Tướng Quân Lấy Chồng - Nhiễu Lương Tam Nhật

Chương 11

Hoắc Thời Anh tỉnh lại lần nữa do tiếng cãi nhau ồn ào ở trong sân làm cho thức giấc, nàng ngồi dậy, nhìn thấy sắc trời bên ngoài đã tối hẳn, cổ họng khô rang khó chịu liền uống một ngụm trà, ngoài cửa vẫn vang lên những tiếng xôn xao huyên náo, nàng cầm theo tách trà chậm rãi đi ra.

Các phòng trong tiểu viện đều đã được thắp đèn, ánh sáng có hơi tù mù, cánh cửa tiểu viện mở toang, hai chiếc đèn lồng ở bên cạnh dẫn đường, cha nàng Hoắc Chân vừa hay đang đi tới trước cửa, Nguyệt nương đã đứng sẵn ở đó, cúi người hành lễ với Hoắc Chân: “Vương gia, ngài đến rồi.”

Trái ngược với sự quy củ của bà, Hoắc Thời Anh bưng tách trà đứng ngay ở bậc thang trước căn phòng chính, uống một ngụm rồi cứ thế đờ ra nhìn.

Hoắc Chân đi thẳng tới, Nguyệt nương như một con gà mái nhảy ổ hoảng loạn lượn lờ xung quanh ông: “Vương gia, ngài làm sao vậy?”.

“Đầu làm sao thế. Đánh nhau sao?”.

“Vết thương có nặng không? Có váng đầu không?”.

Hoắc Chân đi tới gần, cuối cùng Hoắc Thời Anh cũng nhìn thấy đúng là trên đầu Hoắc Chân đang quấn một vòng khăn trắng, chỗ trán vẫn còn loáng thoáng thấy vết đỏ đỏ, có vẻ như đã chảy máu.

Cha con đối mặt nhìn nhau, Hoắc Chân muốn nói gì đó, Hoắc Thời Anh nhìn thấy ông như vậy nhưng cũng không có ý định bước tới thỉnh an, cuối cùng Hoắc Chân ngoái cổ lại nói với Nguyệt nương: “Chỉ là vết thương nhỏ thôi, không sao đâu.” Nói một câu cho có lệ với bà xong liền nhấc chân bước vào phòng chính.

Hoắc Thời Anh đứng ở ngoài cửa không đi vào, chỉ toàn nghe thấy tiếng Nguyệt nương xoắn xuýt quanh cha mình: “Vương gia, có nghiêm trọng không, đầu có đau không?”.

“Đã đi khám đại phu chưa?”.

“Đại phu nói sao? Có cần phải kiêng khem thứ gì không?”.

“Không sao hết, bà đừng ở đây chạy loạn lên nữa, dọn cơm đi.”

Hoắc Thời Anh nghe Hoắc Chân nói câu này xong, cả căn phòng liền chìm trong yên tĩnh, sau đó Nguyệt nương vén rèm cửa lên, bước ra gọi người bày biện cơm canh, sau đó mới đi vào.

Bốn góc trong phòng đều đã được thắp đèn, Nguyệt nương dẫn theo người hầu bày cơm canh ra bàn, sau khi đuổi bọn họ ra ngoài xong, bà ở lại đứng đằng sau hầu hạ Hoắc Chân.

Hoắc Thời Anh đi tới ngồi đối diện với Hoắc Chân, một bàn vịt gà thịt cá toàn là những món Hoắc Thời Anh thích ăn, trước mặt Hoắc Thời Anh là một bát cơm, còn trước mặt Hoắc Chân là một bình rượu và một cái ly nhỏ.

Mọi quy tắc lễ nghi rườm rà hoàn toàn không hề có ở chỗ Hoắc Thời Anh, nàng bưng bát cơm lên bắt đầu ăn, Nguyệt nương múc từ trong chiếc nồi đất chứa đầy canh gà béo ngậy ra hai bát, bát đầu tiên đưa cho Hoắc Chân, bát thứ hai mới đưa tới trước mặt nàng, Hoắc Thời Anh ngẩng đầu liếc nhìn bà nói: “Người cũng ngồi xuống ăn đi.”

