Lại nói, nhìn thấy Mizu lăng xăng chạy ra chạy vào, Giang Phong khẽ cười, lấy ra một đạo phù chú, đưa cho Mizu, nói :
- Hiền muội hãy thu tiểu ấp lại đi.
Mizu nhận đạo phù, ngạc nhiên hỏi :
- Đây là gì vậy ca ca ?
Giang Phong nói :
- Thiên thôn phù.
Trong nhiều game trước đây vẫn có những vật phẩm có chức năng tương tự, như “Thiên Thành Phù” chẳng hạn.
Nhưng trong “Vương Mệnh”, từ cấp trấn, cấp thành trở lên xem như đã trở thành đại đô thị, không thể di dời được nữa.
Chỉ có cấp Hương trở xuống mới có thể tiến hành di dời.
Hệ thống quy định, di dời thôn cần 1 đạo “Thiên thôn phù”, di dời làng cần 2 đạo, và di dời Hương cần 3 đạo.
Đương nhiên quy định nào cũng có kẽ hở.
Người chơi vẫn có cách đối phó.
Đơn giản nhất là tạm thời di dân sang một nơi khác, để thành trấn giáng cấp, sau đó di dời xong rồi lại di dân trở lại và thăng cấp lên.
Tuy nhiên, nếu không thật sự cần thiết thì chẳng ai làm thế làm gì, rất mất thời gian.
Mizu nhìn đạo phù, hỏi :
- Tại sao lại phải dùng nó vậy ca ca ?
Giang Phong mỉm cười nói :
- Nơi này không thích hợp để kiến thôn.
Hiền muội không thấy thôn dân bỏ đi hết, thôn ấp trở nên hoang phế đó sao ? Chúng ta cần di dời đến nơi khác thích hợp hơn.
Mizu nói :
- Phải đó nha.
Nhưng nơi nào mới thích hợp vậy ca ca ?
Giang Phong nói :
- Thứ nhất, không quá gần các khu vực phồn hoa, nhưng cũng không nên quá xa.
Thứ hai, phải tiện cho việc phòng thủ, tránh bị người khác đến phá hoại, xâm chiếm.
Nếu suốt ngày cứ phải lo đánh nhau với người khác, đề phòng người khác thì còn tâm trí đâu mà phát triển được nữa.
Tiểu huynh có nghĩ đến một nơi thích hợp, nhưng phải đích thân đến nơi xem đã.
Cả bọn đồng thanh khen phải.
Masashi nói :
- Phải đó Mizu.
Bọn Akihiro mới vừa rồi cũng bị tấn công đó.
Nếu không được Thiếu Quân ca ca giúp cho thì đã mất cả Thiên Diệp trấn rồi.
Mizu liền đi vào trong tiểu ấp, dùng “Thiên thôn phù” biến tiểu ấp thành một Bản vẽ.
Sau đó mọi người trở về thuyền, tiếp tục hành trình.
Thuyền đi về phía bắc, khi đến khu vực vịnh Hàng Châu thì gặp quần đảo Chu Sơn.
Quần đảo này bao gồm 1339 hòn đảo lớn nhỏ, trải dài từ vịnh Hàng Châu cho đến đông nam cửa sông Giang, trên một vùng biển rộng 22.200 kilômét vuông, và bị chia cắt với đất liền chỉ bằng một khu nước hẹp, khoảng cách hẹp nhất là 9,1 kilômét.
Đối với Giang Phong, nơi này là thích hợp nhất để kiến thôn.
Khu vực sông Tiền Đường, Chiết Giang và vùng vịnh Hàng Châu tập trung rất nhiều lãnh địa và tiểu quốc, là một trong những khu vực phồn hoa nhất của đạo Đông Việt.
Cả “Thiên hạ đệ nhất đại bang” Linh Sơn Bang cũng kiến quốc tại đây, quốc thổ gần năm nghìn dặm vuông, tức khoảng 800 kilômét vuông.
Diện tích này thật ra không rộng, còn chưa bằng một huyện nhỏ ở Trung Quốc ngày nay (mỗi tỉnh có đến hơn chục địa cấp thị, mỗi địa cấp thì có hơn chục, thậm chí đến hàng chục huyện thị).
