Khu vực mộc nhân thung trận thứ ba này có thay đổi khác biệt rõ rệt, trong khi hai đứa tôi chưa kịp nhận ra, vẫn đang chờ mộc nhân tiến đến gần giáp công thì vun vút đã nghe những tiếng binh khí vụt chém vào không khí bên tai, chỉ khi cảm nhận được luồng gió đến gần chúng tôi mới nhận ra được đó là những cây trường thương. Xem như tính toán trước đây đã sai bét, tại sao lại không nghĩ ra cổ nhân đã chế tác được mộc nhân dụng kiếm, thì cũng dư sức để có thể chế thêm mộc nhân dùng thương chứ. Biết đâu còn có mộc nhân bắn cung tên hay nỏ thì chúng tôi đã sớm thành bầy nhím rồi, lúc này chỉ biết cố gắng né tránh đòn công của tám thanh trường thương hai bên thạch đạo. Do độ dài của thương và kiếm là khác nhau, lực tác động lên chúng tôi lúc này lớn hơn nhiều, nếu lúc trước có thể dùng cầm nã thủ cản những thế chém của kiếm, thì bây giờ tôi chỉ có thể lách người khỏi những đòn hiểm hóc mà thôi. A Lủ cũng rất khó khăn trong trận, vì khoảng cách đến mộc nhân là quá lớn, chúng tôi không có cách nào để chủ động tấn công, hơn nữa tư thế đánh của mộc nhân biến đổi liên tục không theo những trình tự nhất định như trước nữa, lúc thì đâm, khi thì chém chứng tỏ cơ quan lần này được thiết lập tinh vi hơn rất nhiều, tôi còn cảm thấy chúng đang phối hợp với nhau rất nhịp nhàng, trong khi tôi và A Lủ đã bắt đầu loạn, khi tránh đòn liên tục va vấp vào nhau đến khổ sở, bóng thương vẫn ngập trong không gian ấy như một cái lưới cá đã ụp vào thì chỉ có thể giẫy giụa cho đến kiệt sức mà thôi, có lần không tránh được, phải đưa tay lên đỡ và lãnh trọn một thương vụt tới làm xương tay tôi như muốn nứt ra, đau đớn không thể tả, còn A Lủ cũng đã bị đâm sượt qua mấy phát, áo quần rách tả tơi rươm rướm máu. Ngay khi tôi để ý Lủ mất cảnh giác, trong nháy mắt một thương đâm tới vô cùng hiểm hóc, lần này thì tiêu thật rồi, vợ còn chưa cưới đã phải về chầu ông bà, số tôi thảm rồi.
Trong tích tắc đó, tôi giật mình bởi tiếng súng nổ, nhìn lại thì thấy đầu thương đã cắm vào bụng, tuy nhiên có vẻ không sâu lắm, liên tiếp tiếng súng lại tiếp tục nổ đùng đoàng, khi tất cả chìm vào trong tĩnh lặng, đám mộc nhân cũng đã không còn tấn công tới nữa, chỉ nghe những âm thanh cạch cạch vang lên, các cơ quan đã bị lỗi không thể hoạt động được. Bên ngoài An đang cầm súng, giáo sư chiếu đèn kiểm tra lại đám mộc nhân, còn hai đứa tôi nằm bịch xuống đất thở hổn hển, cuối cùng cũng giữ lại được cái mạng nhỏ. An và giáo sư chạy đến cấp tốc kiểm tra vết thương cho chúng tôi, may thay cả hai đều chỉ bị thương ngoài da không có gì đáng ngại, cả người đau nhức tột độ, đây là lần đầu tiên chúng tôi mất nhiều sức như thế trong suốt chuyến thám hiểm, tôi nói với An:
- Sao cô không bắn sớm sớm một tí, chậm chút nữa thì lủng bụng tôi rồi.
- Xin lỗi…, em không nhớ ra có thể dùng súng thử, mà cũng nghĩ các anh sẽ giải quyết được dễ dàng…- An ngập ngừng phân bua.
