Trúc Mã Thanh Mai

Chương 1

Đã từng có người hỏi tôi:

- Tác phẩm nào trong sự nghiệp văn chương của chị làm chị hài lòng nhất?

Tôi trả lời:

- Sự nghiệp văn chương của tôi còn chưa bắt đầu. Cho đến nay, tôi vẫn chỉ là kể chuyện. Mà kể chuyện thì trọng tâm của nó là “câu chuyện” và đặc điểm là “kể”.

Cái gọi là “câu chuyện” chẳng qua là chuyện của những người bạn cũ, chuyện xảy ra trong quá khứ, không thể gọi là “tư tưởng trung tâm”, cũng không thể gọi là “ý nghĩa sâu xa”. Có ý nghĩa sâu xa thì câu chuyện cũng đã xảy ra, không có ý nghĩa sâu xa thì câu chuyện cũng vẫn sẽ xảy ra. Bạn không thể vì một câu chuyện nào đó không có ý nghĩa sâu xa mà ngăn cản không cho nó xảy ra được, bạn cũng không thể vì nó đã xảy ra rồi mà cố ý gán cho nó một ý nghĩa sâu xa. Cũng giống như vậy, bạn không thể vì một câu chuyện nào đó không có ý nghĩa sâu xa mà không để cho tôi kể, bạn cũng không thể vì tôi đã kể một câu chuyện nào đó mà nhất định phải đánh giá, xem xét ý nghĩa sâu xa của nó.

Vẫn là câu nói cũ, tôi kể chuyện chỉ vì muốn nói với bạn rằng: Có một người như vậy, cô ấy (hay anh ấy) đã trải qua một số chuyện như vậy.

“Kể” chính là trần thuật lại câu chuyện bằng hình thức nói chuyện. Tất nhiên, tôi có rất nhiều độc giả ở khắp nơi trên thế giới, tôi không thể tổ chức một cuộc hội nghị qua điện thoại để đích thân kể câu chuyện cho mọi người nghe, cho nên tôi đành phải viết lại, đưa lên mạng Internet cho mọi người đọc.

Nhưng cách tôi viết văn là cách “kể”, giống như có một vài người bạn cùng ngồi trong phòng khách nhà tôi, còn tôi thì ngồi đối diện với họ để kể cho họ nghe vậy, kể đến anh Trương nói câu gì đó tôi liền ướm giọng của anh Trương nào đó nói, kể đến chuyện nhà anh Lý khóc vì chuyện gì đó, tôi liền bắt chước tiếng khóc của anh Lý, kể đến chuyện anh Trương nọ cãi nhau với anh Lý kia tôi liền lúc nói bằng giọng anh Trương, lúc lại là giọng anh Lý, cãi qua cãi lại, ồn ào vô cùng.

Những từ vựng và câu nào tôi không sử dụng khi ngồi kể chuyện ở phòng khách thì tôi cũng sẽ không sử dụng khi viết tác phẩm. Tôi sẽ không giống một nhà văn nào đó, mặc dù trong cuộc sống đời thường nói chuyện toàn là “khẩu ngữ”, nhưng vừa cầm bút lên đã biến thành “văn ngôn”, “ngôn ngữ văn học”, dường như chỉ có như vậy mới được coi là đang “sáng tác văn học”.

Nói và viết trong tiếng Hán luôn có sự khác biệt rất lớn, nhưng xu hướng chung vẫn là tiến tới sự thống nhất. Ví dụ trước đây người ta gọi văn nói là “bạch thoại”, gọi văn viết là “văn ngôn” (tác phẩm viết bằng ngôn ngữ cổ của Trung Quốc), nhưng hiện nay rất ít khi dùng “văn ngôn” để viết tác phẩm văn học. Do sự phát triển mạnh mẽ của Internet, xu thế ngày càng rõ nét, những người đọc sách quen với việc tách bạch văn viết với nói sẽ càng ngày càng cảm thấy thất vọng.

