Triều Thiên Nhất Côn [Luận Anh Hùng]

Chương 17

Quả nho.

Rượu mạnh.

Mỹ nhân.

Cao thủ.

Những thứ này đều ở trước mặt Thái Kinh, có được một cách dễ dàng.

Sau lưng của hắn là tường.

Trên tường khắc một con rồng trông rất sống động, nhe nanh múa vuốt, hai mắt còn khảm hồng ngọc, tỏa ra ánh sáng màu máu.

Đối với Thái Kinh, đây là một sự tượng trưng cho quyền lực, cũng là một vinh dự đặc biệt.

Không phải người người đều có thể khắc một con rồng đại biểu cho cửu vương chi tôn lên vách tường sau ghế ngồi của mình, đó là do Triệu Cát đặc biệt ân sủng hắn, còn tự mình hạ chiếu gọi thợ thủ công đến chỗ hắn khắc lên, nhằm bày tỏ sự sủng ái của mình.

Từ điểm này, có thể suy ra Thái Kinh ở trước mặt Triệu Cát được trọng vọng thế nào.

Thái Kinh đương nhiên cực kỳ đắc ý vì được hoàng đế tin tưởng, nhưng hắn vênh váo tự đắc lại rất cẩn thận. Hắn thường lớn tiếng doạ người, đả kích kẻ thù chính trị, khiến người khác sai lầm cho rằng hoàng đế và văn võ bá quan trong triều đều ủng hộ hắn, vì vậy dốc sức cùng hắn đẩy kẻ thù vào chỗ chết, từ đó cùng một trận tuyến, không còn đường lui nữa.

Nhưng ở bên cạnh hoàng đế, hắn lại rất nhún nhường kính cẩn vâng lời, thỉnh thoảng còn làm vài chuyện nhỏ, cố ra vẻ bộc trực, khiến cho Triệu Cát thường cười hắn “Thái khanh đúng là quá chính trực, khó trách thường bị đám tiểu nhân vu cáo”. Thủ hạ của hắn thường tại dân gian tác oai tác quái, mượn cớ xây dựng miếu Cửu Thiên Tuế do hắn làm thần để bóc lột vơ vét của cải, một khi có người cả gan (cũng trăm cay ngàn đắng) tố cáo đến hoàng đế, lại bị hắn khóc lóc và xuyên tạc thành “thần vì muốn xây từ đường trường sinh cho thánh thượng nên bị điêu dân tham quan ghen ghét”, lại được hoàng đế khen ngợi, giao người tố cáo cho hắn trị tội.

Thái Kinh viết thư pháp rất tốt, vẽ tranh hoa điểu cũng có thành tựu xuất sắc. Nhưng ở trước mặt Triệu Cát, hắn thường tự hạ mình, bởi vì hắn biết hoàng đế tính tình háo thắng. Hắn cũng không phải lúc nào cũng a dua, có lúc vờ tha để bắt, lấy lùi làm tiến, khiến cho hoàng đế nhìn thấy các loại biểu diễn của hắn cũng tin là thật, càng thêm yêu quý sủng ái hắn.

Chẳng hạn như có một lần, Thái Kinh lúc ngà ngà say viết mấy chữ “Triều Thiên Thiếp”, lại khoe khoang rằng “cho dù không phải là thiên hạ đệ nhất thiếp, đương thời cũng không ai sánh bằng”. Đến lúc hắn cao hứng, mang thiếp vào cung trình Triệu Cát xin ý kiến, bỗng thấy ngự thư phòng có viết hai chữ “Thiên Triều”, hắn lại ngây người đứng tại chỗ, hơn ba canh giờ không nói lời nào. Sau đó người hầu phải bôi thuốc, xoa huyệt cộng thêm đút canh gừng, hắn mới lẩm bẩm “hảo thư diệu pháp, đúng là bút trời pháp đất, ta không thể nào với tới được”. Hắn lặp lại câu này đến hơn một giờ, giống như si mê.

