Trường An Thái Bình

Chương 229

Giữa tháng Hai, đúng là lúc cỏ cây xanh mướt cả kinh thành, lại một mùa khoa cử sắp tới, ngàn vạn sĩ tử tề tụ về kinh. Khắp đầu đường cuối hẻm đâu đâu cũng thấy được những thiếu niên mặc trường sam, người mới cảnh sắc mới, song đâu đó vẫn còn sự âm u mãi không tan.

Đúng vào lúc này, không ai ngờ rằng một chuyện lớn khiến người ta sợ hãi xảy ra ở trong kinh.

Chiêu Lăng nơi chôn cất Tiên đế ở ngoại ô phía Tây, bị trộm.

Thú vị hơn nữa là tên trộm mộ đã bị phát hiện ngay sau đó, trên một bãi đất trống cách Hoàng lăng nửa dặm, khi phát hiện thì người đã chết.

Trên người vẫn còn nguyên vàng bạc châu báu lấy ra từ Chiêu Lăng, nhưng thi thể đã cháy đen thui, có điều xung quanh không có vật gì dẫn lửa được, thi thể cũng không có dấu vết bị trói buộc, thành ra lại giống như tự thiêu.

Cái chết này không khỏi khiến người ta nhớ lại một vụ án cũ. Sau khi ngỗ tác của Đại Lý Tự kiểm tra, bất ngờ là tên trộm mộ này cũng có liên quan đến vụ án đó. Vụ án tế trời từ hai năm trước vạch trần án mạng ba mươi hai người nhà danh họa Thục Trung Thẩm Tồn. Khi đó bắt được ba hung thủ, hai người đã đền tội ngay khi đó, còn một Lưu Khang thì bị Đại Lý Tự chính lúc đó là Tô Sầm bắt về xử tội rồi nhốt vào Hình bộ, đợi qua thu phân sẽ xử trảm.

Không ngờ tới thu năm đó thì xảy ra sự kiện song vương loạn chính, chính sách thay đổi liên tục, triều đình rối tung, người vốn nên uống canh Mạnh Bà vẫn sống yên ổn tới giờ… hoặc phải nói là hai ngày trước.

Không ai quan tâm Lưu Khang đã trốn khỏi thiên lao bằng cách nào, rồi làm sao để vào được Hoàng lăng với tầng lớp hộ vệ, chỉ biết rằng người này phát tài nhờ trộm mộ, nay vẫn chưa biết hối cải, trộm tới tận mộ Tiên đế luôn mới sợ chứ.

Khắp đầu đường cuối hẻm xôn xao chuyện này. Có người nói trong Chiêu Lăng có cơ quan phòng trộm, có thứ gì đó trong mộ sẽ bốc cháy khi gặp ánh sáng. Cũng có người nói là quả báo, người này trộm nhiều mộ, sớm muộn cũng có ngày chết ở đây. Hơn cả là những câu chuyện ma quỷ, không phải oan hồn nhà họ Thẩm đòi mạng thì cũng là Tiên đế hiển linh, giáng lửa thiêng trị kẻ ác.

Dân chúng bàn tán mãi không thống nhất được cách giải thích nào, trên triều đình lại có thêm một sự kiện lớn.

Quốc tang của Sở Thái hậu kết thúc, ngày đầu tiên vào triều, Dự Vương Lý Thịnh vắng mặt.

Cùng với Lý Thịnh còn có thần tử nửa triều.

Điện Hàm Nguyên giương cung bạt kiếm, cãi nhau nảy lửa khi xưa bỗng vắng đi một nửa, có vẻ vắng vẻ lạ thường. Thiên tử nhỏ nhìn xuống, sau đó ngồi lên ngai vung tay như mọi ngày: “Các khanh bình thân.”

Gặp nguy không loạn, gặp biến không sợ mà hoàng thúc dạy cậu bao năm qua, giờ đã đến lúc dùng tới.

“Các khanh có việc gì muốn tấu?”

