Vị Bắc Xuân Thiên Thụ

Chương 31


Lý Vị và Xuân Thiên tiến từng bước về con đường phía trước, ngay cả những loài thực vật quen thuộc thường thấy ở chốn đầy cát như hắc mai biển hay hồ dương cũng chẳng thấy bóng dáng.

Dần dần đi vào một mảnh đất cằn sỏi đá mênh mông, không một ngọn cỏ, đá lăn tứ lung tung, lộ rõ màu đất.

Dân bản xứ gọi chỗ đất phèn sa này là hồ Bạch.

Trăm năm trước nơi đây là một ốc đảo cỏ cây um tùm, sau đó nguồn nước khô kiệt, chậm rãi cạn thành đất nhiễm mặn.

Mười năm trước Lý Vị từng đi ngang qua một lần, cảnh vật như cũ, thời gian dường như đứng yên tại đây.

Nham thạch xám trắng trên mặt đất vẫn nằm nguyên ở vị trí đó, dẫu thế sự ngoài kia có biến ảo thế nào cũng không khiến chúng xê dịch nửa phân.

Mũi Truy Lôi phát ra tiếng phì phì, Lý Vị dừng chân trấn an nó một lát, nói với Xuân Thiên, "Đi thôi, gió cát ở đây toàn là độc, không phải nơi nên nán lại lâu."
Hạt muối tích tụ trong đất đá từ năm này qua tháng nọ, đều có chứa khí độc.

Xuân hè gió thổi lớn, ánh nắng gay gắt, đất cát bị nung nếu tạt lên mặt sẽ cực kỳ dễ gây nổi mẩn ngứa, nếu xâm nhập vào miệng vết thương, chẳng bao lâu phần da tổn thương sẽ đỏ lên rồi bắt đầu ngứa ngáy, thịt sẽ lở loét thối rữa.

Hai con ngựa đeo móng gỗ giẫm lên những viên đá cuội, âm thanh vừa trong trẻo vừa ngân vang.

Hai người đều trùm mạng che mặt, không nhìn ra được vẻ mặt của nhau, tiếng nói chuyện cũng mỏng manh.

Lý Vị vốn ít nói kiệm lời, dọc đường đi thỉnh thoảng sẽ nói đôi ba câu, còn phần lớn thời gian là cả hai bước đi trong trầm mặc.

Càng đi tới hồ Bạch, gió càng lúc càng ác liệt, bờ môi dưới tấm mạng che mặt nứt nẻ hằn lên nếp nhăn trắng bợt.

Xuân Thiên liếm liếm môi, chỉ cảm nhận được mùi vị đắng chát.

Đến đúng giữa giờ ngọ, lại bỗng nghe thấy tiếng huýt sáo trầm thấp hòa cùng luồng gió thổi qua bên tai, hệt như có người đang khẽ thút thít, hoặc như đang vật vã.

Đứt quãng, chợt dài chợt ngắn.

Nàng nghe mà tóc gáy dựng thẳng đứng cả lên, nhỏ giọng bảo: "Đằng trước hình như có người khóc..."
"Chỉ là tiếng gió mà thôi." Lý Vị an ủi nàng, "Đằng trước có một rừng cây khô, đây là tiếng gió thổi qua ngọn cây."
Ngựa nhảy lên dốc cát, trước mắt chính là một khu rừng hồ dương đã chết héo, màu trắng xám chết chóc kéo dài tít tắt chẳng nhìn thấy điểm cuối đâu.

Cây cối trong rừng bị phong hóa, hoặc đứng hoặc sụp xuống với những tư thế kỳ dị.

Những cành cây xoắn cong queo và dài loằng ngoằng trơ trọi giữa không trung, tưởng chừng như một cuộc vật lộn đầy đau đớn và lặng im.

Đi vào chỉ cảm giác có làn khí lành lạnh, tiếng rít kia là là tiếng gió ma sát giữa các cành cây.


Xuân Thiên lặng lẽ đi theo Lý Vị hồi lâu, nhịn không được hỏi: "Chúng chết bao lâu rồi?"
"Có lẽ đã một trăm năm, cho dù là dân du mục cao tuổi nhất cũng không biết chúng sinh ra khi nào, chết đi khi nào." Lý Vị chỉ vào lớp cát đóng lại thành vỏ cứng dưới chân, "Mấy trăm năm trước, có lẽ nơi này có một hồ nước hình thành từ dòng suối ngầm sâu rộng, bên hồ cỏ cây rậm rạp, hồ dương tươi tốt mọc thành rừng.

