Âm Dương Giới

Chương 31

Văn Thiếu Côn không bao giờ có bụng giết hại ai. Nhưng tình thế hiện thời bắt buộc, chàng thừa biết rằng nếu không hại người thì người cũng hại mình, cho nên chàng quyết bám theo lão già để tấn công tiếp.

Lão già nọ không đủ súc giữ, thanh kiếm sút khỏi tay văng đi nơi khác.

Trong tay không còn binh khí tùy thân, sau khi bị kình lực đẩy bắn ra, thân hình lăn long lóc trên đất, nội phủ bị thương nhẹ không làm sao chống đỡ nổi.

Hơn nữa, động tác của Văn Thiếu Côn lanh như gió, ánh kiếm phát ra như chớp nhoáng, trong nháy mắt đã chạm sát ngay ngực, khiến lão chỉ còn cách nằm yên chờ chết.

Bản chất của Văn Thiếu Côn vốn đầy lòng nhân hậu, chẳng nỡ giết người, khi mũi kiếm điểm gần tới ngực chàng khẽ lách nhẹ sang một bên, trong đường tơ kẽ tóc.

Một tiếng ối vang lên, cánh tay phải của ông lão ăn xin đã bị xẻ một đường dài, máu tuông xối xả.

Lão già râu bạc tuy là người điều khiển nhưng vốn không phải là mạch tâm của thế trận, trước tình trạng ấy cũng sợ hãi đứng đơ người không biết làm sao hơn được.

Đầu não mạch tâm của thế trận đã trừ rồi, tất cả mười lăm cao thủ còn lại đã lâm vào cảnh hỗn loạn. “Lục Hợp kiếm trận” tự nhiên tan rã.

Văn Thiếu Côn thích chí tung mình bay vọt lên không, lướt qua đầu các lão ăn xin còn đang đứng ngơ ngác, rồi nhẹ nhàng rơi xuống phía trong cách xa một trượng.

Lúc chàng quay lại thì Khúc Tự Thủy đã đứng cạnh bên mình rồi.

Lão già ăn xin râu bạc, mặt mày xám ngắt đứng đờ người chưa nói được lời nào, Văn Thiếu Côn mỉm cười nói :

- Vãn bối đã phá xong kiếm trận, vậy ngài còn điều gì muốn nữa, xin cho biết.

Lão già nghiêm mặt nói :

- Thiếu hiệp đã phá xong kiếm trận, thì lão phu lẽ nào dám sai lời hứa.

Rồi thở phào một cái, lão nói tiếp :

- Hơn mười năm nay, bọn già này canh gác tại cửa hang, chưa có một cao thủ nào phá nổi “Lục Hợp kiếm trận”. Thiếu hiệp là người đầu tiên làm được việc ấy.

Văn Thiếu Côn ngạc nhiên hỏi :

- Té ra xưa nay cũng có nhiều người trong giới võ lâm muốn tìm gặp Mộ Dung lão tiền bối sao?

Nét mặt lão già đã trở nên tươi tỉnh và vui vẻ. Lão đưa tay chỉ về phía trước nói :

- Cách rừng phong kia là mồ chôn của hơn một trăm bộ xương khô. Đó là di sản của những kẻ phá “Lục Hợp kiếm trận” lưu lại.

Rồi nhìn mặt Văn Thiếu Côn, lão ôn tồn nói :

- Quy luật này của gia sư đặt ra. Hôm nay thiếu hiệp đã phá xong kiếm trận, tức nhiên gia sư đã chấp thuận cho giáp mặt. Vậy lão phu xin nhận dẫn đường đến đó.

Nói xong lão bước đi trước.

Văn Thiếu Côn đưa mắt tỏ ý mời Khúc Tự Thủy, rồi hai người cùng song song đi theo.

Đường vào hang xuyên qua rừng phong rậm rạp xanh tươi và thỉnh thoảng có nhiều tảng đá nổi lên, khiến sự đi lại thêm khó khăn hiểm trở.

Ba người men theo một con đường quanh co khúc khuỷu dài độ năm mươi trượng, qua khỏi cửa hang đi một chập nữa, thấy một dãy nhà đá hiện ra trước mắt.

Dãy nhà đá ấy xây dựa theo bìa núi, cả thảy hơn hai mươi gian, nhà nào cũng vuông vắn, ngay ngắn gọn gàng.

Lão già ăn xin râu bạc rảo bước đi trước, đưa tay nắm lấy một cái vòng tròn bằng sắt trên cửa đá của dãy đầu phía tay mặt kéo mạnh.

