1Q84 (Tập 1)

Chương 22

Thời gian có thể tiến lên với hình dạng méo mó

Tengo nghĩ về bộ não của mình. Về bộ não, có rất nhiều điều không thể không suy nghĩ.

Trong vòng hai triệu năm trăm nghìn năm, bộ não của con người đã tăng lên gấp chừng bốn lần so với kích thước ban đầu. Xét về trọng lượng, bộ não chỉ chiếm hai phần trăm trọng lượng cơ thể người, nhưng lại tiêu hao chừng bốn mươi phần trăm tổng số năng lượng mà cơ thể cần đến (có lần anh đọc sách thấy viết như vậy). Trong sự mở rộng mang tính nhảy vọt này của bộ não, con người có được quan niệm về thời gian, không gian và khả năng.

Quan niệm về thời gian, không gian và khả năng.

Tengo biết thời gian có thể tiến lên với hình dạng méo mó. Tự thân thời gian cố nhiên có cấu tạo đồng nhất, thế nhưng khi bị tiêu hao thì hình dạng của nó sẽ trở nên méo mó. Có thời gian rất nặng và dài, cũng có thời gian nhẹ mà ngắn. Thứ tự trước sau có lúc còn bị đảo lộn, nếu nghiêm trọng thậm chí còn tan biến không tăm tích. Trong khi những thứ vốn không nên tồn tại lại được thêm vào. Phải chăng nhờ vào việc tùy tiện điều chỉnh thời gian như thế, con người đang điều chỉnh lại ý nghĩa tồn tại của mình. Nói cách khác, chính nhờ thao tác ấy, con người mới có thể gắng gượng giữ được chính khí. Nếu cứ chấp nhận thời gian theo đúng thứ tự và nguyên dạng của nó thì thần kinh người ta chắc chắn sẽ không chịu đựng nổi. Cuộc đời như thế chẳng khác nào một cuộc tra tấn, Tengo nghĩ vậy.

Nhờ sự lớn ra của bộ não, con người đã có được quan niệm về tính thời gian[1], đồng thời cũng học được phương pháp thay đổi và điều chỉnh thời gian. Con người một mặt không ngừng tiêu hao thời gian, nhưng đồng thời cũng không ngừng tái sản sinh ra thứ thời gian đã được ý thức điều chỉnh. Đây không phải công việc tầm thường. Cho nên bộ não tiêu tới bốn mươi phần trăm tổng năng lượng của cơ thể cũng là có lý.

[1] Đặc trưng chỉ có công hiệu, ý nghĩa hoặc tác dụng trong một giai đoạn thời gian nhất định của sự vật.

Tengo thường tự hỏi, ký ức hồi một tuổi rưỡi, hoặc nhiều lắm là hai tuổi, phải chăng thực sự là cảnh tượng chính mắt anh nhìn thấy? Cảnh tượng mẹ anh mặc đồ lót, để người đàn ông không phải chồng bà bú mút nụ hoa. Cánh tay quấn lấy thân thể người đàn ông đó. Đứa bé một hai tuổi có thể phân biệt rõ ràng như vậy sao? Có thể nhớ như in từng chi tiết nhỏ nhặt nhất như thế? Đây liệu có khi nào là một thứ ký ức giả mà sau này anh đã tự tạo ra để bảo vệ bản thân hay không?

Có lẽ cũng có khả năng ấy. Để chứng minh mình không phải là con, xét về mặt sinh học, của người vẫn gọi là cha, vào một thời điểm nào đó, bộ óc Tengo đã tạo ra ký ức về người đàn ông khác (người có khả năng là cha thật của anh) trong vô thức. Đồng thời tìm cách loại trừ “người vẫn gọi là cha” ra khỏi mối quan hệ huyết thống chặt chẽ. Bằng cách dựng lên trong mình hình ảnh người mẹ vẫn đang còn sống ở đâu đó, và sự tồn tại mang tính giả thiết về người cha thực sự, anh muốn lắp cho cuộc đời hạn hẹp và khó thở này một cánh cửa mới.

Nhưng đoạn ký ức này lại đi đôi với cảm giác hiện thực hết sức rõ rệt. Có cảm giác xác thực, có trọng lượng, có mùi vị, có độ sâu. Nó giống như con hà bám vào thân tàu hoang phế, dính cứng vào vách tường ý thức của anh. Cho dù anh gắng sức lay động và cọ rửa thế nào cũng không thể bóc chúng đi được. Tengo không thể cho tầng ký ức ấy chỉ là thứ giả tạo do ý thức bịa đặt ra vì cần thiết. Nếu coi là hư cấu thì nó quả thực hơi quá chân thực, quá kiên cố.

Cứ thử cho nó là thực, vậy thì sao? Tengo nghĩ.

Chắc chắn Tengo đã rất khiếp sợ khi nhìn thấy cảnh tượng này thuở còn là một đứa bé ẵm ngửa. Đó là nụ hoa lẽ ra phải thuộc về anh, nhưng lại bị người khác mút chặt. Một kẻ nào đó to lớn và mạnh mẽ hơn anh rất nhiều. Và, dù chỉ là trong khoảnh khắc, sự tồn tại của mình dường như cũng biến mất khỏi tâm trí mẹ. Điều đó đã đe dọa một kẻ yếu ớt như anh từ gốc rễ. Hoặc có lẽ, nỗi sợ mang tính căn nguyên ấy đã in đậm lên mặt tờ giấy ý thức của anh.

