Dần dần, Sầm Kim không thỏa mãn với việc Vệ Quốc mỗi ngày chỉ chơi với
cô một lát, cô muốn từ sáng tới tối cậu đều chơi với cô, vậy là hàng
ngày cô đều năn nỉ:
- Anh Vệ Quốc, anh đưa em đi chơi với.
- Chẳng phải ngày nào anh cũng đưa em đi chơi đó sao?
- Em muốn anh đưa em ra ngoài chơi cơ.
- Không được, nếu bọn bạn nhìn thấy anh chơi với con gái thì cười anh chẳng ra gì.
- Tại sao chơi với con gái lại chẳng ra gì?
- Anh không biết, mọi người nói như vậy.
Cô cầu khẩn thế nào cậu cũng không nhận lời, đành phải giở sở trường của mình ra là khóc ầm ĩ.
Cậu hoảng hốt:
- Thôi, thôi, đừng khóc nữa. Anh có thể đưa em đi chơi, nhưng không thể
chơi ở trường được, phải trốn đến một nơi rất xa để chơi, có đi nổi
không?
- Đi nổi
- Không được bắt anh cõng.
- Nếu bắt anh cõng em sẽ là con cún.
Vệ Quốc đành miễn cưỡng đưa cô đi chơi, nhưng vừa ra khỏi trường thì như
trút được gánh nặng nghìn cân, cậu lại chơi với cô rất vui vẻ. Cậu dẫn
cô đi dính ve, bắt chuồn chuồn, đến bãi rác của nhà máy sản xuất đồ sứ
nhặt mấy cái bát đã bị vứt bỏ nhưng vẫn có thể dùng được, đến đống phế
liệu của nhà máy nông cụ nhặt mấy đồ sắt vụn, sau đó mang đến cửa hàng
thu mua ve chai để bán, bán được bảy tám hào, mang đi mua kẹo ăn.
Đi chơi với Vệ Quốc, cô thật sự rất sung sướng, cậu không bắt nạt cô, còn
nghĩ cách kiếm tiền mua đồ ăn, thế là cô cứ dính như sam với cậu, không
rời nửa bước. Để trả ơn lại, cô kể chuyện, hát cho cậu nghe, nhảy cho
cậu xem.
Một hôm cô đi ra phố cùng Vệ Quốc, trên đường đi qua một quầy bán hoa quả, nhìn thấy chuối cô phấn khởi nói:
- Anh Vệ Quốc, anh có nhìn thấy không, đó là chuối tiêu, mẹ em từng mua cho em ăn rồi, ngon lắm, bùi như củ lạc vậy!
Vệ Quốc nhìn rồi nói:
- Anh biết đó là chuối, đắt lắm.
- Chúng mình dùng sức lao động để đổi lấy chuối ăn đi.
- Đây là quầy bán hoa quả, không phải lò hơi nước, dừng sức lao động gì để đổi?
- Nhưng em muốn ăn.
Cậu liền kéo cô đến góc tường rồi nói:
- Đứng ở đây, đừng chạy lung tung, cho dù xảy ra chuyện gì cũng đừng chạy lung tung, lát anh quay lại tìm em.
Vệ Quốc dặn xong liền chạy mất, cô muốn đi tìm nhưng đã được dặn không chạy lung tung nên đành phải đứng ở đó đợi.
Một lát sau, cô thấy cậu chạy vể, có một bà đuổi theo sau, vừa đuổi vừa hét:
- Chặn nó lại! Chặn nó lại! Ai giúp tôi chặn nó lại với!
Người qua đường đều không biết đã xảy ra chuyện gì, không ai chặn lại, một lát Vệ Quốc đã chạy biến chẳng thấy bóng dáng đâu.
Cô tưởng Vệ Quốc chạy mất thì sẽ không quay lại tìm cô nữa, bèn vắt chân lên cổ chạy theo cậu, vừa chạy vừa gọi:
- Anh Vệ Quốc, anh Vệ Quốc, đợi em với.
Đang gọi thì người phụ nữ đó quay phắt lại, bắt lấy cô:
- Hóa ra mày với nó là một bọn? Vậy thì tốt rồi, tao bắt được một đứa thì một đứa, đi, đi theo tao!
