Võ học mênh mang không biết đâu là bờ là bến. Lăng Trung Ngọc lựa chọn những yếu quyết tối quan trọng giảng giải cho Long Chính Phong vài chục khẩu quyết.
Trí nhớ của Long Chính Phong rất tốt, chàng chỉ giảng mấy lượt là gã thuộc lòng ngay.
Trong vòng nửa tháng gã thu lượm được kết quả rất khả quan so với những điều sở học mấy năm trước bằng những chiêu thức rối loạn phức tạp nay đã hơn nhiều.
Lăng Trung Ngọc truyền thụ xong nói :
- Ngươi ráng sức tự rèn luyện lấy tất có cơ thành tựu. Ta đi đây!
Rồi không chờ Long Chính Phong trả lời chàng bật lên tràng cười ha hả ngâm câu thơ :
Tung hoành đây đó gươm cùng trượng.
Ngoảnh mặt lên trời giọng hát ngao.
Lăng Trung Ngọc phất tay áo một cái vọt người đi. Tiếng cười chưa dứt mà bóng sau lưng chàng đã khuất dạng vào trong rừng rậm.
Long Chính Phong vẫn còn nghe tiếng cười vọng lên không. Gã lẩm bẩm :
- Lăng đại hiệp đúng là một kỳ nhân!
Tần Tố Hà thở dài nói :
- Y là một quái nhân, một quái nhân cô độc...
Lăng Trung Ngọc chia tay cùng Long Chính Phong rồi, trong lòng rất phiền muộn. Chàng ám trợ cho gã nổi danh tức là gián tiếp tác hợp cho gã thành duyên đôi lứa với Tần Tố Hà. Chàng rất lấy làm đắc ý về việc này nhưng lại buồn cho thân thế mình cô độc nay đây mai đó phiêu bạt giang hồ, không khỏi bâng khuâng trong dạ.
Lăng Trung Ngọc không hiểu tại sao hình bóng Lãnh Sương Quân cứ hiển hiện lên trong đầu óc, khiến chàng canh cánh bên lòng không lúc nào khuây.
Chàng lẩm bẩm :
- Sư phụ ta suốt đời luyến ái Thúy Vi tiên tử mà còn chịu ân sâu của bà. Trong võ lâm bà cũng là người thứ nhất mà ta đem lòng khâm phục. Nay ta biết tin bà đã qua đời tưởng cũng nên đến điếu tế trước phần mộ bà một chuyến.
Thực ra chàng đã tìm cớ để tự dối mình. Dĩ nhiên chàng rất đem lòng tôn kính Thúy Vi tiên tử song chàng đến tế điếu mộ phần bà còn có ý mong được gặp Lãnh Sương Quân.
Núi Thanh Thành thuộc về địa giới tỉnh Tứ Xuyên, Lăng Trung Ngọc dời khỏi núi Đông Bình tỉnh Sơn Đông, đi gần một tháng trời, chàng theo Nam bộ tỉnh Sơn Đông tiến vào tỉnh Hà Nam qua sông Hoàng Hà rồi men theo dãy núi Thái Hằng đi về phía Tây, muốn xuyên qua tỉnh Hồ Bắc để vào Tứ Xuyên.
Hôm ấy, trời đã hoàng hôn, Lăng Trung Ngọc tới một thị trấn nhỏ. Chàng toan đi thêm một độ đường nữa, nhưng vô tình chàng ngó thấy hai con tuấn mã trước cửa một khách điếm. Ngựa này cổ dài chân ngắn, bốn vó trắng như tuyết.
Đúng là giống Đại Uyển đã nổi danh.
Lăng Trung Ngọc rất lấy làm kỳ, bụng bảo dạ :
- “Chủ nhân con ngựa này tất từ ngoài quan ải tới đây. Họ là ai vậy? Âu là ta ở lại đây coi”.
Thế rồi chàng vào trọ trong khách điếm.