Bỗng nghe mấy tiếng lịch kịch, cửa đá mở ra vừa đủ một người nghiêng mình vô lọt.

Ông ta liếc nhìn hai người rồi nhẹ nhàng lách vào hang.

Văn Thiếu Côn ngại ngùng dùng truyền âm nhập mật hỏi nhỏ :

- Khúc cô nương, theo nhận xét của cô nương thì thế nào?

Khúc Tự Thủy cũng dùng truyền âm đáp :

- Trước cửa bụi nhện giăng, cỏ mọc đến đầu gối, bên trong tối om không có ánh đèn lại thêm có mùi hôi thối xông lên, hình như nơi đây đã bị bỏ hoang lâu lắm rồi. Không biết tại sao Độc Nhãn Thần Cái lại chịu ở một nơi như thế này?

Nàng vừa nói vừa sấn bước đến trước mặt Văn Thiếu Côn và đi luôn.

Văn Thiếu Côn tuy cảm thấy lạ lùng nhưng cũng rảo bước theo sau không ngần ngại.

Phía trong nhà đá vuông vức chừng hai trượng, ngoài một chiếc cửa ra vào không có cửa sổ gì cả. Trong nhà hoàn toàn trống không, không giường, không bàn ghế, ngay cả nệm cỏ cũng không có nốt.

Sự ngạc nhiên của Văn Thiếu Côn mỗi lúc càng tăng thêm rồi đâm ra lo lắng. Chàng vội vàng vận công lực để chuẩn bị phòng đối phó với những biến cố bất ngờ, đồng thời nói với lão già râu bạc :

- Chả lẽ ngài còn muốn giở trò quái gở cùng ta nữa sao?

Lão già xua tay :

- Thiếu hiệp cứ yên tâm, lão phu không bao giờ có ác ý hay âm mưu gì.

Bất thình lình Văn Thiếu Côn đưa tay chộp cổ ông già nghiến răng hỏi :

- Độc Nhãn Thần Cái lão tiền bối đâu rồi?

Lão già lắp bắp nói :

- Gia sư ở trong phòng cách vách bên kia.

Văn Thiếu Côn bán tín bán nghi nới tay ra một chút nói :

- Thế thì mau vào bẩm giùm chúng tôi một tiếng.

Nét mặt lão già trở nên trang trọng và lão bước nhẹ về phía bên vách, đưa tay khẽ gõ ba tiếng.

Một lúc lâu vẫn lặng thinh không nghe tiếng trả lời. Lão già vẫn đứng chấp tay lắng nghe tỏ vẻ kính cẩn lắm.

Văn Thiếu Côn quá sốt ruột, nhìn chòng chọc vào lão già nói :

- Có lẽ ngài ngủ quên, vậy nhờ kêu thêm lần nữa xem nào.

Khúc Tự Thủy cũng chạy tới nhìn lão già mỉm cười nói :

- Tại sao lệnh sư lại ở chỗ thâm u bí hiểm như thế này? Chả lẽ ngài lại mắc chứng bệnh gì cũng nên.

Lão ngậm ngùi nói :

- Đối với hai vị là người đã phá nổi “Lục Hợp kiếm trận” thì lão phu cũng chẳng giấu giếm gì. Đã mười năm qua sau khi định cư nơi đây, gia sư đã cho xây cất những gian nhà đá này, từ đó hàng ngày chỉ tĩnh tọa bên trong không bao giờ bước ra ngoài nữa. Ngài ngồi trong nhà, ngày ngày dùng truyền âm nhập mật dạy phép bồi bổ “Lục Hợp kiếm trận” để khắc địch. Lão phu ngày đêm canh gác nơi cửa hang là để ngăn giữ không cho người ngoài xông vào trong được.

Văn Thiếu Côn tò mò hỏi :

- Suốt mười năm có điều gì thay đổi mới lạ chăng?

Lão lắc đầu đáp :

- Không có! Nhưng ba năm sau, gia sư lại sai chúng ta bịt kín những nhà đá lại, để gia sư một mình tĩnh tọa bên trong không đi ra ngoài bao giờ.

- Mộ Dung tiền bối đóng bít các cửa lại, chả lẽ chẳng ăn uống gì cả sao?

Lão cau mày đáp :

- Gia sư tuy không phải người tu hành đắc đạo nhưng cũng đi đến chỗ không ăn uống như người đời, mỗi ngày chỉ dùng một ít trái cây do anh em bọn lão phu chuyển vào mà thôi.

