Trở Lại 30 Năm Trước

Chương 4

Trong tòa nhà Cung Tiêu có bán quần áo, An Na đi dạo một vòng, nhìn ưng mấy cái áo mà lần đầu tiên trong đời không dám bỏ tiền ra mua. Quay ra trở về nhà ga, ở trước cổng ra vào rộng rãi có mấy người đang bán quần áo, dưới chân đặt túi đan dệt, trên cánh tay và vai treo y phục, thấy ai cũng nhiệt tình chào hàng. Cô qua đó, sau một lúc cò kè mặc cả, cuối cùng mua chiếc áo khoác đen mà giá rẻ hơn một nửa ở trong tòa nhà Cung Tiêu, khoác lên mình, lập tức có cảm giác như ốc sên có xác, vô cùng có cảm giác an toàn.

An Na nghĩ đến người đàn ông trung niên bán bánh bao nhân thịt dê, nhưng ông ta đã dọn quán. Thấy bên cạnh còn quán bán bánh quai chèo còn lại hai cái, cô qua mua rồi vội vã trở lại phòng chờ.

Lúc này trong phòng chờ rất đông người, đủ loại khẩu âm lẫn lộn, khắp nơi là thanh âm ong ong hỗn loạn. An Na ban đầu không nhìn thấy Lý Mai. Chỗ ngồi buổi sáng của cô đã bị một người đàn ông trung niên chiếm mất, tìm khắp nơi, cuối cùng phát hiện Lý Mai đang ngồi xổm ở một góc, bên cạnh là chiếc vali hành lý của An Na, sắc mặt tái nhợt như người chết.

An Na vội vã qua đó, đưa bánh quai chèo cho Lý Mai:

– Cũng chỉ có cái này thôi, bạn ăn chút đi, nếu không sẽ bị ngất nữa đấy. Đúng rồi, sáng nay bạn nói muốn đi đâu nhỉ? Hồng Thạch Tỉnh đúng không? Bạn chờ mình đi hỏi xem còn vé không nhé. Mà có vé xong bạn nên đi đi, chứ cứ ngồi ở đây ba ngày ba đêm cũng vô dụng thôi.

Nói xong định đi thì ống quần lại bị người ta kéo kéo, là Lý Mai đang chậm rãi đứng lên, lấy túi tiền thủ công bằng tay từ trong túi áo ra, mỉm cười nói:

– Còn chưa biết tên bạn nữa, nhưng cám ơn bạn. Bạn là người tốt. Mình muốn phiền bạn trông giúp mình cái ví này, chờ mình quay lại.

Nói xong, cũng không đợi An Na trả lời đã đặt chiếc ví bằng vải kia lên trên vali hành lý của An Na, quay người đi luôn, bước chân loạng choạng.

An Na nhìn túi tiền mà cô gái để lại, lại nhìn bóng lưng cô ta xuyên qua dòng người ra khỏi cánh cửa phòng chờ, trong lòng thấy có điểm là lạ. Chỉ là hai người bình thường gặp nhau, cô cũng không nên đuổi theo hỏi lung tung này kia. Nghe giọng điệu cô ta hình như là muốn đi đâu làm gì đó. Chờ thì chờ đi. Dù sao cô cũng không có nơi nào để đi cả.

Túi tiền bằng vải mà Lý Mai để lại rất căng, còn được cuốn chặt bằng dây thừng bên ngoài vài vòng. Nhéo nhéo, bên trong như là một cuốn giấy gì đó. An Na cũng không tìm hiểu nhiều, bỏ vào túi của chiếc áo khoác mới mua, đến chỗ cửa sổ phòng trực ban tối qua hỏi về giá vé.

Người phụ nữ tối qua đã không có ở đây, mà là một người đàn ông trung niên đeo kính, thái độ hòa nhã hơn nhiều.

Có xe lửa tốc hành đến thành phố S, vé ghế cứng là ba mươi ba tệ năm hào, giường nằm thì gấp đôi, đi mất khoảng năm mươi sáu tiếng đồng hồ, gần hai ngày một đêm.