Không phải “câu chuyện cũ nào” cũng đáng để kể. Câu chuyện không đáng được kể thì theo thuật ngữ trần thuật được gọi là “không có chuyện để kể”, còn theo góc độ sáng tác văn học mà nói thì gọi là “không đáng đọc”. Mười năm sóng gió[1] viết về câu chuyện của tôi và Ngải Luân xảy ra trong mười năm, cũng là có chút bi hoan li hợp, nên cũng có chút “đáng đọc”. Nhưng nếu tôi viết ra cuộc sống hiện tại của tôi và Hoàng Nhan[2] thì chẳng khác gì mấy bữa cơm thêm chút mắm muối gia vị, có thể ban đầu còn có vài người đọc, nhưng nếu ngày ngày tôi ghi lại cuộc sống của tôi thì sẽ trở thành quyển sổ ghi chép tào lao, sẽ chẳng có ai thèm đọc nữa.

Không phải mỗi một câu chuyện đáng kể đều sẽ phù hợp để tôi kể, như tác phẩm Totem sói[3] có nhiều người đọc như vậy, chứng tỏ nó “đáng đọc”, đáng để kể. Nhưng câu chuyện như vậy tôi kể sẽ không hợp, tôi cũng ngại đọc kỹ, nên tìm một bài bình luận khá sâu, đọc một lượt, bởi vì trọng tâm của câu chuyện như vậy không nằm ở câu chuyện, cũng không nằm ở tình tiết, mà nó truyền tải một “message” (thông điệp), chỉ cần làm rõ message đó thì coi như đã hiểu được toàn bộ tác phẩm, những tình tiết được viết ra đều do tác giả sáng tác để truyền tải message, không đọc cũng được.

[1]. Tên một tác phẩm của Ngải Mễ.

[2]. Tức chồng Ngải Mễ.

[3]. Tiểu thuyết của nhà văn Khương Nhung (Trung Quốc), đã được dịch giả Trần Đình Hiển chuyển ngữ sang tiếng Việt.

Có không ít bạn bè trên mạng Internet gửi câu chuyện của cá nhân họ hoặc của bạn bè họ cho tôi, hỏi tôi có thể sáng tác được không, tôi xin gửi lời cảm ơn đến những người bạn đã cảm ơn tôi, đồng thời cũng phải gửi lời xin lỗi đến những bạn có câu chuyện không được chọn, do nhiều lý do khác nhau mà tôi không thể viết hết truyện của từng người được.

Nguyên tắc cơ bản để tôi lựa chọn câu chuyện như sau:

Khi chọn câu chuyện nào đó, trước tiên tôi phải xem có “câu chuyện” hay không, tức là có “đáng đọc” hay không, tiếp theo, tôi cũng cần phải xem tôi kể có hợp không.

Câu chuyện như thế nào tôi thấy là “đáng đọc”?

1. Ít nhất có một số điểm khác người

Câu chuyện mà chỉ a dua theo mọi người thì không “đáng đọc”, bởi vì mọi người đều đã từng trải qua, nếu chưa từng trải qua thì cũng đã từng được nghe, câu chuyện như vậy nếu kể ra thì sẽ không có người nghe, trừ khi giọng văn của bạn phải thật xuất chúng thì người đọc mới không để ý đến câu chuyện xảy ra như thế nào mà chỉ thưởng thức ngôn từ của bạn.

Tôi biết lối diễn đạt của tôi không đạt được đến trình độ đó, tôi cũng biết số độc giả biết thưởng thức và đánh giá giọng văn như vậy cũng không nhiều, cho nên tôi rất quan tâm đến tính “đáng đọc” của câu chuyện.

Trên thực tế, những câu chuyện không có tính đáng đọc mà chỉ hoàn toàn nhờ vào giọng văn đặc sắc của tác giả sẽ không thể tồn tại lâu dài. Giọng văn hài hước thì lúc mới đọc sẽ cảm thấy thú vị, nhưng nếu một cuốn tiểu thuyết mấy trăm nghìn chữ mà không có tình tiết nào cuốn hút thì cũng chỉ là tác phẩm chọc cười độc giả, khua môi múa mép mà thôi, độc giả sẽ thấy chóng chán.