Văn Thiếu Côn liếc mắt nhìn bốn phía hỏi :

- Chỗ này không có cửa lớn và cửa sổ thì làm thế nào để đưa được trái cây vào?

Lão đưa tay chỉ vào phía bên kia nói :

- Nơi vách đó có một cửa nhỏ và một cửa lớn đều đóng mở từ bên trong.

Hằng ngày khi bọn lão đưa trái cây đến đều phải gõ vào vách đá trước, đợi gia sư mở cửa rồi mới dám đưa vào.

Nghỉ một lát lão nói tiếp :

- Còn tấm cửa đá lớn kia đã hơn mười năm chưa mở một lần nào.

Văn Thiếu Côn cau mày nói :

- Nếu thế thì lệnh sư quả là một quái nhân.

Khúc Tự Thủy cũng xen vào hỏi :

- Tôi muốn hỏi một điều nữa có được không?

Lão đáp :

- Cô nương có điều gì xin cứ hỏi.

Nàng nói :

- Chẳng biết “Lục Hợp kiếm trận” có phải là do tuyệt học tổ truyền không?

Lão già sửng sốt một chập rồi đáp :

- Điều này... lạ quá... so với tổ học bản môn khác nhau nhiều lắm.

Khúc Tự Thủy hỏi tiếp :

- Như thế chắc quý ngài chưa từng nghiên cứu qua việc đó phải không?

Ông già có chòm râu bạc run run, nghiêm nét mặt đáp :

- Gia sư là người nối tổ nghiệp, vì quyền lợi của bản môn trên hết, nên những hành vi của ngài, bọn lão phu không còn dám nghi kỵ vào đâu được. Tuy biết rằng trận thế này không phải của bản môn nhưng không dám hỏi.

Khúc Tự Thủy bĩu môi nói :

- Theo sự hiểu biết của chúng tôi, thì đó chẳng qua là cái học của kẻ phàm phu tục tử, tầm thường không có gì đáng tâng bốc.

Lão già đỏ mặt nói :

- Đó là việc riêng của bản môn, cô nương không nên đi xa thêm.

Văn Thiếu Côn vội vàng đỡ lời :

- Điều cần thiết duy nhất đối với chúng tôi lúc này là mau mau cho chúng tôi được gặp Mộ Dung lão tiền bối. Xin phiền ngài tìm cách gọi thêm một lần nữa.

Lão già nghiêm mặt nói :

- Hai vị đã phá được “Lục Hợp kiếm trận” thì sớm muộn gì cũng gặp được mặt gia sư, xin cứ đợi hơn nữa, nóng nẩy chẳng ích gì.

Miệng tuy nói chuyện nhưng lão đưa tay gõ nhẹ vào vách đá cái nữa.

Lần này không phải chờ lâu nữa. Trong nháy mắt, vách đá đã nghe lịch kịch và hiện ra một cái thúng bằng cái đầu người.

Văn Thiếu Côn vội đưa mắt nhìn vào trong.

Trong nhà đá tối đen như mực. Mặc dù nhãn lực của chàng đã đến trình độ tinh diệu gấp mấy người thường, nhưng vẫn không thể nhận định những gì trong ấy.

Không khí bên trong cũng khác hẳn bên ngoài, cánh cửa vừa mở ra đã có mùi hôi thối và tanh tanh xông vào mũi.

Vừa thấy cửa động mở ra, lão già râu bạc đã vội bước tới quỳ xuống bẩm rằng :

- Đệ tử Âu Dương Cầu, xin yết kiến ân sư.

Trong động có tiếng khàn khàn đưa ra :

- Được rồi.

Nghĩ một chập hỏi tiếp :

- Có việc chi không?

Văn Thiếu Côn nhìn vào trong, ngoài bóng tối đen ngòm, chẳng thấy một vật gì hết.

Lão già râu bạc nói :

- Đệ tử xin bẩm ân sư, có một người tên là Văn Thiếu Côn xin được vào yết kiến.

Tiếng khàn khàn lại vang lên có vẻ giận dữ :

- Những việc nhỏ nhặt như thế mà cũng làm bận rộn đến ta nữa sao. Cứ bảo họ phải tuân theo quy lệ của bản cốc, xuyên qua “Lục Hợp kiếm trận”. Nếu phá được rồi sẽ đem vào yết kiến ta, bằng không thì...

Ngừng một chập lại tiếp :

- Chẳng lẽ Thanh Phong cốc này còn cần thêm nhiều xương khô nữa sao?

