25 Giờ - Đả Tự Cơ

Chương 12

*Chương này có nội dung ảnh, nếu bạn không thấy nội dung chương, vui lòng bật chế độ hiện hình ảnh của trình duyệt để đọc.

An ủi, mang nghĩa xoa dịu, chỉ bằng niềm vui, hy vọng, bớt đi cam đoan và đồng cảm, là trấn an hoặc cổ vũ.

Xưa nay Thẩm Thiêm không an ủi ai.

Nhưng nếu xét đến cùng, tường tận hồi tưởng trở lại từng ngóc ngách ký ức suốt hai mươi sáu năm, nơi lỏng gạt bỏ mọi điều kiện cản trở việc tìm kiếm, thì khi còn là Thẩm Gia Ánh, đúng thật anh đã từng thử an ủi một ai đó.

Tình cảnh cụ thể của sự an ủi đó là, một tuần sau sự kiện nó bị mời phụ huynh vì "đánh nhau" với bạn cùng lớp. Thẩm Gia Ánh từ chối khéo hết mọi sự trợ giúp của bạn kết thúc ngày dọn bể bơi cuối cùng, khoác ba lô bằng một vai, sải những bước dài tung tăng xuôi theo con dốc dẫn về nhà. Trên bậc thang hẹp giữa hai tòa nhà, nó phát giác bóng lưng bà ngoại ở đó.

Thẩm Ngọc Nhữ đang chờ nó.

Người đời ai ai cũng biết, Budapest được tạo thành từ hai thành phố Buda và Pest tọa lạc hai bên bờ sông Danube, trong đó Pest có địa hình bằng phẳng, Buda núi đồi nhấp nhô. Mà thật ra có thể chia Buda thành hai phần Buda và Buda cổ xa xa phía Bắc, và nhà nó sống tại thành cổ Buda nơi đóng quân từ thời La Mã cổ đại, nằm ở phần địa hình núi cao dốc thẳm.

Ngày nhỏ dại, Thẩm Gia Ánh nhiều lần hỏi Thẩm Ngọc Nhữ, tại sao bà lại ở xa nhà thế. Tại sao sau khi chu du qua hơn một nửa châu Âu lại chọn ở nơi thành cổ đến cả quốc vương cũng từ bỏ này thành nơi ngừng chân vĩnh viễn. Với câu hỏi rõ là chỉ có một đứa trẻ chưa trải sự đời mới hỏi ra được, người làm bà Thẩm Ngọc Nhữ thường sẽ tỏ ra mặc kệ nó. Nhưng thỉnh thoảng trong một lúc nào đó, bà đã từng tiết lộ một chút nguyên nhân thế này.

Là thủ đô chứa đầy những truyền thuyết của Hungary, sức cuốn hút say lòng người của Budapest là điều không cần dành quá nhiều lời có cánh miêu tả. Nhưng để nghiên cứu vì sao nó lại trở thành nơi người đàn bà sinh ra và lớn lên tại một quốc gia phương Đông cổ xưa chọn định cư, nguyên nhân cũng đơn giản thôi —— Bà du lịch đến đây lúc hết tiền.

Một cái cớ hết sức bất đắc dĩ và thực tế. Cơ mà trong ba lựa chọn "Ở lại đây", "Thử trốn vé đến điểm dừng tiếp theo" và "Liên lạc người nhà cầu cứu", Thẩm Ngọc Nhữ dễ dàng chọn ngay —— Chẳng phải bà làm thợ chế tác đàn ở đây ngay từ những ngày đầu, nàng tiểu thư họ Thẩm đi từ nghề rửa bát lên.

Đây không phải câu trả lời có vẻ thuyết phục. Chẳng trách Thẩm Ngọc Nhữ rất hiếm khi nhắc đến, nhưng nó cũng đủ giật gân kịch tính để tạo thành một câu chuyện kể kéo dài đến đời thứ ba.

Bậc thang bị hai tòa nhà che khuất bao trùm bóng tối nên rất mát mẻ. Đi thêm tầm mươi bước chân, hai bên tường đá ốp gạch xanh gom tầm nhìn thành khoảng vuông vắn, màu nắng chói chang rộng lượng chiếu rọi lên từng hạt bụi lững lờ giữa không trung.

