Cha Từ mẹ Từ lại không ngốc, A Trì ở Từ gia bị người ta nhìn chằm chằm như hổ đói, họ có thể không lo lắng sao? Vì tốt cho A Trì, biện pháp tiện lợi nhất chính là sớm gả A Trì đi, theo chồng rời xa kinh thành, rời xa chốn thị phi Từ gia này.
Trương Mại đỏ mặt:
- Nàng ……..nàng ấy còn nhỏ…………
A Trì tháng chín năm nay mới mười sáu tuổi, thành thân có phải hơi sớm không? Nếu là nữ tử Mạnh gia thì đủ mười tám tuổi mới được xuất giá; còn nếu là Đồng Đồng thì cha mẹ nói hai mươi tuổi thành thân cũng không tính là muộn, vừa hợp.
Du Nhiên là một mẫu thân rất dân chủ, tiến bộ, không miễn cưỡng con cái của mình mà rất hiểu lòng người nói:
- Cũng được, A Trì còn nhỏ, không nên thành thân sớm. Nếu không thì con đợi con bé thêm bốn năm năm nữa đi? Đến lúc đó A Trì vừa đúng hai mươi tuổi. Mại Mại, nữ tử hai mươi tuổi xuất giá là độ tuổi thích hợp nhất.
Trương Mại khẽ ho một tiếng, mẹ là mẹ ruột con đó có được không, cứ đem nhi tử thân sinh của mình ra tiêu khiển là thế nào? Trương Mại rất nghiêm túc nói:
- Ngụy quốc công phủ không có nữ chủ nhân, con thân là Ngụy quốc công vẫn nên sớm ngày thành thân mới thỏa đáng.
Du Nhiên biết lắng nghe gật đầu:
- Được, vậy thì sớm thành thân.
Tuy A Kình và con một trước một sau kết hôn là chuyện rất phiền phức nhưng mẹ chỉ mong sao hai huynh đệ các con mau mau thành thân. Lập gia đình rồi thì các con sẽ chân chính thành người lớn, ta chuyển giao các con xong là xem như sứ mạng lịch sử hoàn thành, có thể vinh quang lui về hậu phương hưởng phúc rồi.
Những điều này Du Nhiên chỉ nghĩ trong lòng chứ không nói. Nếu bà dám nói ra khỏi miệng, Trương Mại nhất định sẽ khiêm tốn thỉnh giáo:
- Mẹ có ngày nào là không hưởng phúc?
Trương Kình cũng sẽ phản đối:
- Tụi con lập gia đình rồi vẫn là nhi tử của mẹ, mẹ không thể buông tay, chuyện gì cũng mặc kệ được.
Nếu đổi thành Trương Đồng thì con bé sẽ đứng đắn kháng nghị:
- Mẹ, làm mẫu thân là chuyện cả đời, không thể trốn tránh trách nhiệm.
Du Nhiên mỉm cười xác nhận lại với Trương Mại:
- Chủ ý đã quyết? Không thay đổi? Chuyện của con, con quyết định. Nếu con chủ ý đã quyết thì cha mẹ sẽ nhờ người đến Từ gia bàn bạc chuyện sính lễ và chọn ngày cưới.
Nếu Từ gia ưng thuận thì sính lễ phải mau chóng chuẩn bị. Nhi tử con mang mỹ danh là Ngụy quốc công nên sính lễ cũng không thể khó coi, phải xứng với tiểu cô nương xinh đẹp có làn da như quả vải tươi mới được.
Trương Mại cười nói:
- Nam tử Trương gia trước nay nói một câu là một câu, lời đã nói ra chắc chắn sẽ thực hiện. Con không thay đổi, cứ quyết định như vậy.
Vẫn nên mau cưới nàng vào cửa đi, cha mẹ nàng tuy yêu thương nàng nhưng tổ phụ tổ mẫu quả thực không đáng tin, các thúc thúc thẩm thẩm xem ra cũng không dễ sống chung.