Cơm tối xong, Lăng Trung Ngọc ngồi luyện công chờ đến canh ba chàng rón rén trở dậy đi nhòm trộm vào mấy gian phòng nhỏ thì thấy khách trọ đều không có vẻ gì khả nghi. Sau cùng lần đến gian tận đầu đằng Đông chàng vừa lần mò tới cửa sổ, bỗng nghe trong phòng có tiếng thóa mạ :
- Cái quái vật Lăng Trung Ngọc mà chết là xong chuyện.
Lăng Trung Ngọc giật mình kinh hãi tự hỏi :
- “Ai ở trong phòng này? Họ đã phát giác tung tích mình rồi chăng? Nếu vậy thì võ công họ tất cao thâm hơn mình”.
Lại nghe tiếng người khác nói :
- Thành Điếu! Sao ngươi lại mắng người lúc vắng mặt?
Người nói trước cãi :
- Chẳng mắng gã thì mắng ai? Tiểu sư thúc thử nghĩ coi. Hảo sự của sư thúc tới ngay chưa thành tựu chẳng tại gã thì còn tại ai? Hừ! Chẳng hiểu gã còn sống hay đã chết rồi?
Lăng Trung Ngọc nghe tới đây chợt tỉnh ngộ. Chàng lẩm bẩm :
- Té ra người trong nhà này chưa phát giác ra hành tung của mình mà chúng chỉ bàn tán lén chuyện mình.
Có điều khiến cho chàng nghi hoặc là nghe thanh âm hai người này đều không phải người quen thì vì lẽ gì họ lại thóa mạ chàng?
Chợt nghe người thứ hai lại lên tiếng :
- Ta lại mong cho Lăng Trung Ngọc vẫn còn sống ở thế gian nếu không thì sư muội ta phải thương tâm suốt đời.
Người nói trước đáp :
- Tiểu sư thúc! Tiểu điệt nói thiệt sư thúc đừng buồn. Sư thúc hãy còn có chỗ ngây ngô. Lăng Trung Ngọc mà chết thật rồi, tin đồn đích xác không còn chỗ nghi ngờ thì chẳng lẽ tiểu sư cô cứ ở góa suốt đời hay sao? Chà! Sư thúc có biết rằng sư tổ vừa ý sư thúc hay không? Tiểu điệt đã nghe lão nhân gia tính đến thân sự của Quyên Quyên sư cô với mẫu thân y.
Lăng Trung Ngọc vừa nghe đến tên Quyên Quyên khác nào bị điện giật.
Hình bóng một cô gái xinh đẹp và hoạt bát lập tức hiện lên trong đầu óc. Chàng nhớ cả lại tình trạng lúc thiếu thời ở giáp vách với cô ta.
Bây giờ chàng đã đoán ra lai lịch hai người trong phòng. Gã kêu bằng Thành Điếu là đệ tử của Đinh Binh Thạch mà Đinh Binh Thạch là con trai Thiên Sơn thần hiệp.
Tên gã là Chu Thành Điếu. So với Cảnh Quyên Quyên gã vào hàng hậu bối. Còn người nữa thanh âm tuy cũng non nớt song là đệ tử độc nhất của Thiên Sơn thần hiệp Địch Long, tên gọi Ngụy Tô.
Chàng tự hỏi :
- “Không hiểu Cảnh Quyên Quyên đã qui đầu làm môn đệ phái Thiên Sơn từ bao giờ?”
Bỗng nghe Chu Thành Điếu nói tiếp :
- Hôm ấy tiểu điệt ở trong viện cùng Quyên Quyên tiểu sư cô luyện kiếm, sư tổ tiến lại thăm biểu cô Nhung Nhung để bàn việc hôn sự của tiểu sư cô. Lão gia có nói tới Lăng Trung Ngọc bị Kim Xà tôn giả đem đi mất tích đã lâu ngày, e rằng dữ nhiều lành ít. Có khi gã bị người tà đạo sát hại rồi. Lão gia muốn Quyên Quyên tiểu sư cô huề duyên cùng sư thúc. Không ngờ tối hôm ấy Quyên Quyên tiểu sư cô không chờ biểu cô Nhung Nhung nói lại với y, y đã bỏ xuống núi chuồn mất.