Vào một buổi sáng ở rất nhiều năm sau này, Thẩm Gia Ánh trưởng thành đã trông thấy cảnh tượng giống hệt giữa lòng Barcelona.

—— Ngoại có nhớ ông không?

Thẩm Gia Ánh ngoái đầu nhìn bà ngoại ngồi bên cạnh.

—— Tất nhiên.

Thẩm Ngọc Nhữ bưng tách trà nóng từ trong nhà ra trả lời.

Thẩm Gia Ánh như đang ngẫm nghĩ gì đó.

Điểm tận cùng của cái chết là quên lãng. Edwin mất đi rồi, nhưng ông còn sống. Thẩm Gia Ánh bày tỏ vụ này đúng là ngầu bỏ mẹ.

Thẩm Ngọc Nhữ bật cười ngả người về trước.

—— Vậy thì chúc tương lai cũng có người sẽ nhớ về con?

—— Không có ai cũng chẳng sao.

Đứa trẻ cắn cắn ống hút, nhếch môi.

—— Với người đã chết thì, chết là hết.

—— À, con không tin có linh hồn trên đời?

—— Nửa tin nửa ngờ?

Thẩm Gia Ánh mím môi, đảo mắt nhìn khung cảnh dường như đang hơi mát mẻ quá xung quanh.

—— Coi hỏi thật nhé, nếu giờ này linh hồn Edwin đang ở bên chúng ta, ngoại có sợ không? Hay ngoại muốn nói gì với ông?

Dường như Thẩm Ngọc Nhữ chưa bao giờ suy nghĩ đến chuyện này. Bà khẽ nhướng mày, cuối cùng dừng mắt trên ngọn đèn ven đường chưa kịp thắp sáng.

—— Không làm gì cả.

Cuối cùng, bà đáp.

—— Giống như bây giờ, cứ sống tiếp những ngày bình thường.

Nếu người chết thật có linh hồn, bà hy vọng Edwin hãy sớm đầu thai. Cuộc sống là điều rất đỗi tuyệt vời, ông không nhất thiết hoang phí thời gian chờ đợi mối ràng buộc ngắn ngủi này.

—— Hì, ngoại ơi.

—— Hửm?

—— Ngoại ngầu ghê.

#

Đằng ấy ngầu ghê.

Đó là cách thức an ủi của Thẩm Gia Ánh.

#

"Tôi sẽ không an ủi em đâu."

Thẩm Thiêm hết sức hiểu rõ bản thân bất đắc dĩ thụt vai về sau, kéo dài khoảng cách giữa cả hai đồng thời cố khiến ánh mắt mình nhìn Tần Tranh trông có vẻ đầy thành ý.

Có lẽ con người đúng thật có thể bị thay đổi. Lần này Thẩm Thiêm không chỉ không so đo Tần Tranh lại gọi mình là "Thẩm Gia Ánh", thậm chí anh còn không chú ý đến khi Tần Tranh bao vây tấn công mình cái kiểu vừa cứng rắn vừa mềm mại ban nãy. Anh chỉ chắp hai tay sau lưng thoáng nghiêng người, còn lòng bàn chân như bị một vị tiên tàng hình nào đó âm thầm đóng đinh không hề nhúc nhích.

Nhưng bản tính ranh mãnh trời sinh vẫn hình thành phản ứng bản năng, anh thoải mái vạch bản thân ra khỏi phạm vi hô hấp của Tần Tranh.

Người chỉ cần cúi đầu là chạm đến răng môi chợt biến mất, mùi hương mái tóc thoang thoảng trong không gian dưới mái vòm.

Tần Tranh chậm rãi chớp mi, thong thả đứng thẳng lưng, bình thản nở một nụ cười tao nhã nhìn thẳng vào mắt Thẩm Thiêm.

Lại một cuộc chiến chỉ diễn ra giữa khoảng không vài mét vuông, một cuộc chiến bất phân thắng bại.

Tuyển thủ số một Thẩm Thiêm luôn chuộng chiến thuật tiên phát chế nhân, âm thầm theo dõi diễn biến. Mà theo phân tích các biểu hiện trong quá khứ của tuyển thủ số hai, tính cách của hắn dường như càng táo bạo và thiếu kiên nhẫn hơn. Song có lẽ nhờ thời gian ngồi trên vị trí cao ngắn ngủi tại Giang Thành đã mài giũa ý chí Tần Tranh, từ ngày gặp lại hắn trở nên nhẫn nại và điềm tĩnh chưa từng thấy.