- Nhưng mà, nàng ấy, nàng ấy còn nhỏ.
Du Nhiên ra vẻ xấu hổ, nhưng trong mắt đều là ý trêu đùa tinh quái. Trương Mại hơi ngượng:
- Cái đó, con mệt quá, mẹ, con về phòng đây. Mẹ cũng nghỉ sớm, nghỉ sớm đi.
Nói rồi bỏ chạy trối chết.
- Đi rồi sao?
Du Nhiên không vui:
- Tiểu tử thúi, mẹ còn muốn nói chuyện với con mà. Chưa qua cầu mà rút ván rồi, Mại Mại không có lương tâm.
- Có lời gì cứ nói với ta đi.
Một bóng người cao lớn che phủ xuống, giọng nói trầm thấp của nam tử trung niên vang lên bên tai:
- Nhi tử đều không có lương tâm, khỏi phải để ý tới tụi nó.
Là Trương Tịnh đã về.
Du Nhiên ngẩng đầu nhìn trượng phu, hai con ngươi như sóng nước mùa thu, huynh ấy về nhà rồi, thật tốt. Từ khi hai người lần đầu tiên gặp nhau liền cảm thấy nói chuyện rất ăn ý, rất hợp, đến nay đã qua hơn hai mươi mấy năm, chỉ cần nhìn thấy huynh ấy là bà cảm thấy trong lòng an tâm, vui vẻ.
Bà ôm bộ ngực ấm áp dày rộng của trượng phu, lười biếng mà thoải mái:
- Mại Mại không có lương tâm, không cần cha mẹ nữa.
Du Nhiên ngang ngược tố cáo lung tung. Tiểu tử thúi một lòng một dạ muốn cưới thê tử, cưới thê tử thì sẽ quên mẹ, cho nên, tiểu tử thúi này chính là muốn vứt bỏ cha mẹ.
Trương Tịnh thấp giọng cười:
- Chúng ta cũng đâu cần nó đâu. Đã cao bằng ta rồi, một chút cũng chơi không vui, cần nó làm gì? A Du, chúng ta hối hai tiểu tử thúi đó mau mau cưới vợ, đợi chúng nó sinh tiểu hài tử, chúng ta sẽ ngậm kẹo đùa cháu, có được không?
Du Nhiên rất muốn nói “Không được!”, khó khăn lắm con cái mới trưởng thành, người làm cha mẹ có thể tự do tự tại hưởng thụ cuộc sống, sao phải đi chăm con nít? Con nít đáng yêu thì dĩ nhiên đáng yêu nhưng khó ưa thì cũng thực sự khó ưa.
Thấy Trương Tịnh hăng hái vô cùng, bà không nỡ giội ông gáo nước lạnh nên chỉ mỉm cười nói:
- Không cần, dỗ hài tử rất mệt, để hai tiểu tử thúi tự làm đi, chúng ta mặc kệ. Không nuôi con không biết lòng cha mẹ, A Kình A Mại tự nuôi hài tử mới biết làm cha mẹ có bao nhiêu vất vả.
Không đợi Trương Tịnh trả lời, Du Nhiên đã hăng hái tính toán hôn sự của Trương Kình và Trương Mại:
- Ngày cưới của A Kình đã định rồi, đầu xuân chúng ta sẽ tổ chức hôn lễ; thê tử của A Mại cưới sớm khỏe sớm, lúc lễ mừng năm mới chúng ta nhờ người đến Từ gia chọn ngày cưới, có được không?
Trương Tịnh hiển nhiên không có dị nghị gì:
- Được, nghe theo nàng.
Từ gia không có gia quy nữ tử mười tám, hai mươi tuổi mới được xuất giá, thật tốt. Năm đó mình đợi A Du đủ mười tám tuổi, đợi rất cực khổ. A Mại, nhi tử, con xem như là vận khí tốt đó.
