Tọa Hoài Bất Loạn

Chương 4

Không dưng lại tỏ ra ân cần, chẳng phải phường gian thì là trộm cắp.

Hắn nói năng vô cùng cung kính, ấy vậy mà Phó Ngọc Thanh càng nghe lại càng căng thẳng, bèn đứng luôn dậy khách khí đáp lời: “Ngài nói đúng, kẻ hèn này vẫn ở Nam Kinh bấy lâu nay. Lần này đến Thượng Hải là vì có chút việc riêng, cho nên cũng chưa đi quanh thăm hỏi, chẳng hay ngài là…?”

Ở Nam Kinh Phó Ngọc Thanh đã qua lại với côn đồ không ít lần, song côn đồ khách sáo lịch sự với anh như người trước mặt đây thì quả đúng là mới gặp lần đầu.

Trên mặt người nọ lộ ra một tia thất vọng: “Ngài là quý nhân hay quên, chỉ sợ không còn nhớ tôi nữa rồi.”

Nói gì mà lạ thế, nhưng Phó Ngọc Thanh vẫn cười: “Thật ra tôi thấy ngài quen lắm đấy, chỉ là nhất thời chưa nhớ ra được mà thôi.”

Người nọ nhẹ nhàng hít vào một hơi, rồi nói: “Phó tam thiếu gia, lúc ở Nam Kinh, nếu không nhờ có ngài cứu tôi một mạng thì sao tôi có thể có được ngày hôm nay?” nghe chừng anh hãy còn lơ mơ, hắn bèn tiếp tục: “chắc là ngài không nhớ rồi. Năm đó ở bến tàu Hạ Quan, tôi bị thương ở chân lúc vác gạch, nếu không nhờ có ngài, Mạnh Thanh tôi hôm nay đã thành kẻ tàn phế rồi.”

Phó Ngọc Thanh thoáng kinh ngạc, khổ nỗi nghĩ mãi mà vẫn không nhớ ra chuyện này.

Đúng là mấy năm trước nhà Phó có vài nhà máy gạch ở Nam Kinh, anh cũng thường hay qua bến tàu Hạ Quan. Ở bến tàu người đến người đi đông như mắc cửi, tất cả đều là dân lao động nghèo, theo như lời kể của người trước mặt thì chắc hẳn từng có chuyện như vậy thật, chỉ là anh lại không nhớ nổi.

Song giờ cũng chẳng phải lúc để nghĩ nhiều, Phó Ngọc Thanh bèn cười: “Nếu quả thực thế thì cũng là do ông chủ Mạnh là anh hùng cái thế, sống tốt nên được trời phù hộ ấy mà, chứ tại hạ không dám kể công.”

Mạnh Thanh thấy anh vẫn mù tịt, hình như đã nhận ra anh không nhớ thật rồi, vẻ thất vọng trong mắt càng rõ ràng, nhưng hắn vẫn cung kính nói: “Chẳng hay Phó tam thiếu gia định ở Thượng Hải bao lâu?” chẳng chờ anh đáp đã nói luôn, “nếu tam gia rảnh, Mạnh mỗ muốn làm chủ, mời tam gia ăn một bữa cơm, không biết tam gia có nể mặt không?”

Phó Ngọc Thanh không ngờ hắn còn muốn mời anh ăn cơm nữa, đành đáp, “Ông chủ Mạnh cất nhắc quá rồi! Nếu ông chủ Mạnh đã có lời thì Phó Ngọc Thanh tôi nhất định sẽ đi.”

Đang nói chuyện thì cửa đẩy ra, cuối cùng Đỗ Hâm và quản lý nhà hát cũng tới, thấy hai người ông ông tôi tôi rõ khách khí, xem ra không có gì hung hiểm thì lòng nhẹ ngay đi một nửa. Mạnh Thanh lại cười: “Vậy thì tôi nhất định phải chuẩn bị cho ra trò mới được. Chẳng mấy khi tam gia đến Thượng Hải, tôi ở đây sao có thể không tận tình cơ chứ?”

Xong còn trò chuyện thêm vài ba câu nữa với anh rồi mới từ biệt, lướt qua quản lý nhà hát ra ngoài.

Quản lý nhà hát là một gã trung niên hơi mập. Lúc đi vào trông thấy Mạnh Thanh cũng ở đó, trên mặt gã rịn ra một lớp mồ hôi mỏng, chẳng dám ho he lấy một câu, dè dặt đứng nép sang bên. Đến lúc bọn họ nói chuyện xong, hình như gã mới thở phào nhẹ nhõm, cun cút bám ra ngoài theo cười giả lả: “Tâm trạng ông chủ Mạnh tốt thế này, chi bằng nán lại một lát nhé? Hôm nay chiếu Bách Điểu Triêu Hoàng đấy, đông vui lắm.”

Mạnh Thanh gật đầu: “Phó tam gia là ân nhân của tôi, hiếm lắm mới được gặp bữa hôm nay, ông hãy thay tôi đón tiếp ngài ấy hẳn hoi vào nhé, tôi có chút việc gấp phải về, chứ không đã tự mình tiếp đón rồi.”