"Tôi có một bí mật muốn tiết lộ với anh." Tần Tranh chậm rãi lên tiếng.

Bí mật của cậu tổng không phải thứ được phép tùy tiện dò la, không ai biết cái giá phải trả sau khi biết lớn đến đâu. Nhưng con bạc Thẩm Thiêm đã không còn quân át nào, kẻ xưa nay không đặt nặng thắng thua giờ phút này cũng chỉ mỉm cười không hề sợ hãi, tỏ vẻ mình xin rửa tai lắng nghe.

Tần Tranh nói: "Tôi làm mất ví tiền của anh."

Thẩm Thiêm khẽ chớp mắt.

Mặc dù trên đường di chuyển cả hai đều tự bảo quản ba lô phần mình, cơ mà vừa nãy ở ngoài giáo đường lúc đổi tiền với một vị du khách lạ mặt, Thẩm Thiêm đã giao ví tiền mình cho Tần Tranh theo hắn đề nghị... Đây đúng là sai lầm cực kỳ nghiêm trọng.

Tần Tranh cụp mắt, thái độ hiếm khi nhỏ nhẹ: "Ở đây có khu vực đồ thất lạc không?"

Thẩm Thiêm cau mày: "Em trả thù tôi à?"

"Sao lại thế." Tần Tranh hạ nhỏ giọng: "Ví tiền này quan trọng với anh lắm sao?"

"Đương nhiên ——" Thẩm Thiêm tức giận dài giọng, rồi lại không nhịn được bật cười: "Cũng bình thường, xài quen rồi thôi."

Nụ cười của anh rất đẹp, đôi mắt cong lên, chỉ nơi đáy mắt thấp thoáng do dự mà Tần Tranh nhạy bén bắt được cảm xúc nuối tiếc vụt qua trong khoảnh khắc.

"Đúng là tôi trả thù anh."

Giữa lúc Thẩm Thiêm lơ mơ không phản ứng kịp, Tần Tranh cầm từ trong túi áo jacket không khác nào túi thần kỳ Doraemon của hắn chiếc bóp da hiệu xa xỉ đời cũ "đã mất nay lại tìm thấy", chạm khẽ trên vầng trán trơn mịn của người đàn ông.

"Chẳng phải anh rành bắt trộm lắm à? Suýt nữa bị người ta thó đi mất cũng không biết." Cậu tổng châm chọc bằng giọng điệu ôn hòa.

Ví tiền nhét trong túi áo khoác lòi ra một nửa nên móc túi dễ dàng hành sự. Cũng may Tần Tranh lanh lẹ tinh mắt túm cổ áo tên nọ cách đó vài mét lôi trở về. Còn Thẩm Thiêm ì ạch ngờ nghệch đến độ "Tần Tranh quay về nhét ví da lại vào túi áo anh rồi vỗ vỗ vai bảo anh giao ví cho mình giữ" tới tận hồi đổi tiền vẫn không phát giác tí gì.

"Tôi rành hồi nào..."

Ặc, khúc ở sân bay Copenhagen hình như đúng là anh có giúp Tần Tranh tóm cướp.

"Thôi được." Thẩm Thiêm nhận thua nhận ví tiền, thuận tay mở kiểm tra lại món đồ nào đó có còn tồn tại không trong vô thức.

Một thứ rõ ràng, hay đúng hơn là cực kỳ bắt mắt, chỉ là Tần Tranh không có ý định săm soi tìm hiểu không mảy may chú ý đến.

Trong ví da của Thẩm Thiêm có tấm ảnh chụp một người phụ nữ.

Không phải Thẩm Ngọc Nhữ, nhưng có đôi mắt giống hệt Thẩm Ngọc Nhữ và Thẩm Thiêm.

"Người phụ nữ đẹp là thiên đàng với đôi mắt, nhưng lại là địa ngục của linh hồn."

Thẩm Thiêm nhếch môi cười đung đưa chiếc ví vừa về tay chủ: "Hơn thế nữa... là ví tiền của luyện ngục?"