Triệu Cát nghe tin, không nhịn được mỉm cười, tự mình mời Thụ Đại Phong đến bốc thuốc cho hắn, khuyên hắn thư họa phải coi trọng thiên cơ hỏa hầu, không nên quá cố chấp theo đuổi cảnh giới nghệ thuật. Vị cửu ngũ chi tôn sống trong nhung lụa này đương nhiên không biết, trước đó người bên cạnh hắn đã âm thầm thông báo, hoàng thượng đã viết hai chữ “Thiên Triều”, hơn nữa có vẻ rất đắc ý, tự nói “chỉ sợ không ai nhận ra bút lực tuyệt diệu trong đó”. Sau khi Thái Kinh nghe xong, liền diễn vở kịch hay này, khiến Triệu Cát tin là thật, xem Thái Kinh như tri âm.

Hình rồng trên tường này chính là do Triệu Cát cao hứng, bảo thợ thủ công kiến tạo cho hắn.

Từ trước đến giờ, mỗi lần có tiệc rượu, Thái Kinh đều không chịu ngồi quay lưng về phía cửa. Hắn phải dựa lưng vào tường, cột hoặc vật dày nặng, đối diện với hành lang ra vào, có thể quan sát tất cả nhân sự lui tới, như vậy mới chịu ngồi.

Hiện giờ hắn chính là như vậy.

Mặc dù hắn đã phái nhiều cao thủ đi đối phó với nhân vật võ lâm trong kinh sư, nhưng bên cạnh vẫn có cao thủ hạng nhất bảo vệ. Ngay cả như vậy, lúc nghe ca, xem múa, uống rượu, ôm mỹ nữ, hắn vẫn ngồi dựa lưng vào tường, không thay đổi thói quen của mình.

Hắn hớp một ngụm rượu, cười hỏi:

- Các ngươi nói xem, Vương Tiểu Thạch có sa lưới không?

Nhất Gia nói:

- Nếu hắn tới thì sẽ sa lưới.

Thái Kinh lại hỏi:

- Như vậy, hắn có tới hay không?

Hắn không biết trước đó không lâu Phương Ứng Khán cũng hỏi Mễ công công vấn đề này, nhưng hai người có thân phận bất đồng, cách hỏi cũng không giống nhau.

Thái Tuyền nói:

- Con thấy hắn sẽ không dám tới.

Nhất Gia nói:

- Nếu hắn không tới, huynh đệ của hắn đều xuất động cứu người, đời này hắn cũng không làm hảo hán được nữa.

Thái Kinh quay đầu hỏi Thiên Hạ Đệ Thất:

- Ngươi thấy sao?

Thiên Hạ Đệ Thất chỉ nói một chữ:

- Tới.

Thái Kinh ngửi ngửi mùi rượu, lại ngửi ngửi mùi thơm của nữ nhân bên cạnh, còn nhéo nhéo mông của con gái Thái Tuyền, nói:

- Ta cũng nghĩ như vậy. Hắn nhất định sẽ đến. Vương Tiểu Thạch không thể nào bỏ qua chuyện này.

Thiên Hạ Đệ Thất vẫn luôn đứng bên trái Thái Kinh năm thước, giống như một cái bóng, không hề ngồi xuống.

Hắn nói:

- Hắn sẽ đến, chỉ có điều, không biết hắn sẽ đến như thế nào? Đi đâu?

Thái Kinh dường như có phần cảm khái:

- Vương Tiểu Thạch nhìn có vẻ ngây thơ, thật ra lại giỏi về tâm kế; dung mạo rất thuần phác, nhưng quả thật giảo hoạt xảo trá. Hắn lại rất giống một người.

Nhất Gia hừ một tiếng nói:

- Phương tiểu hầu?

Thái Kinh không tỏ ý kiến, chỉ nói:

- Phương Ứng Khán càng có vẻ khiêm nhường, kính cẩn, vâng lời hơn so với hắn.

Lúc này, bên ngoài có người thông báo, Diệp Bác Thức đã dẫn “Thần Du Gia Gia” Diệp Vân Diệt đến.

