Vị Bắc Xuân Thiên Thụ

Chương 6

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.


Hóa ra vào ngày thương đội tới Cam Châu, Đoàn Cẩn Kha đã nhận được bức thư do tôi tớ nhà chú hai đưa đến.

Trong thư viết, một là anh cả của y - Đoàn Cẩn Ngọc - đã quay về Trường An báo cáo công tác, ra Tết phải chuyển đến Thanh Châu Sơn Đông, hai là về lễ đại thọ sáu mươi vào tháng chạp của lão vương phi Tĩnh vương phủ, nhắn y và Tào Đắc Ninh về Trường An càng sớm càng tốt.
Tào Đắc Ninh thấy Đoàn Cẩn Kha nhìn chằm chằm bức thư mà thần hồn treo ngược cành cây, nhẹ giọng hỏi y: "Cậu Kha, lão gia dặn phải đi à?" Đoàn Cẩn Kha nhét thư nhà vào tay áo, cất tiếng: "Chú đi thu xếp, chúng ta khởi hành quay về Trường An."
Nửa số hàng mang theo trong đội ngựa thồ là phong lan, xạ hương, nhũ hương, có cả Hãn Huyết bảo mã mua từ Đại Uyên.

Tào Đắc Ninh kiểm kê một lượt, dẫn khoảng chừng bảy tám mươi con la chở hàng đồng hành.

Ngoài phu xe tùy tùng nhà mình thì còn mời đám người Lý Vị đi cùng, vì họ đều là những tay có kinh nghiệm, cùng đi với nhau để phòng tránh sự cố chưa chuẩn bị phát sinh trên đường.

Đi cùng còn có hơn mười nàng hồ cơ, nhóm hồ cơ này do một vị Hồ thương mua lại, cũng đi luôn đến Trường An.

Mọi người không thấy nàng hồ cơ tuyệt sắc từng chăm sóc Xuân Thiên đâu, hỏi Hồ thương, mới biết hóa ra hồ cơ ấy là vương nữ Áp Đát.

Quốc thổ Áp Đát cách Trường An hai vạn dặm hơn, sống nhờ du mục, nhiều đời kết thông gia với người Nhu Nhiên.

Vài thập niên trước, Áp Đát bị Đột Quyết tiêu diệt, bộ tộc Áp Đát lưu lạc khắp nơi, một số trong đó di dời đến Thổ Hỏa La quốc.

Thái độ của người Thổ Hỏa La với người Áp Đát chẳng thân thiện gì cho cam, thường bắt cóc phụ nữ và trẻ con ở bộ tộc Áp Đát.

Vương nữ đây thuộc sở hữu của người Thổ Hỏa La, rồi sau đó qua tay nhiều người khác, bị bán tới Trung Nguyên.

Vừa vào thành Cam Châu, nàng vương nữ đã lọt vào mắt xanh của một ông lớn, ban đầu Hồ thương định bán cô ấy vào Trường An, lúc đó giá nô lệ cần phải tăng gấp đôi.

Nhưng hồ cơ thề sống chết không chịu đi về phía đông, Hồ thương chỉ đành chuyển bán cô ấy ở thành Cam Châu.

Nàng hồ cơ tóc vàng mắt biếc, da trắng diễm lệ, là hàng lạ hàng hiếm trên đất Trung Nguyên, mang ra chợ bán giá trị ngàn vàng, giới phú thương thường rất ưa chuộng, nếu hồ cơ có tí thân phận, tức khắc sẽ có người nâng đỡ.


"Nước mất nhà tan, con cưng của giời một khi làm nô, thực là thảm thương!" Cũng không biết, là ai đã nói câu này.

Đoàn Cẩn Kha im lặng, bỗng nhiên nhớ tới cặp mắt bích chất sầu chứa oán kia, cứ luẩn quẩn mãi trong đầu không tài nào xóa bỏ.

Trên đường, mọi người bàn luận viển vông, phóng mắt nhìn xa là núi Yên Chi, cánh rừng ngút ngàn và tuyết trắng tôn nhau lên, dưới chân núi cỏ khô nối liền, tuấn mã hí vang.

