Lưu Ân Tĩnh và Hứa Hiếu Cung vừa đi vừa thấp giọng nói chuyện với nhau trong doanh trại của dân dũng. Ai cũng khó chịu trong lòng. Lúc bệ hạ quyết định chiêu mộ dân dũng, không phải là không có người nào phản đối. Lúc ấy nhóm võ tướng không có ai cảm thấy việc này có gì không ổn. Dù sao bọn họ không quản lý tiền lương và giáp giới.
Cho dù Đại Tùy có cường đại hơn nữa, thì tổn thất bảy mươi vạn binh mã ở Tây Bắc cũng không phải là một con số nhỏ. Tổn thất phải được bổ sung, mà chiêu mộ dân dũng là một biện pháp. Nhưng ai mà ngờ chưa tới nửa năm, mọi chuyện xảy ra đúng như lời đám quan văn dự đoán. Quốc khố dần dần vơi đi vì để tiếp tế cho những dân dũng này. Bởi vì không chỉ chi trả cho những tám mươi vạn binh mã ở bên ngoài thành Trường An.
Những người tới mà không hợp cách vẫn được Hoàng Đế hạ chỉ phân phát lộ phí và lương thực. Cứ như vậy, không ít người lấy danh nghĩa là dự tuyển mà kiếm ít bạc và lương thực trở về. Trong năm tháng này, quốc khố phải chi trả một số lượng tiền cực lớn, khiến người ta thất kinh.
Bệ hạ càng rộng lượng với những dân dũng này, thì triều đình càng phải trả cái giá lớn.
Sau đó là vấn đề trị an.
Kinh Kỳ Đạo vốn là nơi giàu có và yên bình nhất thiên hạ. Chẳng hạn như lúc Phương Giải đi ngang qua Kinh Kỳ Đạo, thậm chí không nhìn thấy một tên ăn mày nào. Con cháu nhà giàu không dám hoành hành, lưu manh vô lại không dám làm càn. Phương Giải từng khen ngợi qua, nếu thế gian đều hưng thịnh bình yên như vậy, thì Đại Tùy muốn kéo dài tới vạn năm cũng không khó.
Nhưng hiện tại đám dân dũng ùn ùn kéo tới tụ tập bên ngoài thành Trường An, kín hết người. Những người này sau khi huấn luyện xong thì rãnh rỗi đi dạo, quây quần tán gẫu. Một đám người trẻ tuổi huyết khí phương cương, khó tránh khỏi sẽ xảy ra mâu thuẫn rồi đánh đập nhau. Lý do thì đủ kiểu, uống rượu say rồi đánh nhau, hay là vì tranh đoạt gái lầu xanh. Cũng có người đánh nhau chẳng vì lý do gì, thích thì đánh thôi.
Hai chuyện này, khiến cho cả triều đình Đại Tùy sứt đầu mẻ trán.
Có ân chỉ của bệ hạ, quan phủ địa phương không dám xử đám dân dũng này quá nặng. Nhưng nếu chỉ cảnh cáo thì cơ hồ không có tác dụng gì với bọn họ.
Mọi người thường nói, hư là vì quá nuông chiều.
Đám Ngự Sử đại phu của Ngự Sử Đài trong mấy ngày qua không ngừng dâng tấu lên. Nhưng bảy tám phần đều không tới được chỗ bệ hạ. Bên phòng nghỉ cạnh cung vua là chỗ làm việc của Hoàng Môn Thị Lang. Mà bên cạnh y có bốn cái giỏ làm bằng trúc.
Những việc lớn việc nhỏ được chia ra đặt ở giỏ trúc.
Những việc lớn sẽ được đặt vào giỏ trúc rồi lập tức mang tới Sướng Xuân Viên đệ trình lên bệ hạ. Mà tất cả phân chia này đều nằm trong một ý niệm của Bùi Diễn. Tấu chương của Ngự Sử Đài, Bùi Diễn chẳng thèm liếc nhìn tiện tạy vứt sang một bên.
Một năm qua, bệ hạ tập trung vào bồi dưỡng Thái tử. Thậm chí bắt đầu dạy Thái tử cách phê duyệt tấu chương. Đối với việc này, không những Ngự Sử Đài thấy không vừa mắt, mà ngay cả rất nhiều trọng thần trong triều cũng thấy việc này không thích hợp. Dựa theo tuổi tác mà nói, Hoàng Đế đang ở độ tuổi thanh xuân. Nếu không có bất ngờ gì xảy ra, ngồi trên ghế rồng thêm hai mươi năm nữa cũng không có vấn đề gì.