#

Có chín cây cầu nổi tiếng thế giới bắc qua sông Danube ở Budapest, trong đó nổi tiếng nhất, đồng dạng mang tính biểu tượng thủ đô như cây Cầu Tháp Luân Đôn Tower Bridge, không thể không kể đến cây cầu Xích Széchenyi có lịch sử lâu đời.

Thẩm Thiêm và Tần Tranh men dọc bờ sông lên cầu vào lúc bầu trời trong veo nhất giấc chiều. Sau cơn mưa Budapest quang tạnh không một gợn mây, dệt nên những vệt sóng loang màu ngọc biếc mơ màng trên mặt sông thoáng đãng. Du khách trên cầu đông chật như nêm, bức tượng sư tử đá vài trăm năm tuổi trấn thủ hai bên đầu cầu chứng kiến Budapest của quá khứ và hiện tại, những chiếc khóa tình yêu có tuổi đời nhỏ hơn nhưng vì ký thác quá nhiều những ước nguyện đẹp đẽ, chúng cũng đã in hằn dấu vết tháng năm sau chuỗi ngày dãi gió dầm sương.

Budapest rất đẹp.

Nó mang trong mình bề dày lịch sử phong phú, huy hoàng và ảm đạm. Rõ ràng hầu hết các tòa thành, giáo đường, và thậm chí những cây cầu nối liền Buda và Pest đều trải qua cuộc trùng tu hậu chiến tranh, song mọi ngóc ngách thuộc về thành phố này đều không tách rời khỏi những trang sử kiêu hùng.

Thẩm Thiêm đặt tay lên cây cầu anh đã từng đi qua hằng vô số lần thời niên thiếu, cởi mũ, đã lâu không gặp, quyến luyến hít lấy mùi hương trong thanh của làn gió xuân ẩm nồng hiu hắt.

Tần Tranh đứng bên vẫn luôn giữ yên lặng, cho đến khi Thẩm Thiêm gượng mình mở mắt khỏi cơn gió không khác nào thuốc phiện giữa lòng Budapest, mới phát giác dường như hắn đã đăm đăm nhìn con đường cả hai đi qua lúc đầu thật lâu. Nhìn theo hắn, Thẩm Thiêm trông thấy hóa ra Tần Tranh đang say sưa vào những người ngừng chân tặng hoa bên dưới bờ sông chăm chú.

"Đó là tác phẩm tưởng nhớ những người Do Thái bị giết hại." Anh nheo mắt nhìn những lấm chấm không rõ nét dưới chân cầu Xích và cầu Margaret, giới thiệu cho Tần Tranh bằng cách khéo léo nhất có thể: "Có tất cả 60 đôi giày sắt khác nhau, giày trẻ con, ủng, cao gót,... Để tưởng niệm rất nhiều nạn nhân người Do Thái bị bắt cóc và bắn bên bờ sông Danube khi Đảng Arrow Cross phát động đảo chính."

Ngày bé mỗi lần đi ngang qua đây, Thẩm Ngọc Nhữ đều sẽ dắt tay cháu trai đến tặng một bó hoa.

Budapest rất đẹp. Thẩm Ngọc Nhữ rất đẹp. Con gái Thẩm Ngọc Nhữ cũng thế.

Có những lúc, Thẩm Thiêm cảm thấy những người phụ nữ hiện diện trong đời mình rất giống Budapest.

Hơi nước ẩm ướt trên sông tràn vào xoang mũi, Thẩm Thiêm lấy chiếc ví da đã mất đi rồi có lại nhiều lần ở ngôi giáo đường, vẫn với cái kiểu dựa vào thành cầu hớ hênh hết sức nguy hiểm.

Bức ảnh trong ví đã hơi cũ kỹ nhưng vẫn còn rõ nét. Thiếu nữ trẻ đội mũ nồi hồng có mái tóc xoăn dài nhìn xác xơ, đôi ngón tay mảnh dài lười biếng cầm điếu thuốc, hốc mắt vốn trong suốt như thủy tinh trũng sâu vì thức đêm, đường chân mày nhạt, mắt nhìn vào ống kính.

Có thể thấy được sự thờ ơ lạnh nhạt từ trong đôi mắt người phụ nữ, hẳn là tuýp người luôn nhìn thẳng vào mắt người khác.

"Đây là mẹ tôi, Thẩm Ninh." Thẩm Thiêm giới thiệu.