- Được rồi, hắn đã đến.

Thái Kinh tỏ ra phấn khởi:

- Mau mời!

Tuổi tác của Diệp Vân Diệt thật ra không quá lớn, tóc dài giày trắng, nhưng giày trắng bởi vì quá cũ nên đã có màu xám, đỉnh tóc đã hơi thấy trụi.

Môi của hắn cong thành chữ “Ao (凹)”, biểu thị cá tính kiên quyết và cô độc của hắn, lúc chú ý và lơ đãng trong mắt đều lộ ra sát khí, vừa nhìn có thể nhận ra hắn là loại người không biết thu liễm vì bất cứ thứ gì.

Hắn đi thẳng tới, đến gần, lúc nhìn Nhất Gia và Thiên Hạ Đệ Thất đều lộ vẻ kiêu ngạo.

Đối với những người khác, cho dù là những mỹ nữ vừa múa vừa hát kia, hắn cũng không nhìn thẳng; nhưng ánh mắt của hắn lại giống như liếc nghiêng quan sát mỗi người, đặc biệt là những cô gái.

Ngay cả lúc nhìn Thái Kinh, hắn cũng không đổi sắc mặt. Nhìn dáng vẻ của hắn, cũng không biết là cung kính hay coi thường Thái Kinh.

Hắn đi vào quả thật giống như một chiếc cung kéo căng, nỏ kéo đầy.

Tinh thần và khí thế của hắn đều đầy đủ, hơn nữa tinh khí và sự sắc sảo còn áp bức người phía trước, mỗi bước đều giống như đánh vào Hoàng Long, mỗi lần nhìn quanh đều thể hiện uy phong và sát độ, mỗi lần giơ tay nhấc chân đều giống như một đại sư tấu nhạc đánh phách vào lúc thích hợp nhất.

Hắn mạnh mẽ có uy.

Hắn có khí thế.

Hắn bình tĩnh.

Khi hắn đến gần, cháu của hắn là Diệp Bác Thức đang muốn lên tiếng, Thái Kinh đã cười nói một câu:

- Ngươi quá mất tự nhiên rồi.

Câu nói này giống như sấm sét, vừa lúc đánh vào trên đầu Diệp Thần Du.

Diệp Vân Diệt có thể bước vào trong “sáu đại cao thủ đương thời”, chắc chắn không phải là hạng người chỉ có hư danh.

Năm xưa hắn từng khổ luyện nội công, nhưng cũng không có thành tựu xuất sắc, cộng thêm bẩm sinh khí yếu tức loạn, hơn nữa lại là người không biết nhẫn nại, cho dù hắn khổ công tu luyện ra sao, cũng không thể trở thành cao thủ nội công đỉnh cấp, đành phải chán nản từ bỏ.

Hắn đổi sang tu luyện đao pháp.

Đáng tiếc, thiếu sót của hắn về đao pháp chính là thiên phú, đao pháp cho dù luyện có thuần thục, so với những danh gia đao pháp hàng đầu vẫn kém hơn một đoạn, cho nên hắn lại giữa đường từ bỏ.

Lần này hắn đổi sang tập thương. Nhưng mà thể hình, cốt cách của hắn vốn không thích hợp để luyện thương. Hắn luyện thương pháp ba năm, thương gì cũng luyện hết, có một lần may mắn được tận mắt nhìn thấy Gia Cát tiên sinh sử dụng một bộ “Kinh Diễm thương”, sau khi hắn “kinh diễm (kinh ngạc vì nó)”, đổi lấy là sự chán nản hoàn toàn.

Từ đó hắn cũng không luyện thương nữa.

Lúc này, hắn cho rằng cả đời mình cũng không thể “vượt trội” về võ công, nhưng hắn lại không cam lòng chôn thân trong hàng ngũ cao thủ hạng hai hạng ba. “Cao thủ” như vậy, nhiều thêm hay ít đi một người thì có gì quan trọng? Có hắn hay không thì thế nào?

