24 Giờ Trong Đời Một Người Đàn Bà

Chương 3

Sự luân phiên thua được hồi hộp đó, kéo dài liên tục chừng một giờ, và trong hai giờ đồng hồ ấy, mắt tôi bị thu hút, không rời khỏi bộ mặt biến đổi này, nơi nỗi đam mê hiện lên rồi lại rút đi như sóng. Mắt tôi không rời khỏi đôi tay huyền ảo này, mỗi cơ bắp đều thể hiện như trên tranh vẽ, cả một lớp biểu đồ tình cảm, vụt phóng lên cao rồi rớt xuống như một tia nước.

Chưa bao giờ, tại rạp hát, tôi lại chú ý nhiều, đến bộ mặt một diễn viên, như tôi ngắm bộ mặt này; trên bộ mặt đó, các giai điệu biến đổi của màu sắc và cảm giác, không ngừng hiện lên, từng đợt một, như ánh sáng và bóng tối chiếu trên phông cảnh.

Chưa bao giờ tôi tập trung toàn bộ sự chú ý vào việc quan sát các biểu hiện của nỗi đam mê lạ lùng này như bây giờ. Nếu có ai quan sát tôi, chắc chắn là trông cặp mắt lạnh lùng, cứng đờ và mê mẩn của tôi, họ sẽ cho là tôi đang bị thôi miên, và tình trạng tê cứng hoàn toàn của tôi thật ra cũng giống một sự thôi miên, tôi không thể cưỡng lại, không nhìn cái dáng vẻ đó; và tất cả cái mớ lộn xộn ánh sáng, tiếng cười, con người và những cặp mắt, bập bềnh quanh tôi như một vật vô hình, như một màu khói vàng, ở giữa là bộ mặt đó – một ngọn lửa giữa các ngọn lửa. Tôi không nghe thấy gì, không cảm thấy gì, không nhìn thấy những người đang chen quanh tôi, tôi không trông thấy những bàn tay khác bỗng chìa ra, như những dây ăng-ten, để ném tiền vào bàn bạc hay để vơ lấy từng ôm bạc, tôi không nhìn thấy những hòn bi, cũng không nghe thấy tiếng nói của người hồ lì, thế mà tôi vẫn trông thấy, như trong giấc mơ, những gì đang diễn ra, trong đôi bàn tay này, mà hồi hộp, phấn hứng làm to hơn, phóng đại lên như trong tấm gương lõm. Bởi vì muốn biết hòn bi rơi vào ô đỏ hay đen, nó đang lăn hay đã dừng, tôi không cần phải nhìn bàn ru-let: mỗi giai đoạn, thua hay được, chờ đợi hay thất vọng, đều đọc được như bằng những nét lửa trên những đường gân và những cử chỉ của bộ mặt mê mải say đắm này.

Nhưng rồi đến một lúc khủng khiếp, cái lúc mà tôi nơm nớp lo sợ suốt thời gian này, cái khoảnh khắc treo lơ lửng như một cơn giông tố trên các giây thần kinh bị kích thích, quá độ của tôi, bỗng bùng nổ và cuốn bốc tất cả theo nó. Hòn bi trong vòng quay đã chạy chậm lại với những tiếng lạch cạch nhỏ; lại tới giây phút hồi hộp làm hai trăm đôi môi mím chặt, cho tới lúc người hồ lì lần này xướng số “không” và cái bàn cào lanh lẹn của y vét từ mọi phía những đồng tiên kêu lanh canh và những tờ giấy bạc sột soạt.