Ngụy Tô thở dài nói :
- Té ra Quyên Quyên sư muội vì thế mà bỏ trốn.
Chu Thành Điếu nói :
- Tiểu sư thúc! Sư thúc bất tất phải buồn phiền. Tiểu sư cô hạ sơn là để thám thính Lăng Trung Ngọc lạc lõng nơi đâu. Khi y tìm khắp nơi không thấy Lăng Trung Ngọc và biết đích gã chết rồi thì chẳng lẽ y suốt đời ở vậy chăng?
Ngụy Tô buồn rầu không nói gì.
Chu Thành Điếu lại nói :
- Tiểu điệt tức quá! Thắng tiểu tử Lăng Trung Ngọc ngay từ thuở nhỏ đã như một đứa ăn xin mà lại xuất thân ở phe tà đạo. Thế mà không hiểu sao Quyên Quyên sư cô lại ưng gã được. Gã chết thì chẳng cần gì nhưng khổ cho chúng ta phải đi tìm kiếm Quyên Quyên.
Ngụy Tô thở dài lắc đầu :
- Tiểu sư muội bỏ đi đã quá nửa năm mà chẳng thấy tin tức gì? Hỡi ơi! Y là một cô gái nhỏ tuổi một mình len lỏi vào chốn giang hồ đầy nguy hiểm. Ta chỉ cầu sao cho nàng được vô sự.
Chu Thành Điếu cười nói :
- Tiểu sư thúc đối với tiểu sư cô có một mối thâm tình như vậy, đáng tiếc là y không biết tới. Thực ra sư thúc bất tất phải quan tâm. Võ công sư tổ đứng vào bậc nhất thiên hạ, bản lãnh tiểu sư cô cũng chẳng kém gì bọn ta. Trên chốn giang hồ thắng y phỏng được mấy người? Huống chi còn ai không biết oai danh phái Thiên Sơn ta mà dám dây vào?
Lăng Trung Ngọc đứng ngoài nghe, chàng ngây người tự nghĩ :
- “Không ngờ Quyên Quyên lại thâm tình với ta đến thế? Đã bao nhiêu năm mà nàng vẫn không đổi dạ. Chà! Anh chàng họ Ngụy kia cũng không phải con người tồi bại còn thằng cha họ Chu thì thật là khả ố!”
Lúc này Chu Thành Điếu ở trong nhà vẫn còn ba hoa không ngớt. Gã vừa thóa mạ Lăng Trung Ngọc vừa chế giễu Ngụy Tô.
Lăng Trung Ngọc tức mình, cúi xuống rảnh bốc một nắm bùn. Chàng xé giấy dán cửa sổ rồi giơ tay lên một cái. Nắm bùn liệng trúng miệng Chu Thành Điếu.
Hiển nhiên đột ngột này khiến hai người trong phòng phải một phen bở vía giật nẩy mình lên.
Ngụy Tô nhắc thanh kiếm treo trên vách lập tức vọt ra khỏi cửa sổ.
Chu Thành Điếu cũng nhảy ra theo gã móc cục bùn trong miệng ra, phẫn nộ đến cùng cực liền ngoác miệng thóa mạ :
- Mẹ nó! Quân chó má nào ở đâu tới đây mà dám lớn mật trêu cợt thiếu gia?
Tiếng thóa mạ chưa dứt thì lại nắm bùn khác bay tới, Chu Thành Điếu vội nghiêng đầu né tránh. Ngờ đâu nắm đất bùn vừa ẩm ướt vừa hôi thối dường như có linh tính, nó cũng đi chênh chếch lọt vào miệng Chu Thành Điếu. Chu Thành Điếu xuýt nữa nôn ọe thốc cơm ra.
Lăng Trung Ngọc cố ý để lộ hành tung cho bọn họ rượt theo, chàng dẫn dụ hai người ra khỏi thị trấn, thỉnh thoảng lại liệng một hòn đá nhỏ hoặc miếng đất bùn để trêu cợt hai người cho thỏa thích.