Hoàng Đế của Đại Tùy thường sống khá thọ. Số người chết trước bảy mươi tuổi chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Bồi dưỡng Thái tử sớm một chút không phải là vấn đề, nhưng việc này nên giao cho quan viên ở đông cung. Tuy chưa tuyển Thị Độc cho Thái tử, nhưng các Đại Học Sĩ trong Văn Uyên Các và Thư Hoa Các, có người nào là không đầy bụng kinh luân đâu?
Trong một năm này, triều đình trở nên không yên ổn.
Lưu Ân Tĩnh và Hứa Hiếu Cung sóng vai mà đi, vừa đi vừa nói chuyện. Lúc nam chinh Thương Quốc, bọn họ đã là bằng hữu, đã có mấy chục năm làm bạn bè.
- Đã như vậy, không bằng giục bệ hạ sớm ngày xuất binh.
Lưu Ân Tĩnh thở dài nói:
- Gần trăm vạn người đang tụ tập ở Kinh Kỳ Đạo, nếu để lâu sẽ gieo xuống mầm tai vạ. Có thể huấn luyện, nhưng kéo tới bờ đông sông Nghi Thủy vẫn tốt hơn. Để cho bọn họ nhìn thấy phản quân rốt cuộc trông thế nào, để bọn họ thấy chiến trường rốt cuộc như thế nào. Nhiều người như vậy ở bên ngoài thành Trường An, nếu chẳng may có người giật dây…thì hậu quả khó mà gánh nổi!
Hứa Hiếu Cung gật đầu:
- Điều duy nhất có thể làm bây giờ, cũng chỉ có vậy. Trước kia bệ hạ vội vã xuất binh, chúng ta đã khuyên bảo. Hiện tại không vội, muốn nhìn xem rốt cuộc sẽ có bao nhiêu dân dũng kéo tới, thì chúng ta lại nóng nẩy.
- Trước khác nay khác.
Lưu Ân Tĩnh nói:
- Ta và ngươi đều là lão thần rồi, không thể giả câm giả điếc.
- Bệ hạ rất coi rọng Đại Học Sĩ Ngưu Tuệ Luân của Văn Uyên Các, còn có Binh Bộ Thượng Thư Tông Lương Hổ. Không bằng tối nay ta và ngươi mở tiệc mời hai người bọn họ uống rượu. Nếu có thể khuyên được bọn họ cùng ký vào một tờ giấy, thì có lẽ bệ hạ sẽ để ý tới.
- Đồng ý.
Hứa Hiếu Cung suy nghĩ một lát rồi nói
- Tuy nhiên, lúc trước bệ hạ chọn ra đại thần phụ chính có ba người là Hoàng Môn Thị Lang Bùi Diễn, Đại Học Sĩ Ngưu Tuệ Luân, Binh Bộ Thượng Thư Tông Lương Hổ…chúng ta chỉ mời có hai người, liệu có thể hay không…
- Mặc kệ y!
Lưu Ân Tĩnh hơi giận nói:
- Để ý làm gì bọn tiểu nhân.
Hứa Hiếu Cung thở dài. Hai vị Đại tướng quân vốn nên có tâm trạng hào hùng thì lại đầy tâm sự.
Sướng Xuân Viên.
Hoàng Đế ngẩn người nhìn đống tấu chương trên bàn. Mấy ngày này tinh thần của y không được tốt lắm. Trước kia y cả ngày đọc tấu chương cũng sẽ không thất thần. Hiện tại tinh lực lại không tập trung được. Nhất là sau giờ Ngọ khi khí trời trở nên ấm áp, hai mí mắt của y lại cụp xuống. Có đôi khi y nằm ngủ luôn trên giường gạch. Khi tỉnh lại tinh thần lại càng kém đi.
Thái giám cầm bút Tô Bất Úy liếc nhìn Hoàng Đế, ánh mắt đầy vẻ lo lắng.
- Bệ hạ, nếu ngài đã mệt rồi thì nghỉ ngơi một lát.
Hoàng Đế bỗng nhiên cười cười, dường như nhớ tới chuyện gì đó vui vẻ.
- Ngươi còn nhớ không, lúc Phương Giải mới tới thành Trường An không lâu, trẫm triệu hắn vào cung, hắn lại trốn đằng sau núi giả hái trộm dưa của trẫm để ăn.
Chuyện này quả thực có chút thú vị, Tô Bất Úy nhớ tới cũng không nhịn được bật cười:
- Từ trước tới nay, có lẽ hắn là tiểu tặc đầu tiên dám lấy trộm thứ ở Sướng Xuân Viên.