Về sau suối ngầm cạn khô, rồi mạch nước ở khoảng đất đó bốc hơi hết.

Từ ngày này qua tháng khác chúng không được nước nuôi nấng, đang sống sừng sững mà cuối cùng chỉ có thể chết khát."
Lần đầu tiên nàng bắt gặp cảnh chết chóc như vậy, lòng bàng hoàng chấn động.

Giang Nam nước xuân liên miên, thành Trường An rộng lớn mỹ miều, Quah Trung phì nhiêu màu mỡ, tất cả cảnh tượng đều hóa phai màu ảm đạm so với cánh rừng Hồ Dương này.

Tạo hóa trời cao, rốt cuộc là bút pháp xuân thu* thế nào đây?
(*Bút pháp xuân thu: tức văn chương viết theo lối ngắn gọn, hàm súc, khéo léo thể hiện khen che bằng chữ nghĩa với một nhân vật hoặc sự kiện nào đó)
"Khi chết đi, chắc hẳn những cái cây ấy vô cùng đau đớn." Nàng nói chậm rãi.

Trong rừng, có cây nằm rạp xuống đất, có cây như đang nổi cơn thịnh nộ gầm thét với bầu trời, một đoạn cành cây gió quét qua đều đang kêu gào, nước, nước, nước.

"Mười năm trước lúc đại gia đến, chúng cũng là như vậy sao?"
Lý Vị nhớ lại mùa đông mười năm về trước, họ truy đuổi một đội kỵ binh Đột Quyết chạy qua nơi này, mảnh đất phèn sa đây đổ một trận tuyết, bông tuyết khô ráo bay tán loạn trong gió, khắp nơi rợp màu trắng xóa, chẳng phân biệt được đâu là trời, đâu là đất.

Tiếng gió lùa qua rừng hồ dương nghe não nề bi ai, người đồng hành bảo đây là tiếng khóc của hồn ma chết thảm bị nhốt trong thân cây.

Khi đó, chỗ rừng hồ dương này quả thực có rất nhiều người chết.

Hiện giờ xương trắng đao kiếm đã không còn, biết đâu là chôn vùi trong cát hay là bị sói lang diều hâu tha đi rỉa mất rồi.

Chỉ còn lại rừng hồ dương đơn độc, đứng lặng trong gió mặc thời gian trôi.

"Rừng chết kiểu này ở sa mạc lớn có nhiều lắm." Hắn ngăn lại bước chân tiến về phía trước của nàng, "Trong rừng sợ là có côn trùng độc, đừng đi vào đó."
Nàng thấy rõ ràng có một nửa phiến đồng sáng nhạt vùi dưới miếng đất trước mặt, nên muốn đi vào rừng nhặt, nhưng lại bị roi ngựa của Lý Vị quấn lấy cổ tay: "Đừng đi."
Nàng thấy có hơi là lạ: "Đằng trước có thứ gì đó."
"Trong rừng vận xui nặng, e là đồ chẳng lành đấy." Hẳn chỉ lo nàng nhỏ tuổi, nhìn thấy thứ gì khủng khiếp rồi đâm sợ hãi, "Đi thôi."
Hai người lên ngựa, Lý Vị đưa nàng đi, suốt cả quãng đường liên tục ra roi giục ngựa không ngơi nghỉ.

Băng qua rừng hồ dương lại là bãi đất đá dăm mênh mông vô biên, gió thổi càng mạnh hơn, sỏi dưới đất bị gió cuốn lăn tạo ra tiếng lách cách.

Trên người con ngựa dính một tầng cát trắng nhầy nhầy, mồ hôi nhễ nhại toàn thân.

Truy Lôi vẫn khỏe chán, còn con ngựa của Xuân Thiên đã chịu hết thấu, phả ra hơi nóng liên tục.


Đi được nửa đường thì dừng lại nghỉ ngơi, nàng ngồi trên cát, cả hai chân run lẩy bẩy.

Nước suối và lương khô Lý Vị đưa cho nàng, nàng uống rồi cắn mấy miếng sau đó lại nhét vào tay nải, ngắn ngủi có mấy ngày mà người nàng đã gầy xọp đi trông thấy.

Đi đến tận khi trời bắt đầu tối, sắc trời xanh xám dần lùi về phía chân trời, tấm màn đen thuận đà buông xuống, mặt trăng và các vì sao lần lướt lên đài.