Lúc đó, hai bàn tay vẫn quắp chặt lại, có một cử chỉ đặc biệt hãi hùng, chúng như chồm lên để vồ lấy một cái gì không còn, sau đó, chúng rớt xuống bàn, như sắp chết, hoàn toàn bị chi phối theo quán tính của qui luật trọng lực. Nhưng sau đó, chúng bỗng hồi tỉnh lại một lần nữa; chúng cuống cuồng chạy từ bàn tới thân người chủ chúng, leo như những con mèo hoang dọc thân thể, vội vã moi tất cả các túi, trên dưới phải trái để xem ở nơi nào đó, có còn sót một đồng tiền như một mẩu bánh vụn bị bỏ quên chăng. Nhưng lần nào chúng cũng trở ra không; chúng cứ sôi nổi tìm kiếm một cách vô ích hão huyền như vậy, trong khi bàn ru-lét lại bắt đầu quay, những người khác lại tiếp tục chơi, những đồng tiền lại va chạm lanh canh vào nhau, những chiếc ghế bị xô đẩy và hàng ngàn tiếng động lại làm xáo động gian phòng. Tôi run lên, rùng mình kinh hãi: tôi thấy như bị miễn cưỡng phải xúc động theo những tình cảm đó, như chính những ngón tay của tôi đang tuyệt vọng lục lọi tìm một đồng bạc cắc nào đó trong túi, trong các nếp của bộ quần áo đã nhàu nát! Đột nhiên anh ta đứng phắt dậy trước mắt tôi, như một người bỗng thấy khó chịu, phải đứng lên cho khỏi bị ngợp thở; sau lưng anh, chiếc ghế đổ lăn ra đất, gây một tiếng động gọn. Nhưng anh ta đã nặng nề rời khỏi bàn không chú ý tới chiếc ghế, không để tâm tới những người ngồi kế bên đang ngạc nhiên và e ngại nhìn con người khật khưỡng này.

Trước cảnh ấy, tôi sững người lại. Vì tôi hiểu ngay là người đó sẽ đi đâu: tới cái chết. Ở bất cứ hoàn cảnh nào trong cuộc sống, một con người đứng lên như vậy, chắc chắn là không phải để tới một khách sạn, một quán rượu, để tìm một người đàn bà, đến một toa tàu, mà người đó sẽ lao thẳng vào khoảng không. Người vô tình nhất trong gian phòng địa ngục này cũng phải nhận thấy là, chắc chắn con người này không còn một chỗ tựa nào ở ngay tại nhà mình, ở một ngân hàng nào hay ở nhà cha mẹ mình; rằng anh ta đã chơi ở đây đến đồng bạc cuối cùng, tới cả cuộc đời mình và bây giờ, anh sẽ bước chệnh choạng ra ngoài, đi bất cứ đâu, nhưng nhất định là sẽ ra khỏi cuộc sống.

Tôi vẫn lo (ngay từ đầu, tôi đã tiên đoán điều này) là ở đây, có một cái gì lớn hơn chuyện được – thua, vậy mà tôi vẫn thấy như có một tiếng sét thê thảm nổ ra ở trong tôi khi tôi nhận được là cuộc sống bỗng rời khỏi đôi mắt người này và cái chết đã nhuộm màu xanh ngắt lên bộ mặt đầy sinh khí này.

Vô tình (vì những cử chỉ mềm mại của anh đã thấm quá chừng vào tôi) tôi phải nắm chặt tay bám cho vững trong lúc anh ta lảo đảo đứng lên khỏi chỗ ngồi một cách khó nhọc, bởi vì dáng đi thất thểu của anh ta bây giờ đã chuyền sang tôi như trước đó nỗi kích thích của anh đã thấm vào mạch máu, vào gân não của tôi. Tiếp theo đấy, điều này mạnh hơn cả tôi, tôi buộc phải đi theo anh ta, dù tôi không muốn, chân tôi cũng tự cử động. Điều nay xảy ra hoàn toàn vô ý thức, không phải tôi hành động mà sự thật là, không chú ý tới ai, không ý thức về những cử động của mình, tôi chạy về phía hành lang để đi ra ngoài.

Người đó đã ở chỗ gửi quần áo, người hầu đã mang áo khoác cho anh ta. Nhưng anh ta đã không điều khiển được cánh tay mình nữa, người hầu vội giúp anh xỏ tay áo một cách khó khăn như giúp người tàn tật. Tôi thấy anh ta máy móc cho tay vào túi áo gilê để lấy tiền puôc-boa ra cho, nhưng sau khi dò dẫm tận đáy túi, chúng lại trở ra không. Lúc ấy, anh ta như sực nhớ tất cả những gì vừa xảy ra, anh ta lúng túng lẩm bẩm nói gì với người hầu và như vừa qua, anh ngã mạnh người về phía trước, lảo đảo bước xuống bậc thang nhà cadinô giống một kẻ say rượu, người hầu còn nhìn theo anh một lát với nụ cười thoạt đầu khinh bỉ, sau cùng thông cảm.