Nguyệt nương quay lại nhìn sắc mặt Hoắc Chân, Hoắc Chân gật gật đầu, bà mới rón rén ngồi xuống.

Hoắc Chân uống rượu, Hoắc Thời Anh ăn cơm, Nguyệt nương tuy ngồi nhưng cũng không thật sự ăn uống gì, thỉnh thoảng lại gắp thức ăn và rót rượu cho Hoắc Chân

Một bàn đầy thịt cá, cách làm tuy đơn giản, nhưng mùi vị đậm đà, những món nhiều dầu mỡ này vừa no bụng lại còn chống được đói, Hoắc Thời Anh thích nhất là ăn kiểu như thế, hai cha con không ai lên tiếng nói chuyện, bầu không khí căng như dây đàn, Hoắc Thời Anh ăn được lưng lửng dạ mới mở miệng hỏi Hoắc Chân: “Số binh lính rút khỏi doanh trại Lô Long của con, quay về được bao nhiêu người?”.

Lúc này Hoắc Chân đang uống rượu ngon, Nguyệt nương thấy sắc mặt ông vội vàng thu dọn bình và chén lại, rồi xới cho ông một bát cơm, đến khi ấy ông mới quay lại trả lời Hoắc Thời Anh: “Quay về được hơn một ngàn sáu trăm người, Lâm Thanh đã thu nhận sắp xếp lại toàn bộ rồi.”

“Ừm.” Hoắc Thời Anh ôm bát cơm đáp.

Hoắc Chân gắp một đũa thức ăn rồi lại nói tiếp: “Chuyện doanh trại Lô Long phá tan được hai vạn quân địch ta đã sai người báo lên triều đình rồi, để xem thử xem lần này có thể thăng một cấp cho con được không, con về nhà nghỉ ngơi vài ngày trước, đợi xem ý tứ bên bộ Binh thế nào, nếu như lần này có thể thuận lợi, thì việc con nắm giữ một vạn doanh kỵ binh cũng sẽ danh chính ngôn thuận hơn.”

Hoắc Chân thì nói, còn Hoắc Thời Anh thì vẫn cứ ăn, nàng nuốt đồ ăn trong miệng xong mới hỏi: “Người con cần vẫn đang kiếm cho con chứ?”.

Hoắc Chân nói: “Vẫn đang tìm, lần này trên đường rút lui đã kiếm được ba nghìn tử tù rồi, quân nô bên phía Lương Châu kiếm được một nghìn người, còn bên Dương Châu ta sẽ tìm lại cho con, xem xem có kiếm thêm được năm nghìn người nữa không.”

Hoắc Thời Anh trề môi nói: “Vẫn chưa đủ, còn thiếu nhiều.”

Tay Hoắc Chân khựng lại nhìn Hoắc Thời Anh, thấy nàng mãi không chịu ngẩng mặt lên, nói: “Ta sẽ tiếp tục nghĩ cách.”

“Ừ, phải nhanh lên.” Hoắc Thời Anh mồm tuy trả lời, nhưng từ đầu đến cuối không ngẩng đầu lên liếc nhìn Hoắc Chân hỏi: “Đầu người làm sao thế?”.

Hoắc Chân bưng bát cơm nói với vẻ không quan tâm: “Chiều nay đánh nhau một trận với Bùi bá bá của con.”

“Ồ? Bùi Thái thú sao? Người làm gì bá ấy?” Hoắc Thời Anh hỏi mà chẳng hề bận tâm.

