Trân Châu Cảng

Chương 7

Những quần đảo nước Anh đắm chìm trong một bóng tối mờ mờ vĩnh cửu. Những vật thể từ tự nhiên cho đến máy móc, cho đến con người trông đều lạnh lẽo xám xịt màu của sương, màu của nước. Hầu như chỗ nào cũng thấy mưa, mưa mọi lúc mọi nơi. Mưa không chỉ đến từ những đám mây, mà nó có mặt trong từng phân tử của không khí ở đây. Thế nên, không khí lúc nào cũng đẫm nước, độ ẩm bão hoà sẵn sàng chụp tấm chăn ẩm ướt lạnh lẽo lên bất cứ thứ gì tồn tại trên mặt đất.

Đường băng ở sân bay quân sự Bassingborne ướt nhẹp, chẳng khác mặt đất đen tối xung quanh nó là mấy. Gần khu đất ấy, những chiếc máy bay chiến đấu của Anh nằm trong những nhà chứa máy bay cổ lỗ sĩ, những máy bay này còn có tên là máy bay Spitfire và Cơn Bão. Đám thợ máy ngồi quanh những chiếc máy bay tháo thân máy bay bị đạn bắn thủng lỗ chỗ ra và chúi đầu vào bên trong kiểm tra máy của phi cơ. Rafe bước dọc theo đường băng trải nhựa, vai anh vẫn còn khoác chiếc ba lô đựng hành trang. Anh tiến đến sau một sĩ quan Anh có nước da xanh tái, cao, gầy. Tên ông là Peter Richard Tubbs, tư lệnh trưởng binh chủng không quân. Lúc này ông ta cũng đang cúi xuống xem xét nhưng hư hỏng của máy móc trong chiếc máy bay Spitfire. Rafe đợi cho đến khi viên sĩ quan kia đứng thẳng người lên rồi mới nói:

- Thưa ngài, tôi, trung úy McCawley có mặt.

Cho đến lúc đó Rafe mới nhận ra tư lệnh Tubbs bị cụt cánh ta phải. Tubbs bảo:

- Rồi chúng tôi sẽ đưa anh đi xem một vòng. Sau đó giới thiệu loại máy bay anh sẽ lái.

- Nếu ông còn phải có mặt ở đây ra lệnh cho những người này vá víu những lỗ đạn thủng trên thân máy bay ngay trên đường băng thế này thì có thể chúng ta bỏ qua công đoạn giới thiệu nơi ở mới mà đến thẳng chỗ những chiếc máy bay chiến đấu.

Tubbs quay người dẫn Rafe đi ngang qua mặt đường băng trải nhựa đường. Mặc dù đã mất một cánh tay, nhưng bước đi của ông vẫn rất vững chãi và quả quyết như một người bình thường. Ông có nghị lực của một người chỉ huy, và Rafe chắc chắn viên tư lệnh trưởng này vẫn tiếp tục những buổi tập thể lực sức khoẻ giữ cho thể hình cân đối mặc dù không còn cánh tay bên phải. Rõ ràng ông ta là một người cứng rắn, mạnh mẽ, một chủ huy đích thực. Nhưng ông ta không phải là mẫu người giống như Doolittle, một mẫu chỉ huy người Mỹ tiêu biểu, luôn hoà đồng với cấp dưới. Tubbs là một sĩ quan người Anh. Ông ta mang vẻ cao ngạo thường thấy của một xã hội có phân chia giai cấp rất rõ ràng.

Đi được nửa đường, ông bảo Rafe:

- Có phải người Mỹ nào cũng nôn nóng được chém giết như cậu không hả chung úy?

Ông ta không nói là Trung úy là nói là Chung úy. Lần đầu tiên Rafe nghe có ai đó phát âm từ ấy như vậy nên anh cảm thấy rất lạ tai.

- Không phải chúng tôi nóng lòng xông vào chỗ chết đâu ngài chỉ huy, mà chúng tôi chỉ muốn nóng lòng bắt tay vào việc ngay.

Tubbs bĩu môi gật đầu, mắt không thèm nhìn Rafe. Họ đi vòng qua một vài nhà mái vòm để máy bay. Cái thứ đầu tiên mà Rafe nhìn thấy là chiếc đuôi của một chiếc máy bay Spitfire có sơn biểu tượng của đội Đại Bàng, một con chim hung dữ, có thể chiến đấu rất tốt trong những trận không chiến. Đuôi máy bay này trông còn khá mới. Nhưng khi cái máy bay kia càng lúc càng hiện ra rõ hơn trong tầm nhìn của anh thì ấn tượng về nó đã thay đổi. Một hàng lỗ đạn đen ngòm chạy dọc thân máy bay. Một vài vết đạn khác xé toạc cánh của máy bay này. Nhưng cái thứ khiến người ta phải lạnh cả xương sống chính là buồng lái. Máu khô văng đầy bên trong, từ ghế cho đến bàn điều khiển. Tubbs bảo:

- Phi công trước từng lái chiếc máy bay này dũng cảm lắm! Mãi cho đến khi hạ cánh xuống đất an toàn và tắt động cơ đi thì anh ta mới chịu chết.

Tubbs dừng lại một lát, để Rafe có thể định thần lại.

- Hoan nghênh cậu đến tham chiến, chung úy ạ!

Tubbs quay lưng bước đi, để mặc Rafe nhìn những vết máu đỏ văng đầy trong buồng lái của chiếc máy bay chiến đầu rách tả tơi.
Bình Luận (0)
Comment