Cô nhận ra người bắt cô chính là cái bà vừa rồi ở hàng hoa quả, mặt đầy
mụn, xấu xí như hung thần ác quỷ, bàn tay to như gọng kìm cặp chặt lấy
cô, cô biết kiểu này hỏng rồi, không chịu đi, nhưng người đàn bà đó
khỏe, cứ lôi cô đi xềnh xệch. Cô đứng ì lại, người đàn bà đó túm lấy tóc cô kéo đi.
Cô sợ chết khiếp, do trước đây cô được nghe người ta kể chuyện rằng, có một bé gái cũng bị người ta túm tóc lôi đi như vậy,
kết quả là hộp sọ đứa bé bị tụt ra, trong não nhung nhúc toàn côn trùng
nhiều chân đen kịt, bởi vì khi ngủ cô bé đó đã bị một con côn trùng
nhiều chân bò từ tai vào, đẻ một ổ trứng trong não, rồi ăn sạch não.
Cô sợ người đàn bà lắm mụn này sẽ lôi tuột hộp sọ của cô ra, vội vàng dùng hai tay giữ lấy đầu, khóc thét lên:
- Đừng kéo tóc cháu, sẽ kéo tuột hộp sọ của cháu đấy.
Vệ Quốc đã chạy đến, ngăn bà mặt mụn lại:
- Thả nó ra, cháu sẽ trả chuối cho bà.
- Mày trả lại tao là được hả? Đâu có dễ thế!
- Vậy cháu đi cùng bà, bà thả nó ra, là cháu ăn trộm, nó không ăn trộm, bà bắt nó làm gì?
Người đàn bà đác ý cười nói:
- Bắt nó làm gì? Bắt nó thì có thể bắt mày. Đi theo tao, mày đi theo tao vào trong quầy rồi tao sẽ thả nó đi.
STENT
- Bà cứ thả nó ra rồi cháu sẽ đi với bà vào quầy.
- Mày không đi với tao thì thôi, tao sẽ đưa con bé này đến đồn công an.
- Nó không ăn trộm đồ của bà, bà đưa nó đến đồn công an thì có tác dụng gì? Bà cứ thả nó ra ở đây cháu sẽ đi với bà đến quầy.
Người đàn bà mặt mụn túm lấy Vệ Quốc, buông tay nắm tóc của cô ra.
Vệ Quốc hét lên với cô:
- Mau chạy đi, mau về nhà đi, đừng nói với mẹ em, cũng đừng nói với bố anh.
Cô đứng ngây ra ở đó, mãi đến khi Vệ Quốc bị người đàn bà mặt mụn bắt đi, không còn nhìn thấy bóng dáng nữa cô mới khóc ầm lên.
Có người nói với cô:
- Còn không mau về nhà đi con bé kia? Không học hành cho tử tế lại ra
ngoài ăn cắp vặt, còn đứng ở đây khóc nữa à, tao cho cả mày vào đồn công an bây giờ.
Cô sợ quá vắt chân lên cổ chạy, nhưng không biết
phải chạy đi đâu, cô không biết đường về nhà, đành phải chạy dọc theo
con phố, ngược với hướng của quầy bán hoa quả đó.
Những người trên phố bàn tán xôn xao:
- Con bé nhỏ như vậy mà đã biết ăn cắp vặt, láo toét thật.
Còn có người đi theo cô, ném đá vào cô:
- Ném chết cái đồ ăn trộm, ném chết cái đồ ăn trộm!
- Bắt con ăn trộm lại, đánh chết nó đi!
- Đánh chết con ăn trộm để đền tội đi!
Cô từng thấy người ta đánh kẻ trộm, đánh đến nỗi vỡ đều chảy máu, ngã xuống đất xin tha mạng mà vẫn bị người ta giẫm đạp lên.
Ở vùng cô ở có cách nói ví von, nếu thấy đánh ai quá tàn nhẫn thì nói
“đánh cứ như đánh thằng ăn trộm”, có thế thấy người ta đánh kẻ trộm là
ra tay nặng nhất. Cô sợ những người kia đuổi đánh mình nên cứ chạy thục
mạng, chạy đến nỗi thở không ra hơi, lồng ngực như muốn vỡ tung ra, chạy mãi cho đến khi không thấy ai đuổi theo sau ném đá nữa, mới dám đi chậm lại thở.
