Trái Tim Em Thuộc Về Đất

Chương 4

Vessons đang đứng như một thầy thuốc quan sát một bệnh nhân mới.

“Tiểu thư này bị lạc đường,” Reddin nói.

“Phải, cô ta bị lạc đường! Nhưng, tôi hoàn toàn chắc ông sẽ tìm ra cách, thưa ông. Có một cách” (với ánh mắt mỉa mai lão nhìn cái sọt nhốt gia cầm ở phía sau xe, nơi thò ra những khuôn mặt nhớn nhác của lũ gà) – “có một cách mà không con gà con vịt nào biết, cái cách của một người đàn ông và một người hầu gái.”

“Lão ra đồng lùa lũ ngựa cái về đi. Giờ này đáng lẽ chúng phải về chuồng rồi chứ.”

“Tình xuân đẹp hơn tình xế,” Vessons kết luận.

“Giữa chúng tôi chẳng có tình yêu nào hết,” Reddin đốp lại.

“Tôi còn lạ gì!” Andrew ném cái nhìn phán xét về phía khuôn mặt đỏ ửng của ông chủ và mái tóc rối bù của Hazel, rồi lẳng lặng rút lui.

Hazel bước vào cánh cổng vòm được chạm khắc tinh xảo. Nàng nhìn quanh hành lang màu nâu nơi những cái bóng sẫm tối ẩn núp. Mấy chiếc hòm bằng gỗ sồi và mấy chiếc ghế chạm khắc, tất cả đều phủ bụi, nằm ngổn ngang như thể những kẻ chè chén say sưa đã bỏ mặc chúng thành ra nông nỗi ấy. Trong một góc nhà có một cây đàn piano.

Hazel không để ý đến lớp bụi màu xám, cũng chẳng bận tâm đến chuyện đằng trước lò sưởi đầy những đầu mẩu diêm và xì gà. Nàng chỉ thấy những gì đẹp lộng lẫy như trong truyện cổ tích mà thôi. Một con chó săn cáo nhổm dậy từ tấm da báo bị mọt ăn lổm ngổm ở gần lò sưởi khi họ bước vào. Hazel sợ cứng người.

“Tôi không thể chịu nổi đám chó săn,” nàng nói. “Thật là những con vật đáng ghê tởm.”

“Loài chó tuyệt nhất đấy.”

“Không, chúng giết hại lũ cáo tội nghiệp.”

“Lũ ăn hại.”

Gương mặt Hazel trở nên căng thẳng. Nàng siết chặt hai nắm tay và nghếch cằm kiên định.

“Đừng động chạm đến Cáo Nhỏ của tôi, nếu không tôi sẽ không ở lại đây đâu!” nàng nói.

“Cáo Nhỏ nào?”

“Là con cáo nhỏ mà tôi đã đem về nuôi.”

“Ồ! Cô nuôi một con cáo thật ư?”

“Đúng. Nó không có mẹ. Giờ tôi là mẹ của nó.”

Reddin nhìn nàng với vẻ suy tư trong chừng mực tâm trạng ủy mị của gã cho phép.

Gã quyết định nàng sẽ ở lại Undern và sẽ là người tình của gã.

“Rồi một ngày nào đó cô sẽ muốn làm mẹ của những sinh linh đẹp đẽ hơn loài cáo,” gã nói với ngọn lửa, với vẻ nửa ngượng ngùng nửa đùa bỡn trong khi cầm que cời.

“Gì cơ?” Hazel nói, thầm băn khoăn tự hỏi mất bao lâu nàng mới biết chơi thứ nhạc cụ để ở góc phòng kia.

Reddin bực mình. Khi một người thốt ra một câu hóm hỉnh làm hao tổn sức tưởng tượng như câu nói của gã, anh ta đáng được người nghe ghi nhận một cách thỏa đáng.

Gã đứng dậy, đi tới chỗ Hazel đúng lúc nàng gõ được ba phím đàn liên tiếp, và đang rất vui sướng. Gã đặt mạnh tay gã lên tay nàng, và một âm thanh nghịch tai bật ra từ những phím đàn dịu êm vốn đã biết đến những tiếng nghịch tai đó từ lâu.

“Ôi chao! Ầm ĩ quá!” Hazel kêu lên. “Tại sao ông lại làm thế, ông Reddin?”

Hơn bao giờ hết Reddin nhận thấy khó mà lặp lại lời nói của chính mình, và gã đành bỏ cuộc.

“Cái vết nâu ở trên váy của cô là vết gì vậy?” gã hỏi.

“Cái đó ư? Ồ, đó là vết máu của một con thỏ mà tôi đã gỡ ra khỏi bẫy. Nó mất quá nhiều máu.”

“Bậy thật, cô lén tháo bẫy cho nó.”