- Trong lòng hắn không có quỷ, cảm thấy đói bụng liền hái dưa để ăn. Có người trong lòng có quỷ, rõ ràng là đói bụng rồi lại giả vờ nhưng không làm gì. Nhìn quả dưa chảy nước miếng, còn muốn ra vẻ đạo mạo đứng nghiêm…So sánh đôi bên, trẫm thích tính tính của tên tiểu tặc mà ngươi nói kia hơn.
Y dừng một lát, như nhớ tới cái gì đó.
- Vừa rồi hình như có người tới, là ai vậy?
Hoàng Đế day day hàng lông mày, hỏi.
- Là Đại Nội Thị Vệ Xử Chỉ Huy Sứ La Úy Nhiên. Nói là có chuyện cầu kiến, đang ở bên ngoài đợi.
- Truyền vào đi.
Hoàng Đế khoát tay, sau đó ngồi thẳng người dậy.
Ngoài cửa sổ, hai tiểu cung nữ đang chơi đùa với Thái tử điện hạ Dương Thừa Càn. Qua một tháng nữa, Thái tử sẽ tròn mười tuổi. Cậu bé nhìn dưa chuột xanh biếc, hỏi:
- Phụ hoàng nói, đã từng có tiểu tặc ăn vụng dưa chuột của phụ hoàng. Nhưng phụ hoàng cảm thấy tiểu tặc này là một nhân tài. Chẳng những không trách tội hắn, cón tính toán để hắn làm Thị Độc cho ta…Hắn tên là Phương Giải, ta không nhớ từng gặp qua người này chưa.
Tiểu cung nữ mi thanh mục tú đáp:
- Tiểu tặc chính là tiểu tặc, là bệ hạ khoan dung. Nếu là tiểu tỳ, ai dám ăn trộm, tiểu tỳ sẽ ra lệnh kéo ra ngoài hành hình bằng gậy cho tới chết!
Thái tử nhíu mày lại, quay người lạnh lùng nói với tiểu cung nữ:
- Tự mình vả miệng! Lời của phụ hoàng mà ngươi cũng dám nghi ngờ? Gần đây ngươi càng ngày càng làm càn rồi! Hành hình bằng gậy tới cho tới chết? Các ngươi có biết nó như thế nào không? Các ngươi có biết người chết có bộ dáng như thế nào không? Mới tuổi này mà đã có tâm tư ác độc như vậy, nếu không quản giáo thì trong tương lai không chừng có thể nói ra những lời đại nghịch bất đạo gì đó!
Tiểu cung nữ vốn hay chơi đùa với Thái tử liền ngẩn ra, còn chưa đánh đã khóc lóc rồi. Nàng khóc lóc thảm thiết nhìn Thái tử, cho rằng Thái tử sẽ mềm lòng. Nhưng trong chốc lát nàng mới phát hiện, ánh mắt của Thái tử vẫn lạnh lùng như cũ.
Vì thế nàng giơ tay lên, bắt đầu vả vào miệng mình.
Hoàng Đế ngồi ở bên cửa sổ thấy cảnh này, nở nụ cười tươi.
…
…
La Úy Nhiên chắp tay cúi thấp người, không ngẩng đầu lên. Đã một tháng rồi y không được thấy Hoàng Đế, y cũng đã quen với sự lạnh nhạt này. Lúc trước Hoàng Đế nói rằng tin tưởng y, nhưng La Úy Nhiên biết rằng đó chỉ là thủ đoạn trấn an của Hoàng Đế mà thôi. Vị chí tôn thiên hạ này không hề tin tưởng bất kỳ ai. Đại Tùy lập quốc hơn một trăm năm, vị Hoàng Đế này là người duy nhất không tin cả lão viện trưởng Vạn Tinh Thần.
- Trẫm nhớ đã từng nói với ngươi, về sau có chuyện gì cứ vào thẳng nói chuyện là được.
Hoàng Đế thản nhiên nói:
- Không cần đứng bên ngoài chờ.
La Úy Nhiên cúi đầu nói:
- Tô công công nói rằng hai ngày này bệ hạ có chút không khỏe, cho nên thần không dám quấy rầy.
Hoàng Đế ừ một tiếng, hỏi:
- Chuyện gì?
- Bệ hạ, khâm phạm Dương Dận lại cầu kiến bệ hạ.
Hoàng Đế khẽ nhíu mày, dường như không thèm để ý, nói
- Công nhận y sống lâu thật. Bị nhốt ở trong lao vẫn không đóng được cái miệng của y…Y muốn gặp trẫm làm gì?
