Trăng Sáng Trên Lầu Bắc

Chương 20


Một lúc sau thì bụng Thanh Lê rầm rì kêu, y xấu hổ đỏ mặt, Vi Bắc Lâu không tỏ vẻ trêu chọc gì, chỉ ngồi dậy truyền thiện.
Vi Bắc Lâu bình thường không hầu hạ kẻ khác, cũng không thích kẻ khác kề kề bên cạnh hầu hạ mình, số lượng tỳ nữ thiếp thân của hắn không nhiều, chỉ có ba thị nữ, ngoài ra còn một vài nha hoàn ở thư các giúp hắn quản lí sách vở.

Nha hoàn chính quản lí sự vụ thiếp thân là Mặc Ngọc.

Tỳ nữ hầu hạ ở phòng ngủ là Lam Ngọc, ngoài ra còn có một tỳ nữ ở trù phòng riêng.

Vi Bắc Lâu thích đọc sách, nhưng hắn đặt nơi làm việc và phòng sách ở hai nơi khác nhau.

Thư phòng là nơi hắn phê duyệt tấu chương, mật bàn với tâm phúc, không để nha hoàn vào, tự hắn dọn dẹp; còn thư các là nơi thuần chứa sách trục, là một tòa lầu hai tầng xây bằng gỗ gụ rất trang nhã, nằm gần thư phòng, do hai thị nữ Hồng Ngọc và Hoàng Ngọc coi sóc.
Vi Thái phó tỉnh dậy đã đem bản thân mình thu thập xong xuôi, lại gọi Lam Ngọc mang nước nóng đến để thiếu niên rửa mặt, sửa soạn lại bản thân gọn gàng.
Vi Bắc Lâu gọi Thanh Lê lên bàn ăn, y vẫn còn đang ốm, đồ ăn dọn lên toàn món thanh đạm, cháo gà, rau cải, canh các loại hạt và ngó sen hầm, nhưng đã rất phong phú, mỗi món đều trang trí tinh xảo ngon miệng, Thanh Lê nhìn mà hơi lo lắng một chút, sợ mình ăn uống không được lễ nghi.
Vi Bắc Lâu nhìn bàn tay vẫn còn băng bó của Thanh Lê.

Lam Ngọc múc một chén cháo nóng hổi, nấu đến hạt nếp tơi vàng, thịt gà băm nhỏ cùng hành thơm ngào ngạt, để trước mặt thiếu niên.

Nàng cầm muỗng lên, tính giúp đỡ thiếu niên ăn cháo thì nghe thấy lão gia lên tiếng: "Được rồi, ra ngoài đi." Lam Ngọc tự nhiên không có gì thắc mắc, xưng vâng rồi nhanh nhẹn rời đi.
Thanh Lê ngước đôi mắt đen tròn nhìn hắn, không rõ ràng cho lắm.
Vi Thái phó dùng muỗng sứ khuấy khuấy cháo, mùi hương bốc ra, chén cháo nóng vẫn còn khói bay lên, hắn múc một muỗng thổi thổi, rồi đút cho thiếu niên: "Há miệng."

Thanh Lê vô thức nghe lời há miệng, một muỗng cháo đút vào, thật ngon!
Đến khi phản ứng được điều gì đang xảy ra, nội tâm Thanh Lê có hơi sợ sệt, nhưng mà không dám nói, vẫn rất nghe lời, Vi Bắc Lâu bảo cái gì là cái đó.
Một muỗng rồi một muỗng, chẳng mấy chốc ăn hết chén cháo, Vi Bắc Lâu lại đổi trứng chưng, bên trong bỏ rất nhiều phụ liệu, có nấm hương, tổ yến xắt nhuyễn, thịt băm, cà rốt, một chén không quá to không quá nhỏ, lại múc một muỗng, cố ý lựa phần ngon nhất cho y.

Thanh Lê ùm một cái ngậm muỗng, ngoan ngoãn ăn hết những gì hắn đút.
Đến khi bụng phình phình, y sờ sờ một chút, chưa kịp nói gì, Vi Bắc Lâu đã phát hiện ra rồi dừng lại.
Không phải tất cả món ăn đều là thanh đạm, vẫn có vài món của năm mới, phân lượng cũng không quá nhiều.

Vi Thái phó văn tĩnh từ trong xương, ngay cả dùng bữa cũng vô cùng cảnh đẹp ý vui.

Thanh Lê nhìn trộm hắn một lát thì không dám nhìn nữa, trong phòng chỉ còn lại yên tĩnh, tiếng bát đũa chạm nhau nhẹ nhàng.
Ăn uống xong, Vi Bắc Lâu lấy một quyển trục dày đến đọc, Thanh Lê từ nhỏ ăn nhờ ở đậu, có ăn đã là không tệ, không biết được nhiều chữ, giới hạn cũng chỉ đủ biết những dược vị đơn giản; còn những chữ phức tạp hơn thì không biết.
Văn tự Trần quốc hiện dùng là chữ Khoa Đẩu.