Vậy là ký ức đáng sợ ấy, đột nhiên sống lại trong những trường hợp không thể dự liệu trước, biến thành cơn lũ quét ập xuống Tengo, cuốn anh vào trạng thái gần như hoảng loạn. Nó kể với anh, buộc anh nhớ lại. Mặc cho ngươi chạy tới đâu, đang làm gì, cũng đừng hòng thoát khỏi tay ta. Đoạn ký ức ấy quy định con người ngươi, hình thành nên cuộc đời ngươi, sẽ đưa ngươi đến một nơi đã được số phận định sẵn. Mặc ngươi vùng vẫy thế nào, cũng đừng hòng thoát khỏi sức mạnh ấy, nó nói.

Sau đó Tengo đột nhiên nghĩ đến lúc lấy bộ đồ ngủ Fukaeri đã mặc trong máy giặt ra, đưa lên mũi ngửi, có lẽ khi ấy anh cũng đang tìm kiếm mùi của mẹ mình ở trong đó. Mình cảm thấy vậy. Thế nhưng, tại sao mình lại đi tìm hình bóng của mẹ trong mùi cơ thể của một cô bé mới mười bảy tuổi? Hẳn là còn có những nơi thích hợp hơn để tìm kiếm. Ví dụ ở người tình hơn tuổi chẳng hạn.

Người tình của Tengo lớn hơn anh mười tuổi, lại có đôi bầu vú khá giống với người mẹ trong ký ức của anh, một bầu vú lớn, hình dáng đẹp. Váy lót màu trắng cũng rất hợp. Nhưng không hiểu tại sao Tengo không bao giờ tìm kiếm hình bóng mẹ ở cô. Cũng không hứng thú gì với mùi cơ thể của cô. Cô có thể vắt hết toàn bộ ham muốn tình dục tích lũy trong một tuần của Tengo một cách hiệu quả. Tengo cũng có thể (gần như trong mọi trường hợp) thỏa mãn cô về mặt tình dục. Đây dĩ nhiên là thành tựu rất quan trọng. Nhưng nó chẳng có ý nghĩa gì sâu sắc hơn trong quan hệ giữa hai người.

Đa số các hành vi tình dục là do cô đạo diễn. Tengo hầu như không nghĩ ngợi gì, chỉ hành động theo yêu cầu của người tình. Không cần thiết phải lựa chọn, không cần thiết phải phán đoán. Cô chỉ yêu cầu anh hai việc. Một là dương v*t cương cứng, hai là chớ để lỡ thời cơ xuất tinh. Nếu cô nói “Vẫn chưa được, cố thêm chút nữa”, anh sẽ gắng hết sức để không phóng tinh ra. “Được rồi, ra đi, nhanh! Nhanh nữa lên!” Khi cô thì thầm bên tai anh như thế, anh sẽ xuất tinh một cách chuẩn xác, nhanh và mạnh. Mỗi lần như thế, cô sẽ khen ngợi Tengo, dịu dàng vuốt ve lên má anh: Tengo à, anh giỏi thật đấy. Còn với Tengo, theo đuổi sự chuẩn xác vốn là một trong những sở trường bẩm sinh của anh. Thêm dấu câu một cách chính xác, tìm ra công thức đơn giản nhất để giải một bài toán.

Khi làm tình với người đàn bà ít tuổi hơn thì không thể như vậy được. Anh phải nghĩ mọi chuyện từ đầu đến cuối, đưa ra các lựa chọn, phán đoán. Điều này làm Tengo cảm thấy không thoải mái. Bao nhiêu trách nhiệm đều đè nặng lên vai anh. Anh thấy mình giống như một viên thuyền trưởng của con thuyền nhỏ đang lướt trên mặt biển dữ dằn, phải cầm lái, phải kiểm tra tình trạng buồm, phải nghĩ đến cả khí áp và hướng gió. Ngoài ra còn phải tự nghiêm khắc với bản thân, nâng cao tín nhiệm của thuyền viên với mình. Những lầm lỗi nhỏ nhặt và các sai sót dù chỉ chút xíu cũng đều có thể dẫn đến thảm kịch. Nếu như vậy, thì chẳng còn giống làm tình, mà tựa như đang thực hiện nhiệm vụ thì đúng hơn. Kết quả, anh sẽ vì quá căng thẳng mà bỏ lỡ thời cơ xuất tinh, hoặc giả lúc cần cương cứng thì không thể cứng nổi. Vậy là anh càng lúc càng nghi ngờ bản thân.

Khi ở cùng với người tình hơn tuổi, những sai sót ấy hầu hết đều không xảy ra. Cô đánh giá cao khả năng tình dục của Tengo, lúc nào cũng khen ngợi anh, cổ vũ anh. Sau lần duy nhất Tengo xuất tinh sớm đó, cô liền cẩn thận không mặc váy lót màu trắng nữa. Không chỉ là váy lót, cả quần áo lót màu trắng cô cũng không mặc.

Hôm nay cũng vậy, cô mặc một bộ đồ lót trên dưới tuyền một màu đen. Và khẩu dâm nhiệt tình. Sau đó khoái chí hết cỡ với sự cương cứng của dương v*t và cảm giác mềm rũ của tinh hoàn Tengo. Tengo cũng thấy được cặp vú bọc bên trong áo lót ren màu đen của cô rung lên theo chuyển động của miệng. Để không xuất tinh quá sớm, anh nhắm mắt lại, nghĩ đến người Gilyak.

Chỗ của họ không có tòa án, cũng không biết việc xét xử có ý nghĩa gì. Đến giờ họ vẫn không thể hiểu được vai trò của đường sá, thật khó khăn để hiểu được chúng ta. Cả ở những nơi đường đã được làm xong, họ vẫn cứ đi xuyên qua rừng rậm như trước. Thường xuyên có thể nhìn thấy cả nhà họ dẫn theo chó xếp thành một hàng dài, khó nhọc bước đi trong đám bùn lầy lội ngay bên cạnh đường cái quan.

