Nhân gian, đã là nơi con người sinh sống, lẽ đương nhiên sẽ tồn tại đủ loại khốn khổ trần gian.
Nhân gian có khổ, nhiều vô số kể, muôn khổ giao thoa.
Đặc biệt là đất Thần Châu, đời đời dân chúng lầm than, là nơi khốn khổ nhất.
Vì khổ, chúng sinh mỗi ngày đều như sống trong nước sôi lửa bỏng. Ai trong sâu thẳm tâm hồn cũng khao khát kiếm tìm biện pháp cũng như chân lý để diệt trừ mọi khốn khổ trần gian, một người có trí tuệ vượt hơn mọi người để cứu vớt muôn người. Thế nên, dù nhân gian tồn tại trăm cay nghìn đắng, thì vẫn sẽ sinh ra muốn vàn kiểu dáng Phật để phổ độ chúng sinh.
Trong số vô vàn tượng Phật, có một bức tượng được tin là tượng Phật lớn nhất trần gian, đó là Nhạc Sơn Đại Phật.
Nhạc Sơn Đại Phật được đặt ở phía Tây núi Nhạc Sơn, là nơi hội tụ của nhiều con sông như sông Dân, sông Thanh Y, sông Đại Độ, vân vân.
Tương truyền, năm Khai Nguyên thứ nhất triều Đường, có một vị hòa thượng hiệu Hải Thông, thấy nơi đây nước sông chảy xiết, thỉnh thoảng lại có thuyền va phải đá ngầm gặp nạn, cho nên muốn xây một bức tượng Phật để bảo hộ các con thuyền lui tới an toàn, ngay lập tức liền vận động người dân xây tượng. Trải qua hơn chín mươi năm, tượng Phật cuối cùng cũng làm xong. Hòa thượng Hải Thông thì đã sớm viên tịch.
Nhạc Sơn Đại Phật là tượng Phật Di Lặc ngồi thiền, cao ngang tầm núi, lưng dựa vào núi, mặt hướng phía sông, dưới chân nước chảy cuồn cuồn, thuyền qua nườm nượp, cảnh tượng vô cùng đồ sộ.
Nghe đâu chỉ đôi mặt Phật thôi mà mỗi con mắt đã dài hơn một trượng năm, thế cũng đủ biết pho tượng này khổng lồ thế nào.
Nhưng đôi mắt Phật dài hơn trượng năm ấy liệu có nhìn thấu mọi nỗi khổ của chúng sinh? Liệu có làm họ yên lòng?
Chí ít, có một người không nghĩ như vậy. Người đó chưa từng nghĩ rằng Nhạc Sơn Đại Phật có thể an ủi tâm hồn nhỏ bé của mình.
Từ lúc sinh ra đã phải chịu biết bao đau khổ. Ở cái nơi gần Nhạc Sơn Đại Phật như thế mà không thấy được ban ơn cho lần nào, Đại Phật núi Nhạc Sơn dường như cũng trốn tránh mọi khốn khổ của nó.
Nó chỉ là một đứa bé trai.
Đứa bé này chừng tám tuổi, mặc quần áo màu xanh nhạt, gương mặt tròn tròn, có nét lém lỉnh, vừa nhìn biết ngay là một đứa trẻ cực kỳ thông minh.
Nhưng, đứa trẻ này không được chơi đùa cả ngày như những đứa trẻ khác tầm tuổi nó. Ngày nào nó cũng phải đến ngồi bên chân tượng Phật từ sáng sớm đến tối muộn, đo mực nước sông ba lượt, gió mặc gió mưa mặc mưa.
Một đứa trẻ tám tuổi tại sao lại phải ngồi bên bờ sông đo mực nước? Đều có nguyên nhân cả.
Họ của đứa bé này là một chữ khiến người ta vừa nghe đã cảm thấy vô cùng quyết đoán – Đoạn.
Nó là con trai của Nam Lân Kiếm Thủ Đoạn Soái, Đoạn Lãng.
Đoạn Lãng rất buồn rầu, chỉ bởi vì nó mang họ Đoạn.
_ Nguyên văn_
___________________________________
Trên đỉnh bên phải của Nhạc Sơn Đại Phật có một ngôi chùa cổ tên là Đại Phật Tự. Cách hơn một trăm trượng về bên trái của Đại Phật Tự có một trang viên rộng lớn có tên là Đoạn Gia Trang.
