Tống Y

Chương 442

Từ khi Đỗ Văn Hạo vào Tể Chấp, đây là lần đầu tiên hắn tham dự buổi lâm triều. Thật ra cũng không thể trách Đỗ Văn Hạo bởi vì từ khi Tống Triết Tông tức vị, Thái Hoàng Thái Hậu Cao Thao Thao buông rèm nhiếp chính đây mới là buổi lâm triều đầu tiên.

Sau khi Đỗ Văn Hạo theo thói quen luyện tập võ công với Lâm Thanh Đại và Vương Nhuận Tuyết, hắn rửa mặt, mặc quần áo chỉnh tề rồi cưỡi ngựa đi vào Hoàng cung.

Đỗ Văn Hạo vốn là quan Ngự y, từ Ngự y trở thành võ tướng sau đó nhậm chức tam nha Đô Điểm Kiểm. Theo lý thuyết hắn là quan văn cầm quân. Chức quan này vốn vẫn do quan văn đảm nhiệm thế nhưng chức quan thống lãnh tối cao này vốn là do Tống Thái Tổ đảm nhiệm trước khi tạo phản lên ngôi Hoàng đế vì vậy sau khi Tống Thái Tổ lên ngôi, chức vị này chỉ còn tồn tại nhưng không có thực quyền trên thực tế. Tống Thái Tổ là một võ tướng nên bây giờ Đỗ Văn Hạo đảm nhiệm chức vụ này cũng tự coi là một võ tướng.Toàn thân Đỗ Văn Hạo mặc áo giáp da thuộc. Bên phải yên ngựa có móc một cây ngân thương, bên trái có treo một Hoàng hoa cung. Một bao tên đựng đầy tên, mũi bọc mũi sắt hình mũi dùi. Sau khi Đỗ Văn Hạo theo Lâm Thanh Đại tập luyện võ công, khí lực đã tăng lên rất nhiều, hắn đã có thể giương được cung tám đấu, đạt tới trình độ trung đẳng của Cấm quân.

Đỗ Văn Hạo mang theo hộ vệ, giục ngựa chạy băng băng trên đường phố yên tĩnh buổi sáng sớm, tới Đông Hoa Môn bên ngoài Hoàng cung, Đỗ Văn Hạo nhảy xuống ngựa, ném dây cương cho đội trưởng đội hộ vệ Hứa Văn Cường, cởi bội kiếm bên hông giao cho hộ vệ, sửa sang lại y phục rồi bước nhanh vào Đông Hoa Môn.

Binh lính canh cửa cúi chào hắn, đưa mắt nhìn theo Đỗ Văn Hạo bước vào cửa chính, đi dọc theo hành lang dài lát đá xanh. Khi đi tới bên ngoài cửa điện. Ở hai bên hông cửa là hai biệt điện để cho các đại thần tạm nghỉ. Bên trái dành cho quan văn, bên phải dành cho võ tướng.

Đỗ Văn Hạo đang định đi vào biệt viện bên phải thì một lão thái giám canh cửa vội vàng vung phất trần, cúi người thi lễ nói: "Quốc công gia, ngài nên đi vào biệt viện bên trái".

Đỗ Văn Hạo nhíu mày hỏi: "Tại sao?"

"Ngài là một quan văn. Quan văn ở bên trái".

"Ai bảo ngươi ta là một quan văn?"

"Điều này…hì hì" Lão thái giám có vẻ xấu hổ, vội vàng nói: "Quốc công gia, võ tướng đều có quân tịch…".

Lập tức Đỗ Văn Hạo "a" lên một tiếng. Mặc dù hắn là tam nha Đô Điểm Kiểm. Dù bây giờ là thời kỳ hoà bình thì vẫn là thống soái cao nhất của quân đội nhưng lại không có quân tịch, cũng giống như chủ tịch quân uỷ trung ương không có quân hàm vậy. Thì ra sự khác biệt giữa quan văn và võ tướng không nằm ở lĩnh vực mình phục trách, có cầm quân hay không mà nằm ở chỗ có quân tịch hay không.