Khinh công của Lăng Trung Ngọc cao thâm hơn đối phương nhiều. Chu Thành Điếu và Ngụy Tô đuổi theo chỉ thấy bóng sau lưng chàng mà không sao theo kịp. Hai người toan thôi thì nắm bùn hoặc viên đá lại bay tới.
Chu Thành Điếu lớn tiếng chửi bới đến kiệt lực mệt nhoài.
Ngụy Tô thấy tình hình này liền động tâm tự hỏi :
- “Chẳng lẽ người này lại là Lăng Trung Ngọc?”
Y còn đang ngẫm nghĩ bỗng nghe tiếng hú chói tai. Bóng người phía trước đã mất tăm không còn thấy đâu nữa.
Lăng Trung Ngọc quanh ra nẻo đường khác về khách điếm trước. Chàng vừa đi vừa cười thầm lấy làm thỏa thích.
Ngờ đâu chàng vừa bước vào phòng đã thấy một cành ngọc thoa lóng lánh đặt trên chiếc kỷ nhỏ trước giường, chàng không khỏi sửng sốt, biến sắc.
Lăng Trung Ngọc cầm lên coi thì là cành ngọc thoa hình con bướm trông có vẻ đặc biệt. Trên mặt thoa khắc chữ “Quyên” nhỏ. Đúng là đồ trang sức cài đầu của Cảnh Quyên Quyên.
Trong lòng rất đỗi hoài nghi, chàng coi kỹ cành thoa ngọc thấy có chút vết máu thì tự hỏi :
- “Chẳng lẽ Quyên Quyên đến đây tìm ta? Nàng bị thương rồi chăng? Hay nàng làm thế này để đã tỏ ra biến tâm?”
Lăng Trung Ngọc nhìn cành thoa ngọc mà chẳng khác gì đối diện với Cảnh Quyên Quyên. Chàng hình dung cặp mắt nàng ai oán, trong lòng cũng cảm thấy thê lương vô hạn.
Lăng Trung Ngọc khẽ buông tiếng thở dài tự hỏi :
- “Chẳng lẽ đây là Hoàng thiên đã bày ra mối tình nghiệt này, con người không thể tránh thoát được?”
Bỗng nghe trên nóc nhà có tiếng động rất khẽ vọng xuống, Lăng Trung Ngọc động tâm tự hỏi :
- Ai đi trên nóc nhà? Chẳng lẽ Quyên Quyên đã tới?
Chàng việc dậy chuồn ra khỏi cửa sổ vọt lên nóc nhà, bỗng thấy một bóng đen lướt qua. Bóng đen này không phải hình dạng đàn bà con gái.
Chớp mắt bóng đen đi tới gian phòng tận đầu mé Đông, Tức gian phòng của Ngụy Tô và Chu Thành Điếu.
Lăng Trung Ngọc len lén đi theo thấy bóng người kia dán mắt nhòm qua cửa sổ vào trong phòng. Bỗng bóng đen khẽ la một tiếng :
- Ô hay!
Tựa hồ phát giác ra trong phòng không có người và lấy làm kinh ngạc.
Lăng Trung Ngọc không chờ bóng đen quay đầu lại, dùng thủ pháp sét nổ không kịp bưng tai điểm vào ba huyệt đạo dưới cạnh sườn đối phương. Chàng xoay mặt hán tử lại quát hỏi :
- Ngươi là ai? Tìm gì ở đây?
Hán tử sợ quá, ngây mặt ra.
Lăng Trung Ngọc cầm cành thoa khoa vào mặt gã hỏi :
- Có phải ngươi cầm cành thoa ngọc này tới đây không?
Hán tử kia dương cặp mắt lên tỏ vẻ rất kinh dị!
Lăng Trung Ngọc hắng dặng một tiếng, chàng đưa cành thoa vào tận trước mắt hán tử quát :
- Ngươi nói thực mau đi! Không thì ta chọc mù mắt ngươi đó!
