Vén Mây Về Lối Cũ

Chương 1

[Phần 1]

1.

Mẫu hậu hỏi ta:

- Từ chối Trình Túc, con không hối hận chứ? Thiên hạ này e rằng không công tử nào xuất sắc hơn Trình Túc đâu. Mấy muội muội của con đều thích hắn lắm, mẫu hậu cố ý giữ lại cho con đấy.

Ta nhớ đến gương mặt tuyệt sắc, phẩm đức tài cán của Trình Túc mà hối hận chết đi được ấy chứ.

Nhưng so nhan sắc với mạng sống thì đương nhiên mạng sống phải hơn chứ.

Ta là công chúa đích xuất của hoàng hậu, đế hậu ân ái, phu thê tình thâm.

Từ lúc mới chào đời, phụ hoàng phải chọn giữa hàng trăm phong hào mang ý như ý cát tường mới vừa ý phong hào Phúc Mậu cho ta.

Nửa đời trước của ta bình yên trôi chảy, nhưng cuộc đời ai được suôn sẻ mãi.

Năm ta mười lăm tuổi, ta mơ thấy một ác mộng.

Ta mơ thấy phụ hoàng tứ hôn cho ta với Trình Túc, thế tử của An quốc công. Trình Túc dung nhan châu tròn ngọc sáng, được mệnh danh là Phan An tái thế.

Chàng là người cao nhã, trước sau như một, kết hôn xong đối xử với ta cũng như tình lang trong mộng, như Trương Sưởng trong sách.

Cái gì chàng cũng tốt, chỉ tiếc chàng đoản mệnh.

Ba năm sau, Nhung quốc xâm lược, Trình Túc tử trận.

Lại qua hai năm, Nhung quốc đánh đến kinh thành, phụ hoàng và bách quan bỏ trốn. Trong đám hỗn loạn đó, ta bị giặc Nhung bắt được, dọc đường đi chịu đủ tủi hổ nhục nhã, cuối cùng chết trong doanh trại địch.

Năm đó, ta mới hai mươi tuổi.

Tỉnh dậy khỏi ác mộng, hốt hoảng không biết nay là hôm nào.

Thật ra ta không muốn tin giấc mơ này, nhưng ta đã mơ một giấc mơ ba ngày liên tiếp, từng chi tiết nhỏ trong mơ ta đều nhớ như in.

Sau đó phụ hoàng thật sự tứ hôn cho ta với Trình Túc, sao ta dám chứ?

Ta đành từ chối.

Chỉ như vậy, ta mới có cảm giác mình đang nắm vận mệnh trong tay.

Ta miễn cưỡng đáp:

- Con không hối hận. Làm con gái của phụ hoàng, con lo gì gả không được ạ, rồi sẽ có người xuất sắc hơn Trình Túc xuất hiện thôi. Hơn nữa, con gái còn muốn ở bên cạnh mẫu hậu thêm mấy năm. Mẫu hậu, người không muốn giữ con gái bên cạnh sao?

Mẫu hậu cưng chiều xoa đầu ta:

- Mẫu hậu muốn chứ, nhưng thái tổ có lệnh, con gái mười sáu tuổi chưa lấy chồng lỗi do cha mẹ. Con là công chúa càng phải làm đại biểu cho phụ nữ thiên hạ, việc này sớm muốn cũng phải sắp xếp thôi.

Ta nhớ đến giấc mơ kia. Nhung binh xâm lược, phụ hoàng và mẫu hậu vội vã bỏ trốn. Mẫu hậu không ngờ ta bị bắt, vừa đau buồn vừa tự trách nên nhiễm bệnh cuối cùng ốm chết trên đường. Nghĩ xong, lại tự mình rầu rĩ.

Ta nằm nhoài trong lòng người thì thầm:

- Còn một năm nữa mà. Trong một năm này, con sẽ nghĩ cách.

Ta cẩn thận viết lại từng chuyện trong mơ.

Kẻ nào đáng chết, người nào phải sống đều viết rõ ràng.

Ta đúng là một cô gái hậu cung không thể can chính, nhưng chuyện ảnh hưởng triều cục không nhất thiết phải tự mình ra mặt. Đôi khi, sử dụng mấy câu chuyện quỷ thần cũng rất hữu dụng.

Nhưng muốn làm việc này chu toàn mà không làm phụ hoàng nghi ngờ thì phải tìm được người giúp đỡ đắc lực.