Hắn lại không muốn làm vô danh tiểu tốt, cho nên lần này hắn đổi sang đọc sách.

Khổ công đọc sách.

Đáng tiếc hắn cũng không phải là người có khiếu đọc sách, học bảy tám năm, chỉ có thể đọc chứ không thể ngộ. Hắn rốt cuộc cũng biết, mình có đọc tiếp, đừng nói là thua kém người đọc sách thật sự, thậm chí khổ công bảy tám năm này còn thua mình luyện kiếm một năm, cho nên hắn lại bỏ đọc sách, chân chính chuyển sang học kiếm.

Hắn thật sự luyện kiếm, hơn nữa không chỉ luyện kiếm một năm, mà là luyện liên tục ba năm.

Lúc này, thời gian thấm thoắt, năm tháng phí hoài, hắn cũng đã đến trung niên, trên giang hồ danh hiệu hắn không tính là vang dội, trong võ lâm cũng không có vị trí của hắn.

Hắn hi vọng có thể dùng kiếm pháp nổi danh, nếu không thì cả đời này cũng không ngóc đầu lên được.

Thế nhưng luyện ba năm, hắn đã có thể kết luận, cả đời này tu vi kiếm pháp của hắn cũng không thể đại thành.

Có điều, lần này hắn cũng không tuyệt vọng.

Bởi vì hắn phát giác một chuyện.

Kiếm pháp của hắn tuy học không tốt, nhưng lại vô tình phát hiện, hắn rất có thiên phú về chưởng công.

Lẽ ra, hắn có thể đạt được thành tựu cực lớn về chưởng pháp, nếu như hắn không bất hạnh gặp phải “Kinh Đào Tiên Sinh” Ngô Kỳ Vinh.

Ngô Kỳ Vinh trẻ tuổi hơn hắn.

Người trẻ tuổi có một đặc điểm, đó là hăng máu.

Chưởng pháp mà Ngô Kỳ Vinh luyện không giống với các nhà các phái. Nghe nói, địa phương hắn luyện võ là một sơn động lớn và kỳ dị, trong động trải đầy thủy tinh linh thạch màu tím.

Tinh thạch là một loại kỳ thạch, cũng là một loại linh thạch, nó đọng lại trong lòng đất, ít nhất phải trải qua hàng tỉ năm, trải qua mấy lần chấn động địa hình chỉnh hợp mới có thể tạo thành, hơn nữa còn phải trải qua hàng trăm triệu năm vỏ trái đất biến động mới có thể thành hình. Nó có một loại lực lượng thần bí, thậm chí còn có nhiều loại công năng đặc dị, cho nên được xếp vào một trong “Phật môn thất bảo”. Ngô Kỳ Vinh đã sáng tạo và tu luyện chưởng pháp của hắn trong hoàn cảnh thần kỳ này.

Do đó, chưởng pháp của hắn không giống với chưởng công của môn phái bình thường, lại có thể vượt trội trong cùng thế hệ.

Chưởng pháp của hắn có năm loại cảnh giới.

Tầng thứ nhất, chưởng pháp của hắn sẽ phát ra màu sắc, trong đó màu tím lập lòe sặc sỡ là cấp bậc cao nhất.

Tầng thứ hai, chưởng pháp của hắn sẽ phát ra âm thanh, hơn nữa còn giống như âm điệu thánh nhạc, khiến người ta mê say, vô cùng êm tai.

Tầng thứ ba, chưởng pháp của hắn sẽ phát ra mùi thơm. Kẻ địch ngửi phải nó, tâm thần dao động, rất dễ dàng bị hắn thừa cơ tấn công. Nhưng bản thân hắn lại không phát ra bất kỳ mê hương kích thích khứu giác nào. Đối thủ chỉ cảm thấy từng trận mùi thơm dịu bay tới, mùi thơm càng nồng thì bị chết càng nhanh.