Vậy thế nào mới được coi là “khác người”?

Tôi khá coi trọng sự khác người, trước tiên đó là sự khác biệt của câu chuyện, tức sự khởi đầu, phát triển và kết thúc của câu chuyện ít nhất phải có điểm đặc biệt; sau đó là sự khác biệt của nhân vật chính, tính cách và số phận của nhân vật chính ít nhất phải có sự khác người.

2. Chưa từng có người viết

Bất luận câu chuyện hay đến đâu, nếu đã có người viết thì dù tôi viết lại cũng sẽ không còn ý nghĩa nữa.

Có người đã gửi cho tôi câu chuyện nói về mâu thuẫn mẹ chồng nàng dâu, đó là câu chuyện rất hay, rất đáng đọc, nhưng bởi vì Lục Lục[4] đã từng viết tác phẩm Băng dính hai mặt, là câu chuyện nói về một bà mẹ chồng ở nông thôn với con dâu ở thành phố, hơn nữa đã có hồi kết khá cực đoan, cuối cùng cô con dâu đó bị bà mẹ chồng và chồng giày vò đến chết, dù tôi có viết nữa thì cũng không thể viết giật gân hơn cuốn đó (cũng không thể viết cho cô dâu cái chết đến hai lần?), cho nên tôi sẽ không viết những câu chuyện kiểu như vậy.

[4]. Nữ nhà văn Trung Quốc hiện đang sống ở Singapore, năm 2010 là nhà văn hải ngoại gốc Hoa có thu nhập hàng đầu trong bảng xếp hạng Danh sách nhà văn tỉ phú lần thứ V của Trung Quốc.

Tất nhiên, có người sẽ thắc mắc, chẳng phải cũng đầy người từng viết về bệnh máu trắng đó sao? Sao chị lại còn viết Cùng anh ngắm hoa sơn tra?

Cái tôi gọi là “đã từng viết” ở đây để chỉ cả câu chuyện, từ chủ đề, tình tiết cho đến nhân vật chính, đều đã được người ta viết trong một câu chuyện, chứ không phải một sự kiện trong câu chuyện đã được viết. Nếu một câu chuyện đã tửng viết mà tôi không thể viết nữa thì tôi sẽ chẳng còn gì để viết cả. Hiện đã là năm 2009, những chuyện đã từng được viết trên thế giới có thể chất cao thành núi, liệu có sự kiện đơn lẻ nào mà chưa từng được người khác viết không?

Không thể vì bệnh máu trắng đã từng được viết mà nói là hai cậu chuyện giống nhau; cũng không thể vì viết về căn bệnh khác nhau mà nói là hai câu chuyện khác nhau. Bệnh máu trắng chỉ là một tình tiết trong toàn bộ câu chuyện. Sự kiện này đóng vai trò gì trong toàn bộ câu chuyện, nhân vật xử lý chuyện này thế nào mới là những nhân tố cơ bản quyết định sự khác nhau của câu chuyện.

Nếu vì có một tình tiết giống nhau mà lại cho rằng hai câu chuyện giống nhau thì chúng ta có thể nói, tất cả các câu chuyện trên thế gian này đều giống nhau, bởi vì chúng đều viết về tình yêu. Thậm chí chúng ta có thể nói tất cả câu chuyện trên thế gian này đều giống nhau, bởi vì chúng đều viết về thế giới, hoặc viết về thế giới mà con người trong thế giới này tưởng tượng ra.

Cô con gái từ trước đến nay vốn không có hứng thú gì với tiếng Trung bỗng nhiên hỏi mẹ:

- Mẹ ơi trúc mã thanh mai có nghĩa là gì?