Còn đi Hồng Thạch Tỉnh mà Lý Mai muốn đi thì không có tốc hành. Ông ta nói Hồng Thạch Tỉnh là một lâm trường, chỉ có bến xe, muốn đi phải đi xe lửa đến huyện La Bình trước, rồi từ huyện La Bình bắt xe đi đến đó.

Huyện La Bình cách nơi này không quá xa, giá vé là bốn tệ hai hào, buổi tối có chuyến xuất phát, sáng mai là đến nơi.

An Na cám ơn xong, quyết định chờ Lý Mai trở về rồi cùng nhau đi mua vé.

Ở trong phạm vi năng lực của mình, có thể giúp đỡ được người khác, An Na rất sẵn lòng.

An Na sợ mình đi lâu khi Lý Mai quay về sẽ không thấy mình, khi quay về bèn cứ chờ ở chỗ cũ, đợi một lúc, lại nghĩ tới bố mẹ.

Hiện tại cô đã có lộ phí, nhưng tiếp theo cô phải thật sự quay về thành phố S để tìm cha mẹ thời trẻ ư?

Trực giác nói cho cô biết điều này không thích hợp, nhưng bây giờ chỉ có thành phố S là nơi duy nhất cô có thể đi mà thôi. Có lẽ cô nên trở về, nghĩ cách sống gần bố mẹ, sau đó thì tính toán tiếp? Nhưng một vấn đề khác lại tới, đi thành phố S, ngoại trừ tiền mua vé tàu xe, với số tiền còn dư lại kia làm sao cô có thể tiếp tục duy trì cuộc sống đây. Là một người không hộ khẩu, cô làm sao ứng phó được với việc điều tra hộ khẩu, sự khó khăn của tìm việc làm trong xã hội để duy trì kế sinh nhai?

Trong loa thỉnh thoảng vọng ra thông báo trạm dừng của đoàn tàu đến, người chung quanh đi qua đi lại không ngớt. An Na nghĩ ngợi đến choáng váng đầu óc, ngây người cho đến khi bụng bắt đầu đói cồn cào, ngẩng lên nhìn đồng hồ treo tường mới phát giác Lý Mai hình như ra ngoài đã khá lâu rồi, cũng không biết cô ấy lúc nào mới quay trở lại.

Đúng lúc này, bên ngoài phòng chờ như đột ngột có chuyện gì đó xảy ra, có vài nhân viên công tác vội vã chạy về hướng tay phải, thần sắc căng thẳng, không ít hành khách đang đợi xe thấy thế cũng ào ào theo ra ngoài.

An Na không theo ra, cô giờ đang phiền lòng không có tâm trạng đi hóng chuyện, nhưng những hành khách gần đó sau khi đi hóng chuyện xong trở lại bắt đầu bàn tán xôn xao.

- …Một người phụ nữ muốn đi vệ sinh nhưng đẩy cửa mãi mà không được, bên trong như bị cái gì đó cản lại, khi bà ta đẩy mạnh được ra nhìn vào trong đã bị cảnh tượng làm cho hoảng sợ suýt ngất đấy.

Một người đàn ông đầy kích động hoa chân múa tay miêu tả lại, cứ như bản thân mình cũng có mặt ở trong đó.

– Mọi người đoán xem là gì? Một cô gái dựa vào sau cánh cửa, dùng dây giày bện lại một đầu buộc vào then cài cửa, một đầu thì buộc vào cổ, đã tự siết cổ mình đấy. Công an đã đến rồi, phong tỏa nhà vệ sinh rồi…

Tim An Na đập bộp một cái,, trong đầu xẹt qua một điềm báo xấu, cô kéo vali hành lý vội vã ra ngoài, chạy tới nhà vệ sinh của nhà ga.

Nhà vệ sinh đã bị công an phong tỏa, bên ngoài rất đông người vây xem, nhìn chằm chằm vào cánh cửa kia. Một người phụ nữ đứng ở cửa nhà vệ sinh, đang kể lại cảnh tượng kinh hãi vừa rồi cho công an.

An Na nhớ tới ví tiền mà Lý Mai trước khi đi đã đưa mình nhờ giữ hộ, bèn lấy ra, mở ra xem, cô giật mình phát hiện bên trong có rất nhiều tiền mặt được cuộn chặt lại, ngoài ra còn có một góc tờ báo giống như là bị xé ra gấp gáp, trên đó có vài dòng chữ.