Kể từ lúc Thẩm Thiêm móc ví từ trong túi áo khoác ra Tần Tranh đã dời mắt khỏi bờ Pest. Hắn là người thông minh và cũng rất thận trọng, hắn lắng nghe trong tư thái tĩnh lặng và vừa vặn, không ngắt ngang câu chuyện chia sẻ hiếm hoi của Thẩm Thiêm.

"Thật ra có thể nói là tôi chưa từng gặp mẹ, nhưng tôi cũng có quen biết mẹ, phòng tôi ở bây giờ ngày xưa là của mẹ."

Thẩm Ninh không để lại gì nhiều nơi căn nhà này, thứ lớn nhất là một chiếc máy tính bàn cũ không có quá nhiều dữ liệu, nhưng trong thùng rác vẫn còn một vài thứ chưa kịp xóa hẳn. Thẩm Gia Ánh từ lúc biết nghịch máy tính vào năm bảy, tám tuổi mỗi lần mở máy ra đều thấy hình chiếc thùng rác đầy ắp giấy, nhưng đến tận năm mười ba tuổi, cuối cùng nó mới có đủ can đảm ấn vào lệnh khôi phục dữ liệu.

Trong đó có video Thẩm Ninh ngày bé.

Học múa ba lê, hát hò, quẹt bánh kem lên máy ảnh của Thẩm Ngọc Nhữ.

"Chắc vì còn nhỏ tuổi nên giọng mẹ nhỏ xíu, hơi mềm mại, kiểu mềm mại lạnh nhạt ấy." Thẩm Thiêm nheo mắt hồi tưởng.

Đến khi lớn lên, độ phản nghịch của Thẩm Ninh vượt xa tưởng tượng của mọi người. Cô yêu người không nên yêu, còn nhỏ dại đã xa quê bỏ trốn theo người ta, nhưng sau vài năm bặt vô âm tín lại bế bồng một đứa trẻ trở về, và sau đó tiếp tục chạy về một tương lai xa xăm nào đó không ai hay biết.

Có những lúc Thẩm Thiêm sẽ thầm đoán, phải chăng người yêu Thẩm Ninh không phải là một con người cụ thể mà là những thứ được cô nhân cách hóa, là làn gió vịnh Naples khác xa với dòng Danube, là nhiệt độ cơ thể của mặt trời, là cầu vồng trong đêm tối, là bản tình ca giữa không khí đêm nồng kẻ nát rượu...

Có chăng anh hiểu thấu. Vì ngày xưa lắm khi anh cũng đã nhận những lời mời gọi chệch khỏi dự tính ban đầu hệt như thế.

"Anh nhớ mẹ không?" Tần Tranh hỏi câu hỏi mà nhiều năm về trước Thẩm Gia Ánh từng hỏi Thẩm Ngọc Nhữ.

"Khó trả lời lắm." Thẩm Thiêm buồn cười rũ mi: "Tôi không quen biết gì mẹ, không có cơ sở tình cảm cho "nhớ nhung". Nhưng tôi vẫn thường hay nghĩ đến mẹ, có lẽ thế."

Nhưng anh cũng chỉ toàn nghĩ về Thẩm Ninh ngày bé trong những thước phim kia. Thẩm Thiêm sẽ không bao giờ nghĩ đến mẹ đang làm gì, hay chuyện gì sẽ xảy ra nếu có mẹ kề bên.

Thẩm Thiêm là chàng nghệ sĩ khuyết máu lãng mạn, rất hiếm khi nghĩ về những câu chuyện không thể diễn ra. Mà tại những khi anh nghĩ về Thẩm Ninh, thay vì xem cô là mẹ mình, trái lại, anh xem Thẩm Ninh là nhóc nghiện trò giả vờ ngầu.

Không khác Tần Tranh mấy.

"Vậy nên anh cũng hay nghĩ về tôi?" Tần Tranh đã không nói câu nào thì thôi, chứ hễ mở miệng thì toàn tập trung vào thứ chẳng cần thiết.

Câu hỏi của hắn quá bất ngờ và đột ngột, Thẩm Thiêm mất tập trung run tay đánh rơi ví mình xuống dòng Danube sâu không thấy đáy cuồn cuộn sóng cả.

Thẩm Thiêm: "..."

Tần Tranh: "..."