Hán tử la :
- Úi cha! Phải chăng ngươi là đệ tử phái Thiên Sơn?
Lăng Trung Ngọc cười lạt đáp :
- Ta là Kim Xà sứ giả.
Kim Xà tôn giả tính tình quái dị vô cùng mà thủ đoạn cực kỳ tàn độc. Hồi còn thanh niên lão qua lại giang hồ hễ gặp người bướn bỉnh một chút thì bất luận chính hay tà lão cũng hạ sát vì thế trên chốn giang hồ đều sợ lão như sợ Diêm Vương.
Hán tử vừa nghe đến hai chữ “Kim Xà” đã bở vía, sắc mặt tái mét, toàn thân run bần bật, gã đáp :
- Tại hạ không dám thám thính gì lão nhân gia, tại hạ vâng mệnh theo dõi hành tung một người đàn bà.
Lăng Trung Ngọc hỏi :
- Người đàn bà đó hình dạng thế nào?
Hán tử giọng nói vẫn run run đáp :
- Tại hạ... không biết...
Lăng Trung Ngọc lại hỏi :
- Phải chăng y họ Cảnh và là nữ đệ tử phái Thiên Sơn?
Hán tử ấp úng :
- Không, không phải.
Lăng Trung Ngọc lại vung cành thoa lên hỏi :
- Ngươi có nhận được cành thoa ngọc này không?
Hán tử đáp :
- Vật đó là người đàn bà kia đã lấy cắp trong trang tại hạ.
Lăng Trung Ngọc rất lấy làm kỳ tự hỏi :
- “Cành thoa ngọc này của Quyên Quyên sao lại lọt vào tay kẻ khác? Người đàn bà mà gã muốn kiếm là ai?”
Lăng Trung Ngọc liền hỏi vặn :
- Ngươi vâng lệnh ai đi đuổi người?
Hán tử run lên đáp :
- Đào...
Gã vừa thốt ra một chữ “Đào” đột nhiên rú lên một tiếng thê thảm, ngã quay xuống đất chết ngay lập tức.
Lăng Trung Ngọc là một tay cao thủ về phóng ám khí.
Lúc hán tử thốt ra chữ “Đào” không đầy nháy mắt đã nghe tiếng ám khí rất nhỏ xé bầu không khí bay tới, nhưng chàng chỉ kịp tự mình tránh mũi Mai Hoa châm, chứ không kịp cứu gã. Chàng không rảnh để vào phòng hai gã Ngụy, Chu lục soát, lập tức vọt ra ngoài.
Trong khoảng thời gian chớp nhoáng này người kia đã trốn xa ngoài một dặm.
Lăng Trung Ngọc theo Kim Xà tôn giả luyện tuyệt kỹ Kim Xà trùy từ thuở nhỏ nên tai mắt cực kỳ linh mẫn. Tiếng bước chân người kia rất nhẹ mà chàng cũng nghe rõ, cứ băng mình rượt theo. Chàng đuổi một hồi bỗng nghe phía trước có tiếng binh khí chạm nhau lát chát.
Lăng Trung Ngọc tăng gia cước lực tiếp tục chạy về phía trước thì thấy Ngụy Tô, Chu Thành Điếu đều sử dụng trường kiếm đang đánh nhau với một hán tử bịt mặt. Chàng toan tiến lại thi triển thủ pháp bắt sống hán tử, bỗng nghe gã la lớn :
- Người đằng sau mới là Lăng Trung Ngọc. Các ngươi ngăn cản ta làm chi?
Chu Thành Điếu quay đầu nhìn lại la thất thanh :
- Trời ơi! Quả Lăng Trung Ngọc đây rồi! Hay lắm! Bữa nay thiếu gia liều mạng với ngươi.
Hán tử bịt mặt nhân cơ hội này chạy nhanh như bay tẩu thoát.