Ngày hôm sau Trương Tịnh bị Du Nhiên cử đi làm việc nhà, ở trong phủ tự mình xem gia nhân lau dọn đồ cúng, thỉnh bài vị, cúng bái di ảnh. Trương Mại sáng sớm đã ra ngoài, đến ngoại ô kinh thành đón Hoa Sơn lão nhân.
Trước khi Trương Mại ra cửa, Trương Tịnh nói rõ:
- Con mời sư công hôm nay trở lại, đừng dây dưa bên ngoài nữa.
Sư công ham chơi, nếu gặp bạn cũ, nói chuyện trên trời dưới đất, khoa tay múa chân gì đó, chơi đến nghiện thì không chừng nhiều năm liên tục cũng không về, vậy sao được.
Du Nhiên mỉm cười:
- Yên tâm, yên tâm. Chàng đi, sư phụ không nhất định sẽ về nhưng Mại Mại đi, sư phụ chắc chắn sẽ về.
Mại Mại từ nhỏ đã có thể lừa gạt sư phụ, ca ca thông minh như vậy, chẳng lẽ không nhìn ra?
Quả nhiên, lúc sẩm tối, tổ tôn hai người mỗi người cưỡi một con ngựa cao lớn chạy vào cổng phủ như gió lốc.
- Sư phụ, ngài có thể cứ như vậy mà quay lại?
Trương Tịnh và Du Nhiên vội ra ngoài nghênh đón, Du Nhiên cười khanh khách nói:
- Ngài nên ở trước cửa phủ đợi một chút, để tụi con xếp hàng nghênh đón mới đủ khí thế.
Trương Tịnh phụ họa:
- Phải đó, sư phụ nên oai phong bệ vệ mới được.
Hoa Sơn lão nhân râu tóc bạc phơ, mặt mày hớn hở:
- Không cần, không cần! A Tịnh, A Du, sư phụ tối nay chỉ cần có thể thoải mái nâng ly là trong lòng liền vui vẻ. Xếp hàng nghênh đón hay oai phong bệ vệ gì đó ta một chút hứng thú cũng không có.
Đang nói chuyện thì Trương Kình và Trương Đồng cũng chạy tới, vui sướng kêu to:
- Sư công!
Kể từ khi Hoa Sơn lão nhân theo Trương Mại đi Nam Kinh đến nay họ vẫn chưa gặp lại nên sao lại không nhớ.
Hoa Sơn lão nhân cũng vui vẻ khi thấy hai người họ:
- A Kình, Đồng Đồng, có nhớ sư công không? Sư công cho hai con thứ tốt nè.
Ông đắc ý lấy từ trên người ra hai chiếc thuyền đồ chơi nhỏ:
- Nhìn thuyền nhỏ này nè, nó tự di chuyển được đấy, chơi vui lắm.
Sư công rất công bằng, mỗi đứa một chiếc.
Trương Đồng cười khúc khích tạ ơn:
- Chơi vui lắm, ánh mắt sư công thật tốt.
Trương Kình khóe miệng co quắp, sư công thật là không mất tính trẻ con, con đã lớn thế này rồi mà ngài còn xem con như trẻ nít mà dụ dỗ.
Trong tiếng cười đùa vui vẻ, Trương Tịnh, Du Nhiên cùng hai nhi tử một nữ nhi vây quanh sư công đi vào phòng khách nhỏ ở nội viện. Sư công đã lâu chưa về phủ, buổi tối ngày đầu tiên dĩ nhiên là phải làm tiệc đón gió tẩy trần cho ông.
Hoa Sơn lão nhân sau khi ngồi vào chỗ của mình thì “ơ” một tiếng:
- Đồng Đồng, ông ngoại con đâu?
Ông ngoại con lại không có ở đây, kỳ quái. Trương Đồng cười ngọt ngào:
- Sư công, sắp đến Tết Nguyên Đán, ông ngoại được đại cữu cữu và nhị cữu cữu đón về đường lớn Định Phủ rồi.