Thường thì một huyện sẽ có diện tích vài nghìn kilômét vuông, chỉ có các khu (quận) nội thành mới có diện tích vài trăm, còn khu ở ngoại thành có khi cũng đến hơn nghìn.
Ví dụ thành phố Hàng Châu ngày nay có 8 khu (quận), 3 huyện cấp thị (thành phố cấp huyện), và 2 huyện; trong đó huyện Đồng Lư diện tích 1.780 kilômét vuông (gần bằng thành phố Hồ Chí Minh, rộng hơn tất cả các tỉnh thành ở khu vực đồng bằng sông Hồng, trừ thành phố Hà Nội mới được mở rộng) và huyện Thuần An còn rộng hơn, có diện tích 4.452 kilômét vuông.
Chiết Giang là một trong những cái nôi văn hóa quan trọng của người Việt.
Thời cổ, người Tàu gọi các dân tộc sống ở phía nam bằng một cái tên chung là Việt.
Sử sách thời nhà Hán thường nói đến cái tên “Bách Việt” với nghĩa “một trăm bộ lạc Việt”.
Hán Thư viết : “trong vòng bảy hoặc tám nghìn dặm từ Giao Chỉ đến Cối Kê (thuộc vùng bắc Chiết Giang) ở đâu cũng có Bách Việt, mỗi nhóm có các thị tộc của mình”.
Các nhà ngôn ngữ dân tộc học cho rằng phát âm của từ 越 (Việt, Yue, Yueh) có thể có liên quan đến một loại sợi cây gai dầu (hemp) được làm tại nơi mà nay là Chiết Giang.
Chính chữ Việt (越) có liên quan đến chữ "việt" (鉞 - cái rìu lớn, một thứ binh khí thời xưa), thường được coi là biểu tượng của hoàng gia hoặc quyền lực hoàng đế.
Nhiều rìu đá đã được tìm thấy tại vùng Hàng Châu, và còn có bằng chứng rằng loại rìu đó là một phát minh của vùng đất phía Nam.
Người Hán vẫn luôn cho rằng mình là “Viêm Hoàng tử tôn”, rằng Hoàng đế đã đánh bại Viêm đế, khiến hai bộ tộc sát nhập làm một mà thành người Hán ngày nay.
Có điều, ngày nay có rất nhiều bằng chứng (cũng do người Hán tìm ra) phủ nhận điều đó, chỉ là người Hán vẫn tự khi khi nhân, không chịu thừa nhận mà thôi.
Đừng nói từ thời xa xưa, ngay cả thời nhà Chu, nước Sở vẫn bị xem là man di, không thuộc “Trung Quốc”.
Dân nước Sở gồm hai loại : bình dân là dân bản địa, tức người Kinh, tên nước Sở trước đó cũng gọi là Kinh (荆), rồi sau là Kinh Sở (荆楚); và quý tộc là người phương bắc được nhà Chu phái đến cai trị.
Và quan trọng nhất, lãnh thổ của nước Sở nằm ở khu vực Hồ Nam, Hồ Bắc, An Huy, Hà Nam, Giang Tô; kinh đô nước Sở lần lượt đặt tại Đan Dương, Dĩnh, Trần, Thọ Xuân, toàn ở lưu vực sông Hoài.
Trong khi đó, các nhà khảo cổ học người Hán cũng tìm được các di tích nơi sinh sống của Thần Nông (tên gọi khác của Viêm Đế) ở Liệt Sơn, Hồ Bắc.
Đồng thời còn có di tích mộ Thần Nông ở gần Trường Sa, phía nam Động Đình Hồ.
Thật ra Hoàng đế chỉ đánh bại được Khương tộc, một nhánh của Thần Nông thị sinh sống ở lưu vực Hoàng Hà.
Họ xem Khương tộc là Thần Nông thị, rồi xem tộc trưởng Khương tộc là Viêm đế.
Thật ra Khương tộc chỉ là một bộ tộc thuộc Thần Nông thị, giống như Dung tộc, Miêu tộc, Lê tộc, Kinh tộc, … vậy.