Nghe thấy vậy Sầm Kim liền ngẩn người ra một lúc, cô vẫn thường có lúc ngẩn người ra như vậy khi nói chuyện với con gái, bởi vì tự nhiên lúc đó cô không biết đích xác là con gái đang nói tiếng Anh hay tiếng Trung. Ở nhà, Sầm Kim luôn chú ý nói tiếng Trung với con gái, theo yêu cầu của cô, con gái cũng phải cố gắng nói tiếng Trung với mẹ, nhưng đôi khi, con bé nói được một lúc lại quay sang nói tiếng Anh, nếu cô không để ý, lại nghe tiếng Anh thành tiếng Trung, vì thế mới xảy ra nhiều chuyện râu ông nọ cắm cằm bà kia rất buồn cười.

Khi phát hiện ra con gái đang nói tiếng Trung, Sầm Kim liền trả lời ngay:

- Trúc mã thanh mai à, dịch sang tiếng Anh là bamboo horse and plum-branch.

Hình như con bé có vẻ thất vọng:

- Hả? Là nghĩa đó ạ? Con lại cứ tưởng…

- Con tưởng là gì?

Con bé có vẻ ngại ngùng, đáp:

- Con cứ tưởng là “love” (tình yêu) cơ.

- Đúng vậy, nghĩa là love, Calflove (mối tình đầu, tình yêu con nít hoặc tình yêu ở tuổi dậy thì).

- Thế tại sao vừa rồi mẹ lại nói là Bamboo horse?

- Đó chỉ là nghĩa đen của từ, trong tiếng Trung có rất nhiều từ như vậy, đều có những điển tích, chỉ xét về mặt chữ thì không thấy được ý nghĩa của từ đó. Cụm từ này bắt nguồn từ một bài thơ, được diễn giải như thế này: Có hai đứa trẻ, một trai một gái, cô bé chơi bên cạnh giếng nước trước cửa nhà, cô muốn hái những quả mận còn xanh trên cây nhưng lại ngoài tầm với, đúng lúc có một cậu bé cưỡi con ngựa tre chạy tới, thấy cô bé không với được liền hái giúp.

- Mai là gì hả mẹ?

- Chắc là Plum.

- Plum? Không ngon. Trúc mã là gì hả mẹ?

- Là Bamboo horse con ạ, cậu bé không có ngựa cưỡi nên phải dùng một cái gậy tre làm ngựa, gọi là trúc mã – ngựa tre đó.

- Hi hi… giống như Harry Potter vậy!

Lúc đầu Sầm Kim định giải thích rằng ngựa tre không giống như cây chổi mà Harry Potter cưỡi, hai cái đó khác hẳn nhau, bắt nguồn từ hai nền văn hóa khác nhau, và sẽ gợi lên hai sự liên tưởng hoàn toàn khác nhau, nhưng cô cảm thấy điều này quá phức tạp, càng nói càng kéo vấn đề đi xa, chi bằng tạm thời không nói sẽ hay hơn.

Cô tiếp tục giải thích bài thơ đó:

- Mẹ vẫn chưa giải thích hết, bài thơ nói về hai đứa trẻ, suy nghĩ còn rất ngây ngô, nô đùa bên nhau rất vô tư, vui vẻ, không hề phân biệt giới tính.

- So? (Vậy rồi sao ạ?)

- Sau đó cậu bé và cô bé đã kết hôn với nhau, cô bé mới mười bốn tuổi, rất e thẹn, cậu bé gọi thế nào cô bé cũng không dám quay đầu lại.

- Mười bốn tuổi đã kết hôn? Which state allows people to get married 14? (Tiểu bang nào cho phép mười bốn tuổi đã được kết hôn vậy?).

- Không phải bang nào của Mỹ mà đó là chuyện ở Trung Quốc.

- Ồ, người Trung Quốc mười bốn tuổi đã có thể kết hôn ư? That’s crazy (Thật điên rồ, không tài nào hiểu nổi!).

- Đó là chuyện hồi xưa.

- Ồ! Chuyện hồi xưa ạ? Tại sao khi mẹ mười bốn tuổi, mẹ lại không kết hôn?

- Hồi ấy không cho phép mười bốn tuổi kết hôn!

- Nhưng mẹ nói là hồi xưa mà.

- Mẹ nói là chuyện này đã xảy ra rất lâu rất lâu rồi, bài thơ này là của đại thi hào Lí Bạch đời Đường viết.