Sảnh điện im ắng như chết.

Triều đình vắng nửa số người mà Thiên tử đương triều không hỏi một câu, còn chuyện gì lớn hơn chuyện này nữa? Rốt cuộc là vì sợ Lý Thịnh hay địch chưa tới đã tự loạn? Có phải đến khi Lý Thịnh áp tới ngoài điện, Đại Chu mất nước thì Thiên tử nhỏ mới biết hỏi đến câu: “Người của trẫm đâu?”

Thật ra một ngày trước khi vào triều, tất cả quan viên đều nhận được một lá thư, nội dung thư đơn giản, chỉ bốn chữ: Phục hưng Sùng Đức.

Ý tứ rất đơn giản, chướng ngại cuối cùng là Sở Thái hậu không còn, Lý Thịnh không để Thiên tử nhỏ mới mười hai tuổi vào mắt. Hắn muốn công khai bằng vai phải lứa, muốn phục hưng sự nghiệp chưa thành của Thái tử Sùng Đức.

Hôm nay chỉ có nửa số người lên triều, một nửa trong số này thì giữ thái độ quan sát. Khi sự yên lặng lan tràn trên điện Hàm Nguyên, chút kiên trì cuối cùng của họ cũng bắt đầu lung lay.

Sự im lặng kéo dài nửa nén hương, Thiên tử nhỏ khẽ thở dài, đứng dậy khỏi ngai vàng, thong thả bước tới trước mặt quần thần: “Các khanh không có gì muốn nói thì để trẫm nói với các khanh vậy.”

Thiên tử nhỏ ngồi xuống đất, đám thần tử vội can ngăn, chỉ thấy Thiên tử nhỏ xua tay, nói: “Mẫu phi của trẫm chết rồi.”

Triều đình lại chìm trong im lặng.

Thiên tử nhỏ chỉ vào một lão thần tóc hoa râm: “Mẹ khanh hãy còn chứ?”

Thần tử đó vội khom người: “Thần không dám, nhà thần hãy còn mẹ già tám mươi.”

Thiên tử nhỏ gật đầu: “Khanh có phúc lắm.”

Sau đó lại chỉ vào mọi người: “Các khanh đều có phúc hơn trẫm. Trẫm đăng cơ lúc sáu tuổi, cũng tức là phụ hoàng của trẫm đã đi khi trẫm sáu tuổi. Tuy các khanh hay nói Tiên đế thế này, Tiên đế thế nọ, nhưng cho trẫm nói một câu bất kính ở đây, thật ra trẫm chẳng có ấn tượng gì về người.”

“Phụ hoàng không khỏe, ít khi dạy dỗ trẫm, vốn dĩ trẫm luôn sống vô lo vô nghĩ. Chợt có một ngày, một đám người chạy vào ngự hoa viên quỳ trước mặt trẫm, gọi “Hoàng thượng”.”

Thiên tử nhỏ lại chỉ vào một người: “Lúc sáu tuổi khanh có biết Hoàng thượng là gì không? Biết cách làm Hoàng thượng không?”

Người nọ quỳ thụp xuống, dập đầu không dậy: “Thần không dám!”

“Đứng dậy, trẫm bảo khanh đứng dậy!” Thiên tử nhỏ phải lặp lại lần nữa người kia mới run rẩy đứng dậy, cậu nói tiếp: “Khanh không biết, trẫm cũng không biết. Trẫm chỉ biết trẫm không còn phụ hoàng, những ngày bắt chuồn chuồn châu chấu ở ngự hoa viên cũng chấm dứt. Mẫu phi không chiều chuộng trẫm như trước. Sau này còn có một hoàng thúc từ biên cương về, hở tí là hung dữ với trẫm, nói trẫm không giận là giả. Ngày nào cũng có người lên lớp trước mặt, sao không giận cho được?”