Tóm lại, Hàng Châu là một địa điểm quan trọng của người Việt cổ.
Bộ tộc hùng mạnh nhất nơi đây là Ư Việt tộc.
Và Giang Phong đã chọn kiến thôn tại đây.
Đổ bộ lên hòn đảo lớn nhất trong quần đảo Chu Sơn, Giang Phong bảo Mizu kiến thôn tại đấy, đương nhiên là chọn vị trí lý tưởng nhất, nằm bên một bờ vịnh nhỏ, gần đó còn có nhiều bãi biển rất đẹp, xa xa còn có một dòng suối nhỏ.
Thiếu Quân tiểu ấp được di dời thành công và bắt đầu tiếp nhận những cư dân đầu tiên.
Ngoài 30 kỵ binh, còn có 24 thuyền phu (nguyên phụ trách chèo 3 chiếc Lâu thuyền), 3 thợ mộc, 1 thợ may, 1 thợ rèn, 1 dược sư, 1 đầu bếp, 2 nông dân, 1 mục dân, 2 ngư dân, 1 thầy đồ, 1 sư gia, và 1 Thống lĩnh.
Sư gia và Thống lĩnh sẽ là văn quan võ tướng phụ trách trấn thủ trang ấp một khi bọn Mizu không có ở đấy (bọn Mizu không thể lúc nào cũng có mặt trong ấp).
Toàn bộ đều được tuyển chọn từ Hải Châu.
Giang Phong cũng không quên vật tư, tạm thời lương thực, gỗ, đá mỗi loại 1 vạn đơn vị, đủ dùng một thời gian rồi.
Tiểu ấp không có mấy cư dân (sĩ binh chiếm quá nửa), chưa đủ sức tự túc tự cấp.
Danh xưng : “Thiếu Quân tiểu ấp” (không hiểu hệ thống thêm chữ “tiểu” vào làm gì, Mizu rất bất mãn, nhưng cũng đành chịu, bao giờ hệ thống cũng lớn nhất mà).
Cấp độ : 1
Chính trị : 60
Kinh tế : 0
Văn hóa : 0
Xã hội : 50
Dân số : 70 (69 NPC quân dân + trưởng ấp Mizu)
Thuế : 0
Tín phục độ : 66
Binh lính : 30
Tướng lĩnh : 1 (viên thống lĩnh)
Quan viên : 2 (Mizu và lão sư gia)
Nori và Masashi trở thành Trưởng lão, có được một số quyền hạn, nhưng không được tính vào dân số của ấp.
Cũng như những nơi khác, địa bàn quản hạt của tiểu ấp cũng là 10x10 dặm, tức 100 dặm vuông (tương đương 16 kilômét vuông), nhưng khu vực chính được rào tre bao quanh chỉ chiếm 100x100 thước (tương đương 40x40 mét).
Trong ấp ngoài Trưởng ấp thất, còn có 10 căn Nhà, 1 Lò rèn, 1 Tiệm tạp hóa, 1 Giếng, 1 Kho.
Sau khi chuyển một số vật tư từ dưới thuyền lên bờ, việc kiến thiết tiểu ấp bắt đầu.
Đương nhiên mọi việc sẽ do bọn Mizu chỉ huy, Giang Phong chỉ ở một bên “cố vấn”.
Đầu tiên là xây dựng Bến thuyền để có chỗ cho thuyền neo đậu, cũng như tiện vận chuyển vật tư lên bờ.
Mizu đích thân chỉ huy 3 gã thợ mộc khẩn trương xây dựng Bến thuyền.
“Bến thuyền : diện tích 20x20; gỗ 300, đá 500, ngân tệ 20.”
Sau khi Bến thuyền xây xong, Nori và Masashi chỉ huy toàn thể quân dân khẩn trương vận chuyển vật tư từ dưới thuyền lên bờ.
Trong khi đó, Mizu chỉ huy thợ mộc sửa sang lại Kho và các kiến trúc hiện có trong tiểu ấp.
Ngoài ra còn phải xây dựng thêm một số căn Nhà nữa để đủ nơi ở cho cư dân.
Toàn ấp biến thành một đại công trường.