- Sau đó thì sao ạ? Ý con muốn chỉ cô bé mới mười bốn tuổi đã kết hôn đó?

- Sau đó? Sau đó cô bé lớn hơn một chút thì không còn e thẹn như vậy nữa, tình cảm của hai người rất sâu sắc, nhưng chồng của cô bé là một thương nhân.

Con bé rất sửng sốt:

- He was wounded? (Anh ta bị thương ư?)

Sầm Kim không nhịn được cười.

So với những đứa trẻ Trung Quốc cùng trang lứa qua Mỹ thì khả năng nghe nói tiếng Trung của con gái cô cũng được coi là khá ổn, có một số bé nghe hiểu tiếng Trung nhưng lại không dám nói, còn một số bé thì đã bị Anh ngữ hóa hoàn toàn, nghe đã không hiểu còn không nói được, Tiểu Kim nghe nói đều tương đối, nhưng vẫn thường xuyên gây nên truyện cười.

Nguồn ebooks: http://www.luv-ebook.com

Cô cười rồi giải thích:

- Thương nhân không phải là người bị thương, mà là businessman, chồng cô bé là một businessman, thường xuyên đến các vùng đất xa xôi để làm ăn, cô rất lo lắng cho chồng mình, luôn mong chồng bình an trở về.

- Sau đó thì sao ạ? Chồng cô bé đó chết ư?

- Không phải.

- Họ ly hôn ư?

- Mẹ không biết, thời đó ly hôn chưa thành phong trào như bây giờ.

- Tại sao cô ấy không move (chuyển) đến nơi chồng mình làm việc?

- Hồi ấy giao thông không thuận tiện như bây giờ, người ta sống ở nơi nào thì thường ở đó cả đời.

- How boring! (Sao mà buồn tẻ thế!).

Sầm Kim giải thích tiếp:

- Suy nghĩ của người thời xưa khác bây giờ, có thể họ cảm thấy được sống ở một nơi suốt đời là một niềm hạnh phúc, còn những người luôn phải đi xa kiếm sống thì mới cần được người khác thông cảm, bị coi là phải lang thang phiêu bạt, cũng giống như chiếc lá chao đảo trên không trung, nhưng cánh bèo bập bềnh trên mặt nước, vẫn luôn muốn trở về cố hương.

- You mean one’s birthplace? (Ý mẹ là nơi người ta sinh ra?).

- Đúng, cố hương chính là nơi con người ta sinh ra.

Cô gái liền thắc mắc:

- You mean you would always want to go back to China? (Ý mẹ là mẹ luôn muốn trở về Trung Quốc ư?).

Cô không thể trả lời, bởi vì chính bản thân cô cũng không biết mình có muốn trở về Trung Quốc hay không, nói không muốn thì là nói dối, mà nói là muốn thì dường như cũng không hoàn toàn chính xác.

Cuối cùng con bé cũng tha cho cô, không truy hỏi việc trở về Trung Quốc nữa.

- Trúc mã thanh mai nghĩa là trôi bập bềnh gì đó hả mẹ?

- Hơ hơ… không phải, trúc mã thanh mai có nghĩa là hai người quen nhau từ nhỏ rồi lớn lên trở thành vợ chồng.

- Nhưng mẹ nói là calflove.

- Cũng có nghĩa đó. Ờ! Hình như hoàn toàn không thể tìm được một từ hoàn toàn có nghĩa tương ứng trong tiếng Anh.

- Sau đó thì sao ạ?

- Sau đó ư? Bài thơ kết thúc rồi.

- Sau đó thế nào ạ?

- Sau đó con hỏi mẹ vấn đề này.

Sầm Kim ngập ngừng một chút, giả vờ như không để ý điều đó và hỏi:

- Tiểu Kim sao con lại hỏi cụm từ này?

Con bé liền nhún vai:

- Nothing. Just want to know. (Không có gì ạ, con chỉ hỏi để biết thôi).