Tôi mệt mỏi nên cũng không thèm chất vấn An nữa, tranh thủ thời gian mà nằm im nghỉ ngơi. Hai hàng mộc nhân vẫn rung lên cạch cạch nhìn chúng tôi đầy giận giữ, cánh tay chúng đã buông thõng xuống không thể đâm chém gì được nữa rồi. A Lủ cũng đã được An băng bó các vết thương, hầu hết là vùng ngoài da không đáng ngại nhưng số lượng khá nhiều. Nó rên hư hử đòi lấy rượu ra uống cho bớt đau, tôi cản lại vì rượu có thể làm loãng máu, sẽ chảy nhiều hơn và khó cầm máu được. Nằm nghỉ một lúc thấy đã đỡ hơn, vết đâm không ảnh hưởng nhiều lắm nên tôi đứng dậy cùng giáo sư tiến lên dò xét phía dưới. Lúc đèn pin rọi thấy một bức tượng lớn mang hình dáng tướng quân cưỡi ngựa, tôi nghĩ bụng lại gặp phải một ông đại mộc nhân nữa rồi, liền gọi An lại, định sẽ dùng súng bắn nát nó ra. Quan sát kĩ hơn, chúng tôi thấy bức tượng cũng được chạm trổ từ cây gỗ lớn, trên bức tượng hoàn toàn không có khớp nối nào, có nghĩa đây không phải là mộc nhân như tôi nghi hoặc. Con ngựa được đặt trên một bệ đá cao dáng chồm hai chân trước lên trong tư thế đang xung trận, vị tướng quân tay cầm kiếm chỉ về phía trước theo hướng chếch lên trời như khi chỉ huy trận đánh, áo bào phất phới trong gió, thần thái uy nghiêm vô cùng. Dưới bệ đá có khắc chữ Hán tự, giáo sư đọc chầm chậm xem xét rồi đọc lên:
- Ngô Tuấn - Lý Thường Kiệt, đây chính là tượng Lý Thường Kiệt được binh sĩ lập tượng thờ sống trong hang động này. Theo Phả hệ họ Ngô Việt Nam, nguyên danh của ông là Ngô Tuấn, có tự là Thường Kiệt. sau được ban quốc tính nên có tên là Lý Thường Kiệt. Ông là con của Sùng Tiết tướng quân Ngô An Ngữ, cháu của Ngô Ích Vệ, chắt của sứ quân Ngô Xương Xí và cháu 5 đời của Thiên Sách Vương Ngô Xương Ngập–hoàng tử trưởng của Ngô Quyền. Mọi người nhìn xem chung quanh có nhiều chén uống rượu đã vỡ, tôi có thể chắc chắn rằng đoàn binh sĩ sau khi hoàn thành việc chôn kho tàng đã hành lễ từ biệt ở đây, nghĩ thử xem uy vọng trong quân của Lý tướng quân phải lớn lắm mới nhận được sự kính trọng nhường này.
Tôi không biết nghi thức được cử hành trong quân đội ngày xưa, nhưng nghe giáo sư cảm khái cũng có thể tưởng tượng ra được cảnh các binh sĩ uống chén rượu thề rồi đập chén, hứa sẽ bảo vệ bí mật về kho tàng này như một cách thể hiện lòng trung quân ái quốc, một cảnh tượng vô cùng bi tráng mà khiến ai nghĩ đến cũng muốn mình sẽ là một trong số những người có mặt ở đó. Vượt qua thạch đao mộc nhân rồi, phía sau bức tượng lớn chắn ngang đường có một cửa động khác, tối đen hun hút, đã đến bước này thì chỉ còn cách tiến lên, đến đâu hay đến đó mà thôi. Thấy đèn pin của mình đã mờ nhạt chập chờn, tôi hỏi An:
- Cô có mang theo pin dự phòng không?
- Có, để em thay cho anh!
Đoạn An lấy trong ba lô đồ đạc lỉnh kỉnh ra mấy cục pin, lần lượt thay cho cả đoàn để đảm bảo chút ánh sáng nhỏ nhoi trong lòng thác tối tăm như hũ nút này. Sau khi được thay pin, tôi dẫn đường tiến vào cửa động, dặn A Lủ đi phía sau nhớ cẩn thận để phòng các tình huống có thể xảy ra, bản thân tôi không muốn đoàn phải mất thêm người nào nữa, và chắc chắn chỉ cần có chuyện xảy ra thì chuyến thám hiểm này coi như là thất bại, bắt buộc phải dừng lại. Động đá lần này cũng rộng rãi, đi đứng thoải mái hơn và không lo bị rớt xuống nước rồi bị cuốn đi mất xác. Giáo sư vừa đi vừa xem hai bên vách đá rồi khẳng định đây là một hang động do con người tu sửa từ dòng chảy nước ngầm cũ, có thể binh đoàn năm xưa đã cải tạo để thay đổi dòng và vận dụng sức nước vào hệ thống cơ quan, dấu vết dòng chảy bào mòn đá vẫn còn in trên vách động. Thần kinh chúng tôi căng ra đến tột độ, cơ thể thì rã rời vô cùng mệt mỏi, vừa đi vừa ngáp ngắn ngáp dài. Đi được một lúc thì thấy cảnh vật quen quen, tôi ngờ ngờ rằng mình đã đi qua rồi nên liền nói ra nghi vấn trong lòng, để đề phòng lạc đường giáo sư bảo tôi và Lủ dùng xẻng hoặc đao đánh dấu lên một vài chỗ dễ nhìn thấy rồi chọn đại hướng đi mà tiến tới. Cứ thế mỗi lần phải rẽ tôi liên tục đánh dấu lại. Lòng vòng một lúc thì gặp phải đường cùng, trước mắt chỉ là vực sâu không đáy tối đen nơi dòng nước cũ ngàn năm trước đổ xuống sông ngầm, chúng tôi lại lần mò quay ra, may mà lúc trước nghe theo giáo sư đánh dấu, cách đi của chúng tôi là theo nhánh rễ cây nhiều cấp, cứ gặp đường cụt thì quay trở lại dò xét lối đi tiếp theo khá mất thời gian, có lúc trở ra tôi bỗng có cảm giác giống như có bóng người vừa lướt qua mình, nhưng nghĩ bụng lúc vào đã là đường cụt rồi, làm gì có ai nào ở đó nữa mà khả năng do thần hồn nát thần tính trong lúc thần kinh căng thẳng quá mà thôi. Dù nghĩ bụng vậy nhưng khi quay ra đến chỗ rẽ, tôi vẫn đứng lại đánh dấu thêm một lần với ký hiệu của riêng tôi trước con mắt nghi hoặc của A Lủ:
Mày làm gì đó Thiên? Chỗ này đánh dấu rồi mà, đừng có làm loạn lên nữa.