Hai người đàn ông trưởng thành không hẹn mà cùng ghé vào lan can, chúi đầu khỏi thành cầu.

Tần Tranh: "Lỗi tôi à?"

Thẩm Thiêm: "..."

Tần Tranh: "Bức ảnh, tôi, rất xin lỗi, Thẩm..."

"Không việc gì." Thẩm Thiêm cười khẽ ngắt ngang mấy con chữ xin lỗi luống cuống nhảy ra.

Khi anh vuốt mái tóc dài rồi ngẩng đầu lên, Tần Tranh bất ngờ phát hiện, thay vì tiếc xót, trên đôi môi anh là bất đắc dĩ và buồn cười thật lòng nhiều hơn cả.

"Ví nên đổi từ lâu rồi, ảnh chụp cũng đi in ra thôi, bản gốc trên máy tính. Còn phải cảm ơn em cho tôi một ngày rất thú vị. Vả lại..."

Gió xuân Budapest ôn dịu hơn bất cứ làn gió nào nơi châu Âu dịu dàng hôn lên mái tóc dài của anh. Thẩm Thiêm ngoái đầu nhìn Buda ở bên kia cầu, thở một hơi dài, khẽ nói: "Mới đầu không muốn về... Cơ mà, cũng đã đến tận đây rồi."

"Đi thôi." Anh chìa tay về phía Tần Tranh: "Dắt em về nhà tôi chơi."

Nhà anh nằm ở phía Bắc Budapest, trên gò núi cao Buda cổ.

Đi qua con đường gạch đá xanh, sượt qua vai những du khách đeo chiếc ba lô ăm ắp hoa tươi, Thẩm Thiêm theo thói quen mua một chiếc bánh mì kiểu Pháp cỡ đại trong tiệm bánh đã vài chục năm tuổi gần đó, giao cho Tần Tranh đang đeo kính râm, giờ thì trông hắn như tên côn đồ với món vũ khí tùy thân mới tậu.

Những con đường thẳng tắp, những con ngõ ngoằn ngoèo, vài tiệm bánh, vài tiệm hoa góc phố.

Trong căn nhà gỗ anh từng trú giữa đêm bão tuyết Oslo, con đường về nhà mà anh đã chỉ anh bạn người Vienna từng ngóc ngách trên bản đồ Google. Sau bao nhiêu năm xa cách, cuối cùng anh cũng đặt chân lên những bậc thềm đá tối tăm nơi anh từng chuyện trò với Thẩm Ngọc Nhữ, nhìn thấy màu nắng ươm vàng bị anh tìm thấy trên mảnh đất Barcelona. Chớp mắt, sóng biển, dòng ký ức mỗi ngày một phai mờ quay về toàn vẹn trong khối óc Thẩm Thiểm.

Xuống thềm đá vài chục bước chân, cánh cửa gỗ lim của tòa nhà bên tay trái treo một tấm biển rất đẹp. Rất lâu trước đó, một người phụ nữ Trung Quốc sau hai mươi năm viết những con chữ vuông vức duyên dáng đã tự tay khắc xuống dãy ký tự tiếng Hungary vừa học cho căn nhà mãi về sau của mình.

/ Tôi nguyện là dòng sông

/ Dòng sông con trong núi

/ Qua những đường khúc khuỷu

/ Những mỏm đá cheo leo

(Bài thơ Tôi nguyện là dòng sông - Lennék én folyóvíz, tác giả: Petőfi Sándor)

Đây là sáng tác của nhà thơ bà thích nhất.

"Haha, nhóc ngầu."

Dưới bài thơ của Petofi, Thẩm Ngọc Nhữ khoác áo choàng nghiêng người dựa vào khung cửa như đã đoán được từ trước, nâng ly với vị khách từ phương xa trở về và bạn bè anh.

"Về rồi à?" Bà hỏi.

Dưới ngọn đèn cách Thẩm Ngọc Nhữ vài bước chân, khóe môi Thẩm Thiêm cong cong, gật đầu với người bà mình xa cách đã lâu, thốt lên câu chào Thẩm Ngọc Nhữ đã in vào tiềm thức mỗi lần tan học về nhà:

"Con nhớ ngoại, ngoại ơi."

Chú thích

Cầu Xích

Những chiếc giày sắt bên bờ sông Danube



Bình Luận (0)
Comment