Đỗ Văn Hạo thầm nghĩ muốn có quân tịch thì quá đơn giản. Hắn lập tức hừ giọng mũi một cái nói: "Quân tịch sao? Ta sẽ có ngay. Ta đường đường là tam nha Đô Điểm Kiểm đương nhiên là một võ quan. Ta phải đi bên phải" Nói xong hắn liền bước nhanh vào điện bên phải.

Lão thái giám đó không dám nói thêm câu nào, chỉ đứng ôm phất trần nhìn hắn bước đi, trong lòng ông rất kinh ngạc. Đại Tống trọng văn khinh võ. Võ tướng luôn có cảm giác mình thấp kém hơn người khác một bậc vì vậy ông ta chỉ nhìn thấy võ tướng không muốn bước vào điện bên phải, tìm lý do bước vào điện bên trái chứ ông ta chưa thấy ai ngang nhiên bước vào điện bên phải.

Đỗ Văn Hạo đi vào điện bên phải. Các võ tướng bên trong rất kinh ngạc khi thấy hắn, ánh mắt nhìn hắn rất phức tạp, có sự vui mừng lẫn sợ hãi, có vẻ ngơ ngác, khó hiểu.

Đỗ Văn Hạo chắp tay nói: "Chư vị tới sớm".

Đám võ tướng vội vàng đứng dậy chắp tay thi lễ nói: "Quốc công gia đến sớm".

Đỗ Văn Hạo lắc đầu nói: "Ta là tam nha Đô Điểm Kiểm, là võ tướng. Ta thích các vị gọi ta là Đại tướng quân".

Các võ tướng vội vàng chắp tay gọi Đại tướng quân.

Đỗ Văn Hạo mời các võ tướng ngồi xuống rồi hắn nhìn lướt qua. Các võ quan cao cấp gần như đều là do chính hắn mới đề bạt, đều là các quan chỉ huy ở tam nha. Quan quân chỉ huy các quân. Quan quân chỉ huy đóng quân bên ngoài kinh thành không có khả năng lúc nào cũng vào triều nên không có mặt.

Những quan quân hắn đề bạt đều có phẩm hàm thế nhưng triều Tống thực hiện chế độ quan văn cầm quân. Không nói tới Xu Mật viện, cho dù là quan quân tam nha, Đô Chỉ Huy Sứ các quân cũng đều là quan văn. Cho dù có một số người là do Đỗ Văn Hạo đề bạt nhưng bọn họ đều đi vào điện bên trái. Bên điện võ tướng này chỉ có một ít chức phó. Nếu so với điện bên trái thì quả thực không thể bằng

Trong lòng Đỗ Văn Hạo không ngừng cảm thán. Địa vị của võ tướng như này thì sao có thể đánh thắng trận đây?

Đám võ tướng hình như cũng xấu hổ nên không ai hỏi vì sao Đỗ Văn Hạo lại sang bên này. Mấy người đều im lặng, không ai nói câu nào.

Một lát sau lại lục tục có mấy viên quan tới. Bởi vì từ sau khi Dương Kế Nghiệp của Dương gia tướng chết trận được truy phong chức Thái Uý nên vị trí Thái uý này vẫn để trống. Mà ngoại trừ Thái uý, các võ tướng không có ai vượt qua tước vị Trấn Quốc công của Đỗ Văn Hạo, lại càng không nói võ tướng vốn thấp hơn quan văn hai cấp. Trong đám võ tướng này, vị trí ccủa Đỗ Văn Hạo là cao nhất.

Đám võ tướng thấy Đỗ Văn Hạo vốn là quan văn tam nha Đô Điểm Kiểm, ngay ngày đầu tiên vào triều đã vào cùng một chỗ với bọn họ nên trong lòng bọn họ vô cùng kích động cùng xúc động.

Rốt cuộc cũng tới giờ lên triều, đám quan võ cung kính mời Đỗ Văn Hạo đi trước. Đương nhiên Đỗ Văn Hạo không đùn đẩy, nhường nhịn ai, hắn chắp tay sau lưng, bước ra khỏi điện thì thấy ở điện bên trái, nhạc phụ Vương Giai của mình đang dương dương đắc ý đi trước bước ra ngoài. Đi sau là Thái Xác cùng sáu vị Tể Chấp, kể cả Vương Giai là tám vị Tể Chấp. Duy chỉ có một mình Đỗ Văn Hạo là bên hàng quan võ.