Anh tưởng tượng đến cảnh những người Gilyak mặc quần áo thô kệch xếp thành hàng dài, dẫn theo lũ chó và phụ nữ, lẳng lặng bước đi trong khu rừng rậm cạnh đường cái. Trong quan niệm về thời gian, không gian và khả năng của họ, không tồn tại thứ nào là đường cái. Có lẽ đi trong rừng sâu còn hơn là đi trên đường cái, mặc dầu có chút bất tiện, nhưng họ lại có thể hiểu được ý nghĩa tồn tại của mình một cách rõ ràng hơn.

Người Gilyak thật đáng thương. Fukaeri nói.

Tengo nhớ đến bộ đồ ngủ của Fukaeri. Fukaeri mặc bộ đồ ngủ quá cỡ của Tengo, ngủ say thiêm thiếp. Tay áo và ống quần quá dài xắn lên. Anh lấy bộ đồ trong máy giặt ra, đưa lên mũi hít ngửi.

Không thể nghĩ đến chuyện này! Tengo giật bắn mình sực tỉnh lại. Nhưng đã quá muộn.

Tengo đã bắn mạnh mấy lần liền trong miệng người tình, cô dùng miệng đón lấy cho đến khi anh bắn hết, sau đó mới xuống giường đi vào nhà vệ sinh. Tengo nghe thấy tiếng cô vặn vòi nước và tiếng súc miệng. Sau đó cô trở lại giường như chưa từng xảy ra chuyện gì.

“Xin lỗi,” Tengo áy náy nói.

“Mình không nhịn được, phải không?”, người tình hỏi, lấy đầu ngón tay vuốt vuốt lên mũi Tengo, “Không sao đâu, đừng ngại. À, em hỏi này, cảm giác ấy có dễ chịu không?”

“Dễ chịu lắm,” anh đáp, “Lát nữa là anh lại lên ấy mà.”

“Ừ. Em đợi mình,” cô nói, sau đó áp mặt vào bộ ngực trần của Tengo, nhắm mắt lại nằm bất động. Tengo cảm thấy hơi thở nhè nhẹ từ lỗ mũi cô phả vào nụ hoa mình.

“Lúc em nhìn ngực mình, vuốt ve nó, mình biết em thường liên tưởng đến gì không?” cô hỏi Tengo.

“Không biết.”

“Cổng thành trong phim của Kurosawa Akira.”

“Cổng thành?” Tengo vuốt ve lưng người tình, hỏi lại.

“Này nhé, trong mấy cái phim đen trắng cũ như Ngai vàng đẫm máu, Pháo đài bí ẩn… chẳng có cái cổng thành vừa to vừa kiên cố còn gì? Bên trên đóng đầy đinh sắt to tướng. Lần nào em cũng liên tưởng đến cái đó. Vừa kiên cố, vừa rắn chắc.”

“Ngực anh có đóng đinh sắt đâu,” Tengo nói.

“Cái đó thì em chẳng để ý,” cô đáp.

Cuốn sách Nhộng không khí của Fukaeri vừa tung ra thị trường, sang tuần thứ hai đã lọt vào danh sách bán chạy, tuần thứ ba thì nhảy lên hàng đầu của thể loại sách văn học nghệ thuật. Tengo lần theo quá trình trở thành sách bán chạy của cuốn sách này trong mấy loại báo khác nhau để ở phòng nghỉ dành cho giáo viên của trường dự bị. Đăng quảng cáo trên báo hai lần. Trên trang quảng cáo có tấm ảnh nhỏ của cô đặt song song với hình bìa sách. Chiếc áo len mỏng mùa hè bó sát người trông rất quen mắt, bộ ngực hình dáng thật đẹp (chắc là chụp trong buổi họp báo). Mái tóc dài thẳng xõa xuống vai, đôi mắt đen láy bí ẩn nhìn thẳng về phía trước. Đôi mắt ấy xuyên qua ống kính máy ảnh, như thể đang nhìn thẳng vào thứ gì đó ẩn giấu trong nội tâm người đối diện mà bình thường đến chính bản thân người đó cũng chưa từng ý thức được mình lại có nó. Trung lập, nhưng dịu dàng. Ánh mắt không chút do dự của cô thiếu nữ mười bảy tuổi ấy xua tan đi cảm giác đề phòng của người đang bị cô nhìn, đồng thời cũng khiến họ cảm thấy hơi khó chịu. Tuy chỉ là một tấm ảnh đen trắng nhỏ, nhưng chỉ cần nhìn tấm ảnh này thôi, hẳn sẽ có không ít người nảy ra ý nghĩ mua sách về đọc thử.

Mấy ngày sau khi sách ra thị trường, Komatsu gửi tới hai cuốn Nhộng không khí, nhưng Tengo không mở ra xem. Chữ in trên đấy đúng là do anh viết ra, dĩ nhiên đây cũng là lần đầu tiên những gì anh viết ra được in thành sách, nhưng anh không muốn cầm lên đọc chút nào. Thậm chí cả ý nghĩ muốn giở lướt qua xem một chút cũng không. Lúc nhìn cuốn sách, anh cũng chẳng thấy dâng lên cảm xúc mừng rỡ nào. Cho dù đây là văn chương của anh, nhưng câu chuyện viết ra thì hoàn toàn là của Fukaeri, được sản sinh từ ý thức của cô. Sứ mệnh nhỏ nhoi trong vai trò kỹ thuật viên đứng đằng sau tấm màn của anh đã kết thúc, vận mệnh của tác phẩm sau này sẽ như thế nào là chuyện chẳng còn liên quan gì đến anh, vả lại cũng không nên có quan hệ gì nữa. Anh nhét hai cuốn sách được bọc nguyên bằng ni lông ấy vào một góc khuất trên giá.