Hai tay cầm bát và đũa của Hoắc Chân khựng lại nơi mép bàn, trong giọng điệu có chút bất lực: “Mấy năm trước triều đình liên tục điều động binh lính ở Tây Cương, trận chiến hai năm rồi rốt cuộc đã bình định được biên quan, nhưng trận đánh ấy cũng đã vét sạch quốc khố, triều đình chỉ lo tăng thêm binh lính ở Dương Châu, lương thảo gửi đi chỉ như muối bỏ biển, nếu không phải dọc đường ta cướp hết mấy trăm vạn tạ lương thực từ những hộ gia đình giàu có quyền thế ở cả ba châu là Lương Châu, Ký Châu, Duyệt Châu, thì sợ rằng binh lính Dương Châu đã nổi dậy làm phản từ lâu rồi.”

Bàn tay bưng bát cơm của Hoắc Thời Anh khựng lại giữa chừng, nhìn thấy Hoắc Chân phía đối diện đang thừ người, nàng xông ra được từ bờ bên này của Lương Châu được hai ngày thì đã hiểu ra tại sao khi đó Hoắc Chân cứ nhất định muốn nàng phải trấn thủ bằng được doanh trại Lô Long trong ba ngày, ông đã dùng thời gian ba ngày đó để làm cướp cạn, tất cả những hộ gia đình giàu có quyền quý trên đất Lương Châu đều bị quân Lương Châu càn quét vét sạch như thương lái thu mua nông sản, bên này biên quan vừa động binh, thì lập tức quân Lương Châu tung ra tin sẽ rút lui, đương nhiên các hộ gia đình lắm tiền nhiều của nghe phong phanh tin này liền vội vàng dắt theo gia quyến bỏ chạy, chân trước bọn họ vừa đi thì Hoắc Chân chân sau dẫn người tới khuân hết tiền bạc, lương thực của nhà người ta. Dọc đường cả ba châu đều bị ông cướp sạch, quân Lương Châu chiến trận thì chưa thấy đánh, nhưng chạy thì nhanh nhất và cướp thì nhiều nhất, bọn họ trở thành mũi tiên phong của người Khương quay ra cướp của người mình trước tiên, binh mã ba châu này và các châu phủ khác khác đều tử chiến cùng thành trì suốt mấy trận, ôm mối hận đến ngứa cả răng với quân Lương Châu, oán khí lòng dân cũng ngút tận trời xanh.

“Người còn định cướp cả Dương Châu nữa à?” Hoắc Thời Anh hỏi ông. Chỉ thoáng chốc Hoắc Thời Anh đã nghĩ thông suốt được rất nhiều điều, thời đại này có thể làm một người đọc sách nhàn tản quả thực không dễ dàng gì, quan viên trong triều cơ bản đều là con cháu của đủ các họ tộc, Hoắc Chân cướp hết ba châu là đã đắc tội với ít nhất một phần ba quan viên trong triều rồi, mà vùng Giang Hoài của Dương Châu từ xưa đến nay là nơi sinh ra các bậc văn nhân, mỗi đợt khoa cử hàng năm cứ mười thí sinh cả nước đi thi thì có đến bảy tám người là xuất thân từ nơi đây, nếu Hoắc Chân thật sự cũng muốn cướp cả Giang Hoài, thì coi như ông đã đắc tội với toàn thể quan lại trong triều. Đây vốn dĩ không phải là việc Hoắc Chân nên làm, mà nên để vị hoàng đế đang ngôi trên ghế rồng kia làm mới đúng, nhưng hoàng đế không thể làm như vậy được, nếu làm quốc gia tất loạn, nhưng quốc gia không có tiền, lại còn phải đánh trận, vì thế Hoắc Chân đành làm thay cho hoàng đế, ông làm xong rồi sau đó sẽ thế nào? Đương nhiên sẽ phải gánh tội thay cho hoàng đế rồi, bất luận lần này trong cuộc chiến với người Khương ông lập được chiến công hiển hách đến mức nào, văn võ bá quan chắc chắn sẽ dẫm chết ông. Hoắc Chân coi như xả thân vì người khác, ông làm như vậy kết cục có lẽ sẽ vô cùng thê thảm, nhưng có thể ông sẽ được lưu danh sử sách, ánh mắt Hoắc Thời Anh nhìn Hoắc Chân chứa đầy vẻ kinh ngạc, nàng chưa bao giờ nhìn ra được khí phách danh thần trung nghĩa từ trên người phụ thân mình.