Ta lấy cớ xuất cung để đến Khâm Thiên giám.

Không ngờ nửa đường lại bị Trình Túc chặn lại.

Đang yên đang lành bị người ta cự hôn tự nhiên cũng ảnh hưởng đến thanh danh của chàng. Ta nghĩ cũng phải nói rõ với chàng nên bảo cung nữ và binh lính lui xuống để nói chuyện.

Trình Túc nghiêm túc nhìn ta chằm chằm:

- Sao lại cự hôn với ta, ta không tốt ở đâu?

Ta nhìn chằm chằm vào gương mặt Trình Túc mà ngẩn ngơ chốc lát.

Trong mơ đã thấy rất đẹp rồi, nay được nhìn hàng thật thì càng đẹp hơn.

Cái dung nhan này ta có thể ngắm cả đời.

Ta nhịn xuống lưu luyến trong lòng, nuốt một ngụm nước bọt, bình tĩnh đáp:

- Huynh chỗ nào cũng tốt, chỉ đoản mệnh thôi.

Trình Túc nghẹn họng, hiển nhiên không ngờ lý do ta cự hôn là như vậy.

Chàng mờ mịt hỏi:

- Vậy sống đến bao nhiêu tuổi mới không coi là đoản mệnh?

Ta nhớ trong mơ, ba năm sau Trình Túc sẽ chết trận.

Ta thở dài:

- Ít nhất phải sống đến hai mươi tuổi.

- Được, nàng chờ ta, trước lúc đó không được gả cho người khác. - Chàng thân thiết nhìn ta, dúi vào tay ta một chiếc trâm ngọc, - Nàng đồng ý không?

- ...

Ta nhìn cây trâm trong tay, ngơ ngẩn.

Chàng đang nghĩ gì vậy?

Có cây trâm mà đòi mua chuộc ta à?

Chàng nằm mơ!

- Không được đâu. Thái tổ có lệnh, con gái mười sáu tuổi phải kết hôn. Ta là công chúa phải làm gương, việc này ta không đồng ý được.

Ta trả trâm ngọc cho chàng, lúc ngón tay chạm nhau cả người ta như bị điện giật vội thu tay về. Tiếc quá đi mất, bàn tay thon dài mạnh mẽ như vậy, về sau muốn nắm thì nắm.

Nhưng ta muốn chống lại vận mệnh thì không thể đi lại con đường cũ.

Trình Túc nhếch môi, không giận.

- Thái tổ cũng đã nói, công chúa cầu phúc vì quốc gia có công đức lớn. Coi như điện hạ để tóc tu hành, qua mấy năm có thể tái giá. Điện hạ, người không thể nói ta sai nhưng lại không cho ta cơ hội phản biện phải không?

Giọng nói của chàng vừa sốt ruột vừa nghiêm nghị.

Ấy vậy mà ta lại nghe được chút khẩn cầu.

Ta có hơi mềm lòng:

- Để ta nghĩ thêm.

- Công chúa, nhất ngôn cửu đỉnh.

Trình Túc trịnh trọng đặt trâm ngọc vào tay ta, xoay người sải bước đi.

- Ai... ai nói gì cơ? - Ta kinh ngạc lắp bắp.

- Nếu điện hạ muốn đến Khâm Thiên giám thì phải nhanh lên, Lưu đại nhân sắp về rồi.

Trình Túc khẽ cười.

Ta ồ lên.

Sao chàng biết ta muốn đến Khâm Thiên giám?

2.

Lưu đại nhân ở Khâm Thiên giám chỉ là một vị quan ngũ phẩm, ở nơi hoàng thân quốc thích đi lại khắp nơi như Kinh thành, ông ấy thật bình thường.

Nhưng dù chỉ là một ông lão, trong giấc mơ của ta, khi Nhung quốc xâm lược, triều đình chỉ lo vơ của chạy trốn, ông ấy dũng cảm cầm trường mâu đứng trên tường thành kiên cường chống trả, cuối cùng chết dưới vó ngựa quân Nhung.

Ông lão này rất cứng cỏi.

Nên đối mặt với vị công chúa được sủng ái như ta cũng không sợ hãi.

Cử chỉ của ông ấy cung kính nhưng trong mắt đầy nghi hoặc, thiếu điều viết "người đến làm gì?" lên mặt.