Khoảng một thời gian từ sau đêm Fukaeri ngủ lại ở nhà anh, cuộc đời Tengo trôi qua trong bình lặng, không xảy ra chuyện gì lạ thường. Mặc dù trời hay đổ mưa, nhưng Tengo hầu như không quan tâm đến thời tiết. Trong danh mục các sự việc quan trọng đối với anh, vấn đề thời tiết được đẩy xuống vị trí mãi tít bên dưới. Cũng từ đêm đó, Fukaeri không hề liên lạc lại. Mà không liên lạc, thì có nghĩa là không xảy ra vấn đề gì đặc biệt.

Ngoài viết tiểu thuyết hàng ngày, anh còn phải viết mấy thứ lặt vặt đăng trên tạp chí theo lịch đã hẹn trước. Đó là những bài không ký tên, ai cũng viết được, chỉ để kiếm chút tiền tiêu vặt. Nhưng với anh, phần nào điều đó cũng có tác dụng thay đổi tâm trạng, vả lại so với sức lao động bỏ ra, tiền thù lao nhận được cũng không đến nỗi. Còn lại, vẫn như thường lệ, mỗi tuần ba lần anh đến trường dự bị dạy toán. Để quên đi những phiền não trong lòng, chủ yếu là những thứ liên quan đến Nhộng không khí và Fukaeri, anh để mình chìm sâu vào thế giới của toán học còn hơn cả trước đây. Và hễ bước vào thế giới toán học, các mạch trong não anh liền tức thì chuyển đổi (kèm theo những âm thanh nho nhỏ). Miệng anh bắt đầu phát ra thứ ngôn ngữ khác, thân thể bắt đầu sử dụng các cơ bắp khác. Cả âm điệu cũng đổi khác, nét mặt cũng có phần thay đổi. Tengo thích cảm giác chuyển đổi này. Cảm giác tựa hồ như từ một căn phòng chuyển sang một căn khác, hoặc cởi một đôi giày ra, đi đôi khác vào.

Khi bước vào thế giới của toán học, anh có thể thả lỏng tâm trạng hơn và trở nên hùng biện hơn so với lúc ở trong cuộc sống bình thường hoặc thậm chí cả lúc viết tiểu thuyết. Nhưng đồng thời, anh cảm thấy mình như trở thành một kẻ giỏi biến báo hơn. Anh không thể đoán xem đâu mới là bộ mặt thật của mình nữa. Tuy nhiên Tengo có thể thực hiện việc hoán đổi này một cách hết sức tự nhiên, không cần phải nghĩ ngợi gì. Anh còn biết, việc hoán đổi này ít nhiều cũng cần thiết với mình.

Là thầy giáo dạy toán, anh đứng trên bục giảng nhồi vào đầu đám học sinh rằng toán học là một thứ đòi hỏi logic tham lam đến thế nào. Trong toán học, những thứ không thể chứng minh thì không có bất cứ ý nghĩa gì, nhưng khi đã được chứng minh, thì bí mật của thế giới sẽ nằm gọn trong lòng bàn tay con người như một con hàu mềm mại. Lúc nào giảng bài anh cũng tràn đầy nhiệt tình khiến học sinh nghe như nuốt lấy những lời thao thao bất tuyệt. Anh dạy cho học sinh các phương pháp toán một cách thiết thực và hiệu quả, đồng thời chỉ cho chúng sự lãng mạn đằng sau các đầu bài. Tengo đảo mắt nhìn quanh lớp học, biết có mấy cô bé trạc mười bảy mười tám tuổi đang chăm chú nhìn mình với ánh mắt đầy kính phục. Anh biết mình đã mê hoặc chúng bằng toán học. Cái lưỡi khéo léo của anh vuốt ve kích thích, hàm số ở sau lưng vỗ về, định lý thì phả hơi thở ấm áp bên tai. Nhưng sau khi gặp Fukaeri, Tengo đã không còn hứng thú tình dục với các cô gái như thế nữa, cũng như chưa từng nghĩ muốn ngửi quần áo ngủ đã mặc qua của họ.

Fukaeri chắc chắn là có cái gì đó đặc biệt, Tengo nhắc lại với mình. Những cô gái trẻ khác gần như không thể so sánh được. Không nghi ngờ gì hết, đối với mình, cô ấy có một ý nghĩa gì đó. Cô ấy, phải nói thế nào nhỉ, là một thông điệp có tính tổng thể dành cho mình, nhưng bất kể bằng cách nào, mình cũng không thể đọc hiểu được thông điệp ấy.

Thế nhưng, tốt nhất nên tránh dính líu đến Fukaeri, đây là kết luận nhanh gọn và rõ ràng mà lý tính của anh rút ra được. Nên tránh càng xa càng tốt những chồng sách Nhộng không khí xếp cao ngất ngoài tiệm sách, ông thầy giáo Ebisuno lòng dạ khó dò, và giáo đoàn đầy những bí mật khôn lường. Tốt nhất vẫn nên giữ khoảng cách với Komatsu, ít nhất là trong khoảng thời gian này. Bằng không, e rằng mình sẽ bị cuốn vào một nơi còn hỗn loạn hơn bội phần, bị đẩy vào một góc hiểm nguy hoàn toàn chẳng còn logic, bị dồn vào cảnh ngộ không còn đường xoay xở.