Mạnh gia ngụ tại một trong những khu vực phồn hoa nhất kinh thành là đường lớn Định Phủ.
Con cháu Mạnh gia sau khi trưởng thành lấy vợ theo lệ cũ phải phân gia. Hai đích tử Mạnh Chính Tuyên, Mạnh Chính Hiến của Mạnh Lại là huynh đệ ruột do cùng một mẹ sinh ra nên rất thân thiết, tuy đã phân gia nhưng vẫn sống chung một nhà, không hề ở riêng.
Mạnh Lại sớm đã trí sĩ, sức khỏe cũng không tốt lắm, các con cháu đều hiếu thuận, ai nỡ làm trái ý ông? Ông muốn đến biệt trang ở ngoại ô tĩnh dưỡng hay đến nhà nữ nhi ở cũng được, họ đều thuận theo ý ông. Nhưng Tết Nguyên Đán thì ông phải về Mạnh gia.
Hoa Sơn lão nhân cảm thấy rất tiếc:
- Ông ngoại con không ở đây thì ai chơi cờ với ta?
Bình Bắc hầu phủ ngoại trừ hai nữ sĩ Du Nhiên và Trương Đồng thì phụ tử Trương Tịnh, Trương Kình, Trương Mại kỳ nghệ đều giỏi hơn sư công, chỉ có chơi cờ với Mạnh Lại, sư công mới thường thắng.
Trương Tịnh mỉm cười nói:
- Sư phụ, con được nghỉ ở nhà nửa tháng, mỗi ngày đều chơi cờ với ngài.
Sư phụ muốn tìm người chơi cờ, đây không phải chuyện dễ dàng sao, đồ đệ bất cứ lúc nào cũng có thể phụng bồi.
Hoa Sơn lão nhân thổi thổi râu mép:
- Không chơi với con!
Trương Tịnh đần, chơi cờ với nhạc phụ thì biết nhường, biết cố ý thua; còn chơi cờ với sư công thì chơi thiệt! Tiểu tử thúi, tiểu tử thúi không có lương tâm.
- Vậy, con đánh nhau cùng ngài, có được không?
Trương Tịnh rất hiền lành, không chơi cờ thì đánh nhau, hoặc uống rượu, phẩm trà, bày binh bố trận đều theo ý ngài. Ngài dạy các kiểu kỹ năng đồ đệ đều tinh thông, bất kể ngài muốn chơi gì, đồ đệ đều có thể phụng bồi.
Hoa Sơn lão nhân vui vẻ nói:
- Được, A Tịnh, chúng ta quyết định vậy đi.
Đánh nhau với Trương Tịnh thì có thể đánh lâm ly sảng khoái, lại còn có thể thắng, đối với ông mà nói là chuyện vui vẻ nhất.
Trương Tịnh dụ dỗ sư phụ, Trương Mại lén kéo kéo Du Nhiên:
- Mẹ, mẹ nhờ người sao rồi?
Vẻ mặt Du Nhiên ngây thơ, không hề có chút tâm cơ nào:
- Nhờ người gì thế?
Giọng nói của Trương Mại thấp đến không thể thấp hơn nữa:
- Nhờ người đến Từ gia đó.
Mẹ, người có thể đừng giả bộ hồ đồ được không.
Du Nhiên vui vẻ. Ca ca có lúc ngớ ngẩn, hài tử thông minh sáng dạ như Mại Mại cũng có lúc ngớ ngẩn!
- Nhi tử, hôm nay nhà nào cũng vội lo ăn Tết, đi nhờ ai chứ? Chúng ta lại không phải là tháng sau rước dâu mà là mùa thu đông năm sau. Nếu vào lúc nhà nhà vội lo đón Tết này mà chúng ta chạy đi nhờ người thì ra cái gì?
Đó là việc không bình thường, sẽ bị người ta chỉ trích, rồi suy nghĩ lung tung.