Ta nhìn quanh bốn phía, bình tĩnh nói:

- Nghe nói Lưu đại nhân tinh thông Dịch kinh nên ta muốn thỉnh giáo, nếu một người liên tục mơ một giấc mơ nhiều ngày, giải thích thế nào?

Lưu đại nhân suy tư chốc lát:

- Ngày nghĩ đêm mơ, điện hạ mơ thấy gì?

- Huỳnh hoặc thủ tâm (*), thiên hạ đại loạn.

Lưu đại nhân ngây người, giật mình trợn tròn mắt, vẻ mặt "sao người lại nói hưu nói vượn ở chỗ thần, người muốn hại chết thần đấy à?"

Ông ấy đỡ trán, làm như không đứng thẳng được.

- Ây chà, điện hạ, thần lớn tuổi rồi không chịu được sợ hãi đâu, cung tiễn điện hạ! Thần cung tiễn điện hạ!

Ta:...

Cẩu thả, cẩu thả quá thể!

Trong mơ, Lưu đại nhân để cho ta ấn tượng ông ấy là người nhiệt huyết gan dạ, không ngờ ngoài đời lại thế này. Ông ấy là một lão hồ ly ngang dọc quan trường đã lâu, bản lĩnh bo bo giữ mình tuyệt đối không thua người nào.

Ta đỏ mặt nhưng vẫn lấy hết dũng khí thuyết phục ông ấy.

- Đại nhân, bản cung không đùa. Ngài nghĩ xem, nếu bản cung nói không sai mà Khâm Thiên giám lại không tính ra Huỳnh hoặc thủ tâm, đến lúc đó ai là người xui xẻo?

- Nếu chuyện Huỳnh hoặc thủ tâm xảy ra thật, trong triều không có đối sách, trong dân gian lại có người cố ý truyền lời đồn thất thiệt trách phụ hoàng bất lực, đến lúc ấy chẳng phải thiên hạ sẽ đại loạn ư?

- Phụ hoàng thì dễ thôi, quá lắm thì thuận ý dân tuyên chiếu tự trách, nhưng đại nhân sẽ bị đẩy ra đội nồi.

Lưu đại nhân ngẩng đầu, đôi mắt khôn khéo của ông ấy hướng về ta.

- Điện hạ, rốt cuộc người muốn gì?

- Đương nhiên là yên ổn làm một công chúa rồi! - Ta hùng hồn.

- ...

Lưu đại nhân nhất thời cạn lời, nhưng ta ra vẻ tư lợi như trái lại làm ông ấy tin tưởng.

Một lúc lâu, ông ấy hỏi:

- Điện hạ, nếu Huỳnh hoặc thủ tâm không xảy ra thì sao?

Ta mỉm cười.

- Thì đại nhân cứ coi như đang chơi với vị công chúa ngang bướng này đi.

Lưu đại nhân nghẹn lời.

Cuối cùng, ông ấy ngoắc tay, một thiếu niên tuấn tú đi ra từ thiên điện.

- Điện hạ, đây là khuyển tử Lưu Húc, đang làm một nhàn quan ở Khâm Thiên giám, nếu điện hạ muốn chơi thì cứ sai khiến nó.

Vì nửa tin nửa ngờ với ta nên phái trợ thủ ra thăm dò ta đây mà.

Nếu ta nói thật, đương nhiên không sao.

Nếu ta nói sai thì chỉ là hai người trẻ tuổi nói vui với nhau lúc chơi đùa mà thôi.

Lão già này cũng cẩn thận thật.

Ta nhìn về phía Lưu Húc. Bề ngoài của hắn rất tốt, môi hồng răng trắng, mặt mày thanh tú, một ngọc diện lang quân tiêu chuẩn.

Nhưng trông lại không giống người tài cho lắm.

Ta khẽ ngẩng đầu:

- Huynh biết xem tinh tượng không?

Lưu Húc mỉm cười, khom người thi lễ.

- Theo sử sách, Huỳnh hoặc thủ tâm đã xảy ra hai mươi tám lần.

- Trong đó chín lần là họa liên quan đến chiến tranh, vì vậy Huỳnh hoặc thủ tâm còn được gọi là tai tinh, phạt tinh.

- Theo sử ký "tống vi tử thế gia", khi Huệ vương diệt Trần thì có thiên tượng Huỳnh hoặc thủ tâm. Ở Tần quốc trời giáng sao rơi (*), Tần Thủy Hoàng băng hà...