Văn Thiếu Côn nghe nói trong lòng đã sinh nghi và thắc mắc :

- Người nói giọng khàn khàn kia rõ ràng là Độc Nhãn Thần Cái Mộ Dung Nhã. Mình đây là người chính ông ta đã nhờ Niệp Sáp hòa thượng đưa đến tận tay vợ chồng họ Văn tại Hạ Lan sơn. Tại sao khi nhắc tới việc mình, ông ta lại thờ ơ không thèm quan tâm đến, và tựa hồ như chưa bao giờ biết tới việc này?

Lão già râu bạc ấp úng nói :

- Đáng tiếc, đệ tử bất tài nên đã bị người ta...

Nói đến đây hình như quá xấu hổ hay sợ sệt, lão cứ lắp bắp hoài mà không nói tiếp được nữa.

Giọng khàn khàn có vẻ giận dữ, gắt lớn :

- Bị làm sao, nói mau?

- Bị gã ấy cùng nàng con gái phá tan “Lục Hợp kiếm trận”.

Giọng ấy lại vang lên, dằn từng tiếng một :

- Lục Hợp kiếm trận đã bị phá rồi sao?

Ngừng một chốc, giọng nói có phần dịu hơn :

- Người ấy đâu rồi, đến đây chưa?

Lão già đáp :

- Đã đến rồi, cùng một lúc với đệ tử.

Đột nhiên có tiếng cười ha hả rồi tiếng khàn khàn ra lệnh :

- Được, xin mời vào đây.

Từ trong vách đá lại nghe tiếng két két rất lớn, một cánh cửa cao hơn bảy thước, rộng hơn ba thước từ từ mở ra.

Lão già vội vàng đứng dậy, đứng nép bên cửa đá nói :

- Gia sư đã bằng lòng tiếp kiến, xin mời hai vị bước vào.

Văn Thiếu Côn liếc mắt nhìn Khúc Tự Thủy như ngầm hỏi rồi dùng truyền âm nhập mật nói :

- Cô nương tính sao? Chúng ta nên vào trong ấy không?

Nàng cau mày đáp :

- Không vào hang cọp làm sao bắt được cọp. Vả chăng nếu không gặp được Độc Nhãn Thần Cái chắc hẳn công tử cũng không bao giờ thuận rời khỏi nơi đây. Câu hỏi này có lẽ cũng đã thừa rồi.

Văn Thiếu Côn gật đầu ngẫm nghĩ :

- “Nàng đã nói đúng. Mình có rất nhiều thắc mắc, chỉ có một mình Độc Nhãn Thần Cái mới có đủ khả năng giải thích. Không gặp được ông ấy, làm sao bỏ đi về cho được”.

Nghĩ thế chàng hết còn nghi ngại, vội vàng rảo bước vào trong.

Phía trong nhà đá, hình thức cũng tương tự như lúc chàng nhìn vào từ bên ngoài, nhưng còn tối tăm hơn nhiều. Thị lực của Văn Thiếu Côn cũng đã quá cao siêu nhưng lúc này có giơ bàn tay vẫn không thấy rõ ngón.

Chàng dừng chân định thần một chập mới phân biệt được quang cảnh trong nhà.

Ngoài một cái giường đá đặt ngay chính giữa, không có một thứ gì khác nữa.

Trên giường đá có một bóng đen hơi cử động.

Qua một hồi lâu nữa, khi thị lực đã quen với bóng tối, chàng mới phân biệt được bóng đen nọ là một hình người.

Văn Thiếu Côn ngần ngại một phút rồi chạy lại trước giường khẽ gọi :

- Mộ Dung tiền bối.

Người kia khẽ ờ một tiếng rồi hỏi :

- Ngươi có phải là Văn Thiếu Côn không?

Văn Thiếu Côn đáp :

- Chính là cháu đây.

Vừa nói chàng vừa nhìn thân hình và tướng mạo người ấy, nhưng trong bóng tối không thể nào phân biệt nổi.

Người ấy ngồi xếp bằng tròn trên giường đá, mặt phủ một tấm vải đen che kín cả đầu. Nhìn qua chỉ thấy một đống đen lù lù mà thôi.

Văn Thiếu Côn ngơ ngác nghĩ thầm :

- “Một người tự giam mình vào căn nhà tối tăm u ám không có ánh sáng mặt trời suốt mười năm liền, quả là một điều không tưởng tượng nổi. Vì sao ông ta phải làm như thế nhỉ?”