Trước thời
Ngũ Đại(1), nhà họ Đoạn vốn là một gia tộc lừng lẫy trong chốn giang hổ, giàu nhất vùng Nhạc Sơn. Đáng tiếc, kể từ đời cụ của Đoạn Lãng, nhà họ Đoạn dần dần suy yếu, đến đời ông nội Đoạn Lãng thì đã biệt tích khỏi chốn võ lâm.
Vì cớ gì nhà họ Đoạn lại biệt tích khỏi chốn võ lâm?
Đoạn Lãng không rõ, những gì nó biết vẻn vẹn chỉ có ký tức về một lần phụ thân nó Đoạn Soái từng nói rằng, sở dĩ trước đây Đoạn Gia Trang lừng lẫy một thời trong chốn võ lâm là vì có một thanh kiếm tổ truyền tên là Hỏa Lân Kiếm, kết hợp với kiếm pháp Thực Nhật của nhà họ Đoạn sẽ tạo ra uy lực phi phàm, dương danh cả dòng họ.
Có điều, thanh Hỏa Lân Kiếm vô cùng kỳ dị, dường như có thể khống chế tâm trí con người, cho nên hai đời cụ và ông nội của Đoạn Lãng vì lo tẩu họa nhập ma nên không dùng đến nó nữa, khiến kiếm pháp Thực Nhật thiếu đi sự phối hợp của Hỏa Lân Kiếm, không thể phát huy hết tinh túy ở mức cao nhất, từ đó trở đi nhà họ Đoạn không còn đứng vững trên giang hồ nữa. Vì sao Hỏa Lân Kiếm lại có thể điều khiển tâm trí con người? Vì sao lại kỳ dị như thế? Tổ tiên nhà họ Đoạn từ đâu mà có được thanh kiếm này? Tuy rằng Đoạn Lãng rất tò mò về mấy vấn đề này, nhưng chung quy Đoạn Soái vẫn không đề cập gì đến.
Đến đời của Đoạn Soái, Đoạn Gia Trang đã vô cùng thê thảm. Đoạn Soái nghèo rớt mồng tơi, thứ duy nhất còn giữ lại chính là đình viện rộng lớn của nhà họ Đoạn và thanh kiếm tổ truyền Hỏa Lân Kiếm.
Thật là đầu giường hết bạc, tráng sĩ khó ngẩng mặt!
Chưa đầy năm năm, Đoạn Soái đã dựa vào Hỏa Lân Kiếm lấy được mỹ danh Nam Lân Kiếm Thủ trong chốn giang hồ. Đáng tiếc, nhà họ Đoạn đã suy tàn, tôi tớ chẳng có lấy một người, càng khỏi nói đến môn đồ đệ tử. Hơn nữa, hiện giờ Thiên Hạ Hội và Vô Song Thành vô cùng hưng thịnh, thế lực to lớn, nếu có môn phái muốn quy phục kẻ mạnh, hoặc người giang hồ gia nhập bang phái, thì cũng đều chọn hai môn phái bang hội lớn mạnh này cả. Đoạn Soái mang danh Nam Lân Kiếm Thủ, cuối cùng lại nghèo khó đến nỗi chẳng thu hút được đệ tử nào như hai đời trước, nhà họ Đoạn xem như hết hy vọng chấn hưng.
Thật ra Lăng Ngạo Thiên có chút xem thường Đoạn Soái. Nghĩ mà xem, Hùng Bá năm xưa chỉ là một đứa trẻ mồ côi hai bàn tay trắng, vậy mà còn lập nên được Thiên Hạ Hội. Tuy là Lăng Ngạo Thiên chiếm thân xác người ta được hưởng lợi, nhưng thực ra trước đấy Thiên Hạ Hội chỉ là một môn phái hạng hai, mà nay Thiên Hạ Hội phát triển lớn mạnh như vậy tất cả là nhờ Lăng Ngạo Thiên lao tâm khổ tứ, suy tính nhiều bề.
Còn Đoạn gia thì sao? Cả gia tộc chỉ trông chờ vào một thanh thần binh mà muốn hưng thịnh ngàn năm? Gửi gắm hy vọng vào vật ngoài thân mà không tìm nguyên do từ bản thân mình, Lăng Ngạo Thiên cũng chỉ biết cười nhạt lạnh lùng.