“Mẫu hậu, phụ hoàng, từ đó về sau trẫm khó xử kẹt giữa hai người. Những ngày đó, hẳn các khanh hiểu rõ hơn trẫm. Đảng Ninh Vương, đảng Thái hậu, trẫm không biết trước kia các khanh đứng bên nào, nhưng nói sao thì họ đều muốn tốt cho trẫm. Nhưng chuyện đến hôm nay, mẫu phi đã mất, không rõ tung tích, họ đều không còn ở đây.”

“Vậy nên trẫm mới bảo các khanh có phúc. Các khanh tan chầu về nhà, có mẹ già con nhỏ, gia đình hòa thuận vui vẻ, còn trẫm thì ở trong cung điện rộng lớn này, không biết đi đâu về đâu.”

Tiếng sụt sịt vang lên bên dưới, mọi người đã quen nhìn Thiên tử nhỏ ngồi sau bàn mặc người ta sắp đặt, lần đầu tiên được nghe tiếng lòng của Hoàng đế bù nhìn này. Đây là Thiên tử một triều, cũng là một đứa trẻ, thậm chí còn nhỏ hơn con cái nhà họ, nhưng đã phải gánh vác trọng trách mà độ tuổi này không thể gánh vác.

“Nói cho cùng, trẫm không phải Hoàng đế tốt.” Tiếng thở dài khẽ vang lên trong điện: “Muôn dân có tội đều là tại trẫm. Trẫm nói những điều này không để các khanh thương hại trẫm, nhưng các khanh phải thương ngàn vạn bách tính, muôn dân trăm họ của Đại Chu. Trong đó cũng có cả cha mẹ, vợ con các khanh. Họ tin tưởng các khanh, giao gia đình tính mạng cho các khanh, các khanh là quan phụ mẫu, trời có sập cũng phải đỡ cho họ!”

Thiên tử nhỏ đứng dậy: “Trẫm là Thiên tử, trẫm phải đi đầu, còn ai sẵn lòng theo trẫm?”

Ôn Tu dẫn đầu, nói: “Thần sẵn lòng đi theo bệ hạ, chết cũng không nề.”

Trịnh Dương, Trương Quân nói tiếp: “Thần sẵn lòng đi theo bệ hạ, chết cũng không nề.”

Đám thần tử ngẩn ngơ nhìn Thiên tử như bất chợt trưởng thành, đồng thanh: “Chúng thần sẵn lòng đi theo bệ hạ, chết cũng không nề.”

Thiên tử nhỏ ngồi về ngỗ: “Ngồi trên ghế này không thoải mái như các khanh nghĩ đâu, nhưng trẫm vẫn muốn giành thử. Vị trí mẫu hậu và hoàng thúc để lại cho trẫm, trẫm không thể dâng cho người khác. Nếu để hoàng thúc biết được, đến lúc về lại mắng chết trẫm.”

Thần tử bên dưới cười ầm lên, Thiên tử nhỏ cũng cười theo. Đợi tất cả yên lặng, cậu mới nói tiếp: “Được rồi, chúng ta đã nói rõ ràng, giờ trẫm hỏi lại, các khanh có bẩm báo gì không?”

Ôn Tu bước lên trước tiên: “Thần muốn dâng tấu.”

Thiên tử nhỏ gật đầu, Ôn Tu bèn nói: “Dự Vương Lý Thịnh lòng muông dạ sói, gian ác vô cùng, tội của hắn là tội chết mưu nghịch. Thần khẩn xin bắt về quy án, xử tội nghiêm khắc để chấn chỉnh lại trị, chỉnh đốn triều cương! Hôm nay vô cớ không lên triều, có thể xử tội coi thường hoàng quyền, nên phạt để răn đe, tỏ rõ hoàng uy.”

Triều đình chợt im lặng, lòng trung nghĩa ít ỏi còn lại của các thần tử được đánh thức, tiếng xôn xao lan rộng bên dưới.