Đầm cỏ Đại Mã Doanh là trại nuôi ngựa lớn nhất của triều đình, có năm vạn con ngựa, vô số bò dê, mọi trại lính cùng ngựa chiến Hà Tây đều do nơi đây cung cấp.

Lương Châu cách Cam Châu năm trăm dặm đi đường, người đi đông đúc, quán rượu hàng trà tưng bừng náo nhiệt, thương đội cứ đi rồi lại dừng.

Khi còn hai ba ngày nữa là đến Lương Châu, sắc trời bỗng tối tăm, mây đen chồng chất, cuối cùng đổ một trận mưa buốt liên miên.

Mưa đông dày đặc, khí lạnh như kim châm đâm vào xương cốt, gió rét khiến cả người run bần bật, hương liệu dược liệu trong bao hàng cũng không chịu nổi mưa.

Ngày hôm đó mưa to, mọi người buộc phải chọn một ngôi tiệm tạm lánh.

Chậu than lớn đặt giữa tiệm đốt một đoạn cọc gỗ, cành khô nổ đôm đốp trong lửa, đốm lửa nhỏ bắn tung tóe, người đi đường tránh mưa ngồi thành vòng chung quanh, chả biết người nào cởi giày, quay chiếc giày âm ẩm trên lửa, thứ mùi vừa chua vừa hôi lan tỏa trong không trung, xộc vào mũi khiến ai nấy đều ngạt thở.

Dọc đường đi mưa xối gió lạnh, mặc đồ nỉ áo da càng cảm giác khí lạnh xâm nhập thấu vào tận xương, đám Đoàn Cẩn Kha chiếm mấy cái bàn ngồi hong đồ ướt, chủ tiệm nhanh nhẹn bước ra khom người lau bàn pha trà.

Đồ ăn trong tiệm chỉ có mấy món xoàng, nhiều thì có bánh bột ngô thịt nướng nhét răng, rượu ở đây khá tuyệt, rượu nho rượu trắng rượu trái cây đầy đủ các loại.

Mấy người đàn ông vạm vỡ ở bên lười biếng ngẩng đầu liếc mắt nhìn người bước tới, trong đó có một gã đàn ông râu ria mặt thẹo híp hai con mắt tinh tường, đuổi vội tiểu đồng xách cái giỏ bán gà quay bên cạnh: "Biến biến biến, đừng có chắn trước mặt đại gia!"
Mấy người Đoàn Cẩn Kha, Hách Liên Quảng, Thẩm Văn ngồi một bàn, người nào người nấy vùi đầu, yên lặng uống rượu chẳng nói năng gì, Ngụy Lâm lại nói mãi không dứt, lẩm bẩm liên thiên xin trà xin nước.

Tào Đắc Ninh bảo chủ tiệm bưng mấy bình trà nóng ra cho hộ vệ trông đàn la và hàng hóa, vừa quay mình thì thấy có một gã mặt vàng đeo túi hai đầu* ướt sũng trên lưng, tiến tới gần hỏi: "Xin hỏi huynh đài, đội thồ đi về Lương Châu phải không?"
*Túi hai đầu:

vi-bac-xuan-thien-thu-6-0.jpg
Tào Đắc Ninh gật đầu: "Đúng vậy."
Gương mặt gã hiện lên nét cay đắng và bất lực, thở dài một hơi rồi khó xử nói: "Không dối gạt gì huynh đài, tiểu nhân họ Triệu, nhà đi ba người, nhà dưới cầu Thạch Đôn phường Bình An phủ Lương Châu, mấy ngày nay bôn ba về, hôm qua đi trên đường không khéo bị trộm mất con la.

