Qua tìm hiểu, ngôi nhà kia thật sự từng có người treo cổ chết. Vì cố tình để bán được căn nhà này cho Nguyễn Gia, người môi giới đã dẫn vị quản sự đi vòng vòng mấy căn nhà cũ mà chắc chắn sẽ không được chọn rồi mới đưa tới căn này. Như vậy. không có sự so sánh hơn thua, căn nhà ấy chắc chắn được chọn. Biết rõ thực hư, Nguyễn Gia giận tím mặt đổi người môi giới và cảm ơn Hiểu Linh hết lần này tới lần khác. Thậm chí Nguyễn Gia còn muốn bao trọn chi phí mua sắm của Hiểu Linh lúc chiều:
- Muội để ta trả chút tiền này để thể hiện lòng biết ơn của ta đi. Không có muội, ta đã bị lừa thảm rồi. Vào ở ngôi nhà kia thật không biết còn những chuyện gì sẽ xảy ra nữa. Tên môi giới thất đức.
Hiểu Linh từ chối:
- Việc ta ngăn cản Nguyễn tỷ là việc nên làm. Ta còn chưa biết phải cảm ơn ngài thế nào về việc cho ta đi cùng chuyến đi này thì làm sao có thể nhận lời biết ơn của ngài chứ. Hơn nữa việc mua sắm đồ đạc cho nhà mới tốn không ít, ngài nên chú tâm vào chuyện đó thì hơn.
Nguyễn Gia phất tay đáp:
- Việc mua sắm đã có quản sự lo, tiền thì Nguyễn Gia ta không thiếu. Nếu không thì thế này đi, ta sẽ nói cho muội một số tin tức ta biết được của Lam Kinh thư viện, muội có ở lại đó cũng biết một chút mà tránh né.
Hiểu Linh tò mò:
- Ồ.. lại còn có chuyện đó sao?
Nguyễn Gia gật đầu đáp:
- Đương nhiên… muội đừng thấy ở thư viện thì học sinh sẽ chỉ chú tâm học hành. Đó cũng là nơi họ giao lưu, kết bạn và thậm chí là chọn phe. Ở nơi xa xôi này có thể ít hơn tại kinh đô, nhưng tầm ảnh hưởng của các hoàng nữ cũng không phải không có. Đặc biệt với Lam Kinh thư viện – một trong những nơi xuất sĩ nhiều nhất cả nước. Vì thế, nếu ai đó nói với muội về vị hoàng nữ này thế này, vị kia thế kia thì tốt nhất là im lặng, tránh xa được thì càng tốt. Muội không khoa cử thì tốt nhất không cần biết những mối dây trong đó.
Hiểu Linh tỏ vẻ đã hiểu:
- Ta đã biết… ta cũng chỉ muốn đọc sách của ta, làm việc của ta. Giao lưu với học sinh khác hay không đối với ta không quan trọng.
Nguyễn Gia lại tiếp:
- Còn nữa, Lam Kinh thư viện dạy cả văn cả võ. Thường thì hai khóa này tách riêng giảng dạy, nhưng có những môn nhất thiết phải học chung nên vẫn có sự va chạm giữa hai bên. Văn – võ không ưa nhau nên muội tốt nhất cũng không nên dính vào cuộc tranh luận hay hỗn chiến giữa bọn họ. Gặp những vụ như vậy, muội nên đi báo cho các sư phụ can thiệp. Đụng vào bọn họ, không sứt đầu cũng mẻ trán.
Hiểu Linh cười cười. Cô lại không phải kẻ ưa thích lo chuyện bao đồng, thấy chuyện bất bình chẳng tha như vậy. Nhưng ý tốt của Nguyễn Gia cô cũng xin lĩnh giáo.
Chợt nhớ tới Phan viện trưởng, Hiểu Linh hỏi:
- Nguyễn tỷ biết chút gì về Phan viện trưởng không? Ta thấy bà ấy đã già mà bên cạnh chỉ có một tiểu đồng và người giúp việc. Ngài ấy không còn người thân sao?
Nguyễn Gia nhẹ cười đáp:
- Không phải. Phan viện trưởng cũng có bốn trai, hai gái. Bốn người con trai thì đã gả đi không nói. Hai nữ nhi giờ đang làm quan trong triều. Đại nữ nhi làm Lại bộ Thị Lang, nhị nữ nhi thì theo võ cùng gia quyến đóng mạn phía bắc Lạng châu. Đại nữ nhi nhiều lần muốn đón ngài ấy vào kinh nhưng viện trưởng không chịu, chỉ thích cuộc sống nơi này. Cũng vì hai đứa con một văn một võ nên Phan viện trưởng mới dạy cả hai ngạch ở Lam Kinh thư viện. Có điều theo ta thấy.. văn nhân thì cao ngạo khinh thường võ tướng thô bỉ. Mà võ tướng cũng không ưa mọt sách yếu đuối văn vở. Nên những mâu thuẫn giữa bọn họ có lẽ là một trong những nguyên nhân khiến Lam Kinh ngày càng ít người theo học hoặc bỏ học chuyển sang thư viện khác.
Hiểu Linh bất giác thở dài:
- Văn võ vốn là kết hợp, hỗ trợ lẫn nhau, sao lại có thể bài xích đến mức đó chứ.
Hiểu Linh trước đây đọc rất nhiều sách sử cả của nước cô và nước ngoài. Đôi khi cũng chỉ là những nét khái quát rất chung về tình hình chính trị, quân sự của một quốc gia dưới triều đại ấy mà thôi. Nhưng cô cũng nhận ra. Quốc gia chuộng võ, mải mê chinh phạt thì dân chúng nghèo khổ, lầm than, quốc khố trống rỗng. Rồi những mảnh đất họ chinh phạt được cũng dần bị đoạt lấy vì không có những chính sách cai trị đúng đắn. Còn quốc gia trọng văn khinh võ thì bề ngoài phồn vinh, đất nước giàu có đấy nhưng lại không chịu nổi một kích của ngoại bang xâm lược. Rất hiếm có quan văn nào có thể cầm quân đánh giặc mà trước đó chưa từng trải qua kinh nghiệm trận mạc, chinh chiến. Đất nước ấy sớm muộn cũng trở thành mồi ngon cho ngoại xâm. Chính vì thế, thời nào cũng vậy, việc cân bằng văn – võ và xoa dịu sự mâu thuẫn giữa hai phe luôn được người thống trị quan tâm.
Thật may những suy nghĩ, nhận định này của Hiểu Linh chưa từng nói ra bên ngoài nếu không thật sự có thể mang đến đại họa cho cô. Bởi những gì cô nghĩ là một trong những điều chỉ có các hoàng nữ mới được học tập và thảo luận. Ở Quốc Tử Giám xa xôi kia… những vị hoàng nữ cũng đang đau đầu cho bài luận: Nên chuộng văn hay trọng võ.