Hiểu Linh an tĩnh đứng một bên nghe Huyện lệnh và cụ tiên chỉ của làng nói chuyện xã giao.
Trong lòng cô không khỏi cảm thấy buồn cười, thật sự dù ở thời đại nào đi chăng nữa thì quan lại nói chuyện với nhau luôn có chút gì đó rất quan cách.
Từng lời nói chau chuốt nhưng dường như rất đa nghĩa và nhiều ẩn dụ trong đó.
Lý Giang vừa nói chuyện vừa âm thầm quan sát nữ tử đi cùng hôm nay.
Bà khá hài lòng khi người này có thể giữ tâm thái ung dung, không nóng vội khi không được ai quan tâm tới.
Dáng người ngay thẳng, hành vi đoan chính.
Rất tốt.
Nói chuyện đủ với vị tiên chỉ của làng Trần gia, Lý Giang lúc này mới quay sang Hiểu Linh:
- Đây là Phạm cô nương, người tạo ra chiếc máy tuốt lúa tuyệt vời kia đi? Bổn quan đánh giá rất cao chiếc máy đó.
Nó có thể giảm gần một nửa thời gian thu hoạch mùa vụ.
Rất tốt.
Hiểu Linh được nhắc tới tên lúc này mới tiến đến vái chào nói:
- Bẩm Huyện lệnh đại nhân, thảo dân tên Phạm Hiểu Linh.
Công cụ kia đúng là thảo dân tạo ra.
Nó có thể giúp ích được cho người nông dân Tây Đô thành thật sự là niềm vinh hạnh tự hào của thảo dân và cả dân làng Trần gia.
Một lần nữa, Hiểu Linh lại gắn liền vinh quang của cá nhân mình với làng xã nên mấy vị Hương trưởng ở đây vô cùng hài lòng.
Lý Giang gật gù nói:
- Vụ mùa này ta đã cho làm và chạy thử nghiệm hơn ba mươi máy ở quanh Tây Đô thành.
Công dụng của nó thật sự rất đáng để mở rộng ra toàn quốc.
Ta có ý định viết sớ trình lên trên để triển khai dần.
Hi vọng đến mùa lúa sau, dân chúng cả nước có thể dùng chiếc máy này để giảm bớt công việc.
Có điều, theo như Phạm cô nương thấy, chiếc máy này có thể cải tiến tốt hơn không?
Hiểu Linh ngẫm nghĩ một chút rồi cũng đáp:
- Dạ bẩm Huyện lệnh đại nhân..
chiếc máy này thật sự rất đơn giản cũng một phần do thảo dân suy nghĩ một đêm, ngày hôm sau liền làm thử nghiệm để kịp cho thu hoạch ruộng làng.
Nên hẳn là có thể nghiên cứu để cải tiến tốt hơn.
Có điều theo thảo dân nghĩ, dân chúng khắp nơi không phải ai ai cũng giàu có, làng mạc không phải nơi nào cũng có thợ mộc giỏi.
Thứ đơn giản thế này cho dù là người thường có chút đồ nghề trong tay cũng có thể tạo ra.
Như vậy chiếc máy tuốt lúa này mới có thể phổ biến càng rộng rãi, ai ai cũng có thể sử dụng.
Lý Giang ngẩn người khi nghe những lập luận của Phạm Hiểu Linh.
Bà luôn nghĩ tới muốn cải tiến chiếc máy tuốt lúa thêm tốt hơn, hiệu quả hơn nhưng cũng quên mất rằng nếu như vậy chiếc máy cũng sẽ trở nên phức tạp hơn với nhiều chi tiết.
Có lẽ đúng như Phạm Hiểu Linh nói, vì chiếc máy đơn giản mới có thể dễ dàng phổ biến.
Người dân những ngôi làng nghèo khó cũng có thể tự làm để sử dụng… Chẳng phải khi nghe đề xuất từ làng Trần gia, bà một hơi cho làm thử ba mươi chiếc chỉ vì nó rất đơn giản và nhanh chóng sao.
Lý Giang không khỏi đánh giá lại Phạm Hiểu Linh một lần nữa.
Bà trước đây vốn có chút phân vân về phần thưởng cho người này, nhưng giờ có lẽ thứ kia là hợp lý nhất.
Lý Giang cười, tán thành:
- Phạm cô nương nói phải lắm.