Đoạn Soái năm đó ngoài chuyện cơ đồ thất vọng ra, còn gặp phải thảm biến. Bấy giờ ái thê của Đoạn Soái vốn đã yếu đuối bệnh tật, sinh được Đoạn Lãng xong thì qua đời. Đoạn Soái nản lòng thoái chí, cuối cùng quyết định quy ẩn.
Nhưng ba năm sống cảnh quy ẩn, hắn vẫn luôn bứt rứt không yên, Hỏa Lân Kiếm cũng rục rịch.
Cuối cùng, hắn nghĩ ra một cách có lẽ có thể chấn hưng nhà họ Đoạn, thế nên quyết đoán gửi con trai Đoạn Lãng năm đó mới ba tuổi cho họ hàng xa nuôi dưỡng, để lại chút tiền, rồi đi khắp chân trời góc biển, tìm kiếm tung tích của Bắc Ẩm Cuồng Đao Nhiếp Nhân Vương.
Hắn tin chắc rằng, chỉ có đánh bại Bắc Ẩm Cuồng Đao lừng lẫy giang hồ một thời, danh xưng Nam Lân Kiếm Thủ mới càng thêm vang dội.
Mà thực tế thì, đánh bại được Bắc Ẩm Cuồng Đao thì đã sao? Danh dương thiên hạ thì đã sao? Thành lập một bang phái hay xây dựng đại thế gia không phải chỉ cần tuyệt thế võ công là xong. Đáng tiếc, Đoạn Soái chung quy không hiểu được đạo lý này. Mỗi lần nghĩ tới đó, Lăng Ngạo Thiên đều chỉ biết thở dài cảm thán.
Tiếc thay, lúc Đoạn Soái tìm tới Nhiếp Nhân Vương, Nhiếp Nhân Vương đã phong đao quy điền, không còn phần hào khí chí dũng năm đó, uyển chuyển từ chối lời thách đầu, khiến Đoạn Soái thất vọng ra về.
Sau khi trở về Nhạc Sơn, Đoạn Soái nhận thức rõ đời này khó có thể tiếp tục phát triển, cho nên đành trông chờ vào đứa con trai Đoạn Lãng, ngày ngày cần mẫn dạy con tập kiếm, mong con trai có ngày thành tài.
Mặc dù có nguyện vọng mãnh liệt mong con thành tài, nhưng Đoạn Soái chưa bao giờ truyền thụ Thực Nhật Kiếm Pháp. Bởi vì kiếm pháp Thực Nhật quá mãnh liệt, phải chờ đến lúc trưởng thành, tâm trí kiên cường mới có thể học, bằng không rất dễ tẩu hỏa nhập ma, tăng thêm tà khí của Hỏa Lân Kiếm. Đã tà còn tà thêm, quả thực vô cùng đáng sợ!
Tuy không được truyền dạy kiếm pháp Thực Nhật, nhưng đối với kiếm pháp và các môn võ nghệ khác, Đoạn Lãng vẫn cần cù rèn luyện. Một là vì nó trời sinh yêu võ, hai là vì dù còn nhỏ, nó vẫn biết rằng mình số khổ.
Chẳng phải sao? Nhà họ Đoạn đến đời nó gần như đã suy tàn, phụ thân nó là Nam Lân Kiếm Thủ cũng khó lòng chấn hưng gia tộc. Sau này, trách nhiệm nặng nề đó sẽ đặt lên vai Đoạn Lãng. Vừa sinh ra đã mang trọng trách như thế, sao mà không khổ cho được?
Nếu sinh ra trong gia đình bình thường, có thể an nhàn làm đứa con nhà nông thì cũng tốt. Đằng này, gia tộc của nó là Đoạn Gia Trang từng làm mưa làm gió một thời, cha nó là Nam Lân Kiếm Thủ Đoạn Soái, tất cả đều khiến Đoạn Lãng không thể trốn tránh!