Nhưng ở giai đoạn hiện nay, thoát khỏi âm mưu phức tạp này không phải chuyện dễ, điều này thì Tengo cũng hiểu rất rõ. Anh đã dính líu vào rồi. Chẳng phải anh vô tình bị cuốn vào âm mưu nào đó như nhân vật chính trong phim của Alfred Hitchcock. Mà tự cuốn mình vào trong khi đã biết rõ những nguy hiểm kèm theo. Cỗ máy ấy đã khởi động. Khi cục diện đã hình thành thì không thể ngăn nổi, và không ngờ vực gì nữa, Tengo đã trở thành một bánh răng trong cỗ máy ấy. Và là một bánh răng chủ chốt. Anh nghe thấy tiếng gầm gừ của cỗ máy, cảm thấy trong mình những mômen ngoan cố của nó.

Komatsu gọi điện tới ít ngày sau khi Nhộng không khí liên tiếp đứng đầu bảng xếp hạng sách văn nghệ bán chạy trong hai tuần liền. Khoảng hơn mười một giờ đêm, chuông điện thoại reo vang. Tengo đã thay đồ ngủ, leo lên giường, nằm soài ra đọc sách được một lúc và đang định tắt đèn đầu giường đi ngủ. Từ lúc chuông điện thoại vang lên, anh đã lờ mờ đoán ra người gọi là Komatsu. Tuy không thể giải thích, song bao giờ anh cũng có thể nhận ra những cuộc điện thoại gọi tới của Komatsu. Cách tiếng chuông vang lên không giống bình thường. Điện thoại của anh ta gọi tới, tiếng chuông có cách ngân lên rất đặc biệt, giống như văn chương cũng có văn phong vậy.

Tengo xuống giường, đi ra bếp, cầm ống nghe lên. Kỳ thực anh chẳng muốn nghe một chút nào. Anh chỉ muốn được lặng lẽ chìm vào giấc ngủ. Mèo rừng Iriomote[2], kênh đào Panama, tầng Ôzôn, hay Matsuo Basho, gì cũng được, miễn là anh có thể mơ thấy những thứ xa khỏi chốn này. Nhưng nếu bây giờ không cầm ống nghe lên thì thế nào mười lăm hoặc ba mươi phút nữa tiếng chuông sẽ lại vang lên. Komatsu hầu như không có khái niệm về thời gian, chẳng bao giờ thông cảm cho những người có cuộc sống bình thường. Đã như vậy, thì thà rằng ra bắt máy luôn bây giờ cho xong.

[2] Tên một loại mèo rừng chỉ có ở đảo Iriomote, Nhật Bản

“A lô, Tengo à, cậu ngủ chưa?” Komatsu cất tiếng, vẫn là cái giọng đủng đỉnh như thường lệ.

“Đang định ngủ,” Tengo đáp.

“Xin lỗi nhé,” Komatsu nói, nghe ngữ điệu vẫn chẳng cảm thấy áy náy gì cả. “Nhộng không khí bán tốt lắm. Vậy nên tôi muốn gọi báo cho cậu một tiếng.”

“Thế thì hay quá.”

“Cứ như là bánh nướng ấy, vừa ra lò đã bán sạch bách, đến không kịp làm nữa. Tội nghiệp cái xưởng in sách, phải làm tăng ca thâu đêm. Mà đương nhiên thôi, ngay từ đầu tôi đã đoán được là sẽ bán tốt mà. Tiểu thuyết của thiếu nữ xinh đẹp mới mười bảy tuổi. Lại còn là một chủ đề nóng hổi nữa chứ. Các yếu tố để bán chạy đều đủ cả.”

“Không thể đem so với tiểu thuyết của anh thầy giáo trường dự bị đã ba chục tuổi đầu, tướng mạo xấu như con gấu được.”

“Đúng vậy. Mặc dù cũng rất khó nói đây là tiểu thuyết có nội dung giàu tính giải trí, không có cảnh yêu đương, cũng không có đoạn nào xúc động khiến người ta rơi nước mắt. Thế mà lại bán chạy tới mức này, cả tôi cũng không ngờ được.”

Komatsu dường như muốn thăm dò phản ứng của Tengo nên ngưng lại giây lát. Nhưng Tengo chẳng nói gì, vậy là anh ta lại tiếp tục:

“Hơn nữa, không chỉ bán chạy về số lượng. Các đánh giá cũng rất tốt. Hoàn toàn khác hẳn với mấy thứ tiểu thuyết nông cạn và bột phát của đám tác giả trẻ viết ra chỉ để thỏa mãn thị hiếu tầm thường. Đầu tiên phải kể đến là nội dung xuất sắc. Tất nhiên còn phải nhờ đến kỹ thuật viết văn cứng tay và hoàn hảo của cậu thì mới có thể như vậy được. Chà, đúng là một công việc hoàn hảo.”

Thì mới có thể như vậy được. Tengo để những lời tán thưởng của Komatsu trôi tuột qua tai, lấy đầu ngón tay ấn nhẹ lên huyệt Thái dương. Mỗi lần Komatsu không tiếc lời khen ngợi như thế, tiếp sau chắc chắn sẽ có tin chẳng hay ho gì.

Tengo nói: “Anh Komatsu, lại có tin gì không hay nữa đây?”

“Sao cậu biết có tin xấu?”

“Thì đó, anh gọi điện cho tôi vào giờ này mà. Chẳng thể nào không có tin xấu được.”