Bởi vì tầng lớp sĩ phu ít ỏi nên những quyển trục ghi lại loại văn tự này vô cùng quý giá.

Lần đầu tiên Thanh Lê được thấy sách trục được giữ gìn kĩ lưỡng như thế, nhất thời không khỏi tò mò.
Vi Bắc Lâu tựa mình trên tràng kỷ đọc sách, Thanh Lê vẫn luôn trộm ngắm hắn, liền nghe thấy người kia hỏi: "Thích đọc sách sao?"
Thanh Lê giật mình, đáp: "Rất thích.


Nhưng nô...!ta không biết nhiều chữ, có lòng cũng không đọc được."
Vi Bắc Lâu thấy đôi mắt kia ảm đạm cụp xuống, liền gọi: "Lại đây." Thanh Lê ngoan ngoãn tiến lên, bị Thái phó kéo ngồi xuống tràng kỷ, Vi Bắc Lâu nói: "Cầm hộ ta." Rồi nhét cho y quyển sách kia.
Thanh Lê liền cầm vững quyển sách kia, tư thế nâng lên có hơi kì quái.

Vi Bắc Lâu trong lòng cười thầm, căng cứng như vậy cũng không sợ mỏi tay; bèn đẩy y một cái, để hai tay hạ xuống, đặt quyển sách lên bàn nhỏ kê cạnh tháp, rồi chậm rãi đọc lên nội dung.
Đây là một quyển trục đã xưa cũ, dây thừng nối mảnh trúc lại đã sờn rách sắp bung chỉ, Thanh Lê cẩn thận trải nó ra, sợ mình làm hư quyển sách quý giá này.
Đây là một quyển sách sử ghi lại các đời đế vương của vương triều Đại Thần, quyển trục này vừa vặn nói về thời Kiến Nguyên tam đế.

Từ thuở xa xưa đại lục này vốn tên gọi Hồng Hoang, lúc bấy giờ trời đất vẫn chưa phân đại đạo, các loài mãnh thú quái vật sinh sống trộn lẫn với con người.

Người phàm nhỏ yếu không phải là đối thủ của các loài dị thú hung hãn, sống chui nhủi dưới hang sâu như giun dế, ngày qua ngày trong tối tăm u ám.

Sau mấy vạn năm sinh sôi nảy nở, lại xuất hiện những tiên nhân được trời cao ưu ái, bẩm sinh có thần lực cùng phép thuật xoay chuyển càn khôn.

Tiên – Yêu vì tranh giành tài nguyên mà nổ ra tranh chấp, trời đất xoay vần không biết bao nhiêu lần, đại lục Hồng Hoang chìm vào thiên tai bất tận một khoảng thời gian mấy ngàn năm, lúc ấy Tiên phái chiến thắng, liền nắm trong tay Thiên đạo, giáng xuống trần gian mưa bão thiên thạch làm tất cả dị thú tiêu vong, loài người bé nhỏ nên may mắn sống sót, thành lập nên các bộ lạc, vì không có dị thú đe dọa nên cuộc sống dần hết sức phát triển.
Lúc bấy giờ từ Nam chí Bắc bộ lạc Thái Sơ của Nguyên Diên tộc trưởng là bộ lạc hùng mạnh nhất, đã phát minh ra cách sử dụng đồ đồng, rèn vũ khí, thao luyện binh mã.

Các bộ lạc khác nghe mà e sợ, một số tự nguyện thần phục; một số lại sợ hãi mà đem binh đi đánh nơi khác, cướp nhiều của cải tù binh làm vốn liếng chống lại Thái Sơ, trong đó đứng đầu là Thượng Thủy.


Tù trưởng Thượng Thủy là Khổng Cực lớn lên to cao dị thường, hung hãn hiếu chiến, dã tâm bừng bừng, thường xuyên bất hòa Nguyên Diên muốn thâu tóm bộ lạc Thái Sơ.

Có một lần Khổng Cực bắt được công chúa Thải Thánh - con gái Nguyên Diên, Thượng Thủy liền lấy làm lí do bắt Thái Sơ thần phục.

Công chúa Thải Thánh trong đêm liền bi phẫn nhảy vào đống lửa tự vẫn, hóa thành chim Thải bay lên trời.

Nguyên Diên mất con gái giận dữ, tập kết binh mã tấn công Thượng Thủy, Khổng Cực dẫn binh đánh trả, hai bên gặp nhau ở vùng Quyển Chương.
Trận Quyển Chương diễn ra trong trăm ngày, thây chết đầy đồng, máu nhuộm hồng sông, mười đại tướng dưới trướng Khổng Cực đều chết dưới tay Nguyên Diên, cuối cùng Khổng lấy thân tuẫn trận, Nguyên Diên đại thắng, từ đấy các bộ lạc thống nhất thành một quốc gia do Nguyên Diên đứng đầu, mở đầu cho triều đại Nguyên tam đế: Nguyên Diên Thánh đế, Tôn Nguyên Chính đế, Hậu Nguyên Thụy đế.
Đến thời Chính đế, mở rộng bờ cõi, phát triển nông nghiệp, hoàn thành bộ máy nhà nước, không ngừng phát triển hoàn thiện lãnh thổ, đưa chính quyền vào hoạt động.