Hai mắt Lưu Húc sáng người, trình bày lưu loát rành mạch, chứng cứ rõ ràng.

Ta nghe đến đần cả người.

Khá lắm!

Ta chỉ hỏi thử một chút, hắn lại lên lớp ta luôn.

Thật đáng sợ.

Ta vội nói:

- Không cần nói tiếp. Tiểu Lưu đại nhân, huynh rất tốt, chúng ta phải thương lượng một chút. Nếu Huỳnh hoặc thủ tâm xảy ra thật, chúng ta phải ứng đối thế nào?

Lưu Húc tiếc nuối ngậm miệng:

- Vâng, điện hạ, người đã có ý tưởng gì chưa? Húc này xin tòng mệnh.

Ta gõ lên mặt bàn:

- Huỳnh hoặc thủ tâm liên quan vận nước, chi bằng chúng ta họa thủy đông dẫn, thế nào?

- Ồ? Đông dẫn thế nào? Dẫn cho ai?

- Dẫn cho Trần Tương thì sao?

Lưu Húc và Lưu đại nhân đồng loạt đứng hình.

Một vội vàng đóng cửa, một vội vàng tiễn khách.

Một khắc đó, cả hai đều cảm thấy ta muốn hại chết bọn họ.

3.

Trong giấc mơ của ta, Trần Tương là một gian thần.

Lúc Nhung quốc xâm lược, lão b án nước cầu vinh, chắp tay dâng non sông tươi đẹp cho giặc.

Văn không thể an bang, võ không thể định quốc, càng không có cốt khí làm người, người như vậy sao lại ngồi vào vị trí Tướng quốc?

Ta không hiểu.

Mẫu hậu nói:

- Trần Tương đương nhiên có chỗ hơn người nên phụ hoàng của con mới trọng dụng hắn.

Ta nghĩ đi nghĩ lại, nhận ra chỗ hơn người của Trần Tương là lão có một đứa em gái ngoan, vào cung làm quý phi còn sớm sinh được thứ trưởng tử Lý Thuần.

Còn mẫu hậu của ta, trừ sinh ra vị công chúa là ta thì không có thêm ai nữa.

Ta chẳng cần biết tương lai của Lý Thuần thế nào, có ngồi được vào long ỷ hay không, nhưng cái ghế Tướng quốc của Trần Tương nhất định phải bỏ.

Trong kinh thành bắt đầu lưu truyền một bài ca dao.

"Huỳnh hoặc diệu, nhĩ đông xương. Tinh hoa xích, dục nan bình."

Nhĩ Đông là họ Trần.

Bài đồng dao này nhắm thẳng vào Trần Tương, chỉ trích lão tham lam vô độ, dẫn đến tai ương.

Trong mơ, lúc xảy ra chuyện Huỳnh hoặc thủ tâm, Trần Tương lập tức dâng sớ đề nghị phụ hoàng hạ chiếu, tế cáo trời cao, nhận trách nhiệm Huỳnh hoặc thủ tâm do phụ hoàng làm việc bất nhân.

Bây giờ nghĩ lại, ai mà không biết lão muốn hủy hoại thanh danh của phụ hoàng để lót đường cho Lý Thuần?

Lần này ta muốn lão gieo gió gặt bão, không có cơ hội vu oan cho phụ hoàng.

Bài ca dao lưu hành trong kinh thành với tốc độ chóng mặt.

Trần Tương sai người điều tra, cũng hết sức phủ nhận sẽ có tai ương Huỳnh hoặc.

Nhưng trời không chiều lòng người, đúng mười ngày sau, trời giáng sao rơi, Huỳnh hoặc trấn sao tâm.

Sự kiện Huỳnh hoặc thủ tâm thực sự xảy ra.

Phụ hoàng nhân từ, không vì thiên tượng mà trách tội Trần Tương. Nhưng sức sát thương của bài đồng dao kia quá lớn, người không thể không hành xử cẩn thận để ổn định lòng dân.

Người ban thịt cho Trần Tương.

Thiên tử ban rượu là ban chết, ban thịt nghĩa là hãy cáo quan về quê.

Trần Tương biết dân chúng oán giận, chỉ đành nhận thịt, từ quan tạ ân.