Chạm phải cái nhìn ngạc nhiên của con gái Hoắc Chân bật cười thoải mái, ông gẩy gẩy thức ăn trong bát nói: “Dương Châu nhất định phải cướp, có thể đuổi được người Khương đi không nơi đây chính là mấu chốt, ta rất hiểu con người Bùi bá bá của con, thời thiếu niên ông ấy là người cấp tiến, những năm làm quan đã mài mòn đi nhuệ khí của ông ấy, nhưng tâm huyết vẫn còn đó, nếu hôm nay ông ấy lịch sự khách khí với ta, thì chuyện này thật sự rất khó giải quyết, nhưng hôm nay ông ta lại táng cho một cái nghiên mực, nên ngày mai ông ấy sẽ mở tiệc đãi ta.” Hoắc Chân vừa nói vừa cười giảo hoạt.

Tâm trạng của Hoắc Thời Anh rất nặng nề, từ lúc gặp mặt đến giờ lần đầu tiên mở miệng gọi Hoắc Chân một tiếng cha: “Cha, vậy Hoắc gia thì sao?”.

Hoắc Chân nhìn nàng nở nụ cười bất lực: “Gia đình chúng ta cũng trấn thủ biên quan cho gia đình bọn họ suốt năm thế hệ rồi, đến đời ta coi như hết, con cháu đời sau thì phải xem tạo hóa của chính bản thân bọn họ, chỉ cần ta tiếp tục, Hoàng thượng niệm chút tình xưa thiết nghĩ sẽ không làm khó Hoắc gia đâu, huống hồ đại ca con là tỷ phu của người, nhị ca con thân thể không khỏe, kế thừa tước vị rồi nhiều nhất chỉ có thể giữ thành, sẽ không phải mối uy hiếp gì lớn, hơn thế chỉ cần con có chỗ đứng vững chắc trong triều, thì Hoắc gia sẽ không sụp đổ được đâu.”

Trái tim Hoắc Thời Anh như chìm xuống đáy, ngồi đối diện với nàng chính là cha nàng, ông có vô lý hơn nữa thì cũng vẫn là cha nàng, ông ấy trước sau trong ngoài đều đã suy nghĩ chu đáo, nhưng lại không hề nói đến kết cục của bản thân mình sẽ ra sao, đầu óc  nàng u ê và mấy miếng cơm nói: “Hôm nay có một người tới chỗ con, nghe nói là Tuần sát sứ Lương Châu, tên là Hàn Đường, lúc đó con có chút việc chưa nói được mấy câu ông ấy đã về rồi.”

“Ừ. Ta đã nghe Đường Thế Chương nói qua, ông ta tới Dương Châu được mấy ngày rồi nhưng ta không quan tâm đến việc đối phó với ông ta lắm, hôm nay ông ta chạy tới phủ Thái thú gặp đúng lúc ta với Bùi bá bá của con đang cãi nhau, Đường Thế Chương liền chỉ ông ta tới chỗ con, con người này không đơn giản đâu, thầy của con bảo ông ta tới chỗ con cũng là muốn xem xem con có thể tạo dựng quan hệ được với ông ta không, sau này khi con về kinh cũng tiện bề tiến lùi hơn.”

Hoắc Thời Anh nhớ tới tình cảnh lúc chiều, lòng nhủ thầm cuộc gặp gỡ không hẹn trước đó e là đã xong đời rồi, nàng không kể với Hoắc Chân chuyện của Nguyệt nương hồi chiều mà lảng sang chủ đề khác: “Lai lịch người này thế nào? Sao thấy không hề đơn giản tí nào?”.