Tầng thứ tư, người giao thủ với hắn, chẳng những tứ chi giao chiến, ngay cả nụ vị giác của lưỡi cũng cảm thấy mùi vị kích thích đặc biệt, ngọt chua đắng cay đều có đủ.

Một tầng cuối cùng, người bị chưởng pháp của hắn đánh trúng hoặc tiếp xúc, đều có một loại rung động “sung sướng muốn chết”, sau khi cảm giác “vui vẻ hơn thần tiên” qua đi sẽ “chết” thật sự.

Bởi vì chưởng pháp của hắn tự thành một phái, những cao thủ chưởng pháp chính tông trong thiên hạ, kể cả người tu luyện chưởng công tà phái đều coi thường thành tựu của hắn, muốn cùng hắn phân cao thấp.

Ngô Kỳ Vinh đương nhiên chấp nhận. Dù sao nếu bọn họ không đến tìm hắn, hắn cũng sẽ tìm bọn họ.

Kết cục của “phân cao thấp” thường là…

Hắn cao, bọn họ thấp.

Nếu như có người tìm Kinh Đào Tiên Sinh “quyết sinh tử”, vậy thì kết quả rõ ràng hơn.

Hắn sống, kẻ địch chết.

Tiền nhiều khí mạnh, thế lớn tiếng to, thắng lợi tích lũy nhiều cũng khó tránh khỏi làm người ta càng hăng máu.

Mặc dù trong lòng Ngô Kinh Đào hiểu được, chưởng công của hắn thiếu sót ở đâu, hắn phải đối mặt với vấn đề gì, sau khi bộ chưởng công này của hắn luyện thành sẽ có hậu quả gì, nhưng những điều quấy nhiễu và kiềm chế này, ngược lại khiến hắn càng muốn dùng bộ chưởng pháp mà hắn phải trả giá rất lớn này để danh chấn thiên hạ, chấn nhiếp quần hùng.

Do đó, hắn nghe nói Diệp Vân Diệt cũng luyện thành một bộ “Thất Túc chưởng” rất kỳ lạ, liền tìm tới Thần Du Gia Gia.

Ngô Kỳ Vinh vứt bỏ cái tên cha mẹ đặt cho hắn, “Kỳ Vinh” không cần, mà lấy tự hiệu là “Kinh đào”, rõ ràng là muốn cả đời mình có thể “sóng to gió lớn”, không cuốn lên ngàn đống tuyết trong giang hồ thiên hạ thì không hài lòng.

Vì thế, hắn đương nhiên sẽ đi khiêu chiến Diệp Vân Diệt.

Diệp Vân Diệt lớn tuổi, nhưng hắn lại có một tính khí tương tự như Ngô Kinh Đào.

Quả thật hoàn toàn giống nhau.

Đặc điểm đó chính là hăng máu.

Ngô Kinh Đào còn trẻ bốc đồng, Diệp Vân Diệt tuy lớn tuổi hơn nhưng cũng bốc đồng như vậy.

Quả thật còn vênh váo hung hăng.

Vì vậy, hắn và Ngô Kinh Đào vừa gặp mặt, lập tức bắn ra tia lửa.

Hai người nói không tới năm ba câu, liền không dùng miệng nói chuyện nữa.

Lời của bọn họ đã đổi sang nói bằng tay.

Đó gọi là “giảng tay”.

Kết quả của lần “giảng tay” này là…

Ngô Kinh Đào thắng.

Hắn tuy còn trẻ tuổi, nhưng tu vi về chưởng pháp lại thuần thục nhiều năm hơn so với Diệp Vân Diệt.

Mặc dù “Hoạt Sắc Sinh Hương chưởng” của hắn đã đánh bại “Thất Túc chưởng” của Diệp Vân Diệt, nhưng cũng gặp nguy hiểm.

Chỗ tuyệt diệu của “Thất Túc chưởng” là dùng bộ pháp đặc biệt để phối hợp thi triển, nhìn giống như trượt chân, đối phương cho rằng có cơ hội, lập tức sẽ bị tiêu diệt dưới chưởng của hắn.