Nghe nói lão xe trống hành lý nhẹ rời kinh, vừa ra khỏi thành đã quay về hướng hoàng cung lạy ba lạy, rơi nước mắt nói "Kiếp sau mong nối lại nghĩa quân thần."

Trọng tình trọng nghĩa như vậy khiến phụ hoàng tự trách rất lâu.

Trần quý phi làm ầm ỹ trong cung suốt ba ngày, cũng khiến phụ hoàng đau đầu không chịu nổi.

Người đặt rất nhiều kỳ vọng vào Lý Thuần, cũng cảm thấy Trần Tương bị oan nên không nỡ trách phạt Trần quý phi.

Nhưng đúng lúc này lại có người dâng chứng cứ Trần Tương tham ô trước mặt phụ hoàng.

Phụ hoàng nhìn vào sổ sách lấy được trong Trần tướng phủ, tức giận đến run cả tay.

Dựa theo ghi chép của sổ sách, của cải trong Trần tướng phủ bằng một năm thu vào của quốc khố.

Bấy giờ phụ hoàng sai người đi tra xét, mới lôi được rất nhiều xe vàng bạc châu báu từ Trần tướng phủ ra. Rất nhiều châu báu đồ ngọc trong đó còn tốt hơn trong hoàng cung.

Từ đó cho thấy, Trần Tương quyền thế lớn hơn trời, vào kinh chưa gặp hoàng đế thì phải gặp Trần tướng quốc đã thành luật bất thành văn.

Phụ hoàng tức giận không thôi, lập tức sai người đuổi theo Trần Tương.

Đuổi theo mới biết Trần Tương không cáo lão hồi hương, mà đang hưởng lạc trong biệt uyển tư nhân ngoại thành.

Lần này phụ hoàng dứt khoát hơn nhiều, ban rượu cho Trần Tương.

Một quyền thần đã biến mất như vậy.

Trần quý phi trong cung lập tức im lặng.

Ta lặng lẽ thở phào nhẹ nhõm, mọi thứ diễn ra suôn sẻ hơn dự liệu.

Ban đầu ta nghĩ kết quả tốt nhất là đuổi Trần Tương khỏi kinh thành, không ngờ phần tội chứng bất ngờ nhảy ra kia lại tiễn lão đi đầu thai luôn.

Đây là kết quả không thể tốt hơn.

Nhưng người nộp tội chứng kia là ai?

Phối hợp thế này cũng quá tốt...

4.

Chuyện của Trần Tương chấm dứt.

Một tảng đá lớn trong lòng ta rơi xuống, danh sách trong tay cũng gạch được một tên.

Những người còn lại ta chưa nghĩ ra cách đối phó, tạm thời để đấy đã.

Lưu Húc hẹn ta ra ăn mừng, ta xuất cung sóng vai bên hắn trên đường phố nhộn nhịp.

Hắn mua cho ta một xiên kẹo mạch nha, cười nói:

- Chuyện Huỳnh hoặc thủ tâm gia phụ và Húc này đã tính toán ra rồi chỉ chưa nắm chắc, sao công chúa lại biết còn khẳng định chắc chắn như vậy?

Ta nhìn về phía hắn, hẳn hắn sẽ không tin nếu ta nói do ta nằm mơ.

Đến ta còn không tin nữa là.

Nhưng mọi việc đúng là khởi đầu như vậy.

Ta hất cằm lên cười:

- Ta là thiên chi kiêu nữ, đương nhiên được trời cao chăm sóc.

Lưu Húc:...

Ta bật cười to, nhìn hắn lắc đầu bất đắc dĩ thì sảng khoái trong lòng.

Bỗng dưng, một giọng nói lạnh lẽo vang lên phía sau ta.

- Cớ sao Phất Vân lại cười vui như vậy?

Tên của ta là Lý Phất Vân.

Người có thể gọi tên ta rất ít.

Dám gọi thẳng tên của ta, ai to gan như vậy?

Ta ngoái đầu liền nhìn thấy gương mặt tuấn tú của Trình Túc. Chàng đang cười nhưng mắt lạnh tanh giấu cơn giận âm ỷ.

Ta:...

Kiếp này ta không gả cho chàng, không cần chột dạ!

Nụ cười của ta vẫn tươi rói, nhẹ nhàng đáp:

- Là huynh à, có chuyện gì vậy?

Nụ cười của Trình Túc càng rộng, mắt cũng càng lạnh lẽo.

- Có việc cần nói, có thể mượn nàng chút thời gian không?