Hoắc Chân bình thường ăn uống rất tiết chế, giờ đã ăn được kha khá, Nguyệt nương liền mang khăn tới cho ông, ông vừa lau miệng vừa cười nói: “Hàn Đường này ấy mà, nói ra thì ta và ông ta vốn dĩ có chung chút quan hệ sâu xa.”

Hoắc Thời Anh ngẩng đầu lên nhìn ông, Hoắc Chân vừa lau tay vừa kể cho nàng nghe: “Người này sinh ra ở Lương Châu, mười tám tuổi thi đỗ Tiến sĩ nhị giáp năm thứ hai mươi ba Gia Hy, ông ta đảm nhiệm chức vụ Quang lộc tự khanh khi mới có hai mươi bảy tuổi, gã này cũng được đấy chứ! Chức quan tòng tam phẩm, giỏi đúng không? Nhưng nếu con biết cha ông ta là ai thì sẽ không thấy giỏi nữa đâu.”

“Cha ông ta là ai ạ?” Hoắc Thời Anh lập tức thuận theo tình hình hỏi cha mình.

Hoắc Chân ngồi uống một ngụm trà Nguyệt nương vừa bưng lên nói với Hoắc Thời Anh như đang kể chuyện phiếm: “Cha của ông ta là Hữu tướng Hàn Lâm Hiên, ta và Hàn Lâm Hiên cũng có đôi chút quan hệ, Hàn Lâm Hiên vốn dĩ là nhân sĩ ở Giang Hoài, xuất thân từ Tiến sĩ, hơn ba mươi năm trước ông ta từng làm Thông phán Lương Châu, khi còn tại nhiệm từng đặc biệt tới phủ thăm hỏi gia gia con, gia gia con đã giới thiệu bọn ta với nhau, sau này cũng thường xuyên qua lại. Lúc ông ta còn làm Thông phán ở Lương Châu có quan hệ với một nàng hầu trong nhà ta, sau đó nàng hầu này bị chủ đuổi đi, mười tháng sau sinh ra Hàn Đường, lúc ấy Hàn Lâm Hiên đã được điều chuyển rời khỏi Lương Châu.”

(Thông phán là trưởng quan của các châu phủ chịu trách nhiệm giám sát những việc như vận chuyển lương thực, nhà cửa đất đai, thủy lợi, kiện tụng,..)

“Con nói thử xem ta và Hàn Lâm Hiên quen biết nhau như vậy, nếu như hồi đầu khi ta vừa đặt chân đến Lương Châu Hàn Lâm Hiên chào đón ta, thì thử hỏi con trai của ông ta ở Lương Châu có thể không chiếu cố ít nhiều không?”.

Lúc này Hoắc Thời Anh mới hiểu thì ra cha nàng nói mình và Hàn Đường có mối quan hệ sâu xa chính là ở chỗ này, liền ngấm ngầm bĩu môi.

Hoắc Chân uống một hớp trà tiếp tục nói: “Gia tộc bên phía nhà mẹ của Hàn Đường đã lụn bại từ lâu, nàng hầu bị bán đi lại rồi bị nhà chủ đuổi ra khỏi nhà, danh tiếng cũng đã mất rồi thì ai còn muốn quan tâm đến bà ta nữa, con cũng biết vùng Lương Châu này rồi đấy, đất đai hoang vu chiến loạn liên miên, bách tính đói khổ, nàng hầu này sa chân vào chốn lầu xanh, nhưng vẫn có thể nuôi Hàn Đường trưởng thành khôn lớn, còn cho ông ta ăn học đầy đủ, bản thân cũng lao lực mà chết từ sớm. Đúng thật là không dễ dàng gì.” Hoắc Chân thở dài một tiếng: “Mười tám tuổi Hàn Đường thi đỗ, khi ấy Hàn gia mới thừa nhận ông ta, cho vào trong gia phả, từ đó trở đi một đường thăng tiến, còn nghe nói ông ta sống chung nhà với Hàn Lâm Hiên cũng hòa hợp lắm.”