“Chính xác,” Komatsu nói như thể thán phục lắm, “Chính xác là vậy. Cậu đúng là có trực giác tốt.”

Đây đâu phải là trực giác gì chứ, chẳng qua là kinh nghiệm mà thôi, Tengo thầm nhủ. Nhưng anh không nói gì, chỉ lặng lẽ chờ phía bên kia tiếp tục.

“Đúng như vậy. Đáng tiếc là có một tin không được tốt cho lắm,” Komatsu nói, sau đó ngưng lại một chút như thể ngụ ý gì đó, Tengo cầm ống nghe, trong đầu tưởng tượng ra đôi mắt như con chồn của Komatsu đang sáng lấp lóa trong bóng tối.

“Chắc là tin liên quan đến tác giả của Nhộng không khí phải không?” Tengo nói.

“Đúng thế. Là về Fukaeri. Không ổn cho lắm. Nói thực cho cậu biết, khoảng thời gian này không biết cô ấy đang ở đâu.”

Đầu ngón tay của Tengo tiếp tục ấn lên huyệt Thái dương. “Khoảng thời gian này, là bắt đầu từ bao giờ?”

“Từ ba hôm nay, sáng sớm thứ Tư cô ấy rời khỏi nhà ở Okutama, đến Tokyo. Thầy giáo Ebisuno tiễn cô ấy ra tận cửa. Cô ấy cũng không nói là muốn đi đâu. Về sau thì gọi điện về, bảo là hôm ấy không lên núi nữa, muốn ở lại căn hộ ở Shinano. Hôm ấy con gái của Thầy giáo Ebisuno cũng dự tính ở căn hộ ấy. Nhưng Fukaeri không trở về đấy. Từ đó trở đi thì không liên lạc gì được nữa.”

Tengo lần lại ký ức ba ngày gần đây, nhưng không nảy ra được đầu mối nào.

“Hoàn toàn không biết cô ấy đã đi đâu. Vì vậy tôi mới nghĩ, có lẽ cô ấy đã liên lạc với cậu?”

“Không liên lạc gì cả,” Tengo đáp. Từ hôm cô ngủ lại nhà anh một đêm đến giờ chừng bốn tuần rồi.

Lúc đó Fukaeri có nói, không trở về căn hộ ở Shinano thì tốt hơn. Chuyện này có nên nói với Komatsu không nhỉ? Tengo hơi do dự. Có lẽ cô cảm thấy nơi đó có gì đó chẳng lành. Nhưng cuối cùng anh quyết định giữ bí mật. Anh không muốn cho Komatsu biết mình đã giữ Fukaeri ở lại nhà qua đêm.

“Cô ấy không giống những cô gái bình thường khác,” Tengo nói, “Có lẽ cô ấy không nói với ai, một mình đi chơi đâu đó chăng.”

“Không, không thể thế được. Cái cô bé Fukaeri này, trông thế thôi chứ thực ra rất biết khuôn phép. Bao giờ cũng báo rõ nơi mình đến. Thường xuyên gọi điện thoại về, nói xem lúc này mình đang ở chỗ nào, bao giờ đi đến chỗ khác. Thầy Ebisuno bảo thế. Vì vậy ba ngày liền không có liên lạc gì thì đúng là có gì bất bình thường rồi. Có lẽ đã xảy ra chuyện gì chẳng lành.”

Tengo thấp giọng thì thần: “Chuyện chẳng lành.”

“Thầy Ebisuno và con gái ông ấy đều rất lo lắng,” Komatsu nói.

“Dù sao, nếu không tìm thấy tung tích của cô ấy, chắc chắn anh sẽ rơi vào tình thế khó xử phải không?”

“Đúng vậy. Lỡ chẳng may phải dính líu đến cảnh sát, thì e là tương đối phiền phức. Người mất tích là tác giả xinh đẹp của cuốn tiểu thuyết đang chiếm lĩnh bảng xếp hạng sách bán chạy chứ chẳng chơi đâu. Nghĩ thôi cũng biết, truyền thông nhất định sẽ làm loạn lên. Chuyện ấy mà xảy ra, thằng biên tập như tôi chắc chắn bị túm tóc, chỗ nào cũng sẽ tìm tôi đòi phát biểu ý kiến. Thế thì toi đời đấy. Nói cho cùng thì tôi chỉ là nhân vật đứng sau, không quen lộ mặt nhiều quá. Vả lại, nếu kéo dài như vậy, ai biết được lúc nào, ở đâu thì nội tình bị lộ ra chứ.”

“Thầy Ebisuno nói thế nào?”

“Ông ấy nói ngày mai sẽ đi báo cảnh sát, nhờ họ tìm kiếm giúp,” Komatsu nói, “Tôi nói hết nước hết cái, mới khuyên được ông ấy hoãn lại vài ngày. Có điều, không thể kéo dài được quá lâu đâu.”

“Giới truyền thông mà nghe tin đã báo cảnh sát, chắc hẳn sẽ làm ầm lên nhỉ?”

“Không rõ cảnh sát sẽ hành động thế nào. Nhưng Fukaeri là nhân vật có ảnh hưởng lớn đấy, không thể giống như các thiếu nữ bỏ nhà ra đi bình thường khác được. Sợ rằng khó có thể che mắt được thiên hạ.”