Trương Quân lại lắc đầu: “Lý Thịnh ở ngay cung Thái Cực phía trước, ai đi? Ai có thể bắt hắn ra được? Sở dĩ hắn dám không kiêng dè trước mắt chúng ta như vậy là vì hắn biết bây giờ, chúng ta không làm gì được hắn.”

Thiên tử nhỏ nói: “Ôn tướng, nói cho mọi người nghe tình hình hiện tại đi.”

Ôn Tu mím môi, rồi nói: “Chưa nói tới thần tử nửa triều vội, riêng về vấn đề binh quyền, Cấm quân chia hai cánh, Cấm quân bên phía cung Đại Minh đã được đổi lại thành người của ta hết, bên cung Thái Cực là người của họ. Ban đầu, Vương gia để lại cho thần binh của mười hai phủ vệ, lục suất Đông Công thì vẫn trong tay Lý Thịnh. Phủ Chiết xung quanh kinh kỳ cũng là mỗi phe một nửa, xa hơn nữa thì không tới kịp trong thời gian ngắn. Còn nữa… Thần vừa nhận được tin dạo này biên quan có động thái khác thường, vậy nên quân bảo vệ biên phòng cũng không thể di chuyển.”

Nghe Ôn Tu nói xong, ai nấy đều căng thẳng. Vậy tức là thế lực hai bên giờ đang bằng nhau, nhưng Lý Thịnh còn trong tay một tay kiếm sắc nằm ngoài pháp luật Đại Chu, giết người im hơi lặng tiếng là Ám Môn nữa.

Im lặng hồi lâu, không biết là ai lên tiếng: “Nếu Vương gia ở đây thì tốt quá.”

Mồi lửa lặng tiếng đã lâu trong lòng các thần tử chợt nhen nhóm.

Trương Quân li3m môi, ưỡn bụng đứng ra: “Thần có một ý tưởng bất kính.”

Thiên tử nhỏ gật đầu: “Trương đại nhân cứ nói.”

Trương Quân chắp tay: “Đã đến lúc rửa oan cho Vương gia rồi.”

Một hòn đá dấy ngàn gợn sóng, khắp triều đường chợt xôn xao ầm ĩ.

Ban đầu Ninh Vương Lý Thích bị kết tội là vì thái giám Trần Anh vạch tội Ninh Vương là hung thủ giết hại Tiên đế. Nay hoàng lăng bị trộm, phong thủy bị phá hoại, việc chọn đất lành xây lại hoàng lăng là chuyện không thể thay đổi. Đằng nào cũng phải đụng vào thánh thể Tiên đế, tại sao không tiện xem luôn người chết thế nào?

Thiên tử nhỏ cau mày, chưa kịp nói gì đã có một lão thần tóc hoa râm quỳ xuống: “Đây là ý trời! Thần đã bảo sao Lưu Khang đó có thể thoát khỏi thiên lao phòng vệ nghiêm ngặt, rồi làm sao lại chết như thế mà. Chắc chắn là Tiên đế hiển linh, Tiên đế không nỡ nhìn Đại Chu ta diệt vong nên mới giáng thần dụ phù hộ Đại Chu ta!”

Đám thần tử bị Lý Thịnh chèn ép lâu ngày thấy được hy vọng, tức thì quỳ rạp trên điện Hàm Nguyên. Một đám rường cột quốc gia đọc sách thánh hiền khóc gào Tiên đế hiển linh, còn khóc lớn hơn khi Tiên đế băng hà.

Thiên tử nhỏ dở khóc dở cười, mãi sau mới phất tay: “Chuẩn tấu.”

Trưa hôm sau, Thiên tử nhỏ chỉ dẫn một thái giám cầm đèn là Ninh Tam Thông vào Chiêu Lăng, từ khi trở về thì im lặng không nói, ngồi một mình trước thềm tẩm cung cả đêm.

Hôm sau, chiếu cáo thiên hạ, cái chết của Tiên đế không liên quan tới Ninh Vương, cả nước cung nghênh Ninh Vương hồi cung.
Bình Luận (0)
Comment