Cô không biết phải đi về đâu, trên phố nhiều người như vậy đều biết cô là kẻ ăn trộm, chắc chắn chuyện sẽ truyền đến tai mẹ
cô, truyền đến tai tất cả mọi người, họ đều sẽ gọi cô là “con ăn trộm”,
cười nhạo cô, rủa sả cô, mẹ chắc sẽ không nhận cô làm con nữa.
Cô nhớ trước đây có một lần, chị Hồng ăn trộm cuộn len của cô Vương, chia
cho cô một ít để tết tóc, cô còn chưa kịp tết tóc đã bị cô Vương phát
hiện, mách đến tận nhà chị Hồng, chị Hồng khai hết toàn bộ những người
được chia chiến lợi phẩm. Mẹ biết được việc này liền cho cô một trận,
nói:
- Lần này không đánh con, nếu lần sau còn có chuyện này thì mẹ sẽ không nhận con làm con nữa.
Đây đã là “lần sau” rồi, mẹ sẽ không nhận cô làm con nữa, Vệ Quốc cũng bị
bắt đi rồi, một mình cô không còn ai, không sống nổi. Cô quyết định nhảy xuống hồ, hôm đó cô đã ngã xuống suối suýt thì chết đuối, nhưng không
thấy đau đớn gì, giống như một giấc ngủ vậy, nếu cô nhảy xuống hồ thì
chắc chắn có thể chết đuối, vậy sẽ không sợ mẹ đánh, không sợ mẹ không
nhận cô làm con nữa, cũng không sợ người ta gọi cô là “con ăn trộm” nữa.
Nhưng đường đến hồ cô cũng không biết nên cô đành phải vừa đi vừa khóc hỏi đường:
- Đến hồ đi thế nào ạ?
Không ai để ý đến cô, sau đó có một phụ nữ trung niên nhận ra cô:
- Đây chẳng phải là con gái của cô giáo Đào sao? Cháu ra hồ làm gì?
Cô khóc rồi nói:
- Cháu muốn nhảy xuống đó.
Người phụ nữ giật mình:
- Con bé này, sao lại giống… bố thế? Đã xảy ra chuyện gì à?
Người bên đường giới thiệu luôn:
- Tôi biết, nó ăn trộm đồ, bị người ta tóm.
Người phụ nữ trung niên nói:
- Nào, để cô đưa cháu đến hồ.
Người phụ nữ đó dẫn cô đi, vừa đi vừa nói với người trên phố:
- Nhìn này, bé như vậy mà đã biết nhảy xuống hồ rồi, chẳng phải là học theo bố nó sao, đúng là đời cha ăn mặn đời con khát nước.
Phía sau chẳng mấy chốc một hàng dài kéo theo rất náo nhiệt, cả đoàn người
rồng rắn nối đuôi nhau, hò hét ầm ĩ, đều nói đi xem cảnh nhảy xuống hồ
tự tử.
Đi được một lát thì cô nhìn thấy cổng trường trung học,
biết mình đã bị mắc lừa, muốn chạy thoát thân, nhưng người phụ nữ đó túm chặt lấy, phía sau còn có bao nhiêu người chặn lại nên cô không có
đường nào để chạy, bị người phụ nữ đó kéo vào trong trường học, tìm đến
trước cửa lớp học của các giáo viên, đẩy cửa lớp học rồi hét lên trước
mặt bao nhiêu người như vậy:
- Cô giáo Đào, con gái cô đòi nhảy xuống hồ tự tử, tôi giúp cô bắt nó về đây!
Mẹ mặt trắng bệch chạy ra, đón lấy tay cô từ tay của ngựời phụ nữ đó, kinh hãi hỏi:
- Kim Kim, đã xảy ra chuyện gì vậy?
Cô khóc òa lên, nghe thấy người phụ nữ đó cao giọng nói:
- Nó ăn trộm đó ở trên phố, bị người ta tóm được, nó đòi nhảy xuống hồ nước tự tử.