Lập ra chế độ thuế, xóa bỏ quyền hành của các tù trưởng cũ và vách ngăn giữa các bộ lạc với nhau.
Thời Thụy đế, Quang Nguyên quốc đã trở nên thống nhất làm một, dân chúng sinh sống hòa thuận với nhau, thế nhưng rào cản giữa các bộ lạc khác nhau vẫn còn rất lớn.

Kiến Nguyên tam đế đưa ra Cầu hiền chiếu chiêu mộ nhân tài, sau đó ban hành chữ viết thống nhất cho toàn triều đại do 128 vị học giả từ khắp nơi soạn thảo – chữ Khoa Đẩu, dựa trên văn tự vốn có của Thái Sơ.
Trong thời gian thống trị, Nguyên tam đế đã đặt thành công nền móng nhà nước phong kiến, ban hành khoa cử, thuế má, lập ra Đạo giáo, giáo dục dân chúng về lễ nghĩa của con người, để dân không còn chìm trong u mê tăm tối.

Dạy nhân dân chăn nuôi gia súc, nuôi tằm, dệt vải, dạy năm loại ngũ cốc hoa màu, đặt ra lịch Nguyên, dạy dân đúc đồng, rèn nông cụ...!Bởi vì có công quá lớn, Nguyên tam đế được thần dân khắp Quang Nguyên quốc cung phụng, xây điện thờ, trở thành Tam Thánh đế có địa vị như thần tiên tín ngưỡng.

Thế nhưng đến thời suy vong, bởi vì đền thờ tam đế xa hoa lộng lẫy, nạn dân và loạn quân đến cướp bóc đập phá, trải qua trăm năm, đã sớm không còn.
Qua nhiều năm loạn lạc, rất nhiều thư tịch bị đốt bỏ, đền đài bị phá hủy, dân chúng đã không còn tín ngưỡng Tam thánh đế.

Tứ quốc càng tuy không ban bố sắc lệnh nhưng vẫn âm thầm tiêu diệt vết tích cũ của Quang Nguyên quốc nhằm biến mình thành chính thống.


Cố sự về Nguyên tam đế đã sớm tuyệt tích trong nhân gian, chỉ có trong tay vài vị đại học sĩ mới còn lưu lại.
Thanh Lê nghe đến say mê, y không đọc sách nhiều, làm sao biết được quyển tàn thư này là một quyển sách sử, y nghĩ mình vừa được nghe một cố sự không biết do ai viết, nhất thời chìm đắm vào chuyện xưa đến mê muội.
Vi Thái Phó đọc nửa canh giờ thì có chút miệng khô lưỡi khô, Thanh Lê liền rót nước cho hắn, cạnh đầu giường Thanh Lê có một bàn gỗ nhỏ, trên có ấm nước đặt trên lò than, lúc nào cũng còn nóng ấm.
Đọc xong, sắc trời cũng không còn sớm, Vi Bắc Lâu cất quyển trục đi, nhìn thần sắc tiếc nuối của Thanh Lê, nói: "Được rồi, không còn sớm, đi nghỉ ngơi thôi."
Một đêm lại qua đi, lúc này đã hết mùng Ba tết.
Lại qua hai ngày, Vi Bắc Lâu nói người nằm lâu quá cũng không tốt, cho phép y đứng lên hoạt động.
Thanh Lê mở cửa phòng, phòng y ở là phòng trong, bên ngoài cửa còn có tiền phòng, lúc nào cũng có thị nữ trực sẵn ở đó.

Hôm nay người trực là Lam Ngọc, thấy Thanh Lê đẩy cửa ra thì có điểm vui vẻ: "Công tử đã khỏe rồi sao? Thật tốt quá!"
Thanh Lê có hơi ngại khi nghe nàng gọi mình là công tử, nhưng không phản bác, cười nói: "Cảm ơn Lam Ngọc tỷ quan tâm, ta đã khỏe nhiều rồi.

Phải rồi, lão gia muốn truyền thiện."
"Không cần công tử ra ngoài đâu, ở ngoài tuyết vẫn còn rơi, để nô tỳ đi là được.

Công tử chờ một chút."
Tất nhiên, Thanh Lê cũng không ra khỏi phòng làm gì, Hoàng đại phu vất vả mới nhặt về cái mạng cho y.

Thanh Lê mỗi ngày đi loanh quanh trong nội phòng, mỗi bữa ăn đều được ăn ngon, còn có Vi Bắc Lâu luôn bồi bên cạnh.

So sánh với quá khứ, đây đã là giấc mơ không tưởng, mỗi ngày y đều ngỡ mình đang đắm chìm trong mộng đẹp, không muốn tỉnh lại..

Bình Luận (0)
Comment