Trình Túc trong mơ rất tốt, là tấm gương cho tất cả trượng phu thiên hạ, ta cũng chưa từng thấy chàng cư xử như hôm nay.

Lưu Húc chặn trước mặt ta, lễ phép lịch sự nhưng rất kiên quyết:

- Chỉ sợ điện hạ thấy bất tiện.

Trình Túc thu lại nụ cười, lạnh nhạt đáp:

- Từ bao giờ chuyện của nàng ấy lại cần người khác ra mặt?

Ta lúng túng ho nhẹ:

- Có việc gì cứ nói ở đây, giữa hai chúng ta không có chuyện gì không thể nói trước mặt người khác.

Hơi thở của Trình Túc cứng lại, chàng cười nhẹ, lấy một bọc khăn lụa ra từ trong túi áo, chàng bỗng kéo tay ta rồi dúi đồ vào.

- Cầm lấy.

Ta:...

Má ơi, chạm tay chạm chân giữa đường giữa xá thế này...

Nhất thời ta không biết nói sao, chỉ thấy hơi ngượng ngùng.

- Đây là cái gì?

- Nàng mở ra nhìn đi.

Lòng ta rộn rạo, lật khăn lụa ra liền nhìn thấy một đôi vòng ngọc phỉ thúy, chất ngọc đẹp vô cùng.

Trong mơ, đây là vật đính ước Trình Túc tặng ta.

Đồ nằm trong tay như phát hỏa, lòng ta cũng nóng rẫy. Nhưng nghĩ đến kết cục của Trình Túc trong mơ, rồi lại nghĩ đến số mệnh của ta.

Ta hạ quyết tâm nói:

- Trình đại nhân, ngươi vô lễ.

Cơ thể Trình Túc cứng đờ, chàng hơi cúi người, nghiêm nghị nhìn thẳng vào mắt ta, gằn từng chữ:

- Ta vô lễ đấy, nàng muốn giết ta?

Ta:...

Trình Túc mỉm cười, nói nhẹ bẫng:

- Hôm qua ta dọn khố phòng, thấy nó liền nghĩ nó hợp với nàng, nàng thích thì đeo, không thích cứ tặng người khác.

- Thứ này không quý lắm. Thứ có giá trị thực sự, mấy hôm trước ta đã tặng nàng rồi. Nàng có thích không?

Ta hoảng hốt, đầu óc nhanh chóng suy nghĩ.

Ta nhớ đến tấu chương vạch tội Trần Tương kia thì lập tức hiểu ra.

Ta kinh ngạc nhìn chàng.

Trình Túc cười tủm tỉn:

- Nghĩ ra rồi phải không? Trông thế này chắc nàng rất thích.

Ta giật mình hoảng hốt hỏi lại:

- Sao... Sao huynh lại biết?

Hai mắt Trình Túc sâu thẳm, đăm chiêu:

- Sao ta không biết nàng bị nói lắp nhỉ?

Ta:...

Ta muốn chém con quỷ đoản mệnh này, ta muốn trị tội khi quân.

Trình Túc vui vẻ bật cười to.

- Ta đùa thôi. Nếu nàng muốn biết tại sao ta biết, thì đến Hoa Triêu tiết ta sẽ nói cho nàng biết, nàng phải đến đấy.

5.

Hoa Triêu tiết là sinh nhật trăm hoa.

Ngày đó, nam nữ trong dân gian sẽ kết bạn đi dạo, ngắm hoa đạp thanh.

Trong cung, mẫu hậu sẽ mở Thiện Xuân viên, mời các nam nữ quý tộc vào thăm thú. Hiếm khi được ngắm hoa trong lâm viên của hoàng gia, không ai bỏ qua cơ hội này cả.

Trong mơ, hôm đó ta không đi. Khi ấy ta và Trình Túc đã đính hôn rồi nên phải tránh hiềm nghi, chàng cũng không đi.

Không ngờ lần này chàng lại hẹn ta đến Ngày của hoa.

Ta không vui.

Ta mà tới Trình Túc sẽ đắc ý lắm, vừa nghĩ đến chàng có thể điều khiển ta, ta lập tức không vui.

Nhưng nếu không đi ta lại không cam lòng. Ta thực sự tò mò muốn biết tại sao chàng biết ta muốn đến Khâm Thiên giám, tại sao lại biết ta muốn đối phó với Trần Tương?