Cô nhìn thái độ của con gái là biết ngay hôm nay không thể khai thác được gì. Con trẻ bây giờ từ nhỏ đã biết mình có quyền riêng tư, không muốn cho bạn biết việc gì thì dù bạn có hỏi rách cả miệng chúng vẫn sẽ không nói cho bạn biết, nếu hỏi nhiều thì chúng còn tỏ ra bực bội, coi bạn như một kẻ cổ hủ, nói bạn đã xâm phạm quyền riêng tư của chúng.

Con bé đã lên phòng của mình trên gác, Sầm Kim vẫn ở đó suy nghĩ về việc này, sao con gái lại hỏi cụm từ “Trúc mã thanh mai” nhỉ? Hơn nữa lại đoán từ đó có liên quan đến tình yêu? Lẽ nào con bé đang yêu ư? Yêu ai?

Tiểu Kim đã mười bảy tuổi, theo lối sống bên Mỹ thì nói đến chuyện yêu đương cũng là được rồi, nhưng bên này không gọi là “nói chuyện yêu đương” mà gọi là Date (hẹn hò). Nếu là thanh niên Mỹ, có thể đã Date lâu rồi, nhưng Tiểu Kim vẫn chưa từng chính thức Date.

Đối với vấn đề Date của con gái, Sầm Kim thấy rất mâu thuẫn, cho phép con bé Date, thì sợ ảnh thưởng đến việc học hành, lại còn sợ con bé gặp phải kẻ xấu, bị lừa rồi khổ; còn không cho phép con gái Date thì lại sợ biến nó thành kẻ khác người, bị người ta coi như quái vật, còn sợ sẽ hạn chế sự tự do của nó, khiến nó nảy sinh tâm lý chống đối.

Trước đây cô thường phải nghe mẹ mình thở dài, nói rằng sinh con trai thì ít phải bận tâm, còn sinh con gái như cô đây thì ngày nào mẹ cũng lo ngay ngáy, lúc nhỏ thì lo cô bị bắt cóc, lớn hơn chút nữa thì sợ bị bọn con trai bắt nạt, lớn hơn chút nữa thì sợ cô yêu sớm ảnh hưởng đến việc học hành, còn lớn hơn chút nữa thì lại sợ cô không tìm được một tấm chồng tốt, đến khi cô kết hôn rồi thì lại sợ anh chống đối xử không tốt với cô, sợ cô không thể sinh con, đến khi cô sinh con rồi thì lại sợ cô mệt quá, sợ sức khỏe không ổn, hơn nữa cô lại cũng sinh con gái, vậy là mẹ cô lại càng thêm lo lắng, lại phải nhọc tâm lo lắng cho hai mẹ con cô.

Trước khi sinh Tiểu Kim, cô chỉ cảm thấy mẹ mình nói hơi nhiều và hay cả nghĩ, tấm lòng của người mẹ tất nhiên là đáng quý, nhưng lo lắng quá thì lại thành ra uổng công, việc của bản thân cô còn không biết sao? Sao có thể bị bắt cóc, bắt nạt, sao có chuyện để ảnh hưởng đến học hành, không sinh được con?

Đến khi có con gái rồi, cô mới hiểu được nỗi lòng của người mẹ, trừ phi không có con, còn nếu có con thì chắc chắn sẽ phải lo lắng, không lo lắng thì không thể gọi là mẹ.

Đối với cô con gái Tiểu Kim của mình, không phải Sầm Kim cũng lo lắng từ khi còn nhỏ sao? Không phải chuyện ốm đau bệnh tật gì gì mà chính là chuyện hôn nhân đại sự xa vời, cô cũng luôn phải để tâm

Nói ra cũng chẳng sợ người ta cười chứ lúc con gái mới mấy tuổi, cô đã bắt đầu nhắm chàng rể rồi. Cũng không phải lo bò trắng răng mà là do người xung quanh cứ đề cập đến chuyện này.

Con gái từ nhỏ đã được khen là xinh xắn, đôi mắt to, sống mũi cao, cái trán dô, môi đỏ, rất đáng yêu, ngoan ngoãn, không ồn ào, không gây chuyện, nói chuyện thì cứ như bà cụ non khiến ai cũng phải buồn cười.