Cảnh đó làm xúc động đến nỗi tôi cảm thấy xấu hổ về mình đã có mặt tại đấy. Vô tình, tôi quay đi, ngượng ngùng vì được chứng kiến như từ lan can rạp hát, tấn thảm kịch của sự tuyệt vọng này ở một người tôi không quen biết, nhưng nỗi lo âu không sao hiểu nổi đó, đang ở trong tôi, đã đẩy tôi đi theo anh ta. Tôi mau mau lấy đồ đạc của mình và không suy nghĩ rõ rệt về điều gì, hoàn toàn như máy, hoàn toàn theo bản năng, tôi lao vào bóng tối, theo gót người đàn ông đó.

Bà C… ngừng kể một lát. Suốt thời gian ấy, bà ngồi yên trên ghế, trước mặt tôi, không nhúc nhích, bà nói một hơi với vẻ điềm tĩnh, mạch lạc, đặc biệt của bà, mà chỉ người nào đã chuẩn bị, đã sắp xếp kĩ thứ tự các sự kiện mới làm nổi. Đây là lần đầu tiên bà dừng lại, bà ngập ngừng rồi đột nhiên bỏ ngang câu chuyện, bà nói thẳng với tôi:

- Tôi đã hứa với ông và với chính tôi – bắt đầu, vẻ hơi e ngại, – là sẽ kể cho ông nghe một cách hoàn toàn thành thật, tất cả những gì đã xảy ra. Nhưng đến lượt tôi, tôi cũng đòi hỏi ông phải hoàn toàn tin vào sự thành thật của tôi; ông đừng gán cho cách xử thế của tôi những động cơ thầm kín, giờ đây có thể làm tôi phải xấu hổ, đỏ mặt; trường hợp đó, là một giả thiết hoàn toàn sai cho nên tôi phải nhấn mạnh rằng khi tôi vội vã chạy theo ra đường, kẻ đánh bạc đã gục xuống, tôi không hề mê chàng trai đó; tôi không nghĩ tới anh ta như một người đàn bà thường nghĩ về một người đàn ông, và sự thật lúc đó, tôi đã trên bốn mươi tuổi; sau khi chồng chết, tôi không để ý tới người đàn ông nào, đối với tôi đây là một việc dứt khoát đã được xếp vào dĩ vãng; tôi nhấn mạnh rõ ràng với ông điều này và phải nói như vậy nếu không, ông sẽ không hiểu rành mạch tất cả những gì đã xảy ra sau này với nỗi kinh hoàng của nó.

Sự thật, về một mặt khác, rất khó gọi cho chính xác, tình cảm lúc đó đã lôi cuốn tôi đi theo con người khốn khổ này mà không cưỡng lại được: có sự tò mò, nhưng cái chính là nỗi sợ khủng khiếp, hay nói cho đúng hơn, là sự sợ hãi một cái gì khủng khiếp mà ngay từ phút đầu, tôi cảm thấy, lơ lửng quanh người trai này như một đám mây. Nhưng không thể phân tích hay mổ xẻ những cảm giác như thế được, trước hết vì chúng diễn ra, xoắn xuýt lấy nhau, quá mạnh, quá nhanh và quá ngẫu nhiên; chắc chắn là ở đây, tôi chỉ làm cái việc đơn thuần thuộc về bản năng như người ta làm để cứu giữ để ngăn chặn một đứa trẻ, ở ngoài phố, đang sắp lao vào bánh xe hơi. Nếu không, làm sao có thể giải thích được việc những người không biết bơi lại lao từ trên cầu xuống cứu một người đang chết đuối? Đó chỉ là cái sức mạnh huyền diệu đã lôi cuốn họ, cái ý chí đã thúc đẩy họ lao xuống nước trước khi họ có thì giờ để nghĩ đến sự táo bạo điên rồ của việc làm ấy; Đúng như vậy, không nghĩ ngợi, không suy tưởng, hoàn toàn không có chút ý thức nào, lúc đó, tôi đã đi theo con người khốn khổ ấy từ phòng đánh bạc ra cửa và từ cửa tới thềm trước nhà cadinô. Và tôi đoán chắc là ông, hay bất cứ ai có mắt để nhìn đều không thể nào dứt khỏi cái kì vật biết lo âu này, vì không gì thê thảm bằng tưởng tượng thấy chàng trai nhiều nhất là hai mươi bốn tuổi này, lê lết một cách khó nhọc, như một ông lão, từ cầu thang ra ngoài sân, loạng choạng như người say rượu, các khớp xương mềm nhũn và gãy gập. Anh ta nặng nề gieo mình xuống một chiếc ghế dài, như một cái bị. Cử chỉ đó làm tôi rùng mình và cảm thấy là người ấy đã đi đến chỗ tận cùng của sự vật. Chỉ người đã chết hay người không một cơ bắp còn sống trong cơ thể mới ngã xuống như vậy. Cái đầu gục ngoẹo sang bên, thả xuống lưng ghế, hai cánh tay thõng xuống đất, mềm oặt, không ra hình dáng gì, trong bóng tối lờ mờ, dưới ngọn lửa chập chờn của các cây đèn đường, ai đi qua chắc cũng phải cho đó là một xác chết. Vậy là (tôi không thể nào cắt nghĩa nổi, vì sao ảo tưởng đó bỗng hình thành trong tôi, nhưng đột nhiên nó ở đó, rành rành như vẽ, một hiện thực ghê gớm và khủng khiếp), dưới hình thức một xác chết mà anh ta hiện lên với tôi, trong giây phút đó, tôi tin chắc một cách mù quáng rằng anh ta có một khẩu súng ngắn trong túi, ngày mai, người ta sẽ thấy cái thân thể không hồn, đẫm máu này nằm sóng sượt trên cái ghế này hay một cái khác. Vì cái cách buông thả của anh là một hòn đá rơi xuống vực thẳm, nó không dừng lại chừng nào chưa chạm tới đáy: chưa bao giờ tôi thấy một cử chỉ về hình thể biểu lộ sự mệt mỏi và tuyệt vọng nhiều đến như vậy.