Đất phèn trắng mịt mùng dần chuyển sang màu vàng và khô lại, mấy cụm cỏ lau trắng yếu ớt đổ xuống mặt đất run rẩy.

Dần dần có sườn dốc thấp và gò đất hoang vu hiện ra, vị đắng trong gió cũng biến mất — đây xem như là đã ra khỏi hồ Bạch.

Người Xuân Thiên mướt mồ hôi, lúc thì khô lúc thì nhớp nháp.

tháo mạng che mặt xuống, tóc trên trán đã ướt đẫm như nhúng nước lên, hai gò má bị hun đỏ bừng, gió đêm thổi qua có hơi buốt.

Lý Vị đưa áo lông cừu cho nàng: "Buổi tối gió rét, coi chừng cảm lạnh." Nàng đã sớm mệt đến độ không ưỡn thẳng được thắt lưng, ngoan ngoãn bọc áo lông cừu quanh người, bộ dạng suy sút nửa sống nửa chết.

Nàng thở hồng hộc, Lý Vị thấy xương bả vai nàng gồ cả lên, bèn dắt con ngựa của nàng: "Còn mười mấy dặm đường nữa, nếu cô mệt thì nhắm mắt lại nghỉ ngơi một lát, ta đưa cô đi."
Nàng lắc đầu: "Tôi không mệt."
Đêm đó không dừng lại ngủ ngoài trời, người nàng bọc trong áo lông cừu cũng không lạnh, chỉ cảm thấy hai tay hai chân cứng ngắc vô lực.

Lý Vị tiếp lời nàng câu được câu chăng, nói về tình hình dọc đường đi.

Nàng biết từ Ngọc Môn đến Y Ngô tổng cộng là có tám trăm dặm, có thể phải đi nửa tháng, ngoại trừ mười dịch trạm có nước được xây ở ốc đảo trên đường, thì còn lại chỉ có sa mạc cát vàng.

Mỗi dịch trạm đều bố trí ống báo động khói, thương đội trên đường gần như là đều hành tẩu dọc theo mười dịch trạm này.

Thứ nhất là để bổ sung lương thực, nước, cỏ thức ăn cho gia súc.

Thứ hai là được báo động khói của quân đồn trú bảo vệ, tránh bị phần tử xấu quấy rầy.

Trời cao xa, ông sao lại sà thấp, nàng nghe mơ mơ hồ hồ, ghi tạc trong đầu, thành lũy bao cao, hồ nước ở đâu, phải tránh những gặng hỏi của người nào.

Giọng nói trầm thấp thuần hậu của người đàn ông xuôi theo làn gió truyền vào tai nàng.

Nàng từ từ nằm bò ra lưng ngựa, nét mặt êm dịu và bình thản.

Trước khi chìm vào giấc ngủ, nàng có lim dim mở mắt một lần, thấy bóng lưng Lý Vị cũng hơi hơi thả lỏng.


Búi tóc trên đầu đã rối, vài sợi tóc đen bị gió lùa bay tán loạn hai bên thái dương, sườn mặt kiên nghị lộ vẻ cương quyết và tịch mịch cực kỳ hiếm khi gặp, có đôi chút hương vị của lữ khách giang hồ ở nơi chân trời xứ lạ.

Giang hồ, giang hồ tức là bốn biển, nàng cũng đã ở trong chốn giang hồ rồi đây.

Lý Vị thả dây cương cho con ngựa đi chậm, chờ thiếu nữ trên lưng ngựa ngủ mấy giấc.

Trong gió đêm hắn lặng lẽ trông cho nàng, đêm còn đằng đẵng, đường cũng rất dài, hắn có đủ thời gian để đợi nàng.

Bởi vì ánh trăng quá sáng nên so với Trung Nguyên, ban đêm ở ải Bắc nhạt hơn một chút.

Vùng hoang vu bát ngát xa xôi như đang dội lại đây những tiếng đinh đang đứt quãng.

Nàng vểnh tai, đứng trên ngựa phóng mắt nhìn ra xa, chẳng thấy được gì sất.

Lý Vị nhấp một ngụm rượu mạnh, vung roi nói: "Đi thôi, phía trước chính là đường Y Ngô."
Trước đây đường Y Ngô bị Đột Quyết chiếm giữ, vì vậy thương đội phải đi vòng từ Đôn Hoàng, chỉ khoảng ba bốn năm trở lại đây đường mới được khai thông.