Trương Mại rầu rĩ không vui. Du Nhiên là một mẫu thân sáng suốt cỡ nào, bà mỉm cười an ủi hắn:
- Mại Mại, nhi tử, mẹ mới vừa nhớ ra, có vài thứ cá, ngó sen, hoa quả tươi mà nhạc mẫu con thích ăn nên định đem qua tặng. Mai con rảnh không? Nếu rảnh thì con đi làm chuyện này đi.
Trương Mại dáng vẻ tươi cười:
- Chuyện mẹ căn dặn thì rảnh hay không rảnh con cũng đảm bảo làm đến nơi đến chốn, không có sơ sót. Con nhất định sẽ đem mấy thứ này nguyên vẹn qua đó, không để hư hao hay tổn thất gì đâu, mẹ cứ yên tâm.
Tối nay người người thoải mái, ai cũng nâng ly, ngay cả Du Nhiên và Trương Đồng cũng uống không ít rượu nho. Rượu nho này đến từ Tây Vực, màu đỏ lựu rất đẹp, vào trong miệng mềm mại triền miên như tơ lụa, ngọt mà sảng khoái, dư vị kéo dài.
Rượu nho này mùi vị tuy ngon nhưng tác dụng chậm lại lớn, đặc biệt là không thể ra gió. Sau bữa tiệc, ba phụ tử Trương Tịnh cũng không rảnh rỗi: Trương Tịnh đem áo choàng dày bao chặt lấy Du Nhiên, hai người cùng nhau về phòng. Trương Kình tỉ mỉ, chịu trách nhiệm đưa Trương Đồng về. Trương Mại thì khỏi phải nói, sư công luôn giao cho hắn phụ trách, đưa sư công về phòng, hầu hạ sư công tắm rửa nghỉ ngơi, đắp chăn cho sư công đều là công việc của hắn.
Sư công cười hì hì nằm trên giường:
- A Mại, gặp tiểu cô nương chưa? Con nếu gặp con bé, phải làm con bé vui vẻ, làm trái tim con bé hướng về con, có hiểu không?
Trương Mại mỉm cười:
- Dạ, sư công, ngày mai con liền đến đường lớn Đăng Thị Khẩu làm cho giai nhân vui vẻ.
Sư công cười khen ngợi:
- Ngoan!
Trương Mại giúp ông đắp kín chăn rồi ngồi bên mép giường nói chuyện cùng ông một chút, thấy ông dần buồn ngủ, rồi từ từ ngủ thiếp đi mới nhẹ chân nhẹ tay ra ngoài.
Hôm sau Trương Mại cưỡi ngựa theo sau một chiếc xe ngựa nóc bằng giản dị rộng rãi đến đường lớn Đăng Thị Khẩu. Lục Vân vô cùng mừng rỡ:
- Lệnh đường đặc biệt tặng cho ta? Thật khách sáo quá. Con giúp ta nói tiếng đa tạ, ta rất xấu hổ.
Từ Sâm kiên nhẫn ngồi đợi Lục Vân và Trương Mại khách sáo qua lại xong mới gọi Trương Mại vào thư phòng, ôn hòa hỏi:
- Hôn sự của lệnh huynh đã định là tháng ba mùa xuân sang năm? Cảnh xuân rực rỡ, quả thực là ngày tốt.
Trương Mại dáng vẻ kính cẩn:
- Tháng ba mùa xuân, cảnh xuân rực rỡ, đúng là ngày tốt. Kỳ thực cảnh thu, cảnh đông ở kinh thành đều đẹp, nếu thành thân vào khoảng giữa thu đông cũng là chuyện vui.
Từ Sâm trầm ngâm chốc lát:
- Khoảng giữa thu đông?
Trái tim Trương Mại đập thình thịch:
- Dạ, cuối tháng chín, đầu tháng mười sang năm có ngày hoàng đạo. Nhạc phụ ngài xem………?
Từ Sâm im lặng suy nghĩ hồi lâu, bình tĩnh mở miệng:
- Trọng Khải, mời lệnh tôn lệnh đường nhờ người sang đây đi.