Mẹ phản bác lại:
- Cô đừng có nói linh tinh, con gái tôi không ăn trộm đồ.
- Tôi nói linh tình? Cô hỏi họ đi, họ đều là nhân chứng đấy, tận mắt nhìn thấy.
Đám người đó bèn léo nhéo hùa vào:
- Đúng thế, đúng thế, tôi được tận mắt chứng kiến.
- Bị tóm trong lúc đang ăn trộm.
- Lại còn là con của giáo viên nữa, đúng là con nhà giáo vừa láo vừa hư.
Bác sĩ quan liền đi ra đuổi họ ra xa lớp học:
- Nói nhỏ thôi, các giáo viên đang học chính trị, cô giáo Đào, cô đưa con bé nhà đi.
Mẹ dẫn cô về nhà, đám người đó đều bị bác sĩ quan chặn lại, chỉ có người phụ nữ trung niên đó đi theo, nói oang oang:
- Cô giáo Đào, tôi cứu mạng con gái cô, lại còn đưa nó về cho cô, đến câu cảm ơn cô cũng không có? Vậy mà đòi là giáo viên, một chút phép tắc
cũng không hiểu.
Mẹ vội vàng nói:
- Cảm ơn, cảm ơn anh! Làm ơn đừng nói với người khác.
Mẹ kéo cô về đến nhà, người phụ nữ trung niên đó đi theo đến nhà cô. Mẹ
đóng cửa lại, nghe bà ta còn ở bên ngoài chửi mát. Mẹ lấy hai đồng mang
ra cho, bà ta mới lầm bầm thêm vài câu rồi bỏ đi.
Mẹ đổ nước rửa mặt cho cô, chải lại mái tóc rối bời của cô do bị kéo, nhẹ nhàng nói:
- Kim Kim, mẹ chẳng đã nói với con rồi sao? Giờ mẹ chỉ có mình con, sao
con có thể nghĩ đến việc nhảy hồ tự tử hả? Con nhảy hồ chết rồi thì mẹ
làm thế nào?
Cô lại khóc, mẹ lau nước mắt cho cô, đợi tiếng khóc của cô nhỏ dần mới hỏi:
- Rốt cuộc hôm nay đã xảy ra chuyện gì?
Cô không dám giấu, kể lại cho mẹ nghe toàn bộ sự việc từ đầu đến cuối, mẹ nói:
- Con không ăn trộm đồ, sao lại nghĩ đến việc nhảy hồ? Đó không phải là
lỗi của con, là lỗi của Vệ Quốc, nó không nên đưa con đi ăn trộm đồ.
Cô lại khóc:
- Con đã nói con không ăn trộm, người trên phố cứ gọi con là “con ăn
trộm”, sau này ngày ngày họ cũng sẽ đều gọi con là đồ ăn trộm.
- Đừng sợ, mẹ sẽ nghĩ cách chuyển đến một nơi khác, đến một nơi mới thì không có ai biết được chuyện này.
Cô lại nhớ đến sợi dây thép treo trong không trung, mẹ và cô đều bị treo
lên dây thép đó, trượt một cái là đến nơi khác. Cô khẩn cầu mẹ:
- Mẹ hãy treo cả anh Vệ Quốc lên trượt đến nơi khác đi, người trên phố cũng nói anh ấy là kẻ trộm.
- Mẹ có phải là người ba đầu sáu tay đâu mà chuyển cả nó đi? Đến mẹ đây có chuyển được đi hay không còn chưa biết.
Mẹ hỏi cô:
- Vệ Quốc đâu? Nó ở đâu?
- Anh ấy bị bắt đi rồi.
- Bắt đi đâu?
- Con không biết.
Mẹ nói:
- Giờ người ta vẫn chưa thả nó về, không biết đã như thế nào rồi. Con đợi ở nhà, mẹ đi tìm ông sĩ quan, bảo ông ấy đi nhận nó về.
Cô không dám một mình ở nhà:
- Con đi với mẹ nhé.