Mẫu hậu cười nói:

- Con thấy khó chọn à? Thân phận của Lưu Húc tuy hơi kém nhưng gia thế thanh bạch, nhân phẩm đoan chính, có khí khái của văn nhân. Trình Túc tuy là ngọc diện lang quân, văn võ toàn tài nhưng lại là một võ tướng, khó tránh có lúc thẳng tính làm con không vui.

- Trình Túc cũng rất tốt! - Ta thốt lên.

Mẫu hậu nhìn ta thật lâu, khóe môi cười mỉm, không nói thêm gì.

Ta chột dạ che giấu:

- Trình Túc có tốt con cũng không gả đâu.

- Tại sao?

Ta hơi thất vọng.

Vì sao à...

Tất nhiên vì chàng đoản mệnh, ta không thể đâm đầu vào đường cũ.

Ta lắc đầu:

- Số mệnh hắn không tốt, con không muốn bị liên lụy.

Ta nói vậy lại khiến mẫu hậu thận trọng:

- Con nói đúng, có lẽ nên xem lại bát tự của họ đã.

Mẫu hậu thật sự sai cung nữ đi mời thiên sư.

Ta trái lo phải nghĩ, có lẽ nên đến Thiện Xuân viên.

Trong vườn đã có nhiều người đến, mọi người đồng loạt đứng dậy hành lễ, mời ta ngồi vào chủ vị.

Ta nhìn một cái đã thấy Trình Túc nổi bật trong đám người.

Chàng mặc trang phục văn nhân màu trắng, ít đi sắc bén của võ tướng, đoan chính như ngọc, tướng mạo phi phàm khiến rất nhiều thiếu nữ nhà quan âm thầm liếc mắt.

Nhưng từ lúc ta xuất hiện, ánh mắt chàng vẫn hướng về ta, như muốn nhìn thấu cả người ta.

Ta đỏ mặt.

Trong mơ, ta và Trình Túc cầm sắt hòa minh, chàng cũng thích nhìn ta như vậy. Chàng còn nói, men say ngắm kiếm dưới trăng không sánh bằng ngắm mỹ nhân dưới đèn.

Không phải chàng chỉ mải si mê nhan sắc của ta mà mất đi ý chí nên chết trận sa trường đấy chứ?

Nghĩ đến có khả năng này, ta nhấc mắt lườm chàng một cái.

Trình Túc:...

An Bình quận chúa cười khúc khích:

- Điện hạ, sao người lại lườm Trình Túc như vậy? Hắn đã làm gì sai để bị đối xử như vậy?

An Bình quận chúa Tôn Cẩm Châu là con gái của cậu ta, Ninh quốc công.

Muội ấy nhỏ hơn ta ba ngày tuổi, từ nhỏ đã được đưa vào cùng lớn lên cùng ta. Đến tận năm mười tuổi khi bà ngoại qua đời, muội ấy mới được đón về phủ Ninh quốc công.

Trước mười tuổi, chúng ta là một cặp tỷ muội thân thiết.

Nhưng sau mười tuổi, muội ấy cứ thích nhắm vào ta, thích so sánh với ta. Ta có gì muội ấy cũng phải có cái đó, nếu không có được sẽ nằng nặc đòi mợ vào cung để xin bằng được mới thôi.

Ta luôn cảm thấy muội ấy đã nhìn thấy phú quý của thiên gia nên mới coi thường phụ mẫu của mình.

Nhưng cũng trong giấc mơ kia, khi ta và muội ấy bị bắt, muội ấy vì bảo vệ ta mà cắn vào tay kẻ địch, cuối cùng bị một dao đâm chết.

Tỉnh mộng, ta đã nhìn rõ rồi.

Cái thứ gọi là phẩm cách này khi đứng trên cao nhìn không rõ, đến khi ngã xuống cực thấp mới nhìn thấu được.

Giống như lúc này, dù muội ấy ra vẻ khiêu khích ta cũng không buồn phiền.

Ta mỉm cười vẫy tay gọi muội ấy lại gần.

Cẩm Châu ngạc nhiên lắm, hiển nhiên không ngờ ta sẽ cư xử như vậy.

Muội ấy chần chừ chốc lát rồi kiêu ngạo đi tới.

- Lý Phất Vân, tỷ muốn gì?

Ta kéo muội ấy ngồi cạnh, bày hết bánh ngọt trên bàn trước mặt muội ấy.