Tiểu nhân thấy đội của huynh đài người nhiều xe nhiều, có yêu cầu hơi quá đáng, chẳng biết có sẵn lòng cho tiểu nhân nhờ xe, theo về Lương Châu không?"
Tào Đắc Ninh quan sát gã một lúc, nói: "Có thể, chỉ là chúng tôi đi gấp, sợ là sẽ cực khổ đấy."
"Không sao không sao." Gã mặt vàng sờ sờ thái dương, cười bảo: "Thế thì, đa tạ..."
Hách Liên Quảng ngừng uống rượu, chậm chạp ngước lên, chả biết là nói với ai: "Đi cùng người trong nhà, tính đeo vỏ phỉnh phờ đấy à."
Bên này, gã mặt thẹo thẳng vai lên, nhìn chòng chọc Hách Liên Quảng, nhưng chỉ trong nháy mắt đã thay đổi sắc mặt, nhoẻn miệng cười xòa: "Vị huynh đài này nói gì, mỗ thực sự nghe không hiểu."
Hách Liên Quảng úp chung rượu xuống bàn, đứng dậy lạnh giọng nói: "Thịt làm hơi quá lửa, cơm này nuốt không vô."
Gã mặt vàng tái mét mặt, lập tức cất bước ra ngoài, Thẩm Văn nhanh tay rút thanh trường đao ra, ngăn gã lại: "Huynh đài đừng vội, ngoài kia mưa to gió lớn, chi bằng nghỉ trong tiệm cho đủ sức rồi hẵng lên đường tiếp."
"Không cần, không cần." Giọng điệu gã hơi khẩn trương, liên tục xua tay, "Tôi vừa nhớ ra có chút việc gấp, đi trước một bước, cảm tạ các vị huynh đài!" Dứt lời xoay người lủi khỏi ngôi tiệm.

Hay cái là, gã mặt thẹo trong tiệm cũng biến mất chẳng thấy tăm hơi.

Tào Đặc Ninh đã từng gặp những trường hợp như vậy, nhỏ giọng giải thích với Đoàn Cẩn Kha: "Lũ cường đạo tính cướp giật tiền, nào ngờ đụng phải tay lão luyện, co cẳng chạy mất dép rồi."
Đoàn Cẩn Kha bật cười, trên con đường này không biết đã gặp bao nhiêu đạo chích đạo tặc, ngay cả nơi như phủ Lương Châu cũng có đám ruồi nhặng trắng trợn tiếp tay làm việc xấu, như giòi bám trên xương, đuổi mãi chả hết.

Gió bắc xé vun vút, mây đen mỗi lúc một dày, càng thổi càng nhiều.

Thẩm Văn quấn roi ngựa giữa cánh tay, tháo túi rượu bên hông xuống, dốc thẳng một hơi rượu mạnh vào bụng, rồi ném cho Lý Vị cạnh mình: "Sợ là đổ tuyết rồi."
Lý Vị chụp lấy túi rượu: "Đằng trước chính là Lương Châu."
Không biết là ai vung roi ngựa, tức thì túi rượu đã rơi vào tay người khác: "Mẹ kiếp, thời tiết quái quỷ!" Người nói là Tiền Thanh, từ lúc mười mấy tuổi đã đi từ nước Thục vào Hà Tây, đến nay đã hai mươi nhưng vẫn không chịu nổi mùa đông Tây Bắc.

Túi rượu đã truyền đến tay Đoàn Cẩn Kha từ lúc nào, Đoàn Cẩn Kha quen uống rượu nhẹ vừa phải nên khi uống ngụm rượu này vào, cổ họng sặc nghẹn, lồng ngực như thiêu như đốt, ngón tay cứng ngắc cũng cử động được, không nhịn được hớp thêm hớp nữa: "Rượu ngon!"
Tuyết rơi nhiều, trắng tựa lông ngỗng, phủ khắp mặt đất, gió gào ác liệt, cứa vào người đau rát.


Có người đã đợi sẵn ở thành Lương Châu, tiểu nhị trông thấy Đoàn Cẩn Kha, cười hì hì lên dắt ngựa: "Cuối cùng công tử cũng tới, tiểu nhân đứng đây hơn nửa ngày, cổ sắp gãy làm đôi, nhưng tiểu nhân vẫn cố chờ."
Nhà trọ ở nội thành Lương Châu, trong nhà đốt chậu than ấm, thức ăn nước rượu chuẩn bị đầy đủ.