Có lẽ đây mới là tình huống mà Thầy Ebisuno trông đợi, Tengo thầm nhủ. Dùng Fukaeri làm mồi nhử, gây xôn xao dư luận, lấy đó làm đòn bẩy để vạch rõ quan hệ giữa cha mẹ cô và Sakigake, tìm kiếm xem giờ họ đang ở đâu. Nếu đúng vậy, kế hoạch của ông đang được triển khai một cách thuận lợi như đã định. Nhưng trong kế hoạch này rốt cuộc ẩn chứa những nguy hiểm gì, liệu Thầy giáo có nắm được hay không? Chắc hẳn ông phải hiểu rõ. Thầy giáo Ebisuno đâu phải người thiếu suy nghĩ. Suy nghĩ sâu xa vốn là công việc của ông. Vả lại, những chuyện xung quanh Fukaeri mà Tengo chưa biết dường như hãy còn rất nhiều. Nếu đem ra so sánh thì Tengo giống như người nhận được chưa đủ các mảnh ghép, nhưng lại phải ghép thành bức tranh hoàn chỉnh. Người thông minh thì ngay từ đầu đã không để mình cuốn vào rắc rối này.

“Về hướng đi của cô ấy, cậu có đầu mối gì không?”

“Trước mắt thì không.”

“Ừm,” Komatsu nói. Có thể cảm nhận được sự mệt mỏi trong giọng nói của anh ta. Rất hiếm khi Komatsu công khai để lộ điểm yếu của mình. “Xin lỗi vì nửa đêm mà đánh thức cậu dậy.”

Komatsu mở miệng xin lỗi, cũng thật là chuyện hiếm hoi.

“Không có gì. Sự việc cũng nghiêm trọng mà,” Tengo trả lời.

“Tôi ấy à, thực tình cũng không muốn lôi cậu vào cái hiện thực rối rắm này. Sứ mệnh của cậu chỉ là viết văn, mà nhiệm vụ ấy thì cậu đã hoàn thành rất tốt rồi. Có điều đời là vậy, chẳng có chuyện gì dễ dàng mà thành công. Trước tôi cũng đã nói với cậu rồi, chúng ta đang ngồi chung một con thuyền trên dòng nước xiết.”

“Sống chết cùng chung hoạn nạn.” Tengo máy móc nói thêm vào một câu.

“Đúng thế.”

“Nhưng mà anh Komatsu này, chuyện Fukaeri mất tích mà trở thành tin thời sự, Nhộng không khí chẳng phải sẽ càng bán chạy hơn sao?”

“Đã bán đủ, khá nhiều rồi,” Komatsu có vẻ uể oải, “Chúng ta không cần quảng bá nhiều làm gì nữa, những vụ bê bối chỉ là hạt giống của phiền phức. Hiện giờ, việc của chúng ta là phải nghĩ đến điểm hạ cánh an toàn.”

“Điểm hạ cánh.” Tengo nói.

Komatsu ở đầu dây bên kia phát ra một âm thanh như thể vừa nuốt vào một vật gì đó không có thật, sau đó khẽ húng hắng ho. “Chuyện này để lần sau chúng ta vừa ăn vừa thong thả bàn. Đợi giải quyết vụ rối ren này trước đã. Chúc ngủ ngon, Tengo. Ngủ một giấc cho đẫy nhé.”

Komatsu nói xong liền gác máy, nhưng sau đó Tengo không tài nào ngủ được nữa, như thể bị yểm bùa chú. Mặc dù đã buồn ngủ lắm, nhưng anh không sao thiếp đi được.

Cái gì mà ngủ một giấc cho đẫy chứ! Tengo thầm nghĩ. Anh không tập trung được. Anh liền lấy whiskey trong tủ ra, đổ vào ly thủy tinh, không thêm nước, nhấp từng ngụm, từng ngụm một.

Có lẽ Fukaeri đã hoàn thành sứ mệnh của một con mồi như kế hoạch đã định, và giáo đoàn Sakigake đã bắt cóc cô. Tengo cảm thấy khả năng này không hề nhỏ. Bọn họ theo dõi căn hộ ở Shinano, đợi Fukaeri xuất hiện, thế là một vài kẻ xô tới ấn cô vào trong xe hơi chạy mất. Nếu hành động nhanh, nắm bắt thời cơ chuẩn xác, thì không phải là không có khả năng. Khi nói “không trở về căn hộ ở Shinano” thì hơn, có lẽ Fukaeri đã linh cảm được dấu hiệu gì đó.

Fukaeri nói với Tengo: Người Tí Hon và Nhộng không khí đều thực sự tồn tại. Trong công xã tên là Sakigake ấy, vì sơ sót cô đã để một con dê núi mù chết, và đã kết bạn với Người Tí Hon khi bị trừng phạt vì việc ấy, rồi đêm nào cô cũng cùng bọn họ chế tạo Nhộng không khí. Và kết quả là một biến cố có ý nghĩa trọng đại đã xảy đến với cô. Cô đã chuyển sự kiện ấy sang hình thức một câu chuyện, còn Tengo thì hoàn thiện câu chuyện ấy để nó trở thành một tiểu thuyết. Nói cách khác là biến đổi nó thành một thứ hàng hóa. Hơn thế, thứ hàng hóa này (theo như cách nói của Komatsu) giống như là bánh nướng, vừa ra lò đã bán hết. Đối với Sakigake, đây có lẽ là một chuyện không đáng hài lòng. Chuyện về Người Tí Hon và Nhộng không khí có lẽ là một bí mật quan trọng không thể công khai. Để ngăn cản bí mật này bị tiết lộ nhiều hơn nữa, họ không thể không bắt cóc Fukaeri nhằm bịt miệng cô. Cho dù sự mất tích của cô có thể khiến dư luận nghi ngờ và họ có thể sẽ gặp phải những rủi ro nhất định, nhưng bọn họ đành phải ra tay.