Lăng Trung Ngọc toan băng mình rượt theo nhưng bị Ngụy Tô và Chu Thành Điếu chém tới. Chàng lạng người tránh khỏi cười đáp :
- Ngươi muốn liều mạng nhưng lúc này ta không rảnh để bồi tiếp...
Chàng chưa dứt lời bỗng thấy hàn quang lấp loáng. Chu Thành Điếu phóng kiếm chênh chếch đâm tới. Chiêu kiếm này kỳ bí khôn lường nhằm đâm vào bụng Lăng Trung Ngọc.
Lăng Trung Ngọc ồ một tiếng rồi nói :
- Thằng lỏi này cũng khá đấy! Thảo nào ngươi dám ngông cuồng.
Chàng búng ngón tay giữa trúng vào thanh kiếm đối phương bật thành tiếng “keng”. Thanh trường kiếm của Chu Thành Điếu xuýt tuột khỏi tay gã văng đi.
May ở chỗ Ngụy Tô phóng kiếm vào quảng không, hắn liền phóng chiêu thứ hai.
Chiêu này là “Thương Hải Nhị Túc” trong Tu Di kiếm thức.
Nguyên kiếm pháp phái Thiên Sơn rất tinh thâm, chiêu này kiêm cả công lẫn thủ. Tinh hoa của Thiên Sơn kiếm pháp là ở chiêu này.
Ngụy Tô tuy chưa đủ nội lực song phóng chiêu ra cùng văng vẳng có tiếng phong lôi.
Thực ra Lăng Trung Ngọc có thể đoạt được thanh trường kiếm của Chu Thành Điếu dễ dàng nhưng sợ kiếm quang của Ngụy Tô chụp xuống người mình.
Chàng chỉ dùng “Đại Nã Di thân pháp” để tránh khỏi chiêu kiếm của Ngụy Tô.
Mũi kiếm của gã còn cách nửa tấc mới đâm trúng Lăng Trung Ngọc.
Chu Thành Điếu la lên một tiếng :
- Thật là đáng tiếc!
Gã lại chống kiếm tiến lại phối hợp với Ngụy Tô liên thủ tấn công Lăng Trung Ngọc.
Lăng Trung Ngọc nóng lòng rượt theo người bịt mặt nhưng bị hai gã này động thủ liên công nếu không sử dụng binh khí thì không tài nào thoát ra được.
Lăng Trung Ngọc chuyển động thân hình tránh liền sáu bảy chiêu, chàng đã sử dụng mấy thứ thân pháp mà thủy chung không sao phá được vòng vây của hai gã Ngụy, Chu.
Chu Thành Điếu quát :
- Ngươi mà không rút binh khí ra thì đừng trách lưỡi kiếm của thiếu gia vô tình.
Lăng Trung Ngọc cười nói :
- Ta mà sử dụng binh khí thì e rằng các ngươi không chống nổi.
Chàng né tránh hai chiêu nữa rồi quát mắng :
- Ngươi là hạng tiểu bối ngu dốt ngông cuồng. Đáng lý ta phải đét vào đít ngươi. Nhưng ta nể mặt cô cô ngươi nên bữa nay tha cho một lần. Sao không cút đi cho lẹ?
Chu Thành Điếu tức giận đáp :
- Ngươi còn dám vác mặt về gặp cô cô ta nữa ư? Lêu lêu! Cóc ghẻ đòi ăn thịt ngỗng trời.
Lăng Trung Ngọc tức giận đáp :
- Giỏi lắm! Ngươi đòi chiến đấu thật ư?
Chàng vừa nói vừa vung thiết trượng lên.
“Choang” một tiếng rùng rợn! Hai gã Ngụy, Chu đều bị toạc hổ khẩu.
Đây là chàng còn nhẹ đòn sợ đả thương đến nội phủ hai gã nên chỉ vận dụng năm thành công lực Chu Thành Điếu học nội công chính tông phái Thiên Sơn. Tuy gã bị hất toạc hổ khẩu song còn chống đỡ được. Gã lớn tiếng :
- Lăng Trung Ngọc! Bản lãnh ngươi chẳng cao minh gì hơn bọn ta mà sao dám làm phách thế?