Khi còn ở trong nước, vẫn có người nói đùa muốn làm thông gia với nhà cô, muốn cho con trai họ làm rể nhà cô, nhưng đó đều là mấy cậu bé thò lò mũi xanh, không cậu nào cô thấy ưng cả, e là người ta cũng chỉ nói cho vui thôi, cô cứ cảm thấy con gái bị thiệt thòi nên vẫn luôn trả lời người ra rất nghiêm túc:

- Em không tán thành chuyện cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy. Giờ nghĩ lại thấy chắc chắn những người đó đều rất ghét cô: Chỉ là nói đùa cho vui thôi mà cô lại cứ đề cao mình?

Cô biết có lúc mình không hòa đồng lắm, có thể chính bởi mấy việc nhỏ nhặt này.

Sau khi sang Mỹ, người muốn làm thông gia ít đi, phần lớn người Mỹ không thích kiểu này, hơn nữa những lưu học sinh từ trong nước sang, người thì vẫn còn trẻ chưa có con cái, người thì bận rộn học hành, không có thời gian trêu đùa như vậy.

Chỉ có một đôi vợ chồng họ Lư, tuổi cũng chạc tuổi cô, có một cậu con trai tên là Lư Minh, tên tiếng Anh là Lewis, bằng tuổi Tiểu Kim, cùng học tiểu học Elementary School và cùng khối.

Trường trung học ở Mỹ có khác một chút so với trường trong nước, ở trong nước phòng học là cố định, thấy giáo thì lưu động. Học sinh được phân vào lớp nào thì sẽ học ở một lớp, giáo viên các bộ môn khác nhau sẽ lần lượt đến lớp đó giảng dạy. Còn trường học ở Mỹ, mặc dù cũng có Home room (lớp học chính), còn có Home room teacher (giáo viên chủ nhiệm lớp), nhưng lớp học thì không cố định, rất nhiều môn học không phải học ở Home room, mà giống như sinh viên đại học, học sinh đến học ở các lớp học khác nhau.

Con trai nhà họ Lư sang Mỹ sớm hơn Tiểu Kim, tiếng Anh cũng tốt hơn con bé, rất nhiều môn đều học ở Gifted Class (lớp thiên tài, lớp năng khiếu), còn Tiểu Kim khi đó mới vừa sang Mỹ, rất nhiều môn đều học ở lớp bình thường, thời gian học cùng Lewis thực ra rất ít, Sầm Kim chưa từng nghe con gái nhắc tới Lewis.

Nhưng cả hai đứa trẻ đều chơi đàn violon cho orchesta (dàn nhạc) của trường, mà orchesta được coi là một môn học bổ trợ, hàng ngày đều có một tiết cho orchesta, dài năm mươi phút, tất cả học sinh trong orchesta đều đến phòng nhạc để học.

Orchesta của trường mỗi học kỳ đều tổ chức mấy buổi concert (hòa nhạc), khán giả chủ yếu là phụ huynh của những học sinh trong orchesta, lần nào Sầm Kim cũng đến xem, một phần vì đó là buổi biểu diễn của con gái cô trên sân khấu, làm mẹ tất nhiên phải tham gia, còn phải chụp ảnh, quay video để lưu lại làm kỷ niệm; hai là buổi concert thường diễn ra vào buổi tối, cha mẹ phải đưa đón con, giữa chừng không tiện về nhà thì ở lại xem.

Sầm Kim với người nhà họ Lư đã quen nhau qua các buổi concert đó.

Trong đám phụ huynh toàn người Mỹ thì hai bà mẹ Trung Quốc đã nhanh chóng phát hiện ra nhau, rồi chẳng mấy chốc đã sang ngồi cùng nhau và bắt đầu trò chuyện.

Cũng giống như rất nhiều bậc phụ huynh khác, hai người làm quen với nhau không bằng việc xưng danh xưng tánh của mình mà lại tự giới thiệu: “Tôi là mẹ của cháu nào đó!”.