“Kẻ đánh bẫy chúng mới thật là bậy, chúng bé bỏng như thế,” Hazel bình tĩnh đáp.

“Hừ, cô nên thay váy đi; váy cô ướt rồi, vả lại ở đây có nhiều váy lắm,” gã nói, đi đến tủ, lôi ra một ôm váy cũ. “Nếu cô sống ở Undern, thì ngày nào cô cũng có thể mặc chúng.”

“Nếu đó mà là đậu và thịt muối, thì đã chẳng có mấy người chết đói,” Hazel nói. “Cái váy màu xanh lá cây kia trông hợp đấy, như những chiếc lá non, lại còn có cả những bông hồng nhỏ nữa chứ.”

“Mặc chiếc váy này vào trong lúc tôi đi xem Vessons đang làm gì.”

“Có vẻ như ông ta đang cằn nhằn ở trong bếp,” Hazel nói.

Vessons lúc nào chẳng cằn nhằn. Chỉ riêng tiếng piano ầm ĩ cũng có thể quyết định tâm trạng của lão.

Hazel nghe thấy tiếng lão trả lời Reddin.

“Không. Chưa có bữa tối đâu; tôi vừa đặt hắn lên bếp.”

Lão luôn dùng từ chỉ giống đực để nói về công việc hằng ngày của lão.

Hazel ngừng cài cúc váy để nghe xem Reddin đang nói gì.

“Lão đã chuẩn bị nước nóng cho tiểu thư rồi chứ?” (“Tiểu thư! Là mình đấy!” nàng nghĩ.)

“Chưa đâu, thưa ngài, tôi chưa đun nước được đâu. Tôi không có dầu thơm, dầu lô hội, cũng không có rượu thơm. Chẳng có gì trong bếp ngoài một con mèo hoang vô tích sự và một lão già sáu mươi sáu tuổi, một xoong thức ăn chưa sôi, và một quý ông lẽ ra phải biết nhiều hơn là dẫn về Undern một cô gái và làm cô ta hư hỏng – một sinh vật bé bỏng ngây thơ tội nghiệp.”

“Lại nói đến mình đấy,” Hazel nói. Nàng ngẫm nghĩ về câu nói đó và đỏ mặt. “Có lẽ mình nên đi khỏi đây,” nàng nghĩ. Tuy nhiên điều khiến nàng thoáng gợn băn khoăn chỉ là chút linh cảm mơ hồ, trong khi toàn bộ tâm trí nàng thì đã quyết định ở lại.

“Sẽ không bao giờ nói ra” – giọng Andrew sang sảng như giọng của một nhà truyền giáo – “sẽ không bao giờ nói ra bởi một phụ nữ trẻ không tìm thấy ở Andrew Vessons một người bạn; sẽ không đời nào nói ra” – giọng lão vang vang, át cả tiếng cảm thán của Reddin – “bởi người phụ nữ khi rời khỏi đây bao giờ cũng hoàn toàn khác lúc cô ta bước chân đến.”

“Im ngay, Vessons!”

Nhưng một khi Vessons đã nói ra suy nghĩ của mình như “dòng mật ong tuôn chảy” thì chẳng ai có thể khiến lão im lặng được.

“Cô ta cô đơn, và cô ta nên chịu đựng điều đó mới phải. Đó là mớ rác rưởi của hôn hít và ôm ấp!”

“Vessons, nhưng nếu trẻ con không được sinh ra thì thế giới này sẽ sạch không bóng người.”

“Cứ việc như vậy đi. Tôi không dính gì đến tội lỗi của bọn họ và tôi sẽ được yên nghỉ.”

“Ồ, mình thích ông già đó,” Hazel nói.

Cuộc tranh cãi vẫn tiếp tục. Đó là một cuộc tranh cãi không có hồi kết giữa cuộc đời trần tục và giới tăng lữ - giữa người đàn ông của tự nhiên và kẻ ẩn sĩ. Cuối cùng Vessons kết luận bằng giọng oang oang.

“Ô, nếu ông làm mất danh tiết của cô ấy thì…”

Bỗng nhiên có điều gì đó chợt hiện lên trong tâm trí Hazel. Đó là nhận thức về cuộc sống trong mối liên hệ với cái tôi. Nó đánh dấu điểm kết của tuổi thơ. Nàng không còn thấy bản thân mình được tôn lên cao hơn cả cuộc sống và số phận như một đứa trẻ thường thấy nữa. Nàng thấy mình là một phần của cuộc sống; nàng có thể thay đổi và có thể chết.

Nàng đã thấy cuộc sống trôi đi, đã nghe nói về những đám tang, những cuộc ve vãn tán tỉnh, những cuộc vượt cạn và những đám cưới diễn ra theo trật tự thường thấy – hoặc bị đảo ngược – còn nàng thì vẫn thế, không thay đổi. Nàng đã bị bỏ đói, đã phải làm việc như nô lệ, đã thêu dệt nên những điều mê tín, đã yêu thương Cáo Nhỏ và chịu đựng cha nàng.

