Triều Thiên Nhất Côn [Luận Anh Hùng]

Chương 82

Dọc theo đường đi tám trăm dặm, Tam Khô đại sư phật pháp cao thâm hay Tam Cô đại sư bị La Bạch Ái làm khổ đến xoay mòng, vẫn vác hai cái túi đeo đi ở phía trước.

Phía trước có sơn tặc, lại nghe y chỉ huy. Phía trước có giặc cướp, cũng trước tiên bị y đuổi chạy.

Phía trước nếu có nhân vật đồng đạo, tự sẽ mở đường cho y. Phía trước nếu có quan binh, gặp được vị đại sư nho nhã cầm thiền trượng nặng nề này, có thể nói là xui xẻo tám đời.

Vị “đại sư” này giống như quen biết không ít lục lâm hảo hán. Mà dọc theo đường đi, bất kể hắc, bạch, quan, dân, đối với đại sư không phải nghe tiếng đã lâu sẵn sàng phục vụ, thì cũng là nghe tiếng mất vía quay đầu bỏ chạy.

Cho nên, có y ở đây, lịch trình chạy trốn của quần hiệp có không ít thuận lợi, bớt chịu nhiều đau khổ.

Đại sư này lại chịu hết khổ cực.

Mặt trời nắng chiếu, y để đầu trần, ngay cả nón cũng không đội một cái.

Mưa to gió lớn, y cũng từ chối che dù. Ngay cả Phương Hận Thiếu hảo tâm che cho y, y cũng phất tay áo đẩy dù ra, tùy ý đi trong mưa.

Lần này Phương Hận Thiếu không nhịn được, đành oán hận nói:

- Được lắm, đi ở trong mưa, rất có ý thơ. Đại sư còn giống một vị thi nhân hơn là một hòa thượng.

Tóm lại, đại sư chịu hết khổ nhọc. Hoặc là nói, y ăn chính là “cỏ”, vắt chính là “sữa”, cày chính là “ruộng”, chịu chính là “roi”, giống như một con bò.

Đại sư chưa từng có lời oán thán.

Người khác ngủ y gác đêm.

Người khác ăn cơm y trễ nhất.

Y không hề để ý.

Y nhậm lao nhậm oán (nhẫn nhục chịu khó), đây đương nhiên không phải là hai tên côn đồ vốn đi theo Chu Nguyệt Minh ở Hình bộ, sau đó đổi sang gia nhập vào dưới trường Thái Kinh, đây tuyệt đối là một lời ca ngợi đối với y.

Hơn nữa, đại sư còn rất nghe theo ý kiến của Vương Tiểu Thạch.

Nói tóm lại, y đối với Vương Tiểu Thạch hết sức bảo vệ, nói gì nghe nấy.

Mọi người thậm chí có điểm hoài nghi, Tam Cô đại sư và Vương Tiểu Thạch rốt cuộc có quan hệ như thế nào?

Có lần thừa dịp Vương Tiểu Thạch đi khuyên giải Đường Bảo Ngưu vẫn sầu não không vui, La Bạch Ái thật sự hỏi mọi người vấn đề này.

Thế là mọi người nghị luận sôi nổi.

Mọi người mời Đường Thất Muội tương đối lão luyện thành thục đánh giá trước.

Đường Thất Muội nói:

- Là người mà Thiên Y Cư Sĩ khi còn sống đã an bài, giúp đỡ đồ đệ yêu của y?

Mọi người lại muốn Lương A Ngưu tính tình tương đối bảo thủ suy đoán.

Lương A Ngưu nói:

- Đồng môn?

Sau đó đến phiên mọi người phỏng đoán, lại không theo lẽ thường.

- Thầy trò?

Đây là suy đoán của Ban Sư.

Rốt cuộc ai là thầy ai là trò? Huống hồ tuổi tác của hai người cũng cách nhau không xa.

- Huynh đệ.

Lần này là quan điểm của Phương Hận Thiếu.

Vậy rốt cuộc ai là huynh ai là đệ?

- Thuộc hạ cũ.

Hà Tiểu Hà nhận định.

Lý do rất đơn giản, nhân tài giống như Vương Tiểu Thạch, không thể chỉ sau khi đến kinh sư mới nổi danh. Trước khi hắn vào kinh, nhất định cũng là một nhân vật rất xuất sắc. Vì vậy, Hà Tiểu Hà cho rằng Vương Tiểu Thạch ở trên giang hồ nhất định có rất nhiều bằng hữu, ở trong võ lâm cũng nhất định có rất nhiều thuộc hạ cũ.

Nói không chừng, “Tam Cô” chính là một trong số đó.

Lần này đến phiên La Bạch Ái nói.

