Xuyên Đến Nữ Tôn Quốc

Chương 194

Hai ngày sau, những người chỉ bán nông sản cho thương lái thì tập trung đồ lại đình làng cùng nhau cân bán. Tùy theo chất lượng từng nhà, giá cả thu mua cũng có chút khác nhau. Nhà nào có đồ tốt đều nở mày nở mặt với hàng xóm vì chứng tỏ nam nhân nhà ấy giỏi giang khéo léo. Đôi khi những lần tập trung buôn bán này cũng thành tụ điểm cho các nam nhân nhìn chọn con rể tương lai.

Còn những nhà như nhà Hiểu Linh có bán lợn thì sau đó thương lái sẽ đến tận nhà cân. Nhà Hiểu Linh ở ngoài rìa làng nên đến chiều bọn họ mới tới. Vừa bước vào sân nhà, đám thương lái có chút ngạc nhiên khi ở đó cũng có một phần nông sản: măng khô và mộc nhĩ khô. Ánh mắt nữ nhân đó vụt sáng khi nhìn đám mộc nhĩ đó, nàng ta không kìm lòng được bước tới cầm lên xem xét. Từng tai mộc nhĩ đã phơi khô vẫn rất to và dày dặn, lớp nhung trên tai nấm rất mịn. Số lượng lại còn không ít đâu. Hàng cực phẩm a… sao nàng có thể may mắn gặp được món hàng tốt như vậy ở đây chứ. Trước đây Phạm gia đâu có mấy thứ này. Thương lái An hỏi:

- Phạm cô nương muốn bán mấy thứ này thế nào? Ta thấy hàng nhà cô nương rất tốt.

Hiểu Linh ban sáng có ra ngoài đình xem mua bán nên cơ bản cũng nắm được giá cả. Cô đáp:

- Thứ này so với những món hàng ban sáng vị tỷ tỷ này thu mua thật sự tốt hơn rất nhiều. Ta nói giá gấp đôi cũng không quá đáng đi.

Hiểu Linh tự tin hét giá khiến không chỉ thương lái mà cả Tiểu Đông và Lập Hạ đứng sau cũng giật mình. Gấp đôi!!

Vị thương lái họ An cười cười:

- Phạm cô nương thật sự nói giá không thể chấp nhận được rồi.

Hiểu Linh ngắt lời:

- Vị tỷ tỷ này dừng một chút.

Cô cầm tùy ý lên một tai nấm thả lên chiếc cân tiểu ly bọn hắn mang tới xác định chất lượng hàng rồi đáp:

- Chỉ với một tai nấm nhà ta trọng lượng đã bằng ba tai nhà khác, gốc nấm cũng đã trừ sạch sẽ. Hàng hơn một phẩm giá đã khác, thứ này lại còn là cực phẩm, giá gấp đôi không tính là đắt.

Vị thương lái có chút mất tự nhiên đáp:

- Đúng là hàng chất lượng rất tốt, nhưng chúng ta thu mua cũng mất phí quan hệ mới có thể bán giá tốt a. Không có các mối quan hệ ấy, dù Phạm cô nương có hàng tốt hơn nữa cũng chẳng thể bán đi ra ngoài với giá đó.

Hiểu Linh tủm tỉm cười:

- Mối quan hệ của ta không tốt lắm… nhưng một số nấm này ta có dùng để tặng cho Khương viện trưởng thư viện Lam Kinh, ngài biết vị đó chứ. Khương viện có thể giờ không làm gì nhiều… nhưng ngày lễ tết, học trò của ngài ấy tới bái phỏng cũng không ngớt đâu.

Nhóm thương lái giật mình nhìn nhau. Bọn hắn sao có thể chưa nghe danh tiếng thư viện Lam Kinh chứ. Không ngờ người này còn quen biết cả Khương viện trưởng. Thái độ đám người lập tức có chút khác. Thương lái An cười giả lả:

- Là ta sai… ta ánh mắt thiển cận nên nhìn người không đúng, mong Phạm cô nương bỏ quá cho. Tốt, nếu cô nương đã nắm chắc giá hàng như vậy thì chúng ta cũng không kỳ kèo mặc cả làm gì cho tốn thời gian. Toàn bộ chỗ hàng mộc nhĩ này chúng ta lấy hết với giá đó. Còn măng thì giá thông thường với hàng tốt mà thôi. Cô nương thấy sao?