Phó Ngọc Thanh nghe vậy rất xấu hổ, Đỗ Hâm thì thắc mắc, cái kiểu côn đồ gì mà ai cũng quen vậy? Có máu mặt đến thế ư? Cậu thầm kinh ngạc.

Mạnh Thanh không cần quản lý tiễn, tự mình ra ngoài lên xe kéo.

Phó Ngọc Thanh nhìn hắn ra khỏi cửa phòng nghỉ, sau rốt mới thở phào. Lưng áo anh đã sũng mồ hôi, chẳng ngờ lại chỉ là một phen sợ bóng sợ gió.

Quản lý vừa lau mồ hôi vừa đi tới hỏi anh: “Ngài Phó, hóa ra ngài quen ông chủ Mạnh hả? Ngài có chỗ dựa oách thế thì còn sợ gì du côn nữa, ngài ấy đến cái là khỏi cần phải lo chuyện gì nữa sất.”

Cả Phó Ngọc Thanh lẫn Đỗ Hâm đều không đáp, khó mà giải thích thực ra ban nãy chỉ là hiểu lầm thôi, đành cười cho qua. Đỗ Hâm dò hỏi, “Ông chủ Mạnh á? Chính là người vừa mới ra ngoài kia đấy hử?”

“Đúng rồi, các ngài không biết sao? Ngài ấy chính là tâm phúc của ngài Đỗ đó, công phu ngài ấy tuyệt diệu, sống lại nghĩa khí, ai ai cũng phục hết!” gã bắn một tràng giọng Thượng Hải trơn tru, Phó Ngọc Thanh nghe vậy mới nhếch miệng cười: “tất nhiên rồi tất nhiên rồi.” Bụng lại bảo dạ, thế sao ông còn vã mồ hôi hơn cả tôi vậy?

Đá đưa một ít lâu với gã nữa thì cuối cùng người ở cục cảnh sát cũng tới, lái xe đưa bọn họ về nhà Phó.

Phó Ngọc Hoa ở nhà lo lắng thấp thỏm không thôi, thấy anh về thì đương nhiên phải tra hỏi một trận cho ra nhẽ. Phó Ngọc Thanh kể lại chuyện với ông chủ Mạnh, không ngờ Mạnh Thanh nức tiếng đến độ cả Phó Ngọc Hoa cũng biết.

Phó Ngọc Hoa cau mày: “Mạnh Thanh này có địa vị cực lớn, hắn là người dưới trướng Đỗ Nguyệt Sênh[1]. Quyền cước công phu của hắn rất lợi hại, Đỗ Nguyệt Sênh khen lắm, thế nên đến cả tên của hắn cũng là do Đỗ Nguyệt Sênh đặt đấy, em xem tên hắn chỉ có một chữ ‘Thanh’ là có lý do cả!”

Phó Ngọc Thanh giật mình, thầm hiểu ra chuyện này không hề nhỏ, bèn nói: “Cũng chưa chắc hắn sẽ tìm em đâu, nếu mà tìm thật, muốn mời em đi ăn thì em cũng sẽ hào phóng nhận lời thôi. Dân giang hồ mà, nghĩa khí đặt hàng đầu, nên chắc cũng chả phải vì lý do nào khác đâu.”

Phó Ngọc Hoa đăm chiêu, cẩn thận ngẫm nghĩ lại chuyện này, sau đó anh bèn điện một cú về Nam Kinh, gọi chú Cảnh tới hỏi xem có nhớ việc này không.

Năm đó chú Cảnh đi theo Phó Ngọc Thanh, nếu thực sự từng xảy ra chuyện như vậy thì hẳn chú sẽ nhớ.

Chú Cảnh vừa nghe anh hỏi đã đáp ngay: “Đại thiếu gia, đúng là từng có chuyện như vậy đó. Hồi ở Hạ Quan, có người vác gạch ngã thang bị gãy chân, tam thiếu gia lúc đó thấy xót nên đã mời bác sĩ Tây đến nối xương lại cho cậu ta, xong còn đưa cậu ta về cái nhà ở Hán Trung, tìm người chăm sóc cho nữa.” Sau đó miêu tả lại cho anh mặt mũi người kia, quả nhiên trùng khớp.

Chú nói thế làm Phó Ngọc Thanh cũng láng máng nhớ ra.

Khi đó Phó Cảnh Viên vừa mới cưới Diệp Thúy Văn, sinh ra Phó Ngọc Đình, anh không muốn về nhà cũ nên đã tìm một cái nhà bên Hán Trung để ở tạm.

Gặp nhau ở bến tàu, anh chỉ tiện tay giúp đỡ mà thôi, thế mà người ta lại ghi tạc trong lòng suốt bấy lâu.

Chú Cảnh cười: “Tam thiếu gia, cậu thật sự không nhớ à? Lúc đó cậu ta còn khắc cả bài vị trường sinh cho cậu, ngày nào cũng cúng đấy!”
Bình Luận (0)
Comment