Không có gì, tao vừa thấy ma trong đó, nên đánh dấu chơi vậy thôi.
Tôi nửa đùa nửa thật nói với nó, vì không có gì chắc chắn chỉ là cảm giác thoáng qua nên tôi không nói ra sợ mọi người thêm căng thẳng. Hành trình cứ tiếp tục trong sự lần mò vô định ấy, do dòng chảy ngầm cũ cũng có giới hạn số lượng ngã rẽ nên cuối cùng chúng tôi đã đi qua hết mọi ngõ ngách, chân đã không còn muốn bước nữa, cả đoàn cần phải ngồi nghỉ ngơi rồi. Khi đó tôi mới hỏi:
- Có khi nào kho tàng được thả xuống lòng sông ngầm không?
- Không có khả năng này! - Giáo sư nói - Nếu thả xuống sông ngầm thì không khác gì hủy hoại kho tàng, cần gì cất công đưa vào tới đây rồi bày ra bao nhiêu cơ quan bảo vệ như thế chứ. Nhưng chúng ta cũng đã đi hết mọi ngõ ngách rồi, lạ thật. À mà lúc nãy tại sao cậu đánh dấu ngã rẽ lần nữa làm gì?
Đang ngồi rảnh rỗi, tôi mới kể lại cảm giác của mình khi đó cho mọi người nghe. A Lủ còn cười, cho là tôi rảnh rỗi dọa ma nó, nhưng An thì có suy nghĩ khác, cô ấy nói:
- Em nghĩ khu vực đó có vấn đề, mau quay lại xem thử.
Vừa ngồi nghỉ chưa được mấy tí đã bắt đứng lên đi, tôi không hài lòng định cãi lại, nhưng thấy vẻ mặt nghiêm túc của An nên cũng đành chiều theo, cùng lắm thì không tìm được đường, hủy chuyến đi quay về thôi, còn hơn ở mãi trong động đen tối tăm này. Khi tìm lại được chỗ rẽ có đánh dấu của tôi, cả đoàn bước vào dùng đèn pin soi thật kĩ trần hang, dưới chân và cả hai bên vách động. Tôi đứng tại vị trí cũ nói:
- Đây, ngay chỗ này không sai được.
An tiến đến gần, soi đèn pin lên vách động rồi như phát hiện được điều gì, cô mừng rỡ la lên:
- Mọi người xem thử, chỗ vách động này có vấn đề! - Rồi cô ấy tiến sát lại, sờ sờ tay lên vách hang.
Tôi đứng gần ngay đó, cũng bước lại làm theo An, ngay khi rờ tay vào thì thấy có cảm giác đây không phải là đá, bề mặt khu vực này trơn nhẵn hơn, dù hình dáng vẫn như những chỗ khác. Lúc này cả bốn người cùng căng mắt ra quan sát và phát hiện, đây là một đoạn vách giả được làm bằng kim loại như đồng thẫm màu. Dưới ánh sáng đèn pin của tôi khi đó đã phản chiếu lại tạo cảm giác như gương. Diện tích tấm kim loại cũng không lớn nên nếu không để ý thì không cách nào phát hiện được điều kỳ diệu này, hơn nữa nó được chế tạo như một phần của vách hang, chắc chắn là có che dấu huyền cơ trong đó. Giáo sư vẫn đang chiếu đèn thắc mắc không biết đây là kim loại gì mà ngàn năm qua vẫn không rỉ sét. Còn tôi có nghi vấn khác, đó là tại sao An biết được khu vực này có vấn đề chỉ thông qua lời kể mơ hồ của tôi. Không chờ thôi hỏi, An đã giải thích:
- Cảm giác của anh giống như khi người ta đi ngang qua những tấm gương trang điểm trong phòng vậy, việc này em cũng thường gặp nên mới vô tình nghĩ ra, không ngờ lại đúng.
Tôi cũng bất ngờ trước sự liên tưởng ấy, và thán phục An hơn ở chỗ, bây giờ là lúc nào rồi mà còn nghĩ tới trang điểm được. Đúng là phụ nữ, dù ở đâu, hoàn cảnh nào cũng vẫn khao khát mình sẽ được xinh đẹp hơn. Cái muốn tìm đã tìm được, tôi bảo A Lủ dùng đao phụ tôi tìm cách cạy miếng kim loại ra khỏi vách động xem thử, vì không biết phía bên kia sẽ có chuyện gì xảy ra nên tôi dặn nó: “Phải hết sức cẩn thận”.