Nhưng cũng trong thời gian ba bốn năm này, thuế má biên quan của triều đình thu nhiều hơn hai mươi phần trăm.

Lương thực tích trữ của Bắc Đình cung cấp cho quân đội biên cương, triều đình xuất khẩu ít đi mười vạn tạ bắp ngô, đường Hà Tây được xây thêm tường thành che chắn để ngăn chặn sự xâm lược của giặc ngoại xâm, đây được cho là một chuyện tốt hả hê lòng người.

Đi đến khi phía chân trời bắt đầu chuyển sang màu trắng, cuối cùng nàng nhìn thấy một đội ngũ xuất hiện ở đằng xa đang di chuyển từ từ.

Có ánh lửa, có lạc đà, có con la, có xe bò, còn có người mặc những trang phục màu da khác biệt, chậm chạp bước đi trên đường.

Người nối thành hàng dài uốn lượn miên man, bước đi rung chuyển.

Rốt cuộc Xuân Thiên nhẹ nhàng thở ra.

Đội ngũ này rất dài, nếu phân tán ra sợ là cũng phải hơn trăm người.

Dẫn đầu là một cỗ xe ngựa màu đỏ rộng rãi, nan hoa bền chắc, với những nét họa tiết chạm trổ gấm hoa đặc sắc.

Đi theo sau là gần một trăm con la con lừa, đằng sau nữa là cả đoàn lữ nhân đi lộn xộn chẳng vào hàng lối.

Cũng có hơn mười nữ quyến và trẻ con, đều ngồi trong xe cao phía sau.

Lý Vị nhảy xuống ngựa, tiến lên bắt chuyện.

Bên cạnh cỗ xe ngựa đỏ có một người đàn ông Hồ tay áo hẹp, cầm con dao, quay đầu ngựa đi ra.

lý Vị chắp tay: "Vị huynh đài này, hai anh em tôi muốn đến Y Ngô, may mắn gặp quý nhân ở đây, liệu có tiện cho chúng tôi cùng đi theo một đoạn đường không?"
Người đàn ông tráng niên mày rậm mũi khoằm, hai mắt lõm sâu, quan sát Lý Vị từ trên xuống dưới.

Kế đó ánh nhìn dừng lại ở con dao và cung tên giắt bên hông Lý Vị, không khỏi nhíu mày.


Lại nhìn thiếu nữ trẻ tuổi đứng sau lưng, nói bằng tiếng Hán: "Huynh đài chờ lát." Rồi quay xe ngựa thấp giọng nói một câu vào trong thùng xe, sau khi kề tai lắng nghe, mới đi tới chỗ Lý Vị trả lời: "Tát bảo* đồng ý, đằng sau có xe cao, huynh đài cứ tự nhiên."
(*Tát bảo: Theo cách nói cũ của Pelliot và Deveria thì Tát bảo có nguồn gốc là Saba trong tiếng Syriac, nghĩa là trưởng lão.

Trong "Biên soạn Y Lan Trung Quốc" của Berthold Laufer, Tát bảo là đối âm của Xsathra—pavan trong tiếng Ba Tư cổ, ý chỉ chủ soái hoặc thủ lĩnh.

Toyohachi Fujita cho rằng Tát bảo là đối âm của Sarthavaho trong tiếng Phạn, tức thương chủ.

Ông Dương Hiến Ích lại cho rằng Tát bảo là đối âm của Sarva hoặc Zrwde trong tiếng Khang Cư, nghĩa là tên thần của Phạm Thiên - theo baike baidu)
Tát bảo là người Túc Đặc, thủ lĩnh của thương đội.

Hóa ra chủ nhân của đội lạc đà này là một thương gia lớn người Hồ ở nước Khang, đến từ Lương Châu, mang theo sáu mươi thồ hàng gồm có tơ lụa và trà thơm, đi cùng có hơn hai mươi tôi tớ tay sai hướng đến Tây Châu.

Những người còn lại cũng là thương nhân của nước Khang, xuất hành phụ thuộc vào Tát bảo.

Cũng có thương nhân người Hồ hoặc Hán đi nửa đường gặp đội vệ chu toàn thế này, thấy người ngựa đông đúc, bèn xin vào cùng đi.

Người ra đón Lý Vị chính là thủ vệ gia binh của lão Tát bảo, bầu bạn cạnh chủ nhân quanh năm hành tẩu Tây Vực, tên là Di Thi Niên.