Đám bạn gái đã bóng gió về một cuộc vui chơi phóng túng ở một nơi nào đó - ở bất kỳ nơi nào – mời gọi như một vòng quay ngựa gỗ đối với bất cứ ai muốn nghe. Nhưng nàng không nghe ra. Họ đã buông những lời như, “Anh ta lấn tới,” “Mình kêu lên, và anh ta nghĩ có người đang tới, và anh ta buông mình ra.” Rồi nàng nghe thấy câu này, “Và mình đã nghĩ mình không thể nào vượt qua nổi khi đứa bé ra đời.”

Nàng thoáng cảm thấy hối tiếc mơ hồ cho những cô gái đó; nhưng nàng chẳng hiểu gì về cuộc sống của họ hết. Cũng như nàng không bao giờ nghĩ ma chay bệnh tật có mối liên hệ gì với mình.

Như loài hoa bìm bìm tồn tại bất biến trong sắc hồng trắng bất diệt, nàng là một bản thể không đổi. Nhưng hoa bìm bìm đơm nụ và bừng nở rồi úa tàn trong khi ta nghĩ hoa vẫn tươi nguyên, và hoa sẽ chết – cái đài hoa hồng hồng tràn đầy vị ngọt ngào ấy – vào một ngày nào đó.

Hazel đứng dậy khỏi chiếc ghế tựa bên lò sưởi và đi ra cửa với vẻ bồn chồn như ngàn chiếc lá thu đang xào xạc ngoài kia. Nàng nhìn qua cửa kính, thấy những bông tuyết buồn bã bay vơ vẩn, ngập ngập ngừng ngừng để rồi cuối cùng cũng đáp xuống mặt đất. Tuyết rơi riêng thành từng bông; nhưng rốt cuộc vẫn hợp lại và quyện vào nhau trên mặt đất tạo thành một quần thể.

Hazel mở cửa rồi đứng bên ngưỡng cửa, để mặc những bông tuyết tự dát mỏng lên những bông hồng vàng in trên váy của nàng. Ngoài kia thế giới không tồn tại, chỉ có sự phung phí của màu xám và trắng. Như những chiếc lá phủ trên một con chim đã chết, tuyết trắng tạo thành nhiều lớp bọc lấy Undern. Hazel run rẩy trước những cơn gió lạnh từ trên đồi thổi thốc xuống, và nhìn hồ Undern đóng băng, đông đặc lại trong sương giá. Khắp vùng thôn quê rộng lớn tuyệt nhiên không có một âm thanh nào. Không có một con đường nào gần Undern trừ con đường mòn dành cho xe ngựa của trang ấp này; cách đó nhiều dặm cũng không có xe lửa. Không có gì chuyển động ngoài những bông tuyết đang hoàn thành số mệnh tàn nhẫn của sự cự tuyệt. Nàng chẳng nghe thấy gì ngoài những giọng nói oang oang đang tranh cãi về nàng giữa ông chủ Undern và gia nhân của ông ta, chẳng nhìn thấy gì ngoài những bông tuyết.

“Mình phải đi thôi,” nàng nói quả quyết theo tinh thần tự do, tách biệt và sống thu mình.

“Mình phải ở lại,” nàng đổi ý, khuất phục trước sự yếu ớt không thể tự bảo vệ mình và sự mệt mỏi của nàng. Nàng quay trở lại lò sưởi. Nhưng cái bản năng vốn thức tỉnh khi tuổi thơ nàng chết đi đã vùng dậy la ó, không để nàng yên.

Nàng nhẹ nhàng cởi bỏ chiếc váy lụa ra và mặc chiếc váy của mình vào.

Nàng cầm khung vòng hoa lên, khẽ thở dài và mở cửa ra lần nữa. Nàng sẽ phải đi bộ rất lâu mới về được đến nhà, nhưng nàng có thể trèo qua cửa sổ phòng ngủ của nàng, cái của sổ không cài then, và nàng có thể đốt một cây chổi khô để đun nước pha một ấm trà nóng.

“Mình sẽ cho Cáo Nhỏ vào nhà và mình sẽ ăn một ổ bánh mì bởi vì mình đói muốn chết!” nàng nói.

Nàng lẻn ra ngoài qua ngưỡng cửa đã từng chứng kiến nhiều cuộc đời đến rồi đi. Thậm chí khi nàng bước qua, cái cửa đó cũng phản bội nàng, bởi vì Reddin, từ trong bếp đi ra, đã nhìn thấy nàng bước qua khung cửa.
Bình Luận (0)
Comment