Suy luận của hắn còn hoang đường hơn bất cứ ai, quả là không thể tưởng tượng.

- Bạn gái.

Cái gì?

Mọi người đại khái cũng không hiểu ý của hắn.

Bạn gái?

- Y là bạn gái của Vương Tiểu Thạch.

La Bạch Ái tuyệt đối có suy nghĩ kỳ lạ:

- Hoặc là, bọn họ vốn là một đôi vợ chồng.

Hà Tiểu Hà vừa bực mình vừa buồn cười:

- Ngươi muốn nói, Tam Cô đại sư là nữ nhân?

- Vậy thì có gì không thể?

La Bạch Ái vẫn nói năng hùng hồn, cũng liên tục lẩm bẩm:

- Nếu ngay cả Quách Đông Thần cũng có thể là phái nữ, Tam Cô đại sư sao không thể là nữ nhân? Huống hồ dáng vẻ của y tuấn tú như vậy.

Điều này cũng đúng.

Thực ra, tuổi tác và tướng mạo của Tam Cô “đại sư”, chẳng hề giống “đại sư” chút nào.

Y chẳng những không già mà còn rất anh tuấn, trên mặt thường lộ ra một loại tình sầu mệt mỏi, một gương mặt tròn như nước trong ẩn chứa ánh trăng, để trọc đầu lại cảm thấy tuấn tú có sắc thái, đẹp đến sáng ngời.

Đó là một loại thần thái cao quý, còn mang theo hương vị phật ý, mỹ nữ bình thường không thể sở hữu, tuấn nam bình thường không thể có được.

Cho nên La Bạch Ái vừa nói như vậy, mọi người liền cảm thấy nghi ngờ, lại có điểm hoài nghi Tam Cô đại sư có thật là nữ giả nam trang hay không.

Hà Tiểu Hà cười trách mắng:

- Nói năng lung tung… chẳng trách ngươi sửa lại một pháp hiệu đồng âm của y là “Tam Cô”… Ta lại không nhìn ra. Y ban đầu chính là đại sư, ta cũng không nghĩ đến gì khác.

Lương A Ngưu không hiểu cũng không đồng ý:

- Y là đại sư, đại sư làm sao là nữ nhân?

La Bạch Ái lập tức hỏi vặn lại:

- Là ai quy định đại sư trên thế gian không thể là nữ nhân?

Lương A Ngưu không biết làm sao trả lời.

Phương Hận Thiếu cười nói:

- Đáng tiếc y đã cạo trọc đầu.

- Đáng tiếc cái gì?

La Bạch Ái trách ngược:

- Nam nữ xinh đẹp trên thế gian, nếu thật sự xinh đẹp, cho dù có cạo trọc đầu, núi hoang trơ trọi, vẫn như cũ đẹp đến chết người.

Phương Hận Thiếu lập tức đồng ý:

- Đúng, giống như ta, cho dù tháo khăn đội đầu xuống, cũng đẹp không thể phân biệt. Có người nói ta đổi sang mặc đồ nữ, còn hơn cả đám mỹ nữ.

- Ọc!

Đó là tiếng giả bộ ói của Hà Tiểu Hà.

- Cái gì?

Phương Hận Thiếu giả vờ không hiểu, hỏi:

- Hà cô nương có tin vui à?

Ôn Nhu giậm chân một cái, sắc mặt biến đổi.

Ban Sư lại trách mắng đồ đệ của hắn:

- Tiểu đậu đinh, ngươi đừng làm ẩu làm càn, Tam Khô người ta là cao tăng đắc đạo, ngươi không phải có… ý kia chứ? Ngươi cũng đừng quấy rầy người ta tu hành nữa!

La Bạch Ái không nói chuyện này, càng không muốn nghe sư phụ hắn chuyện này. Hắn thấy Ôn Nhu không vui, cho rằng là do không có ai hỏi “cao kiến” của nàng, liền cười hì hì tìm tới Ôn Nhu:

- Cô thì sao? Ân bà đối với Tam Cô có cao kiến gì?

Ôn Nhu đã cứu hắn, hắn lại không thể gọi “ân công”, cho nên có lúc gọi nàng là “ân bà”. Ôn Nhu trước giờ cũng không cảm thấy bực mình, ngược lại còn cảm thấy vui vẻ mới lạ.

Nhưng lúc này Ôn Nhu lại nghiêm mặt, dẩu môi nói:

- Cái gì tam cô lục bà, đại sư tiểu đồ, có gì tài giỏi!

Nói xong, nàng lại giậm chân một cái, xoay người rời đi.

La Bạch Ái không ngờ Ôn Nhu lần này nói trở mặt là trở mặt, thình lình ngây ra, gãi gãi da đầu, cười nói với mọi người:

- Bà cô của ta lại lên cơn rồi.