Đang mải suy nghĩ bỗng nghe tiếng rít ken két, tấm cửa bằng đá đã tự động đóng kín lại như cũ.

Văn Thiếu Côn có ý sợ, nhưng vẫn đứng yên không nhúc nhích.

Khúc Tự Thủy từ từ bước lại đứng bên cạnh chàng.

Độc Nhãn Thần Cái ho một tiếng rồi chậm rãi nói :

- Thời gian trôi qua mau quá, năm nay ngươi đã mấy tuổi rồi?

Lời nói có vẻ cảm khái vô cùng.

Văn Thiếu Côn vội đáp :

- Cháu đã mười sáu tuổi.

Độc Nhãn Thần Cái thở phào một cái rồi nói :

- Mười sáu năm rồi sao?

Nghĩ một chập hỏi luôn :

- Song thân còn sức khỏe cả đấy chứ?

Văn Thiếu Côn vừa thương tâm vừa xúc động vội vàng thưa :

- Chả lẽ lão tiền bối chưa nghe gì về thảm cảnh đã xảy ra tại Hạ Lan sơn sao?

Vừa hỏi xong, chàng chợt nghĩ lại mới thấy câu hỏi cũng thừa, vì Độc Nhãn Thần Cái đã tự giam mình trong mười năm nay trong gian nhà đá này, cửa đóng kín mít như thế kia, Thanh Phong cốc lại ở một nơi hầu như cách biệt với người đời, lẽ đương nhiên làm sao ông có thể biết được những gì mới xảy ra trên giang hồ gần đây được.

Vì mặt mày bị tấm vải đen che lấp, không hiểu thân xác của ông ta ra sao, chỉ thấy đôi vai khẽ run động và nói :

- Hang này được đổi tên là Vọng Ngã. Già này đối với mình còn quên chẳng nhớ tới, chả lẽ lại quan tâm đến sự việc của người đời hay sao?

Nghĩ một lát ông nói thêm :

- Hạ Lan sơn đã xảy ra chuyện gì? Hay là...

Văn Thiếu Côn lần lượt kể lại mọi việc đã xảy ra.

Đợi khi chàng kể xong, Độc Nhãn Thần Cái bình tĩnh nói :

- Xấu tốt rủi may đều do tiền định cả, cũng chẳng biết trách cứ vào đâu được. Nhưng chỉ có một điều là Niệp Sáp hòa thượng đã quá hàm hồ... Hừ, già này tuyệt giao đã lâu mà lão ấy lại bảo già là một trong ba người bạn thân trong đời mình. Như thế chẳng phải là điều đáng buồn cười lắm sao? Già này giận một nỗi là không thể ăn tươi nuốt sống được...

Nói đến đây ông trầm ngâm yên lặng như để nén bớt sự hậm hực đang trào sôi trong lòng.

Văn Thiếu Côn hết sức ngạc nhiên, chẳng hiểu ra sao hết. Để thử thách và tìm hiểu thêm, chàng hỏi tiếp :

- Theo lời Niệp Sáp hòa thượng thì khi cháu vừa hai tuổi, lão tiền bối đã đem giao cho ông ta, không rõ...

Độc Nhãn Thần Cái cười khanh khách nói :

- Già này suốt đời sống một mình chưa bao giờ cận kề nữ sắc, nên nhất định không phải là thân phụ của ngươi rồi.

Văn Thiếu Côn vừa bực mình vừa thẹn thùng trước câu nói trắng trợn ấy, chỉ ấp úng :

- Việc này ra sao chưa rõ. Nhưng cháu không hiểu từ nơi đâu lão tiền bối nhận ra cháu và đem giao cho Niệp Sáp hòa thượng để đem về Hạ Lan sơn gởi gấm vợ chồng Văn Tử Ngọc nuôi dưỡng. Vậy cha mẹ của cháu là ai?

Độc Nhãn Thần Cái hừ một tiếng rồi nói :

- À, ra thế là ngươi cố đến đây để tìm hiểu cái lai lịch của nhà ngươi phải không?

Văn Thiếu Côn nói :

- Ngày nay cháu đã lớn khôn thành người, lẽ đương nhiên cháu cần biết rõ thân thế lai lịch của mình. Vậy xin lão tiền bối sẵn lòng giúp cho cháu điều đó.

Trên đời chỉ còn lão tiền bối là người...

Độc Nhãn Thần Cái gật đầu nói :

- Được, rồi đây già sẽ kể cho ngươi biết.