Nhưng đây chỉ là giả thiết của Tengo. Không có chứng cứ nào, cũng không có cách gì chứng minh được. Cho dù gào tướng lên rằng: “Người Tí Hon và Nhộng không khí thực sự tồn tại!” thì liệu có mấy người để ý đến những lời như thế? Và trước hết, ngay bản thân Tengo cũng chẳng hiểu những thứ ấy “Thực sự tồn tại” là như thế nào.

Hoặc chỉ đơn giản Fukaeri cảm thấy chán ghét sự ồn ào quanh việc Nhộng không khí bán chạy, nên đã một mình bỏ đến nơi nào đó ẩn náu? Dĩ nhiên, cũng có thể nghĩ đến khả năng này. Gần như không thể dự đoán được hành động của cô. Nhưng nếu vậy, chắc chắn cô sẽ để lại lời nhắn, để thầy Ebisuno và con gái Azami của ông khỏi lo lắng. Bởi vì lý do để cô không làm vậy cũng không tồn tại.

Tuy nhiên, nếu đúng Fukaeri bị giáo đoàn kia bắt cóc, cô sẽ phải đối mặt với những hiểm nguy không nhỏ. Tengo dễ dàng tưởng tượng được. Giống như cha mẹ cô bỗng biệt tích vào một thời điểm nào đó, cô cũng có thể mất tích từ đây. Một khi quan hệ giữa Fukaeri và Sakigake bị đưa ra ánh sáng (chắc không còn lâu nữa), thì dù giới truyền thông có làm ầm lên thế nào, chỉ cần cảnh sát tuyên bố “không có chứng cứ gì cho thấy đây là vụ bắt cóc”, rồi làm ngơ, mọi chuyện sẽ rơi tõm vào thinh không. Có lẽ cô sẽ bị giam cầm ở nơi nào đó giữa mấy bức tường vây cao vút của giáo đoàn. Hoặc thậm chí là chuyện đáng sợ hơn. Lúc đặt ra kế hoạch này, liệu Thầy Ebisuno có tính đến kịch bản tồi tệ nhất ấy hay không?

Tengo muốn gọi điện cho Thầy giáo Ebisuno, nói những chuyện này với ông, nhưng đã quá nửa đêm, đành phải đợi đến ngày mai.

Sáng sớm hôm sau, Tengo bấm số máy mà họ đã cho anh, gọi đến nhà Thầy giáo Ebisuno. Nhưng không được. “Số điện thoại này hiện không được sử dụng. Xin hãy kiểm tra số điện thoại rồi gọi lại.” Giọng thông báo của tổng đài phát đi phát lại trong ống nghe, gọi bao nhiêu lần cũng vậy. Chắc đã có quá nhiều cú điện thoại xin phỏng vấn gọi đến từ sau khi Fukaeri được giải thưởng nên họ đã đổi số điện thoại.

Một tuần sau đó, không xảy ra chuyện gì khác lạ. Nhộng không khí vẫn tiếp tục bán tốt. Vẫn đứng đầu danh sách bán chạy toàn quốc. Trong thời gian đó, không có bất cứ người nào liên lạc với Tengo. Tengo gọi điện đến công ty của Komatsu mấy lần, nhưng anh ta không ở đó (đây cũng không phải chuyện hiếm), Tengo nhờ ban biên tập chuyển lời, bảo anh ta gọi điện lại, nhưng chẳng lần nào anh ta gọi lại (đây cũng không phải là chuyện hiếm). Ngày nào anh cũng đọc lướt qua các báo, nhưng cũng không thấy bài báo nào yêu cầu cảnh sát tìm kiếm Fukaeri. Chẳng lẽ ông Ebisuno cuối cùng cũng không báo cảnh sát? Hay đã báo rồi, nhưng phía cảnh sát đang bí mật điều tra nên chưa công bố? Hoặc họ chỉ coi đó như một vụ bỏ nhà ra đi thường thấy của một thiếu nữ mười mấy tuổi nên không xem xét một cách nghiêm túc?

Vẫn như mọi khi, mỗi tuần Tengo đến trường dự bị dạy ba buổi, thời gian còn lại thì tiếp tục ngồi trước bàn viết cuốn tiểu thuyết của riêng mình, đến thứ Sáu thì ái ân với người tình trong không khí đậm đặc của buổi đầu giờ chiều. Nhưng bất luận làm việc gì, anh cũng không thể nào tập trung được tinh thần vào đó. Tựa hồ như một người chẳng may nuốt phải một miếng mây dày bịch vào trong bụng, cảm giác khó chịu, bồn chồn. Cả cảm giác thèm ăn cũng dần giảm sút. Nửa đêm không hiểu sao anh bỗng sực tỉnh, rồi không ngủ lại được nữa. Trong những đêm không ngủ ấy, anh lại nhớ về Fukaeri. Giờ này cô đang ở đâu? Đang làm gì? Cùng với ai? Đã gặp phải chuyện gì rồi? Trong đầu anh mường tượng đủ mọi tình huống. Tình huống nào cũng mang sắc thái bi quan, tuy mức độ có khác nhau ít nhiều. Còn nữa, trong tưởng tượng của anh, bao giờ cô cũng mặc chiếc áo len mỏng mùa hè bó sát người ấy, bộ ngực nhô lên rất đẹp, Hình ảnh ấy làm Tengo không thở nổi, khiến lòng anh càng xao động dữ dội.

Fukaeri liên lạc với anh vào ngày thứ Năm của tuần thứ sáu kể từ khi Nhộng không khí đứng vững trên bảng xếp hạng sách bán chạy.
Bình Luận (0)
Comment