Trong lòng lại thích lúc Ôn Nhu tức giận, hai bên má giống như bánh bao nhỏ vừa nấu chín, hơn nữa còn lung linh động lòng người, giống như một ngụm cắn xuống, hương vị ngọt ngào vào đến tim phổi.

Ôn Nhu đã xoay người rời đi.

Mọi người còn đang thấp giọng nói chuyện. Thừa dịp Vương Tiểu Thạch đang khuyên giải Đường Bảo Ngưu, Tam Cô đại sư lên núi tìm một đám người cưỡi ngựa làm xiếc, nhờ bọn họ giúp đỡ đám người Vương Tiểu Thạch đi qua, cho nên đám nam nữ lưu vong này mới có thể đàm luận đủ loại thị phi của người trước kẻ sau, đều nhất trí cho rằng Tam Cô dáng vẻ kỳ quái lạ lùng, cũng đáng kính khâm phục.

Chẳng hạn như, hai cái túi đeo trên lưng Tam Cô, cái bên trái một khi cởi ra, bên trong có những thứ khiến người ta không tưởng tượng được, các chủng các loại, hiếm lạ kỳ quái.

Cái bên phải kia, trước giờ y chưa từng mở ra, cũng trước giờ không chịu để xuống.

Nói Tam Cô đại sư ăn chính là cỏ, vắt chính là sữa, cày chính là ruộng, ngủ chính là lều, ba loại sau đều đúng. Tam Cô thật sự là chịu khổ chịu cực, không chê không bỏ. Y ngoại trừ cả ngày ít nhất phải tắm ba lần (cho dù ở nơi hoang vắng, y vẫn có thể tìm được nguồn nước để tắm), những chuyện khác đều giống như một khổ hành tăng, nhưng y vẫn trắng trẻo lanh lợi, mùi hương tự phát.

Nhưng y ăn cũng không phải cỏ, mà là hoa.

Y cũng không phải ăn hoa, mà là dọc theo đường đi chỉ cần nhìn thấy hoa, liền ghé mặt đến, tại nhụy hoa kia hít một cái thật sâu, “xuýt” một tiếng, giống như rất thoả mãn.

No rồi.

Sau đó cả ngày không ăn bất kỳ thức ăn nào nữa.

Mỗi lần La Bạch Ái đều rất tò mò, cũng tiến tới xem đại sư làm thế nào “hít hoa là no”.

Tam Cô đương nhiên không thích có người đứng ngoài quan sát, cho nên thông thường có La Bạch Ái ở bên cạnh, y không hít hoa nữa, đi ra chỗ khác.

Nhưng La Bạch Ái vẫn cứ quấn lấy không rời.

Hắn còn hỏi ra:

- Đại sư, hít hoa chứ?

Đại sư chỉ chắp tay nói:

- A Di Đà Phật.

La Bạch Ái lại dứt khoát hỏi:

- Đại sư, ngài hít mùi hoa là no rồi sao?

Tam Cô chỉ niệm:

- Thiện tai, thiện tai.

La Bạch Ái than thở:

- Đại sư quá ý thơ rồi. Lúc đại sư ở nhà chắc cũng làm thơ chứ?

Tam Cô lạnh nhạt nói:

- Hoa đẹp hơn thơ. Một đóa hoa chính là một bài thơ. Thơ có giả tạo, hoa thì không. Một người tốt, bản thân chính là một bài thơ, người tốt là thơ hay.

La Bạch Ái cái hiểu cái không, chợt có điểm lĩnh ngộ nói:

- Như vậy, đại sư quá ích kỷ.

Tam Cô đại sư lại không ngờ La Bạch Ái chợt nói như vậy.

- Ăn hoa ngửi hoa, có lợi ích lớn như vậy, sao đại sư không giới thiệu cho mọi người cùng ăn một chút? Xem ra đại sư là hút nhiều tinh hoa của hoa nên mới có thể xinh đẹp như vậy, vừa trắng vừa mềm?

La Bạch Ái lẽ thẳng khí lớn (thực ra cho dù hắn đuối lý cũng nhất định khí lớn. Kinh nghiệm của hắn là, bất kể lý cong hay lý thẳng, tóm lại nhất định phải khí lớn rồi mới nói. Khí lớn, lý cong cũng có thể thẳng; khí yếu, lý thẳng cũng chỉ có thể cong):

- Nói như vậy, đại sư luôn được người ta khen là chí công vô tư, chẳng phải là quá ích kỷ sao?

Tam Cô đại sư mỉm cười, lắc đầu:

- Không phải ta không dạy, mà là các người nhất định không theo.

La Bạch Ái không hiểu.
Bình Luận (0)
Comment