Chủ trọ là một người đàn bà mặc đồ lụa, dáng vóc đẫy đà, tủm tỉm đón Đoàn Cẩn Kha vào phòng chính: "Trịnh đại nhân đặc biệt căn dặn chúng tiểu nhân chiêu đãi công tử và thương đội thật chu đáo, ăn gì dùng gì, công tử cứ việc nói."
Đoàn Cẩn Kha bình tĩnh, cười nói: "Làm phiền."
Những mẩu băng tuyết lạnh cứng đọng dưới mép của chiếc áo khoác rơm, mọi người dàn xếp đàn la chở hàng xong xuôi thì đều tự đi tìm một chỗ thoải mái.

Đoàn Cẩn Kha rửa mặt chải đầu, thay quần áo, dẫn Ngụy Lâm ra khỏi nhà trọ.

Người gác cổng chuyển bái thiếp, thứ sử Lương Châu là Trịnh Thái Hưng đã nấu trà thơm trong thư phòng.

Mấy năm rồi Đoàn Cẩn Kha không gặp Trịnh Thái Hưng, thấy mặt mũi ông vẫn trẻ trung và bộ râu đầy lịch lãm, không một nếp nhăn, không có gì thay đổi so với lần gặp trước, bèn vội vã bước đến chắp tay thi lễ: "Bác ạ."
Đoàn Chi Đình - cha Đoàn Cẩn Kha - và Trịnh Thái Hưng là bạn bè cùng trường, sau khi làm quan tuy có doanh đảng riêng, nhưng quan hệ cá nhân chẳng hề xa cách.

Hai người hỏi han một bận, Trịnh Thái Hưng vẫy tay ra hiệu nữ tỳ xinh đẹp lui ra, gọi Đoàn Cẩn Kha ngồi xuống: "Chuyến này đi thuận lợi chứ?"
"Tính tình cha con hơn mười năm vẫn vậy, sai con đi mà cũng chẳng đánh tiếng gì với lão phu, đây là không thèm để Trịnh ta vào mắt rồi còn gì!"
"Đâu có ạ." Đoàn Cẩn Kha cười nói, "Ở nhà suốt ngày chơi bời lêu lổng làm cha không hài lòng, mới tống cổ con tới đây, chỉ là không ngờ con lại được các bác các chú chiếu cố."
Đoàn Cẩn Kha nhắc về việc thuyên chuyển công tác của anh Cả Đoàn Cẩn Ngọc, Trịnh Thái Hưng mỉm cười bảo: "Từ sau khi Cẩn Ngọc bước ra Hàn Lâm uyển, càng ngày càng được thánh nhân coi trọng, lần này nó ra làm quan, cha con cũng nở mày nở mặt." Ông lại nói, "Khéo là đầu năm sau ta phải cùng mấy vị tướng quân Chiết Trùng phủ trở về yết kiến thánh nhân và Đông cung, đến lúc ấy có thể tụ họp với nhau."
"Bác tới Trường An sao ạ?" Đoàn Cẩn Kha mừng rỡ, "Con sẽ báo tin này với cha, ông ấy mà biết có khi hưng phấn mất ngủ mấy ngày!"
Trịnh Thái Hưng nói giọng đầy ẩn ý: "Ừ, lương thực trong quân đã bị cắt vài tháng, sợ rằng là các tướng quân Chiết Trùng phủ muốn phá cổng hoàng thành đây."
Nói ra thì, chung quy cũng chỉ bởi một chữ "nghèo".

Vài năm trước triều đình đại chiến với Đột Quyết, khai thông đường Y Ngô, mở lại Ngọc Môn Quan, lập Bắc Đình đô hộ phủ.

Lũ lụt Đông Nam triền miên, sông Hoàng Hà đổi dòng, quốc khố nghèo nàn đến độ cả cỏ rễ cũng không nhổ lên được, Hộ bộ thượng thư sốt ruột đỏ mắt, nghiến răng nghiến lợi muốn thanh toán nội khố của hoàng đế.