Đỗ Văn Hạo vội vàng chắp tay với Vương Giai, Vương Giai cũng mỉm cười, chắp tay đáp lễ. Mấy vị Tể Chấp phía sau cũng tươi cười gật đầu chào Đỗ Văn Hạo.

Đi qua cửa hình bán nguyệt rộng lớn, chậm rãi leo cầu thang rộng rãi. Khi vào tới đây thì chắp tay tiến vào đại điện. Văn, võ phân ra đứng hai bên đại điện.

Đỗ Văn Hạo đứng đầu hàng quan võ bên phái tây. Thái giám trực đại điện có lẽ đã được thái giám bên ngoài thông báo Đỗ Văn Hạo đứng sai thấy Đỗ Văn Hạo dẫn đầu các võ tướng tiến vào đại điện cũng không dám tới giải thích gì cả, chỉ đứng nhìn hắn, để mặc hắn đứng đầu hàng các võ tướng.

Trên đại điện, bên trái là một ngai vàng nhỏ, ở phía sau ngai vàng là một tấm mành bằng ngọc trai. Phía sau tấm mành đang lay động có một chiếc giường êm. Ở bên cạnh là hai tiên hạc bằng đồng đang đứng ngẩng đầu một cách tôn kính. Từ mỏ chim hạc khó xanh lượn lờ bốc lên, mùi hương rất dễ chịu.

Sau khi văn võ bá quan trong triều tề tựu đông đủ, từ sau điện một đứa bé choai choai bước ra, tới trước điện, ngồi xuống ngai vàng kê bên trái. Đó chính là Tống Triết Tông.

Cùng lúc đó, từ sau điện một phụ nhân quý phái, xinh đẹp khoan thai bước ra. Người đó là Thái Hoàng Thái Hậu Cao Thao Thao.

Đỗ Văn Hạo cảm nhận được ánh mắt Cao Thao Thao nhìn hắn vô cùng vui mừng, hắn liền cười đáp lại, quả nhiên nụ cười của Cao Thao Thao càng đậm đà sau đó nàng quay mặt nhìn Tiêu công công bên cạnh gật đầu.

Tiêu công công đi tới trước điện, the thé nói: "Có việc thì trình tấu".

"Thần có việc khải tấu" Từ trong hàng quan văn có một người bước ra khỏi hàng. Người đó chính là Ngự sử trung thừa Lý Thường: "Hôm trước Thái Hoàng Thái Hậu ban ý chỉ bãi bỏ việc thích chữ quân nhân, tuyên dương quân công. Đặc biệt không quan tâm tới quốc khố trống rỗng lại xuất ra một khoản tiền lớn mua đứt tuổi quân của Sương quân. Sau khi ý chỉ được ban ra, thần dân xôn xao. Tất cả đều nói không thể như thế. Khẩn xin Thái Hoàng Thái Hậu thu hồi thánh mệnh".

Cao Thao Thao cười nhạt nói: "Quân nhân vì nước quên mình, vào sinh ra tử nơi chiến trận, lập nhiều chiến công hiển hách mà không biểu dương thì chẳng phải làm cho người ta cười rụng răng sao?"

Lý Thương ưỡn ngực cao giọng nói: "Thái Hoàng Thái Hậu, không phải là không được biểu dương nhưng chỉ làm không thể làm ồn ào biểu dương ầm ĩ như vậy nếu không sẽ vi phạm tổ huấn trọng văn khinh võ. Đặc biệt càng không thể miễn trừ việc thích chữ binh lính. Từ Thái Tổ hoàng đế tới nay đã trăm năm lịch sử, lúc nào cũng như vậy. Đây là quy củ Thái Tổ hoàng đế đề ra, không thể dễ dàng xoá bỏ".

Cao Thao Thao nói: "Ai gia đã suy nghĩ rất thận trọng chuyện này. Ai gia nghĩ rằng muốn cho các tướng sĩ một lòng hăng hái chiến đấu giết giặc, có công với triều đình thì không nên có nỗi khuất nhục này".