An Na mở tờ báo, đập vào mắt là dòng chữ đầu tiên, tim lập tức nảy lên thình thịch. Đây là Lý Mai viết cho cô. Bản thân vốn muốn đi Hồng Thạch Tỉnh tìm nhà cô mình ở đó. Năm trăm đồng này là mẹ cô ta lúc chết đã để lại cho cô ta. Bởi vì cất ở trong người cho nên không bị lấy trộm cùng hành với hành lý. Cô ta không muốn sống, để lại cho An Na một trăm, bốn trăm còn lại nhờ An Na chuyển tận cho cho cô của mình. Cô của Lý Mai biết rõ cô ta đi xe lửa tới chỗ mình. Người cô đó tên là Lý Hồng.

Lòng bàn tay An Na ướt đẫm mồ hôi, hai mắt mở to nhìn đằng trước.

Vài người đang dùng cáng khiêng người chết ra ngoài. Người chết được phủ kín bằng một tấm vải bạt, không nhìn thấy mặt, nhưng lộ ra chân. Trên chân thiếu dây giày, đó chính là Lý Mai.

Công an hỏi xong người phụ nữ kia, lại hỏi người của nhà ga vài câu rồi đi. Những người vây quanh hóng chuyện cũng dần dần giải tán hết.

An Na ngồi trên bậc thang mà hôm qua mình ngã đầu óc mờ mịt, chân tay lạnh buốt.

Giờ cô rốt cuộc đã hiểu vì sao trông Lý Mai lại có vẻ khác lạ đến như thế.

Lý Mai có năm trăm đồng trong người, không phải là không có tiền, như vậy việc tự tử của cô ta không thể bởi do bị mất hành lý được.

Nhất định là có nguyên nhân khác.

Tại sao cô ấy trên đường đi đến nhà họ hàng thì lại nảy sinh ý niệm tự tử trong đầu, dựa vào đâu lại tin tưởng một người mới gặp như An Na sẽ không nuốt toàn bộ năm trăm đồng nay, những thắc mắc này giờ đã không thể nào biết được nữa.

An Na bóp chặt ví tiền nóng bỏng kia trong tay, ngồi rất lâu, tinh thần dần ổn định, đi đến chỗ nhân viên nhà ga, hỏi thăm sự kiện tự sát trong nhà vệ sinh trong trạm xe.

Người công an đang ghi chép nhìn An Na:

– Chị quen biết người chết à?

– Không biết…không quen ạ…nhưng ở trong phòng chờ có nói chuyện với nhau, biết cô ấy tên Lý Mai…

Người công an nhíu nhíu mày:

– Nhân viên quản lý trạm xe nhận ra cô ta, nói cô ta vài ngày trước đã có vẻ kỳ lạ rồi. Tự sát, bác sĩ nói không cứu được nữa, đã đưa đến nhà tang lễ rồi. Vài ngày nữa không có ai đến nhận thì sẽ xử lý thi thể vô danh.

An Na cẩn trọng nói:

– Đồng chí công an, tôi dù không biết vì sao cô ấy tự sát, nhưng cũng coi như biết cô ấy, phí tổn ở nhà tang lễ là bao nhiêu cứ nói với tôi, tôi sẽ giúp cô ấy xử lý hậu sự ạ. Tôi có nghe cô ấy nhắc đến người cô của mình, xong việc tôi sẽ đi thông báo cho người cô kia. Đồng chí xem có được không ạ?

Người công an liếc nhìn cô:

– Rất trượng nghĩa! Được, tôi giúp chị liên lạc với nhà tang lễ.



Ba ngày sau, An Na mua một tấm vé xe lửa, đi huyện La Bình. Chiều hôm sau thì đến nơi, lại ra bến xe, bắt xe đi Hồng Thạch Tỉnh.

Sự việc gặp gỡ Lý Mai đã làm thay đổi hành trình của cô.

Cô quyết định đi tìm người cô của Lý Mai trước, giao lại năm trăm đồng mà Lý Mai đã tin tưởng gửi gắp mình. Xong rồi mới quay lại thành phố S, nghĩ cách để sống ở đó.
Bình Luận (0)
Comment