Hiểu Linh gật đầu đáp:

- Mộc nhĩ nhà ta sẽ thường xuyên thu được. Nếu các vị ba tháng có thể đến thu một lần sẽ đỡ phải lưu cữu hàng hơn.

Thương lái An ánh mắt kinh hỉ nhanh chóng đáp:

- Tốt.. tốt… vậy ấn định cứ ba tháng ta sẽ quay lại một lần gom mộc nhĩ. Mong Phạm cô nương để cho chúng ta. Giá cả không thành vấn đề.

Hiểu Linh sảng khoái đáp lời:

- Thành giao.

Cô liếc nhìn Lập Hạ phía sau không giấu nổi vui vẻ thì cười. Cân đong xong đồ khô, cô mới dẫn mấy người bọn họ ra phía sau nhà cân bắt gà vịt và lợn. Đám thương lái không biết thời gian cô nuôi mà thấy đám gia súc gia cầm béo mập thì cảm thán nhà này chăm sóc thật kỹ. Người lái lợn có chút tiếc nuối khi chuồng có ba con mà Phạm gia chỉ bán đi một. Nhưng khi nghe lý do thì nàng ta cũng đành ngậm ngùi chấp nhận. Biết sao được. Hiểu Linh cười đáp:

- Năm sau con lợn kia đẻ, nhà ta sẽ để lại hết nuôi bán. Nếu muốn tìm tỷ để bán lợn thì phải liên hệ ở đâu?

Thương lái Trịnh đáp:

- Chúng ta thường xuyên đi qua lại giữa các trấn và vào các làng theo hẹn. Nếu muốn gặp chúng ta thì có phần khó, nhưng Phạm cô nương có thể gửi lại thư nhắn ở chỗ Lê chưởng quầy Phúc Lạc lâu. Chúng ta cũng có nhập hàng cho nơi đó. Lần nào tới đây chúng ta cũng nghỉ trọ ăn cơm ở đó. Bọn họ cũng rất nhiệt tình, không ngại cho chúng ta gửi đồ nông sản, súc vật.

Hiểu Linh à lên một tiếng:

- Tưởng đâu hóa ra là Phúc lạc lâu. Nhà ta thường bán rau củ quả tươi cho quán ấy. Chỗ Ngọc Lan tỷ ta cũng thường xuyên qua lại. Nếu vậy thì dễ rồi.

Hiểu Linh quên mất chuyện Phúc Lạc Lâu cũng phải nhập hàng từ thương lái. Tuy Hà gia có nông trang nhưng không phải lúc nào cũng vào mùa để tự cung tự cấp hàng. Chỉ có liên hệ thương lái thì hàng hóa mới đều đặn được. Trò chuyện một hồi để lấy thông tin liên lạc, bọn họ cân đo xong trả tiền rồi còn vội tới nhà khác. Tổng thu ngày hôm nay của Phạm gia cũng được gần mười lượng bạc. Số tiền này so với Phạm gia không nhiều nhưng đối với người nông dân thật sự là rất lớn. Cô cầm lấy toàn bộ số tiền bán mộc nhĩ đưa cho Lập Hạ nói:

- Số tiền này là của đệ. Mộc nhĩ từ đầu tới cuối đều là ý kiến của đệ, do đệ chăm nom. Tiền thu được của chúng đương nhiên thuộc về đệ. Cầm lấy.

Hiểu Linh dúi vào tay Lập Hạ số tiền khiến hắn ngẩn ngơ. hai lạng bạc. Trời ạ… tỷ tỷ cho hắn tới hai lạng bạc. Cô quay sang đưa phần còn lại cho Tiểu Đông rồi nói:

- Số này huynh cất đi. Cần tiêu dùng gì thì lấy sau.

Giọng Lập Hạ run rẩy phía sau:

- Tỷ tỷ… tỷ cho ta quá nhiều.. ta không thể…

Hiểu Linh phẩy tay giả bộ không quan tâm đáp:

- Ta đã đưa cho đệ là của đệ. Đệ đừng để người ngoài biết mình có tiền là được. Dùng sao là việc của đệ. Ta sẽ không thu hồi lại.
Bình Luận (0)
Comment