Lăng Trung Ngọc cười lạt :
- Thật là một thằng lỏi không biết gì!
Chàng cố ý để một chỗ sơ hở cho hai thanh kiếm của đối phương đánh tới.
Đột nhiên chàng vung thiết trượng ra phong tỏa. Chuôi trượng vừa vung lên đã nghe đánh choang một tiếng. Lập tức trường kiếm của Ngụy Tô bị hất văng lên không.
Lăng Trung Ngọc cười ha hả. Chàng vươn tay ra chụp nhanh như điện chớp.
Ngụy Tô vừa bị mãnh lực của chàng hất mạnh, người gã loạng choạng. Tuy gã thấy đối phương sấn lại mà không tránh kịp.
Lăng Trung Ngọc nắm lấy sau lưng gã liệng về phía trước nói :
- Thằng lỏi này không đáng ghét lắm. Ta miễn đánh đòn. Còn thằng họ Chu thì phải cho mấy roi vào đít mới được.
Ngụy Tô bị Lăng Trung Ngọc nắm chặt. Hắn ghê rợn cả người tưởng chừng không chết cũng bị trọng thương.
Ngờ đâu người gã lăn ra rồi, khi đứng dậy chẳng thấy gì, tựa hồ Lăng Trung Ngọc nắm lấy mình giơ lên rồi lại hạ xuống.
Ngụy Tô còn đang kinh ngạc, bỗng nghe mấy tiếng lách cách. Lăng Trung Ngọc đã chụp được thanh trường kiếm của Chu Thành Điếu. Chàng khẽ rung tay mà thanh kiếm cũng bị gãy làm hai đoạn.
Chu Thành Điếu chẳng còn hồn vía nào nữa. Gã toan trốn chạy nhưng còn kịp thế nào được? Gã bị Lăng Trung Ngọc hất xuống đất đè chân lên.
Lăng Trung Ngọc vung thiết trượng lên đập vào đít gã “chát chát” ba cái thật mạnh.
Chàng nổi lên một tràng cười. Lúc Ngụy Tô chạy lại tới nơi chàng đã khuất dạng.
Lăng Trung Ngọc đánh Chu Thành Điếu rồi, trong lòng rất hứng thú, chàng rượt theo về phía hán tử che mặt vừa chạy đi.
Đêm khuya canh vắng, Lăng Trung Ngọc chạy dưới bóng trăng chừng mười mấy dặm thì thấy phía xa xa là một hang núi, âm khí trùng trùng. Nơi đây có hơn hai chục nóc nhà họp thành một thôn trang.
Lăng Trung Ngọc nhìn về phía xa xa thì bốn bề tịch mịch. Ngoài mấy ngọn đèn lờ mờ, không thấy một bóng người nào.
Lăng Trung Ngọc trầm ngâm một lúc, chàng toan chạy đến thám thính bỗng nghe trong bụi lau gần đó có tiếng sột soạt. Chàng lắng tai thì đột nhiên có người lớn tiếng hô hoán :
- Thử xem ngươi ẩn đâu cho thoát? Này các anh em! Ta tìm thấy con ả nha đầu rồi!
Tiếp theo người này vỗ tay hai cái. Lập tức ba bóng người ba phía nhảy xổ ra.
Lăng Trung Ngọc chuyển động thân hình nhảy vọt lên ngồi trên ngọn cây lớn để rình. Chàng tự hỏi gã nói “ả nha đầu” là ai? Chẳng lẽ người nấp trong bụi lau kia là Cảnh Quyên Quyên.
Giữa lúc ấy một bóng đen từ trong bụi lau chuồn ra. Coi thân hình thì đúng là một phụ nữ. Tầm thước người này hệt như Cảnh Quyên Quyên.
Lăng Trung Ngọc trống ngực đánh thình thình. Chàng toan nhảy xuống để nhìn cho rõ thì nghe tiếng phụ nữ quát :
- Này! Loài tặc tử coi kiếm đây!