Tiếp theo ông cười hà hà, nói tiếp :

- Như cái thân thế của ngươi, trên đời này không mấy ai biết rõ được đâu.

Văn Thiếu Côn cảm thấy tâm tình xúc động, nín thinh chẳng dám thở mạnh, lắng nghe cho kỹ.

Nhưng khi nói đến đó Độc Nhãn Thần Cái lại nín thinh không kể nữa.

Văn Thiếu Côn kiên nhẫn chờ nghe, mãi hồi lâu không thấy động tĩnh, chàng nóng ruột quá buột miệng hỏi :

- Sao, xin lão tiền bối cho biết nốt đi.

Độc Nhãn Thần Cái nói :

- Sự việc xa cách từ trên mười năm cũ, có những tin tức éo le gây cấn mà già đây cần suy xét để nhớ ra dần dần.

Nghĩ một lát bỗng hỏi Văn Thiếu Côn :

- Còn cô bé nào kia, đến đây làm gì?

Văn Thiếu Côn vội vàng đáp :

- Nàng này là Khúc Tự Thủy, vốn ở núi Trường Bạch, là ân nhân của cháu.

Khúc cô nương vì muốn cứu cháu mà rủi bị độc thương rất nặng...

Độc Nhãn Thần Cái hứ một tiếng nói chận ngay câu chuyện của chàng đang kể :

- Nàng bị độc thương sao không lo đi tìm cách cứu chữa lại tới đây làm gì?

Văn Thiếu Côn rất khó nói, suy nghĩ một chập, cuối cùng phải đi thẳng vào vấn đề ngay :

- Số là cháu được một vị tiền bối trong võ lâm cho biết, thiên hạ tương truyền xưa kia lão tiền bối có một con cóc ngọc ba chân có thể chữa lành bất cú loại độc thương nào. Vì vậy nên chúng cháu cùng đem nhau đến đây thỉnh cầu lão tiền bối gia ân cứu chữa.

Độc Nhãn Thần Cái không trả lời câu ấy mà hỏi qua việc khác :

- Kẻ giới thiệu ấy tên gì?

Văn Thiếu Côn áy náy không yên. Qua những câu đối thoại chàng cảm thấy Độc Nhãn Thần Cái quả là một người rất kỳ quái, chỉ ngại rằng ông ta sẽ khước từ không chịu giúp.

Khi nghe hỏi, chàng vội vàng đáp :

- Vị tiền bối đó tên là Thời Tư Tình tự xưng là Vọng Tình lư chủ.

Độc Nhãn Thần Cái “ờ” một tiếng rồi lẩm bẩm đọc lại từng tiếng :

- Thời... Tư... Tình!

Văn Thiếu Côn ngơ ngác hỏi :

- Chắc lão tiền bối có quen ông ấy.

Độc Nhãn Thần Cái không trả lời mà hỏi tiếp :

- Các ngươi đã gặp người ấy lúc nào, nhân dịp nào, mới quen nhất thời rồi lại chia tay, hay là đã biết nhau từ trước.

Văn Thiếu Côn đáp :

- Chúng cháu gặp người ấy trong trường hợp bất ngờ, chỉ một đêm rồi chia tay nhau. Xưa nay chưa hề quen và cũng chưa hề nghe đến tên tuổi.

Độc Nhãn Thần Cái hỏi tiếp :

- Thế ra ông ta có biết rõ ngươi là con của Văn Tử Ngọc không?

Văn Thiếu Côn ngạc nhiên không hiểu ông ta hỏi thế để làm gì. Chàng e dè hồi lâu mới nói :

- Có lẽ ông ta không biết, mà cháu cũng không nhắc tới chuyện này bao giờ.

Độc Nhãn Thần Cái lại nói :

- Vừa rồi ngươi mới nói gì về cô nương đây nhỉ?

Văn Thiếu Côn vội vàng nhắc lại :

- Khúc cô nương vì cứu mạng cháu mà trúng phải độc Huyền Phách Hàn Châu của Âm Ma Đoàn Vô Hoa. xin lão tiền bối ra tay cứu xét, cháu nguyện suốt đời không quên ơn cao dày của tiền bối.

Khúc Tự Thủy cũng lễ phép nói :

- Cháu, Khúc Tự Thủy, xin thành kính ra mắt lão tiền bối.

Độc Nhãn Thần Cái khoát tay cười lớn :

- Miễn lễ, xin miễn lễ cho.

Nói xong ông thò tay vào bọc bên trong, lấy ra một vật.
Bình Luận (0)
Comment