Chưa đầy tám tuổi, nó đã biết tình người ấm lạnh. Mỗi lần nhìn cha bị họ hàng xa nhìn với ánh mắt khinh bỉ, mỗi lần thấy vẻ thất vọng chán chường ẩn trong đáy mắt cha, mỗi lần nhìn trang viên quạnh quẽ u tịch tường vỡ ngói nát, nó lại âm thầm thề với chính mình, một ngày nào đó, nó muốn luyện được tuyệt thế võ công, đánh bại tất cả võ lâm cao thủ, càng muốn đánh tan vận mệnh lụn bại của nhà họ Đoạn!
Đoạn Lãng Đoạn Lãng …
Đoạn Soái đặt tên này cho con trai là vì hy vọng một ngày kia, ý chí, tâm trí, cùng sức lực của nó có thể ngăn gió chặn sóng, chỉ là …
Không biết đến năm nào tháng nào, Đoạn Lãng mới thực sự được như tên mình?
Phong vân một cõi?
___________________________________
Lăng Ngạo Thiên thực sự có cảm tình với Đoạn Lãng. Có lẽ là vì Đoạn Lãng không hề liên quan gì đến vận mệnh “phong vân tề tụ hết vẫy vùng”, thậm chí còn là kẻ thù lớn của Phong Vân trong nguyên tác, rất thích hợp để khắc chế Phong Vân.
Lăng Ngạo Thiên biết, rút cuộc có thay đổi được vận mệnh hay không, phải chờ đến ngày đó mới biết. Tuyệt đối không thể gửi gắm mọi hy vọng vào người khác, Lăng Ngạo Thiên luôn tin rằng muốn có được cái gì thì phải dựa vào mưu trí cùng cách thức của bản thân.
Đoạn Lãng không thể nghi ngờ là một lựa chọn rất tốt cho vị trí đệ tử, chẳng những tư chất có thể sánh với Phong Vân, mà còn có chung kẻ địch vận mệnh với Hùng Bá. Địch của địch tất nhiên là bạn rồi.
Hơn nữa, Lăng Ngạo Thiên đánh giá cao chính tính cách của Đoạn Lãng. Khác với Bộ Kinh Vân ngoài mặt lạnh lùng thực chất nội tâm nhạy cảm tinh tế, Đoạn Lãng thực sự là một người tàn nhẫn. Bộ Kinh Vân vốn là người mềm lòng, từ cách đối xử với Đoạn Lãng trong nguyên tác là có thể nhìn ra được điểm này. Từ trước đến giờ, Đoạn Lãng ghét cay ghét đắng, thậm chí căm hận kiểu người như Bộ Kinh Vân, nhưng thực tế thì Bộ Kinh Vân cứu mạng Đoạn Lãng đến mấy lần. Sau cùng, Bộ Kinh Vân còn tha cho kẻ thù lớn nhất của mình là Hùng Bá lúc đó đã rơi vào bước đường cùng. Còn Đoạn Lãng thì sao? Hắn với Nhiếp Phong từ nhỏ thân nhau như anh em, Nhiếp Phong cũng giúp hắn rất nhiều. Vậy mà Đoạn Lãng chẳng hề do dự báo cho Độc Cô Nhất Phương biết hành tung của Nhiếp Phong, thế có khác nào đẩy Nhiếp Phong vào chỗ chết!
Đoạn Lãng cũng khác Nhiếp Phong. Nhiếp Phong lương thiện mềm lòng, còn Đoạn Lãng thì trở mặt vô tình bất cứ lúc nào. Cho nên, sau này đối đầu với Phong Vân, Đoạn Lãng dồn mọi sức lực đuổi giết Phong Vân, còn Phong Vân thì nhiều lần buông tha khi có cơ hội giết hắn. Lăng Ngạo Thiên cho rằng, nếu Phong Vân không có hào quang của nhân vật chính, thì không biết đã chết bao nhiêu lần từ bao giờ rồi. Còn Đoạn Lãng, đến lúc sắp chết trong tay Phong Vân mà còn có thể lôi chuyện cũ ngày bé ra chơi trò tình cảm, cuối cùng thành công đào thoát, sau khi chạy thoát thân thì ngay lập tức phái sát thủ đối phó Phong Vân. Cái tính tàn nhẫn tráo trở quyết đoán đến vậy quả thật khiến Lăng Ngạo Thiên rất tán thưởng.