- Muội thích ăn gì thì tự lấy đi.

Sắc mặt Cẩm Châu thay đổi mấy lần, cuối cùng nhỏ giọng cả giận nói:

- Sao tỷ không ăn đi? Tỷ muốn thấy lúc ta ăn thô kệch thế nào, làm ta xấu hổ trước mặt Trình Túc chứ gì? Hay muốn dụ muội ăn béo mầm xấu xí? Lý Phất Vân, ta biết tỷ xấu bụng, còn lâu mới mắc mưu.

Ta:...

Trời ạ, cô gái này tưởng mình đang đóng kịch cung đấu đấy à?

Cơ mà, muội ấy thích Trình Túc à?

Ta phóng tầm mắt nhìn quanh bốn phía.

Khá lắm.

Tất cả thiếu nữ ở đây đều nhìn Trình Túc chằm chằm. Thỉnh thoảng có mấy người để mắt đến Lưu Húc nhưng nhanh chóng từ bỏ.

Lưu Húc tuy không tệ nhưng gia thế so với Trình Túc thì quá kém.

Ta cầm hai miếng bánh ngọt lên, một miếng đưa cho muội ấy, một miếng thì tự ăn.

- Ta cũng ăn, muội thích Trình Túc à?

- Tỷ đừng nói bậy, - Cẩm Châu đỏ mặt.

Ta lắc đầu:

- Ta nghĩ muội nên kiềm chế, Trình Túc tuy được nhưng có chỗ không tốt.

Cẩm Châu nôn nóng hỏi:

- Không tốt chỗ nào?

- Hắn đoản mệnh.

- Thật à?

- Thật chứ, bằng không sao ta lại cự hôn?

Cẩm Châu ngạc nhiên, sống lưng đang thẳng cũng sụp xuống, ủ dột ăn bánh ngọt không nói lời nào.

Muội ấy ngoan ngoãn như vậy cũng làm ta hơi đau lòng, ta nhẹ nhàng vỗ lên vai muội ấy để an ủi.

Đúng lúc ấy, ta vừa ngẩng lên thì thấy Trình Túc đang hồn nhiên chuẩn bị ăn một miếng bánh cá.

Ta giật mình:

- Trình Túc, đó là bánh cá, ngươi ăn sẽ dị ứng đấy.

Trình Túc kinh ngạc cầm miếng bánh cá suýt vào miệng nhìn cẩn thận.

Bỗng chàng ngẩng đầu lên, mỉm cười như gió xuân.

- Đa tạ điện hạ nhắc nhở, suýt nữa Túc này phạm sai lầm lớn rồi.

Chàng đổi sang một miếng bánh hoa đào, ung dung ăn từng miếng một.

Mà Cẩm Châu đột nhiên tức giận ngẩng đầu lên:

- Tỷ cả chuyện hắn ăn bánh cá bị dị ứng cũng biết, thế mà lừa muội nói hắn đoản mệnh. Lý Phất Vân, tỷ thật quá đáng.

Mọi người xung quanh ngơ ngác nhìn Trình Túc rồi lại nhìn ta.

Xong dồn dập cúi đầu, xì xào bàn tán.

Ta:...

Biết ngay mà, lẽ ra phải để Trình Túc ăn miếng bánh cá đó, nổi mẩn đầy người!

(*) Huỳnh hoặc thủ tâm: hay Huỳnh hoặc trấn sao tâm. Huỳnh hoặc là sao Hỏa, Tâm là viết tắt của chòm sao Tâm Túc được tạo thành bởi ba ngôi sao, tượng trung cho Hoàng đế, thái tử và con thứ. Huỳnh hoặc thủ tâm là hiện tượng sao Hỏa di chuyển đến gần sao Tâm Túc và ở đó một thời gian, che mờ ánh sáng của sao Tâm Túc. Theo thiên tượng xưa, đây là điềm báo đại hung, nhẹ thì vua băng hà, nặng thì mất nước.

(*) Thời Tần từng có một viên thiên thạch rơi xuống vị trí Đông Quận, ngay vị trí tiếp giáp hai nước Tần - Tề. Trên thiên thạch có khắc bảy chữ "Thủy Hoàng Đế tử nhi địa phân", nghĩa là sau khi Tần thủy hoàng chết thì nước Tần cũng mất. 
Bình Luận (0)
Comment