Dẫu quốc khố nghèo, nhưng vàng bạc trong kho riêng thì không thiếu, mà hoàng đế đương triều đã quen than nghèo, còn phải nuôi cả hoàng thân quốc thích như rễ dưới nước, trong hậu cung thì có bảy tám hoàng tử công chúa đã đến đuổi thành gia lập thất, rồi son phấn xiêm y của nhóm phi tần, đều cần tiêu tiền.

Thái tử kiêm đại tổng quản Hà Tây, nhọc lòng lo nghĩ mấy chục vạn quân đội Hà Tây, cũng đang tính toán về số tiền trong túi hoàng đế.

Thế nhưng hoàng đế không chịu nhả ra, nhà ngoại thái tử lại là gián thần* chẳng giàu sang gì cho cam, thái tử bó tay, đành cho vài vị quan lớn Hà Tây về kinh báo cáo công tác, cùng nhau nghĩ cách giải quyết.


*Gián Thần: Gián (谏) nghĩa là khuyên can, gián thần là những người trung quân báo quốc, cương trực công chính.

Tào Đắc Ninh đang ở trong nhà trọ chờ Đoàn Cẩn Kha, thấy công tử và Ngụy Lâm trở về, bước lên đón: "Công tử về rồi."
Nhà trọ đã chuẩn bị cỏ khô lương thảo, đổi ngựa khỏe lừa ngoan, mọi người nghỉ ngơi tại Lương Châu một ngày, định ngày hôm sau khởi hành, băng qua Ô Sáo Lĩnh, chọn tuyến đường đi Lan Châu, về phía đông vượt qua sông Hoàng Hà.

Ô Sáo Lĩnh mây sương che phủ, cụm núi quanh co khúc khuỷu nối tiếp, đỉnh núi tuyết đọng đồ sộ, cực tây núi cao ngất cắt ngang trời.

Tất cả mọi người quấn chặt kín trong bộ đồ nỉ, chiếc mũ lông, và đôi ủng da, mà vẫn còn cảm giác khí lạnh luồn vào người, cơ thể run lập cập.

Vốn là núi lạnh, lại thêm gió tuyết, đưa mắt trông bốn bề đều trắng xóa.

Mọi người ruổi ngựa chạy sâu vào núi, chỉ thấy viên tuyết tràn ngập, gió mạnh thấu xương, đoàn người thầm gắng sức, bước được nửa bước cũng khó khăn cực kỳ.

Đường trong núi lạnh lẽo, tuyết kết thành cột băng, phải giảm tốc độ đi, một ngày ước chừng mới đi được năm mươi dặm hơn.

Tuyết đổ càng ngày càng nặng, gió lay bông tuyết đáp xuống người, người thổi hết hơi, bông tuyết dính trên áo, ban đầu mọi người còn đưa tay ra gạt tuyết, đi được một đoạn thì rụt tay về hẳn, mặc cho áo quần cứng lại vì rét.

Ngược gió đi mấy dặm qua đỉnh tuyết, ai nấy cũng mệt không chịu nổi, tiếng gió quét vào tảng băng phần phật bên tai, như đang nô đùa muốn cào rách màng nhĩ, cách đó ít xa, chợt nghe thấy một tràng ngựa hí.

"Là thiên mã Kỳ Liên Sơn đấy!" Mọi người than thở.

Lý Vị cưỡi một con ngựa xám hết sức bình thường, bấy giờ nó đung đưa cái đuôi, hí lên một tiếng trầm trầm.

"Suỵt." Lý Vị vỗ về nó, "Truy Lôi, khi nào về nhà sẽ thả mày vào núi chạy."
Mấy ngày trong núi thực sự vô cùng gay go, khi tới dịch trạm của thành ở phía nam Ô Sáo Lĩnh, mọi người mới thoáng thở phào nhẹ nhõm.

Tại trạm dịch gặp một chiếc xe ngựa chạy từ phía đông đến, trên xe chở quân phục mà cung đình ban thưởng cho chư quân trấn Hà Tây dịp tiết Hàn Y.

Lúc này mọi người đã kiểm tra giấy tờ, tiếp tục hành trình đến Lan Châu.

(còn tiếp).

Bình Luận (0)
Comment