con hòa li, hoặc là, một đao giết con đi!
Từ Tố Mẫn rút dao găm ra, bộ dạng thấy chết không sờn.
Từ thủ phụ nhắm mắt trầm tư thật lâu, chậm rãi nói:
- Sau khi về, con không gả được cho người tốt nữa, hiểu không?
Từ Tố Mẫn rất quật cường:
- Con còn gả gì nữa, ở nhà ăn chén cơm an lành thôi. Về nhà mẹ đẻ dù không tốt thế nào cũng không tới nỗi như ở Vu gia Định quốc công phủ, ba bữa cơm không đủ no.
Ba bữa cơm không đủ no? Thanh Dương, ngươi dám ức hiếp Từ gia của ta đến vậy.
Từ thủ phụ gật đầu:
- Về thôi. Chăm sóc tổ mẫu và mẫu thân con sống qua ngày, chớ giận chớ oán, cẩn thận làm người.
Tảng đá lớn trong lòng đã buông, Từ Tố Mẫn quỳ xuống dập đầu, nhẹ nhàng rời đi.
Từ thủ phụ căn dặn Từ tam gia ra mặt, mời Đặng Du đến chỗ Thanh Dương trưởng công chúa nói chuyện. Năm đó là Đặng quý phi mở lời, bây giờ vẫn là Đặng gia giải quyết hậu quả thôi.
Từ tam gia luôn khiêm nhường, nói chuyện rất nhã nhặn:
- Xá chất nữ ở Vu gia ngay cả cơm cũng ăn không đủ no, nếu chết đói ở Vu gia sẽ tổn hại đến thiên đạo, trái với nhân luân. Hiện tại Từ gia sức yếu, cái gì cũng không nói, hòa li đi.
Đặng Du mặt đỏ lên:
- Cứ tính trên người ta!
Con bà nó, tỷ ta đích thân ra mặt làm mai mối mà Thanh Dương ngươi dám để đường muội của nhị biểu tẩu ta ngay cả cơm cũng ăn không đủ no. Thanh Dương chết tiệt, món nợ này lão tử nhớ kỹ, từ từ tính sổ với ngươi.
Đặng Du ra mặt, Thanh Dương trưởng công chúa cũng không nghẹn, thành thật trả lại toàn bộ đồ cưới, viết văn thư hòa li. Trên văn thư ban đầu viết “bởi vì Từ thị nên hòa li”, Đặng Du rét buốt nhìn bà, bà bỗng thức tỉnh, cười nói:
- Xem ta này, cứ luôn viết nhầm.
Bà nhấc bút viết lại một bản khác, bỏ đi câu chướng mắt kia.
Vu, Từ hai nhà lặng lẽ cắt đứt quan hệ thông gia.
Về sau Thanh Dương vô ý cuốn vào tranh giành ngôi vị Thái tử, kết quả bị ban cho một dải lụa trắng mà chết. Dĩ nhiên, đây là nói sau.
Từ thủ phụ dẫn theo Ân phu nhân và thứ tử, quý tử, một nhà lên đường về quê Vân Gian. Từ Sâm cố gắng chống đỡ thân thể bệnh tật, được khiêng đến đưa tiễn:
- Nhi tử sức khỏe yếu, thực không chịu nổi lặn lội đường xa, không thể cùng hồi hương với phụ thân. Xin phụ thân thứ tội.
Từ thủ phụ mỉm cười:
- Sâm nhi, chỉ cần con sống tốt, có ở cạnh phụ thân hay không cũng không quan hệ gì.
Trong nháy mắt, đáy lòng Từ Sâm dâng lên một dòng nước ấm, muốn rơi lệ, muốn theo cạnh phụ thân, dốc lòng hầu hạ ông ấy. Phụ thân là người yêu thương nhi tử, chỉ cần nhi tử sống tốt còn bản thân ra sao đều được.
Trong nháy mắt tiếp theo, Từ Sâm nhớ đến dáng vẻ thanh tú và cảnh ngộ đáng thương của Từ Bảo, tâm lại lạnh đi. Đó là tôn nữ ruột, vậy mà nỡ trước tiên đem bán, sau đó giết bằng thuốc độc……….Từ Sâm không khỏi rùng mình.
Từ Sâm cùng phụ thân lưu luyến chia tay.
Trở lại Tây Sơn, thê tử bận rộn việc nhà, ấu tử ấu nữ vây quanh bên người, trưởng tử ho một tiếng:
- Phụ thân, nên xem ngày rồi nhỉ?
Quý Dao đã sắp tròn hai mươi tuổi, Từ Tốn tràn đầy mong mỏi sớm ngày cưới nàng qua cửa, trọn đời bên nhau. Từ Sâm nhìn trưởng tử mặt mày dịu dàng thì khẽ mỉm cười, trong lòng ấm áp.