"Đa tạ Tát bảo lão gia." Lý Vị dẫn Xuân Thiên ra đằng sau chỗ xe cao có chỗ ngồi, nhét áo lông cừu và túi nước vào ngực nàng: "Ngủ một giấc đi, con đường sau đây sẽ không mệt như vậy nữa đâu."
Xuân Thiên đáp vâng, gật đầu, dụi dụi mắt, thấy hắn quay ngựa đi về phía trước, bèn gọi hắn lại: "Đại gia, ngài đi đâu thế?"
"Ta không đi xa." Hắn ngoảnh đầu nói, "Ngay trước đây thôi, nếu có chuyện gì cô cứ gọi ta."
Xuân Thiên ló đầu nhìn bóng lưng hắn sóng vai đi cùng đội lạc đà.

Có lẽ là hành tẩu bên ngoài quen rồi, nên hắn mới sinh ra ý thức bảo hộ cho đội lạc đà một cách tự nhiên đến vậy.

Bên cạnh có người đàn bà trung niên mặc y phục người Hán bị đánh thức, đẩy tấm thảm nỉ ra, dụi mắt nói với Xuân Thiên: "Tiểu nương tử, trời còn chưa sáng, mau ngủ thôi."
"Làm phiền nương tử ạ." Xuân Thiên dịch người vào giữa, lúc này lại hơi không ngủ được, người đàn bà bên cạnh cũng dứt khoát ngồi dậy, chuyện trò với nàng về chuyện nhà: "Tiểu nương tử, đó là phu quân nhà cô hả? Coi chú ấy săn sóc cẩn thận thế kia cơ mà, thật đúng là làm người khác trông mà ao ước đấy.

Tiểu nương tử quả tốt phúc."
Xuân Thiên nghe hai tiếng "phu quân" mà như bị lửa đốt, sắc mặt nháy mắt đỏ bừng, lắc đầu xua tay, bối rối nói: "Nương tử nhầm rồi, chúng tôi không phải...!Đó là anh họ của tôi."
Người đàn bà thốt lên tiếng cảm thán như vỡ lẽ, lại phát hiện Xuân Thiên vẫn là thiếu nữ chưa se mặt*, xấu hổ cất giọng: "Coi mắt mũi tôi kém chưa này, nói bậy nói bạ, thật sự xin lỗi." Bà ấy có lòng muốn tâm sự với Xuân Thiên cho đỡ buồn chán, cười bảo: "Hai anh em cô định đi đâu thế?"
(*Se mặt: phong tục xưa, các cô gái trước khi về nhà chồng thì phải thay đổi kiểu chải đầu, búi tóc, cạo sạch phần lông tơ ở cổ và ở mặt)
"Chúng tôi tới Y Ngô." Xuân Thiên cuộn tròn trong áo lông cừu, "Nương tử thì sao?"
"Cả nhà chúng tôi đến Tây Châu, cha đứa nhỏ có mở cửa hàng ở đó..." Người đàn bà nói liên miên một thôi một hồi, Xuân Thiên ngồi nghe cũng dần không gượng được nữa, hai mí díp lại, nhắm mắt ngủ.

Di Thi Niên thấy Lý Vị lặng lẽ trông giữ phía sau xe cao và đàn la ngựa, bèn cưỡi ngựa tới gần.

Hai bên chào hỏi hàn huyên, bấy giờ mới biết Lý Vị cũng là hộ vệ băng qua sa mạc lớn hộ tống thương đội, vỗ vai Lý Vị bật cười sang sảng: "Hóa ra là cùng nghiệp, thất lễ rồi."
"Đường đi này còn cần huynh đài chiếu cố ít nhiều." Lý Vị tán gẫu với Di Thi Niên, hắn biết tiếng Hồ, hiểu lễ nghĩa, hai người nói đủ mọi chuyện ly kỳ tai nghe mắt thấy, rồi các phong tục tập quán, hết sức vui vẻ.

Di Thi Niên thích chí, kéo Lý Vị vào nhóm gia binh ở đằng trước uống rượu.

Lý Vị đáp một tiếng, quay về xem xét, thấy thiếu nữ cuộn người ngủ say sưa, gió đêm lùa qua sợi tóc tán loạn trên trán, không khỏi mỉm cười.

(còn tiếp).

Bình Luận (0)
Comment