Đoạn Lãng rất giống Lăng Ngạo Thiên. Có điều, Đoạn Lãng càng bất chấp thủ đoạn, liều lĩnh hơn Lăng Ngạo Thiên. Mặt khác, Đoạn Lãng có một đặc điểm khiến Lăng Ngạo Thiên kiêng kỵ, đó là Đoạn Lãng không bao giờ nhớ tình xưa nghĩa cũ, kể cả có đại ân đại đức với hắn, đừng nói là cản đường hắn, chỉ cần hắn thấy ngứa mắt thôi là sẽ giết không tha!
Cho nên Lăng Ngạo Thiên hiểu rằng, đối xử với loại người này không thể giống như với Phong Vân được. Nếu biết cách dùng, thì hắn sẽ là một quân cờ hữu ích; nếu không cẩn thận, thì có thành nuôi ong tay áo cũng không ngạc nhiên.
Đối với Bộ Kinh Vân, Lăng Ngạo Thiên dùng cách quan tâm săn sóc mưa dầm thấm đất. Đối với Nhiếp Phong, Lăng Ngạo Thiên chỉ cần tiếp tục duy trì hình tượng nhân từ trượng nghĩa là được, bởi bản thân Nhiếp Phong là người như thế. Chẳng qua Nhiếp Phong với Lăng Ngạo Thiên là người chân thành kẻ giả dối thôi. Nhiếp Phong sẽ rất vui lòng giúp đỡ bảo vệ chính nghĩa giang hồ, Lăng Ngạo Thiên cũng vui vẻ vì có một đệ tử nhân hiệp trượng nghĩa chân chính giúp hắn xây dựng hình tượng tốt đẹp.
Còn Đoạn Lãng, đương nhiên Lăng Ngạo Thiên cũng sẽ tốt với hắn, có điều đôi chút chân thành sẽ đổi thành lợi ích. Với tiểu nhân thì phải dùng lợi. Chỉ khi làm Đoạn Lãng hiểu rõ, đi theo Lăng Ngạo Thiên mới có lợi, mới có cơ hội khôi phục vinh quang nhà họ Đoạn, Đoạn Lãng mới đồng ý bán mạng cho Lăng Ngạo Thiên.
Trong suy nghĩ của Lăng Ngạo Thiên, Tần Sương danh vọng rất cao, tính hình khoan dung đôn hậu, là một nguời thừa kế tốt; Bộ Kinh Vân giá trị vũ lực cao, có thể công thành đoạt trại, thích hợp đóng vai trò đại tướng quân; Nhiếp Phong lương thiện hiệp nghĩa, đóng vai sứ giả bảo vệ chính nghĩa là thích hợp nhất, vừa hay làm đại diện cho Thiên Hạ Hội kiêm khâm sai đại thần; còn Đoạn Lãng thì thích hợp sắm vai “Bóng Tối”, làm những việc không thể công khai. Đương nhiên, Lăng Ngạo Thiên sẽ không để hắn nắm trong tay thế lực nào, những việc bí ẩn tuyệt mật vẫn giao cho Ám Vệ làm. Đoạn Lãng không đáng để tin tưởng hoàn toàn.
Tất nhiên là Lăng Ngạo Thiên có cảm tình với Đoạn Lãng, nhưng đi kèm với đó là kiêng kỵ. Bởi vì Đoạn Lãng với Lăng Ngạo Thiên cùng một giuộc. Cho nên, Lăng Ngạo Thiên tuyệt đối sẽ không cho Đoạn Lãng cơ hội vung cánh bay cao. Nếu có ngày đó thật, thì Đoạn Lãng còn đáng sợ hơn cả Phong Vân.
Nhưng bây giờ chưa cần phải nghĩ quá nhiều. Đoạn Lãng mới chỉ là một đứa bé chưa đầy tám tuổi, còn chưa trải qua kiếp sống nô bộc chịu nhiều tủi nhục suốt bao năm trời ở Thiên Hạ Hội như trong nguyên tác. Có lẽ sau này trở thành đệ tử của Lăng Ngạo Thiên, biết đâu Đoạn Lãng sẽ không tàn ác máu lạnh như vậy cũng nên.
___________________________________
(1) Thời kỳ Ngũ Đại Thập Quốc: một thời kỳ trong lịch sử Trung Quốc, kéo dài từ năm 907 đến 979, từ sau khi triều Đường diệt vong đến khi nhà Tống thống nhất lãnh thổ Trung Quốc.
- -----oOo------