"Thế nhưng…".

"Chuyện này không cần phải nói nữa. Ý của Ai gia đã quyết, đã hạ chỉ, không thể sửa đổi".

"Thái Hoàng Thái Hậu!" Giọng nói của Lý Thường đột nhiên to hẳn lên. Ông ta lạnh lùng nói: "Nếu làm như thế sẽ khiến võ tướng ngang ngược, tai hoạ hại dân hại nước chẳng còn bao xa. Nếu Thái Hoàng Thái Hậu không thu lại thánh mệnh, vi thần…vi thần không đành lòng nhìn thấy cơ nghiệp trăm năm thoáng chốc sụp đổ. Vi thần chỉ còn cách cáo lão hồi hương, xin Thái Hoàng Thái Hậu ân chuẩn".

"Lý đại nhận!" Đỗ Văn Hạo thản nhiên bước ra khỏi hàng, hắn lạnh lùng nói: "Ngài dùng chiêu ẩn cư này để bức bách Thái Hoàng Thái Hậu. Ngài đang lợi dụng điểm yếu uy hiếp. Trong mắt ngài có còn Thái Hoàng Thái Hậu không đây?"

Lý Thường vội vàng khom người nói: "Không dám, thần chịu ơn Anh Tông hoàng đế, ơn sâu của Nhân Tông hoàng đế cùng tiên đế. Giữ gìn giang sơn xã tắc là bổn phận của thần. Thần tuyệt đối không dám chỉ biết hưởng sự an nhàn. Nay ý chỉ của Thái Hoàng Thái Hậu không ổn, làm trái tổ huấn. Thần không thể không nói thẳng. Nếu làm như thế việc Đại Tống ta mất nước chỉ còn trong nay mai. Vi thần không thể ngăn cơn sóng dữ, chỉ còn cách ẩn cư. Nếu không sau này xuống dưới hoàng tuyền cũng không mặt mũi nào gặp liệt tổ liệt tông".

"Nói cho cùng" Một người phía sau Lý Thường bước ra, đó chính là Tư Mã Quang tuổi già sức yếu. Ông ta liếc mắt nhìn Đỗ Văn Hạo rồi khom người nói: "Thái Hoàng Thái Hậu, vi thần cho rằng Lý đại nhân nói rất đúng. Thái Tổ hoàng đế thấy võ tướng thời Ngũ Đại ngang ngược soán quyền nên mới định ra tổ huấn này. Cũng chính vì tổ huấn này mới có thể bảo toàn vững chắc cơ nghiệp trăm năm nay của Đại Tống. Thái Hoàng Thái Hậu, không thể dễ dàng xoá bỏ. Đây không chỉ còn là chuyện duy trì tổ huấn mà còn là chuyện bảo tồn giang sơn xã tắc. Chuyện này không thể dễ dàng bãi bỏ, xin thỉnh Thái Hoàng Thái Hậu thu hồi thánh mệnh, bảo toàn cơ nghiệp ngàn năm của Đại Tống".

Sau đó hữu Thừa tướng Thái Xác, Xu Mật viện sứ Hàn Chẩn cũng đều bước ra khỏi hàng. Tất cả đều đồng thanh muốn Thái Hoàng Thái Hậu thu hồi thánh mệnh.

Lúc này Đỗ Văn Hạo không thể tiếp tục phản bác bởi vì các võ tướng phía sau hắn đều im lặng như ve mùa đông. Các quan văn đối diện thì càng cao ngạo, không coi ai vào mắt. Bây giờ trực tiếp đối đầu, một mình hắn không thể địch lại. Các võ tướng phía sau hắn đã nhiều năm nhẫn nhịn chịu đựng, không ai có can đảm cùng hắn đứng ra đối đầu với đám quan văn kia vì vậy Đỗ Văn Hạo cũng lặng im.

Thái Hoàng Thái Hậu Cao Thao Thao trên điện không nói câu nào, nàng chỉ lặng lẽ lắng nghe đám quan văn đang cực kỳ phấn chấn hùng hồn phân trần. Lần can gián này nói tới hơn một canh giờ.
Bình Luận (0)
Comment