Hoắc Thời Anh nghe cha nàng nói xong, vùi đầu ăn cho hết bát cơm, sau đó đẩy cái bát sang một bên, nhìn đống thức ăn thừa trên bàn rũ mi mắt trầm tư, Hoắc Chân cầm tách trà bước đi thong thả trong phòng cho xuôi cơm dáng vẻ như một vị lão gia, Nguyệt nương dâng một cái khăn lên cho Hoắc Chân lau miệng, đến lúc ấy nàng mới sực tỉnh, bản thân cũng cầm lấy một cái khăn chấm chấm lên miệng.

Hoắc Chân đi hai ba bước đứng hiên ngang trước mặt Hoắc Thời Anh, nhìn nàng nói: “Trí tuệ, tâm địa của người này ra sao? Hoắc Thời Anh con tự hỏi bản thân mình xem có bằng được không?”.

Hoắc Thời Anh nhận lấy tách trà Nguyệt nương mang tới, khựng lại một thoáng rồi mới thành thực trả lời: “Nếu so về độ từng trải, quả thực con không bằng ông ta.”

Nguyệt nương bước tới thu dọn bàn ăn, Hoắc Thời Anh nhấc người đứng lên tránh chỗ cho bà, nàng vừa đứng dậy đi được hai ba bước vừa hay đi tới bên cạnh Hoắc Chân, Hoắc Chân nghiêng người qua nhìn rồi đột nhiên bật cười, một chân đá đá vào đầu gối nàng nói: “Thử xem xương cốt con cứng tới đâu? Cong lưng một lần coi có chết không? Ta cũng đâu có đối xử như thế với con, vậy mà giận dỗi ta suốt bao nhiêu năm.”

Hoắc Thời Anh đương nhiên coi như không xảy ra bất cứ chuyện gì, thậm chí còn không cả lắc lư, bước đi vững chãi về chỗ cũ ngồi.

Hai cha con chia ra người ngồi trên người ngồi dưới uống trà, Hoắc Chân thổi thổi vụn trà có trong chén rồi nói với Hoắc Thời Anh: “Tranh thủ hai ngày nghỉ ngơi này, con hãy giúp ta thăm hỏi người này đi, ta không có thời gian đối phó với ông ta.”

Hoắc Thời Anh bưng tách trà lên rũ mi mắt xuống đáp: “Thăm hỏi thì cũng đơn giản thôi, nhưng nên nói gì, không nên nói gì thì người nên nói trước với con.”

Hoắc Chân cũng không nhìn tới Hoắc Thời Anh, gần như không hề suy nghĩ chút nào trả lời rất nhanh: “Không cần phải giấu diếm điều gì hết, ông ta muốn thấy thứ gì thì con cho ông ta thấy thứ đó, ông ta hỏi vấn đề gì thì còn trả lời ông ta vấn đề đó, chẳng việc gì phải che che giấu giấu cả, còn nếu người ta không hỏi thì con cũng không cần phải sốt sắng nói nhiều làm gì, hiểu chưa?”.

Hoắc Thời Anh ngước đầu lên nhìn Hoắc Chân đang ngồi phía trên, ánh mắt có phần thâm trầm, nàng khẽ khàng đặt tách trà xuống mặt bàn nói: “Được, trong đầu con đã có tính toán rồi.”

Hoắc Chân cũng không nói gì thêm, gật gật đầu.

Nói xong chính sự, lập tức hai cha con chẳng còn gì để tâm sự, Hoắc Thời Anh vẫn nghiêm chỉnh ngồi im, sống lưng thẳng tắp như một cây thương, hơi cúi đầu xuống, dáng vẻ vô cùng phục tùng cung kính. Trong lòng Hoắc Chân vẫn còn muốn nói thêm vài chuyện khác nữa, nhưng đúng là khó mà mở miệng được, đứa con gái này của ông đúng là quá nghiêm túc.