Mẹ nghĩ một lát rồi đồng ý, đưa cô đến trường học tìm bác sĩ quan. Bác sĩ
quan đang họp, mẹ gọi bác ra, nói nhỏ lại chuyện, một lúc sau thì nghe
thấy bác sĩ quan tức giận nói:
- Tôi không quản được nó, chưa thấy đứa trẻ nào nghịch ngợm như nó, đánh bao nhiêu lần mà vẫn không chừa.
- Anh không đi đón nó về, e là người ta sẽ đánh chết nó.
- Đánh chết đi thì bớt một mối họa.
- Nếu người ta đưa nó vào đồn công an thì sao?
- Để họ đưa nó đi, cho nó ngồi tù, nó sớm muộn gì cũng phải ngồi tù, sớm ngồi tù thì tôi sớm bớt mối lo.
Mẹ không nói gì nữa, đưa cô ra cổng trường. Cô hỏi:
- Mẹ ơi, mình đi đâu ạ?
- Mình đi đón Vệ Quốc về, đừng để người ta đánh chết nó.
- Mẹ, mẹ thật là một người mẹ tốt!
Mẹ hỏi:
- Ở phố nào, con có biết không?
- Con không biết.
- Người phụ nữ đó trông thế nào, con có nhớ không?
Cô giơ một ngón tay ra, chỉ chỉ lên mặt mình nói:
- Mặt bà ta có rất nhiều…
- Rất nhiều mụn?
- Vâng
- Vậy mẹ biết là ai rồi.
Mẹ đưa cô đến chỗ quầy bán hoa quả của bà mặt mụn, mặt mày tươi cười đi đến hỏi:
- Chẳng phải là mẹ của Uông Trung Minh đấy sao? Tôi là cô giáo Đào, đã từng dạy con chị. Chuối bao nhiêu tiền một cân hả chị?
Người đàn bà mặt mụn cũng nhận ra mẹ:
- Ôi! Hóa ra là cô giáo Đào, chuối không đắt đâu, bốn hào bốn một cân, cô lấy đi, tôi còn có thể để rẻ một chút, bốn hào ba nhé.
Mẹ chọn một nải chuối nhỏ, đặt lên trên sạp, mở ví lấy tiền, vờ tình cờ hỏi:
- Cái thằng bé hôm nay cô bắt đâu rồi?
- Sao? Nó con nhà cô à?
- Không phải, là con trai của ông sĩ quan trường chúng tôi, giờ ông ấy
đang họp, nghe nói tôi ra ngoài mua ít hoa quả liền nhờ tôi giúp đón
cháu về, đứa trẻ đó đâu?
- Tôi nhốt nó ở phía sau. Cô về bảo với ông ấy, thằng này phải được dạy dỗ cho tử tế, nếu không chắc chắn cũng
sẽ hỏng, nhỏ như vậy mà dám giữa ban ngày ban mặt ăn trộm chuối của tôi, lớn lên thì còn gây ra những chuyện tày trời nào nữa?
Mẹ ừ ừ à à, luôn mồm vâng dạ, tỏ vẻ cảm động đến rơi nước mắt nói:
- Chị thật tốt, đã không đưa nó lên đồn công an.
- Chứ sao, nếu tôi đưa nó lên đồn công an thì ít cũng phải xử nó tám, chín năm.
- Đúng vậy, đúng vậy.
- Bố nó có đưa cô tiền mang đến bồi thường không?
- Có, có, chị cần bao nhiêu?
- Hai mươi đồng.
- Nhiều như vậy sao? Nó đã trộm của chị bao nhiêu chuối?
- Nó chỉ trộm một nải nhưng lúc tôi đuổi theo nó, rất nhiều người chạy
đến quầy của tôi để cướp chuối ăn, lúc tôi quay lại thì ít nhất cũng bị
mất đến nửa chỗ chuối.
Mẹ lấy ví ra, lấy hết số tiến trong ví đưa cho người đàn bà mặt mụn:
- Chị Uông, thật sự rất xin lỗi, tôi chỉ có từng này tiền.
Người đàn bà đếm một lát:
- Còn chưa được mười lăm đồng, tiền tôi nhập hàng còn chưa dủ. Thôi, cứ để tôi đưa nó lên đồn công an.