Có điều, hắn giao thủ với Ngô Kinh Đào, nhiều nhất chỉ đánh tới “hoạt sắc”, còn chưa “sinh hương”, cặp mắt của Diệp Vân Diệt đã bị năm màu mê hoặc. Tuy hắn hăng máu, nhưng càng quý trọng cái mạng già của mình hơn, lập tức vừa chiến vừa chạy, vừa lui vừa đánh, cuối cùng có thể giữ được tính mạng.

Sau trận chiến này đã xảy ra hai chuyện.

Thứ nhất, hắn thề không đội trời chung với Ngô Kinh Đào. Tóm lại, Kinh Đào Thư Sinh đứng ở phía nào, hắn nhất định sẽ đứng về phía khác, đối nghịch đến cùng, hoàn toàn không hỏi nguyên do, không phân đen trắng.

Thứ hai, hắn vứt bỏ chưởng pháp, luyện quyền.

Trong thời gian này, hắn khổ công luyện tập quyền pháp, cuối cùng cũng có đại thành. Hơn nữa, hắn cũng phát hiện ra một đặc điểm của mình, hóa ra hắn còn có thiên phú về quyền pháp hơn so với chưởng pháp.

Điều này cũng rất hợp lý, quyền hay chưởng đều dùng đôi tay làm vũ khí công kích và phòng thủ, người giỏi chưởng công tập quyền pháp sẽ dễ dàng bắt đầu, cũng dễ dàng thành công.

Diệp Vân Diệt luyện thành “Thất Thủ quyền”, lại tái chiến Ngô Kinh Đào.

Lần này, Ngô Kinh Đào lại thắng không được hắn.

Nhưng mà cũng không bại.

Hai người bọn họ đều bị thương, nhưng không ai bại.

Chỉ đều bị thương chứ không lưỡng bại.

Thực ra đối với Diệp Vân Diệt, điều này cũng không khác gì thắng lợi. Bởi vì lần trước hắn giao thủ với Ngô Kinh Đào là thất bại trở về, còn lần này lại có thể đánh hoà nhau, giống như là một hình thức khác của thắng lợi vậy.

Có điều, tuy Diệp Vân Diệt đánh hòa trận chiến này, nhưng cũng không dễ chịu.

Hắn bị Ngô Kinh Đào gây thương tích.

Trọng thương.

Thương thế kia nặng đến mức khiến cho trong tám năm sau trận chiến này, mỗi ngày hắn đều phải bôi ngoài da và uống một loại thuốc, mới có thể ngăn chặn vết thương bung ra và tái phát.

Mà loại dầu thuốc này là thuốc hiếm đến từ Thiên Trúc xa xôi, bôi lên hay ăn vào đều có một loại mùi lạ giống như cá mặn. Điều này khiến cho hắn vốn tự cao tự đại, coi trọng uy thế, mỗi ngày đều phải uống vào và bôi lên không ít hương liệu, mới có thể miễn cưỡng che giấu một phần mùi hôi.

Trải qua trận chiến này, Diệp Vân Diệt cuối cùng đã trở thành một trong “sáu đại cao thủ đương thời”.

Đồng dạng, trong trận chiến này Ngô Kinh Đào cũng không chiếm được tiện nghi.

Hắn bị “Thất Thủ Thần Bút” của Diệp Vân Diệt đánh trúng, cho nên toàn thân rất dễ ứa dầu toát mồ hôi, người nóng khó chịu, đến nỗi cả ngày phải thường xuyên rửa mặt lau mặt mới có thể hạ nhiệt giảm nhiệt.

Những triệu chứng này cũng khiến cho Kinh Đào Thư Sinh luôn coi trọng bề ngoài thống khổ khó tả.

Điều này cũng khiến cho hắn hận thấu Thần Du Gia Gia.