Còn bây giờ, ông hãy tưởng tượng địa vị của tôi: tôi đứng cách chừng hai ba chục bước sau chiếc ghế dài người đàn ông đó đang ngồi im lặng, tàn tạ. Tôi không biết mình phải làm gì, phần thì bị thôi thúc bởi ý muốn cứu giúp anh ta, phần thì sợ, không dám ngỏ lời, với một người lạ ở ngoài đường, nỗi sợ do sự giáo dục và tính di truyền mà có. Những ngọn lửa mờ đục của những ngọn đèn ga chập chờn trên nền trời đầy mây, người đi đường rất thưa thớt, đều vội vã; vì sắp tới nửa đêm mà chỉ còn một mình tôi ở ngoài vườn với con người giống một kẻ tự vẫn.

Năm lần, mười lần, tôi đã tập trung tất cả nghị lực của tôi và tôi tiến tới phía anh ta, nhưng luôn luôn, sự ngượng ngùng nếu tôi lại, hay có lẽ đó là cái bản năng, cái linh cảm sâu sắc chỉ cho ta thấy rằng những người bị ngã thường kéo những người đến cứu họ ngã theo; giữa cảnh ngập ngừng ấy, bản thân tôi thấy rõ ràng sự điên rồ, sự lố lăng của tình hình. Nhưng tôi cũng không thể nói, không thể bỏ đi - không thể làm bất cứ điều gì, cũng không thể rời anh ta được. Tôi hi vọng là ông tin tôi khi tôi nói với ông rằng tôi ở lại trên sân, đi đi lại lại không biết nên quyết định ra sao, có lẽ đến một giờ, một giờ dài vô tận, trong khi những làn sóng của biển cả, không nhìn thấy được, cứ gặm nhấm thời gian bằng hàng ngàn hàng ngàn tiếng đập nhỏ, hình ảnh của sự huỷ diệt hoàn toàn một con người làm tôi bị xáo trộn và thấm sâu vào trong tôi đến thế.

Mặc dù vậy, tôi vẫn không đủ can đảm để nói và làm gì; có thể tôi còn ở đó suốt nửa đêm để chờ đợi hay có lẽ tính ích kỉ khôn ngoan hơn, cuối cùng sẽ dẫn tôi trở về nhà, phải, tôi như sắp quyết định bỏ mặc cái đụn đau khổ này với số phận của nó thì một sức mạnh cao siêu đã thắng sự do dự của tôi. Phải, trời bắt đầu đổ mưa, suốt buổi chiều, giờ đã quần tụ lại trên biển những đám mây lớn của mùa xuân, nặng trĩu hơi nước; với lồng ngực và với trái tim, người ta cảm thấy bầu trời đè nặng xuống trái đất. Đột nhiên, một giọt nước mưa rơi độp xuống đất và ngay lập tức một trận hồng thuỷ đổ ập xuống với những cuốn nước nặng nề bị gió đuổi đi. Tôi buộc phải ép mình dưới mái một quán hàng và tuy tôi đã mở dù, những đợt nước mưa vẫn bắn tung lên hắt những bó nước xuống áo tôi. Tôi cảm thấy những hạt bụi lành mạnh của nước rơi xuống đất tanh tách, bắn lên tận mặt và tay tôi.