Mùa thu đông sang năm có ngày hoàng đạo, rất tốt, rất tốt.
Trương Mại cung kính đáp:
- Dạ, nhạc phụ đại nhân!
Giờ phút này trên mặt trong lòng hắn đều là mừng rỡ. Vốn dĩ mình còn sợ nhạc phụ nhạc mẫu lo A Trì tuổi nhỏ, không nỡ gả đi, nhưng lời này của Từ Sâm vừa thốt ra thì lo lắng của Trương Mại đã hoàn toàn tan biến.
- Tiểu nữ ngây thơ, sau này nếu có chỗ nào không chu đáo, xin Trọng Khải khoan dung nhiều hơn.
Từ Sâm nhẹ nhàng nói. Phải gả nữ nhi, trong lòng ông có bao nhiêu không nỡ; nhưng không còn cách nào khác, vì A Trì, nên sớm gả đi mới tốt.
Trương Mại đỏ mặt:
- Nhạc phụ, con sẽ nhường nhịn nàng ấy.
Cưới được tiểu cô nương ngày nhớ đêm mong về làm vợ, mình sao có thể không bao dung cho nàng? Không, không đúng, nàng thông minh như vậy, khéo léo như vậy, căn bản là không có chuyện gì cần mình phải bao dung.
Hôm đó mặc dù Trương Mại không gặp được A Trì, mặc dù vẫn đầy bụng tương tư như cũ nhưng tâm trạng rất tốt, mặt đầy ý cười. Về đến Bình Bắc hầu phủ, Trương Mại nói rõ từng chút một cho Trương Tịnh và Du Nhiên nghe:
- Nhạc phụ bằng lòng rồi.
Trương Tịnh làm việc mạnh mẽ nhanh chóng, ngay hôm đó liền đi mời phu thê Cát Thị lang của Hình bộ làm người chứng hôn, đến Từ gia bàn bạc chuyện sính lễ và chọn ngày cưới:
Trương Tịnh khách khí thành khẩn nói:
- Khuyển tử nhậm chức ở Nam Kinh, qua mười lăm tháng giêng là không thể ở nhà nữa nên vài hôm là phải lên đường rồi. Chúng ta muốn trước tiên đem chuyện hôn sự bàn bạc cho xong để nó có thể an tâm đi nhậm chức.
Nhà Cát thị lang và Trương Tịnh giao tình không tệ nên ngay lập tức tươi cười đáp ứng. Vợ chồng Cát thị lang cũng chân thực nhiệt tình, chuẩn bị xong thì sai người gửi thiệp trước, hôm sau liền đến đường lớn Đăng Thị Khẩu đăng môn bái phỏng, thường xuyên qua lại, đem ngày gửi sính lễ, ngày kết hôn toàn bộ đều quyết định xong.
Ân phu nhân vui vẻ thương lượng với Từ thứ phụ:
- Lão đại sắp gả khuê nữ, đây cũng là chuyện vui của Từ gia chúng ta! Đồ cưới của Tố Hoa ta chuẩn bị được không? Bảo đảm là mười dặm hồng trang, đứng đầu trong các danh môn quý nữ ở kinh thành.
Từ thứ phụ mỉm cười:
- Của hồi môn của Tố Hoa, dĩ nhiên là từ từ tích góp từ khi con bé mới sinh, đến nay sớm đã chuẩn bị thỏa đáng cả rồi. Phu nhân nếu muốn thêm đồ cưới cho Tố Hoa cũng được, vợ chồng Sâm nhi chắc chắn sẽ cảm kích.
Ân phu nhân nghe ý của ông buông lỏng thì vội cười nói:
- Đã là đồ cưới ta chuẩn bị thì sính lễ này dĩ nhiên cũng phải đưa đến đường lớn Chính Dương Môn, lão gia nói có phải không?
Đồ cưới ta lo liệu thì sính lễ dĩ nhiên là ta thu, không có gì để nói.