Cải tiến có thể nghiên cứu để làm nhưng phiên bản đơn giản này lại dễ dàng phổ biến trong nhân gian nhất.
Đây thật sự là làm phúc cho thiên hạ.
Ta nghe nói Phạm cô nương đứng trong hàng tu văn.
Thời gian tới có định tham gia thi Hương hay không?
Hiểu Linh không hiểu tại sao câu chuyện lại ngoặt sang hướng khác nhanh như vậy.
Cô thật thà đáp:
- Dạ bẩm..
thảo dân kỳ tới và có lẽ cả sau này không nghĩ đến chuyện thi lấy công danh.
Lý Giang ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao vậy? Dù mới tiếp xúc ngắn ngủi với Phạm cô nương, nhưng ta thấy tư chất của cô nương không tồi.
Nếu chịu khó đèn sách, dùi mài kinh sử, đỗ cử nhân cũng không phải chuyện không làm được.
Hiểu Linh cười ngượng:
- Thực ra..
thảo dân cảm thấy mình yêu thích mày mò làm những thứ như máy tuốt lúa hơn là ngồi dùi mài kinh sử.
Có điều, kiến thức thảo dân có hạn, tầm nhìn cũng chỉ trong lũy tre làng nên thật sự chưa làm được gì.
Thảo dân hiện tại chỉ mong gia đình sung túc một chút.
Khi đó có điều kiện, thảo dân sẽ đi đây đi đó, đọc thêm sách mở mang đầu óc.
Như vậy đã là quá đủ rồi.
Hiểu Linh không thích nói chuyện ẩn ý nhưng không có nghĩa cô không biết nói.
Bản thân cô thật sự không có hướng đi đường quan lộ.
Nhưng cô lại cố ý nói mình thích mày mò sáng tạo mấy thứ máy móc kia nhưng ngặt,nỗi kiến thức có hạn.
Cô cũng không nói muốn họ giúp đỡ để cô được đọc sách mà chỉ nói khi có điều kiện muốn đi ra để mở mang đầu óc mà thôi.
Nghe thì có vẻ thật thà chân chất, nhưng lại hạ xuống một bậc thang vô cùng khéo léo nếu bọn họ muốn leo lên.
Lý Giang nhìn đôi mắt sáng ngời kia thì đột nhiên cảm thán: tuổi trẻ thật tốt a….
Người kia không muốn vào quan trường cũng được, nhưng thứ bà muốn tặng cũng rất có ích.
Bà nói:
- Phần thưởng cho Phạm gia và làng Trần gia ta cũng đã sắp đặt xong ngoài kia.
Nhưng ở đây ta có một phần thưởng muốn dành riêng cho Phạm cô nương đi.
Không biết cô nương có hứng thú nghe không?
Hiểu Linh chắp tay cúi chào nói;
- Xin huyện lệnh đại nhân chỉ giáo cho ạ.
Lý Giang rút trong tay áo ra một lá thư đưa cho Hiểu Linh nói:
- Đây là thư giới thiệu của bản quan cho Phạm cô nương.
Với lá thư này, Phạm cô nương tới thư viện Lam Kinh đưa cho viện trưởng thì họ sẽ nhận cô nương là học sinh.
Cô nương muốn theo học cũng được hay đơn thuần là đến để đọc sách cũng được.
Thư viện Lam Kinh sẽ luôn mở cửa chỉ riêng với Phạm cô nương mà thôi.
Cụ Tiên chỉ ánh mắt sáng lên.
Thư viện Lam Kinh a- một trong tứ đại thư viện của xứ Thanh Hoa này.
Tuy hiện giờ có chút sa xút hơn nhưng danh tiếng lớp lớp cử nhân, tiến sĩ, đồng tiến sĩ xuất thân từ thư viện không hề ít.
Đây thật sự là một phần thưởng vô giá cho Hiểu Linh a… bà vội nói:
- Hiểu Linh… còn không mau đa tạ Huyện lệnh đại nhân.
Hiểu Linh nhìn thái độ của cụ tiên chỉ liền biết đây là chuyện tốt… vừa vặn theo ý cô.
Hiểu Linh cầm lá thư trên tay, vái chào thật sâu, cảm kích nói:
- Thảo dân đội ơn Huyện lệnh đại nhân..