Nhưng (thật ghê sợ khi thấy rằng đến bây giờ, đã hai mươi năm sau, chỉ nghĩ đến việc này cổ họng tôi vẫn như thắt lại) mặc cho mưa như thác đổ, con người khốn khổ ấy vẫn ngồi lì trên ghế bất động, không nhúc nhích. Nước chảy ào ào, xối xả từ tất cả các ống máng; từ phía thành phố, tiếng xe hơi nổ ầm ầm; bên phải, bên trái, người ta chạy vội vàng, cởi áo măng-tô kéo cao, tất cả những gì sống động đều thu mình lại, sợ hãi trốn chạy, tìm nơi trú ẩn; ở khắp mọi nơi, người và vật đều cảm thấy nỗi khiếp sợ trời đất nổi cơn thịnh nộ – chỉ riêng cái đống thân thể đen đúa co tròn này vẫn ở đó, trên ghế, không động đậy.

Tôi vẫn nói với ông là con người này có phép màu diễn tả tình cảm của mình một cách uyển chuyển bằng cử động và dáng điệu; nhưng không có gì, không một thứ gì trên trái đất này có thể diễn tả sự tuyệt vọng, sự buông thả hoàn toàn bản thân mình, cái chết còn sống động một cách thấm thía, bằng sự bất động, bằng cái cách ngồi lì, trơ trơ dưới trời mưa tầm tã, bằng vẻ mệt mỏi quá mức đến nỗi không thể đứng dậy đi vài bước cần thiết đến một nơi trú mưa nào đó, bằng sự lạnh lùng cao nhất đối với chính mình. Không nhà điêu khắc, không nhà thơ nào, kể cả Miken Angiơ, lẫn Đăngtê (23) làm cho tôi hiểu được cái động tác của sự tuyệt vọng cùng cực, sự khốn khổ cùng cực trên trái đất một cách xúc động và mạnh mẽ bằng con người sống nhưng lại quá nhu nhược, quá mệt mỏi đến nỗi không tự che chở lấy mình bằng một cử động thôi – và cứ để cơn giông bão xối nước lên người.

Thật là mạnh hơn mình, tôi không thể làm khác được. Tôi nhảy một bước dưới hàng nước mưa xối xả quất mạnh và lay cái khối thịt ướt lướt thướt ngồi trên ghế này.

- Lại đây nào! – Tôi nắm cánh tay anh ta và nói.

Một vật không biết định nghĩa là gì nhìn tôi chòng chọc, vẻ khổ sở. Anh ta hơi nhúc nhích như có vẻ cử động nhưng anh vẫn không biết gì.

- Lại đây nào! – Tôi nói và lại kéo cánh tay áo đẫm nước, lần này tôi đã hơi bực rồi.

Thế là anh ta từ từ đứng dây, lảo đảo, không có ý chí.

- Bà muốn gì? – Anh ta hỏi.

Tôi không thể trả lời được vì chính tôi cũng không biết đi đâu với anh ta; điều tôi muốn, chỉ là kéo anh ta ra khỏi trận mưa lạnh giá này, khỏi sự dửng dưng điên dại giống như tự vẫn này làm ta cứ ngồi như vậy trong cảnh tuyệt vọng cùng cực. Tôi không buông cánh tay anh ra, tôi tiếp tục kéo anh, cái thân tàn ma dại này, tới tận quầy bán hoa, có mái nhô ra một chút, ít ra cũng che chở anh ta được phần nào chống những đợt mưa dữ dội bị gió quất phũ phàng. Ngoài điều đó ra, tôi không biết gì, tôi không muốn gì hết. Thoạt tiên, tôi chỉ nghĩ tới một việc: đưa người này đến một chỗ trú, một nơi khô ráo.
Bình Luận (0)
Comment