Khí giới chạm nhau choang choảng! Ba gã đại hán đều bị người đàn bà đẩy lui lại mấy bước.
Nghe thanh âm không phải Cảnh Quyên Quyên, Lăng Trung Ngọc lại thất vọng. Chàng định thần nhìn ra thì cô gái này bịt mặt bằng một tấm sa mỏng nên không thấy rõ diện mạo.
Lăng Trung Ngọc coi một lúc rồi tự hỏi :
- “Tuy nàng không phải là Cảnh Quyên Quyên, song bản lãnh chẳng phải hạng tầm thường. Không hiểu nàng là đệ tử của vị nào?”
Thiếu nữ này tuy kiếm pháp cao minh, song bản lãnh ba gã đại hán cũng không phải hạng kém cỏi. Chỉ trong chớp mắt hai bên qua lại ngoài hai chục chiêu mà chưa phân thắng bại.
Thiếu nữ bịt mặt dường như trong lòng nóng nảy. Nàng phóng kiếm theo thế liên hoàn ra chiêu cực kỳ thần tốc. Tuy kiếm pháp nàng lợi hại nhưng trong nhất thời ba đại hán không để sơ hở cho nàng thủ thắng được ngay.
Đại hán sử cây thanh đồng giản đứng giữa cười nói :
- Đào gia trang chúng ta khi nào chịu để cho ai tùy ý ra vào? Ngươi muốn trốn thoát nhất định không được đâu. Khôn hồn thì theo chúng ta về trại để nghe Trang chúa phát lạc, may ra còn thoát chết. Bằng cố ý quật cường thì không toàn tính mạng.
Thiếu nữ không nói gì, tiếp tục tấn công luôn mấy chiêu nữa.
Lăng Trung Ngọc bụng bảo dạ :
- “Thiếu nữ này đã vào Đào gia trang thì ta phải thám thính xem sao. Cứ coi kiếm pháp nàng thì ba hán tử kia không thể địch nổi. Có điều nàng nóng nảy quá thành ra đã bỏ qua mất mấy cơ hội thủ thắng”.
Lăng Trung Ngọc còn đang ngẫm nghĩ thì thấy thiếu nữ che mặt biến đổi kiếm pháp. So với trước nàng ra chiêu mãnh liệt hung hiểm hơn nhiều, dường như nàng liều lĩnh không nghĩ đến tính mạng mình nữa.
Hai bên đang kịch chiến, gã hán tử sử thanh đồng giản nhằm đúng chỗ sơ hở của đối phương, phóng giản đâm tới nghe đánh roạt một tiếng. Áo xiêm thiếu nữ bị rạch một đường.
Thiếu nữ kia đang lúc liều mạng, nàng nhân lúc thanh đồng giản chưa kịp thu về liền xoay tay phóng kiếm đâm trúng vào đầu vai hán tử.
Hán tử nổi giận đùng đùng, đột nhiên hú lên một tiếng dài để báo hiệu cho đồng môn đến tiếp viện.
Ngờ đâu tiếng hú vừa mới thốt ra thì cổ họng đột nhiên bị đau nhói làm cho gã câm miệng không phát thanh được nữa.
Nguyên Lăng Trung Ngọc ngấm ngầm động thủ. Chàng dùng Kim Xà trùy bắn trúng Á huyệt gã.
Thiếu nữ kia chẳng nói chẳng rằng. Nàng vừa thấy đại hán chưng hửng liền phóng kiếm chém gã chết liền.
Lăng Trung Ngọc từ trên cây nhảy xuống la :
- Xin để hai tên kia sống!
Tiện tay chàng lại phóng ra hai mũi Kim Xà trùy. Một mũi vào huyệt Mạch Môn của gã sử cây nhuyễn tiên. Còn một mũi trúng huyệt Nhũ Căn dưới vú hán tử sử đơn đao.
Hai gã rú lên một tiếng, binh khí của chúng đều tuột tay văng đi.