Nói một cách thật lòng thì Hoắc Chân cho rằng mình quan tâm đến Hoắc Thời Anh nhất, ông có tới mười mấy đứa con, nhưng ngoại trừ hai đứa con trai do vương phi sinh ra thì những đứa khác ngay cả mặt mũi ra sao ông cũng chẳng nhớ, ông mang theo Hoắc Thời Anh tới biên quan từ khi con bé còn nhỏ, mười mấy năm trước con bé vẫn còn thân thiết với ông, nhưng kể từ khi ông để con bé chuyển ra ngoài cho nó sống một mình thì lại thành ra thế này, rất ngoan ngoãn nề nếp với ông, lại còn nghe lời nữa, nhìn ánh mắt thỉnh thoảng khi con bé nhìn mình, dường như có ý muốn cách xa, nhưng Hoắc Chân là người hiểu tâm tư phụ nữ nhất, nhìn tưởng như muốn cách xa thì thực ra là muốn dựa lại gần, chỉ là nếu ông thật sự lại gần, thì con bé sẽ lại càng trốn xa, giống như một cái thùng sắt bao xung quanh mình dáng vẻ đứng đắn nghiêm trang, lúng túng gượng gạo với ông suốt bao nhiêu năm qua.

Hoắc Chân thấy Hoắc Thời Anh từ đầu đến cuối cứ cúi mắt xuống như thế, bèn quay đầu lại nói với Nguyệt nương: “Đi ra nói với người ở bên ngoài, tối nay ta sẽ nghỉ lại đây, bảo bọn họ sáng sớm ngày mai tới đón ta.”

Hoắc Thời Anh cúi đầu uống trà, nhìn xuống ngón chân mình.

“Ối, vậy để ta đi ngay.” Nguyệt nương đáp lời bằng giọng giòn tan, bước chân phơi phới đi ra ngoài.

Nguyệt nương vừa đi ra thì Hoắc Thời Anh đã không còn muốn ngồi lại thêm nữa, nàng nhẹ nhàng đặt tách trà xuống bàn nói với Hoắc Chân: “Cha, người đi nghỉ đi, con đi đây.” Nói xong nàng đứng dậy định đi.

Nhưng vừa đi ra đến cửa Hoắc Chân đã gọi nàng lại: “Thằng bé chạy vặt hầu hạ con, tên là Tiểu Lục ấy cũng quay lại rồi, tạm thời ta để nó ở lại trong lều của ta, chỗ con còn cần nó hầu hạ nữa không, để ta bảo nó về?”.

Hoắc Thời Anh dừng bước, nói vọng lại: “Đưa qua đây đi ạ.” Sau đó vén rèm lên rồi đi thằng ra ngoài.

Hoắc Thời Anh bước ra cửa phòng chính đứng ở trước bậc thềm, phòng bếp đèn đuốc sáng trưng, Nguyệt nương đang sai bảo hai tên hầu đi đun nước nóng, chuẩn bị thùng tắm, dặn dò xong bà lại chân không chạm đất lướt nhanh trở lại, thắp đèn, xông hương, trải giường, cả người thoăn thoắt quay bên này xoay bên nọ giống như sắp sửa bay tới nơi. Hoắc Thời Anh đứng ở chỗ tối, bà quay lại cũng không trông thấy nàng.