Sau khi Tiểu Kim sang Mỹ, dựa theo phát âm tên tiếng Trung của con gái, Sầm Kim đã đặt cho con gái tên tiếng Anh là Jean, nhưng con gái lại không thích, tự đặt cho mình tên tiếng Anh là Petal, có nghĩa là cánh hoa.

Hai bà mẹ sau khi đã tự giới thiệu về mình, mẹ Lewis liền hỏi:

- Mẹ Petal này, sao bố Petal lại không đến? Chắc cũng giống như anh Lư nhà tôi, bận bịu với các thí nghiệm?

Sầm Kim thẳng thắn đáp:

- Không phải, chúng tôi ly hôn rồi.

Mẹ Lewis bối rối vội gác chủ đề đó sang một bên.

Trong lúc nói chuyện, Sầm Kim được biết bố Lewis là Lư Chính Cương, ban đầu sang Mỹ làm học giả của trường đại học A, cứ làm như vậy rồi dần dần chuyển sang học tiến sĩ, giờ thì vừa làm việc vừa học bằng thống kê, chuẩn bị sau khi học xong sẽ tìm công việc về thống kê học.

Mẹ Lewis đưa con trai sang Mỹ thăm thân nhưng tiếng Anh không được tốt lắm, không thi được bằng TOEFL gì, lại chẳng nghiên cứu gì ở Mỹ. May mắn là Lư Chính Cương đã nhanh chóng làm được Thẻ Xanh[1] cho cả nhà, mẹ Lewis mới dễ dàng tìm được một công việc, bà từng bán cánh gà chiên ở Wal-mart, bán giày ở chợ tự do Flea Market, và gần đây vừa mới tìm được công việc ở phòng thí nghiệm của trường đại học A.

[1] Thẻ Xanh là loại giấy tờ được chính phủ Mỹ cấp cho cư dân thường trú để họ sinh sống và làm việc trên đất nước Mỹ trong thời gian dài.

Mẹ Lewis bảo Sầm Kim chỉ cho bà xem con gái đâu, vừa mới nhìn thấy cô bé, bà đã không ngớt lời tán dương:

- Ồ! Đó chính là con gái chị ư? Trông đáng yêu, xinh xắn quá!

Sau đó mẹ Lewis thường xuyên hẹn hai nhà cùng vui chơi, có lẽ muốn tạo cơ hội cho hai đưa trẻ tự làm bạn trúc mã thanh mai của nhau.

Nhưng Sầm Kim không đánh giá cao con trai nhà họ Lư, cảm thấy thành tích của cậu ta tốt thì có tốt nhưng hơi kiểu con mọt sách, mặc dù biết chơi đàn violon nhưng vừa nhìn là biết do bố mẹ ép con học một cách thụ động, mà thật sự không phải có tài năng âm nhạc bẩm sinh. Khuôn mặt của Lewis trông cũng được, thanh tú nhưng đầu thì dài, trông không đẹp, lại bẹt bẹt, không có phần gáy sau, trong khi Sầm Kim được biết các nghệ sĩ âm nhạc nổi tiếng trên ảnh có phần gáy sau rất rõ.

Mẹ Lewis dường như cũng không hoàn toàn hài lòng về Tiểu Kim, chủ yếu là lo thành tích của Tiểu Kim không tốt, bà luôn hỏi thăm:

- Petal nhà chị vẫn còn học lớp ESL (lớp tiếng Anh dành riêng cho học sinh nước ngoài)?

- Petal đã vào lớp Gifted Class chưa?

- Chị có mời Tutor (giáo viên phụ đạo) dạy violon cho Petal không? Lewis nhà chúng tôi ngay từ năm đầu đã mời Tutor rồi, chỉ dựa vào orchesta của trường để luyện đàn thì không đủ, chắc chắn phải mời Tutor.

Sầm Kim thấy hơi hoảng, nếu làm thông gia với nhà họ thì thực sự khó mà chịu nổi.
Bình Luận (0)
Comment