- Thần không biết, chỉ có điều ngày nào y cũng cầu thần thông báo rằng y muốn gặp bệ hạ.
- Cho nên ngươi mềm lòng?
Hoàng Đế hỏi La Úy Nhiên, tuy bình thản nhưng ý tứ trong đó khiến người ta rét run.
- Thần không dám, chỉ là Dương Dận là trọng phạm, thần không dám để sót bất kỳ điều gì.
- Trẫm đã biết.
Hoàng Đế khoát tay, không kiên nhẫn nói:
- Nếu không còn chuyện gì khác thì ngươi lui ra đi. Nói cho Dương Dận biết, cứ sống yên ổn ở trong lao. Ăn thì cứ ăn, ngủ thì cứ ngủ, đừng có chết trước khi trẫm muốn giết y. Sớm muộn gì thì trẫm cũng sẽ gặp y, nhưng giờ chưa phải lúc.
- Thần tuân chỉ.
La Úy Nhiên âm thầm cười khổ một tiếng, cúi người lui ra ngoài.
- Đợi chút…
Lúc y đi tới cửa, Hoàng Đế bỗng nhiên thay đổi chủ ý:
- Mang y tới Sướng Xuân Viên, trẫm muốn nghe xem y có lời gì muốn nói với trẫm, cũng muốn xem xem y có mặt mũi gì để gặp trẫm?
La Úy Nhiên vâng một tiếng, sau đó rời khỏi Khung Lư.
Lúc y ra khỏi cửa, nhìn thấy tiểu thái giám Mộc Tam nháy mắt ra hiệu với mình một cái, rồi lấy một tờ giấy nhỏ từ ống tay áo thả xuống đất. Lúc đi qua, La Úy Nhiên giả vờ cúi xuống sửa sang lại giầy rồi nhặt tờ giấy đó lên nắm trong tay. Y không dám mở ra nhìn ở Sướng Xuân Viên, mãi tới khi lên xe ngựa mới mở tờ giấy ra. Chỉ nhìn thoáng qua, sắc mặt của y liền trắng bệch.
- Trách không được…trách không được!
Y thì thào một câu.
Trên xe ngựa có bút, mực và giấy. Y trầm tư một lúc liền nhấc bút lên viết một bức thư, chỉ có mười chữ, nhưng từng chữ đều rất nặng nề. Viết xong y cất vào trong một cái hộp nhỏ, dùng sáp phong kín lại. Đi tới nửa đường, y bảo xe ngựa dừng lại, tùy ý tới một quán rượu, mua một bình rượu và một cân thịt bò chín.
Sau nửa canh giờ, hộp thư bí mật kia đã tới trong tay của Ngô Nhất Đạo.
Ngô Nhất Đạo mở cái hộp ra, đọc xong bức thư, sắc mặt cũng thay đổi. Vị nam nhân luôn bình thản với mọi việc này, giờ đây lại lộ ra vẻ lo lắng và sợ hãi trong mắt. Cũng không biết là chuyện gì, có thể khiến cho Đại Nội Thị Vệ Xử Chỉ Huy Sứ và đông gia của Hàng Thông Thiên Hạ lo sợ như vậy.
Ngô Nhất Đạo trầm mặc một lúc, lại đóng kín hộp thư này lại, sau đó gọi một thân tín tới.
- Ngươi dùng tốc độ nhanh nhất tới Hoàng Dương Đạo, tìm Phương Giải rồi giao tận tay cái hộp này cho hắn. Vật này quá quan trọng. Ngươi có thể chết nhưng không thể để hộp này rơi vào tay người khác. Cùng lắm là hủy nó đi. Nếu như ngươi chết, ta sẽ đối xử tốt với người nhà của ngươi.
Thân tín này chắp tay nói:
- Hầu gia yên tâm, thuộc hạ biết phải làm thế nào.
Y nhét kỹ hộp sắt vào trong ngực, sau đó xoay người rời đi.
Đợi thân tín đi rồi, Ngô Nhất Đạo như mất hết khí lực, ngồi tựa vào ghế, sắc mặt vẫn khó coi như cũ.
Cứ trầm mặc như vậy thật lâu, y mới thở dài một tiếng.
- Đại Tùy…bấp bênh…
Y đứng dậy, nhìn bầu trời bên ngoài suy nghĩ xuất thần.
Một bí mật cực lớn như tảng đá nặng ngàn cân đè lên tim y, khiến y không thở được.