Diệp Vân Diệt mặc dù đánh một trận thành danh, nhưng mỗi ngày đều phải dùng một lượng lớn Thiên Trúc thần dầu (cho nên người giang hồ xưng là “Thần Du Gia Gia”, mặc dù bản thân hắn rất không thích cái danh hiệu này), mà những rượu thuốc này có giá cả rất đắt. Cho nên, sau khi hắn đạt được lý tưởng trong giai đoạn đầu tiên của đời người, muốn tại văn tài (chuyện này đương nhiên đã không thể) hay võ lược, có thành tựu cực kỳ xuất sắc khiến người ta công nhận, hắn lại có ba lý tưởng khác.

Hắn muốn kiếm thật nhiều thật nhiều tiền (ít nhất đủ cho hắn có thể tiếp tục mua được thần dầu).

Hắn nhất định phải đánh đổ Ngô Kỳ Vinh. Hắn và Kinh Đào Tiên Sinh đã tạo thành thù oán không thể hóa giải (đồng dạng, Ngô Kinh Đào cũng lập quyết tâm nhất định phải giết chết Diệp Vân Diệt).

Hắn còn hi vọng có thể thi triển thân thủ, đại triển tham vọng, gây dựng sự nghiệp, đương nhiên là dựa vào thân thủ của mình để mưu cầu chức quan.

Cho nên, hôm nay hắn mới đến yết kiến Thái Kinh.

Hơn nữa, hôm nay hắn đến yết kiến Thái Kinh, tâm tình mới khẩn trương như vậy.

Một người cho dù võ công có giỏi, tài học có rộng, địa vị có cao, một khi muốn cầu cạnh người khác, vậy thì cũng khó mà thẳng lưng ưỡn ngực.

Ai cũng như vậy.

Diệp Vân Diệt cũng như vậy.

Hắn cũng không muốn cả đời làm người võ lâm.

Hắn càng không nên chỉ làm một người giang hồ.

Hắn muốn quyền, hắn muốn địa vị, hắn muốn danh thành lợi tựu.

Cho nên hắn muốn làm quan, hơn nữa còn là quan lớn.

Một khi có ước vọng này, hắn cần phải cầu cạnh người khác, dĩ nhiên sẽ không tự nhiên được nữa.

Chẳng những không thể tự nhiên, hơn nữa trong lòng còn rất khẩn trương.

Trước khi đến biệt thự Biệt Dã, hắn đã suy nghĩ cẩn thận nhiều lần.

Cơ hội của hắn đã đến.

Thái Kinh là đại nhân vật có ảnh hưởng lớn trong triều. Chỉ cần Thái Kinh cao hứng, sẽ có thể đề bạt hắn, trở thành nhân vật có quyền thế mạnh.

Nhưng ngược lại, nếu như Thái Kinh ghét hắn, dưới cơn nóng giận, sẽ có thể dẫn đến phiền toái, thậm chí còn rước lấy họa sát thân.

Thái Kinh chịu triệu kiến hắn, đương nhiên là vì coi trọng hoặc chú ý đến sự tồn tại của hắn, nhưng chưa chắc sẽ trọng dụng hắn. Nếu hôm nay không nhân dịp này biểu hiện thật tốt, một khi bỏ lỡ cơ hội, chưa chắc sẽ có lần thứ hai, chưa chắc Thái Kinh sẽ triệu kiến hắn một lần nữa.

Cho nên, hắn nhất định phải nắm lấy cơ hội lần này, khiến cho Thái Kinh khắc sâu ấn tượng với hắn.

Nhưng mà, nên nắm bắt như thế nào? Nên biểu hiện ra sao?

Chuyện này thật khó.

Thái Kinh quyền cao chức trọng, thuộc hạ nhân tài gì mà không có? Cao thủ gì chưa từng gặp? Nếu như mình nịnh hót tâng bốc, liệu có bị hắn xem thường hay không? Nếu mình biểu thị trung thành bán mạng, liệu Thái Kinh có cảm thấy quá bình thường, sẽ không coi trọng? Còn nếu mình tranh phong khoe tài, lỡ may chọc giận tướng gia, chẳng phải là ăn không hết gói lại mang đi, sau khi vấp ngã mũi dính đầy tro lại đâm đầu trán dính đầy máu sao (1)?