Hoắc Thời Anh cứ đứng đó nhìn hồi lâu, trong lòng có chút buồn bực, nàng không muốn thấy Nguyệt nương như vậy, từ nhỏ Hoắc Thời Anh đã không có mẹ, nên coi Nguyệt nương như mẹ ruột của mình, nếu Hoắc Chân đối xử tốt với bà thì nàng cũng không có gì để nói, vấn đề nằm ở chỗ trước giờ dường như Hoắc Chân chưa từng coi trọng những người phụ nữ ở bên cạnh ông, chỉ là một nơi hoang vu như mảnh đất Lương Châu này khiến ông không rảnh rỗi mà thôi, tuy suốt mấy năm nay ông không hề cưới thêm một ai nữa, nhưng vũ nương ở biên quan, những cô gái người ta dâng tặng trước giờ ông chưa hề đoạn tuyệt, còn Nguyệt nương thì đã già rồi, liệu có phải nguyên nhân là ở nàng nên Hoắc Chân mới thỉnh thoảng tới nghỉ lại phòng của Nguyệt nương không, chuyện này nàng không muốn nghĩ sâu thêm nữa.

Hoắc Thời Anh hy vọng Nguyệt nương có thể sống có khí tiết thêm chút nữa, tuy rằng Nguyệt nương có thể biết hai chữ khí tiết viết như thế nào, nhưng ý nghĩa cụ thể ra sao thì có thể bà không hiểu lắm. Tương lai khi Nguyệt nương về già nàng sẽ chăm sóc cho bà, sẽ hiếu thuận với bà đến chết, nên nàng không muốn bà yếu ớt dựa dẫm vào Hoắc Chân như vậy, nhưng dường như bà lại thiếu mất sự mạnh mẽ và tính quật cường, có vài lời không thể nói quá thẳng, vì sẽ khiến người ta mất lòng, một người là cha mình, một người là mẹ mình, qua thêm một lúc lâu nữa mà trong tiểu viện vẫn rất ồn ào, Hoắc Thời Anh chán chẳng muốn nhìn tiếp, bèn dứt khoát tránh đi.

Hoắc Thời Anh không nói với ai tiếng nào đã ra khỏi tiểu viện, lúc đi còn nhẹ tay nhẹ chân đóng cửa tiểu viện lại, con ngõ bên ngoài tối om sâu hun hút, vẫn may còn có ánh trăng tỏa ra luồng ánh sáng lạnh lẽo cả một vùng.

Rẽ vào một góc, lại đi thêm mấy trượng nữa, vừa ra khỏi ngõ là tới một con phố, Giang Hoài ở Dương Châu từ cổ chí kim đã sầm uất nhộn nhịp, chờ thành miếng mồi ngon cho kẻ địch ngoại tộc ở phía bên kia sông thèm muốn, bên này vì số lượng dân tị nạn đổ xô tới nên ồn ào nhốn nháo hơn so với bình thường.

Hoắc Thời Anh chầm chậm thả bước trên phố, muốn tìm một nơi thật yên tĩnh, nhưng dân chạy nạn trên phố đi đi lại lại, quán rượu, nhà trọ, cửa hàng đều mở rộng thêm để tiện việc kinh doanh buôn bán, vẫn duy trì nhịp độ lúc thái bình thịnh thế, trong số những người đang qua lại ấy, có một thương nhân mặc trên người bộ quần áo bằng tơ lụa đứng trước quán rượu chào mời xã giao: “Lưu lão gia, Trương lão gia, vinh hạnh quá, lâu rồi không gặp.” Hoắc Thời Anh vừa đi vừa lắng nghe. Cũng có tốp năm tốp ba những người ăn xin ngồi co ro trong những chỗ tối ở góc phố, rất ít người chú ý tới những nơi xó xỉnh ấy, ánh mắt Hoắc Thời Anh dừng lại ở những chỗ đó bước chân cũng khựng lại, qua một lúc lâu nàng dời ánh mắt đi chô khác, tiếp tục đi.

“Hoắc Đô úy.” Hoắc Thời Anh nghe thấy có người gọi mình, nàng dừng bước quay đầu lại nhìn, bên dưới biển hiệu của một quán rượu, Hàn Đường đang khẽ mỉm cười với nàng. Mái hiên của quán rượu treo một chiếc đèn lồng rất to, ông ta đứng ở chỗ có ánh sáng, nở nụ cười thân thiện, và rất ưa nhìn.
Bình Luận (0)
Comment