Như vậy, nên làm sao cho phải?

Cho nên, Diệp Vân Diệt thật sự cảm thấy khẩn trương.

Dù sao từ khi sinh ra đến nay, Thái Kinh là vị quan lớn nhất mà hắn từng gặp.

Không phải người người đều có thể nhìn thấy cung điện lớn như thế.

Không phải lúc nào cũng có thể gặp được quan cao như vậy.

Do đó Diệp Vân Diệt rất quý trọng, hết sức coi trọng cơ hội này.

Điều này khiến cho hắn không thể ung dung, vẫn luôn suy nghĩ. Ta nên kiêu ngạo thì tốt, hay là khiêm nhường thì tốt hơn? Nếu như ta vênh váo, liệu có thể khiến tướng gia chán ghét hay không? Còn nếu như ta cúi mình, có thể khiến người ta xem thường hay không?

Nhất thời, hắn cũng không biết phải làm sao đối diện với Thái Kinh.

Lại không ngờ, Thái Kinh vừa nhìn thấy hắn, giống như đã nhìn ra tất cả lo lắng nghi ngờ trong lòng hắn, câu đầu tiên đã nói:

- Ngươi quá mất tự nhiên rồi.

Đúng vậy, hắn mất tự nhiên, hơn nữa còn quá khẩn trương.

Hắn còn chưa kịp lên tiếng, Thái Kinh lại bổ sung một câu:

- Buông lỏng đi!

Đúng vậy, hiện giờ điều hắn cần làm nhất chính là buông lỏng.

Buông lỏng.

Thế nhưng, trên đời bao nhiêu người có thể nói buông là buông?

Nếu như không thể buông, vậy thì làm sao nhẹ nhõm?

Cho dù có thể buông, cũng chắc đã có thể nhẹ nhõm. Từ cổ chi kim, bao nhiêu anh hùng hào kiệt, đế vương quan tướng, nói là buông xuống, nhưng trên thực tế vẫn cầm chắc trong tay, nhớ mãi không quên, canh cánh trong lòng.

Không phải sao?

Buông xuống không chỉ là chuyện trong tay, buông xuống thật sự là ở trong lòng.

Do đó, có người làm ra vẻ buông xuống, nhưng trong lòng có từng tiêu dao chưa? Cũng có người vốn đã nhìn thấu, cho nên mặc dù còn cầm, nhưng trong lòng đã sớm đã buông xuống, trở nên tự tại.

Có một số người luôn miệng nói là buông xuống, thật ra căn bản là cầm không lên.

Vì vậy, buông xuống hay không chẳng phải ở miệng, chẳng phải ở tay, mà là trong tâm.

Buông tay không phải yên tâm, vô tâm mới có thể yên tâm.

Nếu như vốn là vô tâm, còn có chuyện gì yên tâm hay không?

Cầm lên được mà buông xuống được, dù là hào kiệt trong thiên hạ, cũng không mấy người có thể nói buông là buông.

Cầm lên được mà không buông được, cũng không có gì mất mặt, bởi vì anh hùng trên thế gian phần lớn đều như thế.

Đáng thương nhất chính là rõ ràng cầm không lên, nhưng lại giả vờ như buông xuống được; hoặc là rõ ràng không buông được, nhưng vẫn nói là đã buông xuống, lừa mình dối người, thực ra ngoại trừ bản thân thì còn gạt được ai?

Cho nên nói, cầm lên được, buông xuống được, tình nghĩa quá quan trọng tự nhiên.

Chú thích:

(1) “Ăn không hết gói lại mang đi”, nghĩa là gây ra chuyện thì phải tự mình gánh chịu.

“Mũi dính đầy tro, trán dính đầy máu”, nghĩa là muốn có kết quả tốt nhưng cuối cùng lại bị bẽ mặt.
Bình Luận (0)
Comment